Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Melbourne Cuối Thu...


    Dandenong Botanic Garden, Melbourne, mang một sắc vàng đẹp lung linh trong nắng sớm. Nắng mơn man tô thắm màu son đỏ kiêu sa. Thoáng chốc gió đùa thưa thớt lá.
    Thời gian lạnh lùng mang mưa trút lá úa nhầu ... từng chiếc lặng lẻ.. rơi.... rơi ...
    Trời tháng 5 ngày cuối cùng của một mùa Thu...sao quá vội vàng .... Ôi luyến tiếc....!!!

Trời cuối thu rồi người có hay
Đong đưa hương gió mải mê hoài
Mơ ai bước khẽ về vườn cũ
Say mộng bên thềm vai tựa vai

Mơ chỉ là mơ hảo đấy thôi
Thềm nay vẫn bóng lẻ loi ngồi
Thu ơi có hiểu tình cô phụ
Giữ thoáng bồi hồi .... chút nhỏ nhoi!

 Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Dandenong Botanic Garden, Melbourne 2022

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Lá Thư Nhà Thơ Đỗ Bình ở Paris về Tuyển Tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại

 

Thưa Quý Anh Chị

Trước tiên chúng tôi rất vui là nhà báo Hoài Thanh, Nhà văn Phong Thu đã xác nhận in và phát hành cuốn sách NKMVHVNHN ở Mỹ.

Qua điện thư và gặp gỡ các Anh Chị: TS Phượng Anh, Nhà thơ Nguyễn Phan Ngọc An, BS Nguyễn Tối Thiện, GS Nguyễn Văn Sâm, BS Nguyễn Bá Linh, Nhà văn Khổng Thanh Hương, GS Nguyễn Bảo Hưng, GS Trần Văn Cảnh, tất cả đều có chung cảm nghĩ rất đẹp về cuốn sách. Như anh Bá Linh đề nghị kể lại những buồn vui trong lúc thực hiện sách. Nhân dịp tôi xin nói thêm và chia sẻ cùng các anh chị ít chuyện vui trong thời gian thực hiện cuốn sách:
Điều vui trước tiên là tất cả những anh chị trong ban biên tập đã đặt trách nhiệm lên trên sự tự ái cá nhân nên cuốn sách đã in ở Paris, và sắp ra mắt.
- Trong số những tác giả được vinh danh có nhiều vị là Nhà thơ. Vì số bài thơ gởi đến số lượng không đều, nhưng lại quá nhiều không thể đăng hết, chúng tôi quyết định chỉ đăng Tểu Sử của nhà thơ vì các tác giả đó quá nổi tiếng.

Mới đây, hôm 21 tháng 5 năm 2022 tôi có đến thăm giáo sư Trần Văn Cảnh và thông tin về tình trạng cuốn sách. Anh Cảnh có hỏi tôi một số điều:

Trần Văn Cảnh:

"Sự Khác Biệt Giữa cuốn NKMVHVN Paris và NKMVHVN Hải Ngoại?"

Đỗ Bình:

"Ở hải ngoại có nhiều người làm văn hóa chúng ta dù có cố gắng nhưng vẫn không thể đưa hết vào sách vì không liên lạc được với các tác giả nên thiếu tài liệu! Hai cuốn sách mà chúng ta đã và đang thực hiện đều vinh danh những người đã có công bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.
Ở Pháp, Paris nói riêng có rất nhiều người làm văn hóa, họ sinh hoạt chung với chúng ta nhưng không phải là thành viên CLB.
Cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris là do CLB thực hiện, mà anh là chủ bút bắt đầu từ năm 2015 và hoàn tất năm 2017. Tất cả những Vị được đưa vào sách đều là những nhân vật văn hóa nổi tiếng ở Paris và là thành viên của CLB VHVN Paris, mà tôi là người sáng lập nên muốn cùng các anh chị em vinh danh các vị Thày đó.

Cuốn NKMVHVN Hải Ngoại bắt đầu từ 2018 hoàn tất 20022, viết về những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và vinh danh Những tác giả nổi tiếng ở hải ngoại đã tận tụy phụng sự văn hóa dân tộc, như: giáo sư, học giả, nhà hoạt động văn hóa, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Những tác giả được vinh danh trong sách sẽ không giới hạn quốc gia, địa phương, hay hội đoàn, nhưng tất cả đều được sự đề cử và đóng góp ý kiến của những người sinh hoạt trong giới văn hóa ở các địa phương.
Sách gồm 5 Chương: Những Sinh Hoạt Văn Hóa Ở Hải Ngoại, Biên Khảo, Sáng Tác, Nhận Định Phê Bình, và Tiểu Sử Tác Giả".

Tiến trình thực hiện:

Sau một thời gian dài thảo luận sôi nổi chúng ta đã tuyển chọn một danh sách các tác giả được vinh danh, và đề nghị ban biên tập viết nhận định phê bình về một vài tác giả trong danh sách. Sau đó mời các tác giả có tên trong danh sách viết về những tác giả khác cũng trong danh sách. Bài viết không dài quá 20 trang.

Vào Thực Hiện:

Nhà văn Hồ Trường An nhận viết về 3 tác giả: Nhà văn Mai Thảo, Nhà văn Trần Long Hồ, Nữ sĩ Vi Khuê.
GS Trần Văn Cảnh nhận viết về 5 tác giả: Nhà văn Hồ Trường An, GS Nguyễn Văn Sâm, GS Vũ Khắc Khoan, Nhà văn Mai Thảo, Nhà văn Bình Nguyên Lộc.
Nhà thơ Đỗ Bình nhận viết về Nhà Thi Họa Vũ Hối, Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, Sự Thăng Trầm của Nhạc Vàng.
GS Nguyễn Văn Sâm nhận viết một sáng tác văn chương: Ông Đạo Chuối.
GS Nguyễn Bảo Hưng viết một sáng tác mang tính biên khảo về Nhạc phẩm Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
GS Phạm Thị Nhung viết về chân dung và tác phẩm của GS Học giả Lê Hữu Mục.
Chân dung nữ Nghệ sĩ, GS Bích Thuận.
GS Nguyễn Đăng Trúc viết về biên khảo.
GS Lê Mộng Nguyên viết về biên khảo.
GS Nguyễn Song Thuận trước khi mất gởi bài biên khảo.
GS Nguyễn Văn Nhiệm trước khi mất gởi bài biên khảo.
GS Trần Quang Hải trước khi mất gởi một bài biên khảo.
TS Trần Bích San trước khi mất gởi bài biên khảo.
BS Nguyễn Bá Hậu trước khi mất gởi bài biên khảo.
Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng viết một bài biên khảo.
Nhà văn Song Nhị viết chân dung Nữ sĩ Vi Khuê.
BS Nguyễn Tối Thiện viết một bài biên khảo.
GS Hoàng Đức Phương viết một bài biên khảo.
TS Phạm Trọng Chánh một bài biên khảo..
Luật gia Đoàn Trần Thiều viết một bài sinh hoạt văn hóa.
Nhà văn Vương Trùng Dương viết 2 chân dung tác giả & tác phẩm: Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn.
Nhà văn Từ Thức viết chân dung Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh.
TS Liễu Trương viết chân dung và tác giả Nhà văn Dương Nghiễm Mậu.
Nhà phê bình Thụy Khuê viết chân dung và tác giảNhaà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Nữ sĩ Trương Anh Thụy viết chân dung và tác phẩm GS Học giả Nguyễn Ngọc Bích.
Nữ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung viết chân dung và tác phẩm Học giả TS Trần Bích San….

