Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nỗi Buồn Đọng Lại

 

Có những tình yêu trọn đời tạc mãi
Thương nước Việt Nam một dải non sông
Yêu người chiến binh khắc cốt ghi lòng
Tình hậu phương một dòng sông luân chảy

Nỗi buồn tháng Tư muôn đời khắc khoải
Biết bao giờ quên được tháng ngày đau
Nhớ quê hương xót dạ luống nghẹn ngào
Nơi đất khách gầy hao nhìn ngoái lại

Kim Oanh

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Thơ Tranh: Mẹ Tháng Tư

   

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đền Nợ Nước

 
 

(Xin được gửi tới các anh chiến sĩ đã hy sinh một lòng cảm tạ vô bờ bến!)

Thà chọn chết hiển vinh hơn sống nhục
Chí kiêu hùng không khuất phục bọ hung
Sống vì dân cho đến phút sau cùng
Đền nợ nước gương thơm lừng bất diệt .....

Những ngọn đuốc hy sinh đầy oanh liệt
Sáng mọi miền đất Lạc Việt - Âu Cơ
Bỏ tình riêng theo tiếng gọi tôn thờ
Lòng tráng liệt gương cao Cờ Chính Nghĩa .....

Làm tướng sĩ dẫu thân phơi trận địa
Đấng anh hùng hướng về phía vinh quang
Phút linh thiêng tuẫn tiết chẳng chịu hàng
Máu dù đổ vẫn hiên ngang sĩ khí .....

Cao nghĩa cả ngời oai linh dũng trí
Áo chiến y nhuộm thắm chí lừng uy
Phận quân nhân tận tụy dưới quân kỳ
Thân lính trận ngại xá chi tử biệt .....

Leha Vinhsan


Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Anh Ngồi Đó

 

Anh ngồi đó giữa dòng đời xuôi ngược,
Tháng Tư đen kẻ trước với người sau,
Mang trên vai trách nhiệm với đồng bào
Nay chịu nhục tủi hờn trong uất hận.
Anh ngồi đó tâm tư người lính trận,
Áo hoa dù mãi mãi vẫn oai phong,
Lời thề chung " cố gắng " nguyện trong lòng.
Luôn quyết giữ tinh thần màu Mũ Đỏ.
Anh ngồi đó lòng hẹn lòng rất rõ,
Chút nữa đây cùng bè bạn chung tay.
Vai sát vai chia sẻ nỗi chua cay,
Tình chiến hữu muôn đời không ly biệt.
Anh ngồi đó thân trai nòi giống Việt
Chí tang bồng oai dũng viết sử xanh
Áo Thiên Thần Mũ Đỏ mãi lừng danh
Dòng chính sử luôn ghi trang hào kiệt.

Hoàng Dũng

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Sông Hương


Xướng:
Sông Hương

Sông Hương sáng sớm mờ sương
Thuyền ai thấp thoáng bóng vương chân trời
Hồi chuôngThiên mụ vợi vời
Tình chung non nước nối lời thương ca.

Hương Thềm Mây
16.4.2023
***
Họa:

Gái Huế

Dòng sông mờ đục hơi sương
Cho lòng gái Huế vấn vương tơ trời
Giọng hò mái đẩy xa vời
Chín thương mười đợi tiếng lời tình ca

Kim Phượng
***
 Cung Oán!

Thuyền ai thấp thoáng trong sương
Dáng ai mờ nhạt sầu vương mây trời
Ngậm ngùi cung oán cao vời
Chừng như tâm sự những lời hận ca.

Kim Oanh
27.4.2023

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Hát Cho Thành Phố Mất Tên - Phần 1 -Nhóm Hát Cho Giấc Mơ Việt Nam Thực Hiện


Nhóm Hát Cho Giấc Mơ Việt Nam thực hiện.  
Tuấn Trần Guitarist,Nghĩa Lê Recording,Dinh Nguyen @ HCGMVN studio. 
Lời dẫn : Lý Trần 
Đồng Thảo đọc 
Tiết Mục: 
1- Sài Gòn vẫn mãi trong tôi. Sáng Tác Trúc Hồ, Anh Bằng, Trình Bày: Duy Tuấn 
2- Vĩnh Biệt Sài Gòn, Sáng Tác Lam Phương,Trình Bày: Đồng Thảo. 
3- Gửi về Em. Sáng tác Đặng Minh Ty, Trình Bày: Quang Khải
4- Sài Gòn, Sáng Tác Y Vân. Trình Bày Nhóm TCTV: Bảo Trân, Jenny, Krystal, Leanne, Lainey.  



Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Cũng May - Huy Văn

( Ảnh: Từ Internet)

Cũng may tôi còn được tương lai
Dù đường trần vốn lắm chông gai
Sá gì chút hố hầm nghiệt ngã
Khi trong lòng đuốc sáng không phai 

Lửa từ tim nồng nàn soi lối
Để bàn tay tìm đến bàn tay
Bàn tay trái trong đời chìm nổi
Vẫn hăng say nối kết tháng ngày 

Sá gì những miệt mài lữ thứ
Khi lòng thanh Sắp Sẵn hướng đi
Trên đất mới sáng trời quê cũ
Mặc đường xa ngàn dặm cách ly 

Cũng may còn có tình thân ái 
Như vàng, như ngọc chẳng đổi thay
Như Bách Hợp vẫn còn tươi mãi
Để cánh hồn tôi Thẳng Tiến bay.

Huy Văn

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Phút Tiễn Đưa (Tưởng Nhớ Anh Giuse Bùi Cửu Viên)


(Kính gửi chị Hồng Thủy với lời nguyện cầu cho Anh, từ người em gái phương xa)

Kim Oanh
Melbourne 22/4/2023


 

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Mộng Đời - Huy Văn(HVC)

  

(Qúy tặng những tâm hồn Hướng Ðạo)

Xin cho tôi được nắm bàn tay
Ðể nối tình thân, nối tháng ngày
Nối thêm mơ ước trên đất mới
Vui nhịp đời trôi, quên đổi thay

Xin cùng thăng tiến, vượt khổ đau
Nút dây thân ái giữ lòng trao
Gom hạnh phúc vào trong cuộc sống
Thắm tình luân lạc, nghĩa đồng bào.

Xin được mời nhau hướng về nguồn
Dù đang tranh sống chốn tha phương
Trên cánh thiên di, hồn sông núi
Vẫn theo chim Lạc lướt trời sương

Xin giữ trong tim ngọn lửa hồng
Soi đường thiên l‎ý, sáng đời trong
Sưởi ấm tâm tình nơi xứ lạ
Xóa tan tăm tối, đón hừng đông

Xin được cuối đời nghe tiếng hát
Của trẻ thơ vui giữa phố người
Hạnh phúc dâng tràn theo tiếng nhạc
Như đóa hoa lòng đón Xuân tươi.

Xin gửi tặng nhau những nụ cười
Làm hành trang vững bước không ngơi
Ðẹp như Bách Hợp mùa hội nhập
Chan chứa tin yêu, thắm mộng đời.

Huy Văn

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Easter 2023

Cảm tác bộ ảnh Mừng Chúa Phục Sinh - Thánh Đường Holyname 2023

Con đứng đây bên Người vừa sống lại
Sau lần chết thay cho nhân loại khổ đau
Sự hy sinh đã làm con nhớ mãi
Mở lòng yêu thương đến tất cả đồng bào


Easter 23
ChinhNguyên/H.N.T

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Mừng Chúa Phục Sinh - Thánh Đường Holyname 2023

 
( Thứ 6 Tuần Thánh)
( Thắp Nến Phục Sinh)
(Mừng Chúa Phục Sinh)
Nhẫn, Kim Oanh
Từ trái:Kim, Kim Oanh, Trang, Minh Nguyệt, Duyên, Minh Thiên, Vân Trang
Báu, Nhi
Tiến, Lan

Hình Ảnh: Uyển Nhi & Kim Oanh
Melbourne, Phục Sinh 4.2023

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Từ Khi



Từ khi ai bước vào đời
Vạn vật tuyệt vời vũ khúc
Ngọt lên khoé mắt môi cười
Thèm nghe tiếng nói của người mình yêu.

