Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Năm Năm Gặp Lại

(Tưởng nhớ Anh Vân Giỗ 31/7/2023)      
 

      Trường nằm im nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Giọt mưa đều đều như những giọt buồn làm ướt sũng hồn anh. Gian phòng thật yên lặng, yên lặng đến nỗi Trường nghe được tiếng tíc tắc của cái đồng hồ reo trên bàn viết. Không khí lạnh lẽo càng làm cho Trường cảm thấy như chìm sâu hơn trong nỗi cô đơn tịch mịch. Viên thuốc Valium 10 không giúp anh đi vào giấc ngủ dễ dàng mà chỉ làm anh thấy váng vất khó chịu.
Cuộc điện đàm với Ân vẫn còn làm anh đau đớn lẫn giận hờn. Trường thắc mắc tự hỏi:
“Tại sao Hương qua được bên nầy mà không muốn gặp mặt anh mà lại ở trọ nhà Ân? Tại sao lúc đến được trại tị nạn, Hương không thông báo cho anh biết để anh làm giấy bảo lãnh nàng? Hương có biết năm năm qua, tên đoạn đường đời hiu quạnh, anh vẫn âm thầm bước đi với hình ảnh Hương trong lòng? Hương biết được điều đó chăng? Hương đã phụ bạc anh? “Không, trăm lần không? Hương không phải hạng người như vậy. Hương và anh đã thề thốt chờ đợi nhau. Thế thì tại sao Hương không muốn gặp anh khi đã đặt chân tới Mỹ?”
Những lời trong lúc điện đàm với Ân như còn âm vang trong đầu:
“Trường đó hả? Ân đây!”
“Có gì không anh Ân?”
“Có chuyện quan trọng muốn nói với mầy. Hương đã qua được bên nầy và hiện ở nhà tao.”

      Ống liên hợp điện thoại trong tay Trường rơi cuống sàn nhà. Trường nghe nghẹn cứng ở ngực, mặt anh nóng bừng. Anh cúi xuống lượm ống điện thoại lên. Tiếng nói của Trường run rẩy, đức đoạn:
“Cái gì? Anh nói cái gì? Hương đã qua Mỹ và hiện đang ở nhà anh? Hương qua được bao lâu rồi?
Cơn giận dữ từ đâu ùa tới, Trường hét trong điện thoại:
- Một tháng? Hương đã qua được một tháng? Tại sao Hương không cho tôi biết mà lại trọ nhà anh? Tại…”
Trường bị hụt hơi. Tiếng cuối cùng anh phát âm không thành tiếng.
Đầu dây bên kia tiếng Ân vẫn dịu dàng:
- Mầy bình tĩnh lại. Hương không muốn gặp lại mầy, chỉ vì Hương có nỗi đau riêng. Hương khổ tâm lắm! Bao nhiêu lần Hương muốn tự tử nhưng..
- Nhưng gì? Hương đau khổ à? Hương có nỗi đau riêng à? Còn tôi, tôi có đau khổ không? Đ.m, tôi ngu quá! Năm năm rồi, bao nhiêu người đàn bà tìm đến với tôi, tôi đều từ chối để chờ đợi Hương, Hương biết chuyện đó không?
- Hương biết chuyện đó. Tao đã nói cho Hương biết chuyện đó. Và vì biết chuyện đó nên Hương càng không muốn gặp mầy.
Trường nghe cơ thể rời rã. Anh im lặng, nước mắt chảy dài xuống má.
Tiếng Ân vẫn nhỏ nhẹ đều đều:
- Mầy còn đó không Trường? Mầy còn đang nghe tao phải không? Hương yêu mầy lắm và không hề phụ bạc mầy. Tình bạn giữa tao và mầy đã hơn hai mươi năm, tao nghĩ rằng mầy có thể tin những gì tao nói.
- Nhưng tại sao Hương đã qua một tháng nay, tới bây giờ anh mới cho tôi biết?
- Tao đã nói, Hương có nỗi đau riêng nên không muốn gặp lại mầy. Hương bảo, nếu cho mầy biết Hương hiện ở nhà tao, Hương sẽ bỏ đi. Vợ tao đã thuyết phục dữ lắm, có lẽ bây giờ Hương đã xiêu lòng. Tội nghiệp Hương lắm! Hương thay đổi nhiều, gầy ốm và già hơn xưa. Mỗi lần nhắc đến mầy, Hương đều khóc. Việc mầy và Hương có trở lại được với nhau không đều tùy thuộc vào sự rộng lương của mầy cả.
Cơn dông tố trong lòng Trường đã lắng xuống, giọng Trường buồn rầu:
- Nhưng chuyện gì đã xảy ra cho Hương?
-Tao không thể nói gì nhiều hơn cho mầy biết. Tao muốn để chính Hương nói rõ với mầy tiện hơn. Có một điều tao có thể quả quyết với mầy là Hương rất yêu mầy, vẫn còn yêu mầy. Lòng Hương không có gì thay đổi.
- Tôi đến nhà anh ngay bây giờ được không?
- Không được. Từ chỗ mầy đến nhà tao gần trăm dặm, trời lại tối rồi. Ở vùng tao đang mưa gió dữ lắm.

      Dường như cơn bão rớt từ Texas thổi qua. Vả lại, tao muốn cho Hương biết trước để chuẩn bị tinh thần gặp mầy. Thôi “bye” nhé Trường. Tao biết tin nầy sẽ làm mầy khó ngủ. Hãy uống một viên thuốc an thần cho dễ ngủ.
Ân gác máy điện thoại. Trường uống một viên thuốc ngủ rồi lên giường nằm.
Tiếng tíc tắc của cái đồng hồ reo vẫn vang lên đều đặn trong gian phòng hiu quạnh. Trong cái sâu thẳm của đêm dài, mắt Trường vẫn mở thao láo nhìn lên trần nhà. Khúc phim dĩ vãng lần lượt trở về với anh:
“Trường gặp Hương trong buổi lễ tuyên thệ, được tổ chức trong một cái nhà chứa nông cụ giữa cánh đồng rộng mênh mông. Theo thông lệ của tổ chức nếu đoàn viên là một sĩ quan sẽ được nhận vào ban tham mưu và phải tuyên thệ. Vì lý do an ninh, buổi lễ được tổ chức thật đơn giản, gồm có người đứng đầu tổ chức và hai đoàn viên thâm niên, trong đó có Hương. Sau buổi lễ Hương đến bắt tay Trường, mừng anh như môt tân chiến hữu. Mắt Hương trong sáng nhìn anh. Tay Hương ấm áp, mềm mại trong tay anh. Trường ngạc nhiên nghe trái tim anh bất ngờ đập rộn rang trong lồng ngực.

      Rồi Trường và Hương yêu nhau, yêu nhau tha thiết. Hương đã trao thân cho Trường cũng chính trong căn nhà chưá nông cụ, nơi mà định mệnh đạ buộc chặt họ vào nhau trong lần đầu gặp gỡ. Những ánh mắt, nụ cười, những cái hôn trao cho nhau đã giúp cho cả hai vượt qua được những gian nan thử thách và nguy hiểm trong đấu tranh. Cả hai thấy tình yêu của họ chói chang hạnh phúc. Họ vừa là chiến hữu vừa là đôi tình nhân thắm thiết. Vì vậy Trường đã cảm thấy mối tình của anh và Hương thật đẹp, thật lý tưởng và cũng thật lãng mạn. Anh có cảm tưởng như anh và Hương là hai con người cách mạng, là một anh hùng và một anh thư đang trên đường đấu tranh cứu nước.
      Vì đã xem đó là mối tình trân quý nên khi tổ chức bị phá vỡ, kẻ đứng đầu tổ cức bị bắt, Trường phải bỏ chạy ra nước ngoài, anh vẫn cố gắng giữ gìn, nâng niu, ấp ủ mối tình đó, đủ can đảm chờ đợi Hương trong năm năm dài. Anh càng trân quý mối tình, anh càng yêu Hương thì cơn giận của anh càng dữ dội. “Tại sao Hương qua được bên nầy mà không muốn gặp anh? Hương đã thay lòng đổi dạ hay vì hoàn cảnh nào mà Hương không muốn gặp mặt anh?”