Tất cả những chân dung tác giả và những bài biên khảo theo chủ đề đều được chúng ta yêu cầu viết, và các tác giả đã gởi đến. Còn nhiều tác giả nổi tiếng khác ở Mỹ, Canada, Úc và Âu châu đã gởi bài đưa vào sách nhưng không kể ra ở đây.
Viết một bài tiểu luận giá trị về một Tác giả và Tác phẩm rất khó, muốn viết một bài giá trị phải mất nhiều thời gian. Những giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn mà tôi liên lạc được ở hải ngoại đa số đều cao tuổi nên đã từ chối viết nhận định phê bình. Các vị đó chỉ muốn gởi bài về chuyên môn biên khảo, theo yêu cầu.
Sau gần một năm liên lạc với Nhà văn Nhật Tiến lúc ông còn sinh thời để mời ông góp mặt trong cuốn sách, và xin ông viết một số nhận định về các tác giả. Nhà văn Nhật Tiến đã nhiệt tình tặng những bài nhận định ngắn của ông viết về Những Nhà Văn Khuất Núi cho chúng ta toàn quyền sử dụng đưa vào sách.

Riêng nhà phê bình Thụy Khuê, gởi 3 bài biên khảo và phê bình, nhưng tôi yêu cầu chị bài viết về Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi nói với chị:"Đây là bài viết độc đáo vì đã đưa các trường phái hội họa Tây phương vào câu chữ thơ, để minh họa ẩn dụ. Phải có kiến thức uyên bác văn học Đông Tây và am tường nền hội họa Tây phương mới có được nhận định này. Một trăm năm nữa cũng chẳng có ai viết về Thanh Tâm Tuyền hay hơn bài của chị, vì những ý tưởng hay đã được viết.".

Tôi được Học giả, BS Trần Văn Tích ở Đức gởi tặng cuốn tạp chí Văn Học Nghệ Thuật: Văn Học Mới số 6 tháng 3 năm 2020, quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng viết về chủ đề : Nhà văn, Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Tôi chuyển cuốn tạp chí cho các bạn trong Câu Lạc Bộ đọc. Sau khi đọc xong một số anh chị đề nghị xin bài viết của BS nhà văn Ngô Thế Vinh, Nhà nghiên cứu Phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, và Học giả, BS Trần Văn Tích, GS Nguyễn Văn Sâm. Các anh Trần Văn Tích, Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Vy Khanh trong nhóm Chủ Trương, đã có tên trong danh sách vinh danh và đã gởi bài viết ngay từ đầu.

Riêng Nhà văn BS Ngô Thế Vinh có tên trong danh sách vinh danh, chúng ta đã phôn liên lạc nhưng không được, do đó không thể đưa bài viết của Nhà văn Ngô Thế Vinh vào sách! Cuối cùng chúng ta quyết định đưa Tiểu Sử của Nhà văn Ngô Thế Vinh và Nhà văn Nguyễn Đình Toàn vào sách. Trong thời gian ấy, chị Liễu Trương, một TS về Phân Tâm Học và Phê Bình Văn Học, viết một bài nhận định văn học về Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, bài viết quá hay, tôi đề nghị đưa bài đó vào sách, chị nói bài vừa mới viết xong, chị muốn đưa bài về nhà văn Dương Nghiễm Mậu, mà tác giả Dương Nghiễn Mậu nằm trong danh sách vinh danh nhưng chưa có tác giả nào viết nên tôi đồng ý ngay.

Trong thời gian thực hiện sách có nhiều thay đổi về người viết, về chân dung các tác giả:
Giáo sư Trần Văn Cảnh hỏi tôi:

"Theo anh, tôi nên viết về những tác giả nào ?"

Đỗ Bình:

"Ở cuốn NKMVHVN Paris anh đã viết về hai vị bậc thầy là GS BS Nguyễn Văn Ái và BS Nguyễn Bá Hậu vì các vị đó gần gũi chúng ta, có gì thắc mắc hỏi được. Cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại có nhiều Tác giả và có nhiều người viết nổi tiếng, theo tôi anh cũng nên chọn những tác giả quen biết gần gũi để dễ hỏi những điều cần thiết cho bài viết, chẳng hạn như Nhà văn Hồ Trường An, Nhà văn Nguyễn Văn Sâm".

GS Trần Văn Cảnh cùng tôi xuống tỉnh Troyes để anh hỏi trực tiếp nhà văn Hồ Trường An, để ghi thép thu thập những tài sống về tác giả Hồ Trường An. Anh Cảnh cũng làm điều này, ghi chép thu thập những lời phỏng vấn trực tiếp với GS Nguyễn Văn Sâm, khi anh Sâm qua Paris nghiên cứu Chữ Nôm ở các thư viện quốc gia Paris và chúng ta đã tổ chức cho GS Nguyễn Văn Sâm diễn thuyết, và nhà văn Trần Thị Ngọc Ánh ra mắt sách ở Paris.

Dưới cái nhìn của các anh chị em trong CLB VHVN Paris về hai tác giả này:

Anh Hồ Trường An là một trong những nhà văn lớn ở hải ngoại. Lý do: Anh đeo đuổi nghiệp văn chương hơn 60 năm, có gần 100 tác phẩm gồm Biên khảo, Phê bình, Thơ, Tiểu thuyết Truyện dài mang tính xã hội, với chất văn độc đáo «dân quê miệt vườn» miền Nam.
Anh Nguyễn Văn Sâm, là một giáo sư độc nhất về Chữ Nôm ở hải ngoại và là người đeo đuổi nghiên cứu Chữ Nôm đã hơn 60 năm. Anh còn là một nhà văn viết tiểu thuyết truyện dài mang chất Miền Nam, nhưng thuộc lớp người thị thành: Sài Gòn, Cần Thơ…
Đơn cử, những nhà văn ở hải ngoại trong văn chương có tính Miền Nam, miệt vườn: Cố nhà văn An Khê, (Marseille, Pháp), Cố nhà văn Nguyễn Văn Ba (Canada), Cố nhà văn Nguyễn Văn Nhiệm ( Đức), Nhà văn Hồ Trường An, Nhà văn Nguyễn Văn Sâm, Nhà văn Tiểu Tử (Paris), Nhà văn Võ Kỳ Điền,...

Sau khi chúng tôi trở về Paris, nhà văn Hồ Trường An gọi phôn hỏi tôi:

"Anh Cảnh là một giáo sư về Quản Trị Xí Nghiệp, lại chuyên viết về Công Giáo. Anh không có nhiều sách về Hồ Trường An; Ông nghĩ anh Cảnh có thể viết được về tôi không?"

Đỗ Bình:

"Tôi sẽ đưa thêm tài liệu và số sách của anh cho anh Cảnh mượn đọc."

Hồ Trường An:

"Tôi là người lưỡng tính (Bisexsuel), trong văn của tôi cũng có chất đó, anh Cảnh làm sao biết được lúc nào là nam, lúc nào là nữ!".
Tôi nói điều này với anh Cảnh, anh cảm thấy quá khó khăn nên không viết nữa.

Đối với giáo sư Nguyễn Văn Sâm để viết một chân dung và tác phẩm giá trị rất khó, vì thiếu nhiều tài liệu, do đó giáo sư trần Văn Cảnh thảo luận với ban biên tập xin không viết về tác giả Nguyễn Văn Sâm, và thay thế bằng một tiểu sử, vì tự nó cũng nói đủ về GS Sâm.
Đối với Nhà văn Mai Thảo cũng không đủ tài liệu nên BBT yêu cầu anh Cảnh không viết, mà chỉ viết về nhà văn Bình Nguyên Lộc và GS Vũ Khắc Khoan vì có đủ tài liệu.
Còn nhà văn Hồ Trường An sau khi đã nhận lời viết về các tác giả trên. Anh đã trích các tác giả đó trừ trong sách của mình. Nhưng sau đó thay đổi sửa chữa nhiều lần như các anh chị đã biết. Vì anh ngại bị so sánh với các nhà phê bình khác ở trong sách như Nguyễn Thùy, Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Trương Liễu, Nguyễn Vy Khanh…. Cuối cùng anh xin bỏ hết những bài về các tác giả và xin thay bằng bài Giới Tính, vì đề tài này là độc nhất không ai viết. Sau khi anh mất BBT đưa thêm bài về Mai Thảo.
Có một số Tác giả vì không tìm được người viết nhận định nên chúng tôi thay thế bằng Tiểu Sử. Vinh danh bằng một Bản Tiểu Sử chúng tôi quan niệm tự nó đã đầy đủ ý nghĩa về quá trình sinh hoạt của tác giả. 
Ở trong sách có nhiều tác giả làm văn hóa, vì không liên lạc được nên chúng tôi đưa Những Tên, bút hiệu của tác giả đó vào sách Như Một Sự Vinh Danh.