Bên ai bóng nắng những chiều
Con đường hoa thêu chung bước
Âu lo khó khăn cùng vượt
Bởi đôi lòng biết mình thuộc về nhau

Từ khi ai làm giông bão
Hạnh phúc trổ màu u ám
Vũ trụ mây xám giăng đầy
Thèm được một lần say…..đừng tỉnh!

Kim Oanh



Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Mười Năm - Bao Năm…



Bài Xướng:

Mười năm, còn lại gì đâu ?
Soi gương, mái tóc pha màu tuyết sương
Mười năm, giã biệt chiến trường
Bước chân lữ thứ trên đường tìm quên
Mười năm, mộng vẫn không đ
n
Ta trôi nổi giữa oan khiên cuộc đời
Mười năm, một thuở xa người
Tha phương cách mấy trùng khơi, không về
Mười năm, là một cơn mê
Cho ta đứng ở bên lề hôm nay


Nguyễn Kinh Bắc

Phú Nhuận 1985
***
Bài Họa:

Bao Năm…


Bao năm chẳng thể phai đâu
Dù cho mái tóc bạc màu điểm sương
Khối tình nhiệt huyết can trường
Bút nghiên gác lại lên đường sao quên
Hy sinh tuổi trẻ đáp đền
Vì dân vì nước thiêng liêng dâng đời
Bao năm mãi nhớ ơn người
Anh hùng tử sĩ ngàn khơi thác về
Dù đang lạc giữa bến mê
Hiên ngang sống giữ lấy lề xưa nay.

Kim Oanh
Úc Châu 4/2023



Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Ánh Sáng Phục Sinh


Con đường thương khó Chúa qua
Vượt bao khổ nạn bao la tình Ngài
Máu đào thấm đỏ đôi tay
Đớn đau gánh chịu đắng cay cực hình
Con dân nước chúa nhiệt tình
Rao truyền công cuộc hiển vinh của Người
Tạ ơn tình Chúa cao vời
Xót thương cứu độ rạng ngời vinh quang
Phục Sinh ánh sáng huy hoàng
Chiếu soi nhân loại hân hoan danh Ngài!


Kim Oanh
Phục Sinh 2023

Lễ Dâng Ngài - Sáng Tác Liên Bình Định - Trình Bày Minh Khoa

 

Sáng Tác: Liên Bình Định
Trình Bày: Minh Khoa

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Diễn Đàn Tối Thứ Ba Radio- Tường Niệm Nhạc Sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang


Chương trình ngày 28 tháng 03, 2023 -gồm các tiết muc: 
1. Tiểu sử nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC QUANG 
2. Nhạc Nguyễn Đức Quang 
- Anh Em Tôi - Du Ca Viêt Nam Saigon 
- Người Yêu Tôi Bệnh - Nguyễn Thiện Cơ - Trần Huân 
- Tiếng Hát Tự Do - Du Ca Nam Cali 
- Bên Kia Sông - Elvis Phương 
- Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ 
3. Bài viết: KHI BÀI HÁT TRỞ VỀ 
Tác giả: Trần Trung Đạo Giọng đọc: Mặc Huy 
4. Tâm tình của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang 
Bài hát Nào Ai do chính Nguyễn Đức Quang trình bày.

Tháng Ba Nhớ Quang Du Ca - Phong Châu

 

Mùa xuân 2023. Ngoài chuyện nhớ lại mùa xuân cách nay 48 năm với “Tháng Ba Gãy Súng” (1) và “Tháng Tư Mất Nước” (2) tôi còn nhớ đến nhiều chuyện khác nữa, nhớ nơi tôi sinh ra, nhớ nơi tôi lớn lên và học hành, nhớ nơi tôi từng công tác, nhớ Sài Gòn, nhớ Đà Lạt, nhớ Nha Trang, nhớ Cần Thơ, nhớ An Giang, nhớ đèo Hải Vân, nhớ sông Vàm Cỏ…và nhớ nhớ nhiều lắm. Nằm trong bộ nhớ của tôi còn có rất nhiều người bạn – bạn thân – bạn rất thân nữa. Một người bạn rất thân là Nguyễn Đức Quang, cùng xứ, cùng trường, cùng chơi Hướng Đạo, cùng hát Du Ca…và cùng có máu giang hồ của một thời đi cùng khắp trên quê hương Miền Nam Việt Nam…

Nguyễn Đức Quang, thường được gọi là Quang Du Ca để phân biệt với Quang Già Cơ cùng khóa I Chính Trị Kinh Doanh Dalat. Quang Du Ca sinh năm 1944 và mất năm 2011 vào cuối tháng ba, ngày 27. Nay là lần giỗ thứ 12 của Quang Du Ca. Tôi nhớ đến Quang vì chúng tôi có nhiều gắn bó từ những ngày mới lớn ở thành phố Dalat cho mãi về sau này. Khi Quang Du Ca ra đi, một nhóm thân hữu có thực hiện một tuyển tập mang tựa đề: “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở” gồm những bài viết về Quang Du Ca của hơn 20 tác giả trong đó tôi có đóng góp bốn bài văn và hai bài thơ kể lại những kỷ niệm của hai chúng tôi trong suốt thời gian ở Dalat cho lúc sinh hoạt tại thủ đô Sài Gòn, từ lúc chơi Hướng Đạo cho đến lúc thành lập Phong Trào Du Ca.

Hôm nay tôi xem lại tuyển tập “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở” để đọc lại các bài viết của các tác giả về Quang Du Ca như là – giây phút để nhớ đến một người bạn, một người em kết nghĩa.  


Trang 21 anh Hoàng Ngọc Tuệ, hiện là chủ tịch Phong Trào Du Ca Việt Nam viết:

“…Cho đến tận bây giờ (2011), 45 năm sau, tài năng ấy cũng đã làm triển nở nhiều tài năng sáng chói khác để đóng góp cho tương lai đầy hứa hẹn của một Phong Trào Du Ca thời đại mới”.

Trang 30 Hoàng Thái Lĩnh có đoạn:

“…Là con chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca, Nguyễn Đức Quang đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc phong phú thuộc nhiều thể loại, từ tình ca cho đến các bài hát sinh hoạt cộng đồng, nhưng đáng chú ý nhất là những bài hát “nhận thức” – chất chứa tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhược tiểu muốn vươn lên để làm thay đổi số phận của dân tộc mình…

Trang 35 nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ghi: 

“Cho dù các ca khúc của Nguyễn Đức Quang được viết cách đây hơn 30 năm ở trong nước, âm nhạc của anh mỗi khi vang lên bao giờ cũng thổi đến trong lòng người nghe hơi nóng của một trái tim bốc lửa. Tuổi trẻ, đó là hơi thở trong toàn bộ những sáng tác của anh. Và quê hương là hình ảnh đẹp đẽ trong tiếng nói của anh. Các ca khúc Nguyễn Đức Quang có thể nói tràn ngập những lời tình tự dân tộc…”

Trang 121 Trần Trọng Thảo đã viết: 

“Quang thường suy nghĩ và sáng tác rất nhanh. Hình như trời đã phú cho Quang một ngăn âm nhạc có sẵn trong đầu, khi cần chỉ lôi nó ra và sắp xếp lại... Mỗi khi đã ôm đàn lên là thành ca khúc. Lúc đó anh em Trầm Ca mới ngồi lại để nhận xét, mổ xẻ bài hát...Những lúc không vừa ý với những nhận xét, cậu ta chỉ nhe răng ra cười khì. Cũng từ đó, các ca khúc dù cũ hay mới sáng tác của Quang, sau mỗi lần đi trình diễn về, anh em lại thức thâu đêm trong căn phòng nhỏ, kẻ ngồi, người nằm...ồn ào mổ xẻ, phân tích từ lời ca đến tiếng hát: Đó là tiếng nói chung của Trầm Ca...

