Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Tử Dạ Tứ Thời Ca 子夜四時歌 - Lý Bạch

 

子夜四時歌 Tử Dạ Tứ Thời Ca 

Thu Ca

Trường An nhất phiến nguyệt
Vạn hộ đảo y thanh
Thu phong xuy bất tận
Tổng thị Ngọc quan tình
Hà nhật bình Hồ lỗ
Lương nhân bãi viễn chinh

李白 Lý Bạch

Thu Ca: Trường An vằng vặc một vầng trăng sáng / Nhà nhà vang dội tiếng chầy giặt áo lạnh cho mùa đông sắp tới/ Gió thu thổi về lồng lộng không cùng / Như đưa tiễn tình ai ra mãi ngoài biên ải xa / Biết có ngày nào dẹp yên được giặc dữ / Cho chàng thôi chuyện chiến chinh để trở về nhà với thiếp.  

Thu Ca

Trường An một vầng trăng 
Tiếng chầy giặt rộn ràng
Gió thu thổi da diết 
Xót người ngoài ải quan 
Bao giờ yên giặc dữ 
Cho thiếp thôi nhớ chàng. 

Phạm Khắc Trí 
 05/12/2016
***
Các Bài Dịch Khác:

Thu Ca

Đêm Trường An trăng khuya một mảnh
Tiếng chày đêm lanh lảnh tư bề 
Gió thu hiu hắt lê thê
Nhớ nhung man mác sầu về Ngọc Quan 
Bao giờ Hồ giặc dẹp tan
Chiến chinh thôi hết để chàng bên em 

Mai Lộc
***
Khúc Ca Mùa Thu 

Trường An vằng vặc trăng soi
Tiếng chày giặt áo đầy vơi rộn ràng
Gió thu vi vút theo sang
Tiễn người chinh chiến dặm ngàn ải xa
Mong ngày non nước thái hoà
Chàng về với thiếp lệ nhoà yêu thương.

Phương Hà
***
Dịch Nghĩa: Thu Ca

Mảnh trăng mọc trên Trường An
Tiếng đập áo vang lên khắp muôn nhà
Gió mùa thu thổi không ngừng
Tất cả tình thương đều hướng về Ngọc Môn quan
Biết ngày nào dẹp xong giặc Hồ
Để chồng tôi không phải đi chinh chiến xa xôi.

Ghi chú:
良人 Lương Nhân: tiếng dùng cho người vợ gọi chồng

Dịch Thơ: Thu Ca

Vành trăng chiếu rọi Trường An
Tiếng chày giặt áo dậy vang mọi nhà
Gió thu chẳng ngớt rên la
Ngóng miền quan ải thiết tha bao tình
Giặc Hồ đến lúc nào bình
Để chàng thoát cảnh chiến chinh dặm ngàn

Quên Đi
***
Thu Ca

Trường An trăng mọc lên cao,
Chày khuya giặt áo vọng vào nhà ta.
Thu phong lướt thướt thổi qua,
Thương người biên ải xót xa nặng tình.
Giặc hồ xâm lược điêu linh,
Mong chồng, tàn cuộc chiến chinh, trở về!

Mai Xuân Thanh
***
Thu Ca

Vầng trăng lơ lững Trường An
Tiếng chày giã  gạo vang vang mọi nhà
Gió thu ào ạt thổi qua
Thương người quan ải dặm xa xót lòng
Giặc Hồ gieo rắc non sông
Mau tàn cuộc chiến người mong trở về

Kim Oanh

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Tháng Tư Lại Đến


Đáng lẽ
tháng Tư đầu mùa xuân
nắng trong veo và đất hiền lành,
nở tràn những đóa hoa muôn sắc
sắc hương nào trông cũng thật xinh.

Đáng lẽ
tháng Tư trời còn nguyên
hơi lạnh giăng trong vạt mưa phùn,
lửa bên lò sưởi reo ngọn ấm
soi mịn màng từng cánh thủy tiên.

Đáng lẽ
tháng Tư tuyết vừa tan
tiếng chim quyên tìm bạn sau vườn,
rộn ràng như thể vừa thức dậy
qua đêm dài một giấc đông miên.

Đáng lẽ
tháng Tư mang bình yên
hồi chuông kiết hạ xóa ưu phiền,
con sâu, cái kiến, mầm vừa nhú
cả chúng sinh sống thật hồn nhiên.

Như vậy
tháng Tư phải dễ thuơng
cớ sao lòng bỗng thấy rất buồn,
khi tờ lịch rụng phơi ngày cuối
một cuối cùng không thể nguôi quên.

Ngày ấy
tháng Tư rất đau thương
vắt người ra toàn những giọt buồn,
nhìn quanh chỉ thấy trời mù mịt
bóng hung thần phủ suốt quê hương.

Từ đấy
tháng Tư, anh và em
bạn bè xa, đời sống gần bên,
tất cả chôn vùi trong man rợ
bom đạn ngừng người vẫn cuồng điên.

Tháng Tư
ôi những Tháng Tư Đen
không gian biền biệt có nguôi quên,
dù muốn trong lòng thôi ám ảnh
từ quê xa vọng mãi tiếng hờn.

Sông Hương


Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Hà Hoàng Cựu Tốt 河湟舊卒 - Trương Kiều

 

河湟舊卒               Hà Hoàng Cựu Tốt

少年隨將討河湟,Thiếu niên tuỳ tướng thảo Hà Hoàng, 
頭白時清返故鄉。Đầu bạch thời thanh phản cố hương. 
十萬漢軍零落盡,Thập vạn Hán quân linh lạc tận, 
獨吹邊曲向殘陽。 Độc xuy biên khúc hướng tàn dương.

張喬                         Trương Kiều

***

Dịch:

Tuổi trẻ rủ nhau đi cứu nước
Tóc xanh đến bạc mới về nhà
Người xưa ngày trước đâu còn nữa
Sáo gọi hồn ai dưới nắng tà?

Phạm Khắc Trí

***

Người Lính Cũ Đất Hà Hoàng

Người lính vấn thân quên thời trẻ
Yên giặc về quê bạc tóc xanh
Tản mát người xưa trông quanh quẻ!
Một mình sáo hướng buổi chiều hanh

Kim Oanh


Mộc Lan

(Hoa Mộc Lan - Ảnh: Nguyễn Thanh Bình) 

Đề Thơ:

Mộc Lan

Trời đã sang xuân tuyết phủ đầy
Mộc Lan vẫn thắm đượm nồng say
Nắng ơi thức dậy hong tình nhớ
Sưởi ấm con tim lạnh buốt này.

Kim Oanh

Nhặt Lá Thời Gian - Hoài Thu Xa - Lá Thời Gian

(Mùa Thu Bright - Kim Oanh)

Bài Xướng:

Nhặt Lá Thời Gian

Lá mùa xào xạc ngỡ ai qua
Chờ đợi bao thu mộng ước già
Tình yêu nụ trẻ đâm chồi biếc
Thu lại trở về người vẫn xa

Thời gian nhặt lá đếm ngày mau

Chầm chậm thu đi sắc đổi màu
Tình yêu ngày cũ không nhàu úa
Lá vẫn xạc xào dạ tất đau

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Hoài Thu Xa

Nhìn cây thay lá mấy mùa qua
Rưng rức nhớ ai bên cội già
Lạc mất tình nhau từ dạo ấy
Thu đi thu đến ... hoài thu xa!

Xin thời gian chớ vội qua mau

Đừng nhuộm lá duyên phai nhạt màu
Chớ rót mưa thu nhoà mắt ngọc
Mơ xa mộng vỡ .... trái tim đau!!!

Yên Dạ Thảo
***

Lá Thời Gian

Thời gian dù có lướt trôi qua
Ta vẫn như Thu ...sẽ chẳng già
Để đợi để chờ người trở lại
Dù cho Thu biếc có đi xa...

Mặc lá thời gian cứ lướt mau
Làm cho Thu úa có phai màu
Tình ta vẫn vẹn như ngày trước
Lá rụng chắc làm xoá nỗi đau


Song Quang
***
Tình Bay Xa

Đã mấy mùa thu lặng lẽ qua
Chiều ra đứng ngóng cạnh mai già
Nhạn trời lẻ bạn kêu tha thiết
Người ở phương nào có xót xa?

Vườn cũ từng đêm gió thổi mau
Mới hay đông đến lá phai màu
Trúc khua đầu ngõ ngờ chân bước
Tưởng bóng anh về dạ thấm đau!


Kim Dung
(29/4/21)

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Ước Hẹn

Trời trở lạnh cho anh quàng khăn ấm.
Mưa phùn rơi cho anh mãi nhớ em.
Phương trời đó nắng có gay gắt lắm,
Xin cho em những ngày tháng êm đềm.

Đây Cali, ít mưa nhưng nhiều nắng,
Nắng nơi nầy không như nắng quê hương.
Mây từ đâu về phủ bức màn sương,
Trên núi đồi mưa gợi buồn dĩ vãng.

Quê hương mình bao năm dài lửa đạn,
Tiếng súng ngừng cho nghẹn đắng con tim,
Để bàng hoàng, uất ức triệu sinh linh,
Nên Tháng Tư trở thành Đen, Uất Hận!

Tự do đâu, hỡi những người giải phóng,
Khi nhà tù mọc lên khắp mọi miền?
Khi khổ đâu và đói rách triền miên,
Bệnh nằm xuống không một viên thuốc uống?

Cơm không đủ ăn, rét không áo mặc,
Giải phóng sao dân lũ lượt trốn đi,
Để từ đó con Mẹ Việt tản mác,
Khắp năm châu sống trong cảnh chia ly?

Em yêu hỡi! mình cùng nhau ước hẹn:
Ta sẽ về gầy dựng lại quê hương.
Sẽ biến mất bao xiềng xích, xiết rên,
Để tự do, ấm no dân ta hưởng.

Bắc, Nam, Trung ta cùng chung một hướng,
Và Mẹ Việt từ nay sẽ thôi buồn,
Mẹ sẽ cười nhìn thấy đám con ngoan,
Về xây lại Tổ Quốc Việt hùng tráng.

Cali một ngày mưa buồn 10/02/2012
Tống Viết Minh 
YKSG 65-72, HD 19


Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Tiễn Đưa

 

Thầy Võ Văn Vạn(Trầm Vân) kính mến.

Dù em chưa được học thầy, nhưng qua sinh hoạt của trang Long Hồ Vĩnh Long, em được thầy nhận làm học trò.
Nay Vườn Thơ Thẩn vắng thêm một Người Thầy và cả những vầng thơ Lục Bát đầy ấp mộng mơ.
Nguyện cầu Hương Linh Thầy Võ Văn Vạn(Trầm Vân) được yên nghỉ thảnh thơi nơi Cõi Vĩnh Hằng.
Học Trò Kính Thầy:

Tiễn Đưa

Chiều nay đã xa thật rồi
Không còn nét bút bồi hồi mộng mơ.
Long Hồ héo hắt tình thơ
Vườn Thơ Thẩn úa chơ vơ vắng thầy
Học trò nhỏ giọt lệ cay
Tiễn đưa thầy chốn tuyền đài tịnh yên
Vĩnh Hằng hạnh phúc cõi riêng
Thầy vui an hưởng lụy phiền xóa tan.

Kim Oanh
24/4/2021

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Wait For Me - Chờ...

(Wait For Me - Ảnh: Thịnh Nguyễn)

Chờ….


Cánh Chim xin chớ vội vàng
Hương yêu đương nhụy nồng nàn ái ân
Chờ Hoa thắm đượm lòng xuân
Men say chín mọng cùng ngân khúc tình.

Kim Oanh    

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Bàn Tay


Tôi biết bàn tay tôi nhỏ lắm
Không làm anh ấm lúc đông sang
Không cho anh một chút bình an
Khi đau đớn dày vò thân xác

Tôi nắm tay anh lòng tan nát
Cũng như anh tôi mất mát nhiều
Những chiều buồn nhìn nắng cô liêu
Người góa phụ thương người quá cố.

Trong cuộc chiến thật nhiều gãy vỡ
Những xác người và những thương binh
Chiếc khăn tang mang vội tội tình.
Cô dâu mới biến thành cô phụ.

Người thương binh rời xa quân ng
ũ
Người tử sĩ bỏ lại vợ con
Quê hương khóc nghẹn mất và còn
Cờ đẫm máu đau hồn sông núi.

Tay vuốt mắt người yêu lần cuối
Kèn tiễn đưa buồn giữa nghĩa trang
Đêm cô liêu có nến hai hàng.
Hồn tử sĩ ào ào lộng gió

Bàn tay tôi e dè rộng mở
Góp chút lòng và sự biết ơn
Xuân về rồi giữa lúc cô đơn
Món quà nhỏ của người xa xứ.

Xin hãy nhận và xin tha thứ
Bỏ quê hương, bỏ lại bạn bè
Lạy tiền nhân xin hãy chở che
Thương Phế Binh Cộng Hòa anh dũng.

Bàn tay nhỏ mong đem ấm cúng
Xoa nỗi buồn và những đớn đau
Chút yêu thương tình nghĩa đồng bào
Tình huynh đệ quân dân đoàn kết.

Nguyễn thị Thêm

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Vì Sao Sáng

Từ KBC thư về phố thị
Anh mang bao thi vị rót vào đời
Tóc bím cài em chưa kịp rẽ ngôi
Em chơi vơi cùng tình thư ý nhị

Áo học trò màu trắng đẹp tinh khôi
Anh pha tím hoa sim rừng nhung nhớ
Em ngây thơ vương nắng tình bỡ ngỡ
Tóc mây dài vụng dại kẽ lệch ngôi

Lần về phép anh bồi hồi đứng đón
Tan trường…em bối rối bước song đôi
Anh khoác áo xanh rừng ôm hy vọng
Mộng đầu đời ngát ý…ướp hương môi

Đất nước chia đôi tình trôi muôn hướng
Anh xa rời Vì Sao Sáng vụt rơi!
Em ngỡ ngàng! Bàng hoàng cơn sóng dữ
Phủ lên đời! Em vào biển trùng khơi.

Kim Oanh

Tháng Tư Phượng Tím - Vì Đâu...Thôi Đành!

  
(Brisbane - Tiểu Bang Queensland - Kim Oanh)

Xướng:

Tháng Tư Phượng Tím

Tháng tư phượng tím rợp trời
Em thay áo tím chờ người tới thăm
Choàng thêm khăn tím phù vân
Lời anh, em viết có vần tím thơ

Sáng nay hoa tím mộng mơ
Mũ len mầu tím thắt nơ tím hồng
Tím nào là tím nhớ mong
Tím em hoa súng trên sông nở tràn

Tím nào theo chiếc đò ngang
Người đi mang khói mây sang tím chiều
Tím nào mực đậm tình yêu
Anh tô tím cả những điều đam mê

Tím hoang liêu khắp nẻo về
Tóc cài hoa tím hẹn thề lược gương
Tháng tư phượng rụng tím đường
Tình anh như nắng tím vương nồng nàn ...

Cao Mỵ Nhân
*** 
Bài Họa:


Vì Đâu… Thôi Đành!

Vì đâu sắc tím rợp trời
Vì đâu biệt xứ chẳng người về thăm
Vì đâu lang bạt phong vân
Thôi đành mượn bút thả vần tâm thơ

Vì đâu cách mộng xa mơ
Vì đâu cắt đứt dây nơ tình hồng
Vì đâu xót dạ hoài mong
Thôi đành nhỏ lệ theo sông tuôn tràn

Vì đâu thuyền tách bến ngang
Vì đâu ly biệt đò sang một chiều
Vì đâu vuột mất tiếng yêu
Thôi đành ôm giữ bao điều đắm mê

Vì đâu phòng vắng bóng về
Vì đâu đối mặt đơn thề trước gương
Vì đâu bước chẳng chung đường
Thôi đành chôn chặt vấn vương nồng nàn.


Kim Oanh
Melbourne 2021


Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Bóng Mẹ - Mơ Bóng Má Ba


Bài Xướng:

Bóng Mẹ

Có những ngày mưa xám xịt trời
Nghe buồn thấm thía cả hồn tôi
Muôn trùng bóng mẹ ngàn phương nhớ
Lớp lớp sầu len giữa vạn đồi

Có những đêm trăng sáng lộng ngời

Sân lồng bóng mận lá vàng rơi
Thương người buổi ấy lo toan mãi
Cặm cụi canh gà một bóng thôi

Có những khi ngồi ngắm mẹ thương

Vai gầy áo bạc tóc pha sương
Qua bao dâu biển tình hoài thắm
Mãi vọng trong ta những dặm đường

Đứng lặng dâng hương giọt lệ trào

Lời ru của mẹ thấu trăng sao
Trăm năm một kiếp tằm dâu đó
Bóng mẹ thương yêu mãi ngọt ngào

Hương Thềm Mây 
tháng 4.2021 – Tân Sửu
***
 

Bài Họa: 

Mơ Bóng Má Ba

Làn mây vần vũ mịt mù trời

Lòng khắc khoải buồn xót dạ tôi
Yêu quá Má Ba sầu chất ngất
Trùng trùng nỗi nhớ vượt non đồi

Mùa thay tiết đổi lá kém ngời

Thu chạm song ngoài héo hắt rơi
Muốn kéo thời gian nhưng chẳng thể
Ngậm ngùi thui thủi khóc mà thôi

Đêm trăng lần bóng níu Người thương

Hình dáng gầy hao lẫn khuất sương
Lưu luyến lần theo vào giấc mộng
Con bơ vơ lạc giữa ngã đường

Giật mình nước mắt chực tuôn trào

Kinh nguyện đèn trời lấp lánh sao
Nước Chúa Song Thân ân phước hưởng
Hương yêu hạnh phúc mãi ngạt ngào!

Kim Oanh
Tháng 4/2021

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Ngu Mỹ Nhân 虞美人 - Lý Dục

 

Lý Dục[1] (李煜), thông gọi Lý Hậu Chủ (李後主), là vị vua cuối cùng nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 961 đến năm 976. Năm 975, Tống Thái Tổ Chu Nguyên Chương đánh vào kinh đô Nam Đường là Kim Lăng, Lý Dục đầu hàng, Nam Đường diệt vong. Năm 978, Từ Huyền phụng mệnh Tống Thái Tông đến thăm dò Lý Dục, Lý Dục than với Từ Huyền rằng: “Năm xưa ta đã sai, giết nhầm Phan Hựu, Lý Bình, hối hận đã không kịp nữa rồi”. Sau đó ông có viết bài từ “Ngu Mỹ Nhân” trước khi bị đầu độc chết.

"Ngu Mỹ Nhân" là một khúc hát của phường hát thời Đường, khúc hát về Ngu Cơ – mỹ nhân của Hạng Võ. Sau này cũng là tên một loại từ khúc, nhiều văn nhân lấy cảm hứng sáng tác theo vần điệu khúc ca này.Trong đó “Ngu Mỹ Nhân: Xuân hoa thu nguyệt” của Hậu chủ Lý Dục nước Nam Đường thời Ngũ Đại là bài xuất sắc, được nhiều người yêu thích nhất (theo dkn.tv)

Có lẽ bài Từ của Lý Hậu Chủ, đã bộc lộ hết những chán chường, hối hận, luyến tiếc những chuyện Người đã trải qua. Sự thê thảm của một vị vua không lo việc triều chính, chỉ biết tiệc tùng, hát xướng,vui chơi với mỹ nhân. Có thể chính vì thế mà bài từ của Ông đươc coi là bài Từ hay nhất trong các bài Từ Ngu Mỹ Nhân.

虞美人                                       Ngu mỹ nhân
      
春花秋月何時了               Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu
往事知多少                       Vãng sự tri đa thiểu
小樓昨夜又東風               Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong
故國不堪回首月明中。   Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.
雕欄玉砌應猶在               Điêu lan ngọc khám ưng do tại
只有朱顏改                       Chỉ hữu chu nhan cải
問君能有幾多愁               Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu
恰似一江春水向東流。   Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
李煜                                    Lý Dục

Dịch Nghĩa: Bài Từ Người Đẹp Họ Ngu  

1/ 春花秋月何時了 Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu
Đến bao giờ mới hết cảnh hoa xuân trăng thu. (Những cảnh tiệc tùng múa hát ăn chơi trên thế gian này biết đến bao giờ đến bao giờ mới dứt).
2/ 往事知多少 Vãng sự tri đa thiểu
Cũng biết được ít nhiều những chuyện đã qua (những chuyện đó đã từng trải qua nên biết được ít nhiều)
3/ 小樓昨夜又東風 Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong
Đêm rồi nơi gác nhỏ lại có gió mùa xuân (Nơi gác nhỏ tù đày này, đêm qua lại có gió xuân)
4/ 故國不堪回首月明中。 Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung
Trong đêm trăng sáng, lại nhớ đất nước trước đây, cảm thấy hối hận vô cùng
5/ 雕欄玉砌應猶在 Điêu lan ngọc khám ưng do tại
Lan can chạm trổ sắc xảo và thềm dát ngọc vẫn còn đó
6/ 只有朱顏改 Chỉ hữu chu nhan cải
Chỉ có dung nhan tươi thắm là đổi thay
7/ 問君能有幾多愁 Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu
Hỏi người có bao nhiêu mối sầu đây
8/ 恰似一江春水向東流。 Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
Các mối sầu ấy nhiều như nước một dòng sông xuân chảy về đông.( Mối sầu ấy ví như dòng nước mang theo tất cả những gì tươi đẹp nhất trong đời đổ ra biển).




Dịch Thơ: Ngu Mỹ Nhân

1/

Trăng hoa cảnh nọ bao giờ tiệt
Chuyện cũ vẫn còn biết
Đêm qua gác vắng có hơi xuân
Dưới ánh trăng nhớ nước cũ dạ bâng khuâng
Lan can thềm ngọc còn nguyên đó
Nhan sắc không còn đỏ
Hỏi rằng sầu lắng đọng bao nhiêu
Ví tựa nước dòng xuân về hướng đông nhiều.

2/
Bao giờ hết cảnh trăng hoa
Ít nhiều lắm chuyện xót xa nơi lòng
Đêm rồi gác có gió đông
Dưới trăng nước cũ khó mong phai mờ
Hiên vàng thềm ngọc còn trơ
Môi hồng má phấn đến giờ phôi pha
Bao nhiêu sầu lắng trong ta
Tựa sông xuân nước từ xa tràn về.

Quên Đi

***
Ngu Mỹ Nhân

Xuân hoa thu nguyệt bao giờ tận?
Chuyện ngày xưa cứ vẫn quay về.
Đông phong gác nhỏ lê thê
Quay nhìn cố quốc tái tê trăng vàng.

Thềm bệ ngọc lan can còn đó
Duy mặt người vàng võ hắt hiu.
Sầu lòng chứa được bao nhiêu?
Như dòng sông chảy một chiều về đông.

Mailoc phỏng dịch
04-08-21
***
Tình Cố Thổ

1/
Xuân hoa thu nguyệt bao giờ tận?
Chuyện cũ ít nhiều cũng đã qua
Lầu nhỏ đêm xuân còn phảng phất...
Lòng đau cố thổ vấn vương mà...
Cung vàng điện ngọc nay nguyên đó
Nhan sắc thời gian cũng khác xa
Hỏi kẻ nào hay sầu chất chứa?
Như dòng xuân lạnh chảy về đông

2/
Nguyệt hoa có tận bao giờ ?
Xót xa lắm chuyện ngẩn ngơ bồi hồi...
Đêm xuân gác nhỏ hỡi ơi...!
Ánh trăng cố thổ nhớ nơi chạnh lòng
Hiên vàng, điện ngọc thôi mong
Má hồng nhan sắc còn trông nỗi gì...!
Sầu đong chất chứa lụy bi ?
Như sông xuân chảy lỡ thì về đông...

Mai Xuân Thanh
April 08, 2021
***
Ngu Mỹ Nhân

Nơi trần thế thú vui còn đó
Trải sự đời đã tỏ
Gác nhỏ đêm qua lạnh gió lùa
Cũng trăng này đau mất nước đời được thua
Vẫn lan can chạm thềm dát ngọc
Má hồng tàn phai vóc
Hỏi ai vương vấn bấy nhiêu sầu
Sánh sông đầy xuôi bể cả bởi vì đâu

Kim Phượng
***
Người Đẹp Họ Ngu

Thế gian cảnh đẹp hết khi nào
Những chuyện ít nhiều biết được bao
Gác nhỏ đêm qua xuân thoảng gió
Nhìn trăng nhớ nước dạ nao nao

Thềm xưa dát ngọc vẫn còn đây
Chỉ có dung nhan nhạt sắc dần
Rằng hỏi sầu lòng bao lắng đọng
Tựa sông xuân nước hướng về đông

Kim Oanh

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Hồi Ký Miền Nam | Hành Trình Vượt Biển Đông (Full)


Tác Giả: Kim Oanh
Giọng Đọc: Tài
Thực Hiện: Hồi Ký Miền Nam

 ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links


Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Bóng Người Đi - Chờ Người


Bài Xướng:

Bóng Người Đi

Người đã ra đi một buổi chiều
Mây trời bảng lảng bóng cô liêu
Lần theo từng bước chinh nhân hỡi
Mòn mỏi đợi chờ với quạnh hiu

Bên song gối chiếc giá đông về
Nửa mảnh trăng thề vuột tiếng yêu
Nửa mảnh trăng treo ngoài trận ải
Chinh phu chinh phụ nhớ nhung nhiều!

Kim Oanh
Ngày 24/04/2014
***
Các Bài Họa:

Chờ Người

Từng hôm ngóng mãi bóng mây chiều
Héo hắt khung trời cảnh tịch liêu
Chiến trận giờ này đang khói lửa?
Hay rừng vắng lặng lạnh đìu hiu

Lạc lõng cô đơn nỗi nhớ về
Trăng thề khép mộng cuộn lời yêu
Ôm hồn buốt giá ...người biên ải
Gối giấc mơ phai lệ chảy nhiều

Minh Thuý Thành Nội

Tháng 4/3/2021
***
Thăm Tù

Bóng em chênh chếch dưới ráng chiều
Thân gái dặm trường thật cô liêu
Chờ đợi mỏi mòn em muốn khóc
Đồi cao đường vắng quá đìu hiu.

"Bắt cô trói cột" con chim kêu
Anh kể những lần nhớ người yêu
Ngậm hờn nuốt tủi bao đày ải
Một kiếp tù nhân uất nhục nhiều!

Nguyễn Thị Thêm
***
Nhớ Xưa

Giã từ, chân bước lệch đường chiều
Mưa rớt ngoài trời bóng tịch liêu
Nước mắt chia tay sầu ảo não
Người đi rồi, bến lạnh đìu hiu

Rừng thẳm vượn kêu chẳng được về
Ba năm nhớ lắm hỡi người yêu
Phước Long “lá rụng” sầu quan tái
Thiếu phụ chờ mong tóc bạc nhiều!!!

Kim Dung 
(Apr. 15, 2021)


Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Yêu! - Thương

 

Xướng:

Yêu!

Yêu ai đêm vắng thở than
Yêu Thu đêm đốt lá vàng tìm hương
Yêu ai thao thức canh trường
Yêu trăng từng sợi vấn vương mộng đời
Yêu ai lạc lối một thời
Yêu người trăng rụng xóa lời hẹn xưa
Yêu ai tóc nhạt màu mưa
Yêu người chẳng vẹn ...trăng thưa lụn tàn

Kim Oanh

***
Họa:
Thương

Thương Em chỉ biết kêu than
Thương Người thương nắng Thu vàng ngát hương
Thương Em thao thức đêm trường
Thương Người thương sợi tơ vương thắm đời
Thương Em nên lỡ xuân thời
Thương Người thương cả bao lời thề xưa
Thương Em chẳng ngại nắng mưa
Thương Người thương gió lưa thưa hoa tàn.


Toronto 9/4/2021
Nguyên Trần


Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Lịch sử Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa Và Trường Trung Học Võ Khoa Thủ Đức - Trúc Giang

(Tác giả thân tặng nhà thơ nữ Lê Thị Kim Oanh-Australia)


1* Lễ trình diện Hướng Đạo Quân Đội lên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa


Ngày 16-6-1969, tại đồi 18, là bãi tập chiến thuật trong khu vực huấn luyện của Trường Bộ Binh Thủ Đức, một cuộc cắm trại được tổ chức chu đáo, long trọng để trình diện Hướng Đạo Quân Đội lên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu.

Tham dự cắm trại gồm có hướng đạo của 3 đơn vị là Trường Bộ Binh, Cục Quân Cụ và Hải Quân, đại diện cho Hướng Đạo Quân Đội toàn quốc. Cuộc cắm trại hoàn tất một ngày trước lễ trình diện, các trại sinh ngủ qua đêm tại trại.

Trong dịp nầy, Tổng Thống tuyên bố danh xưng chính thức “Hướng Đạo Quân Đội” của kế hoạch đoàn ngũ hóa Thiếu Nhi Quân Đội, do Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, đã có sáng kiến thành lập.

(Trung Úy Lâm Văn Khanh và Thiếu Tá Nguyễn Tuyên Thùy trước Thiếu nhi Quân Đội)

Tháp tùng Tổng thống có các viên chức chính phủ, Trung Tướng Trần Văn Trung và các quan khách.
Trong dịp nầy, Tổng thống trao cờ huy hiệu hướng đạo chính thức cho trung úy Lâm Văn Khanh, hướng đạo QĐ/TBB, và hai huynh trưởng hướng đạo của Quân Cụ và Hải Quân.
Sau lễ trình diện ngày 16-6-1969, Hội Hướng Đạo Quân Đội được Bộ Giáo Dục và Thanh Niên cấp giấy phép chính thức hoạt động như các đoàn thể thanh niên khác.