Chúc các anh chị và gia đình luôn bình an và nhiều sức khỏe.

Thân mến

Đỗ Bình
Paris

Bạch Lộ 白鷺 - Lý Bạch

 

Nguyên tác            Dịch âm

白鷺                       Bạch Lộ

人生四十未全衰 Nhân sinh tứ thập vị toàn suy,
我為愁多白髮垂 Ngã vị sầu đa bạch phát thuỳ.
何故水邊雙白鷺 Hà cố thuỷ biên song bạch lộ,
無愁頭上亦垂絲 Vô sầu đầu thượng diệc thuỳ ty?

Dịch thơ

Cò Trắng

Người đời bốn chục vẫn chưa già
Sầu muộn đang làm trắng tóc ta
Cò trắng ven sông đi một cặp
Không sầu sao tóc trắng như tơ?

Con Cò
***
Cò Trắng

Đời người bốn chục vẫn còn mơ.
Ta bởi đa sầu tóc bạc phơ
Bờ nước, tại sao đôi cò trắng.
Không buồn, đầu cũng khác gì tơ?

Lộc Bắc
***
Cò Trắng
 
Người đời bốn chục đã già đâu
Ta bởi buồn nhiều tóc trắng phau.
Sao lạ, đôi cò bên bến nước,
Vô lo, đầu cũng xõa tơ màu.

Mỹ Ngọc 
May 12/2022.
***
Sầu Tư

Bốn mươi tuổi sức chưa tàn tạ
Mà lụy phiền sớm đã bạc đầu
Kìa đôi cò trắng phau phau
Vô ưu tóc cũng vì đâu bời bời?

Yên Nhiên
***
Cò Trắng.

Người đời bốn chục đã già đâu,
Mái tóc pha sương chỉ tại sầu.
Cò trắng một đôi bên bờ nước,
Không buồn sao tóc trắng phau phau?

Bát Sách
(Ngày 12/05/2022)
***
Cò Trắng

Cuộc đời bốn chục chẳng hề gì
Tóc bạc bởi mình quá lụy bi
Cò bạch ven sông sao cũng vậy
Không sầu lông trắng hỏi phiền chi?

Kim Oanh
 ***
Bài Cảm Tác:

Bạc Cò

Tóc ta trắng tựa lông cò
Ta già, chim trẻ sao so được nào
Đời hành ta chốn lao xao
Biết là kiếp tạm vẫn hao thân mòn

Đồ Cóc
***
Nguyên tác:      Phiên âm:

白鷺-白居易       Bạch Lộ - Bạch Cư Dị

人生四十未全衰 Nhân sinh tứ thập vị toàn suy,
我為愁多白髮垂 Ngã vị sầu đa bạch phát thùy.
何故水邊雙白鷺 Hà cố thủy biên song bạch lộ,
無愁頭上亦垂絲 Vô sầu đầu thượng diệc thùy ty?

Bài Bạch Lộ được đăng trong các sách như: Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁, Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬, Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易, Bạch Hương San Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白香山詩集-唐-白居易, Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁.

Ghi chú:

Bạch lộ: loại cò, có lông trắng và chân dài, có thể lội nước để săn mồi.
Thùy ty: lông trắng rũ xuống
Chuyện lẩm cẩm, không ăn nhầm vào đâu. Ngay thời BCD, 40 không phải là già, 70 mới hiếm như Đỗ Phủ nói. Đem chuyện tóc bạc và lông trắng mà gắn cho nguyên do là lo lắng buồn rầu, theo tôi nghĩ, đúng là chuyện trà dư tửu hậu.

Dịch nghĩa:

Đời người bốn mươi tuổi vẫn chưa suy yếu,
Ta vì lắm chuyện lo lắng buồn rầu nên tóc bạc.
Nhưng tại làm sao đôi cò trắng bên dòng nước,
Không có gì lo buồn mà đầu cũng đầy lông trắng rũ xuống?

Dịch thơ:

Cò Trắng

Bốn mươi cơ thể đã suy đâu,
Tóc bạc vì ta lắm chuyện rầu.
Cò trắng song đôi bên bến nước,
Không sầu, lông trắng rũ từ đầu.

White Egret by Bai Ju Yi

In life, 40 is not old age,
Because of worries and sorrows, my hair has turned gray.
But why the pair of egrets on the water edge
Having no sorrows, but have white feathers hanging from their heads?

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

何故水邊雙白鷺 hà cố thủy biên song bạch lộ
無愁頭上亦垂絲 Vô sầu đầu thượng diệc thuỳ ty

Người Việt địch bài thơ này sẽ hoặc gặp khó khăn, hoặc có hứng thú chọn chữ để dịch 白鷺, vì tên tiếng Việt cho con chim này không chính xác, khác nhau tùy vùng và tùy người hiểu. Thuộc chi Egretta, tiếng Việt là diệc, trong đó có những con mà ta gọi là cò, diệc, v.v... Đối với người Tàu, bạch lộ là các con này:

Câu thơ cuối làm tôi liên tưởng tới giai thoại về cá trong cuộc đối thoại giữa Trang Tử và Huệ Tử "Ông không phải là cá sao biết cá vui?" và câu "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!" của Nguyễn Du. Làm sao ta biết rằng chim sống không ưu tư, lo âu? Ca dao Việt có bài

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Nhân cách hóa loài vật, hay cảnh vật, là một thói quen chung của nhân loại nhưng sự khác biệt giữa màu lông và tóc giữa cò trắng và người là ở điểm thời gian. Nhiều bài thơ dùng hình tượng tóc mai (鬓=mấn) đổi màu nhưng tùy tâm trạng của thi nhân; tóc bạc vì âu lo, hay tóc bạc là biểu tượng của thời ... không còn trẻ nữa! Và có thể rằng họ Bạch nói về cả hai vì khi trên đường đến vùng Giang Châu ông đã 33 tuổi rồi.

Huỳnh Kim Giám

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 代答閨夢還 - Trương Nhược Hư

  

代答閨夢還     Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn

關塞年華早, Quan tái niên hoa tảo,
樓臺別望違。 Lâu đài biệt vọng vi.
試衫著煖氣, Thí sam chước noãn khí,
開鏡覓春暉。 Khai kính mịch xuân huy.
燕入窺羅幕, Yến nhập khuy la mạc,
蜂來上畫衣。 Phong lai thướng họa y.
情催桃李豔, Tình thôi đào lý diễm,
心寄管弦飛。 Tâm ký quản huyền phi.
妝洗朝相待, Trang tẩy triêu tương đãi,
風花暝不歸。 Phong hoa minh bất quy.
夢魂何處入, Mộng hồn hà xứ nhập,
寂寂掩重扉。 Tịch tịch yễm trùng phi.
張若虛             Trương Nhược Hư

* Chú thích:
- Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 代答閨夢還 : Đáp thay người chốn khuê phòng mộng ngày trở lại của chồng (đang trấn thủ ở biên ải xa xôi).
- Quan Tái 關塞 : Quan ải nơi vùng biên tái xa xôi.
- Vọng Vi 望違 : là Nhìn đến mút tầm mắt, nhìn đến không còn nhìn thấy nữa.
- Thí Sam 試衫 : là Thử chiếc áo lót mới (thử yếm mới).
- Khai Kính 開鏡 : là Mở gương trang điểm ra.
- La Mạc 羅幕 : là Màn, rèm bằng lụa là. Màn là.
- Họa Y 畫衣 : là Áo có vẽ vời hoa văn, là Áo có thêu hoa đẹp đẽ.
- Quản Huyền Phi 管弦飛 : Bay theo tiếng tơ trúc, bay theo tiếng nhạc.
- Triêu Tương Đãi 朝相待 : là Đợi chờ nhau mỗi buổi sáng.
- Minh Bất Quy 暝不歸 : là Đến trời tối vẫn không thấy ai về.
- Tịch Tịch 寂寂 : là Vẻ vắng lặng buồn bã.
- Trùng Phi 重扉 : là Hai lớp cửa, cửa ngoài và cửa trong.