Trang 141 có đoạn Nguyễn Quang Tuyến viết: 

“Tôi đưa Quang đến thăm trường trung học Trần Hưng Đạo, nơi đây 50 năm xưa chúng tôi cùng ngồi học một mái trường; mọi sự đã đổi thay nhiều. Người ta không muốn và không cho phép giữ một chút gì của quá khứ, làm như rằng người ta hiện hữu và có mặt mà chẳng cần chút gì của quá khứ. Cũng rừng thông cũ, cũng lối đi xưa, cũng gò đồi cao thấp, nhưng “ngõ cũ lâu đài” giờ đây tê tái trong câm nín, yên ắng đến lạnh người. Đâu rồi những Thầy xưa? Cô giáo cũ? Bạn bè ngày nào? Quang ngậm ngùi ‘sóng sau xô sóng trước, bãi bể nương dâu...cậu Tuyến có cố giữ ba chữ THĐ bên bệ hàng rào cũng chỉ là một chút lay lắt khói sương’. Ừ nhỉ, thật cũng là một chút lay lắt khói sương giữa trời hoang nắng bàng bạc hoàng hôn Đà Lạt...”

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết ở trang 160 có đoạn:

“Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố Miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia xẻ tâm trạng ‘thân nhược tiểu’này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau. Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Đức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8 ‘Hướng Đạo Sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi’. Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Đức Quang ngập đầy sức sống, không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào...”

Ở trang 195 nhà thơ Trần Văn Lương có 8 câu: 

“Được tin anh giũ sạch trần sa 
Biết trước, nhưng sao mắt vẫn nhòa 
Ngạo Nghễ Quê Hương còn đứng đó 
Âm thần cát bụi đã bay xa 
Lòng son một mảnh luôn sừng sững 
Nhạc cũ muôn đời mãi thiết tha 
Lặng lẽ anh qua miền vĩnh cửu
Đất người mòn mỏi khúc 
Du Ca

Nhà văn Hoàng Khởi Phong viết đoạn cuối bài của anh ở trang 142 rằng:

“Bạn tôi Nguyễn Đức Quang hôm nay nằm xuống, ngủ một giấc thiên thu. Anh không còn hiện diện với chúng ta, không còn cười đùa, trửng giỡn với chúng ta. Nhưng tâm hồn anh, tiếng hát của anh, lời ca của anh, tác phẩm của anh còn sống mãi với chúng ta, với cuộc đời. Đúng vậy, hơn lúc nào hết khi mà cuộc đời còn quá nhiều khiếm khuyết, quá nhiều bất công, quá nhiều cay đắng thì tiếng hát của anh vẫn vang lên từ hải đảo, nơi thời niên thiếu anh theo thân phụ ra làm việc ở nơi đây. Tiếng hát của thời niên thiếu đó vang lên to hơn nơi núi đồi Đà Lạt, to hơn nữa trong các quân trường. Dường như tiếng hát đó đang vang lên trong căn phòng này...”.

Nguyễn Đức Quang Già Cơ ở trang 391 nói về “Tình Quê Hương” của Nguyễn Đức Quang Du Ca như sau: 

“Quang đã thể hiện mối tình bằng lời nói, việc làm ngay từ lúc anh còn là một thiếu sinh cho đến ngày nay và có lẽ cho đến lúc hắn nhắm mắt. Quang thể hiện mối tình này với con tim nồng cháy và bất vụ lợi. Điều này rõ ràng, chắc không ai phủ nhận, bài bác được. Ngày nay mọi người ai cũng nói như tôi Nguyễn Đức Quang là người đã có công với đất nước vì đã sáng lập ra Phong Trào Du Ca. Anh ta là một người yêu nước...”

Bùi Ngọc Nga ở trang 272 viết: 

“Nhóm chủ lực của trại Suối Thông gồm anh Nguyễn Đức Quang, Hoàng Thái Lĩnh, Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nghiên Hữu Ý…đều là những Hướng Đạo Sinh tại Đà Lạt rất có kinh nghiệm đi trại công tác. Tôi và chị Khánh Tuyết là hai người nữ trong trại suốt thời gian lo việc ẩm thực cho toàn trại. Ban ngày các anh phụ trách công việc dựng nhà. Công việc rất nặng nhọc như vác tre, vác gỗ, trộn hồ, chuyển hồ, dựng vách, lợp mái…Tối về, sau bữa cơm chúng tôi quây quần bên nhau ca hát, trời lạnh và mưa, ngổi trong nhà sàn “cao cẳng” có khi đến một hai giờ sáng. Anh Quang đàn hát liên miên, chúng tôi hát những bài ca của trẻ em, của Hướng Đạo và những bài ca lịch sử…Kết thúc những ngày trại, anh em chúng tôi, mỗi người có một tên mới: K’ Quang, K’ Lĩnh, K’ Châu, K’ Tuyết, K’ Ý, K’ Nga…theo cách đặt tên của một giòng tộc người miền núi cao nguyên.

Về phần tôi, nhắc những mẫu chuyện của một thời tuổi trẻ với đầy ắp những kỷ niệm khó quên với Quang.

Từ trang 57 cho đến trang 81 của tuyển tập nói trên là bài viết của tôi mang tựa đề “Tuổi Trẻ Chúng Tôi” trong đó ghi nhiều mẫu chuyện như: 

Gặp Nguyễn Đức Quang Lần Đầu, Chèo Thuyền Qua Đảo Hoang, Năm Anh Em, Quái Kiệt Ăn Uống, Trứng Gà Scala, Dấn Bước Giang Hồ,Từ Chuồng Cu Đến Garage, Đường Sương Nguyệt Ánh, Gia Đình Trầm Ca…Tôi còn có ba bài “ Mười Ba Trại Sinh” ở trang 82; bài “Vịt Mồng Năm” trang 90 và bài “Chuyện Của Quang Không Nói Hết” ở trang 99, hai bài thơ: Bài Thơ Cho Quang (trang 252) và Tình Tôi Con Dốc Nhỏ (trang 254). Sau tôi có viết thêm bài thơ “Tình Tôi Căn Gác Nhỏ”. Hai bài thơ TTCDN và TTCGN đã được nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Quyết Thắng ở Hòa Lan phổ thành nhạc năm 2021 (3). Ngoài ra còn một số bài khác viết về Quang Du Ca nhân vào những ngày giỗ.

Trang 58 đoạn “Gặp Nguyễn Đức Quang Lần Đầu” tôi viết:

“…anh chàng này cỡ tuổi chúng tôi, nhìn mặt hơi ngố ngố, gầy gò, nước da trắng, có cái miệng vêu vêu ra phía trước…muốn xin gia nhập Hướng Đạo…”.
  
Trang 61 đoạn “Chèo Thuyền Qua Đảo Hoang” tôi viết: 

“…Chúng tôi quyết định thả hai con ngựa cho chúng tìm đường chạy về Mang Linh và bắt đầu một trò chơi khác: chèo thuyền. Thấy một chiếc thuyền bềnh bồng ở mạn hồ, quan sát không thấy ai gần đó, chúng tôi bước xuống chiếc thuyền dài chừng hơn hai mét, rộng hơn một mét với một chiếc dầm chèo bên trong lòng thuyền. Bẻ thêm một nhánh cây làm dầm chèo, chúng tôi nhắm hướng bên kia hồ để chèo tới…
 

Trang 65 đoạn “Năm Anh Em” ghi rằng:

“…Chúng tôi, mỗi người tự viết tên, ngày tháng năm tháng sinh của mình vào một mảnh giấy rồi gấp lại. Sau đó mấy cô bạn tuần tự mở các mẫu giấy và đọc ngày tháng năm sinh của từng người để biết thứ tự ai huynh ai đệ. Kết quả thứ tự anh em như sau: Nguyễn Ngọc Phước (Akela Ngàn Thông), Hà Thái Trường (Akela Lê Lai), Đoàn Chiêm (Baloo Lê Lai), Hoàng Kim Châu (thiếu trưởng Lê Lợi), Nguyễn Đức Quang (Bagheera Ngàn Thông). Tôi và Quang có nhiều thời gian sinh hoạt chung lâu hơn ba Trưởng đàn anh. Anh Nguyễn Ngọc Phước đi Thủ Đức và tử trận năm 1966, anh Hà Thái Trường đi Thủ Đức và tử trận năm 1973…”. Mới đây anh Đoàn Chiêm cũng đã vĩnh viễn ra đi vào tháng 10 năm 2021 vì chích vaccine ngừa covid 19 nhản hiệu Trung quốc. Như vậy là năm anh em Hướng Đạo kết nghĩa, nay chỉ còn lại một mình tôi! Cũng cần ghi thêm ra đây là Ban Trầm Ca cũng là sáng lập viên Phong Trào Du Ca gồm năm người: Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Quốc Văn, Trần Trọng Thảo, Mai Thái Lĩnh (tức Hoàng Thái Lĩnh), Hoàng Kim Châu (khi về Sài Gòn có thêm Đỗ Phương Oanh) thì nay chỉ có ba người. Nguyễn Quốc Văn tử trận 1968, Quang ra đi 2011 vì bạo bệnh và mới đây Trần Trọng Thảo mất vào đầu tháng 12 – 2022. Còn tôi, Mai Thái Lĩnh ở Úc và Đỗ Phương Oanh ở Pháp.

Trang 67 đoạn “Quái Kiệt Ăn Uống” có ghi: 

“…vì quá đói nên chúng tôi nấu một nồi cơm thật lớn và làm thức ăn xong trong vòng 45 phút. Thế là bốn anh em, sau khi làm thủ tục “đứng trước cơm canh” rồi mời nhau cùng ăn. Hà Thái Trường ăn xong sớm nhất khoảng năm sáu chén, khi ăn Trường vừa đếm xen ba đứa chúng tôi, mỗi đứa ăn được bao nhiêu. Ba đứa ăn rất nhanh và khi cơm trong nồi không còn nữa thì Trường cho biết mỗi đứa trong ba chúng tôi xơi được 16 chén…” (Ba đứa là Quang, Châu và Chiêm). Mùa hè 1961 thiếu trưởng thiếu đoàn Lê Lợi là Trưởng Lê Thuần đậu khóa Bằng Rừng nên đãi hai Trưởng Nguyễn Văn Võ và Nguyễn Minh Hoàng cùng ba đứa chúng tôi (Quang, Châu và Chiêm) tại tiệm mì Quảng Tân Bình ở hẻm Phan Đình Phùng bên hông rạp ciné Langbian cũ. Mỗi người ăn một tô. Ăn xong Trưởng Thuần bảo “mấy chú ăn nữa đi”. Ba đứa nhìn nhau cười, ba tô nữa! Ăn hết tô thứ hai Trưởng Võ bảo “mây chú ăn thêm đi” và tô thứ ba đưa ra. Chúng tôi “lặng lẽ làm láng”. Trưởng Hoàng vừa cười vừa bảo “mấy chú ăn nữa đi” (Trưởng Hoàng là người biết chúng tôi thuộc loại hảo hớn về ăn uống). Tô thư tư! Và cứ thế, các Trường có ý thách thì chúng tôi cũng cứ bình tĩnh xơi cho đến hết tô thứ bảy mới ngưng… Trưởng linh mục Nguyễn Tiến Lộc đưa chúng tôi đi thăm trại gà Scala của Dòng Chúa Cứu Thế và khi trở về Nhà Dòng, Trưởng Tiến Lộc xách theo một giỏ trứng gà để luộc và mời chúng tôi ăn. Hình như Trưởng Tiến Lộc có nghe đâu đó rằng chúng tôi là những “hạm ăn” nên đã luộc hết cả giỏ trứng khoảng chừng sáu chục cái. Ăn khoảng bốn năm trứng thì Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Thạc (con giáo sư Nguyễn Đăng Thục) ngồi nhìn tôi và Nguyễn Đức Quang tiếp tục ăn cho đến hết giỏ trứng gà luộc chấm muối tiêu…”(Trưởng linh mục Nguyễn Tiến Lộc vĩnh viễn ra đi ngày 4 tháng 12 – 2022, trước Trần Trọng Thảo một ngày).

Nhân ngày giỗ 100 ngày của Quang tôi viết bài “Chuyện Của Quang Không Nói Hết” có đoạn ở trang 107 như sau:

“Sáng 11 tháng ba, tôi thấy hình ảnh cơn sóng thần mạnh khủng khiếp đánh vào miền Bắc nước Nhật. Liền sau đó nhận được tin Quang được các con đưa vào bệnh viện, nằm phòng ICU. Tin loan nhanh khắp thế giới. Tin loan trên báo chí, truyền thanh, truyền hình. Người quen thăm hỏi chờ đợi. Kẻ ở gần đến thăm. Người ở xa nghe ngóng. Lúc tỉnh lúc mê rồi vĩnh viễn ra đi ngày 27 tháng ba. Bàng hoàng và thương tiếc. Đám tang mấy ngày sau đó trời không có nắng cũng chẳng có mưa. Người tiễn đưa đông như đến để nghe Quang hát. Bài ca buồn không lời. Không ai khóc. Đầu bạc nhấp nhô. Mắt thoáng ngậm ngùi...”

Những đoạn trích trên chỉ là một phần rất nhỏ trong số rất nhiều kỷ niệm của tôi và Nguyễn Đức Quang trong những ngày cùng sinh hoạt Hướng Đạo cũng như những năm tháng tham gia các công tác xã hội và thành lập Phong Trào Du Ca vào giữa thập niên 60 của thế kỷ 20.

Thay vì viết một bài nói về Nguyễn Đức Quang, tôi mạn phép trích một số đoạn của một số tác giả trong tuyển tập. Chắc quý vị không buồn vì tôi không xin phép trước.

Phong Châu 
Tháng 3 – 2023

Tựa đề một cuốn sách của Cao Xuân Huy
Một bài viết của Phong Châu về ngày 30 tháng tư

Nghe hai bài thơ phổ nhạc ở: 
https://youtu.be/svoEwxaCGKw
https://youtu.be /OB5MUroA1xQ

  Thơ Phong Châu nhạc Nguyễn Quyết Thắng - Ca Sĩ Minh Đặng Hòa Âm Nguyễn Khâm
 Viết tặng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang Du Ca

  Nguyễn Đức Quang thăm gia đình PC lúc mới qua Mỹ 1992

Nguyễn Đức Quang thăm gia đình PC lúc mới qua Mỹ 1992


Thăm bạn bè xưa


Cùng gia đinh PC dự trại hè sinh viên Texas năm 1994  


Châu ghé thăm cơ sở “Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo” của Nguyễn Đức Quang.
Hội ngộ nhóm lãnh đạo “Chương Trình Hè 1965” và “Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường” (CPS). Từ trái: Đỗ Ngọc Yến (đã mất), Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Đức Quang (đã mất), Trần Đại Lộc (đã mất), Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát (đã mất), vợ chồng Châu.


Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Lối Thu Xưa... - Lối Xưa

  
(Ảnh: Thu Bright - Kim Oanh)
Bài Xướng:

Lối Thu Xưa...

Một mùa thu cũ vẫn đây
Tìm trong nỗi nhớ đong đầy hương xưa
Công viên lá đổ chợt vừa
Gọi mùa vàng chín lòng chưa quên người...
Thu Bright nét đẹp rạng ngời
Dù bao năm vẫn trọn đời vấn vương
Lòng say mê đắm lạ thường
Lá ơi dẫn lối người thương trở về...

Kim Oanh
***
Bài Họa:
  
Lối Xưa


Mùa Thu cũ đã ngồi đây
Lá khô hương ngát tràn đầy lối xưa
Miên man nỗi nhớ như vừa
Gặp trong mộng ảo đón đưa một người
Vàng Thu óng ánh sáng ngời
Đẹp sao kỷ niệm một thời vấn vương
Dù cho cuộc sống vô thường
Lối xưa in dấu yêu thương lại về

ChinhNguyên/H.N.T. 
 Apr.2.23