Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Một Ngày Sẽ Đến - Ca Sĩ Thanh Thúy Trình Bày - Tưởng Nhớ 25 Năm Giỗ Ba - Kim Oanh Thực Hiện


Trình Bày: Ca Sĩ Thanh Thúy
Thực Hiện: Kim Oanh 

Tưởng Nhớ 25 Năm Giỗ Ba (1997-2022)

   
Ba Lê Văn Sang( 30/10/1997- 30/10/2022)

Melbourne 30/10/2022

Ba thương yêu của con.

Tháng 10 đến, là tháng mùa xuân về thành phố Melbourne, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm, mưa bão, nước tràn, trời âm u lòng con cũng ãm đạm hơn. Nhất là đến ngày giỗ Ba, 25 năm trôi qua thời gian cũng dài, nhưng từng kỷ niệm của  ba má vẫn còn đây, căn nhà ký ức vẫn đầy ấp những hình bóng, hơi hướm ba má vẫn đong đầy.... không bao giờ phai nhạt.

Lật lại quyển Album cũ, nhìn lại hình ảnh xưa, nhớ quá!
Nhớ nhất là ước nguyện của ba trước khi ra đi, ba nằm chờ ngày hỏa thiêu, tiếng hát của ca sĩ Thanh Thúy từ chiếc cassette để cho ba nghe nhu lời ước nguyện của ba:

 " Ba chỉ ước mong được nghe ca sĩ Thanh Thúy hát trong ngày tiễn Ba đi".

Từ ngày liệm cho đến ngày hỏa thiêu, trong suốt 5 ngày ba nằm ở nhà Quàn, chỉ có 2 ngày cuối dành cho thân nhân bè bạn đến viếng và tiễn đưa, những ngày còn lại, mỗi ngày chúng con đến thăm ba, được nhìn ba, trò chuyện cùng ba và chiếc cassette với giọng ca của chị Thanh Thúy hát cho ba vui, cho ba thanh thản và yên bình.  Có lẽ ba là người "độc nhất vô nhị" phải không ba của con! 

Có lần anh Tư kể, ở bên Mỹ anh đến Chùa thắp nhang, tình cờ gặp chị Thanh Thúy, anh kể chị nghe, chị vô cùng xúc động vì có người yêu mến tiếng hát chị đến thế.

Một ca khúc, một tiếng hát đã đi sâu vào lòng người, và lại là tiếng hát tiễn đưa một Người đi sâu vào lòng đất,. 

Ba ơi! Theo ước nguyện của Ba, hôm nay con thực hiện được Youtube này để tưởng nhớ 25 năm ngày Giỗ Ba. Con tha thiết mong Ba mãi hạnh phúc nơi Thiên Đàng và thưởng thức nha Ba của con.

Một Ngày Sẽ Đến, là ca khúc được chị Thanh Thúy hát lúc di quan của Ba. Chị Sáu Phượng đã nghe và chọn trong CD Tình Ca Bên Nhau Thanh Thúy 15, đúng tâm trạng của má cùng với hình ảnh má khi cúi xuống hôn ba lần cuối.... 

"Một ngày, một ngày sẽ đến, em sẽ xa anh, xa anh suốt đời, suốt đời xa anh...."

Xin cảm ơn chị Thanh Thúy, đã đem tiếng hát ru ngủ, một giấc ngủ ngàn thu, một đời sống mới thanh thản nơi bên kia thế giới cho Ba em chị nhé! Trân Trọng.


Kính mời anh chị em, thân hữu, nhấp vào Link cùng thưởng thức ca khúc này: 


Thương yêu con gửi về Ba. 

Con gái thứ 9 của Ba 
Lê Thị Kim Oanh

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Cậu Ấm!

  

    Những chàng trai con các lão phú hộ, đại điền chủ, gia đình thừa tiền lắm bạc thời phong kiến hoặc con các đại gia bây giờ, người đời, hay gọi là “Cậu ấm”.
Thế thì, Ba tôi cũng là “Cậu ấm” đấy, con trai thứ mười và là con út của ông Bang ở ấp Phú Hữu, tỉnh Vĩnh Long.

    Vậy “Cậu ấm”, ba tôi, ấm lạnh như thế nào!?

    Nội, một đại điền chủ, ruộng cò bay thẳng cánh, có của ăn của để, nhưng hiền đức, thương người ăn kẻ ở trong nhà. Đối với tá điền, nội luôn rộng rãi, hay giúp đỡ và không hà khắc. Sống với ruộng đồng, nhưng nội có vốn chữ nghĩa, có chí cầu tiến. Thời bấy giờ, dưới sông, nội sắm ghe hầu, trên bờ sở hữu xe Traction Citroen. Xe là phương tiện di chuyển trên con lộ do nội xây đắp, gọi là lộ Ông Bang. Lộ chạy dài từ ấp Phú Hữu đến xã Giồng ké hay còn gọi là Trung Ngãi. Xã này nằm trên trục lộ giao thông Vĩnh Long - Vĩnh Bình.

    Cậu ấm út của nội, tuy sống và lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, nhưng chẳng ăn không ngồi rồi, nội đưa vào Collège Chasseloup - Laubat theo đuổi bút nghiên, đèn sách với dự định cho sang Pháp du học. Đang tuổi vô tư, tung tăng trong sân trường cùng các bạn đồng lứa, tuổi còn mộng ngoài cửa lớp, nhưng không may…
    Theo lời kể lại, nội là người đứng ra bảo đảm cho thông gia vay tiền, khi hoàn cảnh họ khó khăn. Rồi thị trường chứng khoán trên đà xuống dốc thê thảm. Nội lại ngả bệnh. Nghe lời khuyên của các chú, “Cậu ấm” đành rời thiên đường tuổi mộng, về sống cạnh nội, nâng đỡ tinh thần, vừa giúp nội vượt qua trọng bệnh. “Cậu ấm” quen dần với ruộng đồng, có nội hướng dẫn, tập tành và sau đó giao hẳn một phần công việc. Cậu trở thành một ông chủ nhỏ của một chành lúa to to, ngay tại chợ Rạch Bàng. Âu là cơ duyên, khi ghe nhà đang cùng đám lục bình xuôi dòng, tình cờ cậu trông thấy trên chiếc cầu cây, bên kia sông, đối diện với chành lúa, một cô gái xinh xinh đang ngắm trời mây. Được cậu ghé mắt xanh và không lâu cô trở thành má của chúng tôi sau này.


    Có lẽ ba được trao truyền lối sống, tính tình và nhất là tính cầu tiến, từ nội. Ba đã thực hành ý định đưa con lên tỉnh học. Bằng những vật liệu từ cây nhà lá vườn, ba dùng ghe chuyên chở và thuê người cất một căn nhà lá, trên một vùng khá hoang vu thuộc tỉnh Vĩnh Long, gần đền thờ cụ Phan Thanh Giản bây giờ.
    Giàu óc kinh doanh, ba đã là chủ chiếc xe đò trên đường liên tỉnh, thuê người làm tài xế và cậu tôi theo xe thu tiền hành khách. Vừa thêm lợi tức, vừa giúp cậu có công ăn việc làm.

    Thời cuộc nhiều biến đổi, ba rời quê cha lên Giồng Ké lập nghiệp. Bặt thiệp, biết tính toán, “Cậu ấm” Sang của ngày nào là một địa chủ lớn, đã trở thành ông chủ nhỏ tiệm tạp hóa “Hiệp Thành”, được ghép từ tên cậu em bảy Hiệp và anh tư Thành của chúng tôi. Căn nhà ba gian ở Giồng Ké, được vén khéo, tiện cho nơi ăn chốn, thuận việc buôn bán. Tiệm buôn tuy nhỏ nhưng bày bán đủ những mặt hàng có phẩm chất cao. Từ lu mái đầm to chứa nước, đến khạp nho nhỏ, nồi niêu, chén đĩa trọn bộ có thể dùng trong đám tiệc, cối xay bột, giày dép, đến vải vóc may trang phục cho cô dâu, toàn những mặt hàng có giá trị, thu hút thị hiếu và giá cả thuận mua vừa bán. Ba còn mang kiến thức hiểu biết về thuốc men trong việc làm ngày trước, nên có thể giúp đỡ những gia đình nghèo trong xóm, khi họ đau bệnh. Từ đấy, người ta gọi ba là “thầy thuốc mát tay”. Một góc nhỏ nữa, là nơi làm tiệm chụp và rửa hình, nhộn nhịp nhất, vất vả nhất cho cậu tôi trong thời gian chụp hình làm thẻ căn cước cho người dân nơi đây. Một gian khác làm dựa lúa, trữ lúa thu hàng năm từ các tá điền.

(Kim Phượng trong vòng tay ôm của má)
   
 Ngoài kinh doanh, việc giáo dục con, ba đều xem quan trọng như nhau.

   Ngày còn sống dưới quê, những khi lính Tây ruồng bố, dù phải chạy lẫn trốn, nhưng khi trở về, ba vẫn chú tâm dạy kèm tiếng Pháp cho hai chị gái của tôi. Đến lúc hai chị lên Vĩnh Long nhập học, khả năng tiếng Pháp có phần vượt trội hơn các bạn cùng lớp, tại tỉnh.
   Lúc ở Giồng Ké, ngày ngày ba vất vả với công ăn việc làm, tối đến không quên kèm dạy chúng tôi học thêm. Riêng tôi, khá về môn Toán cũng nhờ công ba. Đêm nào ba cũng “dợt” làm Toán Đố, nào là tìm chu vi, diện tích, cắt bớt đất làm lối đi, đào ao cá, tính số cây trồng trên những mảnh đất hình chữ nhật, hình vuông...rồi đến hình thang, hình thoi, hình tam giác...Dạo ấy, tôi là tay cừ về môn Toán, các anh bạn cùng lớp phải hối lộ những trái me keo để được tôi giúp đỡ khi làm bài.
    Lo như thế, vẫn chưa đủ, con càng lớn ba càng lo. Cạnh căn nhà chúng tôi ở, là hồ nuôi cá dùng làm thực phẩm, quanh đó là sông. Nơi nào cũng nước ơi là nước. Để giữ an toàn, tránh những tai nạn không ngờ, ba vớt bập dừa trôi sông cho chúng tôi tập lội, nhưng rồi các con ba, đứa bơi được, đứa không.
    Ngoài ra ba mua xe đạp đủ cỡ lớn nhỏ, tập cho tay lái chúng tôi thuần thục. Nhất cử lưỡng tiện, để sinh thêm lợi, chiều đến ba cho trẻ em trong xóm thuê xe, tập chạy. Ba giao cho các chị em tôi phụ trách và nghiễm nhiên, chúng tôi trở thành cô, cậu chủ nhỏ, của các khách hàng tí hon, đôi khi lớn hơn cả chúng tôi nữa.

    Cuộc sống trong gia đình ba luôn chu toàn...

    Ngoài đèn dầu lửa, ba đã sắm đèn măng - sông (gas mantle or Welsbach mantle), mua máy sạt điện, tiện dùng về đêm hoặc cần khi nghe radio.
   Nước dùng, lấy từ sông. Sợ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng chiều cao của các con khi gánh gồng, ba mua máy bơm nước từ sông lên tận nhà, nhưng rồi tôi cũng “lùn như người ta”.
    Ba mua ghe, có gắn “máy đuôi tôm”, làm phương tiện về thăm vườn tược ở Phú Hữu, vừa di chuyển tận Rạch Bàng, mỗi dịp Tết hay khi đưa con về quê thăm ngoại.


    Cuộc sống tưởng chừng êm ả như dòng nước xuôi chiều. Nhưng với thỏa thuận ngừng bắn của đôi bên cho mọi người dân đón Tết Mậu Thân 1968, lời hứa như nước chảy qua cầu. Cuôc tấn công bất ngờ của bên kia, hai dãy phố của xã Giồng Ké chìm trong biển lửa. Họ chẳng những vô tâm đốt nhà, khói lửa cao ngút trời, còn chận đường di chuyển lên tỉnh và “lùa” dân về ruộng vườn… Đoàn người hổn độn trong đêm xuân, bầu trời rền tiếng phi cơ trong đêm tối, nhưng lính không bắn xuống một viên đạn nào, có lẽ họ biết đây là người dân chạy loạn bất khả kháng. Mọi người tản mác trong vô vọng và vô định. Gia đình chúng tôi đành trở về quê cũ, sống tạm trong gia đình một Người tá điền của nội ngày xưa. Người tá điền trung thành, hiền lành này, một tiếng gọi ba tôi bằng “cậu mười”, hai tiếng cũng “cậu mười” như cái ngày xưa ba còn là “Cậu ấm”. Tạm dung một thời gia ngắn, ba quyết định đưa cả đại gia đình chúng tôi, lần mò cuốc bộ lên tỉnh. Ngày Người tá điền này chèo xuồng tiễn đưa gia đình chúng tôi đi một đổi, nhìn hai dòng lệ chảy dài và đôi môi méo xệch thầm thì không biết bao giờ mới được gặp lại được ba tôi. Trên đường đi, ba chỉ về hướng xa xa, nơi khuôn viên mộ của dòng họ Lê, nơi an nghỉ đời đời của ông bà nội và giòng họ. Tôi len lén nhìn, đôi mắt ba xa xăm, căm lặng hằn nét khổ đau.
    Ròng rã đi rồi cũng đến, đến được căn nhà “học trò” của các chị em tôi ở Vĩnh Long, dù đây không là thiên đường, nhưng đã cho tôi cảm giác. Vĩnh Long vẫn chưa yên, đêm đêm tiếng đạn vẫn vèo bay, cả gia đình chúng tôi phải chia nhau, đi ngủ tạm trong những căn nhà kiên cố trong xóm. Và cuối cùng cả gia đình rời Vĩnh Long, sang Rạch Giá lánh nạn.
    Thời gian sau, tình hình tạm ổn định, ba đưa các con lớn về Vĩnh Long, đứa trở lại trường, còn tôi chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài.

    Một lần nữa ba rời Giồng Ké về ở hẳn Vĩnh Long. Công ăn việc làm thay đổi luôn, từ việc cùng các cậu, lập máy đèn cung cấp điện cho quận Càng Long (thuộc tỉnh Vĩnh Bình), lập nhà máy xay lúa cho dân địa phương.
    Những gian nan vất vả không dừng lại với “Cậu ấm”. Một mùa hè 75 bi thương, đất trời nổi cơn gió bụi, không chỉ ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi mà cả dân miền Nam. Tiền bạc, tài sản, bỗng chốc không cánh mà bay vào tay kẻ lạ. Mái tóc ba tôi ngày càng bạc trắng hơn. “Cậu ấm” bôn ba ngày nào, nay tự dưng “vô công rồi nghề”. Ngày nào đất cò bay, nay thu hẹp, chỉ một căn nhà nhỏ, sân trước, vườn sau...làm gì đủ rộng hầu trồng trọt thêm thứ gì để thu huê lợi. Thôi thì...ba chuyển qua nghề nấu rượu, ba nào biết uống rượu, chỉ là người thích cà phê. Nay nhìn từng giọt rượu đang cất rơi xuống lòng chai mà đau lòng. Mặc dù được bày vẽ, cách này, cách nọ để có lợi hơn, nhưng ba vẫn một mực đặt phẩm chất lên hàng đầu. Nhờ lẽ ấy, rượu của ba rất được ưa chuộng, rồi từ rượu trắng, lại thêm rượu nếp than, đến cung cấp những chai rượu trong đám sính lễ. Làm rượu lại dư hèm, ba tậu thêm heo để nuôi. Trong thời gian này, các con trai, rể của ba không tội mà tù, con gái, con dâu trở về quây quần tạm sống chung, lo cho các con nhỏ tiếp tục việc học, ba quần quật không ngơi tay. Có lần nhìn ba tắm mấy chị heo, ba đưa tay xoa nhè nhẹ lên lưng chúng, rồi dùng vòi nước phun nhẹ, chúng ví quanh ba tôi. Nhìn đến xót xa…

- Ba ơi, con sẽ phụ tắm heo thay cho ba!
- Cực lắm nghe con, đôi khi bị chúng ủi nữa.
Và theo lời chỉ dẫn, tôi mặc chiếc quần đùi, bước vào chuồng, xoa lưng các chị heo, xịt nước và dĩ nhiên cũng bị chúng ủi vào chân, nhưng...không sao. Chỉ là chuyện nhỏ!
    Đến giờ đi dạy, trở vào trường, làm cô giáo người ta. Thời điểm bấy giờ là “sau 75”, nhưng tôi vẫn lượt là trong chiếc áo dài, ngắn đến gối, chiếc quần trắng may vải xéo, ống loa, nhưng dĩ nhiên là ống quần xén nhỏ lại một tí...Vẫn lượt là chán! Tôi đứng trên hành lang trường Kỹ Thuật, nhìn xuống tàng cây phượng vỹ, một em nam sinh, tiến đến đứng cạnh tôi. Cô, trò, vài câu vu vơ trao đổi. Với khuôn mặt rất thơ ngây, em hỏi tôi một câu cũng vô cùng thơ ngây…
    - Chắc ở nhà cô ở không, hỏng có làm chi phải không cô?
    Tôi nhìn em, im lặng mỉm cười, nhưng lòng thầm nói… “Cô cũng tắm heo muốn chết chứ!”.

    Ca dao rằng...”Giàu út ăn, khó út chịu”. Lúc sinh thời, nội là đại điền chủ, ba là con thứ mười, con út trong gia đình, nhưng ba lại là “út chịu”. Ba luôn là người chịu thương, chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận, nhường nhịn các anh chị. Có lẽ vì thế, nên lúc giàu hay khi cơ cực, ba luôn hòa nhã với mọi người, cả gia đình bên vợ. Ba không là cỏ nương theo chiều gió để quỳ lụy, trục lợi, nên suốt đời vẫn cơ cực, ngẩn cao đầu. Và ba má sang Úc định cư năm 1984.


    Cuộc đời ba...một “Cậu ấm” nhiều ấm lạnh.

    Thời gian nằm bệnh, khi hơi sắp tàn, sức sắp kiệt, dường như không giao trách nhiệm cho đứa con nào, ba chỉ nói bâng quơ, “Ba chết rồi ai lo cho má con”. Chừng câu ngắn ngủi này, đủ biết tình sâu nghĩa nặng của ba dành cho má như thế nào. 

    Ngoài ghiền cà phê, ba thích nghe giọng ca cô Thanh Thúy. Những ngày chờ đợi..., ròng rã, khe khẽ gịong ca cô Thanh Thúy, quanh quẩn linh cữu. Giờ động quan đến, mượn giọng ca não nuột của cô, tiễn đưa ba vào cõi thiên thu qua ca khúc...Một Ngày Sẽ Đến.

Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh.
Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh, xa anh suốt đời*

(Một Ngày Sẽ Đến. - Tiếng Hát Thanh Thúy)

   Ba... “Cậu ấm”, chịu nhiều giá lạnh trong tình đời, nhưng ấm áp và rất đẹp trong hạnh phúc lứa đôi. Và ba, cho tôi cảm nhận được hai chữ “bất diệt” trong tình yêu là có thật.

Kim Phượng
30.10.2022
Lần Giỗ thứ 25 của Ba
* Lời bản nhạc Một Ngày Sẽ Đến


Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Vạn Cổ Sầu 萬 古 愁 - Trần Văn Lương


Dạo:

Người soi gương khuất từ lâu,
Sao còn lây lất bóng sầu trong gương.

Cóc cuối tuần:

萬 古 愁

對 鏡 悁 悁 舉 酒 鍾,
鏡 前 鏡 裏 兩 愁 容. 
匈 匈 千 古 號 門 外,
人 死 愁 猶 在 鏡 中.

陳 文 良

Âm Hán Việt:
Vạn Cổ Sầu


Đối kính quyên quyên cử tửu chung,
Kính tiền, kính lý, lưỡng sầu dung.
Hung hung thiên cổ hào môn ngoại,
Nhân tử, sầu do tại kính trung.

Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:
Sầu Vạn Cổ


Đối diện (tấm) gương, buồn bã nâng chén rượu,
Trước gương, trong gương, hai khuôn mặt sầu.
Thiên cổ rầm rĩ kêu gào ngoài cửa,
Người chết, (nhưng) nỗi sầu vẫn còn tồn tại ở trong gương.

Phỏng dịch thơ:

Nỗi Sầu Vạn Cổ


Đứng trước gương nâng chén bể dâu,
Người cùng bóng khổ lặng nhìn nhau.
Con tàu thiên cổ người xuôi mái,
Còn mãi trong gương một bóng sầu.


Trần Văn Lương

Cali, 10/2022
-------------
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

Người chết được mệnh danh là người "thiên cổ" trong khi nỗi sầu lại được gọi là "vạn cổ" sầu!
Sao lạ vậy? "Vạn" lớn hơn "thiên" cả chục lần kia mà!
Phải chăng thiên hạ muốn bảo rằng nỗi sầu đau luôn kéo dài hơn kiếp người dù ở bên này hay bên kia thế giới? Quả thật, nhiều thế hệ tỵ nạn đã, đang và sẽ qua đi, nhưng nỗi sầu mất nước vẫn luôn còn tồn tại.
Than ôi, người soi gương đã khuất mà chiếc bóng sầu vẫn còn mãi trong gương!
Quả có lý này ư? Đến đây rồi thì lão tăng mù tịt!
Hỡi ơi!

***
Đối bóng mời nhau chén rượu đầy,
Bên gương cùng cạn giọt sầu say,
Nghe như thiên cổ dừng bên cửa,
Người đã đi rồi, gương nhớ ai.

Từ Hoa

***
Một mình soi bóng trong gương
Dáng xưa còn lại vết buồn khó quên
Thu sang giọt lệ ưu phiền
Mơ màng trong giấc cô miên năm nào..??!


Khỉ Già Dalat
***
Vạn Nỗi Sầu

Đối bóng chia nhau cạn chén sầu
Cả hai cùng nặng nỗi thương đau
Từ người đã khuất xa xôi lắm
Mà bóng trong gương vẫn đậm màu


Kim Oanh
***
(Họa Bài Kim Oanh)

Kẻ ở người đi vạn Lnỗi sầu
Làm sao cạn hết nỗi thương đau
Thời gian tính lại xa xôi lắm
Mà lệ trong tim chẳng nhạt màu!


Hàn Thiên Lương
***
Sầu Vạn Cổ

Trước gương buồn bã nâng ly rượu,
Khung kính ngoài, trong, hai mặt sầu.
Thiên cổ gào to lời réo gọi,
Người chết, trên gương vẫn nỗi đau.


Mùi Quý Bồng
(phóng tác)
10/27/2022

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Mẹ Tôi

  

(Cảm tác của chị Kim Phương nhân ngày 20 năm giỗ Má)

Mẹ tôi nay tuổi đã xế chiều
Một bóng bên đời giữa cô liêu
Sớm tối câu kinh làm bầu bạn
Vui cùng con cháu dáng liêu xiêu .....

Nhớ ngày Cha mất Mẹ héo hon
Bạn đời mới đó nay không còn
Nhìn lên ảnh Chúa Mẹ than khóc!!!
Ôi! Chúa ơi! Sao không là con? .....

Thương tiếc từ đây lẻ bóng sầu
Nghìn trùng cách trở - Cố nhân đâu?
Thiên thu rẽ lối - Người ôm mộng
Vạn thuở chia lìa khóc tình ngâu .....

Một khối tương tư phận giai ngẫu
Ba sinh ấp ủ nghĩa tâm đầu
Mang cả một thời ta đành lỡ
Tặng hết cho Người dưới mộ sâu .....

Mẹ thường dạy dỗ các con yêu
Vững tin, chấp nhận, đón bao điều
Biết sống chứa chan tình làng xóm
Quây quần, đoàn kết, tránh tự kiêu .....

Nghiêng nghiêng, chênh chếch nếp nhà tranh
Thấm thoát con nay đã trưởng thành
Nhành khuya sương đượm hoa rũ bóng
Mẹ già cằn cỗi tóc phai nhanh .....

Leha Vinhsan

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Một Chuyến Đi

  

(Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Hùng Dalat)

Hai chuyến tàu đi lệch hướng nhau
Tim rung lỡ nhịp thuở ban đầu
Phương trời diệu vợi, dòng lưu lạc
Biết bến đổ nào hẹn trước đâu


Kim Oanh

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Tánh Chân! - Bến Xuân

 

 Tánh Chân!

Mộng ước mơ tan má nhạt hồng
Phong ba xô dạt khác bờ sông
Trôi theo con nước sầu ly xứ
Tím cả hoàng hôn tím nát lòng

Biết trách ai đành giết tuổi xuân
Vượt qua bão táp giữa dương trần
Đợi chờ mùa mới vươn mầm sống
Thơm ngát hương đời vững tánh chân!


Kim Oanh
***
Bến Xuân

Người ôm nỗi nhớ nhạt má hồng
Ngõ hồn tê tái biệt bến sông
Cùng mây khắp nẻo sầu xa xứ
Tím cả chiều hoang nát cõi lòng ...

Ngỡ tưởng vầng trăng dõi bến xuân
Ngây ngô hàng liễu ngắm bóng trần
Dáng hoa trắng nõn ươm hồn sống
Ai ngờ sóng vỗ dưới gót chân ...

Leha Vinhsan

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Cánh Chim Bạt Gió

 

Vết đau cháy bỏng trong tim
Phong ba xô dạt cánh chim phiêu bồng
Trùng khơi vạn lý mênh mông
Lưng trời vô vọng đêm đông lạc loài
Ngược xuôi bến nhớ mệt nhoài
Ngậm ngùi bờ đợi dòng trôi lạnh lùng
Thênh thang bóng tối chập chùng
Bạt ngàn cánh rũ tương phùng vời xa…

Kim Oanh

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Cung Trầm - Nốt Nguyệt Cầm

 

Bài Xướng:
Cung Trầm

Tiếng nhạc trong thơ rất thì thầm
Khúc tình lay đọng nỗi lặng câm
Khơi lòng tri kỷ hồn vương vấn
Vườn nguyệt tri tâm nối tơ tầm

Giăng lại mối duyên xưa chùng phím
Hòa theo giai điệu ý cung trầm
Dìu đưa vào mộng ngàn năm nữa…
Giấc ngủ miên trường dưới bóng râm

Kim Oanh
***
Bài Họa:
Nốt Nguyệt Cầm

Phổ nhạc theo thơ dụng ý thầm
Khúc trầm, khúc bổng, khúc lặng câm
Bá Nha tấu nhạc hồn vương vấn
Tử Kỳ tri âm nốt nguyệt cầm .....

Duyên nợ thế nhân gieo từng phím
Người quan kẻ khách ý tương tầm
Núi cao sông cả tìm đâu nữa !!!
Quan hà thôn vắng bóng trời râm .....

Leha Vinhsan

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Buồn

 

(Cảm tác từ ca khúc Buồn của Y Vân)

Khóc một nỗi niềm thấu lòng ta!
Màn trời sương lạnh phủ mờ sa
Hạt buồn nhắc nhở gieo hồn vắng
Hạt ngấm tim sầu ...lúc biệt xa! .....

Chợt thấy mình say ...phải không ta?
Tỉnh rồi mới biết lệ ướt nhòa
Tri âm đã vắng còn đâu nữa?
Hỏi nỗi niềm này ... Ai nợ ta? .....

Buồn như chén rượu rót đầy ly
Chẳng biết cùng ai cạn những gì?
Rượu sầu nay đã vơi quá nửa
Hỏi còn say nữa để mà chi? .....

Nếu một ngày mai chợt nhận ra
Mỗi đứa từ đây đã nhạt nhòa
Buồn như những lúc ta gặp mặt
Không còn trút hết chuyện tình ta .....

Đôi ta đã dẫm trên đỉnh sầu
Ái ân giờ chất ngất thương đau
Bao nhiêu hạnh phúc xưa đượm màu
Nhuộm toàn cay đắng vết thương sâu .....

Tình yêu thuở ấy sao thật buồn
Tựa cánh phù dung dưới mưa tuôn
Chẳng vui, chẳng đẹp, không tròn vẹn
Ngày lại ngày qua mãi buồn hơn .....


Leha Vinhsan


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Thu Lặng Lẽ


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh 
***
(Thân cảm tặng"Thu Lặng Lẽ "của TVS Kim Oanh)

Thương Thu Sầu Mộng Thơ Ngây

Thương thu sầu mộng chân mây
Nửa sương nửa khói nửa nầy nửa kia
Nửa hồn xơ xác sao chia
Trăng tàn bến vắng thuyền khuya bóng chờ...


MD.10/02/22
LuânTâm
***
Y Đề

Ta đã thấy 
Thu về lặng lẽ
Lá thu rơi 
Lạc lõng long đong  
Em ngước mắt
Trời có còn giông bão
Để nàng thơ 
Ôm hoài vọng vào lòng
Ta ngưỡng mộ nhựng gì em thực hiện
Tranh và Thơ
Đẹp một thuở đợi chờ
Em múa bút 
Như một nàng tiên nữ
Múa khúc nghê thường
Quân vương ngỡ trong mơ

Cám ơn em
Cho ta tràn cảm xúc
Tuyệt diệu làm sao
Thu Lặng Lẽ những mong chờ

Nguyễn Thị Thêm

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Ly Rượu Đường Xuồng

 

Ly Rượu Đường Xuồng

(Tặng bạn chưa gặp TBT và CVK)

Chia nhau ly rượu Đường Xuồng
Để đêm ngắn lại nỗi buồn hôm qua
Tiếc chi trong một tiếng khà
Mà đem theo cả quê nhà nhắp môi
Cạn ly chẳng thiết miếng mồi
Bởi trong vị đắng đã vơi tháng ngày
Rượu nồng mắt cũng thắm cay
Gặp nhau giữa bước lưu đày mấy phương
Thôi thì chút vị Đường Xuồng
Xua đi vài sợi ngụm buồn tủi xưa
Cách nhau mấy biển cũng thừa
Nâng ly uống cạn chiều mưa xứ người...

Nguyễn Vĩnh Long
***
Cụng Ly


Tiếc chi một ánh mắt cười
Để cơn say cũ theo người vượt biên (Trần Bang Thạch)

Này người, này rượu, này phiền
Này mươi năm đó còn liền thịt da! (Cao Vị Khanh)

Quên đành sao hỡi tam ca
Kim Oanh Kim Phượng cùng là đồng hương...
(Kim Phượng)

Tam Ca nhớ cụng sương sương
Đề hai tiểu muội cùng nương phá mồi hihihi..
.( Kim Oanh)


Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Phải Thế Không EM! - Xin Hiểu Vì Sao - Thôi Nhắc Làm Chi!

 

Bài Xướng:

Phải Thế Không EM!


Phải thế không EM, những chuyện buồn
Tựa cơn gió thoảng giọt mưa tuôn
Chợt đi chợt đến như đùa cợt
Để ý làm chi hãy bỏ buông!

Phải thế không EM, những đắng cay
Chỉ là gia vị cuộc đời nầy
Giúp ta trân quý gì ta có
Hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng đủ đầy!

Phải thế không EM, chuyện …chúng mình
Ngày nao hai đứa mộng tươi xinh
Đường đi tuy lắm nhiều gai góc
Ta vẫn bên nhau tựa bóng hình!

Phải thế không EM, bao muộn phiền
Những điều trái ý chẳng hòa duyên
Thôi thì…hỷ xả và vui sống ,
Để thấy mỗi ngày đẹp cảnh tiên!

Phải thế không EM, hãy mỉm cười
Tình thương san sẻ đến bao người
Cho đi để thấy lòng an lạc
Nhận lại niềm vui với cuộc đời!

Hoàng Dũng

06/06/2021
***
Họa Vần:

Xin Hiểu Vì Sao


Xin hiểu vì sao mang nỗi buồn
Từ ngày ly xứ lệ trào tuôn!
Quê hương chừ đã xa muôn dặm
Hoài niệm dâng tràn sao nỡ buông!

Xin hiểu vì sao đẫm lệ cay
Tháng năm cô lẻ ở phương nầy!
Mong sao quê Mẹ bình minh dậy
Để thoát nơi đây cõi đọa đầy!

Xin hiểu vì sao tình của mình
Cách ly hành hạ dáng em xinh!
Bao năm chờ đợi mong xum họp
Thao thức hằng đêm chỉ ngắm hình!

Xin hiểu vì sao lắm chuyện phiền
Đều do nghiệp tạo mới thành duyên!
Ta nên hỷ xả, từ bi đức
Để cõi hồng trần hưởng giới Tiên!

Xin hiểu vì sao mỗi nụ cười
Mang niềm thương mến đến muôn người!
Hài hòa, trung tín, khiêm cung tánh
Là nét tinh anh sáng cõi đời!

Lâm Hoài Vũ

07/06/2021
***
Thôi Nhắc Làm Chi!

Thôi nhắc làm chi kỷ niệm buồn
Cánh hoa thời loạn đẵm sầu tuôn
Con thuyền định mệnh vô phương hướng
Cố níu chi bằng hãy vội buông!

Thôi nhắc làm chi chén lệ cay
Một lần uống cạn khổ tình này
Thời gian mòn mỏi người hay biết
Canh cánh phòng đơn bóng tối đầy!

Thôi nhắc làm chi tội lắm mình
Hôm nào sinh lễ rễ dâu xinh
Ngày nay hạnh phúc theo mây khói
Héo hắt đèn đêm tưởng nhớ hình!

Thôi nhắc làm chi ngập nỗi phiền
Họp tan tan họp bỡi là duyên
Thân tâm an lạc vui thanh thản
Mong ước cuối cùng lạc cõi tiên!

Thôi nhắc làm chi cố gắng cười
Cho đi tất cả chỉ vì người
Không buồn không hận không hờn trách
Nhận lại ân Thiên sống để đời!

Kim Oanh
10/2022

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

Lãng Đãng Cõi Thơ

  

Chút gì trong nắng phù du
À ơi!… đứt ruột lời ru Mẹ hiền
Chút gì lảo đảo cành nghiêng
Nhớ cha vời vợi, khối miên man sầu
Chút gì trong sóng bể dâu
Mặn môi son nhạt vạn câu đoạn trường
Chú gì giữa cõi tuyết sương
Giá băng tim lạnh, phố phường ngủ yên
Chút gì đắng giọt lệ huyền
Vàng tay khói trắng lạc miền cô đơn
Chút gì trong gió chập chờn
Đèn khuya soi bóng cầu vòng tử sinh
Chút gì nghiệt ngã điêu linh
Sao đành câm nín lặng thinh giữa đời…?
Chút gì bàng bạc mây trời
Sử xanh ấn tượng một thời đã qua
Chút gì trong mắt nhạt nhòa
Mù tăm mồ mẹ, la đà gió bay
Chút gì thao thức miệt mài
Gò xưa ngủ với hình hài cha ông
Chút gì réo gọi ngàn thông
Lời thề buổi ấy, núì sông đợi chờ
Chút gì lãng đãng cõi thơ
Cố nhân hun hút, ngẩn ngơ người còn
Chút gì còn với mỏi mòn
Liêu trai hư thực, vuông tròn trong tranh
Chút gì đáy cốc long lanh
Rằng đây vẫn gọi… âm thanh cõi về
Chút gì huyễn mông lê thê
Không câu giã biêt mà tê tái lòng
Chút gì thương thưở long đong
Trở trăn về mãi đường cong quê mình
Chút gì vùi giữa cuộc tình
Người ơi nỗi nhớ lênh đênh phương này

Vũ Hối

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Tánh Chân!

 

Mộng ước mơ tan má nhạt hồng
Phong ba xô dạt khác bờ sông
Trôi theo con nước sầu ly xứ
Tím cả hoàng hôn tím nát lòng

Biết trách ai đành giết tuổi xuân
Vượt qua bão táp giữa dương trần
Đợi chờ mùa mới vươn mầm sống
Thơm ngát hương đời vững tánh chân!

Kim Oanh

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Cung Trầm

 

Tiếng nhạc trong thơ rất thì thầm
Khúc tình lay đọng nỗi lặng câm
Khơi lòng tri kỷ hồn vương vấn
Vườn nguyệt tri tâm nối tơ tầm

Giăng lại mối duyên xưa chùng phím
Hòa theo giai điệu ý cung trầm
Dìu đưa vào mộng ngàn năm nữa…
Giấc ngủ miên trường dưới bóng râm

Kim Oanh