      Đêm càng khuya, vạn vật càng yên tĩnh. Trường nghe lạnh ở hai bàn chân dù anh đang đắp mền. Anh nằm dã dượi nghe cái lạnh thấm vào da thịt và nghe được cả cái cô đơn đang lớn dần trong tâm hồn. Anh nhớ Hương, anh giận Hương. Sự giằng co giữa nhớ thương và giận hờn làm tứ chi Trường rũ riệt.
Trời bên ngoài vẫn còn mưa, cơn mưa dai dẳng, giọt mưa thê thiết rơi đều đều trên mái nhà như bản nhạc buồn. Viên thuốc ngủ đã thấm. Hai mí mắt Trường nặng trĩu. Anh nhắm mắt lại, mang theo gương mặt nhoẹt nhoè nước mắt của Hương vào giấc ngủ chập chờn.
* * *
      Ngày hôm sau, nghe tin thời tiết, Trường biết trời đã im gió, nhưng mưa vẫn còn lâm râm không dứt. Bầu trời thấp và xám đục, âm u như nỗi buồn lê thê trong long Trường. Anh quyết định đến nhà Ân để gặp Hương: “Dù thế nào cũng phải gặp lại Hương xem vì lý do gì Hương không muốn gặp anh, xem nỗi đau riêng của Hương là nỗi đau gì?”
      Sau một đêm với giấc ngủ chập chờn, đầu Trường còn cảm thấy váng vất khó chịu. Trường lên ngồi trên chiếc xe Mustang thể thao màu xám nhạt. Chiếc xe rồ máy rồi lao đi trong đi trong buổi sớm mai sương mù dày đặc, lạnh lẽo như lòng của Trường hiện giờ. Hai hàng cây bên đường đã trụi lá, chạy dài thẳng tắp. Hình ảnh Hương lãng đãng hiện về với những kỷ niệm đẹp đẽ ngày xưa, những ngày tháng anh và Hương cùng chiến đấu bên nhau, nhiều hiểm nguy nhưng hạnh phúc. Cái hạnh phúc mà anh phải đánh đổi bằng năm năm đợi chờ trong nhớ thương mòn mỏi và bây giờ Hương đã đến Mỹ nhưng lại chẳng muốn gặp anh. Trường nghe cái đắng cay như dâng lên đầu lưỡi. Anh cho tay vào túi lấy một điếu thuốc ra châm lửa. Điếu thuốc đầu ngày không làm anh dễ chịu. Miệng anh như đắng hơn. Anh lại dụi bò điếu thuốc. Chiếc xe vẫn chạy với tốc độ đều đều trên còn đường vắng tanh của ngày cuối tuần.

     Tự nhiên Trường muốn quay về: “Hương đã không muốn gặp mình, tại sao phải lết đầu đến gặp Hương?” Tuy nghĩ vậy nhưng anh vẫn cho xe chạy với vận tốc 70 dăm giờ. Trường thở dài, cảm thấy hạnh phúc đời người thật mong manh và ngắn ngủi. Trong một thoáng Trường nhìn lại đời mình. Đã ba mươi tám tuổi đời, trong đó hết sáu năm quân ngũ, đánh giặc phờ người, chạm mặt tử thần như ăn cơm bữa. Sau đó là bốn năm tù, sống lê lết kiếp sống của một con vật, nuôi hận thù như kẻ đang nằm gai nếm mật. Rồi năm năm sống vất vơ vất vưởng như ốc mượn hồn trên mảnh đất tạm dung, xác ở bên nầy mà hồn ở bên kia bờ đại dương thăm thẳm mịt mù, trên một đất nước thân yêu nhưng nhiều khổ lụy, trong đó có Hương và bao nhiêu người thân đang ngụp lặn trong bóng tối địa ngục. Hạnh phúc đời anh có được bao ngày?
Vào đến thành phố, Trường cho xe chạy chậm lại. Mưa đã tạnh nhưng bầu trời vận còn âm u, lạnh lẽo.
Chẳng mấy chốc, Trường đã đậu xe trước sân nhà Ân. Anh buớc lên thềm đưa tay bấm chuông. Ân ra mở cửa. Thấy Trường Ân mừng rỡ:
- Trường! Tao biết thế nào mầy cũng tới. Vào gặp Hương đi. Ráng an ủi Hương nhé Trường.
Quỳnh, vợ Ân cũng chạy ra dặn nhỏ:
- Phải khéo an ủi Hương nhé anh Trường. Hương đau khổ lắm đó.
Trường bước vài nhà, gương mặt lầm lì, hỏi trổng:
- Phòng Hương đâu?

      Quỳnh chỉ phòng Hương rồi hai vợ chồng rút lui vào phòng riêng để Trường và Hương được tự do. Trường đến gõ cửa phòng Hương nhưng bên trong vẫn im lặng. Dường như Hương cũng biết Trường đến. Trường đẩy cửa bước vào. Hương ngườc mắt nhìn Trường, giọng tắt nghẹn:
- Anh!
Mặt Trường tái mét. Đồ vật trong phòng bỗng nhiên quay cuồng trước mắt Trường khi anh thấy Hương đang ẵm một đưá bé trong tay. Trường cười lạt, cố gắng giữ bình tĩnh để hỏi Hương một câu đầy khinh bỉ:
- Thế ra nỗi đau riêng của em là đứa nhỏ nầy đây à?
Hương vẫn ngồi im. Trường quay người bước ra ngoài rồi đưa tay đóng sầm cửa lại.
Ân chạy ra nắm tay Trường.
- Mầy làm gì vậy Trường?
Trường gỡ mạnh tay Ân chạy thẳng ra xe. Ân chạy theo la lớn:
- Trường trở lại! Mầy làm gì lạ lùng vậy?
Trường đã leo lên xe bỏ về.

      Quỳnh cũng chạy ra, trong tay đang cầm cái remote của TV, ném mạnh xuống đất. Thái độ giận dữ:
- Để tối nay em gọi điện thoại, mắng ảnh một trận mới được. Con người gì hồ đồ. Gần bốn mươi tuổi mà còn như con nít.
Ân cúi xuống lượm cái remote controle lên, dẫn Quỳnh vào phòng Hương. Hương vẫn còn ngồi im lặng trên giường, gương mặt tái mét.
Quỳnh đến ngồi bên Hương, choàng tay qua ốm vai nàng:
- Anh Trường hiểu lầm em đó!
Ân tiếp lời vợ:
- Phải Trường hiểu lầm em đó. Anh biết tánh nó, nóng nảy nhưng tốt bụng. Năm năm rồi, lúc nào nó cũng thương nhớ em, cương quyết chờ em. Sự nóng nảy của nó chứng tỏ nó là con người dễ xúc cảm. Trường yếu đuối lắm nhứt là phương diện tình cảm. Nhìn đứa nhỏ, nó tưởng em phản bội nó. Nó thương em nhiều nên giận em nhiều. Để anh viết thư nói rõ ràng với nó. Anh cam đoan với em, nó sẽ trở lại ngay để xin lỗi em, sau khi đọc thư anh.
Quỳnh nóng nảy:
- Thơ với từ gì? Để tối nay em mắng một trận cho ảnh biết.
Ân can gián:
-Anh biết tánh thằng đó. Lúc nó nóng giận em gọi điện thoại tới nó sẽ cúp, không chịu nghe em đâu. Vài ngày sau, nguôi giận, nó sẽ đọc thư anh.
Quỳnh chắc lưỡi:
- Phải chi nói phứt cho ảnh biết thảm nạn của Hương cho rồi.
Ân trợn mắt nhìn vợ:
- Chính em dặn anh đừng nói, để Hương nói hay hơn. Bây giờ cũng chính em.
Quỳnh lớn tiếng:
- Ai ngờ con người ảnh hồ đồ như vậy.
Bây giờ Hương mới lên tiếng, giọng cam chịu:
- Anh chị đừng cãi nhau vì chuyện của em. Tại số em như vậy!
Ân an ủi:
- Số gì? Tại thằng Trường chưa hiểu. Nó yêu em quá nên không còn sáng suốt để suy luận bất cứ việc gì. Tính nó vẫn thế, không có gì thay đổi.
Thấy Hương vẫn ngồi im lặng, mặt mày ngơ ngác, Quỳnh quay qua nói với chồng:
- Tối nay em ngủ với Hương anh nhé?
Ân gật đầu:
- Phải, tối nay em ngủ với Hương.
Hương thở mạnh, nói với vợ chồng Ân:
-Anh chị đi nghỉ đi. Em không sao đâu.
*** 
      Sau hai ngày nằm vùi, Trường đã nguôi ngoai cơn sầu. Anh cảm thấy đầu óc trống rỗng, không còn suy nghĩ gì được. Toàn thân anh nhẹ bổng như đang rơi lơ lửng giữa khoảng chân không. Trường có cái cảm giác như vưà trải qua cơn bịnh nặng. Hai đêm rồi trong đầu anh cứ lởn vởn câu hỏi: “Đứa nhỏ sờ sờ ra đó sao Trường bảo Hương không phụ bạc mình và nỗi đau riêng của Hương là nỗi đau gì?
Bỗng có tiếng của thằng Hoàng ở căn gác, phía trên:
-Cậu Trường, cậu có thơ, cháu lấy vô cho cậu nè.
Trường bước ra cửa nhận thơ.
-Cám ơn cháu nhé Hoàng.
      Trường ngồi xuống ghế, tay vân vê cái thư của Ân. Anh tần ngần chưa chịu xé thư ra: “Ân viết gì trong nầy? Vợ chồng Ân xem mình như đứa em ruột. Nếu Hương đã phản bội mình thì vợ chồng Ân đâu có kêu mình phải an ủi Hương. Mình nóng nảy quá! Tại sao không tìm hiểu xem nỗi đau của riêng Hương là gì? Tình yêu giữa mình và Hương cũng đã kéo dài hơn một năm chứ ngắn ngủi gì. Mình cũng đã hiểu nhiều về con người Hương. Hương đâu phải hạng người trắc nết, hư hỏng. Vậy nỗi đau cũa riêng Hương là gì? Vậy nỗi đau của…”
      Tự nhiên mình mẫy Trường nổi đầy gai ốc, và như có tiếng sét vừa nổ ra trong đầu: “Hay là Hương bị thảm nạn Thái Lan? Hay là Hương…” Tay Trường run run xé cái phong bì. Những dòng chữ của Ân đập mạnh vào mắt:

“San Diego, ngày…tháng…năm…
Trường thân,
Tao không ngờ ngày gặp lại Hương, thái độ của mầy phũ phàng như vậy. Mầy bỏ về, Hương ngơ ngác nhìn theo rồi ngơ ngác nhìn vợ chồng tao. Hương im lặng, nhẫn nhục, không than phiền về thái độ của mầy cả. Hương cũng không khóc nhưng từ trong đôi mắt tối sầm lại của Hương, tao thấy cái lâu đài hạnh phúc mà Hương cố xây đắp trong hi vọng, sụp đổ tan tành.
Tao tin rằng mầy hiểu lầm Hương nên tao mới viết lá thư nầy. Bằng không thì tình bạn đã hơn hai mươi năm của chúng mình đã chấm dứt. Mầy đã tàn nhẫn hỏi Hương: “Thế ra nỗi đau riêng của em là đứa nhỏ nầy đây à?” Đúng. Đứa nhỏ là nỗi đau riêng của Hương, nếu không có mầy chia sẻ. Đứa nhỏ đó không phải là chứng tích của sự phản bội mà là nỗi oan khiên Hương phải gánh chịu trên đường vượt biển tìm mầy. Nỗi đau to lớn của cả một dân tộc đã đổ trên đầu Hương, trên những người đàn bà yếu đuối bất hạnh như Hương. Nỗi đau thương đó chúng ta phải kính trọng. Thảm hoạ do bọn thú rừng Thái Lan gây ra cho đồng bào ta là một vết thương nhức nhối cho tất cả mọi người còn chút lương tri, chứ không phải riêng của những nạn nhân của bọn thú rừng đó.

Thảm hoạ trên đường vượt biển của đồng bào ta còn là một vết đem ô nhục trong lương tâm nhân loại. Người dân cuả các quốc gia tự do có thể tảng lờ, mắt ngơ tai lấp nhưng chúng ta thì không thể. Người Việt chúng ta phải chia sẻ nỗi đau đó, phải đau cái đau đó, chớ tao chưa muốn nói Hương là người yêu của riêng mầy. Chỉ vì muốn nối tiếp những tháng ngày hạnh phúc bên mầy mà Hương phải đem cả mạng sống ra đánh đổi và Hương đã phải trả cái giá quá đắt và mầy, chính mầy đã nợ Hương một món nợ ân tình quá lớn mà mầy phải trả đến suốt đời.
Sống chung với Hương được một tháng, thỉnh thoảng trong đêm khuya thanh vắng, tao nghe những tiếng thét hãi hùng của Hương trong gấc ngủ. Những lần như vậy thì vợ chồng tao đều chạy vào phòng Hương. Thường thì lúc đó, Hương đã ngồi dậy, đầu tóc rối bù, đôi mắt ngơ ngác, đầy vẽ kinh hoàng trên nét mặt. Những lần như vậy, tao mong có mầy ở đây chứng kiến, thử xem mầy có cầm được nước mắt hay không? Mấy đêm nay vợ tao phải ở cạnh Hương cả trong giấc ngủ, cứ sợ Hương quẩn trí rồi tự vận.
Trường thân… 


      Nét chữ đã nhoẹt nhòe nhoẹt, nhảy múa chập chờn trước mắt Trường bởi một màn nước mỏng bao phủ đôi mắt. Rồi những giọt nước đau thương từ mắt anh theo nhau chảy dài xuống má., Trường bóp nát lá thư, hai tay ôm đầu khó nức nở. Tiếng khóc càng lúc càng lớn, càng lúc càng thương tâm như xé ruột: “Hương, Hương…tha lỗi cho anh! Hương…tha lỗi cho anh!”
      Trường cố nén tiếng khóc, chạy vào phòng tắm rửa mặt. Anh thay vội bộ quần áo, xỏ chân vào đôi dép, phóng ra xe vọt đi. Cảnh vật chao đảo trước mắt Trường. Anh cố trấn tĩnh cầm vững tay lái, mắt chăm chú nhìn về phiá trước để nhìn cảnh vật rõ hơn.
      Gần hai tiếng đồng hố lái xe, trường củng tới được nhà Ân. Như lần trước, Trường bấm chuông, Ân ra mở cửa. Thấy Trường, mắt Ân sang lên, anh ôm choàng người bạn mà anh thương như đứa em ruột thịt
Ân nói với giọng xúc động:
- Tao biết thế nào mầy cũng trở lạì. Quả tao nhận xét không lầm về con người mầy. Phải xin lỗi và ráng an ủi Hương. Lời nói phải tế nhị nhé Trường, nhất là không khơi lại vết thương của Hương.
Trường gật đầu:
- Hương đâu?
- Trong phòng, vào đi

      Trường gõ cửa rồi đẩy cửa bước vào. Anh im lặng đứng nhìn Hương đang ngồi cuí gầm mặt. Nhìn dáng dấp khổ đau của người yêu, Trường nghe nghẹn cứng ở ngực và đau nhói ở tim. Anh bước tới, cúi xuống ôm Hương vào lòng.
- Hương, Hương!
      Tiếng khóc lớn bỗng vuột ra khỏi cuống họng làm cơn tức nghẹn ở ngực Trường nhẹ đi. Tiếng khóc không kềm lại được, nghe như tiếng kêu uất hận. Trường đưa tay vuốt tóc Hương. Anh hôn trơ trất lên gương mặt người tình, giọng nói anh nghẹn ngào, đứt đoạn:
-Hương…tha lỗi…cho anh!
Tiếng khóc của Trường làm thằng bé đang ngủ trên giường khóc thét lên. Quỳnh từ ngoài bước vào, gương mặt đầm đìa nước mắt, cúi xuống ẵm đứa bé ra ngoải. Ân đang ngồi hút thuốc ở ghể sô-pha, miệng mỉm cười nhưng đôi mắt cũng đỏ hoe.

      Vài phút sau, Ân và Quỳnh mới nghe tiếng khóc của Hương. Tiếng khóc như một nguồn nước thoàt ra từ con đê vỡ, cuốn theo những đau đờn câm nín, nhửng tức tuởi nghẹn ngào, những ên chề phiền muộn. Lệ từ mắt Hương cũng theo nhau chảy xuống như tiếp rửa sạch những khổ đau còn sót lại trên gương mặt hao gầy của nàng.
Khi cơn xúc cảm của cả hai đã lắng xuống. Trường vẫn còn ôm Hương trong lòng.
Anh hỏi nhỏ:
- Tha lỗi cho anh nhé Hương?
Hương gật đầu, Trường nóí tiếp:
- Anh vô tình làm em đau khổ nhiều hơn.
- Em hiểu anh nên không buồn giậc gì anh hết.
- Cám ơn em.
Hương ngập ngừng một lúc rồi hỏi Trường.
- Còn đưá bé anh tính sao?
Trường hôn lên má người yêu.
- Còn tính gì nữa? Chúng ta sẽ đặt cho nó một cái tên Việt Nam. Nó sẽ mang họ của anh. Nó sẽ là con của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc đến nguồn gốc của nó. Nó sẽ là một đưá bé Việt Nam lớn lên trên nước Mỹ như bao nhiêu đứa trẻ khác. Chúng ta sẽ gầy dựng tương lai cho nó và dạy nó biết yêu tổ quốc Việt Nam của chúng ta.
Hương gục đầu lên vai Trường:
-Em cám ơn anh.
-Sao lại cám ơn anh?
-Em cám ơn sự rộng lượng của anh, cám ơn tình yêu của anh dành cho em. Nỗi đau bây giờ không còn của riêng em nữa mà đã có anh chia sẻ.
      Hương kéo đầu Trường xuống, đôi môi họ tìm nhau trong một cái hôn thật nồng nàn cho thoả lòng thương nhớ .
Bỗng có tiếng gõ cửa rồi tiếng Ân vọng vào:
- Ông bà tâm sự lâu quá, chúng tôi vào được chưa?
Trường buông Hương ra:
- Mời anh chị vô:
Quỳnh ẵm đứa bé đang ngủ trên tay cùng chồng bước vào.
Ân cười hề hề:
- Anh chị hạnh phúc quá! Gương vỡ lại lành rồi phải không?
Trường cũng cười:
- Gương có vỡ đâu mà lại lành.
      Hương đứng bên Trường cũng mỉm cười, nụ cười thật đẹp. Đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc tràn đầy của một người vừa tìm thấy lại ánh sáng cuộc đời, tìm lại được mối chân tình yêu tưởng đã mất đi sau năm năm xa cách. 

Anh Vân
(Sinh năm 1938 - Mãn phần 2010)

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Cao Nguyên Vào Hạ

 

Về Pleiku nghe hờn tiếng vọng
Gió lộng ùa bến mộng xanh xao
Gửi tình trao nhặt màu hoàng phượng
Người xa rồi lòng đượm thương đau

Thả hồn bay lên đồi Hạ ước
Lần bước đi sướt mướt đời nhau!
Dốc tàn hơi thác ghềnh cố vượt
Gọi tên người... nỗi nhớ hanh hao

Kim Oanh

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

Lữ Túc 旅宿 - Đỗ Mục (Vãn Đường)


Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên 樊川, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, tỉnh Thiểm Tây). Ông nội Đỗ Hựu vừa là một tể tướng giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển. Anh là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng. Đỗ Mục có dáng dấp thanh tú, tính thích ca nhạc, ưa phóng túng, còn nhỏ đã nổi tiếng văn tài. Khi mới lên kinh sư, được Thái học bác sĩ Ngô Vũ Lăng đưa thư văn đến cho quan chủ khảo là thị lang Thôi Uyển xem. Thôi rất kinh ngạc về bài A Phòng cung phú. Năm 828, hai mươi sáu tuổi, ông đỗ tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa chế sách Hiền lương phương chính, được bổ chức hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi ra làm đoàn luyện tuần phủ tại Giang Tây, sau đó đến Hoài Nam làm thơ ký cho tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ, lại đổi về làm giám sát ngự sử tại Lạc Dương. Năm 835, ông đi chơi Hồ Châu, rồi cứ bị đổi làm thứ sử hết nơi này đến nơi khác (Hoàng Châu, Từ Châu, Mục Châu). Năm 849, ông nhờ một người bạn làm tướng quốc xin cho về thái thú Hồ Châu, sau đổi khảo công lang trung tri chế cáo, và cuối cùng làm Trung thư xá nhân. Tác phẩm có Phàn Xuyên thi tập (20 quyển), chú giải Tôn Vũ binh pháp (13 thiên, do Tào Tháo soạn).

Đỗ Mục có lý tưởng khôi phục thịnh thế của nhà Đường nên chú ý nghiên cứu các vấn đề kinh tế, quân sự, viết những bài chính luận bàn về trị loạn, thủ chiến, chú giải cả bộ binh thư Tôn Vũ. Trong sinh hoạt ông phóng túng tự do, không câu nệ tiểu tiết, coi thường lễ giáo. Về văn học, ông có những kiến giải tiến bộ, “lấy ý làm chủ, lấy khí làm phụ, lấy từ ngữ chương cú làm binh vệ” (Đáp Trang Sung thư), làm văn vì sự việc chứ chẳng phải “không ốm mà rên” (vô bệnh thân ngâm). Ông cố gắng đem chủ trương ấy vào trong sáng tác nên có ý nghĩa hiện thực khá mạnh, khả dĩ nối tiếp dư phong Bạch Cư Dị.

Đỗ Mục có nhiều bài thơ ưu thời mẫn thế, nặng lòng lo cho dân cho nước (Cảm hoài, Quận trai độc chước, Hà hoàng, Tảo nhạn...) hoặc bi phẫn khiển trách bon hôn quân bạo chúa (Quá Ly Sơn tác, Quá Hoa Thanh cung...), cũng có bài cảm tác về đời người vì bản thân lận đận, bất đắc chí (Cửu nhật Tề sơn đăng cao, Lạc Dương trường cú...). Một số vần thơ ngắn trữ tình của ông là những bài xuất sắc nhất. Mỗi bài vừa là một bức tranh màu sắc tươi tắn, vừa là một tâm tình nhàn nhã, có khi phảng phất buồn, lãng mạn mà không suy đồi (Sơn hành, Bạc Tần Hoài, Thán hoa, Giang Nam xuân...). Thơ thất tuyệt của ông rất được ưu thích, ngay vịnh sử cũng không khô khan (Xích Bích hoài cổ, Kim Cốc viên, Đề Ô giang đình...). Ông có thể dựng nên những cảnh đẹp trong một khuôn khổ ngắn gọn; ý tình hàm súc được diễn đạt qua những lời lẽ điêu luyện. Ông không trội ở ngôn từ hoa mỹ bóng bẩy, cũng không trội ở chỗ cầu kỳ, quái đản mà bằng ngòi bút nhẹ nhàng vẽ nên những cảnh sắc đẹp đẽ, rung động lòng người một cách rất tự nhiên...

Nguyên tác   Dịch âm

旅宿             Lữ Túc

旅館無良伴 Lữ quán vô lương bạn,
凝情自悄然 Ngưng tình tự tiễu nhiên.
寒燈思舊事 Hàn đăng tư cựu sự,
斷雁警愁眠 Đoạn nhạn cảnh sầu miên.
遠夢歸侵曉 Viễn mộng quy xâm hiểu,
家書到隔年 Gia thư đáo cách niên.
滄江好煙月 Thương giang hảo yên nguyệt,
門系釣魚船 Môn hệ điếu ngư thuyền.

Dịch thơ

Trú Ở Lữ Quán

Lữ quán không bè bạn
Nghĩ tình tự nhiên đau
Đèn mờ khêu chuyện cũ
Nhạn thưa gây thêm sầu
Mơ quê cho tới sáng
Thư nhà cách năm sau
Sông xanh lồng trăng khói
Ngoài cửa buộc thuyền câu.

Lời bàn:

Một bài ngũ ngôn bát cú toàn bích. Bố cục chặt chẽ. Niêm luật chỉnh tề. Lời thơ trang nhã. Kết thúc hợp tình: Đêm nào cũng mơ về quê cho tới gần sáng, thư nhà thì mỗi hai năm mới có một lá. Cách tốt nhất để giải sầu trong tâm trạng này là chèo thuyền trên sông dưới trăng thanh.

Con Cò
***
Đêm Quán Trọ

Quán trọ cô đơn vắng bạn hiền
Tâm tư chôn kín nỗi niềm riêng
Tàn đêm chuyện cũ hoài vương vấn
Tiếng nhạn nhặt thưa giấc mộng phiền
Mơ về cố quận trời hừng sáng
Ròng rã thư nhà đã trọn niên
Mờ ảo dòng sông sương tỏa lạnh
Chờ ai neo buộc một ngư thuyền.

Kim Oanh
***
Trọ Quán Khách

Trọ đêm thiếu bạn bè,
Lòng lắng đọng buồn se.
Đèn lụn khơi niềm cũ,
Nhạn kêu động giấc hòe
Mộng xa vừa sáng tỉnh,
Tin tức cách năm về,
Trăng khói sông xanh biếc,
Thuyền câu buộc trước hè.

Mỹ Ngọc
July 16/2023.
***
Quán trọ không bạn hiền,
Tim nặng nỗi niềm riêng,
Đèn mờ thương chuyện cũ,
Nhạn vắng sợ sầu miên,
Mộng tỉnh, trời gần sáng,
Thư nhà chẳng tới liền,
Sông xanh mờ trăng khói,
Bên cửa cột con thuyền.

Bát Sách.
(ngày 16/07/2023)

***
Mái Chèo Sông Nước

Dặm trường lữ quán trú đêm,
Không người bầu bạn êm đềm canh thâu.
Ngẫm đi nghĩ lại bi sầu,
Bên đèn leo lét, mái đầu ngẩn ngơ.
Chuyện xưa quay quắt bơ phờ,
Nhạn kêu thảng thốt - giấc mơ lạnh tràn...
Mộng xa vời vợi võ vàng:
Quê nhà quay lại - xốn xang dạ hồn.
Giật mình trời sáng ngoài thôn,
Thơ nhà ngóng đợi, mõi mòn hằng niên.
Thanh giang mờ ảo cảnh tiên,
Bóng trăng diễm tuyệt nơi triền núi non.
Chiếc thuyền dây cột bãi cồn,
Nhanh tay tháo gỡ - bồn chồn ra khơi...

Khánh-Hưng
***
Quán Trọ

Quán trọ không bè bạn
Tình buồn tự nén sâu
Đèn khuya khơi chuyện cũ
Nhạn tắt giấc mơ sầu
Mộng dứt trời hừng sáng
Thư nhà đợi quá lâu
Sông Thương trăng khói tỏa
Trước ngõ buộc thuyền câu

Bạn bè quán trọ có đâu
Ngậm ngùi tình đọng lắng sâu mấy mùa
Đèn khuya khơi chuyện cũ xưa
Bên trời lạnh lẽo nhạn khua giấc sầu
Mộng về vừa tới sáng mau
Thư nhà cách một năm sau một lần
Sông xanh trăng khói ân cần
Thuyền câu hờ buộc trước sân quán nhà!

Lộc Bắc
Jul23
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

旅宿- 杜牧 Lữ Túc – Đỗ Mục

旅館無良伴 Lữ quán vô lương bạn
凝情自悄然 Ngưng tình tự tiễu nhiên
寒燈思舊事 Hàn đăng tư cựu sự
斷雁警愁眠 Đoạn nhạn cảnh sầu miên
遠夢歸侵曉 Viễn mộng qui xâm hiểu
家書到隔年 Gia thư đáo cách niên
湘江好煙月 Tương Giang hảo yên nguyệt
門繫釣魚船 Môn hệ điếu ngư thuyền

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代 詩選-明-曹學佺
Phiền Xuyên Tập - Đường - Đỗ Mục 樊川集-唐-杜牧
Đường Thi Tam Bách Thủ - Thanh 唐诗三百首

Ghi chú:

Lữ quán: những ngôi nhà dành cho khách du lịch ngày xưa
Ngưng tình: tình ý tập trung
Tiễu nhiên: im lặng, buồn bã
Hàn đăng: đèn cô đơn trong đêm lạnh, mô tả một môi trường cô đơn, ảm đạm.
Viễn mộng: giấc mơ của những người ở xa.
Xâm hiểu: bình minh
Gia thư: thư từ gia đình
Tương Giang: sông Tương bắt nguồn gốc từ Quế Lâm 桂林, huyện Hưng An 兴安县, tỉnh Quảng Tây, chảy vào Động Đình Hồ 洞庭湖 là con sông dài nhất của tỉnh Hồ Nam
Yên nguyệt: trăng bị sương mù bao phủ, ánh trăng mờ nhạt

Dịch Nghĩa:

Lữ Túc Ðêm Nơi Quán Trọ

Lữ quán vô lương bạn Lữ quán không người ai đối ẩm,
Ngưng tình tự tiễu nhiên Tâm tư ngưng động vương ý sầu.
Hàn đăng tư cựu sự Bên đèn lạnh lẽo, nhớ đến chuyện cũ
Đoạn nhạn cảnh sầu miên Nhạn kêu phá giấc ngủ chập chờn.
Viễn mộng quy xâm hiểu Mơ về quê hương gần sáng mới tỉnh giấc,
Gia thư đáo cách niên Thư nhà cả năm mới nhận được.
Tương Giang hảo yên nguyệt Sông Tương quyện sương mù dưới trăng mờ,
Môn hệ điếu ngư thuyền Chiếc thuyền câu cột trước cửa quán.

Phân tích:

Nói về sự cô đơn của khách xa nhà phải ngủ đêm lại lữ quán. Xa nhà một thân một mình, buồn là chuyện bình thường. Trong câu 5, thi nhân xem mộng cũng như chuyến đi xa. Vì quê hương quá xa nên giấc mộng phải dài để về đến nơi.

Câu 7 của mộc bản và nhiều bản văn cho là sông Tương. Tuy nhiên, có người cho là Đỗ Mục chưa từng đặt chân đến sông Tương, nên nghi ngờ bài thơ không phải của Đỗ Mục, dù giới học thuật cho là văn cách không thể nhầm lẫn. Đường Thi Tam Bách Thủ của Hành Đường Thoái Sĩ chép là sông Thương 沧.

Bài ngũ ngôn luật thi này rất chuẩn vể niêm vận, tiết tấu. Trong phần đối xứng, ngoài đối về từ, thanh, ý…, đặc biệt còn đối về thứ loại của ý mới tài tình.

Hàn đăng (hình ảnh) tư (tĩnh) cựu sự (cũ) đối với:
Đoạn nhạn (âm thanh) cảnh (động) sầu miên (mới)
Viễn mộng (ý) quy (về) xâm hiểu (mau) đối với:
Gia thư (vật) đáo (đến) cách niên (lâu)

Dịch Thơ:

Ðêm Nơi Quán Trọ

Quán trọ đìu hiu thiếu bạn hiền,
Tâm tư khép kín nỗi niềm riêng.
Bên đèn leo lét ôn sầu cũ,
Cô nhạn phá tan giấc ngủ yên.
Tỉnh giấc hoài hương trời chập sáng,
Hơn năm mới được thơ nhà biên.
Sông Tương sương phủ trăng mờ tỏa,
Ngoài cửa quán đêm cột khách thuyền.

A Night At A Tavern by Du Mu

I stayed at a tavern with no friends.
Loneliness and grief overcame my spirit.
Under the cold lamp, I reminisced the past.
A lost wild goose cry woke me from my sleep.
Awaken at dawn from a homeward dream,
I read, a year late, a letter from home.
The moon shone over fog on the cold river
And a fisherman boat moored at the inn's door.

A Night At A Tavern by Du Mu
Translation by Witter Bynner

Solitary at the tavern,
I am shut in with loneliness and grief.
Under the cold lamp, I brood on the past;
I am kept awake by a lost wildgoose.
Roused at dawn from a misty dream,
I read, a year late, news from home --
And I remember the moon like smoke on the river
And a fisher-boat moored there, under my door.

A Night at an Inn by Du Mu
Translation by Betty Tseng

I stopped over at an inn without a companion,
I became immersed in my own thoughts as I of silence took heed.
By a lamp in the cold I pondered over my past,
A sudden cry of a lone goose disturbed my light and worried sleep.
I just dreamt of homecoming, only to wake up to another day dawning on me,
It's been a year since I last a letter from home receive.
The river is bleak, the moon and the fog picturesque,
Outside the inn moor fishing boats by the quay.

Phí Minh Tâm

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Mối Tình Học Trò

 
(Lê Kim Nhi - Vĩnh Long 1963)


LTG: Bài viết này không nhầm mục đích luyến tiếc cho những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò đã qua, mà tiếc rẻ cho thế hệ con cháu chúng ta đang sống trong một thời đại mà tình cảm của con người đang bị bóp chết dần bởi những quan niệm hướng về vật chất, hưởng thụ và thực dụng. Họ khó tìm được những tình cảm cao đẹp thật sự của một con người trong xã hội như: tình thầy trò, tình bằng hữu, và ngay cả trong tình cảm trai gái.

     Thế hệ của  chúng ta thường có câu nói: trong tình yêu trai gái không có mối tình nào đẹp bằng mối tình đầu, nhất là mối tình đầu thuở học trò. Nhưng lại có một câu nói khác là không có mối tình nào mong manh bằng mối tình đầu và nhất là mối tình đầu học trò. 
     Chính vì vậy mà thời đại cha anh và chúng ta đã có không biết bao nhiêu bài thơ, bài ca, bài văn ca tụng cũng như than khóc và tiếc nuối cho những mối tình đầu đẹp đó.
     Nhiều cuộc tình đã trở thành huyền thoại của bao nhiêu thế hệ của tuổi học trò. Xét về khía cạnh này, tôi là một người rất diễm phúc, vì người bạn đời đã cùng tôi vượt một quãng đường dài 35 năm, qua bao sóng gió thăng trầm, chính là mối tình đầu học trò của tôi.
     Tôi thường nói đùa với bạn bè:
        -  Nhà tôi là mối tình đầu và có lẽ cũng là người vợ duy nhất và cuối cùng của đời tôi.
    Một anh bạn tinh ý đã bắt bẽ:      
       -  Như vậy chị nhà không phải là người tình duy nhất của anh?
    Thật là: “Có những niềm riêng mà không muốn nói.”Bài ca của nhac sĩ Tín Hương. Anh bạn tôi nói đúng, tôi cũng giống bao nhiêu người đàn ông khác, trong cuộc sống trôi nổi làm sao bắt con tim ngủ yên hoài được, đôi khi nó cũng phải thức giấc na đêm.
      Nhất là tôi một cuộc đời quá trôi nổi và thăng trầm.
     Vì phiêu lưu qua nhiều cuộc tình trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên tôi đã trở thành nhân chứng của những cái đẹp, cái quý của mối tình đầu học trò và muốn chia sẻ với các bạn trong bài viết này.
     Tôi biết Kim Nh.( tên của Nhà tôi ) năm tôi học Đệ Ngũ, và chúng tôi thật sự quen nhau  khi học chung Đệ Tam. Chắc các bạn nghĩ tôi đang dùng lối nói mắc mứu (tricky)? Không! thật ra chuyện tình của chúng tôi bắt đầu một cách cắc cớ. Vì chuyển qua chương trình Việt tôi bị sụt một lớp. Nên khi tôi học Đệ Ngũ thì nàng đã học Đệ Tứ, chuẩn bị thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Lớp nhỏ nằm bên ngoài, lớp lớn nằm bên trong, nên mi ngày vài lần nàng phải đi ngang lớp tôi.
     Vì vậy khi bắt đầu sự quen biết của chúng tôi chỉ có một chiều, nàng chẳng hề biết có tôi trên cõi đời. Chỉ một vài tháng sau tôi đã quyết định thi nhảy lớp (thời đó gọi là thi nhảy).
     Có sự trùng hơp may mắn, Ba tôi mới nhận một anh sinh viên Trường Sư Phạm làm con nuôi. Anh ấy muốn mở lớp dạy luyện thi Trung Học, nên nhà tôi trở thành lớp học luyện thi cho tôi và năm người bạn đồng chí nhưng khác hướng (khác hướng là vì họ quan tâm đến vấn đề quân dịch, còn tôi thì quan tâm đến bạn gái ).
     Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp chính là chiếc phà Mỹ Thuận đã liên kết mối tình tám năm của chúng tôi. Cuộc tình của chúng tôi đã gắn liền với đất Vĩnh Long.

(Lê Kim Nhi & Đỗ Đình Tiến - V
ĩnh Long)

     Chúng tôi có biết bao kỷ niệm đẹp tại vùng đất hiền hòa và êm đềm đó. Mãi đến bây giờ chúng tôi vẫn còn mơ có một căn nhà nhỏ, trước lộ sau sông, bao quanh là vườn cây ăn trái tại đất Vĩnh Long thân yêu (giấc mơ của một đôi tình nhân học trò đất Vĩnh, vẫn còn là giấc mơ của đôi vợ chồng đã bạc đầu).
     Thánh nhân nói cuộc đời là Dịch, cứ thay đổi rồi đổi thay.
     Xong trung học tôi giã từ Trường Tống Phước Hiệp, giã từ tỉnh Vĩnh Long để đi vào đại học, bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.
 
     Tôi đã được học bổng tại một trường đẹp nhất nước lúc bấy giờ, đó là Đại Học Đà Lạt. Đối với một anh học trò tỉnh đồng bằng như tôi thì thời gian đó là một cuộc du hành vào thế giới sinh viên thật hấp dẫn và đầy thơ mộng, đang thời mê hoặc với dòng nhạc Trịnh Công Sơn,và nghiện ngập với ging ca Khánh Ly. Có một điều khá đặc biệt đối với tôi đó là bạn bè.
     Đi học Đà Lạt tương đối nhỏ nên sinh viên biết nhau cả và hầu như họ đến từ khắp miền của đất nước.
     Có những anh bạn người miền Bắc mà không hề biết miền Bắc, và cũng không biết cả miền Nam, nói toàn tiếng Bắc cổ.
     Có những chị bn người Huế Nội Thành giọng nói thật dễ thương và ngọt ngào như chim hót, nhưng tôi nghe chẳng hiểu được mô tê gì cả, cứ như nghe người ngoi quốc nói vậy.
     Trong hoàn cảnh đó kéo dài bốn năm, dù tôi cho con tim uống thuốc ngủ nhưng nó cũng thỉnh thoảng git mình thức giấc.
     Lúc ấy tôi thầm nghĩ nếu mối tình đầu của tôi không bắt đầu ở Trung học thì có lẽ nó bắt đầu ở đây rồi! Nhưng những liên hệ tình cảm trong thời sinh viên đều đã dừng lại, đôi khi sau một buổi trại, hay sau một buổi trình diễn văn nghệ hoặc có kéo dài lắm là đến lúc chia tay nghỉ hè.
     Lúc bấy gi tôi không nghĩ gì cả và cho đó là chuyện bình thường nhưng sau này tôi mới hiểu ra.


     Bước vào đại học là bắt đầu tập làm người lớn, bắt đầu tập làm người trí thức, sự ngây thơ, thật thà và vô tư của tuổi học trò lần lần bị thay thế bởi những đức tính khác thực tế và cân nhắc hơn.
     Đó là lý do mà tôi không thể tìm được một cuộc tình nào đẹp hơn cuộc tình mà tôi đang có từ thuở học trò.Dòng đời cứ tiếp tục trôi…Sau bốn năm, tôi đã tốt nghiệp và thực sự bước chân vào đời. Có một câu nói tôi luôn nhớ  đến nhưng lại không nhớ ai đã nói “Đời là một đấu trường”. Đúng thế phải không các bạn?! Đời thực tế khác với cuộc sống dưới mái nhà trường.
     Chính vì thế chúng ta mới có trang Tống Phước Hiệp, Nguyễn Trường Tộ chúng ta tìm về những tình cảm, những kỷ niệm thuở học trò để xoa dịu những vết thương nhức nhối mà cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta.
      Tôi là một trong những người tương đối thành công so với  những người bạn cùng khóa, không vì tài năng mà vì may mắn.Trong môi trường mới tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều giới và đa dạng hơn nhưng những liên hệ tình cảm trong thời gian này không giống thuở đi học, nó đến thật nhanh và ra đi cũng thật nhanh.
        Nó đến nhanh không phải vì tiếng sét ái tình mà vì xúc tác bởi tiền bạc, phương tiện và chức vụ.
       Nó ra đi nhanh vì sự quan hệ đặt trên căn bản tình cảm thì ít mà trên mục đích riêng tư thì nhiều. Vì điều kiện và nhu cầu của giao tế tôi đã có dịp bước vào thế giới ăn chơi  tiếp xúc với giới ăn chơi chuyên nghiệp.
        Tôi đã đến một vài địa điểm được xem là sang trọng vào thời đó, nhưng thành thật mà nói tôi không cảm xúc, tôi cảm thấy tội  hơn là cảm hứng.
       Có một lần vì nể lòng tôi đã đến một địa điểm khá sang trọng trên đường Công Lý, và được tiếp bởi một cô rất trẻ. Có lẽ vì còn trẻ nên còn thật thà, cô đã hỏi tôi:
     - Bộ anh liệt d…hả?
        Tôi tr lời đùa: 
    - Anh đồng tình mà không luyến ái, nhưng em không sợ mất tiền.
     Cô nghe không mất tiền thì có vẻ yên tâm, nhưng không hiểu tôi nói gì. Một vài người bạn cũng đã bảo thái độ của tôi trong vấn đề này là không bình thường.
      Tôi buồn cười vì chẳng lẽ không chơi bời là bất bình thường. Thật ra tôi có hai lý do thật bình thường.

      Thứ nhất tôi không có nhu cầu ăn bánh trả tiền, thứ hai là tôi muốn bảo vệ gia đình của tôi, tôi trân trọng Nhà tôi như thế nào thì tôi trân trọng với cuộc đời của con cái cũng như vậy.
      Năm 1975 tai họa xảy đến. Cũng như hàng triệu gia đình khác tại Miền NamViệt Nam, gia đình tôi cũng bị vùi dập trong cuộc đổi đời.
       Bây giờ tình cảm vợ chồng không còn bị quấy rối bởi những chuyện tình vớ vẩn nữa, mà đang bị thách đố bởi một cuộc sống bão táp, những biến cố và tai hoạ sự đảo điên của xã hội và tình người.
       Gia đình tôi là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến 1975. Ngày tôi bị bắt, cũng là ngày Nhà tôi chuẩn bị sanh đứa con thứ  nhì. Khi tôi về được Sàigòn, thì tài sản và sự nghiệp của tôi vn vẹn là một vợ hai con.
      Thế là chúng tôi bắt đầu từ vốn liếng đó để dựng lại cuộc sống trong cơn sóng hỗn loạn.

       Sau sự kiện 30-1975, trên mười lăm năm ... tôi cũng giống như bao nhiêu người đàn ông Miền Nam khác không thể đứng yên nhìn một Tổ Quốc đang tan tác. Đến khi bất lực và tuyệt vọng thì lại lao vào con đường vượt biên để cứu thoát gia đình và tương lai con cái. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó mà tôi đã nhiều lần vào tù ra trại. Có một lần nhà tôi lặn lội một ngày một đêm đến thăm nuôi tôi ở trại tù Châu Bình (Bến Tre). Sự mệt mỏi và những giọt nước mắt vẫn không che giấu được niềm vui và hạnh phúc trong ánh mắt của Nhà tôi khi ngồi cạnh tôi. Tôi thầm cám ơn Thượng Đế đã ban cho loài người có một tình yêu, và tôi cũng cám ơn Nhà tôi giữ lòng chung thủy để tình yêu đã trở nên niềm hạnh phúc của chúng tôi. 

      Ngày nay vợ chồng chúng tôi cũng không khác gì các bạn, hằng ngày cũng có những xung đột và cãi vã. Làm sao tránh khỏi vì chúng ta đã vượt qua quá nhiều biến cố, đau khổ và những sự thay đổi thật nhanh chóng nên đã tạo cho mỗi người một cá tánh, quan niệm rất khác nhau.
     Nhưng đối với chúng tôi sau mi lần chiến tranh như thế, tôi luôn lại là người tìm cách hòa đàm và luôn chiụ thiệt…Các bạn có biết tại sao không? Vì mối tình đầu thuở học trò vẫn còn sống trong lòng tôi. 
 
(Lê Kim Nhi & Đỗ Đình Tiến Canada)

Đỗ Đình Tiến
Đầu Hè 2004

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Biển Nhớ!

 


Biển nhớ ngày nao ngập tiếng cười
Tâm tình kể lể thuở đôi mươi
Thời gian tóc điểm phai màu bạc
Mãi mãi vai kề sánh bước đôi

Biển nhớ chiều nay vắng một người
Sóng lòng khơi lại nỗi buồn vui
Một mình vạn nẽo đường đời bước
Vẫn khắc trong tim những ngọt bùi.

Em 9 Kim Oanh
Melb. 12/7/2023

(Thương yêu em gửi chị Năm Kim Nhi của em.
Và em tiễn bước Anh Rể Ignacio Đỗ Đình Tiến về yên nghỉ nơi Nước Trời.)


Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Trăng



Nửa mảnh trăng trôi lạc cuối trời
Tương phùng ngắn ngủi để chơi vơi
Khi tròn hạnh phúc tràn khung cửa
Lúc khuyết cô đơn gió lạnh bồi
Tri kỷ đâu rồi nhớ đến tôi
Đêm đông giá lạnh nhớ nhung bồi
Tách trà có đượm nồng hương cũ
Chén rượu tương phùng v
n thắm môi...

NPaul


Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Điểm Giáng Thần 點絳脣 - Tần Quan

 

點絳脣 - 秦觀      Điểm Giáng Thần 

醉漾輕舟,          Túy dạng khinh châu,
信流引到花深處  Tín lưu dẫn đáo hoa thâm xứ.
塵緣相誤。          Trần duyên tương ngộ,
無計花間住。      Vô kế hoa gian trú.

煙水茫茫,          Yên thủy mang mang,
千里斜陽暮。      Thiên lý tà dương mộ.
山無數。              Sơn vô số.
亂紅如雨。          Loạn hồng như vũ.
不記來時路。      Bất ký lai thời lộ.

Tần Quan

***
Chú Thích:


1- Điểm giáng thần點絳唇: tên từ bài, tên này lấy từ 1 câu thơ của Lương Giang Yêm梁江淹trong bài “Vịnh mỹ nhân xuân du咏美人春游” là “Bạch tuyết ngưng quỳnh mạo, Minh châu điểm giáng thần白雪凝琼貌,明珠點絳唇”. Tên khác là “Điểm anh đào點樱桃”, “Thập bát hương十八香”, “Nam phố nguyệt南浦月”, “Sa đầu vũ 沙頭雨”, Tầm dao thảo尋瑶草”, “Vạn niên xuân萬年春”. Bài từ chỉ có 2 đoạn, tổng cộng 41 chữ, đoạn trên có 4 câu 3 trắc vận, đoạn dưới có 5 câu 4 trắc vận. Cách luật:

X T B B cú
X B X T B B T vận
X B X T vận
X T B B T vận

X T X B cú
X T B B T vận
X X T vận
X B X T vận
X T B B T vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Túy dạng 醉漾: say sưa bồng bềnh.
3- Khinh châu 輕舟: thuyền nhỏ.
4- Tín lưu 信流: tự tại phiêu lưu.
5- Trần duyên塵緣: chữ của nhà Phật. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp色, 聲, 香, 味, 觸, 法. Lòng người bị 6 trần ô nhiễm mà gây nên nghiệp chướng. Chữ trần duyên trong bài này chỉ việc trần gian thế tục.
6- Tương ngộ 相誤: làm lầm lỡ lẫn nhau.
7- Vô kế 無計: không còn cách nào khác.
8- Yên thủy 煙水: sương mù phủ trên mặt nước.
9- Mang mang 茫茫: mênh mông.
10- Tà dương 斜陽: ánh nắng buổi chiều lúc mặt trời đã ngả về tây.
11- Loạn hồng như vũ 亂紅如雨: hoa tàn rụng như mưa, mượn câu thơ của Lý Hạ 李賀trong bài “Tương tiến tửu 將進酒”:

“況是青春日將暮,Huống thị thanh xuân nhật tương mộ,
“桃花亂落如紅雨。Đào hoa loạn lạc như hồng vũ.

“Huống như ngày thanh xuân sắp hết,
“Hoa đào rụng loạn như mưa hồng”.


Dịch Nghĩa:


Say sưa bồng bềnh trên chiếc thuyền con,
Tự tại thả trôi dẫn đến vùng sâu xa đầy hoa.
“Trần” và “Duyên” của nhà Phật làm lầm lạc nhau.
Không có cách gì để ở lại giữa vùng hoa.

Khói nước mênh mông,
Ánh tà dương chiều tàn chiếu trên ngàn dặm.
Núi nhiều vô số.
Hoa rụng tán loạn như mưa.
Không nhớ được con đường mình đã đến.

Phỏng Dịch:

1/Điểm Giáng Thần - Lạc Lối Ngàn Hoa

Thuyền nhẹ bồng bềnh,
Phiêu lưu tới chốn hoa xa xứ.
Trần duyên gặp gỡ.
Không kế cùng hoa trú.

Khói nước mênh mông,
Ngàn dặm chiều vàng tỏ.
Núi vô số.
Như mưa loạn đỏ.
Lối đến không còn nhớ.

2 /Lạc Lối Ngàn Hoa

Bồng bềnh một chiếc thuyền con,
Ngàn hoa thâm xứ theo dòng nước xuôi.
Trần, duyên lầm lỡ nhau thôi,
Tìm đâu kế sách bên trời đầy hoa,

Mênh mông khói nước chan hòa,
Tà dương soi bóng non xa dặm ngàn.
Như mưa rơi rụng hoa tàn,
Quên đường vừa đến lỡ làng khách du.

HHD 
06-2021
***
Các Bài Dịch Khác:

Điểm Giáng Thần

1-

Thuyền nhỏ say sưa
Tự tại dạt trôi chốn hoa tụ
Duyên trần lầm lỡ
Không thể trong hoa ở.

Khói nước mênh mông
Vạn dặm tà dương phủ
Núi vô số
Hoa loạn mưa gió
Đường đến không còn nhớ

2-

Bồng bềnh thuyền nhỏ đương say
Thả trôi tư tại chốn đầy hoa xinh
Duyên trần lầm lỡ vô minh
Cách chi nén lại náu mình trong hoa!

Mênh mông khói sóng xa xa
Dặm ngàn chiều xuống ánh tà dương bao
Núi nhiều, mưa gió hoa chao
Không sao nhớ được đường nào đến nơi!

Lộc Bắc
Jul23
***
Lạc Chốn Ngàn Hoa

Thuyền con chao nhẹ theo dòng
Phiêu lưu lạc chốn bềnh bồng ngàn hoa
Duyên trần tương ngộ thôi mà
Cách chi trú ngụ xứ hoa bên trời

Mịt mờ khói nước đầy vơi

Tà dương soi bóng núi vời vợi xa
Như mưa rơi rụng tàn hoa
Lối xưa năm cũ vụt qua quên đường

Kim Oanh
***
Điểm Giáng Thần

Bồng bềnh trên chiếc thuyền con,
Thả trôi vô định đến vùng đầy hoa.
Trần, Duyên ranh giới nhạt nhòa
Làm sao lưu lại ngắm hoa điệp trùng.

Giữa miền khói nước mênh mông,
Chiều buông theo ánh tà dương ngập ngừng
Thấp cao ngàn núi trập trùng.
Lắc lay hoa rụng khắp vùng như mưa.
Mơ hồ quên mất đường xưa.

Tự Yên
8 July 2023
***
Lạc Nẻo Rừng Hoa

Say sưa trên chiếc thuyền con
Bềnh bồng trôi lạc lối mòn đầy hoa
Duyên trần xui gặp manh nha
Ý mong ôm ấp rừng hoa ngủ vùi

Mênh mông sóng nước hoa rơi
Xa xa vạn dặm chiều lơi bóng tà
Chập chùng cao thấp sơn, hà
Hướng nào nẻo cũ, quê nhà nơi nao?


Sao Khuê

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2023

Quê Xưa

Đọc thơ tiền bối, Quên Đi thấy một dạng thơ Đường rất đặc biệt Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch. Quên Đi rất thích thú đã làm 1 bài thơ theo dạng này. Mời các anh chị cùng xướng họa chung vui.

Thân mến
Quên Đi

Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường an bất kiến sử nhân sầu

Lý Bạch
***
Bài Xướng:

Quê Xưa

Đây con đường đất mảnh vườn xưa
Ẩn hiện xa xa mấy rặng dừa
Quê nghèo mái lá đìu hiu vắng
Xóm nhỏ lều tranh rải rác thưa
Cây rơm chỗ đó đêm trăng giỡn
Bến nước nơi này nghịch nắng trưa
Cảnh cũ còn vương trong ký ức
Tình quê thắm thiết nói sao vừa.

Quên Đi
***
Các Bài Họa:

1/ Quê Xưa

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
Rau Răm, Rạch Chiết nối liền Miểu Ông...

Lộ đá trên vàm Ba Láng xưa,
Có cây me dáng lẫn bờ dừa .
Rạch Chiết lơ thơ chùa lá vắng,
Rau Răm lác đác bóng người thưa .
Trôi nổi lục bình theo nước lớn,
Bồng bềnh ba lá vớt bèo trưa.
Miểu Ông lẫn khuất hoàng hôn xuống,
Bát ngát hồn quê nhớ chẳng vừa!

2/ Quê Nay

Bờ - Kè Ba Láng hết như xưa,
Đường đúc khang trang vắng bóng dừa.
Rau Răm nhà máy người không vắng,
Rạch Chiết chùa xây khách chẳng thưa.
Bên vàm tấp nập dù chưa sáng,
Phía vịnh xôn xao mặc xế trưa.
Chợ nổi Cái Răng ồn sóng nước...
Miểu Ông khách viếng nói sao vừa!

Đỗ Chiêu Đức
07-02-2023
***
Đất Tổ

Dọc lộ Ông Bang vẫn lối xưa
Xa trông thẳng tắp những tàng dừa
Dăm nóc nhà tranh xơ xác vắng
Bờ đê lắm đoạn hắt hiu thưa
Khóm trúc trầm mình sương buổi sáng
Cây rơm hương ngạt nắng ban trưa
Lê Như vuông mộ đìu hiu gió
Hình bóng gia tiên chợt thoáng vừa

Kim Phượng
***
Trường Xưa 

Trường làng tôi học thuở ngày xưa
Trước cổng chơ vơ mấy ngọn dừa
Hàng hiên mái ngói rêu phong cũ
Lớp bảng ghế bàn lỏng chỏng thưa
Dăm ba trẻ đến từ mờ sớm
Một ít thầy về tận xế trưa
Thương lắm làm sao quên được nhỉ?
Kỷ niệm ngây thơ nhớ chẳng vừa

songquang
20230704
***
Ký Ức Tìm Về...

Quê cũ tìm về nhớ chuyện xưa
Bao nhiêu kỷ niệm dưới hàng dừa
Vườn vắng tiêu điều trơ trụi gốc
Nhà hoang xơ xác mái lưa thưa
Bụi chuối ba trồng từ buổi sáng
Dây trầu má dựng lúc ban trưa
Thế rồi Người đã ra đi mãi
Ký ức buồn ôi giọt lệ vừa…

Kim Oanh
***
Bài Cảm Tác:

Tình Quê Hương

Đà Nẵng Hoà Vang Cẩm Lệ xưa…
Hội An Vĩnh Điện bến sông dừa
Khái Đông hang động Hành Sơn vắng
Non Nước chùa Thiêng khách khứa thưa
Bến Mía Sông Hàn mưa phố sớm
Bạch Đằng đô hội gió thu trưa
Bình Khuê Cẩm dại khờ còn bé
Nhớ mãi tình quê biết mấy vừa

Mai Xuân Thanh
San Francisco July 04, 2023

Một dạng thơ Đường rất đặc biệt. Xin mời Độc giả xem bài viết:

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Khơi Chi Vết Thương Lòng

 

Làm sao quên được mối tình sâu
Nhung nhớ người xa giấc mộng đầu
Một thuở bên nhau giờ cách biệt
Đêm đêm ôm ấp bóng mơ sầu

Thôi đừng lưu luyến chuyện hương nồng
Đối bóng trăng tàn nhòa nhạt song
Duyên phận bẽ bàng duyên phận số
Tiếc chi khơi lại vết thương lòng

Đời như cánh nhạn xoải la đà
Bay mãi bay hoài vạn dặm xa
Mong ước một lần quay trở lại
Đỡ thương đỡ nhớ chút thôi mà…

Thế nên trong giấc ngủ mơ màng
Rộn rã thuyền tình chợt ghé sang
Bừng tỉnh ảo mờ ...mờ ảo ảnh
Là lần vĩnh viễn chuyến đò ngang.

Kim Oanh

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

Một Kiếp Hoa



Từ lúc người đi mắt nhạt nhòa
Niềm vui chôn kín chuyện tình ta
Áo xưa ấp ủ dư hương cũ
Chinh chiến tiễn người vạn dặm xa
 
Mờ mịt dòng đời trời đất thảm
Cánh hoa tan tác buổi chiều tà
Người ơi chạnh nhớ nơi xa ấy
Có tiếc thương về một kiếp hoa


Kim Oanh
9/5/2014

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Cảm Tác: Bến Xưa

  
(Ảnh: Kim Oanh)


Bến Xưa 

Nơi đây bến vắng đìu hiu
Thuyền đi một bóng cô liêu đợi chờ
Nơi đây bến vắng chơ vơ
Thuyền đi chở mảnh trăng mơ khuất dần
Thuyền đi xa mãi ngàn khơi
Từng dòng nước mắt tuôn rơi những chiều
Thuyền ơi! Bến vắng tịch liêu
Biết chăng một bóng quạnh hiu mỏi mòn?
Thuyền anh một chuyến quay về
Bến em ngày ấy trăng thề hẹn nhau
Tình xanh dù đã úa nhầu
Chờ nhau – Chờ những cơn đau… dịu dàng!

Kim Oanh
***
Bài Cảm Tác:

Bến xưa trở lại thấy đây người?
Hụt hững buồn riêng cho cái tôi
Nỗi đợi dặm dài nhờ gió cuốn
Niềm thương dạ xót gởi mây trôi
Hỏi chừng mấy nữa-này trăng nhỉ
Xem khoảng nhiêu đây-hả biển ơi?
Thao thức lệ sầu hoen gối mộng
Bến xưa trở lại thấy người đâu?

Thái Huy
***
Bài Cảm Đề:

Bến Đợi


Bến đợi đây mà thuyền mãi đâu?
Thuyền đi biền biệt, bến thêm sầu
Người theo thuyền ấy khơi niềm nhớ
Kẻ ở bến này dậy nỗi đau
Biết đến khi nao cùng gặp lại
Cầm bằng thôi nhé khó tìm nhau
Một mai...thuyền có quay về bến
Ngơ ngẩn vài giây...đã bạc đầu!


Tầm Nguyên