Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Lũng Tây Hành 隴西行 - Trần Đào

      

Người chinh phu đem thân ra chốn chiến trường sống chết chỉ cận kề trong gang tấc, không " túy ngọa sa trường " thì cũng " bạch đầu linh lạc " bâng khuâng thổi sáo chiều tàn biên khu, hay thảm hại hơn, lê lết tấm thân thương tật để tìm về quê hương ... Trong khi đó, ở nơi quê nhà người cô phụ luôn luôn mong mõi hằng đêm khoắc khoải mòn mõi đợi chàng về. Có biết đâu rằng lắm khi chàng đã da ngựa bọc thây hay đã xương phơi ngoài chiến địa ... Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tàn nhẫn như thế cả, mời tất cả cùng đọc bài thơ Lũng Tây Hành của Trần Đào dưới đây sẽ rõ ...

隴西行                    Lũng Tây Hành
陳陶                         Trần Đào

誓掃匈奴不顧身, Thệ tảo Hung Nô bất cố thân,
五千貂錦喪胡塵。 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần.
可憐無定河邊骨, Khả lân Vô Định Hà biên cốt,
猶是深閨夢裏人。 Do thị thâm khuê mộng lý nhân.

1. Chú thích:
TRẦN ĐÀO 陳陶(812—888)Thi nhân đời Đường, tự là Tung Bá 嵩伯, tự hiệu là Tam Giáo Bố Y 三教布衣. Ông người đất Lĩnh Nam, lúc nhỏ từng du học đất Trường An, giỏi thi thư, nhưng thi mãi vẫn không đậu tiến sĩ, nên ẩn cư trong rừng núi, tu tiên, về sau không biết ra sao. Ông để lại mười thi quyển "Trần Tung Bá Thi Tập 陳嵩伯詩集. Trong Toàn Đường Thi《全唐詩》có trích đăng 2 quyển thơ của ông.

Lũng Tây: là vùng đất thuộc núi Lũng Sơn của tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ hiện nay. Là vùng tranh chấp giữa Hung Nô và Hán.
Điêu Cẩm: Chỉ đoàn quân tinh nhuệ thiện chiến được trang bị quân trang quân dụng đầy đủ.
Vô Định Hà: Tên con sông thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà, nằm ở phía bắc của tỉnh Thiểm Tây, là một chiến địa ngày xưa.

2. Nghĩa bài thơ:
Khúc hát Lũng Tây

Thề quét sạch giặc Hung Nô mà chẳng màng đến thân mình, nên năm ngàn quân thiện chiến phải chôn thây nơi đất Hồ. Khá thương thay, những nắm xương trắng bên bờ sông Vô Định vẫn còn là người trong mộng của các nàng chinh phụ ở chốn khuê phòng !
Chiến tranh là tàn nhẫn như thế đó. Ta hãy nghe những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn nữ sĩ sau đây:

Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?
và ...
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

Khi khuyên Từ Hải quy hàng triều đình, Thúy Kiều cũng đã nhắc đến sự tàn khốc của chiến tranh trong "Năm năm hùng cứ một phương hải tần" của Từ Hải đã giết chết biết bao nhiêu là tướng sĩ của cả hai bên:

Ngẫm từ gây việc binh đao,
Đống xương VÔ ĐỊNH đã cao bằng đầu.

3. Diễn Nôm:
Lũng Tây Hành

Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
Khá thương xương trắng bờ Vô Định,
Vẫn cũng là người chinh phụ mong!

Lục bát:
Hung Nô thề quét chẳng màng,
Bên bờ Vô Định năm ngàn bỏ thây.
Khá thương xương trắng phơi đầy,
Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Khúc Hát Lũng Tây

1/
Đã thề quét sạch lũ Hung Nô
Binh sĩ năm muôn ngã đất Hồ
Xương rũ bờ sông Vô Định trắng
Khuê phòng chinh phụ thảy hoài mơ

2/
Đã thề quét sạch Hung Nô
Năm ngàn binh sĩ đất Hồ rã thây
Trắng sông Vô Định xương bầy
Lòng chinh phụ vẫn lắp đầy hoài mơ

Mai Thắng
220725
***
Khúc Hát Lũng Tây

I/
Hẹn thề giết giặc giữ non sông
Dẫu phải hy sinh vẫn một lòng
Xương trắng chất chồng nơi cửa ải
Khuê phòng, chinh phụ mỏi mòn trông

2/
Quyết thề giết giặc xâm lăng
Hy sinh thân xác xương tràn ải xa
Hung tin chẳng đến quê nhà
Khuê phòng, chinh phụ lệ nhòa đợi mong

3/
Chốn biên cương chàng thề giết giặc
Dấu hy sinh thân xác không màng
Nắm xương vô định sa tràng
Mỏi mòn, chinh phụ hai hàng lệ mong

Phương Hà  
***
Bài Ca Lũng Tây

1/
Giặc Hung Nô, quét sạch, hy sinh
Tử trận năm ngàn lính chiến tranh
Thảm thiết lang quân xương trận mạc
Thương thay chinh phụ dạ chung tình...!

2/
Giặc Hung, tử trận không màng
Năm ngàn chiến sĩ sa tràng chất thây
Nắm xương vô định trắng đầy
Ai người chinh phụ đêm ngày nhớ thương...?

Mai Xuân Thanh
July 25, 2022
***
Khúc Hát Lũng Tây

1/
Quét sạch Hung Nô há ngại gì
Năm ngàn binh tướng chẳng còn chi
Bên sông Vô Định xương chồng chất
Đâu nữa phòng khuê giấc mộng thì.

2/
     Diệt Hung Nô chẳng tiếc thân
Năm ngàn chiến sĩ Hồ Trần phơi thây
     Trên bờ Vô Định xương đầy
Hết mong trở lại sum vầy người thương.

Quên Đi
***
Lũng Tây Hành

1/
Đánh đuổi Hung Nô quyết một lòng
Đất Hồ vùi lấp xác thương vong
Trắng bờ Vô Định xương chồng chất
Gối lẻ khuê phòng vẫn mỏi mong

2/
Hung Nô quét sạch liều thân
Năm ngàn binh lính thây phân đất Hồ
Trắng bờ Vô Định xương khô
Sắt son chinh phụ vẫn cô phòng chờ

Kim Phượng
***
Lũng Tây Hành

Quyết lòng diệt sạch hung Nô
Năm ngàn tướng sĩ đất Hồ phân thây
Nắm xương Vô Định phơi bày
Khuê phòng chinh phụ đêm ngày mỏi mong

Kim Oanh


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Trả Ta Sông Núi -Thơ Vũ Hoàng Chương - Thư Họa: Vũ Hối

(Kỷ niệm Tết Tân Mão 2011 - Melbourne - Photo: Kim Oanh)

Trả Ta Sông Núi

Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
Trả ta sông núi bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta…
Trả ta sông núi từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta

Cờ báo phục hai bà khởi nghĩa
Ðuổi quân thù, xưng đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc, miếu đường uy nghi
Xót nòi giống, quản chi bồ liễu
Dòng Cẩm Khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời

Bể dâu mấy cuộc đổi dời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng
Mai Hắc Ðế, Phùng Hưng, Bố Cái
Liều thế cô dằng lại biên cương
Ðầu voi, Lệ Hải Bà Vương
Dù khi chiến tử vẫn gươm anh hào
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương, từng quyết thư hùng
Ngô Quyền đại phá Lưu Cung
Bạch Ðằng Giang nổi muôn trùng, sóng reo
Hồn tự chủ về theo lửa đuốc
Chữ thiên thu: Nam Quốc sơn hà
Phá tan nghịch lỗ không tha
Tướng quân Thường Kiệt gan già mấy mươi
Gươm chiến thắng trỏ vời Ðông Bắc
Hịch vải nêu tội giặc tham tàn
Dựng nhân nghĩa, vớt lầm than
Danh thơm ải ngoại, sấm ran biên thùy
Khí thiêng tỏa chói tư bề
Phường đô hộ có gai ghê ít nhiều?…

Cửa Hàm Tử vang teo vết cáo
Bến Chương Dương cướp giáo quân thù
Trận Ðà Mạc dẫu rằng thua
Làm Nam quỷ, chẳng làm vua Bắc đình
Chém kiêu tướng, đồn binh Tây Kết
Triều Phú Lương gầm thét giang tân
Phá cường địch báo hoàng ân
Trẻ thơ dòng máu họ Trần cũng sôi
Kìa trận đánh bèo trôi, sóng dập
Sông Bạch Ðằng thây lấp xương khô
Những ai qua lại bây giờ
Nghe hơi gió thoảng, còn ngờ quân reo
Hịch Vạn Kiếp lời khêu tướng sĩ
Hội Diên Hồng quyết nghị toàn dân
Khuông phù một dạ ân cần
Vó thiêng ngựa đá, hai lần bùn dây
Sơn hà mấy độ lung lay
Máu bao chiến sĩ nhuộm say mầu cờ

Cảm ý núi ngồi mơ độc lập
Thuận tình sông trôi gấp tự do
Ấy ai đầu dựng cơ đồ
Gấm thêu lời chiếu Bình Ngô thuở nào
Cơn nguy khốn ra vào sinh tử
Thân nằm gai, lòng giữ sắt son
Linh Sơn lương chúa hao mòn
Quân tan Côi Huyện, chẳng còn mảy may
Chén rượu ngọt cùng say thấm thía
Tình cha con mà nghĩa vua tôi
Thuận dân là hợp ý trời
Sử xanh chót vót công người Lam Sơn

Quốc dân chung một mối hờn
Cần câu đánh giặc mà hơn giáo dài
Chống ngoại địch, gươm mài quyết chiến
Voi Quang Trung thẳng tiến kinh kỳ
Phá Thanh binh trận Thanh Trì
Sông Hồng khoảng khắc lâm ly máu hồng
Núi dậy sấm cho sông lòe chớp
Cờ Tây Sơn bay rợp Bắc Hà
Xác thù xây ngất Ðống Ða
Bụi trường chinh hãy còn pha chiến bào

Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi
Cường quyền vẫn muôn đời cưỡng áp
Dưới bàn tay giặc Pháp càng đau
Chúa tôi nhỏ lệ cùng nhau
Khua chiêng hải ngoại, rừng sâu kéo cờ
Dạ Cần Vương trơ trơ thiết thạch
Kẻ Văn Thân, hiệp khách cùng chung
Hoàng Hoa Thám, Phan Ðình Phùng
Khói reo Thanh Nghệ, lửa bùng Thái Nguyên
Hợp Nghĩa Thục kết liên đồng chí
Xuất dương tìm tri kỷ Ðông Ðô
Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ
Long đong bốn bể, mưu đồ cứu dân
Vận nước chửa hết tuần bĩ cực
Sức người khôn đọ sức ông xanh
Mỗi phen gắng gỏi tung hoành
Thương ôi! sự nghiệp tan tành mỗi phen
Nguyễn Thái Học gan bền, chí cả
Họp đồng bang gióng giả nên đoàn
Rừng xanh bụi cỏ gian nan
Mong đem nhiệt huyết dội tan cường quyền
Tổ chức việc tuyên truyền, ám sát
Khắp nơi nơi, từng hạt, từng châu
Xiết bao hy vọng buổi đầu
Một đêm Yên Bái ngờ đâu tan tành

Ôi Việt sử là tranh đấu sử
Trước đến sau cầm cự nào ngơi
Tinh thần độc lập sáng ngời
Bao người ngã, lại bao người đứng lên
Ngày nay muốn sông bền, núi vững
Phải làm sao cho xứng nguời xưa
Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
Bốn phương một ý: phụng thờ giang sơn
Ðừng lo yếu, hãy chung hờn
Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài

Trả núi sông ta! lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai
Trả ta sông núi! câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc cờ.

Tác giả: Vũ Hoàng Chương

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Tanka 1

 

Trăng thượng huyền
nhắn gửi lời chi sao?
đêm nay
đất trời mờ ảo
chỉ thấy đêm trong đêm...


dovaden2010

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Cụ Trần Văn Hương


Lược Sử Cụ Trần Văn Hương (1902-1982)

Người tỉnh Vĩnh Long . Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Dạy học tại trường Collège Le Myre De Villers Mỹ Tho. Sau đó làm Đốc Học tỉnh Tây Ninh.
Ô. Trần Văn Hương Thời kỳ kháng Pháp 1945: Ông tham gia Việt Minh giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Tây Ninh.

Vào năm 1946, do biết lực lượng Việt Minh là Cộng sản và họ bắt nhiều trí thức gán cho là Việt gian, rồi đem thủ tiêu. Vì vậy Ông từ bỏ Việt Minh về quê ẩn dật. Sau đó, Ông lên Sài Gòn làm trong hiệu thuốc Tây cho đến năm 1954.
Sau Hiệp định Genève 1954, vào năm 1955, Ông được bổ nhiệm Đô Trưởng Sài Gòn ngắn hạn, dưới thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, năm 1964, Ô. giữ chức Đô Trưởng Sài Gòn lần thứ hai. Tháng 11 năm 1964, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời Ông giữ ghế Thủ Tướng (1964-1965) .
Năm 1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại mời ông ra làm Thủ tướng lần thứ hai ( 1968-1969 ).
Năm1971, Ông cùng Ô. Nguyễn Văn Thiệu liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông giữ chức vụ Tổng Thống được 7 ngày thì giao cho Tướng Dương văn Minh.

Cụ Hương có hai người con trai. Con trai lớn là Trần Văn Dõi, con thứ là Trần Văn Đính. Trần Văn Dõi theo Việt Minh rồi ra Bắc. Trần Văn Đính làm phụ tá cho cha ở Sài Gòn.
Cụ mất ngày 27 tháng 1 năm 1982, tức ngày mồng 3 Tết Nhâm Tuất, thọ 80 tuổi...!!

Những Chuyện Về Cụ Hương:

1 - Sợ Tốn Công Quỹ: sau khi nghỉ làm Thủ Tướng năm 1969, Cụ Hương về ơ ̉căn nhà mang số 216A Phan Thanh Giản ( nay đổi là đường Điện Biên Phủ) cho đến sau sự kiện năm 1975... và mãi tới lúc mãn phần...!!
Đây là một căn nhà loại song lập, nhỏ hẹp nằm sâu trong hẻm . Nhà đã lâu năm, cũ kỹ, xuống cấp, lại trong hẻm người ta chê, nên mới còn.
Trước khi Cụ về ở, nhà nước định sửa sang lại cho tươm tất hơn. Song, sợ tốn công quỹ, chính Cụ Hương đã từ chối không cho sửa.
Nhờ đó, ngôi nhà còn được yên sau vụ 1975, không bị VC chiếm như những căn khác.

2 - Khí khái:

-- Ngày 29 tháng 4 năm 1975 , viên đại sứ Hoa Kỳ Martin đích thân đến dinh Phó Tổng Thống đường Công Lý mời Cụ đi lánh nạn CS. Đại Sứ Martin nói:
" - Thưa tổng thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời tổng thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà tổng thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày Tổng Thống trăm tuổi già ”.

Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời:
" - Thưa ông đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông đại sứ đã đến viếng tôi "
– Lần sau cùng, trước cảnh tang hoang của đất nước, trong hoàn cảnh khó khăn cuả Cụ Hương, Đại sứ của các nước Pháp, Úc có cho người đến thăm Cụ. Họ nói rằng họ có thể can thiệp với Việt Cộng để Cụ ra khỏi nước với lý do đi trị bệnh. Nhưng Cụ vẫn từ chối, quyết ở lại chia sẻ cùng dân quân Miền Nam sự nhục nhằn và nghèo đói dưới chế độ mới.

3 - Khảng khái: 

Năm 1977, VC đề nghị trao trả quyền công dân cho Cụ. Nhưng Cụ khước từ và nói rằng:
" - Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!”
Mấy ngày sau VC cho người cằm giấy tới nhà với lịnh " Quản thúc taị gia ", cấm Cụ ra khỏi nhà. Cụ nói với người trong gia đình " Tao già rồi, đâu cần đi ra ngoài làm chi, mà cấm với không cấm. "

4 - Ngày Mãn Phần: 

Cụ Hương mất nhằm mùng 3 Tết, năm Nhâm Tuất ( 1982 ), con trưởng của Cụ là Trần Văn Dõi ra Phường để xin mua một cái hòm quốc doanh, nhưng người tài xế trung thành của Cụ chận lại. Rồi anh này vào Chợ Lớn mua một cỗ quan tài gỗ với giá 10.000 đồng (tiền Việt Cộng bấy giờ). Anh Tàu nghe nói là mua cho cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương bèn bớt xuống còn 5.000 đồng.
Tang lễ Cụ Hương tổ chức đơn sơ nhưng cảm động... , thi hài Cụ được hỏa táng tại Lò thiêu Thủ Đức. Với sự có mặt đông đủ học trò cùng hầu hết nhân sĩ miền Nam. Họ đã không ngại công an rình rập, đang lảng vảng quanh lò thiêu.

Chuyện Bên Lề về cụ Trần Văn Hương:

 

1 - Làm Đô Trưởng: 
Nhận chức Đô Trưởng lần đầu năm 1955, Ông Trần Văn Hương cỡi xe đạp đến nhiệm sở, người gác cổng không cho Ông vào. Ông từ tốn lấy giấy bổ nhiệm chứng minh là Đô Trưởng, nhân viên gác cổng xin lỗi và cho Ông vào. Ông nói chú em làm vậy là đúng. Qua không phiền đâu.

2 - Viếng Mộ Ông Nguyễn An Ninh: 
Khi làm Phó Tổng Thống, có lần Cụ Hương đã ra Côn Đảo bằng máy bay ngậm ngùi viếng phần mộ chí sĩ Nguyễn An Ninh và nhiều vị đã hy sinh trong công cuộc kháng Pháp.
Ông Nguyễn An Ninh sinh năm 1900, người Cần Giuộc Chợ Lớn ( nay thuộc Long An ), nhà trí thức, nhà văn, nhà báo chống Pháp. Ông mất trong tù vào ngày 14 tháng 8 năm 1943, hưởng dương 43 tuổi.

3 - Câu Đối: 
Vào dịp cuối tuần, có lần Cụ Hương mời TT Thiệu cùng gia đình tới chơi và mời cơm tại tư dinh. Trong lúc chuyện vãng, cao hứng Tổng Thống ra câu đối:

" Ninh Thuận nhứt Tổng Thống "
Ứ́ng khẩu Cụ Hương đáp:

" Vĩnh Long ngũ Thủ Tướng "

Hai Ông đồng cười xoà vui vẻ...

4 - Ngày Con Trở Về: 

 Cụ Hương có ngôi nhà xưa cũ ở Vĩnh Long, sau vụ 1975 ngôi nhà đã bị VC lấy.
Mãi sáu tháng sau, ông Trần Văn Dõi con trưởng cuả Cụ mới về tới. Cụ Hương có hai câu thơ mai mỉa tặng cho con:
" Mừng ngày " Cách Mạng " thành công
Trở về quê cũ thì không còn nhà...!! "

5 - Sống Túng Thiếu: 

Cuộc sống thiếu thốn đến đỗi Cụ Hương cho người nhà đem bán những thứ bán được như là: mấy bộ đồ Vest cuả Cụ, củ sâm quí...
Những người cũ, từng làm dưới quyền, biết Cụ đang cảnh thắt ngặt, có chút ít gạo tiền... cũng dè sẻn đem đến kính biếu Cụ. Cụ rất cảm động, song ái ngại chỉ nhận một phần nhỏ tượng trưng, và bảo đem về chi dụng trong gia đình...!!

6 - Hiệu Kỳ: 

Sinh thời khi làm Phó Tổng Thống, Cụ Hương có cờ hiệu màu vàng, ở giữa thêu cây Thanh Tùng đứng thẳng, trông phong cách rất thanh cao. Và vì vậy người đương thời thường gọi phủ Phó Tổng Thống là phủ Cây Tùng.

Phần Kết:

Trong tập thơ Lao Trung Lãnh Vận, cụ Trần Văn Hương có câu:

" Ra quân những tưởng nhằm phương ấy
Tính nước ai hay nghịch thế nầy "

Quả là nghịch. Nghịch cảnh cho cả dân tộc giống nòi nói chung, cho chính Cụ Hương nói riêng. Cụ đã mang niềm bi phẫn về phương Đoài biết thuở nào phai...!! Và con đường tương lai dân tộc: Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền còn dài thăm thẳm ngoằn ngoèo như dòng Cửu Long giang!!
Đọc cổ sử truyện Văn Thiên Tường đời Nam Tống, chúng ta thấy hai ÔNG có những điểm giống nhau về: cá tánh, hoàn cảnh, chức vụ, nguyện vọng...
Cũng làm Thừa Tướng đồng nhiệm, cũng ôm mộng non sông, mong thay đổi cuộc cờ nhằm cứu vãn nước nhà, cứu nguy dân tộc. Nhưng kết cục, cả hai ÔNG đều ôm nỗi u hoài dằng dặc mãi không nguôi...!!
 
Tuy nhiên cả hai Ông đã:

" Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh "
Văn Thiên Tường 

( Xưa nay ai sống mà không chết
Để tấm lòng son rạng sử xanh..!! )

NMT dịch

Ngoài ra, cũng xin chép 2 câu thơ trong Tuyệt Mệnh Thi của Ông Thủ Khoa Huân, nhằm tỏ rõ tấc lòng cuả hậu sinh đối với những danh nhân vận khứ :

" Anh hùng mạc bả doanh thâu luận
Vũ trụ trường khan tiết nghiã lưu... "

( Hãy lắng nghiã trung lưu vũ trụ
Chớ đem thành bại luận anh hùng...
NMT dịch

Tới đây, để kết thúc tiểu truyện về Cụ Trần Văn Hương, người biên soạn kính cẩn dâng lên Cụ hai câu:

" Tùng xanh hạc trắng non cao
Gương trăng lồng lộng chiếu vào... thiên thu "

Bây giờ ngày Tết gần kề, ngày giỗ Cụ gần kề. Có cánh chim Việt bị bão lạc bầy, ngàn trùng cách xa tổ ấm, cõi lòng trẩy gió heo may...!!
Mùa Đông Bắc Mỹ, ngoài trời tuyết bay phơi phới... Cố hương thương nhớ vời vời... vời vời...!!

Nguyễn Minh Thanh kính bút
( Nguyên Đán Giáp Tý, GA - 2020 )

*Văn Tống Thụy: tên tự của Văn Thiên Tường (1236 - 1283)
Nguồn: - Trang web Trần Văn Hương
- Ba Nhân Cách Lớn Của Cụ Trần Văn Hương, tg Người con Việt miền Nam
- Theo lời kể của sĩ quan làm việc với Cụ Hương, ....

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Cảm Tác Trăng Non

 

Trăng Non 

Trăng non nửa mảnh lưng trời
Hết mùa chờ mãi nửa vời xa xôi…
Trăng non thao thức bồi hồi
Hết mùa lặng lẽ sầu lời thở than
Trăng non lơ lững canh tàn
Hết mùa cô quạnh bẽ bàng Trăng non

Kim Oanh
***
Các Bài Cảm Tác: Y Đề

Ai mang trăng đặt giữa trời?
Nửa như gần gủi, nửa vời vợi xa
Trăng non, rồi sẽ trăng .. già
Có đâu như núi: mãi là núi … non?!
Bình minh nào cũng … hoàng hôn
Hãy như môi: mãi … môi son với “người” 

BP

***
Trăng nhớ ai trăng non nửa mảnh
Để đêm nay ai thao thức tàn canh
Thắt thẻo nhớ người xa vạn dặm
Trăng gác song thưa , gió lay cành

Kim Phượng Phùng(Canada)

***
Một mảnh trăng non dán giữa trời
Gợi sầu nhân thế đó trăng ơi !
Thương người viễn xứ lòng đau xót
Nhớ kẻ phương xa dạ rối bời

Songquang

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Níu Ánh Dương - Chiều Hiu Hắt

 

Bài Xướng:

Níu Ánh Dương


Chạng vạng sầu lòng níu ánh dương
Niềm đau khắc khoải những vô thường
Trùng khơi vạn lý thân lưu lạc
Biệt xứ bạc ngàn khách viễn phương
Đất Mẹ ngạt ngào tình lúa mới
Quê Cha đậm thấm mối tình vương
Một trời hy vọng còn đâu nữa
Chạng vạng sầu lòng niú ánh dương

Kim Oanh​

***
Bài Họa:

Chiều Hiu Hắt

Nghiêng chiều thoi thóp ánh tà dương
Núi đứng trơ vơ dáng khác thường
Sườn ướp lá vàng sầu viễn xứ
Đỉnh ươm mây trắng hận tha phương
Mây bay vẫn chở niềm nhung nhớ
Lá rụng còn mang nỗi vấn vương
Cố quốc chập chùng rừng điệp điệp
Thông già buồn bã... ngắm tà dương!!

Nguyễn Minh Thanh



Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

Trăng Non

(Ảnh: Trăng Non - HồnViệt Radio)

Cảm Đề: Trăng Non

Trăng non nửa mảnh lưng trời
Hết mùa chờ mãi nửa vời xa xôi…
Trăng non thao thức bồi hồi
Hết mùa lặng lẽ sầu lời thở than
Trăng non lơ lững canh tàn
Hết mùa cô quạnh bẽ bàng Trăng non

Kim Oanh


 

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Tổng Thống Trần Văn Hương

 

Xuất thân nhà giáo dạy văn chương
Kháng Pháp chân in những nẻo đường
Hợp tác Việt Minh vai Chủ Tịch
Giã từ Cộng Sản sống thuần lương
Tân triều lận đận làm Đô Trưởng
Thủ Tướng lao đao giữ chính trường
Tổ Quốc bềnh bồng... ngôi Tổng Thống
Quyết theo mệnh nước rũ tàn xương...!!

Xương tàn Tổng Thống chẳng nhà riêng
Khí tiết xưa nay rất khó tìm
Dòng suối gương trong đời giản dị
Đỉnh non tuyết trắng tiếng thanh liêm
Martin tới rước: - không rời xứ
Việt Cộng mời trao: - hứa nhận quyền:
(" Cải Tạo" chừng nào về hết cả
Bấy giờ sẽ nhận cái phần riêng...?!)

Riêng dạ ưu phiền trước nhố nhăng
Kiêu binh mặt sắt sát đằng đằng
Cường quyền cỡi cổ: - nhà vào chiếm
Bạo lực đè đầu: - của giựt ăn
Cả xứ ùn ùn đang vượt biển
Nhiều nơi rục rịch định rừng băng
Thân già đỏ mắt ngồi khô... khóc
Nước Việt mênh mông... sóng nhục nhằn...!!

Nhục nhằn chung chiụ..., sử lưu phương
Tư thái ung dung giữa bạo cường
Thuở trước trung thành Văn Tống Thụy
Thời nay tiết tháo Trần Văn Hương
Chẳng màng đất khách tìm an hưởng
Thà sống quê nhà nhận tổn thương
Vẫn biết chim lồng ngàn khổ nạn
Dân Nam sĩ khí dễ xem thường...??!

Nhằm Tết tinh anh thăng về cõi
Tịnh Độ tiêu dao vợi... nỗi sầu...!!
Kính cẩn cúi đầu Hương toả khói...
Bao người thổn thức... nén dòng châu...!!

Tùng xanh hạc trắng non cao
Gương trăng lồng lộng chiếu vào... thiên thu...!!

Nguyễn Minh Thanh

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

Lưu Oanh 流鶯 - Lý Thương Ẩn

  


Nguyên tác           Dịch âm

流鶯                     Lưu Oanh

流鶯漂蕩復參差 Lưu oanh phiêu đãng phục sâm si,
渡陌臨流不自持 Độ mạch lâm lưu bất tự trì.
巧囀豈能無本意 Xảo chuyển khởi năng vô bổn ý,
良晨未必有佳期 Lương thần vị tất hữu giai kỳ.
風朝露夜陰晴裡 Phong triêu lộ dạ âm tình lý,
萬戶千門開閉時 Vạn hộ thiên môn khai bế thì.
曾苦傷春不忍聽 Tằng khổ thương xuân bất nhẫn thính,
鳳城何處有花枝 Phụng thành hà xứ hữu hoa chi.

Chú giải:

Bài này tác giả mượn vật ngụ tình, phản ánh cuộc sống lưu lạc không gặp vận, không chốn nương thân, cuộc sống "mười năm ở chốn kinh thành đói và rét" (thập niên kinh sư hàn thả ngạ - Phàn Nam giáp tập tự) của tác giả.
Phiêu đãng phục sâm si: Phiêu đãng, sâm si: chỉ sự vật vờ, lưu lạc.
Phụng thành: Tức kinh thành. Bài thơ Dạ của Đỗ Phủ có câu: "Bộ thiềm ỷ trượng khan ngưu đẩu, Ngân Hán dao ưng tiếp phụng thành" (Đi dạo dưới trăng, chống gậy nhìn sao Ngưu Đẩu, Sông Ngân xa xa như sà xuống thành phượng). Triệu Thứ Công chú rằng: "Con gái Tần Mục Công là Lộng Ngọc thổi tiêu, chim phụng liền sà xuống thành, nên gọi là Đan phụng thành. Về sau người ta gọi kinh thành là phụng thành".

Dịch thơ

Chim Oanh Lưu lạc

Chim oanh phiêu lãng sống vật vờ,
Lúc ở ven sông lúc bụi bờ.
Bản tính hót hay là hữu ý,
Thanh bình vị tất đã nên thơ*.
Sương đêm gió sớm dầm mưa nắng,
Cửa đóng then cài chơi nhởn nhơ.
Từng xót thương xuân oanh muốn đậu,
Chỗ nào thành Phụng lắm cành hoa?
----
Bài thơ thuộc thể tỷ.
Lý Thương Ẩn dùng lời của chim oanh để viết tiểu sử của mình. Những câu trong ngoặc là nghĩa bóng, nói về Lý Thương Ẩn.
Câu 1:
Chim oanh sinh ra đời để sống phiêu lãng ca hát (mình sinh ra đời để làm thơ trữ tình).
Câu 2:
Nó sống vật vờ vô định, không nhà cao cửa rộng, chỉ đậu trên mấy cành hoa (mình chỉ được đời ban cho chức thư lại quèn và sống khiêm nhượng trong nhà tranh vách đất).
Câu 3 & 4:
Hót hay là bản chất của nó, lúc thanh bình thì chưa chắc nó hót hay như vậy (làm thơ hay là tài thiên phú của mình, nếu được hưởng hạnh phúc thì chưa chắc thơ mình hay như vậy).
Câu 5 & 6:
Nó hót trong trời nắng hay trời mưa, trong gió sớm hay sương chiều, ngàn nhà đóng cửa cài then thì nó hót ngoài vườn (mình làm thơ trong lúc vui, lúc buồn, lúc trẻ, lúc già, không có ai đọc thì cất thơ trong tủ).
Câu 7:
Chim oanh còn đậu trên cành là còn mùa xuân (mình còn sống thì còn làm thơ).
Câu 8:
Chỗ nào trong thành Phụng có nhiều cành hoa cho chim oanh đậu? (địa vị nào trong xã hội xứng cho mình thi thố tài năng?).

Con Cò
***
Chim Oanh Lưu Lạc

Con oanh phiêu lãng vật vờ trôi
Bờ ruộng, bến sông chẳng quyết đời
Hát khéo nào đâu không chủ ý
Sáng lành chưa hẳn trọn ngày tươi
Gió mai, sương tối trong mưa, nắng
Ngàn cửa, vạn nhà mở, khép nơi
Từng khổ thương xuân nghe chẳng nỡ
Phụng thành còn chỗ nhánh hoa lơi?

Lộc Bắc
Jul22
***
Chim Oanh Lưu Lạc

Chim oanh lưu lạc vật vờ bay,
Bất kể rừng sông khắp đó đây.
Hót khéo nào đâu không bản tính,
Ngày lành chẳng dễ xuất kỳ tài.
Sương chiều gió tối trời mưa nắng,
Vạn cửa ngàn nhà cổng mở cài.
Từng khổ thương xuân nghe chẳng đặng,
Phụng thành nao chốn có hoa cây.

Mỹ Ngọc 
July 2/2022.
***
Cánh Chim Trời | Lãng Tử

Phiêu du khắp nẻo dặm đường xa
Bờ ruộng bến sông ấy cửa nhà
Chiều tối mưa sương ngày nắng giãi
An nhiên múa hót với ngâm nga
Cổng người khép, mở nào hay biết
Phát tiết tinh anh lọ gió hòa
Mỗi độ Xuân tàn lòng thống khổ
Đất lành chim đậu mách giùm ta

Yên Nhiên
***

Chim Oanh Lưu Lạc

Chim Oanh lưu lạc khắp nơi
Băng rừng xuyên ruộng biển khơi xoãi mình
Líu lo chẳng gợi ý tình
Chỉ mong nắng đẹp yên bình sớm mai
Sương đêm gió chuyển mưa đầy
Nhà nhà cửa đóng chim bay chẳng màng
Nỗi buồn cam chịu xuân tàn
Kinh thành liệu có an nhàn ẩn thân

Kim Oanh
***
Chim Oanh Lưu Lạc

Chim Oanh lưu lạc lại lênh đênh,
Ruộng lúa, ven sông chẳng tự mình,
Cất tiếng ca hay nào cố ý,
Sáng lành chưa chắc được ngày yên,
Sương đêm, gió sớm, dù mưa nắng,
Vạn cửa ngàn nhà đóng mở then
Tiếng hót thương xuân nghe chẳng nỡ,
Phụng thành đâu chốn có cành chen?

Bát Sách.
(ngày 02 tháng 07 năm 2022)
***
流鶯-李商隱 Lưu Oanh - Lý Thương Ẩn

流鶯漂蕩復參差 Lưu oanh phiêu đãng phục sâm si,
渡陌臨流不自持 Độ mạch lâm lưu bất tự trì.
巧囀豈能無本意 Xảo chuyển khởi năng vô bổn ý,
良晨未必有佳期 Lương thần vị tất hữu giai kỳ.
風朝露夜陰晴裡 Phong triêu lộ dạ âm tình lý,
萬戶千門開閉時 Vạn hộ thiên môn khai bế thì.
曾苦傷春不忍聽* Tằng khổ thương xuân bất nhẫn thính,
鳳城何處有花枝 Phụng Thành hà xứ hữu hoa chi.

Lý Nghĩa San Thi Tập Chú - Đường - Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱 và Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 cho dị bản trong câu 7 với chữ tư思 thay vì nhẫn忍.
Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書 và Ngự Định Uyên Giám Loại Hàm - Thanh - Trương Anh 御定淵鑑類函-清-張英 không cho dị bản.
Lưu ý: Thi Viện phiên âm sai câu 5 và câu 7.

Ghi chú:

Lưu oanh: loại chim oanh không có chỗ ở nhất định; chữ lưu流 gồm 3 chữ thủy氵, khứ去 và xuyên川, lưu là chảy xuyên như nước, uyển chuyển
Phiêu đãng: đung đưa trong không khí với gió, lang thang vô định, lưu lạc
Sâm si: xuất hiện không đồng đều, đa dạng và phức tạp, không nhất quán; mâu thuẫn, vật vờ
Tự trì: tự kềm chế, sửa chữa, duy trì, kiểm soát hoặc đối phó với bản thân
Chuyển: chim quay lại và hót
Khởi năng: làm thế nào nó có thể được; làm thế nào nó có thể được.
Vô bổn: không có nguồn gốc, xuất xứ
Lương thần: ngày tốt lành; thần là lúc mặt trời mới mọc
Vị tất: không nhất thiết
Giai kỳ: thời gian tốt nhất, tuyệt vời
Phong triêu: buổi sớm nhiều gió; bài Sử Hoàn Đô Tương Đông Tác 使还都湘东作 của Trương Cửu Linh có câu: “phong triêu tân thụ lạc, nhật tịch lĩnh viên bi 風朝津樹落,日夕嶺猿悲”.
Lộ dạ: đêm sương phủ đầy
Âm tình: ẩn dụ cho đắc chí nhưng thất ý; thoả được lòng mong muốn của mình, nhưng không được vừa lòng
Vạn hộ thiên môn: thật nhiều người
Khai bế: mở và đóng, âm dương thay đổi
Thương xuân: nỗi buồn và sự chán nản do mùa xuân đến. Câu xưa nói đến hình phạt vào mùa xuân: trời không nắng nên gọi là xuân thương.
Bất nhẫn: không thể chịu đựng được, không thể chịu nổi, cảm thấy khó khăn về mặt tình cảm
Phụng/phượng thành: Kinh thành Trường An; bài thơ Dạ夜 của Đỗ Phủ có câu: “Bộ thiềm ỷ trượng khán Ngưu Đẩu, Ngân Hán dao ưng tiếp Phụng thành 步蟾倚杖看牛鬥,銀漢遙應接鳳城 Đi dạo dưới trăng, chống gậy nhìn sao Ngưu Đẩu, Sông Ngân xa xa như sà xuống Thành phượng”.
Triệu Thứ Công có ghi chú về bài thơ của Đỗ Phủ như sau: “Con gái Tần Mục Công là Lộng Ngọc thổi tiêu, chim phụng liền sà xuống thành, nên gọi là Đan Phụng Thành. Về sau người ta gọi kinh thành là phụng thành”.
Hoa chi: cành hoa, dùng để chỉ nơi sinh sống của chim oanh. Phượng Thành tuy rằng có hoa cùng cành, nhưng chim oanh không thể làm nhà, nên có đau thương xuân, không cam lòng nghe chim hót sầu đau.

Dịch nghĩa:

Chim Oanh Lưu Lạc

Chim oanh lưu lạc khắp nơi, bay lên đáp xuống,
Lúc ở bờ ruộng lúc ở bến sông, không tự chủ được mình.
Làm sao chim quay đầu hót mà không có ý,
Ngày tốt chưa chắc hẳn là có thời gian đẹp đẽ.
Dầu trong gió sớm sương đêm hay trời mưa trời nắng,
Bất kể muôn ngàn nhà cửa đóng hay mở chim oanh vẫn cứ bay.
Ta từng buồn khổ khi mùa xuân hết, không chịu nổi nghe tiếng chim hót,
Ở Kinh thành nơi nào có cành hoa cho chim oanh đậu không?

Dịch thơ:

Oanh Lưu Lạc

Chim oanh lưu lạc khắp nơi nơi,
Vườn ruộng bến sông rừng biển khơi.
Múa hót quay đầu không có ý,
Ngày lành chưa hẳn lúc vui chơi.
Dù cho sương gió ta thư thả
Bất kể dân tình như thảnh thơi.
Xuân hết chán nghe tiếng hót xướng,
Kinh thành nào chỗ được yên ngơi.

Wandering Oriole by Li Shang Yin

Oriole, wandering everywhere, flying up and down, in the paddy field, near the river, crossing his own path, unable to hold himself.
How could he have no intention to hum beautifully? When it comes to a good day, there may not be a good time.
It does not matter whether there is early wind on a sunny day or the night is overcast, and when the thousands of doors open and close.
I suffer the end of spring and couldn't bear to listen to his chirping anymore. Where are the flowering branches in the capital for him to perch?

Phí Minh Tâm

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Cảm Đề Hoàng Hạc Lâu

  


Bài Xướng:

Cảm Đề Hoàng Hạc Lâu 

     Từ Tiên đắc đạo về trời
Lầu Thơ bỏ lại cho đời bơ vơ
     Hạc vàng đâu nữa mà chờ
Ngàn năm mây trắng vẫn lờ đờ trôi
     Trường Giang lớp lớp sóng vùi
Tầm Dương đất trích ngậm ngùi vong thân
     Bể dâu một cuộc bao lần
Chút tình chữ nghiã còn ngần này sao

Phạm Khắc Trí
***
Các Bài Họa :

Ôn Cố Tri Tân

     Hạc vàng sải cánh lên trời
Lầu thơ vắng vẻ bên đời vu vơ
     Hả âu phi xứ ai chờ...?
Ngàn thu mây trắng lững lờ êm trôi
     Trường Giang sóng cuộn dập vùi
Tầm Dương bến nước bùi ngùi tấm thân
     Tang điền thương hải mấy lần...
Tri tân ôn cố có ngần ấy sao?

Mai Xuân Thanh
April 14, 2022
***
Hoàng Hạc Cảm Hoài

     Người xưa về với đất trời
Lầu kia còn đứng bao đời chơ vơ
     Hạc còn đâu nữa đợi chờ
Bao thu mây trắng vẫn lờ lờ trôi
     Tương lai vội sớm chôn vùi
Thế thời chẳng thuận ngùi ngùi thương thân
     Quê hương thay đổi thêm lần
Luyến lưu chả lẽ chút ngần đó sao?

Quên Đi
***
Nhạc Dấu Lầu Xưa

     Người thơ cỡi hạc lên trời
Lầu vàng quạnh quẽ bên đời vất vơ
     Có còn chi để ngóng chờ
Bóng người mờ mịt lặng lờ mây trôi
     Thời gian sóng dập mưa vùi
Lầu xưa lặng lẽ bùi ngùi thương thân
     Trùng tu vẫn mãi lựa lần
Người sau qua lại tần ngần ...nghĩ sao?

Phương Hà
***
Hoàng Hạc Cám Cảnh

     Bể dâu có phải cơ trời
Lầu hoang vắng ngắt cả đời vẩn vơ
     Mong chi hoàng hạc mà chờ
Đành thôi mây trắng lững lờ trôi trôi
     Xót thương phần số dập vùi
Lấy ai san sẻ ngùi ngùi tương thân
     Trái ngang âu chỉ một lần
Thân giòn phận mỏng đến ngần ấy sao

Kim Phượng
***
Cảm Hoài Hoàng Hạc …

     Chấp đôi cánh hạc lên trời
Lầu hoang hiu hắt mảnh đời chơ vơ
     Còn đâu mà ngóng với chờ
Ngàn năm mây trắng lững lờ lướt trôi
     Ba đào sóng cuộn xô vùi
Bóng câu qua cửa bùi ngùi một thân
     Hoàng hôn nhạt ánh phai lần
Đêm cô tịch bóng tần ngần tại sao...

Kim Oanh
***
Bài Cảm Tác:

Hoàng Hạc Lâu Cảm


Đã về trời khi tiên đắc đạo
Bỏ lầu thơ diện mạo chơ vơ
Hạc vàng đâu nữa mà chờ
Ngàn năm mây trắng lững lờ buồn trôi
Sông Trường Giang dập dồi sóng vỗ
Bến Tầm Dương châu thổ ngậm ngùi
Cuộc đời dâu bể ráng vui
Chút tình để lại sáng ngời làm sao!

Song Quang

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

Để Nhớ Một Thời... - Biển Tình

 
 
         (Hình Ảnh: Kim Oanh)

Bài Xướng:

Để Nhớ Một Thời...


Biển thuở đó cũng sáng ngời ánh nguyệt
Tình cao dâng ước hẹn với đoan nguyền

Dù khó khăn giữa trùng khơi chảy xiết
Vẫn song hành cương quyết chẳng hề lơi
Vết tình in trên cát khắc thành lời
Để nhớ mãi một thời chung lối mộng

Cuồng nộ oan tình sóng xô gió lộng
Xoá nhòa bao khát vọng của ngày xưa
Biển chiều nay yên lắng chẳng giọt mưa
Vì đâu bão quật đời ta nghiêng ngữa

Thì thôi..
Để nhớ một thời yêu không còn nữa
Mượn ốc nhốt hồn chôn giữa ngàn khơi!

Kim Oanh
Noosa Beach Oct/2018
***
Bài Họa:

Biển Tình

Biển ngày đó chúng mình ngồi ngắm Nguyệt
Tình yêu ta cũng tuyệt diệu thề nguyền

Câu nhớ thương với muôn ngàn thống thiết
Vẫn đồng hành nhất quyết chẳng buông lơi
Mối tình ta đậm dấu khắc nên lời
Và đã trải trọn đời đem ướp mộng

Giữa trùng khơi sóng gió xô lồng lộng
Chẳng xoá nhoà dấu vết buổi xa xưa
Biển hôm nay cuồng nộ với cơn mưa
Đã quất mạnh cuộc tình đành ngã ngửa

Thôi nhé…
Đừng nói tình yêu chi…còn đâu nữa!
Ốc mượn hổn vùi lấp biển ngoài khơi

Songquang
20220708


Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Nấn Níu - Cố Buông



Bài Xướng:

Nấn Níu

Ta giờ níu tuổi để mơ
Níu quên để nhớ níu ngờ để tin
Níu ngày đêm níu bóng hình
Níu ta im lặng níu tình xôn xao
Níu mơ mộng níu chiêm bao
Níu chiều thẳng đứng níu chao nghiêng nằm
Níu gần gũi níu xa xăm
Níu ngàn kỷ niệm níu trăm vui buồn
Níu cầm giữ níu xả buông
Níu đời hiện tại níu nguồn cội xưa
Níu người mắc võng đong đưa
Níu trời nắng cháy níu mưa bụi mờ
Níu chăm chút níu thờ ơ
Níu ai đứng giữa bến bờ nhân gian
Níu vui bên cuộc hoang đàng
Níu buồn ngoại chốn hỗn mang vô thường
Níu xưa tiếng hạc kêu sương
Níu nay nắng đổ rải đường gió bay

Bình Nguyễn  
***
Bài Họa:

Cố Buông


Buông rồi ngày tháng mộng mơ
Buông quên ân nghĩa nghi ngờ niềm tin
Buông trăng xóa bóng lẫn hình
Buông đêm hương ái gọi tình lao xao
Buông hết..mà hết được bao
Buông tim tim mãi nghiêng chao ghé nằm
Buông người biền biệt xa xăm
Buông se sắt nhớ … mãi trăm năm buồn
Buông càng day dứt sao buông
Buông dòng sóng cuộn về nguồn sông xưa
Buông gió tình lắc lay đưa
Buông cơn bão nổi đời mưa mịt mờ
Buông câu lục bát ầu ơ
Buông trút hơi thở xa bờ dương gian
Buông xác về cõi Thiên đàng
Buông yêu oán hận hoang mang… tầm thường
Buông hồn nương lớp mù sương
Buông bỏ hiện tại… thiên đường xa bay

Kim Oanh

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Haiku 102



Hạ nhớ
dòng trôi hững hờ
nắng mơ


dovaden2010
***
Cảm Tác:


Hè ơi
ngày tới sẽ tới
rơi rơi


Kim Phượng
***
Hạ về
Bâng khuâng nỗi nhớ
Hoài mơ


Kim Oanh



Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Xuất Tái Lương Châu Từ 出塞凉州词 - Vương Chi Hoán

 

 出塞凉州词           Xuất Tái Lương Châu Từ


黃河遠上白雲間   Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian
一片孤城萬仞山   Nhất phiến cô thành vạn nhận (*) san
羌笛何須怨折柳    Khương địch hà tu oán Chiết Liễu (*)
春風不度玉門關。Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan

王之渙                  Vương Chi Hoán
***
Dịch Nghĩa: Lại Đến Lương Châu

Nhìn từ xa sông Hoàng Hà như vươn lên đến tận mây trắng trên không
Trên núi cao muôn trượng có một mảnh thành cô độc
Tiếng sáo người Khương thổi chi khúc nhạc buồn Chiết Dương Liễu
Gió xuân chẳng hề thổi tới ải Ngọc Môn.

(*) Chú thích:
- Nhận: 1 Nhận tương đương với 1 Trượng
- Khúc Chiết Dương Liễu thời xưa, phổ cho sáo, gợi nỗi buồn người đi chinh chiến hoặc kẻ xa nhà

Dịch Thơ

1/
Xa tít Hoàng Hà nối tiếp mây
Núi cao còn lại mảng thành nầy
Thổi chi khúc sáo buồn Dương Liễu
Ải Ngọc bao giờ xuân đến đây.

2/
     Hoàng Hà như chạm trời xanh
Núi cao muôn trượng mảnh thành đơn côi
     Chiết Dương khúc sáo chia phôi
Ngọc Môn quan ải lâu rồi vắng xuân.

Quên Đi


Trở Lại Lương Châu

Hoàng Hà xa trông như mây trắng
Cô độc thành một trượng núi cao
Người Khương trỗi sáo buồn sao !
Ngọc Môn nào thấy gió chào đón Xuân

songquang
20220623
***
Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian 黄河逺上白雲間
Nhất phiến cô thành vạn nhận san 一片孤城萬仞山
Khương địch hà tu oán dương liễu 姜笛何須怨楊柳
Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan. 春風不度玉門関

Sông Hoàng Hà chảy từ nơi xa tít trong khoảng mây trắng. Một mảnh thành trơ trọi giữa núi cao muôn nhận (đơn vị đo lường thời xưa, ba thước là một nhận). Sáo Khương đừng thổi bài "Oán dương liễu" nữa, vì gió xuân kia cũng không đưa (tiếng sáo) qua được Ngọc Môn Quan đâu.

Diễn nôm:

Hoàng Hà xa tít tầng mây trắng,
Đổ xuống thành côi núi ngút ngàn.
Tiếng sáo rợ Khương sao réo rắt,
Gió xuân chẳng đến Ngọc Môn Quan!

Đỗ Chiêu Đức
***
Lại Đến Lương Châu

1/
Xa ngắm Hoàng Hà vươn sát mây
Tường thành đơn độc đỉnh non này
Sáo Khương văng vẳng lời ai oán
Chẳng thấy xuân về ải Ngọc đây

2/
Hoàng Hà xa trải liền mây
Đỉnh non một mảnh thành xây thuở nào
Sáo Khương trỗi khúc nghẹn ngào
Gió xuân chẳng thấy len vào ải quan

Phương Hà
***
Lại Đến Lương Châu

1/
Hoàng Hà vươn đến tầng mây trắng
Muôn trượng núi cao đơn độc thành
Trổi khúc não nề chi Chiết Liễu
Gió xuân thôi chẳng Ngọc Môn quanh

2/
Hoàng Hà xa chảy tận mây
Núi cao trơ trọi thành nầy có hay
Trổi chi Dương Liễu bi ai
Gió xuân đâu đã đoái hoài Ngọc Môn

Kim Phượng
***
Trở Lại Lương Châu

1/
Tít tắp Hoàng Hà tưởng giáp mây
Núi cao vạn trượng cổ thành xây
Bi ly khúc sáo sầu Dương Liễu
Ải Ngọc gió Xuân vắng ở đây

2/
Hoàng Hà tít tắp chân mây
Núi cao vạn trượng thành xây lâu rồi
Chiết Dương Liễu sáo than ôi
Ngọc Môn quan ải bồi hồi vắng Xuân

Mai Xuân Thanh
June 25, 2022
***
Lại Đến Lương Châu

Hoàng Hà thăm thẳm mây trời
Mảnh thành trơ trọi núi vời vợi cao
Thổi chi Chiết Liễu buồn đau
Gió xuân chẳng thể vượt vào Ngọc Môn


Kim Oanh

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Tưởng Nhớ Giỗ Ngoại

 
 (Ngoại: Nguyễn Thị Sang 1903 - 1998)

Ngoại mãi bên con mãi nói cười
Bao năm vẫn rộn rã niềm vui
Căn nhà ký ức luôn ngời sáng
Bóng dáng hiền hòa của Ngoại tôi.

Thương nhớ về Ngoại 1/7/2022
Kim Oanh