Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Anh Vân - "Đọc Khan Giọng Tình" Của Trần Phù Thế

Anh Vân Viết Lời Bạt:


Trần Phù Thế là gương mặt quen thuộc trong làng thơ. Thơ anh xuất hiện nhiều trên các tạp chí trong và ngoài Hoa Kỳ. Anh vừa sinh thêm một đứa con tinh thần mang tên Gọi Khan Giọng Tình, sau thi tập Giỡn Bóng Chiêm Bao.

Gọi Khan Giọng Tình dày 180 trang được trình bày trang nhã, gồm 80 bài thơ được anh chọn lọc khá cẩn thận, và chia ra nhiều loại, gồm thơ tình, thơ hoài niệm, thơ thời thế v...v... 

Từ Giỡn Bóng Chiêm Bao đến Gọi Khan Giọng Tình, thơ Trần Phù Thế như một dòng suối ngọt ngào, chảy êm ả mở cho tôi một lối đi thơ mộng để tôi viễn du vào thế giới thơ của anh. Thơ anh thấp thoáng cái phù du của kiếp người, cái bi đát của cuộc sống, cái mong manh của tình yêu nhất là phản ảnh được tâm trạng của một lớp người lưu vong, bơ vơ, lạc lỏng chịu nhiều khổ đau và hệ luỵ, chứng kiến bao cảnh tang thương của đất nước qua cuộc đổi đời. 

Cầm ly uống rượu một mình
hình như nhân loại cái tình trống trơn
đổ ly rượu đắng vào mồm
khà hơi một tiếng cái hồn lạnh tanh
cầm ly đập bể tan tành
nghe trong tiếng bể quách thành ngã xiêu...
(Uống Rượu Một Mình)

Giải sầu qua men rượu, nỗi sầu vẫn còn nguyên đó, không thoát ra được rồi anh đâm ra ghét chính bản thân anh, bất lực trước những khó khăn trên vùng đất lạ, anh phó mặc, sống như về lục bình nổi trôi theo dòng nước.

ta ghét mười năm ở xứ nầy,
mười năm đủng đỉnh lục bình quay
như con nước nhửng dòng sông Hậu
thương cả lần đi ứa máu đầy
..........................
............................
ta ghét đời ta sáu mươi năm
se tay hạt bụi nát âm thầm
tan theo cơn gió bay mù mịt

rớt bên đời bóng biệt tăm
(Ta Ghét)

Sống mà không thấy mình hiện hữu, như rớt bên đời bóng biệt tăm. Nỗi đau mất nước cứ giày xéo tâm hồn, như một vết thương mưng mủ không bao giờ lành được.

chiều đi như một vết bầm
cắt ngang hồn Việt đằm đằm máu tươi
cớ gì vận nước đổi dời
mà ta vác nặng một đời không buông. 
(Chiều) 

Đau cho vận nước vẫn còn lầm than, bao nhiêu người đã nằm xuống để đổi lấy một quê hương rách nát. “Ôi, máu đỏ da vàng, da vàng tơi tả” bao nhiêu người sống vất vưởng trong rừng sâu hay phơi thây ngoài biển cả, thương xót bạn bè chết dần mòn trong mong đợi rồi buồn cho cuộc đời chìm nổi của riêng mình. Tác giả nhìn quanh cái gì cũng xa lạ, cái gì cũng làm cho anh ngỡ ngàng nuối tiếc những cái đã mất, những hình ảnh thân thương không còn nữa nơi quê nhà. 

Sáu mươi năm lên thác xuống ghềnh
ta lặn hụp trồi lên hụp xuống
cuộc đời ta bước đi ngất ngưởng
Cả cuộc đời là một kiếp mộng du.
.....................................
thế hệ ta xương máu đã từng 
đã vất vưởng rừng sâu hay biển cả
Ôi, máu đỏ da vàng, da vàng tơi tả
dân tộc nầy rên siếc những hờn căm
quê hương xa lắc, quê hương mù tăm
đang mờ mịt trong lọc lừa đen tối
bạn bè ta chết mòn trong mong đợi
còn thân ta quên mất nẻo đường về.
(Nhổ Răng)

Trần Phù Thế là nhà thơ yêu nước. Dù sống trên xứ người giàu có, dù xa quê đã bao năm nhưng hình ảnh quê nhà vẫn rõ nét trong tim, vẫn là niềm đau nỗi nhớ trong lòng. Anh thèm cơm gạo mới, nhớ mùi hương khói rạ nồng trên quê hương nghèo khó của anh:

tết nhứt quê người là bất hạnh
nỗi nhớ tàn đông đất lạnh lùng
thèm cơm gạo mới thơm trên bếp
thèm cả mùi hương khói rạ nồng.

Những mất mát, những thương nhớ buồn phiền đã khiến tác giả không sao hội nhập nổi với xã hội mới để rồi lo lắng không biết phải ăn nói thế nào khi gặp lại cha mình nơi chín suối.