Hội trưởng: Trung tướng Trần Văn Trung
Phó Hội trưởng: Đại tá Nguyễn Huy Hùng
Tổng Ủy viên: Đại úy Nguyễn Văn Liễu (Họa sĩ Trịnh Cung)
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được mời làm Hội Trưởng Danh Dự.

2* Diễn tiến hình thành Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa
2.1. Trường Bộ Binh được chọn làm thí điểm thực hiện kế hoạch đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội.


Khoảng năm 1967, Trung tướng Trần Văn Trung cho gọi Trung úy Lâm Văn Khanh, hiệu trưởng trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, xuống TC/CTCT, trung tướng cho biết, Tổng Cục có ý định muốn chọn Trường BB làm thí điểm, thực hiện kế hoạch Đoàn Ngũ Hoá Thiếu Nhi QĐ. Hiệu trưởng trình bày những thuận lợi và khó khăn để tìm cách giải quyết. Thuận lợi là con em quân nhân đã được đoàn ngũ hóa tại các lớp của trường trung học.

Khó khăn căn bản là thiếu huynh trưởng hướng đạo. Quân nhân cơ hữu của Trường Bộ Binh có thể có nhiều người đã từng sinh hoạt trong Hội Hướng Đạo Việt Nam, nhưng thành phần nầy khó sử dụng vì các trưởng phòng, trưởng khối không muốn bị mất người khi cho họ ra sinh hoạt hướng đạo ở trường học.

Một sáng kiến được nêu lên là tạm sử dụng thành phần sinh viên sĩ quan các khóa đang thụ huấn tại TBB. Nói là sáng kiến thì không đúng, vì trường trung tiểu học đã từng nhờ những SVSQ gốc kỹ sư, kiến trúc sư đến trường để vẽ bản đồ xây cất trường trung học. Nhờ những họa sĩ và người có khả năng kẻ chữ thực hiện bản tên các lớp học, vẽ những khẩu hiệu trên tường. Sinh viên sĩ quan là một kho nhân tài thuộc mọi ngành nghề trong xã hội.

Những khó khăn đã được khắc phục. Công việc tiến hành trong thuận lợi.

2.2. Trường Bộ Binh tổ chức trại hướng đạo ra mắt Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị.


(Thiếu tướng Lâm Quang Thơ và Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy *Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh)

Để chuẩn bị lễ trình diện hướng đạo quân đội lên Tổng Thống VNCH, Tổng Cục CTCT đề nghị TBB tổ chức trại để tổng kết thành quả của chương đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội.

Trại đặt tại Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức dưới sự chủ tọa của Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ. Thành phần tham dự gồm có: Đại Tá Đô đại diện Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, Đại tá Tín chỉ huy trưởng Trường Thiết Giáp, đại diện Tổng Cục CTCT, và các sĩ quan trưởng khối, trưởng phòng của TBB.

Phóng viên đài truyền hình và đài phát thanh quân đội cũng được mời đến làm phóng sự. Đài phát thanh quân đội có cuộc phỏng vấn Trung úy Lâm Văn Khanh. Phóng sự được phát hình ngay chiều hôm đó.

3* Hướng đạo Quân Đội Trường Bộ Binh là đơn vị xuất sắc.

Hướng Đạo Quân Đội Trường Bộ Binh là đơn vị xuất sắc vì có nhiều thuận lợi nên sau một thời gian ngắn đã kiện toàn tổ chức, và nội dung sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Hai thuận lợi căn bản là có nhiều huynh trưởng và số hướng đạo sinh đã được đoàn ngũ hóa tại các lớp trung học tiểu học.

3.1. Thành phần HĐQĐ của Trường Bộ Binh

Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh (Trung úy) : Chỉ huy, điều hành tổng quát
Trưởng Võ Văn Hoá (Trung úy): Bằng Rừng ngành Thiếu
Trưởng Phạm Quang Lộc (Thiếu úy): 4 bằng Rừng Ấu, Thiếu, Kha, Tráng
Trưởng Châu Thị Minh (Giáo viên): Bằng Rừng ngành Ấu
Trưởng Hồ Nhị Hoà (Thiết Giáp): Chuyên trách sinh hoạt, văn nghệ.
Trưởng Lê Thành Bé: Bằng Rừng ngành Thiếu, bằng Bạch Mã
Trưởng Ngô Văn Tỏ: Ngành Thiếu.

Ngoài ra, còn một số Trưởng “giai đoạn”, là những SVSQ đang thụ huấn, và các giáo chức đứng lớp, sẽ tham gia khi có tổ chức lớn.

Năm 1970, Trung úy Lâm Văn Khanh biệt phái về Bộ Giáo Dục. Đã về trình diện trường cũ là trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, nhưng liền sau đó có công điện khẩn của Bộ Giáo Dục chỉ thị cho Trung úy Khanh trở về trường Bộ Binh làm nhiệm vụ cũ.

Sau đó được biết Trung tướng Phạm Quốc Thuần, chỉ huy trưởng, đã cử một Trung tá xuống Bộ Giáo dục xin cho Trung úy Khanh trở về Trường Bộ Binh.

3.2. Xuất sắc vì có nhiều huynh trưởng hướng đạo

Nhiều đơn vị QĐ không có những thuận lợi như TBB, cho nên không thể tổ chức thành một đơn vị quy mô được.
Trường Bộ Binh được ưu tiên chọn những chuẩn úy gốc hướng đạo ở lại trường sau khi mãn khóa.
Người đầu tiên được chọn là SVSQ Võ Văn Hoá. Sau khi Trung úy Khanh gặp anh Hóa đề nghị anh ở lại Trường Bộ Binh, sinh hoạt hướng đạo và được anh Võ Văn Hóa chấp thuận, thế rồi TBB gởi Bưu Điệp về Bộ TTM/QLVNCH xin cho đương sự ở lại TBB làm công tác hướng đạo.
Sau đó, SVSQ Phạm Quang Lộc, một huynh trưởng lỗi lạc, có 4 bằng Rừng, và là Trưởng Huấn Luyện viên của Hội HĐ/VN.

Một thuận lợi khác là tại Khối CTCT/TBB đã có hai huynh trưởng hướng đạo “gạo cội” là Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy, trưởng phòng Tâm Lý Chiến, và Trung úy Nguyễn Văn Liễu, họa sĩ Trịnh Cung, thuộc phòng TLC.
TBB còn có một số lượng lớn về huynh trưởng hướng đạo là những Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) đang thụ huấn trong các khoá, tạm xử dụng trong bước đầu.
Khối CTCT và phòng Nhân viên TBB gởi Bưu điệp xuống Liên Đoàn Sinh Viên/TBB, yêu cầu các tiểu đoàn, các đại đội lập danh sách những huynh trưởng của Hội HĐVN, các ca nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc…

Hiệu trưởng Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức phối hợp với các đại đội, để sắp xếp những SVSQ gốc hướng đạo, không đi phép hoặc còn trong thời gian 2 tháng huấn nhục, ra trường học, lập kế hoạch tổ chức, huấn luyện và sinh hoạt với học sinh. Trường BB lúc nào cũng có 2 khoá thường trực, cho nên số SVSQ gốc hướng đạo có khá nhiều.
Những SVSQ ra công tác hướng đạo được xin cho đi phép đặc biệt. Sinh viên sĩ quan hướng dẫn sinh hoạt hướng đạo thích thú hơn vì được trổ tài “nghề cũ” với học sinh, và hơn là phải đi bãi học chiến thuật.

Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức (VKTĐ) là cơ sở để thực hiện kế hoạch đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội. Đội ngũ giáo chức cũng tích cực tham gia vào việc tổ chức, huấn luyện và sinh hoạt hướng đạo chung với các em học sinh.
Số huynh trưởng hướng đạo Trường Bộ Binh là lực lượng hùng hậu nhất, gồm quân nhân của hai trường Bộ Binh và Thiết Giáp. 3 sĩ quan, 6 quân nhân là huynh trưởng của Hội Hướng Đạo Việt Nam trước khi họ nhập ngũ, và sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan, họ ở lại Trường Bộ Binh.
Bộ Chỉ huy hai trường Bộ Binh và Thiết Giáp, cụ thể là hai Khối Chiến Tranh Chánh Trị cũng quan tâm đến tổ chức hướng đạo nầy.

Tóm lại, hướng đạo quân đội Trường Bộ Binh gắn bó chặt chẽ với Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức đưa đến một đơn vị hướng đạo xuất sắc.

3.3. Thuận lợi về việc tập hợp hướng đạo sinh

Tất cả học sinh trung học được khuyến khích phải tham gia sinh hoạt hướng đạo. Các em sinh hoạt tại trường và lớp học với những SVSQ huynh trưởng và giáo chức là thầy cô của mình. Học sinh rất phấn khởi, mặc đồng phục hướng đạo, tham dự những sinh hoạt mới mẻ.

Ông tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng đi điểm danh, cho điểm về sinh hoạt học đường, kỷ luật và hạnh kiểm. Hiệu trường thường xuyên có mặt, khen ngợi, khuyến khích, động viên và cùng sinh hoạt với các em nên tình cảm thân mật thầy trò gia tăng, vui vẻ, gần như bình đẳng.…cho nên khi cần, có thể tập họp ngay hàng trăm học sinh một cách dễ dàng.

Hơn nữa, phụ huynh học sinh là các quân nhân của TBB đã quen thuộc, tin tưởng vào hiệu trưởng và các thầy, cô giáo.

Ở các đơn vị QĐ khác, việc tập hợp con em quân nhân đến họp mặt vào ngày chủ nhật có nhiều khó khăn. Thông thường, Khối CTCT ra một văn thư tổng quát yêu cầu quân nhân các cấp tham gia, cho phép con em đến sinh hoạt ngày chủ nhật. Các em lấy cớ phải học bài thi, bận việc nhà, hơn nữa, một vài trường hợp phụ huynh không an lòng khi cho con em đến họp mặt tại một căn phòng của đơn vị, với sự hướng dẫn của một vài quân nhân vừa mới bổ nhiệm làm công tác hướng đạo, hoàn toàn xa lạ. Đó là những khó khăn mà các đơn vị trình bày trong các buổi họp rút kinh nghiệm và báo cáo diễn tiến của công tác đoàn ngũ hoá thiếu nhi quân đội.

3.4. Tổ chức liên tục các khóa huấn luyện hướng đạo sinh cấp trưởng

Hướng đạo QĐ sinh hoạt dựa trên căn bản của Hội Hướng Đạo VN. Những lớp huấn luyện của HĐ/QĐ/TBB được tổ chức liên tục, đào tạo thành phần học sinh nồng cốt, để “chỉ huy” các đội. Học chuyên môn về hướng đạo, như dựng lều trại, làm bích báo, học nút dây, học 10 điều tuyên hứa HĐ, lửa trại, tập dợt văn nghệ, dựng cổng trại…

Nhà nào cũng có ba lô, poncho, lều vải…Lấy lớp học làm đơn vị, cho nên trong một thời gian ngắn đã ổn định được tổ chức. Tổng số hướng đạo sinh lên đến vài trăm, và khi cần, có thể trình diện tất cả học sinh các lớp, lên đến trên 300 em, mặc đồng phục hướng đạo, khăn quàng, và đầy đủ cờ các loại, lớn nhỏ của mỗi lớp.

Hướng đạo quân đội là sáng kiến của Trung tướng Trần Văn Trung. Khi trung tướng làm chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh, ông đã gợi ý cho hiệu trưởng, trung úy Lâm Văn Khanh, thực hiện tổ chức đoàn ngũ hóa con em quân nhân ở trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.

Hướng đạo quân đội góp phần giáo dục con em quân trong sinh hoạt tập thể, để phát triển toàn diện con người tương lai cho đất nước.

4*. Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức

4.1. Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức


Hướng đạo quân đội không thể tách ra khỏi trường trung tiểu học được.

Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức đóng góp vào việc chăm sóc và giáo dục con em quân nhân các trường Bộ Binh, Trường Thiết Giáp, Trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, Đại đội 831 Quân cụ và dân chúng trong khu vực TBB.


Trường Trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức có 30 lớp tiểu học và 14 lớp trung học, từ mẫu giáo đến lớp 12, với tổng số học sinh trên 2,000.

Nhà trường và gia đình hợp tác chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục con em quân nhân. Một Hội Phụ huynh học sinh do Đại tá Trần Văn Cường, Chỉ huy phó TBB làm Hội trưởng. Sau đó, Trung tá Đỗ Nguyên Tụ, Trưởng Khối Quân Huấn TBB, giữ chức vụ Hội trưởng.


Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, một tay quần vợt (Tennis) chuyên dợt banh cho các chỉ huy trưởng Lâm Quang Thơ và Phạm Quốc Thuần, cho nên có những khó khăn, “nhạy cảm” đã vượt hệ thống quân giai, mà đi đường tắt, từ trên xuống dưới.


4.2. Trường Tiểu học Quân Đội


           

             (Hiệu trưởng đứng bên trái. Các cô giáo tiểu học)


Trường Tiểu học QĐ Võ Khoa Thủ Đức được thành lập năm 1963, dưới thời Đại tá Lam Sơn làm Chỉ huy trưởng. SVSQ khóa 13 góp tiền xây dựng trường tiểu học để lưu niệm sau khi mãn khóa. Trường tiểu học thuộc hệ thống Văn hoá QĐ do Cục Xã Hội quản lý. Giáo viên do Cục Xã Hội tuyển dụng dưới hình thức nhân viên dân chính Bộ Quốc phòng. Lương bổng do ngân sách Bộ QP đài thọ. Trường tiểu học có 30 lớp, từ mẫu giáo đến lớp năm bậc tiểu học. Tổng số học sinh trên 1,500, học buổi sáng và buổi chiều.

Trước năm 1966, học sinh lớp năm tiểu học phải qua kỳ thi tuyển vào trường Trung học Thủ Đức thuộc khu vực thị trấn quận Thủ Đức. Vì Trung học công lập Thủ Đức có số lớp hạn chế, cho nên đa số học sinh thi rớt vào lớp đệ thất (Lớp sáu) phải học tư thục hoặc bán công ở ngoài Thủ Đức.

Trường BB có một xe GMC “cải tiến”, có những hàng ghế cho học sinh ngồi, có cầu thang bước lên xe, mỗi ngày 4 chuyến chạy ra, chạy về để chở một số ít học sinh ở trường công lập Thủ Đức. Đa số học sinh khác, học tư thục phải đóng học phí hàng tháng, đi về bằng xe lam, vừa tốn tiền vừa nguy hiểm, vì phải băng qua ngã tư xa lộ Thủ Đức-Biên Hòa, không có đèn điều khiển giao thông. Tai nạn xảy ra khá nhiều.

4.3. Lập trường trung học Võ Khoa Thủ Đức


      (Phát phần thưởng cho học sinh lớp 12 * Hiệu trưởng Khanh)

     

Trung úy Khanh mang phần thưởng để Trung tướng Phạm Quốc Thuần trao cho học sinh. (Tr/u Khanh lùi lại phía sau)


Trước đó, chưa có ai nghĩ đến việc phải tìm cách lập cho được một trường trung học trong khuôn viên trường BB cả. Năm 1966, tôi được cử ra làm hiệu trưởng tiểu học. Ở cấp bậc chuẩn úy không có nhiều quen lớn, nhưng vẫn nuôi ý định đó.


Một sự tình cờ.


Tôi gốc giáo chức. Được biết ông Nguyễn Thanh Liêm, hiệu trưởng Pétrus Ký, vừa mới vào thụ huấn trong TBB. Tôi chưa quen biết ông. Nhưng tôi làm tờ trình xin phép cho ông đi công tác mấy ngày, với lý do là xuống Bộ Giáo dục xin sách giáo khoa. Tôi chở ông về tận nhà trong trường Petrus Ký để nghỉ phép. Hai ngày đi phép thường lệ cộng với 3 ngày công tác, như vậy là ở nhà 5 ngày. Không có xin sách giáo khoa gì cả.


Sau đó, không còn liên lạc gì nữa. Đến khi ông được cử làm Thứ trưởng Giáo Dục, phụ trách Trung Tiểu học, thì tôi tìm đến nhờ giúp đỡ. Cũng may, lúc đó, một quy chế mới vừa được ký, chưa phổ biến rộng rãi. Thế là trường BB được thành lập một trường trung học công lập theo quy chế “Trường Tỉnh Hạt”. Tức là địa phương tự lo xây cất phòng ốc, trang bị bàn ghế và các dụng cụ cần thiết, Bộ Giáo Dục chỉ cử giáo sư đến dạy mà thôi.


Năm học đầu tiên 1966-1967, với 2 lớp đệ thất (Lớp 6) được khai giảng để thu nhận tất cả học sinh lớp năm tiểu học.


Phụ huynh rất tán thành.


Trường trung tiểu học tổ chức chu đáo, nề nếp, kỹ luật cho nên con em quân nhân ở những đơn vị khác, nhưng có nhà trong khu vực Chợ Nhỏ, Cư Xá Kiến Thiết ở ngã tư xa lộ, xin vào học, một phần cũng vì sẽ đương nhiên vào trung học công lập. Theo quy chế các trường công lập, một kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất được tổ chức, nhưng tất cả học sinh đều được thu nhận.


Bộ Chỉ Huy TBB cũng thường hướng dẫn những phái đoàn đến viếng trường Võ Khoa Thủ Đức, xem như một công tác phục vụ gia đình quân nhân. Phái đoàn do Trung tướng Thái Lan viếng thăm, phái đoàn cố vấn Mỹ, các nhóm VC hồi chánh và tù binh VC thăm trường, để thấy chế độ VNCH chăm sóc đời sống quân nhân như thế nào.


Một lần, nhân dịp phái đoàn Bộ Giáo Dục, do Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh hướng dẫn, với giáo sư Đỗ Bá Khê, Viện trưởng Đại học Sài Gòn, các Tổng giám đốc và Giám đốc các ngành của bộ GD, đến nói chuyện với các giáo chức đang thụ huấn trong trường BB, là Bộ Giáo Dục sẽ can thiệp cho giáo chức được biệt phái về các trường cũ sau khi mãn khóa học. Trung tướng Phạm Quốc Thuần hướng dẫn phái đoàn ra viếng trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.

Sau khi nghe hiệu trưởng thuyết trình về công tác giáo dục con em quân nhân, sinh hoạt hướng đạo QĐ, và việc góp phần xây dựng các lớp học, theo đà phát triển của mỗi năm học, ông Tổng Trưởng Ngô Khắc Tĩnh ghé về phía sau nói nhỏ với Tùy viên là Anh Trừ gì gì đó…

Sau đó mới biết là đề nghị thưởng huy chương Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh Đệ Nhị Hạng cho hiệu trưởng và tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng.


Một vài "thành tích" để được ban thưởng huy chương.


Theo quy chế của loại “Trường Tỉnh Hạt”, thì địa phương phải lo xây cất phòng ốc, trang bị bàn ghế và các dụng cụ…Bộ Giáo Dục chỉ cử giáo sư đến dạy. Theo đà phát triển, thì mỗi năm phải có hai phòng học.

Vào một năm đó, hiệu trưởng, tổng giám thị, 3 binh sĩ của trường, và năm ba em trai lớp lớn, tình nguyện việc xây phòng học.

Các sinh viên sĩ quan đang thụ huấn, là kiến trúc sư, kỹ sư, tính toán, liệt kê số lượng vật liệu xây dựng.


Hiệu trưởng, tổng giám thị, học sinh đi mua gạch. Lò gạch nằm trong khu vực bảo vệ an ninh của Trường Bộ Binh, để ngăn chặn Việt Cộng về đòi tiền thuế. Lò gạch bán giá hạ. Nhờ sự giới thiệu của phụ huynh học sinh là, Trung tá Mạch Văn Trường, Quận trưởng Thủ Đức, giới thiệu, nên kỹ sư giám đốc Xi Măng Hà Tiện tặng cho 50 bao xi măng. Cột nhà làm bằng những ống đạn đại bác 105 ly, đường kính khoảng 10cm, hàn dính lại. Anh tổng giám thị thuê hai thợ hồ và một thợ mộc xây dựng.


Hai phòng học xây xong với chi phí thấp nhất của Trường Bộ Binh.

Về việc phát phần thưởng mỗi năm cho học sinh, hiệu trưởng đến xin sách của nhà Khai Trí, Sống Mới, xin vải của các hãng dệt Sicovina, hãng dệt Vimytec, trong quận thủ Đức. Hãng Vimytec tặng 200 mét vải kaki xanh để học sinh may đồng phục. Số phần thưởng rất có giá trị. Nhiều em gái bê không nổi phần thưởng của mình, gồm một tự điển, 30 tập 100 trang, một cặp da…

Sau khi nhận quà của các nơi, trường học làm tờ trình để Đại tá Tham Mưu Trưởng, thừa lịnh Chỉ huy trưởng gởi thơ cám ơn. (Để năm sau xin tiếp).


Một kỷ niệm lý thú.


Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh đến Bộ Giáo Dục đề nghị huy chương Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh cho Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng Phạm Quốc Thuần. Giám đốc Nha Nhân Viên cho biết, theo thủ tục, phải lập bảng đề nghị nêu rõ thành tích. Đương nhiên là phải có thành tích cụ thể để Tổng trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh chấp nhận, và chuyển sang cho Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký.


Nhưng ai lập bảng đề nghị đây? Người liên hệ có thẩm quyền, chỉ có hiệu trưởng. Thế là trung úy Lâm Văn Khanh lập tờ trình về thành tích giáo dục của Trung tướng. 

Bộ Giáo Dục trình qua cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký tên vào huy chương. Có lẽ, trong các vị tướng VNCH, chỉ có Trung Tướng Thuần là có huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh mà thôi.


Một chuyện vui vui.


Một bà phụ huynh đến nói với hiệu trưởng: “Thằng con của tôi lúc nầy hư hỏng lắm. Nó không nghe lời dạy của cha mẹ, mà cứ nghe lời dụ dỗ của mấy đứa cà chớn, cà cháo bên ngoài. Tôi nhờ thầy khuyên nhũ nó, tôi biết nó chỉ nghe lời thầy mà thôi! ”


Một hôm, hiệu trưởng vào thăm lớp hai. Thấy một học sinh đứng trên một góc lớp, liền hỏi: "Em làm gì mà đứng ở đây?"

-Thưa thầy, cô giáo hỏi em, ai ăn cắp cái nỏ thần của An Dương Vương, em không biết.

- Mấy em có cái tật bao che cho nhau. Em biết bạn nào lấy thì nói cho cô giáo biết để khỏi bị phạt.


5* Sinh hoạt của hướng đạo sinh và học sinh trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức

5.1. Tập Thái cực đạo


Đến giờ thể dục của các lớp, học sinh xếp hàng ngang ngoài xa trước sân trường, mặc đồng phục võ sinh, được các huấn luyện viên của Trường Vũ Thuật do Trung tá Nguyễn Văn Cư, Chỉ huy trưởng, cử ra trường học huấn luyện Thái Cực Đạo cho học sinh. Những “sư phụ” đai đen nhiều đẳng cấp như Thầy Thoòng, Thầy Thuyên…đều có con học tại trường, nên ủng hộ hết mình trong chương trình rèn luyện thể dục, song song với đức và trí dục.

Trung tá Cư, Chỉ Huy Trưởng Trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, chủ toạ các kỳ thi lên đai và ký tên vào các Quyết định thăng cấp cho học sinh.

Đa số học sinh Võ Khoa Thủ Đức đều mang đai nâu.


Một số mang đai đen có tên như sau:

Nguyễn Phương Thành. Con của Thượng sĩ Nguyễn Phương Hậu, Khối QH/TBB. Nguyễn Phương Thành là học sinh Đai đen Thái Cực đạo đầu tiên của trường Trung học Võ Khoa Thủ Đức. Em phụ tá huấn luyện viên võ thuật trong những giờ tập của các lớp.

Huỳnh Anh Tuấn. Con của Trung tá Huỳnh Hữu Hương, LĐSV/TBB

Dương Hiếu Nghĩa, Huỳnh Minh Trương, Trương Thị Minh Lang, và đặc biệt là Vũ Thị Dung, sau lên đến Đệ tam đẳng huyền đai, làm huấn luyện viên TCĐ.


        https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQdFifV1UXBnNJXcP6YZqGmU_RmzQe8p6mrpQ1dtKk7SA6w_x3p F:\IMG_4340.JPG

Học sinh tập Thái Cực Đạo* Trung úy Khanh, đai nâu Thái Cực Đạo

5.2. Sinh hoạt văn nghệ


Học sinh và hướng đạo sinh trường Bộ Binh rất xuất sắc về văn nghệ. Do có nhiều huynh trưởng có khả năng về kịch, vũ, hướng dẫn. Nhưng đặc biệt là Ban Quân Nhạc của TBB, do nhạc sĩ Anh Hoa làm trưởng ban, đã cho ban nhạc tập dợt các màn đơn ca, đồng ca.

Trưởng Phạm Quang Lộc có thân tình với Trung tá Vũ Quang Ninh, Giám đốc đài Truyền hình Quân Đội, có lẽ cùng là hướng đạo với nhau, để đưa toán văn nghệ của HĐQĐ/TBB lên trình diễn trong chương trình của đài. Mỗi lần tham gia được nhận 60,000 đồng. Tất cả rất vui thích vì được lăng xê trên đài truyền hình. Bề mặt bên ngoài rất nổi, nhưng phẩm chất bên trong vẫn ưu hạng.

Chỉ vất vả cho thầy cô giáo và các huynh trưởng HĐ. Phải tập dượt, xin xe chuyên chở, đi theo hướng dẫn và kiểm soát, viết bản phân cảnh, lời giới thiệu giao cho đạo diễn và Cameraman của đài truyền hình.


Về sinh hoạt học đường, trường Võ Khoa Thủ Đức tham gia các trại hợp bạn với các trường trung học khác trong tỉnh Gia Định, Võ Khoa Thủ Đức luôn luôn chiếm nhiều giải về thi đua văn nghệ, bích báo, thi đua dựng lều và trang trí trại. Đặc biệt là đội nữ trung học VKTĐ đoạt giải thi đua kéo dây. Những nữ sinh đai đen Taekwondo “xuống tấn” rồi bất ngờ dùng “bí quyết kéo dây” hạ đối thủ. (Bí quyết kéo dây, là các em phía sau xuống  tấn, giữ sức. Các em phía trước thả dây trong tích tắc, các nam sinh mất đà, tức khắc, nữ sinh VKTĐ kéo mạnh nên thắng cuộc). Các nam sinh “bự cồ” của các trường ven đô như Giồng Ông Tố, Long Thành Mỹ… thuộc về nông thôn, bị thảm bại.


6* Phụ huynh học sinh Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức


Sĩ quan cấp Thiếu úy, Trung úy thì đa số có con em chưa đến tuổi đi học.


1). Phụ huynh cấp Đại tá.


Các đại tá : Trần Văn Cường, Đào Đức Chinh, Trần Bá Thành, Trầm Kim Đại, Đỗ Trọng Thuần, Bùi Quang Nhơn (Phủ Đặc ủy Tình báo), Lều Thọ Cường (Một trung đoàn trưởng của SĐ 25BB)


2). Phụ huynh cấp Trung tá


Phạm Hữu Mân, Vũ Trọng Mục, Mạch Văn Trường (Quận trưởng quận Thủ Đức, sau lên chuẩn tướng), Lưu Văn Mười, Phạm Văn Bê, Nguyễn Tài Trí, Đỗ Nguyên Tụ, Huỳnh Hữu Hương, Phạm Hữu Tấn, Hà Hữu Viên, Hấu Cắm Pẩu, Phan Văn Thơm, Nguyễn Văn Dục, Lê Văn Lạc,, Nguyễn Đại Tâm, Ngô Văn Sự, Lê Văn Tỵ, Nguyễn Văn Nhàn, Ngô Huy Thăng, Vũ Thái, Bùi Huy Bổng…


3). Phụ huynh cấp Thiếu tá


Phan Tấn Mỹ, Bùi Duy Điền, Hoàng Chương, Phan Tiến Tô, Nguyễn Ngùy…
Những học sinh theo cha mẹ di tản năm 1975, có nhiều em đang giữ những chức vụ quản lý trong một số công ty lớn.
Một thành công của gia đình trung tá Bùi Huy Bổng, định cư ở PA, là 5 đứa con trai, học sinh Võ Khoa Thủ Đức, một là giáo sư đại học, hai nha sĩ, hai bác sĩ.
Nhà trường và gia đình học sinh hợp tác chặt chẽ với nhau vì cùng ở chung trong doanh trại quân đội. Suốt mười năm làm hiệu trưởng, tôi biết tên từng học sinh, từ lớp một đến lớp 12 và gặp gỡ phụ huynh học sinh hàng ngày.

Thỉnh thoảng nghĩ lại cũng cảm thấy vui vui, vì mình đã làm được vài điều có ý nghĩa.

Trúc Giang

Visconsin ngày 7-4-2021