Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Sài Gòn Chiều Xưa

(Một Thoáng Sài Gòn - Họa Sĩ Mùi Quý Bồng)

Sài Gòn Chiều Xưa

Trở lại vườn xưa một buổi chiều
Hai người tên khắc thuở vừa yêu
Tao Đàn hò hẹn còn đâu nữa(*)
Một thoáng Sài Gòn bỗng quạnh hiu

Kim Oanh
(*) Vườn Tao Đàn - Sài Gòn

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Chúc Mừng Sinh Nhật Bạn Thơ



Mừng ngày Sinh Nhật bạn thơ
Dù xa cách trở bên bờ Việt Nam
Nhưng cùng chung một chữ tâm
Chia vui sẻ ngọt tình thâm vững bền
Chúc bạn cuộc sống bình yên
Dồi dào sức khoẻ ưu tiên hàng đầu
Gia đình hạnh phúc đẹp màu
Nguyện cầu Thiên Chúa ban trao ân lành!

Kim Oanh
Melbourne 2/2020

Thơ Tranh; Tuổi Thơ


Thơ: Dovaden2010
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

45 Năm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tại Victoria.

Vào thời điểm 30/4/1975 tại Melbourne chỉ có một vài tu sĩ và một số nhỏ giáo dân, ngày nay Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã có được 1 giám mục, trên 50 linh mục, trên 70 tu sĩ với khoảng 22 ngàn giáo dân.

Kỷ niệm 45 năm, 1975-2020, là dịp để chúng ta cùng nhìn lại công lao của hai linh mục tiên khởi, Cha Bart Huỳnh San, Cha Giuse Bùi Đức Tiến và Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long đã đóng góp cho cộng đồng người Việt tự do tại Melbourne.

Linh mục Bart Huỳnh San


Vào đầu thập niên 1970, Thầy Huỳnh San được Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận gởi sang Úc học tại Đại Chủng Viện Melbourne. 

Sau khi miền Nam lọt vào tay cộng sản, Thầy cho nhiều người biết rất buồn vì được Đức Cha Thuận gởi sang Úc học để về phục vụ đất nước, nhưng hoàn cảnh thay đổi nên có ý định bỏ tu.

Thầy Tiến cho biết khi Thầy cùng đoàn người tị nạn từ Thái Lan sang Melbourne, ngày 7/2/1977, Thầy San đã ra tận phi trường Tullumarine đón, sau đó vài tuần Thầy San đi Tây Úc sống.

Giữa năm 1978, Thầy Huỳnh San về lại Melbourne tiếp tục tu học, khi đó người tị nạn Công giáo đến Úc ngày càng đông nên rất thiếu linh mục dẫn dắt.

Ngày 18/8/1979, Thầy Huỳnh San và Thầy Bùi Đức Tiến được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Saint Patrick, Melbourne.

(Saint Patrick, Melbourne)

Cha San được bổ làm Linh Mục Phó Xứ Giáo Xứ Thánh Giuse, Collingwood, và coi sóc giáo dân Việt miền Đông Nam Melbourne. Cha cho thành lập Cộng Đoàn Thánh Gioan Hoan, Ca đoàn Cung Chiều và Đoàn Thanh Niên Hy Vọng. 

Mỗi Chúa Nhật Cha San thường dâng Thánh Lễ tại Thánh đường Thánh Giuse, buổi tối lại lên Springvale dâng Thánh Lễ tại phòng sinh hoạt trong Trung tâm (Hostel) Enterprise. 

Năm 1980, Cha cùng với nhà dòng Oblate of Mary Immaculate có thành lập Hội quán Vào Đời, hình thức Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, trên đường Victoria, Richmond. 

Hội quán giúp cố vấn an sinh xã hội, giáo dục, y tế, luật pháp cho người mới tới và làm nơi sinh hoạt cho thanh niên. 

Hội quán được giao cho một gia đình giúp phục vụ ẩm thực cho các sinh hoạt, đến năm 1982 Hội quán không tiếp tục hoạt động gia đình này mướn lại để mở quán Vào Đời.

Tại vùng Đông Nam Melbourne, Cha cho thành lập Cộng Đoàn Thánh Tôma Thiện, Ca đoàn Thánh Linh và một số xóm giáo.

(St. Joseph's Roman Catholic, Collingwood)

Cha San rất gắn bó với sinh hoạt Cộng Đồng Người Việt Tự Do. Cha trong Ban Chấp Hành đầu tiên của Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do nhiệm kỳ 1976-77 tiền thân Cộng Đồng và là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria, nhiệm kỳ 1982-83.

Từ năm 2013, Cha được cử làm Cha xứ nhà thờ Đức Mẹ Fatima, Rosebud, cho đến khi Cha về chốn Vĩnh Hằng ngày 10/10/2019, hưởng thọ 71 tuổi. 

Sáng ngày 18/10/2019, tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, tang lễ Cha được cử hành dưới sự chủ tế của Đức Tổng Giám Mục Tổng Gíao Phận Melbourne Peter A. Comensoli, đồng tế có 3 giám mục, khoảng 50 linh mục với hằng ngàn người tham dự.