Nhìn lại cuộc đời mình, tuổi đã về chiều, anh thất vọng, thấy cuộc đời hỏng bét. Đọc thơ Trần Phù Thế, chúng ta mới thấy thấm thía nỗi sầu vong quốc, có nhiều bài thơ làm chúng ta mỉm cười nhưng đôi mắt rưng rưng hai giọt lệ.

đã mười năm như nước lớn nước ròng
ta về lục bình trôi lên trôi xuống
qua đây mười năm cứ ngỡ làm vương, làm tướng
ai ngờ bắt phải job cu-li


đã mười năm ngôn ngữ cứ phân ly
tiếng Mỹ với ta như kẻ thù truyền kiếp
học một chữ ngày hôm sau quên biệt
ở mười năm không hiểu nổi “yes, no”


tháng chạp buồn, tháng chạp buồn xo
ngồi tính sổ, cuộc đời hỏng bét
ăn làm sao, nói làm sao khi chết
với cha ta, ông chỉ một thằng con.
(Tháng Chạp)

Trên đoạn đời lưu vong cái vui của anh là nhìn lại những cuộc tình hoặc gặp lại bạn bè cũ, những người bạn từng chia sẻ với anh từng giọt mồ hôi trong thao trường hoặc ngoài biên cương máu lửa, gặp để ôn lại những tháng năm cũ hoặc để thở than cho nhẹ gánh đời.

từ ngày cách biệt Tăng Nhớn Phú
Mỗi đứa ba-lô đựng nỗi sầu
mắt đỏ mỏi nhừ đêm kích giặc
đồng bằng một đứa, đứa rừng sâu
....................................
giờ đây gặp lại nơi đất khách
gặp lại bạn xưa, gặp lính già
tiếng nói giọng cười như thuở trước
thuở còn ngụp lặn chốn phong ba.
thưa anh là thế, tôi là thế
và cả và anh cũng thế thôi
tuổi trẻ tụi mình đều khốn nạn
đều là khốn nạn, bạn hiền ơi!
( Lính Già Và Tôi)

Trên đoạn đường khổ ải thì tình yêu đối với nhà thơ cũng chẳng mặn mòi cho lắm, một thứ tình yêu đồng sàng dị mộng. Sống bên nhau nhưng tâm hồn cả hai thật ngàn trùng xa cách. “Nghìn năm ai bắc cầu qua mà về.”

Thật gần em có thấy không
song song hai gối mà lòng vẫn xa
hình như cái giải Ngân Hà
nghìn năm ai bắc cầu qua mà về
đêm còn mộng mị tàn khuya
sáng nay thức dậy vẫn lìa song song
thật gần em có thấy không
mà sao suốt kiếp hai lòng vẫn riêng.
(Hai Lòng Vẫn Riêng)
hoặc

thưa em, gọi đã khan tình
tình đâu chẳng thấy, thấy mình bơ vơ
giọt yêu chết yểu đâu ngờ
bay qua trí nhớ tan mờ như sương

em đi khất bóng trên đường
bước xiêu theo bước mòn vương cuộc đời
giọng tình khan gọi tàn hơi
trong mơ thổ huyết cạn lời hồi sinh.
(Gọi Khan Giọng Tình)

Trần Phù Thế lãng mạn ngoài đời, lãng mạn trong tình yêu và lãng mạn cả trong thơ. Ngoài đời, anh kêu gọi người yêu đến khan giọng tình nhưng tình không đến. Thôi thì gặp nhau trong giấc ngủ vậy, để được ngửi hương tóc quen thuộc của người yêu. 

Càng đuổi bắt, tình yêu bỏ chạy càng xa để rồi giận hờn trách móc: “bậu coi nhẹ, nhẹ hều tình hai đứa, ta nặng tình dẫu chết chẳng hề quên.” để rồi đêm đến, mong người yêu nương theo mùi thơm của hoa sứ trước hiên nhà mà về để được gặp nhau trong mơ. Cái lãng mạn của Trần Phù Thế rất đẹp, rất đáng yêu.

Một bữa đó
bậu về theo cơn gió
gió thênh thang bay khắp nẻo vô chừng
bậu lại nữa
lượn lờ không biết mỏi
chỉ riêng ta khan tiếng gọi người dưng
mong đêm nay
bậu về trong giấc ngủ
trong mùi thơm hoa sứ trước hiên nhà
con bướm nhỏ
quạt hoài chùm hoa sứ
cũng như ta đưổi mệt tình càng xa.
(Tình Nhẹ Hều)

Trong bài Tình Nhẹ Hều, tôi thích nhất hai câu “mong đêm nay bậu về trong giấc ngủ, trong mùi thơm hoa sứ trước hiên nhà.”Cái lãng mạn nên thơ, đẹp tuyệt vời của Trần Phù Thế thật khó tìm thấy trong thơ của ai khác.

Trân quý tình yêu, cất tình yêu trong trái tim lãng mạn, không dám đụng đến, sợ đụng nhằm, tình yêu sẽ trốn biệt, biết đâu tìm.

Ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa
cất trong tim
không dám chạm vào tim
ta chỉ sợ một giây hay phút nữa
tình biệt luôn trốn mất biết đâu tìm.
(Tình Nhẹ Hều)

Ngoài ra trong thi tập Gọi Khan Giọng Tình, chúng ta còn thấy một số thơ lục bát mà ông ghi là Lục Bát Không Đề, thường là hai câu. Ông muốn giữ lại tất cả những gì thoát ra từ trái tim yêu nước của Ông.

Ông kết án lũ người làm đất nước kiệt quệ, làm dân tộc khổ đau, nghèo đói, dù chúng có lên xe xuống ngựa, xênh xang áo gấm, lụa là. Ông vẫn không coi chúng là con người mà chỉ là một lũ lộn kiếp: 

* Con trùn oằn xéo suốt đời,
Bao năm lộn kiếp thành người được sao?

* Một chiều mượn bát càn khôn
đựng tươi búng máu đầy hồn Việt Nam.

* Gai đời đâm thủng trái tim
nỗi đau hết biết nhận chìm lòng tin

* Một hôm trời bỗngchín muồi
anh ngồi ngủ gục bên đời vô danh. v...v...

Có nhiều nhà thơ, làm dáng trí thức, bàng bạc triết lý trong thơ, ý tình huyền bí mông lung, đọc không ai hiểu. Khi ta lạc vào thế giới thơ của họ ta có cảm tưởng lạc vào khu rừng không có lối ra, đi mà không biết đi đâu, chữ nghĩa khó hiểu, ý thơ tối tăm. Đọc xong bài thơ, người đọc ngẩn ngơ, không hiểu tác giả muốn nói gì, xếp tập thơ lại, nghe đầu nặng trĩu. 

Văn thơ dùng để giải trí, tìm sự thoải mái cho tâm hồn, cũng là một phương tiện truyền đạt những ý tưởng, những cảm xúc đến người đọc để tìm sự cảm thông mà người đọc không hiểu được bài thơ thì coi như tác giả đã thất bại. 

Trần Phù Thế không như vậy. Thơ anh thật bình dị, dễ hiểu nhưng dồi dào hình ảnh gây xúc động cho người thưởng thức. Đọc một bài thơ hay của Trần Phù Thế, hồn thơ như chạm nhẹ vào tim gây cho người đọc một xúc cảm bàng hoàng, một khắc khoải không nguôi giúp chúng ta thông cảm được tâm sự của tác giả. 

Thơ Trần Phù Thế có một sắc thái riêng biệt không thể nhầm lẫn với bất cứ ai.Tôi cam đoan, ai đến với Trần Phù Thế một lần là không sao quên được Trần Phù Thế.

Những nhà thơ tài hoa, hầu hết xuất thân từ miền Bắc. 

Ngôn ngữ miền Nam vốn đơn sơ, mộc mạc nên ít ai nghĩ đến việc đưa ngôn ngữ miền Nam vào thơ. Nhiều người đã thử làm việc nầy nhưng riêng Trần Phù Thế đã thành công, một thành công tuyệt vời, đáng ca ngợi. Anh không lợi dụng ngôn ngữ miền Nam để đưa vào thơ một cách quá đà đôi khi làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của thơ. 

Chữ nghĩa giản dị, ý tình trong sáng, dùng chữ khéo léo là sắc thái trong thơ của Trần Phù Thế. Anh chắc lọc từng chữ để đưa vào thơ một cách đắc địa, khiến câu thơ trở nên tuyệt vời.

tháng chạp buồn, tháng chạp buồn xo.
hay
bậu coi nhẹ, nhẹ hều tình hai đứa.

Hai chữ “buồn xo” “nhẹ hều” rặt giọng miền Nam nhưng nghe thật đậm đà và gần gũi. 

Trần Phù Thế đến với làng thơ như con chim lạ, anh đến để đem lòng yêu thương nhiệt thành của con tim, sự phong phú của trí óc, dêt thành những dòng thơ tặng đời. 

Anh đến không phải vì ngứa cổ hót chơi như con chim Xuân Diệu mà đến để kêu thương cho một dân tộc có quá nhiều khổ đau, cho một đất nước có quá nhiều tang thương, biến đổi. 

Tôi thành thật cám ơn nhà thơ Trần Phù Thế đã tặng cho chúng ta, những người yêu thơ, dòng châu ngọc tuyệt đẹp. Anh đã trồng vào vườn thơ hải ngoại một loài hoa lạ, ngát hương thơm và làm phong phú thêm kho tàng văn học của dân tộc.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả thi tập Gọi Khan Giọng Tình.

Jan - 15 - 09 
ANH VÂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét