Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Melbourne Cuối Xuân...

 

Cuối xuân rồi xuân vẫn xuân
Hoa khoe nhan sắc bâng khuâng gợi tình
Đong đưa nắng sớm lung linh
Kề vai thủ thỉ yêu mình khôn vơi!


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Melbourne cuối Xuân 30/11/2021

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Cảm Tạ Tri Ân



Mơ thấy hoàng kỳ, khói hiển linh
Cà-phê quyện tỏa lá cờ mình
Tri ân chia ngọt tình chinh hữu
Cảm đức sẻ bùi nghĩa chiến binh
Nhớ buổi người vì dân bỏ mệnh
Thương ngày bạn vị quốc hy sinh
Hồn thiêng dũng sĩ là sao sáng
Dẫn dắt quê hương đến nguyệt minh...


Duy Anh
Thanksgiving 11/25/2021

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Thất Bộ Thi 七步詩 - Tào Thực

  

Nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk khi thấy Trung Quốc lăm le đánh Đài Loan, ông đã đăng bài thơ "Thất Bộ Thi" của Tào Thực. Ông ví Trung Quốc như Tào Phi và Đài Loan như Tào Thực:

Dùng cây đậu làm củi để nấu hạt đậu
Hạt đậu ở trong nồi than khóc
Đã được sanh ra cùng một cội rễ
Sao lại nỡ đốt nhau gấp thế này.

Dịch Thơ:

Củi đậu dùng nấu đậu
Đậu trong nồi khóc than
Cả hai cùng một gốc
Sao lại nấu không màng.

Ngoài bản trên, "Thất Bộ Thi" còn một bản khác, có 6 câu:

七步詩             Thất bộ thi     

煮豆持作羹    Chử đậu trì tác canh 
漉豉以為汁    Lộc thị dĩ vi trấp 
萁在釜下然    Ky tại phủ há nhiên   
豆在釜中泣    Đậu tại phủ trung khấp  
本自同根生    Bản tự đồng căn sinh  
相煎何太急。Tương tiễn hà thái cấp.

Dịch nghĩa 

Nấu đậu để làm canh
Lọc đậu để lấy nước
Thân đậu đốt ở dưới nồi
Hạt đậu trong nồi cất tiếng khóc than
Đã được sanh ra cùng một cội rễ
Sao lại nỡ đốt nhau gấp thế này.

Dịch Thơ:

Nấu đậu dùng làm canh
Lọc qua để lấy nước      
Thân đậu cháy dưới nồi
Đậu bên trong khóc mướt 
Cả hai chung một dòng
Lại đốt nhau cho được.   

Quên Đi
***
Thất Bộ Thi 1
 

Nấu đậu bằng củi đậu,

Đậu trong nồi hu hu:

Vốn sinh cùng gốc giậu

Sao nở đãi như thù?


Danh Hữu
***
1)  Thất Bộ Thi Số 1

Củi Đậu Nấu Đậu

Củi đậu đem nấu đậu
Đậu kêu khóc trong nồi
Vốn sinh cùng một gốc
Nung nhau đau đớn...ôi!

2)  Thất Bộ Thi Số 2

Củi Đậu Nấu Canh Đậu

Đun nấu đậu làm canh
Lọc qua nước đậu nhanh
Dưới nồi bằng củi đậu
Nghe đậu kêu thất thanh!
Cội rễ sinh cùng gốc
Mà đốt chết sao đành?...

Mai Xuân Thanh
November 08, 2021
***
 1/ Thất Bộ Thi

Đun đậu dùng củi đậu
Hạt trong nồi đớn đau
Trót sinh cùng một gốc
Đốt vội thế này sao

2/ Thất Bộ Thi

Dùng đậu để nấu canh
Nước đậu trong gạn lọc
Củi đậu đốt dưới nồi
Hạt trong nồi khóc lóc
Sinh ra cùng cội rễ
Nở đốt nhanh thật độc

Kim Phượng
***
1/ Thất Bộ Thi

Củi đậu đem nấu đậu
Hạt trong nồi khóc thầm
Cùng sinh ra một gốc
Sao lại nỡ đành tâm

2/ Thất Bộ Thi

Đậu nấu dùng để làm canh
Gạn đục lọc lại trong lành nước ngon
Thân đậu cháy dưới đáy soong
Bên trong đậu khóc nỉ non đau lòng
Được sanh ra cùng một dòng
Cớ chi lại đốt sao không sót tình.

Kim Oanh

***

Góp Ý:


Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần-Hán nhưng có tính phóng túng. Tào Tháo thương lắm nhưng không thể truyền ngôi cho một chàng giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được.  Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phị Thực bản tính ngông nghênh bất phục, có ý chống lại ông vua anh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định làm tội. Nhưng vì yêu tài Thực nên Phi bảo:
- Ta với mày tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao dám cậy tài miệt lễ? Ngày tiên quân còn, mày thường đem văn chương khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ mày nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung.
Thực nói: 
- Xin ra đề cho.
Phi nói: 
- Ta với mày là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cấm dùng hai chữ "Huynh", "Đệ".
Thế là Tào Thực làm bài thơ "Thất Bộ Thi".
Phi nghe cảm động, sa nước mắt, liền tha cho, nhưng giáng Tào Thực làm An Hương Hầu. (Theo "Điển Hay Tích Lạ" của Nguyễn Tử Quang)

Cảnh anh em vì tranh giành quyền lực như hai con của Tào Tháo không phải là hiếm. Ngay trong sử Việt cũng có câu chuyện tương tự. Đó là chuyện nói về anh em nhà Tây Sơn.
Do tranh quyền, Nguyễn Nhạc và Nguyện Huệ đánh nhau. Nguyễn Nhạc yếu thế, nên xuống nước thốt lên: 
- “Bì oa chử nhục đệ tâm hà nhẫn” (Nồi da nấu thịt em nỡ đành lòng sao).
Nghe xong Nguyễn Huệ cảm động và anh em giảng hòa.

Huỳnh Hữu Đức


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Thư Họa Vũ Hối: Phan Khâm Chúc Mừng Thượng Thọ

  

Thơ: Phan Khâm
Thư Họa: Vũ Hối

Thơ Tranh: Gọi Hồn Xứ Việt (Kính Mừng Thượng Thọ Bác Vũ Hối 22/11/2021)

Melbourne 22/11/2021

Bác Vũ Hối kính mến.
Từ nơi xa xôi, con vẫn nhớ về Bác, những kỷ niệm đẹp và chan hoà yêu thương của Bác cháu mình, Hai câu thơ Bác viết tặng con trong ngày Xuân Tân Mão ở Melbourne: 

"Việt Nam Quê Mẹ ta ơi
Trong từng nhịp thở đất trời trở trăn"

Để Mừng Thượng Thọ của Bác, con kính gửi món quà nhỏ mong bác vui đón nhận. Kính chúc Bác luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc tràn đầy bên Bác Gái và con cháu nha Bác của con.
Kính Bác

Con Kim Oanh

Thơ &Thơ Tranh: : Kim Oanh


Sài Gòn Thành Phố Kỷ Niệm - Thơ Vũ Hối - Diễn Ngâm Thúy Vân

 

Thơ Vũ Hối 
Diễn Ngâm Thúy Vân
Thực Hiên: Cung Lan

Vũ Hối: Thi Ca Và Thư Họa

Bốn tháng trước khi bị ám sát, tổng thống John.F. Kennedy đã mời một họa sĩ người Việt Nam vào tòa Bạch Ốc vẽ chân dung cho ông vào ngày 21 tháng 07 năm 1963. Bức chân dung khổ lớn vẽ bằng sơn dầu đó có thể coi như bức chân dung cuối cùng của vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Người thực hiện tác phẩm hội họa có tính cách lịch sử cho tổng thống Kennedy chính là Vũ Hối, được biết đến nhiều về nghệ thuật Thư Họa của ông. Hiện bức tranh này theo Vũ Hối cho biết đang được trưng bầy tại Kennedy Center ở Boston, sau khi đã được triển lãm ở rất nhiều nơi. Cùng trong dịp đó, Vũ Hối đã thực hiện một bức chân dung cho bà Jacqueline Kennedy. Vinh dự này đã được dành cho Vũ Hối sau khi ông chiếm giải khôi nguyên về hội họa tổ chức tại Hoa Kỳ trong số những họa sĩ của trên 32 quốc gia...

Và hình như Vũ Hối có số gặp những vị nguyên thủ quốc gia. Nên vào năm 1995 ông đã được tổng thống Tiệp Khắc Vacla Havel - được coi là người hùng của cuộc “cách mạng nhung” – mời sang tham dự cuộc triển lãm tranh tại thủ đô Praha vào ngày 05 tháng 09. Lý do ông được tổng thống Tiệp biết tới vì tên ông cùng những thành tích của ông được ghi trong Tự Điển Danh Nhân Thế Giới, xuất bản tại Anh Quốc. Ông cũng từng được coi là “Nhân Vật Trong Năm” ( Man Of The Year ) vào năm 1994 của học viện Cambridge, Luân Đôn. Cũng tại thủ đô Tiệp Khắc, Vũ Hối đã trao tặng một bức hoạ của ông nhan đề “Giấc Mộng Hoà Bình” ( “Peace Dream “) cho tổng thống Vacla Havel. Cùng trong năm 1994, họa sĩ Vũ Hối còn được vinh danh tại Đại Hội Mỹ Thuật Thế Giới tại thành phố Atlanta.

Coi Vũ Hối như một họa sĩ cũng chưa đúng. Mà phải nhìn nơi ông như một nhà nghệ sĩ có khả năng đa dạng. Vì ông còn là một nhà thơ có nhiều tác phẩm, một tay nhiếp ảnh nhiều đam mê và nhất là một người được xếp vào hàng đầu trong nghệ thuật Thư Họa.

Vũ Hối là tên thật của người nghệ sĩ có 10 đầu ngón tay với những hoa tay nở đều và giống hệt nhau cùng với một ngôi sao nằm giữa lòng bàn tay. Vũ Hối không để ý đến những chi tiết này cho đến khi ông gặp bác sĩ Lê Văn Lân, một nhà biên khảo tên tuổi, trong dịp sang Philadelphia triển lãm tranh

Nghệ sĩ Vũ Hối sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Tuy là một nơi đồng khô cỏ cháy, nhưng là nơi địa linh anh kiệt được vua Thành Thái ban cho danh hiệu “:Ngũ Phụng Tề Phi” sau khi đất Quảng Nam có được 5 người cùng đậu tiến sĩ một lượt. Ông là con út trong một gia đình có 6 người con. Ông mồ côi mẹ từ khi lên 12 tuổi, sau đó ông từ Quảng Nam ra Huế học tại trường Phan Chu Trinh. Khi Vũ Hối bước vào lớp tuổi trưởng thành thì thân phụ ông cũng qua đời trong đợt Cải Cách Ruộng Đất. Trong khi đó bốn anh chị của ông đều bị cộng sản ám sát. Ông chỉ còn lại người anh là giáo sư Vũ Ký hiện sống ở Bruxelles., thủ đô Bỉ Quốc. Giáo sư Vũ Ký từng bị tù tại Tiên Lãnh và đã được quốc vương Bỉ bảo lãnh qua thẳng quốc gia này. Tài sản của thân phụ Vũ Hối để lại cho ông không có gì ngoài một cái nghiên và một cây bút trong thời gian gia đình lâm vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Ông tâm sự “Mình thì dốt chữ nho, không biết làm gì với cái nghiên cái bút đó, thì mình cũng hí hoáy hí hoáy viết thành chữ Việt”. Đó chính là sự khởi đầu cho nghệ thuật Thư Họa của ông sau này. Một phần khác, ngay ở bậc tiểu học ông đã luôn được thầy cô khen ngợi về nét chữ rất đẹp.

Vũ Hối một thân một mình vào Sài Gòn năm 1950. Là một người có nhiều khả năng bẩm sinh về nghệ thuật, nên ông đã tự học tất cả những bộ môn khiến ông nổi tiếng sau này. Sau khi hết bậc trung học, Vũ Hối bị động viên và theo ngành truyền tin dưới thời Pháp. Sau khi giải ngũ, ông bắt đầu dấn thân vào những hoạt động văn học nghệ thuật. Khởi đầu bằng viết, kế đó là thơ, họa và nhiếp ảnh.

Trong lãnh vực thơ văn, Vũ Hối bắt đầu làm thơ từ khi 22 tuổi. Ông sáng tác đủ thể loại như lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, v.v.… với đề tài phần lớn về tình yêu đất nước, quê hương. Vì ông cho biết trong tâm hồn mình luôn có những trăn trở về quê hương, mặc dù cuộc sống của ông hiện nay đã tạm ổn định trên xứ người.

Đến năm 1958, Vũ Hối cho phát hành tập thơ đầu tiên của mình là “Mùa Giao Cảm”. Kế đó là tập Vần Thơ Màu Trắng vào năm 1960. Tập thơ này đã được phiên dịch ra Anh và Pháp Ngữ. Đến năm 1963, ông cho phát hành tập truyện ngắn Những Dấu Chân Đi. Ra đến hải ngoại, ông tiếp tục xuất bản thi tập Chiêm Bao Trở Giấc vào năm 1997. Thêm vào đó ông còn phối hợp các thi phẩm của mình với nghệ thuật thư hoạ trong các tập Nghìn Thương Đất Mẹ và Mây Ngàn ( thơ Anh, Việt, Pháp ) vào năm 2000 và 2002. Một số thi phẩm của Vũ Hối cũng đã được đưa vào 2 CD: Thơ Vũ Hối ( 1998 ) và CD Thơ Nhạc Trong Tranh, phát hành năm 2001, gồm những bài thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Đức Quỳnh, Trần Thiện Thanh, Song Ngọc, Nguyễn Hữu Tân, v.v... Gần đây nhất, ông đã sử dụng nghệ thuật Thư Họa sắc sảo của mình trong tập Thư Hoạ Truyện Kiều Nguyễn Du, xuất bản năm 2003.

Về hội họa, từ nhỏ Vũ Hối đã khám phá ra năng khiếu của mình, như ông nói:” Hồi nhỏ thì vẽ đẹp lắm. Mà hồi đó đâu có mầu có mè gì . Có cái cây gì mầu xanh thì mình giã ra . Rồi như là màu tím thì lấy những cây mầu tím giã ra viết thôi chứ ở nhà quê cũng khổ lắm!”

Khi lớn lên, ông từng vẽ nhiều tranh cũng như dạy hội họa ở Cần Thơ. Tuy nhiên sau này từ khi ra hải ngoại, do sự khó khăn vì chỉ còn sử dụng được một mắt nên khả năng của ông đã bị hạn chế rất nhiều. Đó là kết quả sau một thời gian dài bị biệt giam trong tình trạng thiếu ánh sáng.

Vũ Hối là người đã sáng tạo ra trường phái được ông đặt tên là Luân Vũ Họa, tức “Painting In Motion” được hiểu một cách giản dị là “tranh quay” như ông trình bầy. Bức Luân Vũ Họa của ông đã được trưng bầy tại Đại Hội Mỹ Thuật Thế Giới vào năm 1994. Giải thích rõ hơn về nguồn gốc của Luân Vũ Họa, Vũ Hối cho biết đã dựa trên sự xoay chuyển của trái đất và nhất là muốn đưa triết lý Đông Phương vào hội họa trừu tượng của Tây Phương.

Còn về bộ môn nhiếp ảnh, Vũ Hối có chân trong một hội nhiếp ảnh từ khi sang Mỹ, và trước đó ở Việt Nam từng có thời gian hoạt động với những nhiếp ảnh gia tên tuổi...

Sau năm 75, Vũ Hối gần như không còn hoạt động gì, ngoài việc sáng tác một số bài thơ, được phổ biến trong giới văn nghệ sĩ quen biết, được ông gọi là thi “chui”.. Một số đã được nhạc sĩ Lê Thương và Đức Quỳnh phổ nhạc và cũng chỉ được phổ biến rất hạn chế.

Một thời gian sau biến cố tháng 4 năm 75 ông bị bắt cùng một đợt với các văn thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, vv...và bị giam tại nhà tù Phan Đăng Lưu. Mãi đến năm 1992, trong khi còn bị giam, ông may mắn được thượng nghị sĩ Bob Dole thuộc đảng Cộng Hòa và là người từng tranh cử tổng thống Hoa Kỳ với ông Gerald Ford vào năm 1976, bảo lãnh sang My. Cùng đi với ông có vợ và 2 người con lúc đó còn độc thân trong số tất cả 6 người con của ông. Gia đình Vũ Hối được đưa thẳng tới thủ đô Washington và cư ngụ tại đây cho đến nay. Vừa đặt chân xuống phi trường, Vũ Hối đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của các tổ chức văn học nghệ thuật tại hải ngoại vốn vẫn dành cho ông nhiều cảm tình. Cùng một lúc ông đã bắt tay ngay vào việc sửa soạn cho một cuộc triển lãm tranh tại Washington, D.C. vào năm 1993 với một số tranh mang từ Việt Nam sang và một số mới vẽ sau khi đến Mỹ. Cuộc triển lãm này do ông David Jones, một trong những người trong hội đồng giám khảo cuộc thi Khôi Nguyên Hội Họa vào năm 1963, bảo trợ. Đến nay Vũ Hối đã đứng ra bảo lãnh được một người con, cũng từng dạy hội họa ở Sài Gòn cùng một cháu nội sang đoàn tụ. Ông hiện cũng đang tiến hành thủ tục bảo lãnh cho 3 người con còn lại, trong số có người con cả cũng là người viết Thư Hoạ như ông.

Với nghệ thuật Thư Hoạ, Vũ Hối đã hãnh diện nhận mình là người sáng tạo ra bộ môn này. Còn riêng về danh từ Thư Họa đặt cho bộ môn ông có khả năng rất vững vàng, Vũ Hối cho biết do nhà học giả Nguyễn Quốc Tuân đặt ra để phân biệt với bộ môn Thư Pháp đã có từ trước...

Về những người nối tiếp ông trong nghệ thuật Thư Họa là nghệ thuật hiện nay gắn liền với tên tuổi ông, Vũ Hối cho biết ở Việt Nam hiện nay có không ít người theo đuổi, tuy nhiên còn mang nặng ảnh hưởng lối viết hán tự, chưa lột tả được cái hồn của ngôn ngữ Việt...

Với tài nghệ độc đáo về Thư Họa, Vũ Hối cho đến nay tuy tuổi đã cao và thị giác bị hạn chế, nhưng vẫn thường xuyên được mời đi đó đây để biểu diễn về nghệ thuật này. Đặc biệt là vào những dịp tết, ông thường được mời đóng vai thầy đồ, viết câu đối bằng nghệ thuật Thư Họa tại những Hội Chợ Tết ở hải ngoại. Trong số có Hội Chợ Tết San Jose mà thầy đồ Vũ Hối đã có mặt để thảo những nét chữ như rồng bay phượng múa liên tiếp từ 10 năm nay và “ bây giờ thành cái huyền thoại nhà nào có chữ Vũ Hối là nhà đó làm ăn khá! , như lời ông nói.

Vũ Hối viết Thư Hoạ theo nhiều lối được ông phân chia thành Trúc Tự, Thủy Tự, Vân Tự, Hỏa Tự. Những lối này được ông giải thích:”lối viết chữ tùy theo cái cảm hứng của mình. Với lại tùy nội dung câu thơ như thế nào thì mình viết tùy theo lối mình chế ra Thí dụ như Trúc Tự là như câu “gió đưa cành trúc la đà…”, Rồi Thủy Tự là viết như nước chảy thí dụ như câu “Thuyền ra giữa bến thuyền dừng, ai đi thương nước nửa chứng lại thôi” là thơ của mình. Vân Tự thì viết như mây bay. Hỏa Tự là viết như lửa cháy.phừng phực...!”

Nhiều người cho như vậy ông đã bị ảnh hưởng nhiều lối viết của Trung Hoa. Nhưng Vũ Hối khẳng định hoàn toàn không có sự vay mượn ở bất cứ đâu. Và nhất là không hề bị lai căng chữ Tầu, chữ Nhật hay Đại Hàn.

Năm nay tuy Vũ Hối đã 73 tuổi nhưng niềm đam mê của ông về Thư Họa có vẻ càng ngày càng lớn như tuổi tác của ông mà không theo một tỷ lệ nghịch. Ông cũng vẫn còn những dự định để theo đuổi. Trước mắt, ông sẽ cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhật ( chồng nhà văn Nguyễn Thị Vinh ) ở Na Uy thực hiện một tuyển tập gồm 300 thi phẩm hay nhất của Việt Nam thể hiện bằng nghệ thuật Thư Họa của ông. Và ông hy vọng sẽ hoàn thành trong năm 2006...

Trường Kỳ(2005)


Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Mình Ơi - Chỉ Mình

Bài Xướng:

Mình Ơi

Ngày xưa anh gọi tiếng Em
Nghe tim thổn thức lòng mềm như tơ
Kể từ chia cách đôi bờ
Trong tim vẫn tưởng vẫn mơ đến mình
Người đi vào cõi u minh
Bỏ em lạnh lẽo lặng thinh tiếng cười
Cô đơn em gọi mình ơi
Nơi đây buồn lắm một trời nhớ thương
Chiều thu bàng bạc tơ vương
Rừng khuya lá rụng khói sương mịt mờ
Liêu xiêu bóng ngả chơ vơ
Đêm nằm em nhớ em mơ gọi mình...

phamphanlang
15/11/2021
***
Bài Họa:

Chỉ Mình

Biển xưa dạo bước bên em
Anh thì thầm bảo tóc mềm nhung tơ
Tình anh như sóng xô bờ
Đưa em vào mộng trong mơ gọi mình
Tình anh nắng ấm bình minh
Ghé hôn môi mắt em thinh thích cười
Niềm vui không vẹn... Buồn ơi!
Anh xa biền biệt về trời... xót thương
Phòng khuya đối bóng sầu vương
Ôm chầm ảo ảnh khói sương quyện mờ
Nghẹn ngào gối chiếc chơ vơ
Núi mòn biển cạn người mơ chỉ Mình!

Kim Oanh
17/11/2021
 

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Giao Mùa - Đợi Chờ

(Tranh Vẽ: Nguyễn Thanh Cảnh)

Bài Xướng:
Giao Mùa

Thu bên người lá ghẹo mây
Xuân đây hoa cợt, má hây thẹn hoài
Đôi tâm hồn lửng lơ bay
Giao mùa xao xuyến, thương ngày nhớ đêm

Kim Oanh
***
Bài Họa:
Đợi Chờ


Tàn thu lá rụng xám mây
Đông dần lạnh lẽo thơ ngây u hoài
Trời buồn tuyết bụi bay bay
Người sao đi mãi? trông ngày ngóng đêm!

Lộc Bắc
Nov21

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Sắc Xuân


Lung linh nắng sớm hoa say
Ửng hồng mắc cở bướm ngây ngất nhìn
Muôn hoa khoe dáng đẹp xinh
Tỏa hương quyện gió hữu tình vườn xuân
(Kim Oanh)


Hình Ảnh: Kim Oanh
Xuân Melb. 2021

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Duyên Tơ Hồng

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image002.jpg

“Anh! Giúp em lục soạn mấy chục cuốn albums và mấy thùng ảnh này. Thấy cái gì hay, giá trị, thì giữ lại, những thứ không mấy quan trọng thì cho vào thùng và cất trên attic cho em nghe!” “Mấy ảnh trong khung thì sao?” “Chỉ trừ một số ảnh thật đẹp và có kỷ niệm thì anh để riêng ra một nơi, em sẽ soạn lại. Số còn thì anh tháo ra khỏi khung, cho tranh ảnh vào thùng và các khung vào 1 thùng khác...”

Tưởng dễ dàng xong sớm, thế nhưng ngồi miết vì hầu như mỗi tấm hình đều mang theo một kỷ niệm, một màu sắc, một nơi chốn trải qua thật xa xưa của mỗi chúng tôi khi chưa thành vợ chồng, rồi của vợ chồng con cái, của cha mẹ anh chị em, và của bạn bè xưa nay. Nhìn lại thấy thật dễ thương, thật ngây thơ, đầy cảm xúc. Tôi ngừng lại trên những tấm hình đen trắng, nay có phần nhạt nhòa theo năm tháng, tưởng nhớ đến từng mốc thời gian đã từ từ trói buộc chúng tôi lại với nhau, như những dấu ấn mang tính cách thiên định khó chối từ.

Khi tôi khoảng 13 hay 14 tuổi, Măng tôi treo một bức ảnh được đóng khung của một gia đình gồm có cha mẹ và 3 đứa con ở tường trên đầu giường ngủ của tôi. Bà cho thằng con trai út của mình biết đó là hình gia đình của OB Phan Huy Thạch gởi từ Phan Thiết tặng “Bà Vú”, vì Măng tôi là Marraine cho bà Thạch khi Ô.B làm đám cưới. Măng tôi còn cho biết Ô. Thạch là một vị quan tòa nổi tiếng thanh liêm, được nhiều người quý mến. Theo năm tháng, tôi lớn lên với tấm hình ấy, nhìn ngắm con bé bên trái hầu như mỗi đêm. Cho đến một hai năm sau, tôi bổng chỉ tay vào hình con bé ấy và buột miệng nói với Măng tôi “Con sẽ cưới đứa con gái này.” Vào hè 1966, tôi treo bằng Bac II của tôi bên cạnh bức hình gia đình OB. Thạch. Bấy giờ tôi được 18 tuổi.

Trong những tấm hình xưa tìm thấy khi lục soạn, có tấm hình gia đình Ô.B Thạch và 3 đứa con, màu úa vàng. Là bức ảnh treo trên đầu giường của tôi, để từ thuở đó tôi bắt đầu tơ tưởng đến con bé ấy. Ngoài ra, có luôn cả tấm hình rửa tội của Nàng mà trong đó tôi nhìn thấy, từ trái qua phải: linh mục Bửu Đồng, Măng tôi, cô Trần Như Quê, mẹ đỡ đầu với bé sơ sinh trên tay, Bà và Ông Thạch, Cụ Ưng Trạo. Đằng sau tấm hình có hàng chữ “Marie Madeleine, ngày 18 tháng 10, 1953. Marie Madeleine là tên thánh của Nàng.

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image003.jpg

Vào một chiều của hè 1967 trong mùa thi cuối năm APM, một buổi chiều chan hòa nắng vàng óng ánh trên sông Hương, tôi tình cờ nhìn thấy một cô bé nhỏ nhắn mặc áo đầm vàng đi dạo cùng Mẹ và các em trong công viên trước trường Đồng Khánh. Thuở ban đấu lưu luyến ấy bắt đầu thành hình nơi đây. Vài ngày sau tại nhà tôi, tim tôi đập lỗi nhịp đầy thích thú khi bất ngờ gặp chính cô bé ấy đem bánh ít mặn của Mẹ làm đến biếu “Bà Vú”, tiếng nàng gọi Măng tôi. Bấy giờ tôi liên tưởng ngay đây là nhân vật nữ trong bức ảnh năm nào của gia đình Ô.B Thạch, mà trong bao nhiêu năm qua, mỗi khi nhìn đến, tôi thường liên tưởng rằng có ngày tôi sẽ có nàng luôn bên cạnh, như một ám ảnh, một ước mơ thầm kín, một nguyện cầu vu vơ. Đứng trước mặt tôi bây giờ là một cô bé tuổi 13, thật thanh tú với ánh mắt sáng thông minh, mái tóc “mùa thu tóc ngắn”, có một giọng nói thật đặc biệt pha từ nhiều miền, kể cả miền Bắc của ông nội, hiện đang học lớp Đệ Ngũ trường ĐK.

Thì ra gia đình Nàng vừa di chuyển từ Đà Nẵng đến Huế sau khi ba Nàng đảm nhận chức vụ Chánh Án tòa án Thượng Thẩm Huế. Do sự quen biết giữa 2 gia đình, thỉnh thoảng tôi đến thăm Nàng tại nhà, tự nhiên làm quen với gia đình và chơi đùa với các em Nàng, ngoài sân trước, trong phòng khách, hay dưới nhà bếp. Nhờ đó tôi có dịp nhìn thấy nết đoan trang và sự chu đáo của nàng khi phụ giúp Mẹ săn sóc các em. Có một lần, ngồi dựa lưng trên thành cửa sổ nhỏ phòng nàng, tôi hát tặng Nàng bài Mưa Hồng vì tôi thích câu “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, do xúc động giọng của tôi xuống thấp rồi tắt, không hát tiếp được. Nàng im lặng không dám cười, nhưng tôi can đảm xin hát lại lần thứ hai.

Mậu Thân 1968 xẩy ra. Cả bức ảnh gia đình Nàng và bằng Bac II của tôi chung số phận bị mất cắp. Khi biết tin gia đình Nàng đang lánh nạn tại Dòng Chúa Cứu Thế, tôi tức tốc tìm đến thăm dù đường đi còn vắng hoe, nguy hiểm với dấu tích tàn phá và chết chóc hai bên đường… chỉ để kịp nhìn gặp Nàng vài ba phút, thăm hỏi đôi ba câu trước khi nàng vội vã quay vào với gia đình. Hình ảnh xanh gầy của nàng với đầu tóc ngắn thân thuộc trong một buổi sáng đầy gió lạnh và mây xám mãi mãi ám ảnh tôi từ dạo đó

Bẵng đi vài ba tuần hăng say phụ giúp trong bệnh viện, tôi không đến nhà Nàng dù lòng rất mong muốn. Khi tình hình an ninh Huế tốt dần, bấy giờ tôi mới đến thăm Nàng được vài lần, kể vội cho Nàng nghe một vài câu chuyện trong phòng mổ, những điều tôi học hỏi được hay những cảnh khổ của người dân bị thương tật. Bao giờ Nàng cũng chỉ im lặng ngồi nghe, hiếm khi có thêm ý kiến trong câu chuyện. Vào cuối mùa Xuân 68, đến ngày kề cận phải rời Huế vào Sài Gòn học tiếp nửa năm còn lại, tôi lấy hết can đảm viết cho nàng một lá thư không viết nháp, không soạn thảo, không nắn nót, không trau chuốc, nghĩ sao viết vậy. Đó là lá thư tỏ tình đầu đời và duy nhất của tôi. Ngang tàng, mang tính cách hài hước nhưng rất chân thật, không có giọng chìu lụy, ủy mị hay van xin.

Dĩ nhiên thư tôi không được hồi âm.

Trở về Huế trong Hè 1968 để tham dự chương trình Huấn Luyện Quân Sự Học Đường, tôi tiếp tục đến thăm và trao nàng những đoản văn, không phải thư tình, mà những bài viết của tôi bày tỏ quan điểm yêu thương đất nước, mang tính chất hào hùng của người trai, hoặc những bản dịch ra tiếng Việt từ những bài hay trong cuốn Les Grand Coeurs mà tôi rất thích khi còn học trung học chương trình Pháp. Tuy về sau tôi biết có bản dịch tiếng Việt là Những Tâm Hồn Cao Thượng, tôi vẫn không nghĩ mình đã phí công khi những bản dịch thuật của mình gián tiếp chứng minh tính cương trực và lòng khí khái nam nhi của tôi. Nhưng ở Nàng vẫn là một im lặng… đáng sợ!

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image004.jpg

Sau Hè 1968, tôi lại rời Huế vào Sài Gòn học tiếp năm thứ Hai YK. Nhân Tết năm 1969, về Huế thăm nhà, Măng tôi cho biết gia đình Nàng sẽ rời Huế trong vài ngày sau Tết vì Ba nàng nhận nhiệm sở mới ở Nha Trang. Tôi suy nghĩ và quyết định không đến chào thăm, nói lời tạm biệt với nàng, dù ngậm ngùi cảm giác cuộc tình đang xa dần. Tôi quyết định chờ đợi, cho mình chín chắn hơn. Cho một thời cơ thuận tiện tốt đẹp. Hay để cho nàng lớn thêm hơn vài tuổi!?

Vào khoảng tháng 10, 1969, Măng tôi bất ngờ gặp ba Nàng tại phi trường Nha Trang khi Măng tôi đổi chuyến bay từ Huế đến thăm nuôi chị tôi sinh con đầu lòng tại Pleiku. Trong câu chuyện trao đổi, Măng tôi có nói với ba Nàng “Nhớ để dành cho tôi một đứa”. Tôi ghi nhớ lời kể của Măng tôi khi Bà trở về lại nhà, nhưng không biết thật hư ra sao cho đến khi nhìn thấy tấm hình cũ của hơn 50 năm trước với Ba Nàng và Măng tôi đứng nói chuyện tại sân bay.

Tôi và nàng vẫn kẻ ở Huế, người Nha Trang. Không một thư từ, không một trao đổi liên lạc. Tôi lần lượt lên lớp cao dần ở trường YK và gián tiếp theo dõi tin tức Nàng ở những năm cuối trung học. Sau gần 3 năm xa cách Nàng, tôi tự hỏi mình nhiều lần, đây có phải là tình yêu? Người ta thường nói cách mặt xa lòng! Tưởng tình yêu đơn phương âm thầm tan biến theo thời gian, thế nhưng nó vẫn còn đó, như những cơn gió lao xao chợt đến. Như những tiếng gọi âm thầm không chờ đón. Là những cơn mưa nhẹ đem đến một thoáng mát, một thoáng nhớ, một thoáng ray rứt không nguôi. Khi trốn sầu trong cơn rượu thì sầu lại đến trong cơn say. Khi nhắp một ngụm cà phê đắng để trốn chạy thì tiếng vọng tình yêu càng thôi thúc trong đêm khuya. Bao nhung nhớ huyền ảo, bao rung động bất chợt, cứ phải dấu kín trong lòng.

Tình tôi không nhận thêm nuôi dưỡng nào ngoại trừ những bập bùng sầu nhớ trong tâm cang, những kỷ niệm khắc ghi, những vương vấn không dứt và những hoài bão?! Trong tôi, càng muốn quên thì lại càng quay quắt nhớ. Càng muốn chôn vùi kỷ niệm hiếm quý bên Nàng thì hình bóng Nàng càng khắc ghi sâu đậm. Càng xa vắng Nàng lại càng nhận hiểu trái tim tôi chỉ biết ghi nhớ một hình bóng Nàng. Thế mới biết “Tình có nghĩa gì đâu - Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?” Thế mới biết “Yêu là mộng mơ- Yêu là sầu nhớ”!

Cái sợ của tôi là ở Nàng không còn giữ chút hình ảnh nào của tôi! Ngay cả cái tên cũng có thể quên đi! Còn tôi, lại không thể buông xuôi, đầu hàng khi chưa thật sự dấn thân tranh đấu. Càng lại không thể để định mệnh dễ dàng quyết định số phận mình. Không lẽ chỉ có một thời để thương, để nhớ để yêu rồi mãi mãi xa nhau, mất nhau sao?! Không lẽ để một chuyện tình đẹp dễ dàng chết non?! Dù không một tin tức trực tiếp của Nàng, tôi vẫn quyết định tìm đến thăm Nàng vào mùa Xuân 1972 khi Nàng đang học năm thứ Nhất tại phân khoa Chính Trị Kinh Doanh ở Viện ĐH Đà Lạt.

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image005.jpg

Tôi đến Đà Lạt trong tư cách một cộng sự viên của Sinh Viên Vụ quay phim chụp hình cho phái đoàn SV Viện Đại Học Huế tham dự Đại Hội Thể Thao Liên Viện do ĐH Đà Lạt đứng ra tổ chức vào tháng 3, 1972. Đến nơi, tôi trao hết đồ nghề cho một bạn khác, và trong suốt 3 ngày liên tục của Đại Hội, tôi không làm gì khác hơn ngoài việc tìm thăm Nàng, người tôi yêu và đeo đuổi trong nhiều năm qua, từ Huế vào đến Nha Trang và nay Đà Lạt. Sáng tôi đón Nàng ở Kiêm Ái, chiều tôi trả Nàng về lại cư xá. Nàng và tôi đã đi bộ qua bao con đường quanh thị xã, cùng ngồi chuyện trò ở sân Cù trong nắng ban mai, ngắm Hồ Xuân Hương, dạo phố Hòa Bình, đưa nhau đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối…Với tôi, đó là 3 ngày hạnh phúc nhất trong quãng đời, dù ngắn ngủi, nhưng đã ghi sâu trong tim tôi những kỷ niệm đậm đà không hề phai. Trong lá thư duy nhất gởi tôi khoảng 2 tuần sau khi tôi về lại nhà, Nàng viết “Anh Chánh ơi, hãy trân quý và giữ lấy tình yêu của anh. Nhưng anh cũng phải biết, yêu không cần phải được yêu trả lại mới thật sự là yêu…” Măng tôi cảm nhận sự đau đớn của con trai mình khi nhìn thấy sự lặng lờ của tôi trong những ngày sau đó. Ba ngày le lói bên Nàng tại Đà Lạt, để bù lại, thêm một lần nữa, tôi phải trả đắt giá cho một thời gian “bonjour tristesse” dài trong 3 năm kế tiếp, để khi ở nơi xa, tôi chỉ cầu mong Nàng trong những “đêm mai cô đơn đi về, xin người hãy nhớ tình tôi.”

Trong tình cảnh đáng ngại chính trị và quân sự của Miền Nam VN, và hằng mang nặng một khối tình si câm nín trong lòng, tôi tốt nghiệp YK Huế tháng 6, 1973, sau 7 năm miệt mài với sách vở, luôn mang trong lòng một bầu nhiệt huyết với đất nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ nơi đâu, bất cứ trong vị trí nào khi đất nước kêu gọi. Song song với giấc mơ dài của trai thời loạn, tôi vẫn giữ kín cho mình niềm mơ ước có ngày tôi sẽ trùng phùng với Nàng, người tôi vẫn tiếp tục mãi mãi yêu thương và nhung nhớ, dù cho Nàng ở xa ngoài tầm với, như một thôi thúc diệu kỳ và mãnh liệt không dứt trong tâm tưởng.

Sau khi thi đậu lâm sàng và do nhu cầu cần in tập Luận Án cho kịp trình vào tháng 12 cuối năm, tôi quyết định làm một cuộc hành trình bằng đường bộ từ Đà Nẵng vào Sài Gòn sau khi dò hỏi biết xe chở khách sẽ dừng đêm tại Nha Trang. Từ bến xe khách Nha Trang, và sau khi gởi nhờ một bà ngồi gần tôi trong cùng chuyến xe giữ giùm xách tay, tôi leo lên xe honda ôm nhờ chở thẳng đến số 4 đường Hoàng Hoa Thám, dinh thự Tòa Đặc Ủy Giám Sát Quân Khu 2, là cơ sở làm việc của ba nàng và là chỗ gia đình Nàng cư ngụ. Khi xe đến nơi, bỗng nhiên tôi khựng lại, tự hỏi không biết cửa nhà có mở chào đón tôi, cuộc gặp gỡ có đầm ấm hay gượng gạo khách sáo. Tôi bỏ hẳn ý định vào thăm Nàng như từng rộn ràng lên kế hoạch trước chuyến đi đường bộ. Cái gì đã khiến tôi thay đổi vào phút chót? Mất tự tin?? Thời cơ chưa thuận tiện?? Con người tôi chưa đủ phong độ?? Con đường trước mắt tôi còn quá dài, sự nghiệp tôi còn quá khiêm nhường?? Sau khi xe ôm chạy thêm vài vòng qua lại trước nhà Nàng, tôi quay trở về bến xe, thuê chiếc ghế bố ngủ qua đêm. Một đêm trằn trọc, ray rứt cho đến tận sáng. Để cuối cùng tôi nhận thấy quyết định vừa qua của mình chính đáng và đầy tự trọng…

Tôi trình diện nhập ngũ tháng Giêng 1974 tại trường Quân Y và theo học khóa hành chánh quân y cùng với 160 bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ thuộc khóa 16 Trưng Tập YND. Ngày tốt nghiệp vào cuối tháng 5, 1974, không một do dự tôi chọn phục vụ Quân Y Nhảy Dù, ngay liền sau bạn chí thân của tôi Bùi Cao Đẳng, đậu thứ 11 trong khóa, là người đầu tiên chọn QYND. Toàn thể nhóm vừa chọn gia nhập QYND gồm 7 bác sĩ, 1 nha sĩ và 1 dược sĩ, được cả khóa 16 Trưng Tập lần lượt đứng lên vỗ tay liên tục vang dậy cả phòng họp.

Trở về nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, tôi báo cho Măng biết tôi tình nguyện vào Nhảy Dù. Măng tôi la hoảng lên, lo lắng thấy rõ. “Răng mà chọn đi ND nguy hiểm rứa! Không sợ chết à?! Gia đình nuôi con ăn học ra tới bác sĩ mà không biết suy nghĩ thương lại Măng và các anh chị!..” Tôi liền trình bày sự hiểu biết của mình về binh chủng ND cho Măng tôi nghe… Mặc tôi giải thích, Măng tôi vẫn nhất quyết cho người kêu các bà chị của tôi đến nhà để bàn chuyện, ý muốn tìm cách thay đổi đơn vị cho thằng con trai út bằng cách nhờ cậy các nơi quen biết.

Đến nước đó, tôi cương quyết giữ vững lập trường của mình, cho biết tôi dứt khoát muốn trở thành một BS. Nhảy Dù, rằng tôi muốn tự thực hiện một thay đổi quan trọng cho đời mình, quyết chí cho mình một ý thức mới trong cuộc sống sắt đá oai hùng của một chàng trai đúng nghĩa của thời chiến, sẵn sàng dấn thân vào chốn nguy hiểm để xem mình có thể quên được người con gái hằng đeo đuổi và mãi thương nhớ trong nhiều năm qua. Xót xa cho thằng em mình, các chị tôi bênh vực tôi và cuối cùng Măng tôi đành miễn cưỡng chấp nhận.

Sau 5-6 tuần tôi luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù, và sau khi nhận bằng và huy hiệu bằng Nhảy Dù gắn trên túi áo trận bên phải, tôi chính thức trở thành một người lính Nhảy Dù. Một Y Sĩ Nhảy Dù. Một Thiên Thần Mũ Đỏ. Tôi hãnh diện nhận biết mình cũng có sức chịu đựng, có tự tin và khả năng sống sót như bao người lính Dù khác, khi cần. Tinh thần ấy thể hiện qua khẩu hiệu “Nhảy Dù- Cố Gắng”. Nhảy Dù - Cố Gắng đã giúp người lính Dù vượt qua sợ hãi phóng mình ra khỏi cửa phi cơ, tung mình vào trận chiến, quên đi muôn vàn khó khăn khổ nhọc trên bước tiến quân. 4 chữ Nhảy Dù - Cố Gắng, tuy đơn giản, nhưng khi được hét vang từ một tiểu đội lính Dù, từ một Đại Đội tác chiến, từ một Tiểu Đoàn Dù, trở thành một sức mạnh tập thể giúp đơn vị hoàn tất nhiệm vụ được giao phó trong hoàn cảnh gay go nhất, nguy hiểm nhất của địa ngục trần gian, đòi hỏi quyết tâm, quả cảm và hy sinh tối đa. Để xung phong thẳng vào vị trí địch. Để không lùi một bước trước quân thù. Để tử thủ cho đến phút cuối cùng. Để giữ vững vị trí ngay cả trong giờ thứ 25. Để đơn vị không bị over run. Không do dự khi cần gọi pháo bắn nổ chụp trên đầu mình. Cho dù bị thương tích. Cho dù chỉ còn một người. Với một lưỡi lê. Một trái lựu đạn.

Sau hơn 6 tháng làm y sĩ trưởng cho Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù trong suốt trận chiến Thường Đức Đại Lộc và Đồi 1062 kể từ tháng 7, 1974, tôi được thuyên chuyển từ mặt trận thẳng về Sài Gòn trong một ngày trước Tết 1975, trong chức vụ mới: y sĩ trưởng cho Tiểu Đoàn 15 Nhảy Dù Tân Lập, thuộc Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù Tân Lập. Do nhu cầu bảo vệ Thủ Đô, Lữ Đoàn 4 ND được thành lập vào đầu năm 1975. Trở về Sài Gòn là một cơ may vô cùng quý báu Trời ban thưởng, giúp tôi gặp lại người tôi yêu sau khi gia đình Nàng di chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn từ hơn nửa năm trước, điều mà Măng tôi không biết cho đến gần đây.

Thiếu Tá Nguyễn Văn Phú, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ15 ND, nguyên TĐ Phó TĐ1 ND khi tôi còn tại đơn vị này và 2 chúng tôi đã có những giao hảo rất tốt đẹp, thường làm ngơ cho tôi vài ba giờ những khi tôi ghé về nhà thăm Măng tôi trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, cũng như thông cảm cho tôi khi tôi rời trại quân vào buổi chiều, nhảy lên xe ôm đến thẳng nhà Nàng, nhất là sau khi nghe tôi kể về cuộc tình 9 năm trời lận đận dang dở và ước muốn hàn gắn nối lại mối tình đầu đời của tôi. Người tôi yêu bấy giờ đang học năm cuối của khoa Chính Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Đà Lạt.

Vào chiều Mồng Một Tết, hiên ngang trong bộ đồ hoa dù mũ đỏ, dạn dày phong sương trong phong thái và chững chạc trong phong cách, hạnh phúc dồn dập đến với tôi khi tôi gặp lại Nàng tại nhà, sau gần 3 năm xa cách, kể từ tháng 3 năm 1972 tại Đà Lạt. Sau đó tôi tiếp tục ráo riết chinh phục Nàng qua những lá thư đậm đà tình thương nhớ viết từ trại quân hay trong khi đi hành quân, hoặc qua những dịp thăm viếng Nàng tại nhà, trổ tài miệng lưỡi chiếm được cảm tình của gia đình họ hàng. Mối tình của tôi từ từ chuyển hướng thuận lợi. Trong bối cảnh chao đảo của chiến sự, càng ngày chúng tôi càng cảm thấy gần gũi sâu đậm hơn. Các chị tôi, các bà con phía Nàng đều thương mến chúng tôi, và qua hình ảnh của “Em là gái trong song cửa, Anh là mây bốn phương trời” thường nhìn chúng tôi với đôi chút ngưỡng mộ

Mùa Xuân 1975 là một mùa xuân đầy thảm họa cho đất nước. Nhưng riêng với Nàng và tôi, đây là một mùa Xuân tràn ngập yêu đương khi cuộc tình sử của tôi từ từ thăng hoa theo thời gian còn lại của cuối cuộc chiến. Có thể Nàng cũng thấm mệt vì sự đeo đuổi dai dẳng mang nặng chất “Nhảy Dù - Cố Gắng” của tôi trong suốt 9 năm trường. Có thể Nàng thấy tôi biến đổi thành một con người khác, không là một bạch diện thư sinh như xưa mà một chàng trai phong trần, hiên ngang và tự tin. Cũng có thể Nàng tội nghiệp tôi khi nhìn thấy những bụi đường và cây cỏ còn sót trên bộ áo trận chưa kịp thay khi tôi đi từ nơi đóng quân đến thẳng nhà Nàng. Hay vì Nàng ngỡ ngàng thấy một khoảng dơ bám trên tường trắng sau khi tôi tạm tựa đầu mình vào trong một cơn ngủ bất chợt đến, hoặc khi chiếc khăn ướt Nàng đưa tôi lau mặt trở nên đen thui cáu bẩn. Cũng có thể cha Nàng e dè nghĩ tôi đưa sính lễ khi tôi nhờ ông giữ giùm dây ba chạc gồm có khẩu súng Colt, lựu đạn mini, dao găm, địa bàn, biđông nước… trong những dịp đến nhà đưa con gái ông đi chơi. Mãi sau này, Nàng mới hé mở “Khi còn nhỏ, thấy lính mặc đồ rằn ri là em sợ lắm. Nhưng anh mặc đồ ND với nón Beret đỏ, thì em lại mê. May cho anh đó…” Trước ngày vào trận đánh một đơn vị lớn du kích VC gần Tây Ninh, Nàng kín đáo trao tặng tôi chiếc yếm màu lục cẩm thạch đang mặc. Ngay trước mặt Nàng, tôi nhét cái yếm ấy vào túi áo trận bên trái, ngay trước tim. Và trong lá thư từ hành quân sau đó nhờ y tá hậu cứ mang đến cho Nàng, tôi có viết “Ngày mai tiểu đoàn anh dàn hàng ngang tấn công thẳng vào vị trí địch, nếu đạn bắn trúng cái yếm em tặng thì nó cũng sẽ xuyên qua tim anh và sẽ nhuộm màu máu anh trên cái yếm em trao”. Về sau tôi nghe kể lại, khi đọc lá thư ấy, Nàng thì vẫn dửng dưng, nhưng ba Nàng thì thật cảm động và lo lắng ra mặt.

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image006.jpg

Sau trận đánh đó, TĐ15 ND nhận lệnh lui về đóng quân tạm ở vùng Hóc Môn Bà Điểm. Khi Th. Tá Phú và tôi đi tìm gặp nói chuyện với vị Giám Đốc của hãng dệt Công Thành ngỏ lời cho bộ chỉ huy TĐ15 ND đóng tại hãng dệt, một ngạc nhiên đầy thú vị xẩy ra khi ông Giám Đốc buộc miệng hỏi tôi “có phải đây là anh Chánh, con rể ông Thạch không?” Tôi ngất ngây trả lời “dạ đúng” cùng lúc nhận ra Chú Ngưng, chồng của Dì ruột nàng ở Thủ Đức mà tôi có dịp gặp trước đây.

Ngày hôm sau, trong sự bất ngờ hạnh phúc chưa từng có của tôi, Chú Ngưng chở nàng cùng em gái đến thăm tôi ngay tại bộ chỉ huy TĐ. Khi ngồi ăn trưa với bữa cơm dã chiến, nàng có vẻ “thấm” cái đời sống phong trần lính chiến của tôi, và đã e thẹn cười khi Th. Tá Phú nói chọc “Bác Sĩ nhỏ con, người yêu BS còn nhỏ con hơn, chắc hai người sẽ đẻ ra những thằn lằn con nhỏ chút xíu!”. Nàng ra về để lại bao ngẩn ngơ và bình yên trong lòng tôi. Vài ngày sau đó, TĐ15 ND di chuyển trong đêm đến cầu Bình Triệu, Gia Định với nhiệm vụ ngăn chặn con đường tiến quân của CS từ phía xa lộ Đại Hàn.

Trong 2 ngày cuối tháng 4, 1975, Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù Tân Lập đánh trận cuối tại Sài Gòn và vòng đai. TĐ15 ND của tôi đành buông súng tại cầu Bình Triệu vào trưa ngày 30 tháng 4. Th. Tá Phú chở tôi trên xe jeep đến tòa tỉnh Gia Định. Nhìn xung quanh, tôi thấy cả trăm người dân chạy hỗn độn trong sân, tranh giành vác những bao gạo từ trong toà tỉnh. Th. Tá Phú nhảy xuống xe, nói nhẹ với tôi “Bác sĩ đi đi!”, rồi ông xoay người, thẳng lưng tiến vào phía bên trong tòa tỉnh với toán binh sĩ của ông. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy T.Tá Phú tại Việt Nam. Và đó cũng là lần tôi vĩnh viễn rời TĐ15 ND. Tôi cúi đầu, trong nghẹn ngào. Sững sờ, trong đê hèn. Bàng hoàng, trong đau đớn. Muốn gào thét nhưng miệng khô đắng. Muốn khóc nhưng mắt khô vì tủi nhục. Còn cái chết?! Tôi chưa một lần nghĩ đến.

Đang đứng ngơ ngác không biết phải làm gì bỗng một người đàn ông bước ngang bên cạnh tôi nói liền “ông cổi bỏ súng xuống và thay đồ nhanh lên”. Như cái máy, tôi vội chạy đến gần gốc cây lớn. Nhưng sực nhớ, tôi chẳng có bộ áo quần dân sự nào trong ba lô. Vừa lúc ấy, có một thanh niên chạy ngang với bao gạo trên vai. Tôi chận anh ta lại và xin bộ áo quần anh đang mặc trên người, cùng lúc tôi lục ví đưa tờ 500 đồng cho anh. Không một chút do dự, anh ta thả bao gạo xuống đất, rồi vừa nhìn tôi như thông cảm anh ta cởi áo quần dài đưa cho tôi, cho luôn cả đôi dép nhật nữa…

Tôi cởi áo giáp, dây ba chạc có súng, nón sắt, rồi nhanh chóng cởi đôi giày lính và bộ quân phục, gom xếp lại để vào dưới gốc cây. Rồi tôi mặc cái áo màu xanh da trời nhớp nhúa và xỏ cái quần đậm màu, đi nhanh ra phía đường lớn đón chiếc xe ôm, bảo chở về đường Cao Thắng ở Sài Gòn. Nhà nàng.

Xe ôm chở tôi đi qua nhiều đoạn đường vắng, mọi nhà đóng cửa. Đây đó là những đống áo quần trận, nón sắt, áo giáp và súng đạn rải rác bên vệ đường. Có những đoạn đường người đi lại khá đông hay tụ tập hai bên đường, và có những chiếc xe chở đầy người với mặt mày sắt máu, hô to khẩu hiệu và phất cờ MTGPMN… Cũng những con đường ấy tôi thường chạy qua lại, mà sao bây giờ bỗng trở thành xa lạ, mờ ảo như trong một cõi âm. Những âm thanh la hét, còi xe lùng bùng trong tai tôi. Mắt tôi thấy mọi hình ảnh bên ngoài, nhưng chẳng thấu hiểu; lòng tôi như tê dại, chẳng thể suy nghĩ gì. Nhớ đến người thương binh tự vận chết sáng nay tại bộ chỉ huy TĐ, tôi ngước nhìn lên trời. Một màu tang tóc đang chụp xuống thành phố thân yêu.

Xe vào đường Cao Thắng. Nàng là người đầu tiên từ trên balcon nhìn thấy tôi bước xuống xe ôm. Nàng và các em chạy nhanh xuống mở cổng đón tôi vào. Khi đến thang lầu, tôi phải vịn vào vai Nàng để bước lên từng bước. Cơ thể tôi rã rời và tinh thần khủng hoảng, tôi thật chẳng hiểu vì sao mình lại về được đến nhà an toàn.

Hầu như mọi người đều thông cảm và tôn trọng sự yên lặng của ba nàng và của tôi. Chiều đến, tôi đạp xe về nhà Măng tôi ở cư xá Sĩ Quan Chí Hòa cho bà cụ yên tâm, rồi tôi chở Măng tôi đến nhà nàng xin ba mẹ nàng cho phép tôi ở tạm nơi đây, vì cư xá Sĩ Quan Chí Hoà quá nguy hiểm.

Tối ngày 30 tháng 4, Nàng và tôi ngồi ở balcon nói chuyện với nhau đến thật khuya. Trước đây, trong một lá thư gởi cho nàng, tôi có viết “anh xin làm bóng mát trên con đường em đi”. Giờ đây, với sự đổi đời, tương lai tôi mù mịt, viễn ảnh những năm tháng sắp tới là chuỗi ngày đen tối, đọa đày và tôi e ngại tôi chẳng còn khả năng làm bóng mát cho em. Nàng ngồi nghe tôi nói nhiều hơn trả lời. Vì có lẽ câu trả lời đã được quyết định tự lúc nào.

http://www.vietbao.com/images/upload/VB/2013/4_2013/22_04/viet-ve-nuoc-my-3-4.jpg

Em yêu dấu, sau ngày đôi cánh thiên thần của tôi sụp gẫy, em can đảm dang rộng đôi tay cứu vớt đời tôi khi quyết định thành vợ thành chồng với tôi trong một đám cưới quá đơn giản ở nhà nguyện nhỏ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng. Chỉ 3 ngày sau khi mất nước, lễ cưới được Cha Laroche của Dồng Chúa Cứu Thế chủ hôn. Với chúng tôi, đây là “đám cưới chạy tang khi mất nước”, diễn ra trong đạm bạc, cô dâu không áo cưới. Hình ảnh kỷ niệm chỉ có hai tấm hình đen trắng. Sau đó với tôi là mấy năm đi tù cải tạo, rồi đi tù vượt biên. Em cùng tôi chắt chiu hạnh phúc trong cơn lốc đổi đời, đã cùng tôi vượt qua bao thử thách gian khó cùng cạm bẫy để có nhau và mãi mãi bên nhau. Cho đến khi chúng ta đến bến bờ tự do. Vòng tay em tuy nhỏ, nhưng cái ôm choàng cứng chặt và bền bỉ hơn cả cánh dù tôi hằng mơ ước.

Giờ đây, nhờ lục soạn những tấm ảnh xưa cũ, nhờ nối kết với những dữ kiện gom góp qua trí nhớ đối chiếu của cả 2 đứa, chúng tôi nhận thấy mình thật sự có duyên tiền định. Thật khó giải thích sự diệu kỳ các diễn tiến phù hợp với suy luận trên. Như trong 2 tấm hình kèm đây. Tấm đầu tiên cho thấy tôi ngồi bên góc phải trên thành cầu của thác Prenn, chụp vào tháng 7, năm 1971 trong một chuyến đến thăm Đà Lạt với các đàn anh YK Huế. Tấm ảnh kế bên của Nàng, cũng ngồi ở góc bên phải trên thành cầu thác Prenn, bên cạnh Mẹ, chụp vào khoảng tháng 8, 1971 khi Nàng được cha mẹ đưa từ Nha Trang lên nhập học năm học đầu tiên tại phân khoa CTKD tại Viện Đại Học Đà Lạt. Như vậy không là tiền định thì còn gì hơn nữa!?

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image008.jpg

Tôi bền bỉ chạy theo tiếng gọi của con tim nhưng không hoàn toàn mê muội để bỏ bê học vấn. Tôi chiến đấu với chính mình, tôi vừa thách thức vừa phớt lờ khoảng thời gian và không gian cách trở. Tôi vừa bấp chấp vừa chấp nhận sự thua thiệt trong chạy đua. Sự đau khổ tuyệt vọng giúp tôi khiêm tốn. Sự thất bại cho tôi thêm kinh nghiệm và ý chí. Thất tình giúp tôi thêm kiên nhẫn và bền chí, nhất là giúp cho tôi biết chờ đợi cơ hội thuận tiện. Để cuối cùng, không ít thì nhiều, áo hoa dù mũ đỏ cùng phong cách hiên ngang tự tin của một người trai trong khói lửa đã làm Nàng xiêu lòng và cảm nhận tấm lòng thành của tôi. Tình yêu của tôi đã được đáp trả. Tôi hãnh diện thấm hiểu câu viết nổi tiếng của Corneille “À vaincre sans peril, on triomphe sans gloire”. Giờ đây tôi có tình yêu. Trong tình yêu phải có đam mê. Và tôi có cả hai. Ước mơ năm xưa nay là hiện thực. Tôi là người hạnh phúc nhất trần gian.

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/DuyenToHong_VChanh_files/image009.jpg

Hai chúng tôi cảm thấy gắn bó với nhau nhiều hơn theo thời gian. Hạnh phúc dễ tìm thấy đơn giản khi mỗi sáng thức giấc còn bên nhau, nắm tay nhau lúc đi dạo bên bờ hồ, tối trên giường bên cạnh nhau, nồng nàn êm ấm, yên lành nghe tiếng thở của nhau, với da thịt quen thuộc. Tuy nhãn quan kém dần, tay chân có quờ quạng hơn xưa, bước đi kém mạnh và bớt nhanh, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn để nhìn cuộc đời rõ hơn. Để biết nếu trong đời có những thăng hoa thì cũng có những buồn tủi thất vọng. Nếu có những cạm bẫy ma quỷ thì cũng có những tha thứ bù đắp, có những hư hao nhưng không là mất mát, những bi quan nhưng không vô vọng. Có những thử thách nhưng không là những cơn bão dữ, những bất ngờ đáng tiếc nhưng không là những tàn phá vĩnh viễn. Vì vậy cảm thông và tha thứ là căn bản trong tình yêu thương vợ chồng. Nếu duyên tơ hồng là do trời định, thì sự bồi đắp cho một hạnh phúc lâu bền là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng. Hai chúng tôi đều biết điều đó, quyết chí sẽ sống bên nhau cho đến trăm tuổi. Với cuộc tình mãi xanh như thuở ban đầu trong mùa xuân bất tận.

Em yêu dấu, bài viết này là thư tỏ tình thứ hai của tôi. Sau 45 năm bên nhau. Ở tuổi thất thập cổ lai hi, bài viết mang ý nghĩa trang trọng hơn một buổi tiệc hấp hôn dù với cả trăm khách mời. Nó có giá trị hơn hẳn tấm plaque màu đỏ mang dòng chữ mạ vàng Happy 25th Anniversary mà các em đã thân yêu tặng cho anh chị năm 2000. Nó tuyệt đẹp hơn cả trăm bó hoa chúc phúc tình mình. Bài viết này đủ để được trân quý đóng khung vĩnh viễn trong ký ức chúng minh.
Vì cuối cùng, sau tất cả, tôi vẫn có em, bên cạnh tôi. Quả là một ơn phước nhiệm mầu!

Viết cho TSYS
Vĩnh Chánh,
Mission Viejo, CA
Ngày 6 tháng 11, 2020


Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Lưu Vũ Tích Và Huyền Đô Quán

  

Dưới thời Đường Thuận Tông, Lưu Vũ Tích cùng với Liễu Tông Nguyên giúp Vương Thúc Văn chấp chính, có đề ra một số biện pháp đổi mới. Chính sách canh tân bị nhiều người chống đôi. Không lâu sau, Thuận Tông mất, Đường Hiếu Tông lên ngôi, các quan lại trong triều và thái giám gièm pha, nên truyền chiếu, giáng chức Vương Thúc Văn và 8 vị quan, trong đó có ông và Liễu Tông Nguyên. Tất cả bị đưa đi làm Tư Mã nơi xa. Riêng ông bị đưa đi làm Tư mã Lãng Châu (nay là Thường Đức, tỉnh Hồ Nam), bấy giờ ông 33 tuổi. Lần chuyển này kéo dài 10 năm, do Ông và Liễu Tông Nguyên là người có tài, nên cùng được triệu về Kinh làm quan tại triều. Trở lại Trường An, thấy đào nơi Huyền Đô quán vẫn khoe sắc rực rỡ, Ông liền viết bài thơ với ngụ ý mỉa mai:

玄都觀桃花          Huyền Đô Quán Đào Hoa

紫陌紅塵拂面來   Tử mạch hồng trần phất diện lai
無人不道看花迴    Vô nhân bất đạo khán hoa hồi
玄都觀裡桃千樹    Huyền Đô quán lý đào thiên thụ
盡是劉郎去後栽。Tận thị Lưu lang khứ hậu tài.

劉禹錫                    Lưu Vũ Tích  
***
Dịch nghĩa : Hoa Đào ở quán đạo Huyền Đô

Con đường tím bụi hồng như quét trên mặt
Mọi người đều nói vừa đi ngắm hoa đào mới về
Đường đi nơi quán đạo Huyền Đô có hàng ngàn cội Đào
Tất cả đều được trồng sau khi chàng Lưu đã ra đi.

Dịch Thơ:

1/
Đường tím mặt đang phủ bụi hồng
Người người đều mới thưởng hoa xong
Đường Huyền Đô quán đào nghìn gốc
Tự thuở chàng Lưu vắng mới trồng.

2/
Lời gièm che lấp nẻo công danh
Xu nịnh a dua khéo giựt giành
Mới được thăng quan từ cái thuở
Lưu ta bị biếm khỏi kinh thành.

Quên Đi

Vốn là nhà thơ rất nổi tiếng đương thời, nên bài Thơ Huyền Đô Quáng Đào Hoa được mọi người truyền cho nhau thưởng thức. Một số quan trong triều cho bài thơ tuy nói về hoa đào, ngụ ý mỉa mai họ:
- Câu 1: Đường công danh bị bụi trần che lấp
- Câu 2: Những người xem hoa đều là kẻ xu nịnh, theo đóm ăn tàn.
- Câu 3: Những gốc đào tượng trưng cho những quan lại nhờ vào thời thế mà được trọng dụng.
- Câu 4: Khi chàng Lưu (Lưu Vũ Tích) đi rồi, các người này mới được thăng quan tiến chức.

Vì thế họ cùng tấu lên vua, và lần nữa Ông bị biếm đi làm Thứ Sử Liễu Châu nay là huyện Liên, Quảng Đông.
Sau 14 năm bị đổi nhiều nơi, khi Bùi Độ lên làm Tể tướng, Ông được trở lại Trường An. Lúc này trời vào độ cuối Xuân, Ông nhớ tới những cây đào nơi Huyền Đô Quán, đến nơi mới biết vị Đạo sĩ trồng đào đã mất, những cây đào không người chăm sóc, cây thì khô héo, cây thì gãy đổ. Khắp nơi mọc đầy hoa cỏ dại, không còn cảnh hoa đào rực rỡ thuở nao. Nhớ tới bọn quyền thần từng hãm hại, lòng đầy cảm xúc, ông viết bài thơ thứ hai về Huyền Đô Quán với đầy tự hào:

再遊玄都觀          Tái Du Huyền Đô Quán

百畝庭中半是苔   Bách mẫu đình trung bán thị đài
桃花淨盡菜花開   Đào hoa tịnh tận thái hoa khai
種桃道士歸何處   Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ
前度劉郎今又來   Tiền độ Lưu lang kim hựu lai.

劉禹錫                   Lưu Vũ Tích 
***
Dịch nghĩa:

Hằng trăm mẫu đất trong sân một nửa đã phủ đầy rêu
Hoa đào đã hoàn toàn mất hết chỉ có hoa rau đang nở
Không biết đạo sĩ trồng hoa đào đã đi về nơi đâu
Chàng Lưu của thuở nào nay lại đến đây.

Dịch Thơ:

1/
Năm mươi mẫu đất phủ rêu đầy
Chẳng thấy đào đâu chỉ cỏ vây
Đạo sĩ trồng hoa đà vắng bóng
Chàng Lưu thuở trước trở về đây.

2/
Một nửa triều ca lũ nịnh quan
Điều hay lẽ thiệt sắp suy tàn
Người bày chính sự còn đâu nữa
Lưu Tích về đây tiếp dựng dàn.

Quên Đi
***
1/ Huyền Đô Quán

Tím cả đường đi bụi phủ đầy
Thưởng hoa người ngắm mới về đây
Đường Huyền Đô quán đào ngàn gốc
Trồng lúc chàng Lưu khuất chốn nầy

2/ Tái Du Huyền Đô Quán

Nửa trăm mẫu đất rêu xanh phủ
Chẳng thấy đào đâu cỏ tứ bề
Đạo sĩ trồng hoa nay vắng bóng
Chàng Lưu ngày trước lại quay về

Kim Phượng
***
1 /Huyền Đô Quán Đào Hoa

Đường tím mịt mù lớp bụi hồng
Bao người ngắm bảo thưởng hoa xong
Huyền Đô quán mọc đào nghìn gốc
Từ lúc chàng Lưu khuất đã trồng.

2/ Tái Du Huyền Đô Quán

     Nửa trăm mẫu đất rêu dầy
Hoa đào tàn rụi chỉ đầy cỏ rau
    Đạo sĩ trồng đào nay đâu
Chàng Lưu thuở trước đã lâu mới về.

Kim Oanh
***
1/ Hoa Đào Quán Huyền Đô

Đất đỏ bụi bay rát mặt người
Ai ai cũng nói viếng hoa rồi
Huyền Đô ngàn gốc đào xuân rộ
Hết thảy trồng sau Lưu viếng trời!

2/ Lại Đến Chơi Huyền Đô Quán


Nửa sân trăm mẫu biếc rêu màu
Rụng hết hoa đào, nở cỏ rau
Đạo sĩ trồng đào đâu mất nhỉ?
Chàng Lưu thuở trước lại thăm chào!

Lộc Bắc
Nov21
***
Huyền Đô Quán Đào Hoa  Lưu Vũ Tích.

紫陌②紅塵③拂面來 Tử mạch hồng trần phất diện lai,
無人不道④看花回。 Vô nhân bất đạo khán hoa hồi.
玄都觀裡桃千樹,      Huyền Đô Quán lý đào thiên thọ,
盡是劉郎⑤去後栽。 Tận thị Lưu Lang khứ hậu tài.

① 玄都觀:觀,音ㄍㄨㄢˋ,道院。玄都觀在長安。
Huyền Đô Quán : là Đạo Viện ở Trường An, nơi các đạo sĩ tu tiên.
② 紫陌:京師的道路。
Tử mạch: Đường ở Kinh Thành.
③ 紅塵:路上揚起的灰塵略帶紅色,故稱紅塵。
Hồng Trần: Bụi bên đường bốc lên hơi gợn đỏ, nên gọi là Hồng trần. Ở trên Trời nhìn xuống cũng thấy toàn bụi đỏ bốc lên, nên Hồng Trần còn có nghĩa là Cõi Dưới Thế Gian nầy.
④ 道:說。
Đạo: Động Từ : Có nghĩa là Nói.
⑤ 劉郎:即劉晨。傳說他和阮肇上天台山採藥,遇一仙女,結為夫妻。此處劉禹錫用以影射遭貶官的自己。
Lưu Lang : là Chàng Lưu, tức Lưu Thần, theo truyền thuyết cùng với Nguyễn Triệu lên Thiên Thai hái thuốc, gặp Tiên nữ, kết làm vợ chồng. Ở đây Lưư Vũ Tích dùng để ví mình vì cùng họ Lưu khi bị biếm quan.

Diễn Nôm:

Gió bụi kinh thành tỉnh giấc mê,
Ai ai cũng bảo ngắm hoa về.
Huyền Đô Quán ấy đào ngàn gốc,
Trồng lúc chàng Lưu trở lại quê.

Lục bát:

    Bụi hồng mát mặt tỉnh mê,
Người người đều ngắm hoa về kháo nhau,
    Huyền Đô Quán, ngót nghìn đào,
Đều trồng từ thuở chàng Lưu quay về.

再 游 玄 都 觀① Tái Du Huyền Đô Quán

百畝庭中半是苔②, Bách mẫu đình trung bán thị đài,
桃花淨盡菜花開。③ Đào hoa tịnh tận thái hoa khai.
種桃道士歸何處④, Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ ?
前度劉郎今又來。     Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai.

②百畝庭中:指玄都觀百畝大的觀園  苔:青苔。
Bách Mẫu Đình Trung : Sân vườn của Huyền Đô Quán rộng lớn đến cả trăm mẫu.
ĐÀI: là Rêu xanh.
③淨盡:淨,空無所有。 盡:完。
Tịnh tận: Tịnh, là sạch sẽ không còn gì cả.
Tận: là Hết.
Tịnh Tận: là Hết sạch.
④種桃道士:暗指當初打擊王叔文、貶斥劉禹錫的權貴們。
Chủng Đào Đạo Sĩ: Ám chỉ bọn quyền quý lúc đầu đã đả kích Vương Thúc Văn và biếm Lưu Vũ Tích.

Diễn Nôm:

Nửa vườn trăm mẫu đầy rêu phủ,
Đào đã tàn phai cải mọc đầy.
Đạo sĩ trồng đào đâu vắng bóng?
Chàng Lưu ngày trước lại về đây!

Lục bát:

     Trăm mẫu nửa phủ rêu xanh,
Đào hoa tàn hết, cải dành nở hoa.
     Trồng đào đạo sĩ đâu ta ?
Chàng Lưu ngày cũ lại qua chốn nầy!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Hương Đêm Vũ Khúc

 

Ánh nguyệt nửa đắm nửa mê
Lành lạnh gió chớm xuôi về vườn hoang
Từ ai xa biệt mây ngàn
Niềm vui chôn kín sầu mang cõi người
Tâm tư đã hướng định ngồi
Miền ta ký ức sáng soi tọa thiền
Giao đọng ánh trăng qua hiên
Bóng ai nhè nhẹ ngoài thềm bụp xanh
Phất phơ tà áo thiên thanh
Nghê thường vũ khúc yên lành vòng tay
Giấc ru hạnh phúc đông đầy
Đưa ta vào bến mê say cùng người
Chập chờn cơn mộng vụt lơi
Ấp yêu đọng lại hương thời còn nguyên

Kim Oanh