Tang lễ Cha thật đơn sơ, chỉ nhận một vòng hoa duy nhất của Tuyên Úy Đoàn Úc Châu. Tiễn đưa Cha tới nơi an nghỉ có Đức Giám Mục Long, hai Cha Tuyên Úy Cộng Đoàn Toma Thiện, Cha Vũ Nhật Thăng, đại diện Cộng Đồng, Cộng Đoàn Toma Thiện và Gioan Hoan, một số giáo dân và gia đình.

Quan tài của Cha được đặt dưới đất với di ảnh Cha mặc áo lễ có hình lá cờ vàng ba sọc đỏ. 

Chiếc áo lễ với hình lá cờ Việt Nam Cộng Hòa này, Cha được một giáo dân tặng và đã mặc trong buổi lễ thụ phong linh mục trên 40 năm trước.

Trung Tâm Hoan Thiện

Đồng bào Công giáo tị nạn tăng nhanh, Cha San và Cộng Đoàn nhận thấy cần thành lập một trung tâm sinh hoạt riêng cho người Việt trong vùng Đông Nam Melbourne, nên mua một miếng đất lớn ở Keysborough vào tháng 11/1988.

Ngày 24/4/1994, Trung Tâm Hoan Thiện được Đức Tổng Giám Mục Melbourne Thomas Francis Little và Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận chính thức khánh thành. 

Năm 2012, Tòa Tổng Giám Mục Melbourne quyết định giao Trung Tâm cho Dòng Chúa Cứu Thế cai quản, Cha Giuse Mai Văn Thịnh được cử làm linh mục quản nhiệm và cha Vinh Sơn Trần Trí Tuệ phụ tá từ năm 2012 đến năm 2016. Hai Cha Giuse Vũ Ngọc Tuyển và Cha Gioan Baotixita Đặng Nhật Trường được cử làm tuyên úy cho đến 31/01/2020. 

Từ tháng 1 năm 2020, cha Gioan Baotixita Đặng Nhật Trường và cha Giuse Nguyễn Xuân Hiếu được bổ nhiệm làm Tuyên Úy cộng đoàn Thánh Tôma Thiện.

Vào tháng 4/2018, theo ước muốn của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và được sự đồng ý của Đức Tổng Giám Mục Melbourne Denis Hart, Trung Tâm được đổi tên thành Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang và được xây nhà thờ.

Nhà thờ Thánh Mẫu La Vang sắp hoàn tất với chi phí lên đến khoảng $6.5 triệu Úc kim và sẽ được khánh thành vào ngày 22/02/2020 sắp tới.

Linh mục Giuse Bùi Đức Tiến


Khi miền Nam lọt vào tay cộng sản, Thầy Tiến đang theo học tại Đại chủng viện Long Xuyên, Đại chủng viện bị đóng cửa Thầy phải về nhà sống với gia đình. 

Tháng 11/1976, Thầy vượt biên đến Thái, được phái đoàn Úc phỏng vấn được nhận định cư tại Úc. 

Ngày 7/2/1977, Thầy thuộc nhóm 250 thuyền nhân Việt tị nạn chính trị đến Melbourne rất sớm. Trước đó có một nhóm nhỏ chừng 20 người đến Melbourne ngày 19/3/1976.

Ngày 1/10/1977, Thầy được nhận vào Đại Chủng Viện Melbourne và được thụ phong linh mục vào ngày 18/8/1979, tại Nhà thờ Chính tòa Saint Patrick tại Melbourne. 

Cha Tiến là thuyền nhân tị nạn đầu tiên được thụ phong linh mục, trước Cha đã có một số linh mục Việt được thụ phong tại Melbourne, như Cha Sơn và Cha Thúy, cả hai đều sang Úc tu học trước năm 1975.

Cha Tiến cho biết Cha được đào tạo để phục vụ cộng đồng Việt Nam nên ngay khi nhận chức Phó Tế vào ngày 16/9/1978, Cha đã được các linh mục người Úc đỡ đầu làm Chủ Tế để dâng Thánh Lễ bằng tiếng Việt cho giáo dân Việt. 

Cha Tiến cho biết Thánh Lễ Giáng Sinh đầu tiên bằng tiếng Việt với linh mục chủ tế người Úc, được tổ chức tại nhà thờ St Johns Parish, Mitcham, vào ngày 24/12/1978.

Đồng thời Cha cho biết đã thành lập ca đoàn Vào Đời là ca đoàn Việt Nam đầu tiên tại Melbourne.

Ngày 21/1/1980, Cha Tiến được chỉ định coi sóc giáo dân Việt cư ngụ vùng miền Tây và Tây Bắc Melbourne. Văn phòng tuyên úy đặt tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vùng Maidstone, sau dời về nhà thờ St. Brendan, vùng Flemington.

