Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Vũ Hối: Thi Ca Và Thư Họa

Bốn tháng trước khi bị ám sát, tổng thống John.F. Kennedy đã mời một họa sĩ người Việt Nam vào tòa Bạch Ốc vẽ chân dung cho ông vào ngày 21 tháng 07 năm 1963. Bức chân dung khổ lớn vẽ bằng sơn dầu đó có thể coi như bức chân dung cuối cùng của vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Người thực hiện tác phẩm hội họa có tính cách lịch sử cho tổng thống Kennedy chính là Vũ Hối, được biết đến nhiều về nghệ thuật Thư Họa của ông. Hiện bức tranh này theo Vũ Hối cho biết đang được trưng bầy tại Kennedy Center ở Boston, sau khi đã được triển lãm ở rất nhiều nơi. Cùng trong dịp đó, Vũ Hối đã thực hiện một bức chân dung cho bà Jacqueline Kennedy. Vinh dự này đã được dành cho Vũ Hối sau khi ông chiếm giải khôi nguyên về hội họa tổ chức tại Hoa Kỳ trong số những họa sĩ của trên 32 quốc gia...

Và hình như Vũ Hối có số gặp những vị nguyên thủ quốc gia. Nên vào năm 1995 ông đã được tổng thống Tiệp Khắc Vacla Havel - được coi là người hùng của cuộc “cách mạng nhung” – mời sang tham dự cuộc triển lãm tranh tại thủ đô Praha vào ngày 05 tháng 09. Lý do ông được tổng thống Tiệp biết tới vì tên ông cùng những thành tích của ông được ghi trong Tự Điển Danh Nhân Thế Giới, xuất bản tại Anh Quốc. Ông cũng từng được coi là “Nhân Vật Trong Năm” ( Man Of The Year ) vào năm 1994 của học viện Cambridge, Luân Đôn. Cũng tại thủ đô Tiệp Khắc, Vũ Hối đã trao tặng một bức hoạ của ông nhan đề “Giấc Mộng Hoà Bình” ( “Peace Dream “) cho tổng thống Vacla Havel. Cùng trong năm 1994, họa sĩ Vũ Hối còn được vinh danh tại Đại Hội Mỹ Thuật Thế Giới tại thành phố Atlanta.

Coi Vũ Hối như một họa sĩ cũng chưa đúng. Mà phải nhìn nơi ông như một nhà nghệ sĩ có khả năng đa dạng. Vì ông còn là một nhà thơ có nhiều tác phẩm, một tay nhiếp ảnh nhiều đam mê và nhất là một người được xếp vào hàng đầu trong nghệ thuật Thư Họa.

Vũ Hối là tên thật của người nghệ sĩ có 10 đầu ngón tay với những hoa tay nở đều và giống hệt nhau cùng với một ngôi sao nằm giữa lòng bàn tay. Vũ Hối không để ý đến những chi tiết này cho đến khi ông gặp bác sĩ Lê Văn Lân, một nhà biên khảo tên tuổi, trong dịp sang Philadelphia triển lãm tranh

Nghệ sĩ Vũ Hối sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Tuy là một nơi đồng khô cỏ cháy, nhưng là nơi địa linh anh kiệt được vua Thành Thái ban cho danh hiệu “:Ngũ Phụng Tề Phi” sau khi đất Quảng Nam có được 5 người cùng đậu tiến sĩ một lượt. Ông là con út trong một gia đình có 6 người con. Ông mồ côi mẹ từ khi lên 12 tuổi, sau đó ông từ Quảng Nam ra Huế học tại trường Phan Chu Trinh. Khi Vũ Hối bước vào lớp tuổi trưởng thành thì thân phụ ông cũng qua đời trong đợt Cải Cách Ruộng Đất. Trong khi đó bốn anh chị của ông đều bị cộng sản ám sát. Ông chỉ còn lại người anh là giáo sư Vũ Ký hiện sống ở Bruxelles., thủ đô Bỉ Quốc. Giáo sư Vũ Ký từng bị tù tại Tiên Lãnh và đã được quốc vương Bỉ bảo lãnh qua thẳng quốc gia này. Tài sản của thân phụ Vũ Hối để lại cho ông không có gì ngoài một cái nghiên và một cây bút trong thời gian gia đình lâm vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Ông tâm sự “Mình thì dốt chữ nho, không biết làm gì với cái nghiên cái bút đó, thì mình cũng hí hoáy hí hoáy viết thành chữ Việt”. Đó chính là sự khởi đầu cho nghệ thuật Thư Họa của ông sau này. Một phần khác, ngay ở bậc tiểu học ông đã luôn được thầy cô khen ngợi về nét chữ rất đẹp.

Vũ Hối một thân một mình vào Sài Gòn năm 1950. Là một người có nhiều khả năng bẩm sinh về nghệ thuật, nên ông đã tự học tất cả những bộ môn khiến ông nổi tiếng sau này. Sau khi hết bậc trung học, Vũ Hối bị động viên và theo ngành truyền tin dưới thời Pháp. Sau khi giải ngũ, ông bắt đầu dấn thân vào những hoạt động văn học nghệ thuật. Khởi đầu bằng viết, kế đó là thơ, họa và nhiếp ảnh.

Trong lãnh vực thơ văn, Vũ Hối bắt đầu làm thơ từ khi 22 tuổi. Ông sáng tác đủ thể loại như lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, v.v.… với đề tài phần lớn về tình yêu đất nước, quê hương. Vì ông cho biết trong tâm hồn mình luôn có những trăn trở về quê hương, mặc dù cuộc sống của ông hiện nay đã tạm ổn định trên xứ người.

Đến năm 1958, Vũ Hối cho phát hành tập thơ đầu tiên của mình là “Mùa Giao Cảm”. Kế đó là tập Vần Thơ Màu Trắng vào năm 1960. Tập thơ này đã được phiên dịch ra Anh và Pháp Ngữ. Đến năm 1963, ông cho phát hành tập truyện ngắn Những Dấu Chân Đi. Ra đến hải ngoại, ông tiếp tục xuất bản thi tập Chiêm Bao Trở Giấc vào năm 1997. Thêm vào đó ông còn phối hợp các thi phẩm của mình với nghệ thuật thư hoạ trong các tập Nghìn Thương Đất Mẹ và Mây Ngàn ( thơ Anh, Việt, Pháp ) vào năm 2000 và 2002. Một số thi phẩm của Vũ Hối cũng đã được đưa vào 2 CD: Thơ Vũ Hối ( 1998 ) và CD Thơ Nhạc Trong Tranh, phát hành năm 2001, gồm những bài thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Đức Quỳnh, Trần Thiện Thanh, Song Ngọc, Nguyễn Hữu Tân, v.v... Gần đây nhất, ông đã sử dụng nghệ thuật Thư Họa sắc sảo của mình trong tập Thư Hoạ Truyện Kiều Nguyễn Du, xuất bản năm 2003.

Về hội họa, từ nhỏ Vũ Hối đã khám phá ra năng khiếu của mình, như ông nói:” Hồi nhỏ thì vẽ đẹp lắm. Mà hồi đó đâu có mầu có mè gì . Có cái cây gì mầu xanh thì mình giã ra . Rồi như là màu tím thì lấy những cây mầu tím giã ra viết thôi chứ ở nhà quê cũng khổ lắm!”

Khi lớn lên, ông từng vẽ nhiều tranh cũng như dạy hội họa ở Cần Thơ. Tuy nhiên sau này từ khi ra hải ngoại, do sự khó khăn vì chỉ còn sử dụng được một mắt nên khả năng của ông đã bị hạn chế rất nhiều. Đó là kết quả sau một thời gian dài bị biệt giam trong tình trạng thiếu ánh sáng.

Vũ Hối là người đã sáng tạo ra trường phái được ông đặt tên là Luân Vũ Họa, tức “Painting In Motion” được hiểu một cách giản dị là “tranh quay” như ông trình bầy. Bức Luân Vũ Họa của ông đã được trưng bầy tại Đại Hội Mỹ Thuật Thế Giới vào năm 1994. Giải thích rõ hơn về nguồn gốc của Luân Vũ Họa, Vũ Hối cho biết đã dựa trên sự xoay chuyển của trái đất và nhất là muốn đưa triết lý Đông Phương vào hội họa trừu tượng của Tây Phương.

Còn về bộ môn nhiếp ảnh, Vũ Hối có chân trong một hội nhiếp ảnh từ khi sang Mỹ, và trước đó ở Việt Nam từng có thời gian hoạt động với những nhiếp ảnh gia tên tuổi...

Sau năm 75, Vũ Hối gần như không còn hoạt động gì, ngoài việc sáng tác một số bài thơ, được phổ biến trong giới văn nghệ sĩ quen biết, được ông gọi là thi “chui”.. Một số đã được nhạc sĩ Lê Thương và Đức Quỳnh phổ nhạc và cũng chỉ được phổ biến rất hạn chế.

Một thời gian sau biến cố tháng 4 năm 75 ông bị bắt cùng một đợt với các văn thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, vv...và bị giam tại nhà tù Phan Đăng Lưu. Mãi đến năm 1992, trong khi còn bị giam, ông may mắn được thượng nghị sĩ Bob Dole thuộc đảng Cộng Hòa và là người từng tranh cử tổng thống Hoa Kỳ với ông Gerald Ford vào năm 1976, bảo lãnh sang My. Cùng đi với ông có vợ và 2 người con lúc đó còn độc thân trong số tất cả 6 người con của ông. Gia đình Vũ Hối được đưa thẳng tới thủ đô Washington và cư ngụ tại đây cho đến nay. Vừa đặt chân xuống phi trường, Vũ Hối đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của các tổ chức văn học nghệ thuật tại hải ngoại vốn vẫn dành cho ông nhiều cảm tình. Cùng một lúc ông đã bắt tay ngay vào việc sửa soạn cho một cuộc triển lãm tranh tại Washington, D.C. vào năm 1993 với một số tranh mang từ Việt Nam sang và một số mới vẽ sau khi đến Mỹ. Cuộc triển lãm này do ông David Jones, một trong những người trong hội đồng giám khảo cuộc thi Khôi Nguyên Hội Họa vào năm 1963, bảo trợ. Đến nay Vũ Hối đã đứng ra bảo lãnh được một người con, cũng từng dạy hội họa ở Sài Gòn cùng một cháu nội sang đoàn tụ. Ông hiện cũng đang tiến hành thủ tục bảo lãnh cho 3 người con còn lại, trong số có người con cả cũng là người viết Thư Hoạ như ông.

Với nghệ thuật Thư Hoạ, Vũ Hối đã hãnh diện nhận mình là người sáng tạo ra bộ môn này. Còn riêng về danh từ Thư Họa đặt cho bộ môn ông có khả năng rất vững vàng, Vũ Hối cho biết do nhà học giả Nguyễn Quốc Tuân đặt ra để phân biệt với bộ môn Thư Pháp đã có từ trước...

Về những người nối tiếp ông trong nghệ thuật Thư Họa là nghệ thuật hiện nay gắn liền với tên tuổi ông, Vũ Hối cho biết ở Việt Nam hiện nay có không ít người theo đuổi, tuy nhiên còn mang nặng ảnh hưởng lối viết hán tự, chưa lột tả được cái hồn của ngôn ngữ Việt...

Với tài nghệ độc đáo về Thư Họa, Vũ Hối cho đến nay tuy tuổi đã cao và thị giác bị hạn chế, nhưng vẫn thường xuyên được mời đi đó đây để biểu diễn về nghệ thuật này. Đặc biệt là vào những dịp tết, ông thường được mời đóng vai thầy đồ, viết câu đối bằng nghệ thuật Thư Họa tại những Hội Chợ Tết ở hải ngoại. Trong số có Hội Chợ Tết San Jose mà thầy đồ Vũ Hối đã có mặt để thảo những nét chữ như rồng bay phượng múa liên tiếp từ 10 năm nay và “ bây giờ thành cái huyền thoại nhà nào có chữ Vũ Hối là nhà đó làm ăn khá! , như lời ông nói.

Vũ Hối viết Thư Hoạ theo nhiều lối được ông phân chia thành Trúc Tự, Thủy Tự, Vân Tự, Hỏa Tự. Những lối này được ông giải thích:”lối viết chữ tùy theo cái cảm hứng của mình. Với lại tùy nội dung câu thơ như thế nào thì mình viết tùy theo lối mình chế ra Thí dụ như Trúc Tự là như câu “gió đưa cành trúc la đà…”, Rồi Thủy Tự là viết như nước chảy thí dụ như câu “Thuyền ra giữa bến thuyền dừng, ai đi thương nước nửa chứng lại thôi” là thơ của mình. Vân Tự thì viết như mây bay. Hỏa Tự là viết như lửa cháy.phừng phực...!”

Nhiều người cho như vậy ông đã bị ảnh hưởng nhiều lối viết của Trung Hoa. Nhưng Vũ Hối khẳng định hoàn toàn không có sự vay mượn ở bất cứ đâu. Và nhất là không hề bị lai căng chữ Tầu, chữ Nhật hay Đại Hàn.

Năm nay tuy Vũ Hối đã 73 tuổi nhưng niềm đam mê của ông về Thư Họa có vẻ càng ngày càng lớn như tuổi tác của ông mà không theo một tỷ lệ nghịch. Ông cũng vẫn còn những dự định để theo đuổi. Trước mắt, ông sẽ cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhật ( chồng nhà văn Nguyễn Thị Vinh ) ở Na Uy thực hiện một tuyển tập gồm 300 thi phẩm hay nhất của Việt Nam thể hiện bằng nghệ thuật Thư Họa của ông. Và ông hy vọng sẽ hoàn thành trong năm 2006...

Trường Kỳ(2005)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét