Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Dinh Độc Lập Và Những Biến Cố Lịch Sử Việt Nam


1*. Mở bài

Dinh Độc Lập là “chứng nhân” đã chứng kiến những biến cố lịch sử của Việt Nam, từ những cuộc đảo chánh, cách mạng của chính trị miền Nam. Còn được gọi là Dinh Tổng Thống hay Phủ Đầu Rồng.

Trước ngày 30-4-1975, Dinh Độc Lập (DĐL) là nơi cư ngụ và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. DĐL có hai kiến trúc, kiến trúc cũ được xây dựng ngày 23-2-1868, có tên là Dinh Norodom, sau đổi thành Dinh Độc Lập.

Kiến trúc mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và thực hiện xây dựng dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Kiến trúc cũ bị hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc đánh sập bằng bom vào năm 1962.

Cánh cửa của DĐL bị xe tăng của Cộng Sản Bắc Việt húc sập vào buổi sáng ngày 30-4-1975, đánh dấu ngày nước Việt Nam Cộng Hòa lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Từ đó, DĐL được đổi tên thành Dinh Thống Nhất. Việt Cộng dùng làm khu du lịch để kiếm tiền, do du khách tò mò muốn biết nơi ở và làm việc của các tổng thống VNCH.

2*. Vài nét về lịch sử của Dinh Độc Lập

2.1. Thời Pháp thuộc

Ngày 23-2-1868, Thống đốc Nam Kỳ, Lagrandière, làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ. Viên đá lịch sử lấy từ núi Châu Thới Biên Hòa, hình vuông, mỗi gốc rộng 50cm, có lỗ, bên trong chứa những đồng tiền bằng vàng, bạc, đồng, có in hình Napoléon Đệ Tam.

Diện tích công trình rộng 12 mẫu tây. Mặt tiền rộng 80m. Bên trong có phòng khách chứa đến 800 người. Do nước Pháp có chiến tranh, công trình kéo dài đến năm 1863 mới xong. (1868-1863=5 năm)

Dinh được đặt tên là Dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng mang tên Norodom, là tên của dòng họ cai trị vương quốc Campuchia. Dinh Norodom là nơi ở và làm việc của Thống đốc Nam Kỳ, người Pháp.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp, dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật Bản ở VN.

2.2. Thời Việt Nam Cộng Hoà

Dinh Độc Lập cũ

Ngày 7-9-1954, Dinh Norodom được Đại tướng Paul Ely bàn giao lại cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Năm 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên thành Dinh Độc Lập. Từ đó, DĐL là nơi ở và làm việc của Tổng thống Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà.


Phủ Đầu Rồng. Báo chí gọi DĐL là Phủ Đầu Rồng, vì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lấy quốc huy là hai con rồng trong bức hình lưỡng long tranh châu. Các nhà tướng số, phong thủy lại bàn tán ra rằng, DĐL nằm trên mảnh đất có cái đầu của con rồng, mà cái đuôi của nó dài ra tới Công trường Chiến, sĩ ở ngã tư Duy Tân – Trần Quý Cáp. Họ cho rằng, muốn được yên vị ở cái đầu con rồng là DĐL, thì phải trấn ếm cái đuôi của nó, để cho nó không còn khả năng vùng vẫy quậy phá gây bất ổn.


Sau đó, tượng đài Chiến sĩ vô danh của Pháp để lại, bị đập phá và xây lại một cái tháp cao, đặt giữa cái hồ nước tròn, có một con rùa bằng đồng nằm dưới chân tháp, cho nên gọi là Hồ con rùa.

Ngày 27-2-1962, hai phi công VNCH là Thiếu úy Nguyễn Văn Cử và Trung úy Phạm Phú Quốc lái hai chiếc phi cơ A-1 Skyraider, ném bom làm sập bộ phận chính bên trái của dinh. Do không có thể hồi phục lại được, nên Tổng thống Diệm cho đập phá toàn bộ để xây lại dinh thự mới trên nền đất cũ, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

2.3. Dinh Độc Lập mới

Ngày 1-7-1962, Dinh Độc Lập mới được khởi công xây dựng. Thời gian nầy, Tổng thống Ngô Đình Diệm chuyển sang cư ngụ và làm việc ở Dinh Gia Long.

Công trình xây dựng đang tiến hành thì Tổng thống Diệm bị đảo chánh và bị giết vào ngày 2-11-1963. Như vậy, Tổng thống Diệm chưa được vào ở và làm việc ở DĐL do ông cho xây cất.

Ngày 31-10-1966, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, chủ tọa lễ khánh thành DĐL. Tổng thống Thiệu ở và làm việc tại đó từ tháng 10 năm 1967 cho đến ngày 21-4-1975.

Ngày 8-4-1975, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung lái phi cơ F-5E ném bom DĐL, thiệt hại không đáng kể.
Tổng thống Trần Văn Hương cũng vào làm việc tại văn phòng Tổng thống trong dinh, trước khi trao quyền lại cho Tổng thống Dương Văn Minh.

2.4. Dinh Độc Lập lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt

Ngày 30-4-1975, xe tăng CSBV húc sập cánh cửa DĐL đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Công Hoà.
3*. Kiến trúc của Dinh Độc Lập

3.1. Dinh Độc Lập mới


Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc độc đáo của kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ. Được khởi công ngày 1-7-1962 và khánh thành ngày 31-10-1966. KTS Ngô Viết Thụ muốn cho công trình của mình mang một ý nghĩa văn hoá. Từ nội thất cho đến mặt tiền, đều tượng trưng cho một triết lý cổ truyền, nghi lễ Đông phương, và cá tính dân tộc.

Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn. Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình Quốc Thư. Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( 口 ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ), theo quan niệm dân chủ hữu tam, là viết Nhân, viết Minh, viết Võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh, thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang của chữ TAM này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), trên có kỳ đài làm thành nét Chấm (Giống dấu huyền) tạo thành hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn, lầu 2 và lầu 3, kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi mãi.

Bên trong, những đường nét kiến trúc đều dùng những đường ngay, kéo thẳng, mang ý nghĩa ngay thẳng, quang minh chính đại.Trước sân dinh, thảm cỏ hình bầu dục, đường kính dài 102m. Màu xanh rì của thảm cỏ tạo cảm giác êm dịu, sảng khoái. Báo chí thời đó cho biết, cỏ phải mua từ Nhật mang về.

Một hồ nước hình bán nguyệt, có thả hoa sen, hoa súng gợi lên hình ảnh những hồ nước yên ả, ở các ngôi đình, chùa cổ kính Việt Nam ngày xưa.

Dinh có diện tích 120,000 mét vuông, có 4 khu nhà.

Khu nhà chính hình chữ “T”, diện tích mặt bằng 4,500 mét vuông, cao 26m. Đây là nơi ở và làm việc của tổng thống. Khu nầy có 3 tầng, tầng hầm, tầng nền và lầu hai. Có 2 gác lửng và một sân thượng làm bãi trực thăng.

Khu nhà chính có 95 phòng, mỗi phòng có công dụng riêng. Kiến trúc và trang trí mỗi phòng phù hợp với mục đích xử dụng.

Phòng trình quốc thư Phòng tiếp khách ngoại quốc

Phòng họp nội các, phòng đại yến, phòng khách nước ngoài, phòng tiếp khách trong nước, phòng trình quốc thư, phòng làm việc của tổng thống, phòng tiếp khách của phó tổng thống. Một khu quân sự gồm có đài phát thanh, phòng trực chiến của tổng thống, phòng bản đồ…phòng giải trí. Có một hầm ngầm để điều khiển hành quân.

Kinh phí xây dựng khá tốn kém, tương đương 15,000 cây vàng.

Trang thiết bị trong dinh hiện đại nhất thời đó. Lễ lạc quy tụ cả ngàn người. Hệ thống điều hòa không khí, thang máy, thông tin liên lạc nội bộ, nhà bếp, kho bãi như một khách sạn 5 sao thứ lớn.

Đặc biệt, một tổng hành dinh ngầm dưới mặt đất, là một khối hầm bằng bê tông dầy bọc thép, chịu đựng được bom thứ lớn và pháo kích, đáp ứng phòng thủ tối tân nhất.

Có 4,000 ngọn đèn các loại, hàng chục tác phẩm nghệ thuật quý giá. Thảm, rèm, bàn ghế, vật dụng đều hạng nhất.

Dinh Độc Lập là một vật chứng tiêu biểu, gắn liền với vận mệnh dân tộc, đồng thời cũng là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc kết hợp hài hòa văn hoá Đông Tây.

3.2. Vài nét về kiến trúc sư Ngô Viết Thụ


Ngô Viết Thụ sinh ngày 17-9-1926 tại Thừa Thiên-Huế. Thời gian 1950-1955, là sinh viên ngành kiến trúc tại trường Mỹ Thuật Quốc Gia Paris. (Pháp)
Năm 1955, ông nhận giải nhất , Giải Thưởng Lớn Roma, thường được gọi là Khôi Nguyên La Mã.

Giải La Mã (Prix de Roma) là giải học bổng cho những sinh viên ngành nghệ thuật. Giải nầy được thành lập thời vua Louis XIV. Đây là giải hàng năm cho nghệ sĩ (gồm hội họa, điêu khắc và kiến trúc). Tài năng, thông qua một cuộc thi sát hạch. Người trúng giải được vào ở Cung điện Mancini do chi phí của nhà vua Pháp tài trợ. Người đoạt giải sẽ được gởi đến Viện Hàn Lâm Pháp ở Roma (Académie de France à Rome)

Năm 1960, KTS Ngô Viết Thụ về VN làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Năm 1962, ông là người Á châu đầu tiên trở thành Viện Sĩ Danh Dự của Viện Kiến Trúc Hoa Kỳ.

Ông đã thiết kế nhiều công trình xây dựng mang sắc thái đặc biệt về kỹ thuật và mỹ thuật. Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, Làng Đại học Thủ Đức, Viện Nguyên Tử Đà Lạt, Thương xá Tam Đa, tòa đại sứ VNCH ở Anh…Rất tiếc, một số công trình quan trọng bị thay đổi thiết kế vì lý do kinh phí và nhiều lý do khác, đã làm cho phong cách thiết kế của ông bị mất đi nhiều phần.

Ông qua đời ngày 9-3-2000 tại Sài Gòn. Một trong 8 người con của ông là Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cũng là KTS và Đô thị gia, tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, làm tư vấn thiết kế và giảng dạy tại Bắc Mỹ.

4*. Cuộc tấn công Dinh Độc Lập năm 1960

Dinh Độc Lập là nơi xảy ra những cuộc binh biến, đảo chánh, cách mạng, cho nên đã từng bị ném bom, bắn phá.

Cuộc đảo chánh năm 1960 là cuộc đảo chánh đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hoà, xảy ra tại Dinh Độc Lập cũ, có tên là Dinh Norodom thời Pháp thuộc.

4.1. Cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960
1). Thành phần tham dự đảo chánh
a). Về phía quân sự
Trung tá Vương Văn Đông tại một buổi họp* Tr/t Nguyễn Triệu Hồng

Người chủ trương cuộc đảo chánh là Trung tá Vương Văn Đông.
Thành phần chủ động trong cuộc đảo chánh bao gồm các nhân vật quân sự và dân sự đã được Trung tá Vương Văn Đông kể lại trong quyển Binh Biến 11/11/1960 như sau:

Bộ chỉ huy quân đảo chánh gồm có:

Trung tá Vương Văn Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng - Thiếu tá Trần Văn Đô, (Nhảy Dù) - Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc (ND) - Thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, (Phòng 3/TTM) - Thiếu tá Phan Trọng Chinh (Chỉ huy Trưởng BĐQ) - Đại úy Nguyễn Văn Thừa (ND).

Ngoài ra còn có các sĩ quan nắm những đơn vị tham dự: Đại úy Nguyễn Thành Chuẩn, Trung úy Nguyễn Vũ Từ Thức, Đại úy Trần Đình Vy, Đại úy Trương Quang Ân. Đại tá Nguyễn Chánh Thi tham dự vào giờ chót.

Bộ chỉ huy cuộc đảo chánh trước đặt tại vườn Tao Đàn sau dời lại nhà thờ Đức Bà.

b). Về phía dân sự

Những chính khách gồm có các ông: Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Trần Văn Tuyên, Bác sĩ Nguyễn Chữ, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Thành Vinh, võ sư Phạm Lợi, Trần Tương, Trương Bảo Sơn, luật sư Lê Ngọc Chấn và người cuối cùng là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

4.2. Diễn tiến cuộc đảo chánh 11-11-1960

Lúc 5 giờ sáng ngày 11-11-1960, lực lượng đảo chánh gồm có các đơn vị Nhảy Dù bao vây Dinh Độc Lập, sau khi khống chế và uy hiếp các cơ quan quân sự trọng yếu như căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, đài phát thanh Sài Gòn, Tổng nha Cảnh Sát Quốc gia, doanh trại của Lữ đoàn Phòng Vệ phủ Tổng Thống ở Thành Cộng Hòa. Đồng thời họ đặt hầu hết những tướng lãnh trong tình trạng quản thúc tại gia.

Nhiều loạt súng máy bắn vào dinh làm bể cửa kiếng. Tổng thống Diệm suýt chết vì loạt súng máy bắn qua cửa sổ, vào phòng ngủ, đạn ghim vào giường, nhưng thật may mắn, ông đã rời giường ngủ vài phút trước đó.

Đội Phòng vệ Dinh Độc Lập được phòng thủ bởi:
• 1 Đại đội cận vệ khoảng 100 quân nhân, đa số là những võ sĩ những quân nhân thiện xạ, và chuyên viên mìn và chất nổ.
• 2 Một đại đội Bộ binh 150 quân nhân, thay phiên vào mỗi buổi chiều.
• 3 Một Chi đoàn chiến xa thường trực trong Dinh.

Đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống kháng cự mãnh liệt, đã bắn hạ 7 người vượt rào băng qua sân cỏ. Quân đảo chánh ngừng bắn và siết chặt vòng vây.
Lúc 7 giờ 30 sáng, quân tăng cường đã tới, lực lượng đảo chánh mở cuộc tấn công nữa, nhưng đội Phòng Vệ bắn trả quyết liệt.

Lúc 8 giờ, 5 chiếc thiết giáp của quân đảo chánh, đi vòng ra phía sau dinh, bắn vào những trạm gác và pháo kích vào sân dinh.

Đến 10 giờ 30 thì tiếng súng ngừng hẳn. Tổng thống Diệm và ông bà Nhu đã xuống hầm.

Thiếu tướng Nguyễn Khánh

Thiếu tướng Nguyễn Khánh, đang giữ chức Thư Ký Thường Trực Quốc Phòng tại Phủ Tổng thống, khi nghe tiếng súng nổ, trong tình trạng bị giam lỏng, ông tìm cách ra khỏi nhà, đến DĐL bằng xe hơi dân sự, vượt qua rào ở ngõ sau, vào gặp Tổng thống Diệm.
Ở dưới hầm, Tướng Khánh điều động quân đội về giải vây Dinh Độc Lập.

Đến trưa, nhiều nhóm dân chúng tụ tập bên ngoài DĐL, reo hò cổ võ quân đảo chánh và vẩy những biểu ngữ yêu cầu thay đổi chế độ.
Đài phát thanh Sài Gòn công bố là Hội Đồng Cách Mạng đã đảm trách vai trò chính phủ của miền Nam.
Để đối phó, ông Diệm dùng kế hoãn binh, câu giờ bằng cách đề nghị phe đảo chánh đàm phán để thành lập chánh phủ mới.

Tổng thống Diệm cử Nguyễn Khánh làm Tư Lịnh Toàn Quyền, để thương lượng với đảo chánh.

Đến xế chiều ngày 11-11-1960, Tướng Nguyễn Khánh rời DĐL đến gặp cấp chỉ huy đảo chánh để bàn về những yêu sách của họ.

Trung tá Vương Văn Đông, Thiếu tá Nguyễn Huy Lợi muốn rằng, những sĩ quan và những chính khách đối lập phải được bổ nhiệm vào nội các chính phủ. Đồng thời, yêu cầu Đại tướng Lê Văn Tỵ phải được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Tổng thống Diệm điện hỏi Tướng Tỵ, đang bị quản thúc tại gia, ông Tỵ không chấp nhận chức Bộ trưởng Quốc Phòng.

Tướng Khánh trở lại DĐL, tường trình những yêu cầu của quân đảo chánh và đề nghị TT Diệm nên chia xẻ quyền hành. Bà Ngô Đình Nhu lớn tiếng phản đối việc đó, khiến cho Tướng Khánh đe dọa rút lui, và ông Diệm buộc bà Nhu phải im tiếng.

Trong khi hai bên ngưng chiến để thương lượng thì các đơn vị trung thành với Tổng thống Diệm có đủ thì giờ điều động quân về tiếp cứu.

4.3. Những đơn vị quân đội về tiếp cứu Dinh Độc Lập

Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh SĐ 5 BB, mang pháo binh từ Biên Hoà về Sài Gòn tăng cường việc bảo vệ Đinh Độc Lập.

Ngày 12-11-1960

Đại tá Huỳnh Văn Cao, TL/SĐ 7 BB đóng ở bên cạnh phi trường Biên Hòa, Đại tá Trần Thiện Khiêm, TL/SĐ 21 mang 7 tiểu đoàn BB từ Cần Thơ, cùng với pháo binh của Trung tá Bùi Dzinh về giải vây DĐL. Thiếu tá Lâm Quang Thơ mang Thiết đoàn 5 TG từ Mỹ Tho về cứu nguy Tổng thống Diệm.

Tướng Khánh cũng thuyết phục tướng Lê Nguyên Khang gởi 2 tiểu đoàn TQLC đến bảo vệ Dinh Độc Lập. Biệt Động Quân ở Tây Ninh cũng về chống đảo chánh.

Tổng thống Diệm yêu cầu Tướng Khánh tiếp tục thương lượng và tiếp tục ngưng bắn.

Sáng ngày 12-11-1960, đài phát thanh Sài Gòn phát đi bản tuyên bố của TT Diệm, hứa hẹn sẽ có bầu cử tự do, công bằng và các biện pháp tự do khác, như chấm dứt kiểm soát báo chí…sẽ hợp tác với Hội Đồng Cách Mạng để thành lập chánh phủ liên hiệp.

Cuộc tấn công trì hoãn 36 tiếng đồng hồ.

4.4. Cuộc đụng độ tại Phú Lâm ngày 12-11-1960

Tại mũi tàu Phú Lâm, là cửa ngõ vào thủ đô từ miền Tây, cuộc giao tranh chớp nhoáng xảy ra nhưng rất khốc liệt với khoản 400 người chết, phần đông là dân chúng tò mò ra đường xem đánh nhau. Quân đảo chánh gồm 1 đại đội của tiểu đoàn 8ND do Đại úy Trương Quang Ân chỉ huy. Đại đội Dù không chống nổi thiết giáp của Thiếu tá Lâm Quang Thơ, 7 tiểu đoàn của Sư đoàn 21 và pháo binh từ miền Tây về giải vây Dinh Độc Lập.

Quân đảo chánh bị đánh tan ở Phú Lâm. Lực lượng cứu viện Tổng thống Diệm tiến về DĐL.

Một số đơn vị Thiết giáp đã vượt qua khỏi vòng vây của quân đảo chánh, bằng cách nói dối rằng họ là quân chống TT Diệm. Các đơn vị Thiết giáp bố trí chung quanh dinh xong, thì quay súng lại tấn công bất ngờ quân đảo chánh. Hai bên “trao đổi hoả lực” cho nhau khoảng vài tiếng đồng hồ, quân đảo chánh yếu thế, rút lui. Cuộc đảo chánh bị dẹp tan.

Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tr/t Vương Văn Đông, Phạm Văn Liễu cùng một số sĩ quan chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất nhờ Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ giúp đỡ.

Ông Thi nói “Kỳ, chúng tôi đã thất bại, chúng tôi muốn thoát khỏi nơi nầy, bằng không, sẽ bị xử tử.”

Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ cho một chiếc C-47, thế là 15 người lên phi cơ do phi công Phan Phụng Tiên lái. Phe đảo chánh bắt Tư Lịnh Quân Khu Thủ Đô là Trung tướng Thái Quang Hoàng đi theo làm con tin.

DĐL cử 2 chiếc khu trục cơ đuổi theo chiếc C-47. Đến gần biên giới Campuchia thì bắt kịp. Hai phi công gọi về xin chỉ thị. Lúc đó Tướng Khánh nghe bà Nhu đứng bên cạnh lớn tiếng “Bắn rơi nó đi! Giết hết lũ Nhảy dù phản nghịch”. Nguyễn Khánh không đồng ý với bà Nhu, ra lịnh cho 2 khu trục cơ trở về.

Đại úy Phan Lạc Tuyên cũng chạy đến Campuchia bằng đường bộ.

Thái tử Norodom Sihanouk mừng rỡ đón chào tất cả, bởi vì Campuchia và VNCH thù nghịch nhau. Vì Sihanouk đồng ý để cho CSBV xử dụng lãnh thổ của ông, để tấn công VNCH. Hơn nữa, ông Ngô Đình Nhu đã thực hiện kế hoạch lật đổ Sihanouk nhưng bất thành. Lần sau, ông Nhu dùng bom mưu sát Sihanouk cũng không đạt được mục đích.

5*. Nói thêm về tổ chức việc đảo chánh năm 1960

5.1. Việc tổ chức

Kế hoạch do Trung tá Vương Văn Đông chủ trương và tổ chức, với sự tham gia của Trung tá Nguyễn Triệu Hồng (Anh vợ của Tr/t Đông), Thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, Th/t Phạm Văn Liễu, Th/t Nguyễn Kiên Hùng, Đại úy Phan Lạc Tuyên, Đ/u Nguyễn Tiến Lộc, Đ/u Nguyễn Thành Chuẩn và những sĩ quan chỉ huy các đơn vị tham gia đảo chánh.

Kế hoạch chuẩn bị một năm. Tr/t Đông đã móc nối được một trung đoàn Thiết giáp, một đơn vị Hải quân, 3 tiểu đoàn Dù, một số đơn vị TQLC và Pháo binh.

Nói thêm về vai trò của Đại tá Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Chánh Thi là một trong những người bị giam lỏng, gồm có Đại tướng Lê Văn Tỵ, Trung tướng Thái Quang Hoàng, Tư Lịnh Quân khu Thủ Đô, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chiểu, Đại tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư Lịnh Không Quân…

Vì thấy cần ông Thi, nên Trung tá Vương Văn Đông và 5 sĩ quan trong ban chỉ huy đảo chánh, đến nhà ông Thi, yêu cầu ông tham gia, nhưng ông từ chối. Trước áp lực và sự cương quyết của 6 sĩ quan đảo chánh, ông Thi miễn cưỡng tham gia. Vương Văn Đông giao cho ông hai nhiệm vụ: Một là yêu cầu liên binh phòng vệ trong Dinh Độc Lập buông súng đầu hàng. Hai là yêu cầu Trung tá Lê Quang Tung rút lui các đơn vị đặc biệt đang hoạt động phía sau quân đảo chánh.

Trung tá Đông đến gặp Luật sư Thụy, nhờ viết một bản Tuyên ngôn của Hội Đồng Cách Mạng và một bản Hiệu triệu quân nhân các cấp. Do bận rộn công việc nên hai bản văn lọt vào tay Đại tá Nguyễn Chánh Thi. Ông Thi tự động lên đài phát thanh đọc hai bản văn, và tự nhận là Tổng Tư Lịnh Quân đội của Hội Đồng Cách Mạng.

5.2. Lý do thất bại

1). Lực lượng quân đảo chánh rất yếu
a). Mất yếu tố “bất ngờ”

Theo kế hoạch đánh chiếm Dinh Độc Lập, là dùng yếu tố bất ngờ. Mũi nhọn của lực lượng đảo chánh là Trung đoàn Thiết giáp. Theo kế hoạch thì thiết giáp ủi sập cổng và hàng rào của dinh, vào trong đánh với thiết giáp phòng thủ dinh. Quân Dù làm đơn vị tùng thiết, tức là núp sau lưng thiết giáp để tràn vào bắt sống Ngô Đình Diệm, theo như kế hoạch đã định. Nhưng vào giờ chót, khi quân dù nổ súng thì không có Trung đoàn thiết giáp, nên không thể vào bên trong của dinh được.

Lý do là Thiếu tá Hinh, Chỉ huy phó binh chủng Thiết giáp, thay đổi ý kiến, không tham gia cuộc đảo chánh và đưa gia đình ra khỏi nhà, chạy trốn.

Theo kế hoạch thì Tiểu đoàn 3 TQLC tham gia tấn công DĐL, nhưng vào giờ chót, vì Đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Kiên Hùng, tinh thần dao động, không kiểm soát được tiểu đoàn, nên Tiểu đoàn phó là Đại úy Bằng, một đảng viên Cần Lao của ông Nhu, đưa quân thân tín bắt giữ Đại úy Nguyễn Kiên Hùng và đem tiểu đoàn theo quân chống đảo chánh.

b). Lực lượng quân đảo chánh quá yếu.

Lực lượng quân đảo chánh chủ yếu là ba tiểu đoàn Dù, do các sĩ quan cấp thấp, từ thiếu tá đến đại úy chỉ huy. Lực lượng yếu mà phải dàn trải ra trên một địa bàn quá lớn. Các đơn vị chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Cảnh Sát QG, Nha Cảnh sát Đô thành, Bộ Quốc Phòng, Nha An Ninh Quân Đội và Sở Mật Vụ.

Một đơn vị Dù đánh chiếm thành Cộng Hòa để khống chế Lữ đoàn Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống. Chiếm đài phát thanh, chiếm Bộ chỉ huy Không Quân ở Tân Sơn Nhất, đóng quân ở cầu Bình Lợi để chống quân từ Biên Hòa và Bình Dương về bảo vệ Dinh Độc Lập. Một đại đội quân Dù đóng ở mũi tàu Phú Lâm để ngăn chặn quân tiếp viện từ miền Tây. Một số quân canh giữ nhà của các tướng lãnh để giam lỏng họ. Một đơn vị chiếm Bưu điện Sài Gòn để cắt hệ thống điện thoại.

2). Không cắt được đường dây điện thoại của Phủ Tổng thống.

Theo tường thuật của nhà báo Stanley Karnow, người được giải Pulitzer Prize, tác giả cuốn “Vietnam: A History”, thì nguyên nhân thất bại là không cắt được đường dây liên lạc từ DĐL đến các bộ chỉ huy quân sự trong nước, cho nên Tổng thống Diệm đã gọi các đơn vị về giải cứu. Vì thế, không giữ được các nút chận vào Sài Gòn.

Tuy nhiên, vai trò của thiết giáp rất quan trọng. Nếu có thiết giáp thì quân đảo chánh có thể dùng yếu tố bất ngờ, tốc chiến tốc thắng. tràn vào chiếm DĐL.

5.3. Toà án xét xử

Mãi đến 2 năm sau, ngày 8-7-1963, Toà án Quân sự Đặc Biệt xét xử những người dính líu đến cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960, giữa lúc có vụ khủng hoảng Phật Giáo. Có lẽ TT Diệm muốn cảnh cáo dằn mặt những người có ý định đảo chánh.

19 sĩ quan và 34 thường dân bị kết án.
7 sĩ quan và 2 dân sự đào thoát sang Campuchia bị kết án tử hình khiếm diện.
5 sĩ quan được tha bổng.

Những người còn lại bị kết án từ 5 năm đến 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự tử, không đến tòa án.

Sau đó không lâu, Cuộc Cách Mạng ngày 1-11-1963, Đệ Nhất Cộng Hoà bị sụp đổ, những người bị tù được thả ra, và những người ở Campuchia trở về nước phục vụ lại trong quân đội VNCH.

Lần đầu tiên, DĐL “chứng kiến” cuộc binh biến, đánh dấu sự xáo trộn, mở màng cho những cuộc đảo chánh làm suy yếu VNCH trên mặt trận chống Cộng sau nầy.

6*. Vụ ném bom Dinh Độc Lập năm 1962

Lúc 7 giờ sáng ngày 27-2-1962, bầu trời Sài Gòn bị khuấy động bởi tiếng bom và tiếng súng máy. Dinh Độc Lập chìm trong biển khói của cuộc tấn công từ hai chiếc phi cơ ném bom A-1 Skyraider. Bom nổ, bom xăng đặc (Napalm), rocket và đại liên trút vào dinh tổng thống. (dinh cũ)

Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc
Dinh Độc Lập cũ bị ném bom * Bà Nhu trên đống gạch vụng

Trong 30 phút, 4 trái bom, 8 rocket và đạn đại liên đánh vào mục tiêu, phá sập bên cánh trái của DĐL. Hai phi công là Thiếu úy Nguyễn Văn Cử và Trung úy Phạm Phú Quốc, thuộc Phi đoàn 514 của căn cứ Không Quân Biên Hoà.

Phi cơ của Phạm Phú Quốc bị trúng 72 viên đạn 12 ly 7, trong đó, một viên trúng bình xăng nên phi cơ phát cháy và rơi xuống sông Sài Gòn. Phạm Phú Quốc bị toán Người Nhái Hải quân đến bắt. Nguyễn Văn Cử bay sang Campuchia.

Nguyễn Văn Cử là người chủ mưu vì cha của Cử là ông Nguyễn Văn Lực, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bắt giam vì hành động chống chính quyền của TT Diệm. Phạm Phú Quốc, người Điện Bàn, Quảng Nam, là người bị Cử lôi cuốn.

Sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, Cử về nước, tiếp tục phục vụ trong Không quân.

Năm 1965, Trung tá Phạm Phú Quốc bị tử trận khi bay từ Đà Nẵng, vượt vĩ tuyến 17 ra đánh phá đường giao thông Hà Tĩnh.
Năm 1977, hài cốt của ông được người chị là Phạm Thị Xuân Cơ cải táng ở chùa Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam.

Dinh Độc Lập bị đánh phá lần thứ hai, thiệt hại nặng, nên phải đập phá và xây lại dinh mới theo đồ án thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ.

7*. Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập

7.1. Ném bom
Nguyễn Thành Trung (Đội mũ bay) trong đám nón cối

Lúc 8 giờ 30 sáng ngày 8-4-1975, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung, từ Không đoàn 540 ở Biên Hoà, bay về Sài Gòn ném bom Dinh Độc Lập. Phi cơ F-5E mang 4 trái bom 500 cân Anh và trang bị đại liên 20 ly. Lần đầu ném 2 quả nhưng không trúng đích, quay lại, ném lần thứ hai, 2 quả trúng đích nhưng chỉ có một quả nổ. Thiệt hại không đáng kể.
Nguyễn Thành Trung là Việt Cộng nằm vùng, sau khi ném bom, bay ra đáp xuống phi trường Phước Long do CSBV chiếm giữ.

7.2. Nguyễn Thành Trung không được tin dùng

Sau năm 1975, Nguyễn Thành Trung không được VC tin dùng, phải “ngồi chơi xơi nước” cho mãi tới năm 1980 mới được giao nhiêm vụ, kiểm tra, đắp vá và sửa chữa những chiếc phi cơ của VNCH bỏ lại. Đó là những phi cơ bị “thương tích” đủ loại, nội thương, ngoại thương, trầy vi tróc vảy, bị văng miểng do pháo kích, bị trúng đạn phòng không VC trên các mặt trận, nói chung là loại phi cơ “thương phế binh” bất khiển dụng.

Ở các công ty sản xuất phi cơ Hoa Kỳ, người ta kiểm tra máy móc bằng các dụng cụ điện tử, nhưng ở Hà Nội lúc đó, kiểm tra bằng mắt thường và sửa chữa bằng tay. Chỉ một vết thủng nhỏ cũng đủ làm rớt máy bay, vì tốc độ phản lực tạo ra sự ma sát cao độ bởi không khí, cho nên, vết thương bị lở loét tầy quầy ra đưa đến cháy nổ.

Sửa chữa xong thì phải bay thử. Mỗi lần bay thử như thế người lái xem như đưa tánh mạng của mình ra làm cá độ với may rủi, đùa giỡn với tử thần, giống như chỉ mành treo chuông vậy. Ngoài cái nguy hiểm đe dọa, tinh thần và danh dự bị tổn thương, vì Nguyễn Thành Trung đã từng vẫy vùng lướt gió, làm chủ bầu trời, nhưng bấy giờ chỉ được phép bay chung quanh phi trường trong 4 vòng rồi phải xuống đất ngay. Khổ tâm là ở chỗ Đảng không còn tin dùng người chiến sĩ cách mạng nằm vùng nầy.

Một lần phản bội, biết đâu?…

8*. Cửa Dinh Độc Lập bị xe tăng Việt Cộng húc sập

8.1. Xe tăng nào vào Dinh Độc Lập trước nhất?


Lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng CSBV đã húc sập cánh cửa của dinh, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

Vì sự tranh giành công trận, cho nên có nhiều tranh cãi xảy ra không dứt sau đó.
Chiếc xe tăng nào vào Dinh Độc Lập trước nhất để húc sập cửa Dinh Độc Lập?
Ai là người treo cờ của Mặt Trận Giải phóng ở DĐL?
Ai tiếp nhận sự đầu hàng của TT Dương Văn Minh?

Báo chí trong nước ghi nhận chiếc xe tăng số 843 với thủ trưởng Bùi Quang Thận vào sân dinh đầu tiên.
Theo David Butler, tác giả cuốn The Fall of Saigon viết năm 1984, ghi lại lời tường thuật của Neil Davis, một người Úc biết tiếng Việt, làm việc cho đài truyền hình NBC, đã có mặt tại
DĐL trong lúc đó, thì chiếc xe tăng vào DĐL đầu tiên mang số 844.
Còn Oliver Todd thì ghi là chiếc xe tăng số 879 do Bùi Đức Mai lái đã ủi sập cánh cửa và vào trong sân trước nhất.

8.2. Ai nói?

Bùi Văn Tùng nói với Ông Dương Văn Minh “Các ông không còn gì để bàn giao. Ông chỉ có thể đầu hàng vô điều kiện…”

Trong cuốn Tears Before the Rain, xuất bản năm 1990, tác giả Larry Engelmann đã phỏng vấn Đại tá Bùi Tín, ông Tín nói ông là người gặp TT Dương Văn Minh và nói “Không có vấn đề bàn giao quyền hành. Quyền hành của ông đã sụp đổ. Ông không còn gì trong tay để bàn giao. Ông không thể chuyển giao cái mà ông không có” (Larry Engelman)

9*. Kết luận

Dinh Độc Lập là “nhân chứng” của những sự kiện lịch sử Việt Nam. Bắt đầu là việc hai sĩ quan Không quân ném bom làm đổ nát, nên Tổng thống Ngô Đình Diệm cho xây lại nơi cư ngụ và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, đã xây dựng một công trình nổi tiếng là Dinh Độc Lập mới.

Dinh Độc Lập cũng còn ghi lại dấu vết lịch sử của cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960.

Nhưng sự kiện đau thương nhất của người dân miền Nam là Dinh Độc Lập đã mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt vào ngày 30-4-1975.

Dinh Độc Lập mất. Nước Việt Nam Cộng Hoà mất, và người dân miền Nam mất tất cả. Đổi tiền, Kinh tế mới, Trại tù cải tạo, đã làm mất hết tiền bạc, nhà cửa và mất tự do. Một cuộc đổi đời thực sự bắt đầu. Trước hết là Tư bản “mại sản”, “ Mại sản” nghĩa là đem bán hết những gì có thể bán được, chỉ để lấy miếng ăn. Bán hết, thì xếp hàng mua gạo và ăn bo bo dài dài.

Tháng tư năm 1975 là ngày tháng không bao giờ quên được, đối với những người còn trí nhớ.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 23-9-2021

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Áo Mới Đầu Năm Học

"Khi con bước vào Đệ Thất, cũng chính má may từng chiếc áo dài, lần đầu mặc áo dài đi học, con run run xúc động không cài nổi nút áo. Tay má nâng niu cài từng nút áo cho con. Xong má vuốt ve từ vai xuống vạt áo, mỉm cười "con gái má như con chim bồ câu trắng vậy, ráng học nhen con". Nhớ hoài hình ảnh ấy, làm sao con quên được má ơi!"(Kim Oanh)


(Kim Oanh - Đệ Thất 6/8)

Áo Mới Đầu Năm Học

(Tặng cô Út)

Nhập học đầu năm đệ thất niên
Má may áo mới đẹp như tiên
Mẫu theo cổ điển tay vai nối
Hai vạt đều nhau chẳng ngả nghiêng
Xúc động run run cài khó nổi
Má cười từng nút gắn luân phiên
Bồ câu chim trắng siêng năng học
Hình ảnh sao quên được mẹ hiền!

Lộc Bắc
Sept21


Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Mẹ!



Chia xẻ ngày giỗ Má với nàng “áp út” Kim Oanh.

Một bà MẸ tuyệt-vời,
Một gia-đình hạnh-phúc,
Một gương sáng để đời,
Đọc, xúc-động muốn khóc!

Điều gây ấn-tượng nhất,
Má sinh tới mười con,
Hình-ảnh thật vuông tròn,
Kim Oanh là áp út,

Hình chót Oanh dưới đất,
Má bồng em trên tay,
Không như hình trước đây,
Được Má bồng, quá sướng,

Trong hình một ông tướng,
Quần áo quá bảnh-bao,
Bây giờ anh ra sao ?
Ngày xưa chắc học giỏi,
Nên Má thưởng đồ mới,
Veston diện đẹp kinh,
Nếu có thể xin Oanh,
Nói về anh chút xíu,

Má thật có thiên-khiếu,
Về gia-chánh, nữ-công,
Cắt được bộ veston,
Không phải là chuyện dễ,

Nhưng chuyện thật đáng nể,
Là Má sinh mười con,
Nên mới có Kim Oanh,
Nếu không thì quá uổng,

Nhìn hình-ảnh thân thuộc,
Anh chị em bình-thường,
Chụp hình tay bỏ xuống
Chỉ có Oanh giơ lên,
Được Má bồng mình ên,
Lo nhìn đâu hỡi em,
Trong khi anh chị khác,
Ai cũng nhìn máy hình,

Chắc Oanh cũng thấy được mình,
Khi nhìn những hình ảnh của ngày xưa,
Ngoài việc nhắc lại tuổi thơ,
Còn nói lên được ước mơ của mình,

Ai cũng nhìn máy chụp hình,
Còn con cưng của Má nhìn đi đâu?
Làm gì cũng phải chờ lâu,
Nhưng Kim Oanh muốn bắt đầu từ đây,
Ngay khi rất còn thơ ngây,
Phải có gì đó thật hay cho đời,
Mở một trang blog đúng rồi!

Lê Xuân Cảnh

Cảm đề Tử 3 bài viết Cho Má:


Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Từ Nơi Mẹ Nở Đóa Hạnh Trinh

 

 

(Thân mến tặng Kim Phượng, Kim Oanh
Nhân dịp huý kỵ thân mẫu của Song Kim năm nay)

Ví xem tất cả là hoang đảo
Thì mẹ tôi như bóng hải âu
Soải cánh bên trời che gió bão
Để tôi đứng vững suốt xưa, sau

Chẳng nói lời văn hoa óng ả
Cũng không hề chấp lỗi, khuôn vàng
Khiến tôi phải ngẫm câu gương giá
Mà mẹ cho tôi nét dịu dàng

Nửa cuộc đời tôi bên gối mẹ
Nâng niu chuỗi ngọc sáng ân tình
Nụ cười nhân ái từ nơi mẹ
Đã thật nuông chiều đoá hạnh trinh

Mẹ ơi, tất cả bỗng mờ theo
Nước mắt, khi mưa ướt dáng chiều
Mẹ đã rời xa con cháu mẹ
Lòng tôi chùng xuống, chợt hoang liêu

Mẹ nơi tiên cảnh, hẳn vui hơn
Chốn ấy hoa đăng, nhã nhạc vờn
Mỗi lúc dõi theo vầng nhật nguyệt
Lung linh ảnh mẹ ...thắp tâm hồn 

Cao Mỵ Nhân

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Má Tui


(Tặng cô Út bài thơ về Má)

Má tuổi non, còn chơi u hấp
Đã làm dâu chủ đất phú gia
Nhiều người thưa gởi vào ra
Tá điền trạc tuổi chú cha, cô dì

Ngoại chỉ bảo mẹ ghi luôn nhớ
Biết tôn ti, tôi tớ không nề
Xưng hô lễ phép một bề
Ngày ngày vào bếp cơm quê gia đình

Mẹ nấu canh, nội bình “canh cứng”
Mẹ vội thưa hầm chúng đã lâu!
Nội vui nói: mới làm dâu
Con còn nhỏ dại học mau dễ thành!

Khi làm chủ gia đình gần chục
Mẹ chăm lo phụ giúp cho chồng
Nuôi con, cúng quảy, tiệc tùng
Họ hàng, bè bạn… nói chung khen nhiều

Dâu Út mười lắm chiêu nghề giỏi
Khéo nấu ăn, bánh gói, cắt may
Hoa tay chục ngón đủ đầy
Con ngoan mẹ dạy giỏi ngay mấy hồi!

Áo quần tây sách coi tay cắt
Bộ đồ đầm phong cách, thời trang
Áo dài tay kiểu raglan
Thêu rua màn cửa, gối chăn sắc toàn

Dạy trong nhà, con ngoan hiếu đễ
Ra ngoài đời, biết lễ giỏi dang
Quốc gia nguy biến lên đàng
Bảo vệ đất nước, xóm làng bình yên

Con lính chiến cao nguyên đất đỏ
Lá thư bay về tổ chim rừng
Mẹ từng khuyên nhủ bao lần
Gắng công vì nước, vì dân vẹn toàn

Giữ di sản hân hoan giúp mẹ

Giấy khai sinh, cùng thẻ ngân hàng
Thông hành, quốc tịch, giối giăng…
Vô tri vật dụng trót mang linh hồn

Cả gia tài còn hơn châu báu
Tình yêu thương, xương máu gởi trao
Bao hạnh phúc, lắm tự hào
Là niềm hãnh diện lớn lao vô cùng!

Vườn sau con, hoa hồng rộn nở
Gió đưa mùi cửa sổ bốn phương
Làm con nhớ lại mùi hương
Ngày xưa còn bé mẹ vương áo dài

Trời Melbourne lóng rày rực rỡ
Nắng tươi nồng rộn rã mây bay
Mẹ cha cùng sống những ngày
Thiên đường an lạc, dưới này vui xuân

Đến mùa xuân, rồi xuân giã biệt
Để cháu con nhận biết xuân lòng
Giỗ lần mười chín vừa xong
Các con kính mẹ cầu mong an bình

Lộc Bắc

24Sept21

Cảm đề Tử 3 bài viết Cho Má:

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Hoa Tay!

  
(Những trang phục do chính má may cho 6 đứa con)

Nói về Hoa Tay, thì thường ai cũng nghĩ là người khéo tay trong mọi việc. Riêng má tôi tuy sống ở  làng Trung Ngãi nhỏ, nhưng má tìm tòi học hỏi. Trời ban cho má kiến thức và sự thông minh, óc mỹ thuật. Má chẳng những khéo tay nấu ăn, làm bánh, thêu thùa, đan móc, may vá quần áo.. Mà má có đủ 10 vân hoa xoáy tròn trên từng đầu ngón tay. Hồi nhỏ tôi thường xin má xoè bàn tay để tôi được ngắm xít xoa đếm và ước ao " phải chi con được 10 hoa tay như má". Má thường xoa đầu bảo: "Con không đủ má sẽ truyền cho con". Nhưng má truyền cho con quá chừng mà con đâu đủ tài giỏi như má, con nấu ăn không ngon , con phụ lòng má rồi....đừng buồn con nha má.

Nói về khéo tay, thì biết kể sao về má cho đủ đây.... Quần áo của 10 đứa con mặc ở nhà thì chẳng nói chi. Ba mang về cho má những sách báo ngoại quốc, để má xem những kiểu trang phục, từ đấy má tự cắt đo những đồ âu phục cho ba các con trai, những chiếc áo đầm cho con gái, để phù họp với nếp sống văn minh thành thị. Anh chị em chúng tôi được mặc đẹp vào những dịp đình đám hay Tết quê mình.  

(Kim Oanh trong vòng tay của má)

 Những chiếc áo len, những bộ đồ áo quần dính liền(Jump Suit) được má móc thật dễ thương.
Má thêu khăn trải bàn, bao gối, áo, những chiếc khăn tay. Má dùng giấy Can-ke(papier calque) tự vẽ m
hoa văn thật xinh xắn. 

Khi con bước vào Đệ Thất, cũng chính má may từng chiếc áo dài, lần đầu mặc áo dài đi học, con run run xúc động không cài nổi nút áo. Tay má nâng niu cài từng nút áo cho con. Xong má vuốt ve từ vai xuông vạt áo, mỉm cười " con gái má như con chim bồ câu trắng vậy, ráng học nhen con". Nhớ hoài hình ảnh ấy, làm sao con quên được má ơi!

Năm con bắt đầu lên Đệ Tứ, áo dài đổi mới kiểu tay Ralan. Má tự thấy áo dài tay nối của má không hợp thời trang, má đã giao việc may áo cho chị Năm Kim Nhi, Thời đó chị làm Bộ Lao Động ở Sài Gòn, chị cũng là người thích ăn mặc thời trang, nên chị đến Nhà May Thiết Lập học may. Thế là chị Năm cắt áo, chị Sáu Kim Phượng may, con phụ luông tà. Để có những chiếc áo dài vừa vặn đẹp đẽ cho chị em cùng nhau lám duyên làm dáng.

(Sự vén khéo của má dành cho 10 đứa con)

Má thương yêu ơi, đã mấy chục năm dài trôi qua mà con còn nhớ từng chi tiết nhỏ, thì hôm nay 24/9 đúng 19 năm má rời xa chúng con, để cùng ba về ngôi nhà mới, yêu thương vĩnh cửu nơi cõi Thiên Đàng, thì làm sao con quên được phải không má! Nhưng hai năm nay với tình hình cách ly vì đại dịch Covid, chúng con không được tụ họp trong ngày giỗ của má, không cùng  nhắc nhớ về ba má với kỷ niệm đẹp thuở xa xưa. 

Hôm nay con lục lại chiếc cặp đựng hồ sơ mà má đã giao phó cho con giữ sau khi ba má ra đi. Má căn dặn con hãy giữ khai sinh của của ba má chung với 10 tờ khai sinh của các con, sổ thông hành từ Việt Nam sang Úc, giấy vào Quốc Tịch Úc, sổ ngân hàng, thẻ Medicare..... từng chút từng chút nhỏ...

(Mẫu thêu của má)

Nếu nhìn vào những kỷ vật này chỉ là những mảnh giấy vô tri, nhưng với con ẩn khuất một linh hồn.

Má nói đó là gia tài còn lại, với con là châu báu ba má ơi. Ba má đã tín nhiệm trao cho con, đó là niềm hãnh diện và hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời con.

Cám ơn ba má đã cho đứa con này một tình yêu thương vô bờ bến, Cám ơn ba má cho con được sống với ba má suốt cả cuộc đời con, trong nồng nàn, thiết tha....

Má ơi, kể về ba má tràng giang đại hải cũng chưa xong. Con xin  hẹn má hôm khác sẽ trò chuyện cùng má nữa nha má. 


(Ba má rất thích hoa tự trồng, con dâng lên hoa vườn nhà cho má của con)

Trời Melbourne mùa xuân đang rực rỡ, con mong đón ba má về vui với chúng con. Gió đưa hương đến khắp khu vườn, con cứ ngỡ mùi hương của má. Từng cánh hoa đôi khoe sắc như mối tình đằm thắm má ba. Kính dâng lên má những đóa hoa lòng cùng lời nguyện cầu "Hạnh phúc nha má của con!"

Thương yêu về má  
Giỗ lần thứ 19 của má - Melbourne 24.9.2021

Con gái của ba má 
Lê Thị Kim Oanh
***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

十五夜望月寄 Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt 寄杜郎中 Ký Đỗ Lang Trung - Vương Kiến


十五夜望月寄 Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt
寄杜郎中 Ký Đỗ Lang Trung

中庭地白樹棲鴉 Trung đình địa bạch thụ thê nha
冷露無聲濕桂花 Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa
今夜月明人盡望 Kim dạ nguyệt minh nhân tẫn vọng
不知秋思落誰家 Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia

王建                     Vương Kiến
***
Dịch nghĩa: Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Trên cành cây ở bên trong sân đất sáng trắng quạ đậu nghỉ ngơi
Sương lạnh lặng lẽ làm ướt đóa hoa quế
Đêm nay trăng sáng mọi người đều ra ngắm
Chẳng biết ý thu có rơi xuống nhà ai không? ( Có thể hiểu: Đêm Rằm Trung thu trăng sáng đẹp, biết có ai thấy hứng thú để làm thơ chăng?)

Dịch Thơ:

     Cây trong sân trắng quạ nằm
Hạt sương lạnh buốt ướt đầm quế hoa
     Đêm nay đón ánh trăng ngà
Ý thu chẳng biết ghé nhà ai đây?


Quên Đi
***
Các Bài Dịch Khác:

Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ


Sáng trắng trên cây quạ đậu đầy
Quế hoa sương lạnh buốt bao vây
Đêm nay trăng tỏ người người ngắm
Chẳng biết ý thu ghé chốn nầy?

Kim Oanh

Trung Thu Melb. 2021
***
Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Cành cây quạ đậu trong sân sáng
Đêm lạnh sương đầy đẫm quế hoa
Trăng tỏ nơi nơi người thưởng ngoạn
Nhà ai thu ý động lan xa


Kim Phượng
***
Đêm Rằm Ngắm Trăng

Giữa sân trắng toát, qụạ lùm cây
Sương lạnh thầm gieo hoa Quế đầy
Trăng sáng đêm nay, người tận ngắm:
Ý thu biết ghé … "nhà ai đây?"


Danh Hữu 
***
Y Đề:

Trong sân sáng trắng qụa nương cây,
Lặng lẽ sương sa hoa quế lay.
Trăng sáng đêm nay ai chẳng ngắm,
"Ý thu" ai biết ... lạc nhà ai ?!


Đỗ Chiêu Đức
09-17-2021
***
1) Trăng Đêm Trung Thu

Sáng trắng trong sân quạ ngủ cây
Sương rơi thấm lạnh quế hoa đầy
Đêm nay vằng vặc trăng người ngắm
Chẳng biết Thu về có ghé đây !

2) Ý Thu

Quạ nằm sân sáng trên cây
Lạnh sương lặng lẽ giọt đầy quế hoa
Đêm nay vằng vặc trăng ngà
Chẳng hay thu ý ghé nhà mô đây...!

Mai Xuân Thanh
Sept. 17, 2021

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Tặng Thiếu Niên 贈少年 - Ôn Đình Quân (812-870)

 (Kính tặng Hương Hồn Thi sĩ Hoàng Xuân Thảo)

Ôn Đình Quân 溫庭筠 (812-870), vốn tên Kỳ 岐, tự Phi Khanh 飛卿, người Thái Nguyên thời Vãn Đường (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), là cháu của tể tướng Ôn Ngạn Bác 溫彥博. Ông tinh thông âm nhạc, là một thi nhân tài tử mẫn tiệp, từ trẻ đã nổi danh thi từ và thường chu du đây đó. Thơ của ông lời rất đẹp, phái Hoa gian liệt ông vào người đứng thứ nhất thời Đường.
Nhóm LTCD thế kỷ 21 mượn bài này để kỷ niệm 100 ngày của đại ca Hoàng Xuân Thảo.