* Nghĩa bài thơ:
Đáp Thay Người Chốn Khuê Phòng Mộng Ngày Trở Lại

Tuổi chàng còn rất trẻ đã phải đi trấn thủ nơi biên ải xa xôi; còn nàng thiếu phụ đứng trên lầu cao đưa tiễn chồng cứ trông theo đến khi không còn thấy bóng dáng của chàng nữa mới thôi. Mặc chiếc yếm mới may vào mới cảm giác được cái ấm áp của mùa xuân, Mở hộp gương lược ra trang điểm lại dung nhan để tìm lại chút ánh xuân đang trở lại. Những con chim én từ xa bay về dường như cũng đang nhìn vào bức rèm là và những con ong bay vo ve như muốn tìm đậu trên những đóa hoa thêu trên áo. Tình xuân phơi phới khiến cho hoa đào hoa lý cũng đua nhau khoe đẹp mà nở rộ cả ra rồi, và lòng của thiếp cũng nương theo tiếng tơ tiếng trúc du dương mà bay bổng đi tìm chàng. Mỗi buổi sáng thiếp đều trang điểm thật đẹp để đợi chàng về, để rồi chiều nào cũng thất vọng với gió cuốn hoa tàn vì không có người trở lại. Đêm càng về khuya thiếp càng không biết phải chìm vào giấc mơ nào để có thể gặp nhau, đành buồn bã lặng lẽ trong cô đơn mà đóng sầm mấy lớp cửa lại !...

Đọc bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến bài thơ trường thiên "Chinh Phụ Ngâm Khúc" mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm qua tác phẩm bằng Hán Văn của Đặng Trần Côn, với các câu như:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
... và khi tiễn đưa nhau thì :
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
hay như :
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục, oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

rồi thì...
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.  ​

​cuối cùng:
​Sum vầy mấy lúc tình cờ,
​Chẳng qua trên gối một giờ mộng Xuân.


Nói chung, đây là một bài thơ thuộc "Cung Thể Thi", mang phong thái của thơ Tề Lương, có xuất xứ và nguồn gốc từ Nhạc Phủ của thời Nam Triều của đời Lương Giản Đế, chủ yếu là ca ngợi tình yêu nam nữ, nhất là giới nữ bị bạc đãi bỏ bê là nguồn gốc của dòng thơ Khuê Oán, Cung Oán kéo dài suốt dòng lịch sử của các triều đại sau nầy.

* Diễn Nôm:
Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 

Chàng tuổi trẻ ra miền biên tái,
Trên lầu cao thiếp mãi trông theo.
Yếm đào hơi ấm nắng vèo,
Mở song đón ánh xuân reo chan hòa.

Én lượn song màn là ríu rít,
Ong tìm hương lẫn đóa hoa thêu.
Ngát hương đào lý nở đều,
Gởi lòng theo tiếng tiêu thiều bay xa.

Sáng điểm trang trông xa mòn mõi,
Chiều ủ ê lủi thủi hoa sầu.
Mộng hồn đêm biết về đâu?
Thẫn thờ khép kín cổng dâu mấy lần!

(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)

Toàn bài thơ không có sử dụng một từ OÁN nào cả, nhưng cái OÁN tự nó toát lên và dàn trải suốt toàn bài thơ với mùa xuân, với chim én, với ong bướm cỏ hoa, với ánh nắng chan hòa, với gió xuân nồng ấm... nhưng trên lầu cao nàng thiếu phụ vò võ có một mình, nhớ đến chồng đang ở tận miền biên ải xa xôi không biết ngày nào mới trở lại. Nàng điểm trang để đợi chờ trong thất vọng, rồi cô đơn lặng lẽ khép kín cửa nhà và khép kín cả phòng the. Thế mới hay, nếu không có tình yêu thì dù cho mùa xuân có ấm áp, có đẹp đẽ, có nên thơ đến đâu cũng trở nên vô nghĩa ... và càng làm cho cái oán vút cao hơn mà thôi.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Dịch:

Nói Thay Khuê Đợi Mộng Về 

1-

Tuổi trẻ ngoài biên ải
Lầu cao ngút mắt theo
Ấm nồng mang yếm mới
Mở kính kiếm xuân chiều

Én lượn bên màn lụa
Ong về đậu áo thêu
Gợn tình đào lý thắm
Lòng gởi sáo đàn reo

Trang điểm sáng trông đợi
Gió hoa chẳng viếng chiều
Nơi nao hồn mộng đến?
Lẳng lặng khép màn treo!


2-

Chàng ra biên ải tuổi xuân
Lầu cao mút mắt tần ngần ngó trông
Áo xiêm mặc thử còn nồng
Điểm trang soi kính ước mong xuân về

Xập xòe én liệng màn the
Ong đi tìm phấn cận kề áo hoa
Khơi tình đào lý nở ra
Lòng theo đàn sáo la đà trời không

Tinh sương trang điểm chờ mong
Gió hoa chẳng đến chiều trông lại chiều
Biết đâu hồn mộng phiêu diêu?
Thôi đành lẳng lặng màn treo khép hờ!

Lộc Bắc
Sept21
***
Đáp Thay Khuê Mộng Hoàn

Chàng đi trấn thủ xa xôi
Khuê phòng thiếp mãi trông vời tài trai
Mặc vào chiếc yếm mới may
Lược gương trang điểm xuân lai ấm nồng

Xuyên rèm én liệng trời không
Đóa hoa thêu áo bướm ong lượn lờ
Lý Đào khoe sắc mộng mơ
Tiếng lòng riêng gởi bụi mờ người xa

Sớm mai nhan sắc mượt mà
Chiều mong ngóng đợi cánh hoa phai mầu
Nửa khuya vào mộng tìm nhau
Sao tàn lặng lẽ cửa sau khép hờ! 

Kim Oanh

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Bến Thu - Đêm Mơ - Lìa Bờ

  
(Thu Melbourne- Kim Oanh)


Bài Xướng:

Bến Thu

Từ thuyền tách bến xa bờ
Trăng buồn vò võ dõi chờ người hay
Thu tàn đông lạnh gầy vai
Bên dòng sông khát khao say giấc nồng.

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Đêm Mơ

Thuyền đi bỏ lại đôi bờ
Để cho sông nhớ bến chờ có hay
Đông về giá buốt bờ vai
Đêm mơ bóng bạn ước say đêm nồng

Hương Thềm Mây
19.5.2022
***
Lìa Bờ

Bến thu chiếc lá tách bờ
Nửa đêm đường tắt mịt mờ nào hay
Sương khuya ướt đẫm hai vai
Người thương chắc hẳn đương say ấm nồng!

Lộc Bắc

May22
***
Mộng Thu Xưa

Thuyền xa còn nhớ bến bờ
Lở bồi ta vẫn đợi chờ ai hay
Tuyết sương dù đẫm oằn vai
Thu xưa mộng mãi đắm say mặn nồng.


Phan Tự Trí
23/5/2022
***

Bến Sầu

Xa em anh nhớ vô bờ 

Thẩn thờ lê bước đợi chờ nào hay 

Phiến sầu nặng trĩu bờ vai 

Còn đâu cái thuở men say tình nồng.


Nguyên Trần


***

Nhớ Thương

Từ khi trăng gãy đôi bờ
Bên đèn vò võ thẩn thờ ai hay.
Nỗi sầu năm tháng chòng vai
Chao ôi! Nhớ quá môi say thơm nồng 

Mailoc
5-23-22
***
Bài Cảm Tác:

Em đi bỏ lại bên bờ
Một vùng thương nhớ đợi chờ gió lay
Dường thu ủ lạnh vai gầy
Hỡi đông sưởi ấm hồn say gật gù

Mai Thắng
***
Bến Thu

Em đi bỏ lại đây... bờ
Thuyền nan một bóng đợi chờ ai hay
Buồn tình ấm lạnh hai vai
Tựa lưng thiêm thiếp ngủ say hương nồng...

Mai Xuân Thanh 
 May 27, 2022
***
Sông Sầu

Thuyền xa có nhớ bến bờ?
Sông xưa vẫn đợi vẫn chờ có hay!
Vết sầu năm tháng trĩu vai
Mà thuyền có nhớ thuở say tình nồng?


songquang
20220528
***
Cảm Tác:

Bờ Thu
Bên bờ lạnh vắng đợi mong
Bóng thuyền thấp thoáng ngược dòng thu trôi
Như trăng buồn nở góc trời
Buồn ta vời vợi .... hỏi người có hay?

Yên Dạ Thảo

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Mùa Trăng Ngày Cũ

 

Mùa trăng ngày cũ sáng soi
Nay song bóng lẻ nến còi lụn tan
Mỏi mòn tin nhạn khuất ngàn
Gió xào xạc lá mơ màng ngỡ ai
Hương nồng áo cũ còn đây
Từng đêm nỗi nhớ trùng vây mộng về


Kim Oanh

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Nguyện Xin - Nhạc, Lời & Thực Hiện: Cao Ngọc Bích - Tiếng Hát: Thu Hường


Thân gởi đến các AC, Bạn bè và tất cả mọi người nhạc phẩm Nguyện Xin, trong cơn đại dịch xin mọi người cùng cầu nguyện nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Lạy mẹ Maria, chúng con chạy đến cùng mẹ, nhờ lời chuyển cầu của mẹ, đến lòng thương xót của Chúa mà ban cho thế giới sớm vượt qua cơn đại dịch và an ủi các gia đình có người thân mất mát trong đại dịch.
Xin Chúa ban ơn chữa lành về thể xác lẫn tinh thần xuống cho tất cả chúng con và ban ơn bằng an xuống cho chúng con.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô chúa chúng con. Amen.

Xin mọi người hợp ý cùng cầu nguyện và hãy Tin tưởng vào Ngài.
‘’Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.’’ (Mt 18,20)

Nhạc, Lời & Thực Hiện: Cao Ngọc Bích
Tiếng Hát: Thu Hường

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Gió Loạn



Gió Loạn

Thu xào xạc hái từng chiếc lá
Rụng tơi bời phơi xác mùa đi
Nắng Hạ về gõ cửa xuân thì
Phượng thắm đỏ ngày thi rộn rã
Nhưng cuồng phong từ đâu vội vã
Xé tả tơi nón lá bài thơ

Nhuộm đỏ màu áo trắng mộng mơ
Tương lai tối đợi chờ...vô vọng
Thuyền tách bến buông theo dòng nước
Bềnh bồng trôi hớt hải ra khơi
Tháng Tư buồn mòn mỏi ai ơi!
Quê hương ngóng... xa.. Ôi vời vợi...


Kim Oanh
30/4/2013
***
Gió Loạn*

(*Chuyển thể bài Gió Loạn của Kim Oanh

Thu xào xạc rứt từng phiến lá
Rụng tơi bời khắp ngả lối đi
Hạ về gõ cửa thầm thì
Phượng hoa thắm đỏ mùa thi rộn ràng
Cuồng phong tức tưởi nhớ chàng
Tả tơi nón lá, bàng hoàng lời thơ

Áo dài trắng mộng mơ, nhuộm đỏ
Tương lai đen nhắc nhở hãi hùng
Thuyền tách bến, trôi theo dòng
Ra khơi hớt hải bềnh bồng dạt trôi
Tháng tư mòn mỏi người ơi
Quê hương ngoảnh lại, ôi vời vợi … xa!


May22
Lộc Bắc

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

Bến Thu


Từ thuyền tách bến xa bờ
Trăng buồn vò võ dõi chờ người hay
Thu tàn đông lạnh gầy vai
Bên dòng sông khát khao say giấc nồng


Thơ& Hình Ảnh: Kim Oanh
Thu Melbourne 2022

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Đăng U Châu Đài Ca 登幽州臺哥 -Trần Tử Ngang (Sơ Đường)

(Bát Sách & Con Cò hợp soạn)

Trần Tử Ngang (陳子昂, 661-702), tự: Bá Ngọc (伯玉); là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên và là thi sĩ thời Sơ Đường. Ông là người Xạ Hồng, Tử Châu (nay là huyện Xạ Hồng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên). Xuất thân trong một gia đình hào phú lâu đời; hồi trẻ, ông chỉ ham học võ nghệ, săn bắn và đánh bạc; đến năm 17, 18 tuổi, ông mới chuyên tâm học và đọc sách.

Năm 684, ông thi đỗ Tiến sĩ lúc 23 tuổi, được Võ hậu (tức Võ Tắc Thiên) khen ngợi, cho làm chức Chính tự (chức quan ở phòng bí thư) ở Lân Đài, sau thăng làm Hữu Thập di (có sách đề là Tả Thập di, nên ông còn được gọi là Trần Thập Di).
Năm 26 tuổi, ông tham gia quân đội của Kiều Tri Chi, từng đến biên thùy phía Tây Bắc.
Năm 35 tuổi, ông làm tham mưu cho Kiến An vương Võ Du Nghi, theo quân đi chinh Đông, đánh quân Khiết Đan. Võ Du Nghi không có mưu lược, quân đi tiên phong đại bại, mấy lần Trần Tử Ngang hiến kế cho Võ Du Nghi, và hăng hái xin cầm quân ra trận; nhưng không được nghe theo, mà ngược lại còn bị chủ tướng trút giận lên đầu, hạ chức ông từ tham mưu xuống làm quân tào.

Bất đắc chí, năm 38 tuổi, ông lấy cớ cha già, xin từ chức về quê.
Năm 702, huyện lệnh huyện Xạ Hồng là Đoàn Giản, vì nghe lời xui giục của Tể tướng Võ Tam Tư (cháu Võ Hậu) nên đã hại chết Trần Tử Ngang. Năm đó, ông 41 tuổi.
Tác phẩm của ông có Trần thập di tập (Tập thơ thu thập những phần còn sót lại của họ Trần), trong đó có khoảng 120 bài thơ.
Theo Dịch Quân Tả, thì Trần Tử Ngang là người có "tình hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, ưa giúp người, và rất chân thật với bạn bè".

Sự nghiệp văn chương
Thời Sơ Đường, văn học còn chịu ảnh hưởng văn trào "diễm lệ" đời Lục Ttiều. Thấy lối văn ấy ưa "ủy mị, đồi phế", "lộng lẫy, đẹp đẽ quá mà tuyệt nhiên không gửi gắm điều gì" (chữ của Trần Tử Ngang), trong hoàn cảnh đó, Trần Tử Ngang đã đề xướng ra lối văn có tinh thần "phong nhã" và "phong cốt” Hán-Ngụy (tức thời Kiến An), bao hàm một nội dung tư tưởng lành mạnh, cứng cỏi. Ông nói: "Văn chương sa vào cái tệ đã 500 năm rồi, phong khí của Hán, Ngụy không truyền lại Tấn Tống... Tôi, những lúc nhàn, đọc thơ Tề Lương, lời thì rất đẹp mà tình ý đều không có, lần nào cũng thở dài". Bởi vậy, ông ra sức cổ súy cho phong trào "phục cổ", để rồi Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên là những người tiếp thu, phát triển làm cho phong trào ấy trở nên mạnh mẽ trong thời Thịnh Đường.

Từ chủ trương ấy, ông đã làm được một số bài thơ ưu tú, xây dựng được một phong cách thơ có nội dung, có hình tượng, lành mạnh, chất phác ... chứng minh lý luận ấy là đúng đắn và có sức sống. Đặc biệt là 38 bài "Cảm ngộ" (Cảm cánh gặp gỡ), mượn xưa ví nay, nói lên hoài bão của mình, hoặc nhờ cảnh gửi tình, vạch trần và châm biếm hiện thực, hoặc trực tiếp phản ánh hiện thực. Có bài thì đả kích Võ Hậu xây chùa tạc tượng, phung phí tiền của mà "không cứu giúp dân đen", có bài thì phơi trần cuộc chiến tranh phi nghĩa (đánh Sinh Khương), mang tai vạ đến cho binh lính và dân lành.
Bên cạnh đó, ông cũng có một số bài hoài cổ (như bài "Bạch Đế hoài cổ" [Ở thành Bạch Đế nhớ chuyện xưa], "Kế khâu lãm cổ" [Lên gò Kế xem cảnh năm xưa] và đề tặng khi ly biệt (như bài "Xuân dạ biệt hữu nhân" [Ngày xuân tiễn bạn] ...

Nhìn chung, ông là người có khả năng và cao vọng lớn nhưng không được trọng dụng, nên đã trút nỗi bất bình và buồn chán trong hàng loạt bài thơ.
Về hình thức, thơ ông kế thừa truyền thống "cổ thi ngũ ngôn" ở thời Hán-Ngụy. Bề ngoài, có vẻ "phục cổ", nhưng bản chất lại là "cách tân", dù sự cách tân đó còn nhiều hạn chế.

Nói về công lao của ông trong lãnh vực học, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng Trần Tử Ngang là một nhà thơ có vị trí nhất định trong thi đàn đời Đường. Và với công lao "vừa phá vừa xây" của ông, ông xứng đáng được xem là người mở đường cho thơ ca đời Đường phát triển.
(Trích trong Thi Viện)
***
Trần Tử Ngang (651-702), người Từ Châu, tỉnh Tứ Xuyên, rất giàu có. Khi lên kinh đô Trường An, muốn được nổi tiếng, ông bỏ ngàn vàng tổ chức một bữa tiệc để mời khách tới dự để nghe đàn... Nhưng ông không đàn, đập vỡ cây Hồ cầm quý giá, rồi đem một trăm cuốn thơ của mình ra tặng khách. Và ông nổi tiếng thật, thơ được nhiều người ca ngợi.

Năm 684, đời Đường Trung Tông, ông đỗ Tiến sĩ, được Vũ Hậu bổ làm Lan Đài Chính Tự, rồi thăng Hữu Thập Di. Ông đã dâng nhiều sớ trình bày về kế hoạch quốc gia, nhưng không được Vũ Hậu nghe theo. Khi Vũ Du Nghi phụng mệnh đi đánh Khiết Đan, Trần làm tham quân, dâng nhiều mưu kế, mà Vũ không nghe và bại trận. Trần chán nản, lấy cớ cha già, xin từ quan, về quê. Quan sở tại, biết Trần giầu, vu tội, bắt giam, muốn đòi tiền chuộc, và ông chết trong tù. Ông là người đề xướng việc thay đổi tác phong phù mỹ của các đời Tề, Lương, phục hồi phong cách đời Hán, Nguỵ, và có ảnh hưởng rất lớn tới thi ca thời Thịnh Đường.

Nguyên Tác    Dịch Âm

登幽州臺歌     Đăng U Châu Đài Ca.

前不見古人    Tiền bất kiến cổ nhân,
後不見來者     Hậu bất kiến lai giả,
念天地之悠悠 Niệm thiên địa chi du du,
獨愴然而涕下 Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

Chú Giải:
- U Châu đài ở U Châu, nay là Bắc Kinh, do Yên Chiêu Vương xây.
-  Niệm là nghĩ, nhớ, mong.
- Du du là phiền muộn, xa vời, dài dằng dặc. (Chinh Phụ Ngâm có câu Tống quân khứ hề tâm du du, mà bà Điểm dịch là Đưa chàng lòng dằng dặc buồn)
- Sảng là thương xót.
- Nhiên là đúng, thế, vậy, nhưng.
Hai chữ này thường dùng làm chữ kép, có nghĩa là đau thương.
- Thế là nước mắt, viết với bộ thủy

Dịch nghĩa:
Viết ra văn xuôi thì rất dễ hiểu: Nhìn phía trước, không thấy người xưa, nhìn về sau, không thấy người sắp tới, nghĩ trời đất mênh mông, dài dằng dặc, một mình đau thương mà rơi lệ...

Dịch thơ:

*Dịch theo thể cổ phong:
Khúc Ca Lên Đài U Châu

Trước không thấy người xưa,
Sau chẳng thấy ai lại,
Ngẫm trời đất thật mênh mông,
Mình lệ rơi, buồn tê tái.


*Dịch theo thể lục bát:
Khúc Ca Lên Đài U Châu

Trước nhìn chẳng thấy người xưa,
Nhìn sau, bạn trẻ cũng chưa tới cùng,
Ngẫm rằng trời đất mênh mông,
Một mình đau xót, tuôn dòng lệ rơi.


Đây là một bài thơ theo thể cổ phong, hai câu đầu 5 chữ, hai câu sau 6 chữ
Lời bàn của Bát Sách:

Khi bình luận về bài này, vài người cho là Trần Tử Ngang tự cao, tự đại, chỉ có mình là nhất, vì trước và sau mình đều không thấy ai cả. Nói như vậy thì thật quá lời, và chẳng hiểu gì về tâm sự của tác giả cả. Trần là người có tài, đưa nhiều ý kiến mà không được Vũ Hậu và Vũ Du Nghi dùng tới, nên ông chán nản, cảm thấy cô đơn, vì không ai hiểu mình. Khi lên U Châu đài, giữa trời đất mênh mông vô cùng, trước sau chẳng thấy bóng người, ông càng cảm nhận được nỗi cô đơn mà đau thương, rơi lệ. Theo ý của BS, đây là một bài thơ tự thán, rất bình dị, nhẹ nhàng, nhưng gây nhiều xúc động, nhiều u hoài trong lòng độc giả.

Bát Sách.
(19 tháng 2 năm 2022)
***
Bài Hát Lên Đài U Châu

Trước không thấy người xưa
Sau không thấy người kế
Đất trời thăm thẳm đong đưa,
Cô đơn tuôn đôi dòng lệ.

Lời bàn:
Qua bài thơ này, họ Trần đã trầm cảm nặng. Đời ông trở nên hoang vắng. Ông lên đài U Châu mà không thấy ai trong triều chính, không thấy ai trong lịch sử, không thấy ai trong xã hội nữa. Nhìn trời đất đảo lộn. Đến nỗi lúc khóc cũng cô đơn (chả có ai khóc chung với mình). (Xin xem tiểu sử của Trần). Tả cái xấu xa của thời Võ Tắc Thiên bằng cách này mới thật thấm thía!

Tái Bút:
Trên đây chỉ là nhận xét của ÔC về Trần Tử Ngang theo tiểu sử của ông trên Thi Viện, nhưng Bát Sách đã kiếm thêm được vài chi tiết thuyết phục nữa vậy thì phải theo lập luận của Bát Sách.

Con Cò
***
Góp ý:
幽州臺=U Châu đài.

Đài này chỉ còn tên trong lịch sử sau khi nước Yên đã bị Tần tiêu diệt (222 BCE), thế thì Trần Tử Ngang muốn nói gì với tựa đề này!?

U Châu được biết đến nhiều (về sau) hơn trong lịch sử dưới tên U Châu tiết độ sứ, cứ địa của An Lộc Sơn, nơi họ An tích trữ binh mã trong thập niên 740. ALS ra đời năm 703, một năm sau khi họ Trần lìa đời, nên điển tích U Châu đài chỉ có thể nhắc đến Nhạc Nghị-Yên Chiêu Vương hơn 9 thế kỷ trước thời Vũ Tắc Thiên-Trần Tử Ngang.

Thi sĩ họ Trần cao ngạo đến thế? TTN nhỏ thua Vũ Hậu ít nhất 30 tuổi và có lẽ không biết rành các chuyện triều chính/chính trị khi thi đậu tiến sĩ khoảng 24 tuổi và được Vũ hậu để ý vì văn tài nhân dịp tang lễ Đường Cao Tông nhưng bài thơ hàm ý lẽ vô thường của cuộc đời này làm tôi liên tưởng đến chuyện Khổng Tử mộng khôi phục cung cách nhà Chu.

Huỳnh Kim Giám
***
Bài Hát Lên Đài U Châu

1/
Trước không thấy người xưa
Sau chẳng ai lấp ló
Ngẫm trời đất lúc nhặt thưa
Cô đơn lòng đau lệ nhỏ!

2/
Trông về trước, người xưa đâu tá?
Ngó về sau, nghiệt ngã chẳng ai
Trời cao rộng, đất trải dài
Cô thân đau xót lạc loài lệ rơi!

Lộc Bắc
Fev22
***
Bài Ca Lên Đài U Châu

Cổ nhân đâu dõi nhìn chẳng thấy
Ngoảnh trông vời không lấy bóng người
Mênh mông vô tận đất trời
Lòng đau lệ nhỏ đầy vơi riêng mình

Yên Nhiên
***
***
Bài Ca Lên Đài U Châu

Phía trước khuất người xưa,
Đằng sau kẻ mới chưa.
Ngẫm đất trời sao dài rộng.
Cô đơn lệ thảm như mưa.

Mỹ Ngọc
Feb. 24/2022
***
Bài Ca Lên Đài U Châu

Nhìn về phiá trước vắng người xưa
Ngoãnh lại đời sau chẳng kế thừa
Suy gẫm đất trời bi thảm quá
U hoài cảm lệ thấm dòng mưa

Kim Oanh
***
Nguyên Tác:             Phiên Âm:
登幽州臺歌-陳子昂 Ðăng U Châu Ðài Ca - Trần Tử Ngang

前不見古人              Tiền bất kiến cổ nhân
後不見來者              Hậu bất kiến lai giả
念天地之悠悠          Niệm thiên địa chi du du
獨愴然而涕下          Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ

Bài thơ được đăng trong các sách:
Trần Thập Di Tập - Đường - Trần Tử Ngang 陳拾遺集-唐-陳子昂
Thi Thoại Tổng Quy - Tống - Nguyễn Duyệt 詩話總龜-宋-阮閱
Thăng Am Tập - Minh - Dương Thận 升菴集-明-楊愼
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬

Ghi chú:

U Châu: một trong mười hai tiểu bang cổ đại, ngày nay là Thành phố Bắc Kinh.
U Châu Đài: là Hoàng Kim Đài, còn gọi là Cầu Bắc Lâu, ở Đại Hưng thành phố Bắc Kinh ngày nay, do Yến Chiêu Vương xây dựng để chiêu nạp hiền sĩ trong thiên hạ.
Tiền: quá khứ
Cổ nhân: những vị thánh hiền thời xưa
Hậu: tương lai
Lai giả: những nhân tài sau này
Niệm: nghĩ đến
Du du: mô tả thời gian lâu dài và không gian rộng lớn.
Sảng nhiên: nỗi bi thương
Thế: nước mắt

Dịch Nghĩa:

Bài Ca Lên Ðài U Châu

Nhìn quá khứ (phía trước) không thấy thánh hiền,
Nhìn tương lai (phía sau) không thấy nhân tài đến.
Ta nghĩ rằng trời đất rộng lớn mênh mông không giới hạn,
Riêng ta đau lòng không kềm được nước mắt bi thương.

Chúng ta, ai không ít nhất một lần trong đời, cảm thấy cô đơn trong ước vọng của mình như TTN trong bài thơ này? Tình cảm này rất con người. Hơn hai ngàn năm trước, cũng trong bản thể con người, khi chết trên thập tự giá, Chúa Giê Su có than rằng: “Cha ơi, cha ơi, sao nỡ bỏ con?” Tiếng Aramaic: “Eli, Eli, lama sabachthani” - “My God, my God, why have you forsaken me?”

Dịch Thơ:

Bài Ca Lên Ðài U Châu

Anh hùng thuở trước chẳng còn ai,
Cao nhân tại thế chưa thao tài.
Trời đất mênh mông đâu nỗi thiếu,
Để ta đơn độc lệ chua cay.

The Ancients by Chen Zi Ang
Translation by Robert Payne

I look before, and do not see the ancients
Looking after, I do not see the coming ages
Only Heaven and Earth will last forever
Alone I lament, and my tears fall down.

On A Gate-Tower At Yuzhou by Chen Zi Ang
Translation by Witter Bynner

Where, before me, are the ages that have gone?
And where, behind me, are the coming generations?
I think of heaven and earth, without limit, without end,
And I am all alone and my tears fall down.

Up on Youzhou Watch Tower by Chen Zi Ang
Translation by Betty Tseng

Those of the past were before my time,
Who would be there in future I know not;
I think of how heaven and earth continue on perpetually,
Alone I dwell in sorrow and down flow my tears.

Song on Ascending the Youzhou Tower by Chen Zi Ang
Translation by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)

Ahead, I see no ancient sages,
Nor behind, those sages yet unborn.
While, on and on, heaven and earth shall roll,

Phí Minh Tâm

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Liên Khúc Đức Mẹ - Ave Maria


Cung Chúc Trinh Vương - Lm Hoài Đức
Ave Maria, Con Chào Mẹ - Lm Huyền Linh - Hoà Âm: Trần Minh Tâm
Dâng Mẹ - Lm Hoài Đức
Hoà Âm: Nguyễn Đức Thịnh - Trần Minh Tâm
Thể hiện: Ca Đoàn Mai Tâm
Phòng thu: Viet Tan Studio
Thu Âm và Mix: Viết Thanh – Nguyễn Đức Thịnh
Đạo diễn: Nguyễn Trinh Hoan
Biên đạo: Nguyễn Tấn Lộc
Quay Phim: Chí Hoanh
Dựng phim: Lê Minh Đức - Vũ Khắc Tuận

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Lời Nguyện Ngày Nhớ Ơn...

  
(Bà Ngoại Nguyễn Thị Sang- Má Võ Thị Thoại)


Giữa trời thu đóa hoa xinh vẫn rộ
Lá ươm vàng nhường chỗ cánh xuân tươi
Cả đất trời đều xóa hết ngậm ngùi
Nụ cười Ngoại ôi niềm vui rạng rỡ!

Dáng dịu hiền ướp hơi thở tỏa lan
Danh thơm Má hương ngát cả không gian
Cháu con tận hưởng và đang sung sướng
Tạ ơn Người bậc trưởng thượng dấu yêu!

Trên trời cao được ân sủng thật nhiều
Lời cầu ước những điều qua kinh nguyện
Mother’s Day về, cùng thanh thản bình yên
Chúc Ngoại, Má cảnh Tiên tràn hạnh phúc!

Kim Oanh
Ngày Mother’s Day
Mùa Thu Melbourne 8.5.2022

Trông...Mơ

 

Đêm nằm vỗ giấc bình yên
Xa xôi bóng má hiện tiền thoáng qua
Bờ tre lối cũ gót ngà
Bước chân in dấu vào ra chốn này
Gió đồng lay sợi tóc mai
Say người trong mộng hôm rày nhớ nhung
Trầu xanh cau bổ têm cùng
Hương vôi quấn quýt thủy chung đá vàng
Keo sơn bờ lộ ông Bang
Chỉ hồng nguyệt lão đôi đàng se duyên
Trúc mai sum họp ước nguyền
Đan tay xây đắp truân chuyên chẳng nề
Con vừa chợt tỉnh cơn mê
Má ba chung mộ phu thê đời đời

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Mẹ 2022

Kinh Chiều

 
(Bà Võ Thị Thoại))

Tặng Kim Phượng, Kim Oanh

"Mẹ ngồi ru con trên sợi tóc buồn
Gục đầu rưng rưng cha ứa lệ tuôn
Nhìn hoa trái đời sau người khác biết
Đời trước ra sao gốc rễ cội nguồn! *

Sanh Hăm Bốn, Mùa Xuân Quý Hợi
Thiếu nữ quê Võ Thoại, Vĩnh Long
Cậu Sang trông thấy vừa lòng
Trăng tròn ngỏ ý cầu mong nhận lời.

Mẹ vui vẻ về nơi quyền quý
Lộ ông Bang, giá trị vạn đồng
Tuổi còn thơ dại thong dong
Dạy rằng: “canh cứng”, mà không biết gì!

Nhưng bù lại nhu mì, hiếu thảo
Biết lỗi lầm, gia giáo phận con.
Mẹ cha thờ kính vuông tròn
Thực hành độ lượng quanh thôn chẳng phiền!

Ngoài công dung, thêm duyên ngôn hạnh.
Học giỏi giang, thế mạnh thông ngôn
Gặp khi giặc Pháp bố ruồng
Nói năng đối đáp đối phương thuận lòng

Cuộc sống riêng, cùng chồng xây dựng
Khi chung lưng, lúc đứng một mình
Những khi cuộc thế điêu linh.
Một tay gánh vác gia đình. Mười con!

Sống ấm êm, ôn tồn nhẹ tiếng
Nhường nhịn nhau, mọi chuyện cảm thông
Thủy chung, tôn trọng, yêu thương
Nuôi con, dạy cháu, nêu gương đức dày

Chồng yêu thương, tự tay chăm sóc
Một tháng đau, nước rót cơm bưng
Tình lãng mạn, ý mặn nồng
Trăm năm tới hạn cầu mong chung mồ!

Khi chiến tranh, con vô chiến trận
Đứa học hành, tinh tấn vào đời
Nhà tan nước mất, viễn khơi
Lo toan vượt biển đến nơi an bình

Con bảo lãnh, gia đình đoàn tụ
Tuổi tuy cao chí thú học hành
Thầy, cô độ tuổi còn xanh
Mẹ cha dẫu vậy chân tình tương giao!

Cha lớn tuổi, cung cao sớm sủa
Chuẩn bị xong nhà cửa, mẹ về
Làm thêm “mộ gió” bụi tre
Là nơi cô Thoại lặng nghe tỏ tình!

Trời vào thu, lời kinh muốn học
Được một câu… mệt nhọc nửa câu

Cha đi trước, mẹ theo sau.
Từ bi vô lượng, thiên thâu Chúa trời!

Lộc Bắc
Mai2022
(*)trích từ bài Ngày Của Mẹ Không Quên Được Ba của Kim Phượng.
---
Điếu văn của Linh Mục Linh (trích)
“Riêng cá nhân tôi, tôi rất cần gặp lại cụ, vì cụ còn một câu chuyện leo cây lý thú mà cụ định kể cho tôi nghe nhưng chưa có cơ hội. Xin tạm biệt cụ, hẹn ngày được vinh dự gặp lại cụ trên thiên đường của niềm hạnh phúc và bình an.
Nếu có thể tóm gọn lại, thì cụ bà Võ Thị Thoại đã cuốn hút mọi người bởi vì cụ có một tấm lòng độ lượng chân thành:”
Luôn hiếu thảo dâu, con - cha mẹ
Chuyện sắt son riêng vẻ vợ - chồng
Dạt dào mẫu - tử vô cùng
Tấm lòng hiếu khách người dưng chí tình!
Melbourne 24 - 9 - 2002
Linh Mục Đinh Thanh Bình

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Giấc Thu


(Thu Bright - Kim Oanh)

Phong linh thanh thoát nhẹ khua
Vườn đêm rộn rã cợt đùa tiếng ai
Trăng thu chênh chếch vội phai
Mịt mờ tìm bóng song ngoài phòng trong
Chỉ nghe tiếng nấc của lòng
Giấc thu qua cửa trôi bồng bềnh trôi...

Thu Melbourne 4/2022
Kim Oanh

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

Kỷ Niệm Sinh Nhật Thư Họa Vũ Hối 90 Tuổi


Hôm nay Một Tháng Năm,
Xa gần ghé đến thăm
Chúc Thọ Anh Vũ Hối.
Mười năm nữa chẳn trăm.


Phan Khâm
(Phan Khâm và Anh Lê Trạch từ
Memphis, TN đến thăm Anh Vũ Hối)
***
Nhìn Hình Anh Vũ Hối

Lão trượng tóc trắng phau
Nụ cười vẫn tươi tắn
Thư họa vẫn nhiệm mầu
Chúc anh ngoài trăm tuổi
Bên con cháu sống lâu
Mong bình an đất nước
Anh em còn gặp nhau

Ngọc Dung
***
Kính Mừng Bác Vũ Hối 90!

Kính mừng Thượng Thọ chín mươi
Chúc cho sức khỏe vui tươi an lành
Sắc diện đẹp lão tinh anh 
Nét bút Thư Họa bức tranh để đời
Tên bác Vũ Hối rạng ngời
Gia đình hạnh phúc tuyệt vời ... chín mươi!

Kim Oanh
Melb. 2022
 

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

Tháng Tư Tưởng Nhớ Sài Gòn - Thư Họa Vũ Hối

 


Chuyển Mùa?.. - Giao Mùa

 

Chuyển Mùa?..

Đang ở thu ta xót lòng nắng hạ
Nhớ thuở hè chạy tất tả ngược xuôi
Gió thay mùa sao dạ chẳng gì vui
Bốn mươi bảy năm ngậm ngùi ly tán

Cay đắng nào từ lịch sử sang trang
Vượt sóng trùng khơi trong nỗi bàng hoàng
Ngoái nhìn lại ôi quê hương tan tác
Xin cúi đầu tạ tội mảnh khăn tang.

Tháng Tư đen đen kịt một bức màn
Biết bao giờ gió mới chuyển mùa sang ?!

Kim Oanh
Melb.30/4/2022
***
Bài Cảm Tác:

Giao Mùa

Trời đây Đông, lòng chan chứa Hạ
Một mùa hè vất vả Nam xuôi
Phi lao, biển cả hết vui
Bốn mươi năm lẻ bùi ngùi tử sinh

Giờ đất khách một mình cay đắng
Tuyết còn vương chút nắng trang hoàng
Quê hương cách trở trễ tràng
Mắt hoen nhớ lại màu tang một thời

Tháng Tư oan trái ngậm ngùi
Mùa sang gió chuyển đầy vơi tháng ngày!?

Lộc Bắc
30/04/2022