Cha cho thành lập Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, với 8 giáo khu, thành lập phòng xã hội, hội cố vấn, đoàn thiếu nhi thánh thể, trường Việt ngữ, hội phụ huynh, ca đoàn Babylon, ca đoàn Belem, ca đoàn Cecilia, ca đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm, hội Legio Mariae, hội Kèn Đồng, nhóm Hồn Nhỏ và nhóm Tìm Hiểu Ơn Thiên Triệu.

Riêng nhóm Tìm Hiểu Ơn Thiên Triệu gồm 19 người đã có 11 người được thụ phong linh mục.

Để đáp ứng nhu cầu mục vụ và sinh hoạt của Cộng Đoàn, Cha cho thành lập Trung tâm Vinh Sơn Liêm.

Năm 1990, Cha được gởi đi du học ngành Giáo Luật, tại Đại Học Công Giáo Santo Tomas, Manila, Philippines. 

Năm 1992, học xong về lại Úc Cha được cử làm Chánh xứ của nhà thờ St John The Evangelist, East Melbourne.

Năm 2006, Cha đổi sang giữ Chánh xứ nhà thờ Our Lady of Perpetual Help, Ringwood, Melbourne. Thỉnh thoảng Cha có đến Springvale dâng lễ Việt.

Đến năm 2012, Cha được cử làm cha sở của nhà thờ Thánh Macartan, tại Mornington. 

Từ tháng 3/2018 đến nay, Cha được cử làm cha xứ Holy Name tại East Preston.

(Holy Name - East Preston)

Cha Tiến còn nhận lãnh vai trò Chủ tịch Hội Ái Hữu Người Việt Tự Do, 2 nhiệm kỳ 1 năm 1980-81 và 1981-82. Sau Đại Hội cấp Liên Bang ngày 12/4/1982, Hội được đổi tên thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria.

Cha Tiến là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Cha theo học Khóa 4/1970 Võ Khoa Thủ Đức, nhưng giữa Khóa Cha được phép về Đại Chủng Viện học. 

Vào ngày 19/6/1981, khi Cha đang làm chủ tịch Hội Ái Hữu, Cha giúp thành lập Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Victoria.

Vào ngày 4/1/1987, Cha còn giúp thành lập Tổng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Liên Bang), tại Trung Tâm Vinh Sơn Liêm, Melbourne, do Cha làm linh mục quản nhiệm.

Cha tham gia Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hằng năm khi được nghỉ, Cha theo tầu ra biển cứu người vượt biên, đi tìm những người tị nạn bị hải tặc Thái giam giữ trong đất liền, và giúp đồng bào trong trại tị nạn.

Năm 2007, Cha và Thượng tọa Thích Phước Tấn thành lập HOPE – AVHWA một Hội Từ thiện quy tụ một số bác sĩ chuyên khoa về mắt trên toàn thế giới, về chữa trị cho những người khiếm thị tại các vùng quê Việt Nam.

Cha Tiến cho biết ngay khi đến Úc năm 1978, cha có ra nguyệt san Quê Hương nhưng chỉ phát hành được vài tháng. Đến năm 1980 Cha cộng tác với Linh mục Việt Châu ở Mỹ ra ấn bản Dân Chúa Úc châu, hiện vẫn phát hành hằng tháng. Cha còn viết và phát hành 10 sách Đạo tiếng Việt.

Trung tâm Vinh Sơn Liêm



Số đồng bào tị nạn Công giáo ngày càng đông, Cha Tiến và Cộng Đoàn nhận thấy cần một Trung Tâm rộng rãi cho việc thờ phượng và sinh hoạt của Cộng Đoàn.

Cuối năm 1984, được sự chấp nhận của Đức Tổng Giám Mục Thomas Francis Little, Cha Tiến và Cộng Đoàn mua Cricketers’ Arms Hotel Inn, vùng Flemington, rồi sửa thành Trung Tâm Vinh Sơn Liêm. 

Bà con trong Cộng Đoàn đã đóng góp lên đến $120,000 Úc kim, là khoản tiền rất lớn vì hầu hết bà con mới sang, đời sống chưa ổn định, công việc làm chưa vững, lại phải giúp cho gia đình còn ở Việt Nam.

Cha và Cộng Đoàn còn phải mượn ngân hàng số tiền lên đến $380,000 Úc kim, tiền lời khi đó rất cao nên thời gian đầu Trung tâm gặp nhiều khó khăn về tài chánh.

Ngày 1/7/1985, văn phòng Tuyên Úy được dời về Trung Tâm, Cha cho lập đội cricket, đội bóng chuyền, và đội túc cầu cho sinh hoạt thể thao thanh thiếu niên.

Năm 1990, Cha Vinh Sơn Lê Văn Hưởng kế nhiệm lãnh đạo Cộng Đoàn và quản nhiệm trung tâm đến năm 1993, Cha Raphel Võ Đức Thiện thay thế cho đến năm 2014. 

Năm 2014, Tòa Tổng Gíam Mục Melbourne trao trọng trách cai quản Trung Tâm cho Dòng Thánh Thể, Dòng cử Cha Giuse Trần Ngọc Tân làm linh mục quản nhiệm từ đó đến nay.

Nhìn chung…

(St John’s, East Melbourne)

Cha Huỳnh San và Cha Bùi Đức Tiến xây dựng được nền tảng vững chắc cho sinh hoạt của Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại Melbourne.

Cho đến tháng 12/1984, lễ Giáng Sinh và hằng tháng ba Cộng Đoàn đều có thánh lễ chung tại Nhà thờ St John’s, East Melbourne.

Trong những năm 1980-83 khi Cha Tiến và sau đó Cha San làm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria, hai Cha tổ chức các sinh hoạt như Tết và Tết Trung Thu tại sân Nhà thờ St John’s, East Melbourne.

Khi Trung tâm Vinh Sơn Liêm được thành lập, sinh hoạt chung giữa hai khu vực Đông Nam và Tây Bắc Melbourne càng ngày càng ít đi.

Mãi đến năm 2011 khi Giám mục Nguyễn Văn Long được bổ nhiệm, Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Melbourne chính thức thành lập và các sinh hoạt chung giữa hai khu vực lại được phục hồi.

Ðức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long


Cha Long học tại tiểu chủng viện Xuân Lộc, Long Khánh. Sau 30/4/1975, chủng viện bị đóng cửa Cha phải về sống với gia đình, vượt biển ngày 11/08/1980 và đến Úc tị nạn vào ngày 2/12/1981.

Cha gia nhập dòng Phanxicô Springvale năm 1983, và được Đức Giám mục George Pell truyền chức linh mục vào ngày 30/12/1989. 

Sau đó cha Long được gửi đi du học tại Rôma. Cha về Úc năm 1994, được bổ nhiệm làm Giám đốc Thỉnh sinh của dòng (1994-98), Đại diện Bề trên Miền (Custodial Vicar, 1995-2005), phó xứ Kellyville thuộc Giáo phận Parramatta, NSW (1995-1998) rồi làm chánh xứ Kellyville (1999-2002).

Sau đó Cha trở lại Melbourne làm chánh xứ Springvale (2002-08), Bề trên Giám tỉnh và thành viên Ban Lãnh đạo Quốc tế của Dòng (2005-08), Chủ tịch Liên đoàn các dòng Viện tu trong khu vực châu Á và châu Đại Dương (2006-08). 

Ngày 22/04/2008, Cha Long chuyển sang Rôma làm Phụ tá Tổng quyền của nhà dòng đặc trách khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Ngày 20/05/2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Cha Long là Giám mục Phụ tá khu vực phía Tây Tổng Giáo phận Melbourne và là Giám mục gốc Á châu đầu tiên tại Úc. 

Trên huy hiệu giám mục của Cha Long có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trải ngang như làn sóng trên nền xanh là đại dương.̣

Tại Little Sàigòn, Nam California, Hoa Kỳ vào tối 28/4/2016, Cha cho biết:

“Trước khi làm người Công giáo, trước khi làm giám mục, tôi là người Việt Nam;… Tôi không thể bỏ quên quá khứ và căn tính tị nạn của mình. Tôi không ngần ngại khẳng đinh lập trường của mình là: không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng Giám mục của tôi…”

Ngày 5/5/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha làm Giám Mục chính tòa giáo phận Parramatta, New South Wales.

Mười sáu Cộng đoàn - Một Cộng Đồng… 


(Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne)

Tại Melbourne hiện có 16 Cộng Đoàn đang sinh hoạt tại những vùng đông người Việt sinh sống. Mỗi Công Đoàn đều có Ban mục vụ, Ca đoàn riêng, và có Thánh lễ tiếng Việt vào mỗi Chúa Nhật và trong những ngày lễ lớn. Riêng hai Trung Tâm Vinh Sơn Liêm và Thánh Mẫu La Vang có Thánh lễ tiếng Việt gần như hằng ngày.

Thánh lễ tiếng Việt ngoài việc phục vụ tâm linh giáo dân, còn giúp giữ gìn tiếng Việt, văn hóa và nguồn gốc Việt Nam cho các thế hệ tiếp nối. Nhiều trường dạy tiếng Việt và nhiều sinh hoạt thiếu nhi Thánh thể cũng đã được mở rộng.

Từ năm 2011, các Cộng Đoàn và Đoàn Thể hợp nhất chọn ra một Ban Điều Hành lo những việc chung của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam.

Ban Điều Hành 2011-18 do ông Nguyễn Ng̣ọc Trúc làm Trưởng Ban, Phó Nội Vụ ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Kế Hoạch Phát Triển ông Hoàng Quang Minh, Thư Ký bà Hồ Thị Thanh, Thủ Quỹ chị Hồng Ngọc Phương Thanh và một số các Ủy Viên như ông Châu Xuân Hùng, Bác Sĩ Vũ Trọng Duy, ông Trần Ngọc Cẩn, ông Trần Cao Minh Đạo, ông Trương Tấn Phát và ông Bùi Hữu Thọ, đã tổ chức 3 Đại Hội Thánh Mẫu La Vang, mỗi năm tổ chức Đại hội Lòng Chúa Thương Xót, Lễ Sắc Tộc, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh và rất nhiều sinh hoạt tôn giáo khác,… 

Đồng thời đã vạch ra cho Cộng Đồng một đường đi, một nếp sinh hoạt và nhất là một sự đoàn kết hiếm có của người Việt Công Giáo tại Melbourne. 

Cộng đồng thành lập được Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne với gần 200 ca viên, phục vụ Thánh ca trong các Đại Lễ và Đại Hội.

Cộng đồng xây dựng được Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể với những sinh hoạt giới trẻ lên đến trên 200 thanh thiếu niên tham dự.

Cộng đồng Công Giáo rất gắn bó với Cộng đồng Người Việt Tự Do, đã thu xếp để Liên Ca Đoàn trình diễn trong dịp kỷ niệm 40 năm Người Việt định cư tại Melbourne Town Hall, đã thông báo các Lời Kêu Gọi xuống đường biểu tình cho tự do và dân chủ tại Việt Nam, nhờ đó các cuộc biểu tình có rất đông đồng bào Công giáo tham dự.



Tân Ban Điều Hành 2019-2021, gồm Trưởng Ban ông Trần Ngọc Cẩn, Phó Nội Vụ ông Phạm Hòa Hiền, Phó Ngoại Vụ ông Nguyễn Ng̣ọc Trúc, Thư Ký bà Hồ Thị Thanh và Thủ Qũy bà Quách Thị Sáng cùng các Ủy viên ông Nguyễn Ngọc Tuân, chị Nguyễn Hồng Thắm, chị Hồng Ngọc Phương Thanh, chị Đinh Phượng Chi, ông Nguyễn Văn Thy

Ban Tuyên Úy gồm quý cha, Điều Hợp Viên Cha Giuse Trần Ngọc Tân và các thành viên gồm Cha Gioan Baotixita Đặng Nhật Trường, Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Cha Giuse Nguyễn Xuân Trường và Cha Phêrô Lý Trọng Danh.

Ngày 22/02/2020 sắp tới không chỉ đặc biệt vì có tới 6 số 2, mà đặc biệt vì Cộng Đồng Công Giáo sẽ tổ chức lễ Cung Hiến và Khánh Thành Nhà thờ Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.

Linh mục Giuse Vũ Ngọc Tuyển cho biết Nhà thờ như “Ngôi Nhà của chúng ta”, bên trong một bên cung thánh là bức tranh Chúa Giêsu cứu Thánh Phêro trên biển, còn bên kia là bức tranh thuyền nhân vượt biển tìm tự do, tượng trưng cho nguồn gốc của Người Việt tại Úc, được Đức Mẹ hướng dẫn để vượt qua phong ba, bão tố đến nơi an bình, tự do thờ phụng Chúa.

Cùng Đức Tin, cùng nguồn gốc thuyền nhân, cùng sống trên nước Úc, Trung Tâm được biết sẽ trở thành một nơi để cầu nguyện chung, một địa điểm hành hương của người Công giáo Việt sống tại Úc.

Mỗi dịp đại lễ tại Trung Tâm trên cao phía trước khán đài, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa nhắc nhở người Việt chúng ta bất kể tôn giáo hãy cùng cầu nguyện để Việt Nam sớm có tự do.

Hướng về tương lai…



Thách thức lớn nhất của Giáo Hội tại Úc là giữ được niềm tin và sinh hoạt của thanh thiếu niên. Nhiều nhà thờ có rất ít giáo dân dự lễ nên không thể tiếp tục duy trì sinh hoạt, phải đóng cửa, phải bán đi. 

Từ một góc nhìn khác, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam phần nào đã vượt qua thử thách duy trì được việc tu học và sinh hoạt thờ phượng ở thế hệ thứ hai. 

Nhưng thế hệ thứ ba sẽ sống và suy nghĩ như những người trẻ Úc khác, bởi thế thách thức lớn nhất của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam vẫn là giữ được niềm tin, sinh hoạt thờ phụng và danh tính thuyền nhân cho con cháu của chúng ta.

Nguyễn Quang Duy 
Melbourne, Úc Đại Lợi.

 Bài viết được đăng trên Báo Nhân Quyền - Tại Melbourne Victoria - Úc Châu



Vài Hình Ảnh Khánh Thành Nhà  Thờ Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang Ngày 22/02/2020











Hình Ảnh: Thanh Bình

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Xuân Thảo 春草 - Trương Húc



Nguyên tác           Dịch âm

春草                     Xuân Thảo


春草青青萬里餘 Xuân thảo thanh thanh vạn lý dư, 
邊城落日見離居 Biên thành lạc nhật kiến ly cư.
情知海上三年別 Tình tri hải thượng tam niên biệt,
不寄雲間一紙書 Bất ký vân gian nhất chỉ thư.

張旭                     Trương Húc

***
Dịch thơ
Cỏ xuân


Bãi cỏ xuân xanh vạn dặm dư,
Bên thành ác lặn lạ dân cư.
Tính ra trên biển ba năm biệt
Chẳng gởi theo mây một lá thư.

Con Cò


Một bài thơ thể phú siêu việt (bài dịch gĩư nguyên vẹn tất cả những chi tiết của nguyên bản). Chèo thuyền trên mặt biển, nhìn thảm cỏ xanh trải dài vạn dặm. Lúc chiều xuống, nhìn những người lạ sinh hoạt bên thành (mà mình đang sống), chợt thấy ăn năn đã vô tình không gởi về nhà một lá thư nào trong suốt 3 năm. Trương Húc không nói người này làm nghề gì hay chỉ là lãng tử. Ông cũng không nói viết thư cho ai, cứ để cho người đọc suy đoán (Kẻ đã trưởng thành mà xa nhà thì thường viết thư cho vợ con, ít khi viết cho cha mẹ. Nay đã 3 năm mà chưa viết lá thư nào thì có lễ hắn đang hối hận không viết thư cho cha mẹ).

Đọc xong bài thơ mà còn cảm nhận một chút suy tư mơ hồ, một nỗi buồn man mác, một mối ăn năn dìu dịu, một niềm thương nhè nhẹ cho tha nhân. Nếu bản thân bạn cũng đang xa nhà thì ắt sẽ tìm ngay giấy bút để viết thư về nhà.

Đó là cái ưu điểm độc nhất trên thế giới của loại thơ thất ngôn tứ tuyệt (cô đọng, súc tích, gợi cảm, cung ứng dư hưởng cho người đọc giống như uống xong ngụm trà còn cảm thấy thơm, ngọt trong cổ họng một hồi lâu. Thể thơ này nói lên cái khác biệt căn bản giữa văn và thơ). Người yêu thơ sẽ không bao giờ, vì những bài thơ kể lể rườm rà, mà quên thất ngôn tứ tuyệt. Những nước có ngôn ngữ đa âm tuyệt đối không thể tạo được một thể thơ tương đương với thể thơ này.
***
Các Bài Dịch Khác:

Cỏ Xuân


Xuân thảo xanh xanh vạn dặm thừa
Bên thành quạ lặn lạ người thưa?
Nhẩm ra ở biển ba năm chẳn
Thư gửi theo mây có viết chưa


LạcThủyÐỗQuýBái


***

Xanh ngắt cỏ xuân vạn dặm dư,
Bên thành chiều xuống thấy ly cư,
Tính ra trên biển ba năm chẳn,
Chẳng gửi mây trời một lá thư.


Bát Sách.
***
Xanh biếc cỏ xuân vạn dặm thừa
Bên thành nắng rớt xóm di cư
Ba năm đi biển xa biền biệt
Chẳng gửi ngọn mây một lá thư.


Hoàng Xuân Thảo
***
Xuân Thảo


Cỏ xuân xanh biếc dặm xa mờ
Thành ngoại chiều buông xóm tạm cư
Trên biển ba năm tình cách biệt
Theo mây chưa gởi một lần thơ


Lộc Bắc
***
Cỏ Xuân

Xanh biếc cỏ xuân vạn dặm dư
Bên thành chiều xuống xóm di cư
Ngẫm ra trên biển ba năm biệt
Chẳng gửi nhờ mây một cánh thư


Kim Oanh
***
Cỏ Xuân

Xanh biếc cỏ xuân mọc khắp nơi.
Trên thành ly loạn nắng chiều rơi.
Lênh đênh trời biển ba năm lẻ.
Chẳng gởi về nhà một lá thơ.

Phí Minh Tâm

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Thơ Tranh: Chiêm Bao

Sáu Phượng thương ơi! Chúc Sáu mãi có giấc mơ đẹp trong ý nghĩ thầm kín nha Sáu.
Và ngày tháng mới sẽ vui khoẻ để cuộc sống đẹp luôn!
(Chín Oanh)


Thơ Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Gió Xuân - Xuân Qua



Bài Xướng:

Gió Xuân


Sáng nay trông nắng xuân sang
Chợt bâng khuâng dẫu muộn màng ngày qua
Lòng đây vẫn thắm sắc hoa
Gió mơn man quyện hương tà áo bay
Mơ tuổi bút mực cầm tay
Nắn nót đôi nét gửi ai một thời.

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Xuân Qua

Quê người xuân đã vừa sang
Vời trông cố quốc mơ màng mùa qua
Nhớ ngày vàng thắm mai hoa
Cùng ai chung bước chiều tà...tóc bay
Ngọt ngào tay lại trong tay
Xuân ơi! Mãi gọi tên ai bao thời...

Nguyễn Gia Khanh


Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Xuân Mơ!


Lạc bước chiều xuân giữa xứ người
Vương tình thơ dại thuở đôi mươi
Mơ thời áo tím cài hoa trắng
Giữ mãi mộng đầu xuân thắm tươi!


Một làn gió nhẹ cánh hoa rơi
Nhặt đóa hồn nhiên vương vấn thời 
Ấp ủ hương lòng hoa sứ trắng 
Giữ hoài mộng đẹp dẫu phai phôi! 




Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Kỷ niệm Tân Gia Ba chiều Xuân 27/12/2019

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Xuân Ly Hương! - Mộng Xuân




Bài Xướng:
Xuân Ly Hương!


Dường như mùa đã trở về
Lòng sầu trăm mối bộn bề trở trăn
Tết nhà áo lụa hoa giăng
Tết ly hương xứ võ vàng sắc xuân


Kim Oanh

***
Bài Họa:
Mộng Xuân

Từng đàn én lượn bay về
Nghe lòng thổn thức chung bề trở trăn
Khung trời đất mẹ tơ giăng
Xuân về bổng nhớ mai vàng mộng xuân…


Đức Hạnh 
12 02 2020

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Thơ Tranh: Mệ Huế


Ảnh: Phương Thúy
Thơ: Kim Phú
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hương Xuân - Hương Vị Tết Xưa



Hương Xuân

Những cánh hoa xuân rộ trước thềm
Gió mùa thao thức nhớ nhung thêm
Lối xưa dĩ vãng hoài vương vấn
Dáng cũ hương xưa ủ tóc mềm

Kim Oanh
***
Cảm Tác:

Hương Vị Tết Xưa



Giao thừa nào cũng lạnh thâu đêm
Hiên trước sương rơi buốt mặt thềm
Ngỡ lối ly hương thu ngắn lại
Nhưng đường biệt xứ kéo dài thêm
Niềm đau vỡ tổ bầm thâm tím
Trái đắng tan hàng chín mọng mềm
Viễn khách thầm mơ hương vị Tết
Thuở ngày Xuân cũ thật êm đềm

Duy Anh
02/12/2020

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Nắng Mai - Xuân Cảm



Nắng Mai!

Mai vàng nở giữa đêm xuân
Xuân qua khung cửa thầm mừng nắng mai
Nắng hôn xuân ái hương lay
Hương say vỗ giấc mộng ngày mơ xuân!

KimOanh
***

Xuân Cảm

Hiểu nhất chi mai, cảm xuân
E dè nắng mới tần ngần hôm mai
S đau cành,gió nhẹ lay
Thình lình hương vỡ mơ ngày tràn Xuân!

14-2-2020
Nguyễn Huy Khôi

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Thơ Tranh: Bao Giờ?


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh


Hoa Tình Yêu


(Riêng tặng Cô Gái Việt)

Trân trọng tặng nhau một nụ hồng
Vun trồng từ duyên khởi bên trong
Đoá hoa sẽ mãi hoài tươi thắm
Ý tưởng từ hai chữ Sắc Không 

Kiều Mộng Hà
***
Vô Đề

Ai ấy tặng ai một cánh hồng
Nắng thuận mưa hòa tiết khí trong
Âm dương duyên hợp hương sắc thắm
Trân trong đôi bờ sắc lẫn không.

Hà Nguyên Lãng
02-02-2020

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Thơ Tranh: Tim Mơ


Thơ &Thơ Tranh: Kim Oanh


Happy Valentine



Valentine cạnh người thân
Trao nhau lời chúc ân cần yêu thương
Trao nhau đoá hồng ngát hương
Trao nhau bằng cả nụ cười nở hoa
Tặng Anh ánh mắt lệ nhoà
Tặng Em dấu ấn trên bờ môi xinh
Valentine gởi quê mình
Niềm tin hy vọng an bình tự do.

ChinhNguyen/H.N.T. 
Kỷ niệm ngày Hội Tình Yêu 14th2.20  

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Nắng Mai!


(Ảnh: Nắng Mai - Paulle Minh)

Mai vàng nở giữa đêm xuân
Xuân qua khung cửa thầm mừng nắng mai
Nắng hôn xuân ái hương lay
Hương say vỗ giấc mộng ngày mơ xuân!

Kim Oanh

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

XuânTứ 春思 - Lý Bạch

XuânTứ là tựa của một bài thơ xuân trong phần thơ Nhạc Phủ của Thi Tiên Lý Bạch. Bài thơ diễn tả nỗi lòng nhớ nhung tha thiết của một nàng cô phụ đang mõi mắt chờ đợi bóng phu quân lãng tử lạc phách giang hồ nhớ ngày trở lại, và sự kiên trinh trong mõi mòn chờ đợi của người cô phụ trông chồng. Lời thơ mộc mạc chất phác, ý tình chân thật tự nhiên như một khúc dân ca.


春思               XuânTứ 

燕草如碧絲   Yên thảo như bích ty,
秦桑低綠枝   Tần tang đê lục chi.
當君懷歸日   Đương quân hoài quy nhật,
是妾斷腸時  Thị thiếp đoạn trường thì
春風不相識  Xuân phong bất tương thức,
何事入羅幃? Hà sự nhập la vi!?

李白                Lý Bạch.
***
Dịch Nghĩa:

Cỏ đất Yên đã xanh mơn mởn như tơ, dâu tầm ăn đất Tần cũng xanh om cả cành lá.( Mùa xuân đã đến rồi đó!). Cái ngày mà chàng nhớ đến để quay trở về quê cũ, cũng chính là lúc thiếp đã nhớ nhung chàng mà đứt từng đoạn ruột ra rồi!. Gió xuân kia chẳng hề quen biết, sao lại phe phẩy thổi vào màn thiếp mà chi vậy!? ( Bộ muốn trêu ngươi người cô phụ phòng không hay sao? Thiếp chặc lòng chặc dạ lắm chớ bộ!).

(Thư pháp của Đỗ Chiêu Đức)

Diễn Nôm:

Cỏ Yên như tơ xanh biếc
Dâu tằm mơn mởn cành xanh
Khi chàng nhớ ngày trở lại
Thiếp đà ruột đứt từng canh
Gió xuân chẳng hề quen biết
Cớ sao hây hẩy trong mành !?

Lục bát:

Cỏ Yên xanh biếc như tơ,
Dâu tằm mơn mởn lửng lờ cành xa
Ngày chàng mong trở lại nhà
Thiếp đà đứt ruột xót xa nhớ chàng
Gió xuân chẳng biết ngỡ ngàng
Sao còn mơn trớn vào màn thiếp chi ?!

Đỗ Chiêu Đức
***
Bài Dịch: Ý Xuân

Cỏ Yên xanh biếc mượt mà
Dâu Tần óng ả nõn nà vươn xa
Phải chăng chàng ngóng nhớ nhà
Phần thiếp đau thắt lòng da diết chờ
Gió xuân chẳng biết ơ hờ
Hà chi phe phẩy màn tơ khuê phòng?!

Kim Oanh
Xuân Canh Tý 2020
***
Xuân Cảm Động

Cỏ Yên biêng biếc tựa như tơ
Dáng đứng Tần dâu thấp hững hờ
Xót dạ chàng mong hoài giấc mộng
Đau lòng thiếp đợi mãi cơn mơ
Gió xuân mới lạ, đâu quen biết
Sao động phòng khuê phe phẩy chờ?

Mai Xuân Thanh

Ngày 28/01/2020

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Nàng Thơ Và Thi Nhân



Bài Xướng:
Nàng Thơ Và Thi Nhân

Thơ là Sơn nữ Cao Nguyên
Quảy gùi con chữ kết duyên Đồng Bằng
Thơ là Thôn nữ múa trăng
Dệt bao thi tứ thả giăng sông Tiền
Miền xuôi Phố núi bút nghiên
Trải lên tâm sự quên phiền thế nhân
Hòa chung hồn mộng bâng khuâng
Thi Nhân ngất ngưỡng men xuân thả vần
Chiều vàng nắng rợp ven sân
Nàng Thơ khoe sắc lâng lâng ướm tình.

Kim Oanh
***
Hoạ Bài:

Thơ Và Thi Nhân


Thi nhân tựa cỏ thảo nguyên
Thơ là suối mát mối duyên kim bằng
Như hoa hé nhuỵ dưới trăng
Là sương mờ toả giăng giăng bến Tiền
Thi nhân múa bút mài nghiên
Mượn thơ quên hết luỵ phiền trần gian
Khi dào dạt lúc bâng khuâng
Thả lòng kết mối tình xuân gieo vần
Hằng Nga khoe sắc ngoài sân
Hồn thơ hoà quyện người lâng lâng tình

Quên Đi
***

Dư Âm Biển Nhớ

Nhớ nàng thiếu nữ Cao Nguyên
Nồng nàn dáng ngọc thắm duyên ai bằng!
Ai người thả mộng chờ trăng
Ai người đắm đuối tình giăng xứ Tiền
Ai người nghóng đợi chiều nghiêng
Ai người dệt mộng, nào phiền thế nhân
Cho lòng nhung nhớ bâng khuâng
Cho tình trăng nước nở xuân thắm vần
Cho chiều sợi nhớ trong sân
Cho đêm rộn rã lâng lâng mộng tình


Đức Hạnh
14 02 2020
***
Cảm Tác: Y Đề


Thơ là vọng tưởng Cao Nguyên
Dệt câu lục bát nối duyên đồng bằng
Hồn thơ lênh láng dưới trăng
Gom bao thi vị gởi qua sông Tiền
Rẽo cao thôi thúc bút nghiên
Trải lòng tâm sự lụy phiền vào thân
Hòa chung Sông-Núi lâng lâng
Thi nhân đắm đuối tình xuân gieo vần
Chiều vàng nắng rụng ngoài sân
Nàng thơ tuyệt sắc lâng lâng gợi tình

Ngô Quang Diệp
***
Nàng Thơ

Phà ca cô gái Cao Nguyên
Sương mai ướt cỏ nắng nghiêng Đồng Bằng
Tuổi xuân mười tám tròn trăng
Dệt bao mộng ước mây giăng đình tiền
Núi rừng bỏ bút thôi nghiên
Lặng nghe tâm sự não phiền cố nhân
Bước đi lòng nhũng bâng khuâng
Niềm thương nỗi nhớ cách tân mấy vần
Bóng ai thấp thoáng ngoài sân
Chiều xiên nắng đổ biển dâng sóng tình!

Kim Dung 
(8/2/2020)