Nguyên tác           Dịch âm
贈少年                 Tặng thiếu niên

江海相逢客恨多 Giang hải tương phùng, khách hận đa,
秋風葉下洞庭波 Thu phong diệp há Động Đình ba.
酒酣夜別淮陰市 Tửu hàm dạ biệt Hoài Âm thị,
月照高樓一曲歌 Nguyệt chiếu cao lâu nhất khúc ca.

溫庭筠                 Ôn Đình Quân (812-870)
***

Chú Giải:
下 há, hạ: đi xuống; Diệp hạ: lá rơi.
Động Đình: Thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay.
酣 hàm: uống rượu say sưa; miệt mài, ham.
Hoài âm: Thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay, ở gần hồ Động Đình.
市 thị: thị xã, cái chợ.

Dịch nghĩa:
Tặng Thiếu Niên

Gặp nhau trong bước giang hồ, ngậm ngùi cho thân đất khách,
Gió thu thổi lá rụng trên làn sóng hồ Động Đình.
Uống rượu say, đang đêm từ biệt phố Hoài Âm,
Trăng rọi lầu cao, hát lên một khúc (tiễn biệt).

Dich thơ:
Tặng Thiếu Niên

Sông biển gặp nhau khách hận sâu,
Gió thu trút lá Động Đình đau.
Uống say giã biệt Hoài Âm nhé,
Nguyệt chiếu lầu cao một khúc sầu.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Tặng Thiếu Niên.

Cám ơn ÔC đã chọn một bài thơ rất hay để đưa lên diễn đàn vào dịp 100 ngày anh
Hoàng Ngọc Khôi qua đời.
Bài thơ ngắn gọn, không có chữ nào khó, đọc xong thì thấy xúc cảm bồi hồi.
Ta tưởng tượng ra chàng lãng tử là Ôn Đình Quân, một đêm thu, trên gác trọ, bên bờ hồ Động Đình, bất ngờ gặp chàng thiếu niên, cũng lang thang như mình trên xứ lạ…
Cả hai, tuy chênh lệch tuổi tác, nhưng có cùng một nỗi buồn của kẻ tha hương, bơ vơ nơi đất khách quê người. Bên ngoài, gió thu ào ào thổi, làm những chiếc lá vàng rơi lả tả trên mặt hồ, trôi bập bềnh trên sóng. Đồng bệnh tương lân, hai người ngồi uống rượu say khướt trong đêm để rồi ngày mai ly biệt. Người đã buồn, cảnh cũng buồn, lại thêm ánh trăng mơ hồ làm nỗi buồn thêm da diết. Bèn cất tiếng hát.. Chắc chắn không phải là một ca khúc hùng tráng hay vui tươi, mà là một bản nhạc buồn, nói về tình hoài hương, nỗi nhớ gia đình, thân quyến…

Anh Khôi của chúng ta cũng vậy, lang thang rầy đây, mai đó, trong suốt cuộc đời, từ quốc nội, tới hải ngoại. Hãy tưởng tượng một đêm nào đó, trước quầy rượu của khách sạn nơi xứ lạ, anh vô tình gặp một đàn em, hai người vừa uống rượu,vừa tâm sự… Sao mà giống như trong bài thơ của họ Ôn, tràn đầy cảm xúc…
Đây là bài dịch thoát của Bát Sách:

Tặng Thiếu Niên.

Bèo nước gặp nhau, lắm hận sầu,
Gió thu lá rụng Động Đình sâu,
Hoài Âm, tiễn biệt, đêm say khướt,
Trăng rọi lầu cao, hát mấy câu.

Bát Sách
Ngày 10/09/2021,
(Để tưởng nhớ anh Khôi)
***
Tặng Thiếu Niên

(Tưởng nhớ 100 ngày anh Hoàng Ngọc Khôi)

Bèo dạt gặp nhau nỗi xót xa
Động Đình gợn sóng lá thu qua
Hoài Âm túy lúy đêm từ biệt
Trăng rọi mái lầu tiễn khúc ca.

Kim Oanh
Melb.10/9/2021
***
Tặng Thiếu Niên

(Nhân giỗ 100 ngày của anh Hoàng Ngọc Khôi)

Gặp gỡ sông hồ khách hận đau
Gió thu lá rụng Động Đình cau
Rượu say tối bỏ Hoài Âm phố
Trăng chiếu lầu cao hát khúc sầu

Lộc Bắc
***
(Nhân giỗ 100 ngày của anh Hoàng Ngọc Khôi)
***
Nguyên bản:           Phiên âm:

贈少年- 溫庭筠     Tặng Thiếu Niên – Ôn Đình Quân

江海相逢客恨多     Giang hải tương phùng khách hận đa,  
秋風葉下洞庭波     Thu phong diệp há Động Đình ba.  
酒酣夜別淮陰市     Tửu hàm dạ biệt Hoài Âm thị,  
月照高樓一曲歌     Nguyệt chiếu cao lâu nhất khúc ca.  



Mộc bản trong các sách:
. Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩
錄-清-徐倬
. Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên
石倉歷代詩選-明-曹學佺
. Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐
人萬首絕句選-宋-洪遂
. Ôn Phi Khanh Thi Tập Tiên Chú - Đường - Ôn Đình Quân 溫
飛卿詩集箋注-唐-溫庭筠

Ghi chú:
Giang hải: giang hồ, sông hồ biển
Tương phùng: gặp gỡ nhau
Khách hận: nỗi buồn của người xa nhà

Hồ Động Đình: ở tỉnh Hồ Nam
Tửu hàm: uống thoải mái, cho đã hứng
Hoài Âm: theo Thiviện, nay là thị trấn Thanh Giang, Giang Tô. Lưu ý là Giang Tô cách Động Đình Hồ cả ngàn dặm. Thi nhân nhìn thấy lá thu rơi trên sóng Động Đình Hồ, thì đêm uống rượu cũng gần đâu đó, không thể ở Giang Tô được.
Bài thơ đầy tình cảm ngậm ngùi ly biệt. Tình cờ gặp nhau nơi đất lạ quê người, cùng vui một chén, rồi từ biệt. Phải chăng đó là định luật muôn đời của hợp tan, tan rồi hợp (chúng ta hy vọng như thế). Cùng cảnh ngộ, cùng tình cảm. Nếu tác giả không nói ra, chúng ta không thấy sự khác biệt giữa hai người trong cuộc.

Dịch nghĩa:
Tặng Thiếu Niên

Gặp nhau trong bước giang hồ, đầy ngậm ngùi cho thân phận nơi đất khách,
Gió thu làm lá rụng trên làn sóng hồ Động Đình.
Đang đêm uống thật say rồi giã biệt nhau ở phố Hoài Âm,
Trăng sáng trên lầu cao, hát lên một khúc ca tiễn biệt.

Dịch thơ:
Giã Biệt

Lưu lạc giang hồ gặp gỡ nhau,
Gió thu lá rụng chìm hồ sâu.
Cùng say thoải mái nơi xa lạ,
Trăng sáng lầu cao biệt đượm sầu.

Gift to a Youth by Wen Ting Yun
We met by chance on our wandering, sharing same feelings of uneasiness,
Wind dispatched autumn leaves to the waves of Dong Ting lake.
We drank heartedly into the night and said farewell in the strange city,
The moon shone on the high tower when we sang goodbye.

Phí Minh Tâm
***
Bài Cảm Tác:

Niên Trưởng trong nhóm “Liễu Trai”
Văn chương chữ nghĩa chẳng ai sánh bằng
Toàn tài văn võ vinh thăng
Thêm tài viết sử rất hăng
Trăng sao thật tuyệt còn năng thích hài
Tính tình hoà nhã hơn ai
Trời thương nên mới thỉnh đài thiên thu

Đồ Cóc
***
Tại Sao Xuân Thảo Phải Xa Anh Em LTCD Thế Kỷ 21?

Vì Thiên Đàng cần Nhân Tài 
Hoàng Huynh Xuân Thảo lấy ai đón về?
Chúa Cha Âm Nhạc thích mê
Thiên Thần được lệnh vội về trần gian 
Hoàng ngọc Khôi rất giỏi giang
Tránh sao thoát khỏi Thiên Đàng rước đi? 
Gia dình tan tác chia ly
Anh em bằng hữu làm gì được đây? 
Cùng nhau tính lễ trăm ngày 
Trung tuần tháng chín (Sep) chung tay cùng làm 
 


Lạc Thủy ÐỗQuýBái

Một Thời Khai Phá

                

(Để nhớ Tuần Kha Đinh Bộ Lĩnh, Kha Đoàn Chương Dương, Đạo Bình Than
và Mũ Nâu Nguyễn Tấn Quang R.I.P)

“ …Lúc này tôi có nhiều thì giờ để chơi hơn để làm. Nhờ vậy mới có dịp gõ cho nhau vài dòng để hàn huyên. Thì giờ là tiền bạc ! Câu này đã không còn ứng dụng vào trường hợp của tôi nữa rồi. Thì giờ của tôi dạo này được dành cho việc trau dồi trí nhớ. Nói thì nghe “ khoa học thực dụng “ lắm, nhưng thực tế chỉ là cơ hội cho mình nhớ về quá khứ vàng son. Nhớ về những kỷ niệm, những vui buồn, những mẫu chuyện khó quên của thời hoa niên đầy sinh động.

Trong những lần tư lự như vậy, tôi nghĩ thật nhiều và thật rõ, về bước chân khai phá, về thời hướng đạo huy hoàng nhưng ngắn ngủi của bọn mình.
Nghĩ ngợi nhiều nên cũng buồn không kém. Một nỗi buồn không tên, xa vắng và lãng đãng thật lạ lùng. Không ai bắt mình nhớ. Nhưng quá khứ cứ như là một khúc phim thật dịu dàng làm mình ấm lòng mỗi khi ngồi nhớ lại.

Mùa hè Sài Gòn, màu nắng Vũng Tàu, mưa chiều Thủ Đức, ngôi nhà, kiêm Đạo Quán của anh Toản, những đêm nhạc “ Giữ Vững” ở Suối Tiên và nhứt là những ngày Mậu Thân thảng thốt, ngày mà đám Kha Sinh tụi mình không cần khai phá cũng biết phải làm gì khi công tác tải thương cho các đơn vị của Quân Đội, quán xuyến Trại Tạm Cư Đinh Tiên Hoàng bên Dakao, hay xây cất lại nhà cửa cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Cũng là ngày trưởng thành về mọi mặt của bọn mình.

Hướng Đạo! Hai tiếng thân thân thương nghe ấm lòng làm sao!
Hướng Đạo! Đuốc sáng soi đường cho Kha Sinh tụi mình vượt gian khó để vào đời và…nhập cuộc.
Hướng Đạo! Liều thuốc an thần đủ mạnh để trấn an tôi khi bước chân vào cổng Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ.
Hướng Đạo! Hành trang đầu đời giúp tôi vững tiến trong lúc tinh thần dao động đến tột cùng. Nhứt là khi đứng trước lằn tên, mũi đạn ngoài chiến trận.

Rất cảm ơn môi trường Hướng Đạo đã cho tụi mình quen biết nhau, vì qua bồ, tôi nhìn thấy tôi. Từ bồ, tôi học được nhiều tấm gương xử thế, đồng thời cũng nhờ Hướng Đạo mà từ một thiếu niên nhút nhát, thụ động, tôi trở thành một người Lính như bồ đã biết.
Mấy dòng điện thư này là để bạn hiền hiểu được phần nào sự trân trọng của tôi dành cho tình bạn của tụi mình, đồng thời cũng là mở đầu cho cơ hội ôn cố tri tân với nhau khi có dịp hay có thì giờ như hôm nay…”

Mấy dòng thư của anh bạn Nguyễn Tấn Quang làm tôi bồi hồi nhớ lại quãng đời thật vui tươi, thật đẹp của thời Khai Phá trong môi trường Hướng Đạo . Chỉ với mấy hàng thôi, anh đã đưa tôi về thế giới thật hồn nhiên của thời mới lớn và cũng đã làm tôi nhớ vô vàn về những kỷ niệm đã có với nhau cũng như với một số bạn khác, nhứt là khi tham dự Trại Giữ Vững ở Suối Tiên cuối năm 1970. Một kỷ niệm để đời!

Anh khiêm nhường đổi ngược vai trò để tự nhận là đã từng học hỏi nơi tôi. Sự thật là tôi học nơi anh nhiều hơn. Từ cử chỉ thái độ cho đến lời ăn tiếng nói, mọi thứ là do anh gián tiếp nêu gương cho tôi. Và người thiếu niên hay rụt rè, nhút nhát mà anh diễn tả chính là tôi chứ không phải ai khác.

Hướng Đạo! Con đường thênh thang đưa tôi đến một chân trời đầy ắp tình thân giữa người và người, khởi đầu bằng những sinh hoạt nội bộ với các bạn Kha Sinh đồng trang lứa. Mỗi tuần chỉ gặp nhau một lần, nhưng là một lần thăng tiến về nhiều mặt.

Hướng Đạo! Khung trời "Khai Phá" có lúc đã làm nhức đầu các Trưởng vì sự hăm hở của tuổi mới lớn. Một trong những hình ảnh dễ thương của tuổi trẻ “khai phá“ mà anh bạn thân và tôi đã góp mặt tham gia là cùng với Tuần Kha Đinh Bộ Lĩnh, Kha Đoàn Chương Dương, thoải mái khoe quần Jean ( đa số là nội hóa , mua ở Khu Dân Sinh ) những ngày Chúa Nhựt đẹp trời của Sài Gòn, trong khi “bà con“ vẫn còn chung thủy với quần short truyền thống.

Hướng Đạo! Ánh sáng của niềm tin vững vàng đã giúp tôi vượt qua những mặc cảm cá nhân, những ưu tư và lo lắng tất yếu của những ngày chao đảo trong đời quân ngũ. Không thể quên được ánh mắt ngạc nhiên, nghi ngại rồi sau đó là hài lòng, pha lẫn chút khâm phục của vị Đại Đội Trưởng Khóa Sinh đã bộc lộ, khi bạn rừng Lâm Hoài Nam và tôi từ Trung Đội 1 và 3 tình nguyện qua Trung Đội 4 ( Trung đội súng nặng ) vác đạn, chỉ để có dịp sinh hoạt chung với những bạn rừng khác, lúc còn trong Quân Trường Đồng Đế .

Càng không thể quên được những buồn lo cùng cực của thời chinh chiến rồi sau đó là năm tháng nhọc nhằn của lúc sa cơ trong ngục tù cải tạo. Ánh sáng, dù đôi khi rất le lói của thời Sắp Sẵn vẫn đủ để tôi bình định tâm thân mà tự thắng để vượt thắng hoàn cảnh.

Hướng Đạo! Ngọn lửa Khai Phá ngày nào vẫn âm ĩ cháy trong tôi. Hành trang hơn nửa đời người vẫn làm tôi vô cùng hạnh phúc khi đắm chìm trong hoài niệm, nhứt là khi có dịp được đọc hay nghe những câu chuyện ngày xưa, từ những bạn rừng thân ái, hoặc qua những phương tiện thông tin khác.

Một thời Khai Phá. Một đời Hướng Đạo. Một khung trời kỷ niệm. Một hăm hở rất “hồn nhiên“. Một hạnh phúc nhẹ nhàng nhưng sâu lắng khi nghe nói tới những sinh hoạt “Tùng Nguyên“ cho dù đã không có cơ hội về Rừng !

Huy Văn(HVC)

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

40 Năm Lửa Hồng Hướng Đạo


(Thân tặng các Trưởng: Nguyễn Tấn Quang, Nguyễn Ngọc San, Hà Xuân Đạm, Khưu Kim Lộc, Đòan Chí Trung và Kha Đoàn Chương Dương, Đạo Bình Than để nhớ ngày đầu tại Trại Tiếp Nhận Đinh Tiên Hoàng- Đakao. 28- 05-1968)

40 năm! Tưởng chừng như giấc mộng
Hôm qua. Hôm nay. Hơn nửa đời người
Nhớ xuân xanh hồn nhiên trong cuộc sống
Thuở mộng mơ, nhàn nhã tiếng cười vui.

Giữa những cam go vững lòng vượt thắng
Mưa bão trong đời mà vẫn tịnh yên
Đã 40 năm! Vẫn lời Sắp Sẵn
Như lúc họp đoàn dưới bóng Tùng Nguyên.

40 năm vượt gian lao khổ ải
Đã bao lần Bách Hợp ngát hương hoa
Đã bao phen giữa mưa dầu, nắng quái
Vẫn miên man giai điệu của sơn hà.

Cám ơn Bạn: những bàn tay hành thiện
Cám ơn Anh: gương lễ độ, trung thành
Cám ơn Đời: rất khiêm nhu, cần kiệm
Tạo trong tôi ngọn lửa ấm tình xanh.

Lối thiên di vẫn ươm mầm hạnh phúc
Trải tình thân đến cuối đất, cùng trời
Chốn tha phương. Giữa nổi, chìm, trong, đục
Ánh lửa hồng Hướng Đạo cháy không ngơi.

Huy Văn