Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Lời Cuối Cho Cụ Ông Lê Văn Sang (Điếu Văn 30/10/1997) - Ông Trần Văn Quản

(Mill Park 1989)
Ba thương yêu ơi! 
Thời gian thật nhanh, mới đó mà đã 22 năm ba rời xa chúng con.
Với chừng thời gian ấy con chưa thể nào quên được. Hôm nay lục lại những kỷ niệm của ba má, con đọc lại những lời của Ông Trần Văn Quản, Thành Viên của Hội Nghi Lễ Liên Bang Úc Châu, viết và đọc Điếu Văn trong ngày tiễn đưa ba. Ngậm ngùi lắm ba ơi.

Úc đang xuân, hoa đua sắc thắm, con lại nhớ ba nhiều hơn. Nhất là ngày con cất được căn nhà đầu tiên, một tay ba trồng trọt, chăm chút vườn tược được đơm hoa kết trái xinh tươi. Hình ảnh ấy mãi mãi trong tâm trí con và các cháu của ba. Con nguyện cầu nơi Thiên Đàng ba an hưởng thanh nhàn, hạnh phúc đời đời cùng má nha ba.
Muôn hoa sắc thắm rộn ràng
Mùa Xuân năm cũ lòng chan chứa về
Nguyện cầu nơi chốn Trời Quê
Ba má an hưởng tràn trề ân Thiên
Làm con Ba Má là duyên
Mong thêm kiếp nữa con nguyền khắc tâm!

Con gái Chín của Ba.
Lê Thị Kim Oanh
Melb.30-10-2010
***
Điếu Văn của Ông Trần Văn Quản

Cuộc Đời và Sự Nghiệp



Trước khi bắt đầu phần nghi lễ, tôi xin chuyển lời cảm ơn chân thành của tang gia đến toàn thể quí vị, trước cảm tình ưu ái nồng nàn, đến phân ưu và chia sẻ những mất mát lớn lao nhất và tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. 
Trong lúc tang gia bối rối có điều chi sơ sót mong quí vị vui lòng lượng thứ và bỏ qua cho.

Sự ra đi vĩnh viễn của Ông Lê Văn Sang đã khiến chúng ta tạm gác lại các sinh hoạt hàng ngày để cùng nhau đến đây bày tỏ niềm mến tiếc luyến thương người quá cố. Một điểm chung của tất cả chúng ta hiện diện nơi đây cùng có với ông Sang một tấm chân tình yêu thương và quý trọng.

Cuộc sống ở đời này, là mạch sống nối tiếp liên tục với người xưa. Chúng ta là di sản, là thọ hương các công trình và ân huệ của người xưa để lại. Hôm nay nhân lúc chúng ta thành tâm đưa tiễn thêm một người nữa ra đi. Sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của cõi đời. Cũng là lúc tốt nhất để chúng ta gác lại những bận rộn của cuộc sống để tâm tư mình lắng đọng, bình tâm suy gẫm về cuộc đời. Một cuộc đời đã sống cùng phấn đấu dài, đã hoàn tất nhiều công trình còn để lại cho người sau thừa hưởng, những người thừa hưởng đó có thể có ảnh hưởng đến cho cả chính chúng ta.

Ông Lê Văn Sang sinh ngày 16-12-1914 tại Xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình khá giả. Cha của ông là Bang Biện thời trước, nhưng gia đình rất đổi thanh liêm, Mẹ ông ở nhà cũng phải tảo tần nuôi dạy bảy người con, 5 gái, hai trai.
Khi còn trẻ ông Sang rất chăm chỉ học hành nên được gia đình gởi lên Sài Gòn đi học theo chương trình Pháp. Nhưng đến thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam. Ông phải trở lại quê nhà sinh sống. Ông sớm ý thức được rằng, nông nghiệp là căn bản của nền kinh tế Việt Nam, ông say mê trồng trọt. Đỡ đần công việc cho Cha mẹ.

Đến năm 1939, ông được 25 tuổi, sự nghiệp vững vàng nên ông vâng lời cha mẹ cưới vợ. Bà Võ Thị Thoại khi đó là người thiếu nữ đẹp nổi tiếng tại địa phương. Đôi uyên uơng lúc ấy là cặp trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa.

Đến năm 1945 chiến tranh xảy ra, Ông là nhà nông nên không bị lôi cuốn nhiều về cuộc chiến. Nhờ đó ông có cơ hội và thời giờ phụng dưỡng mẹ cha trong lúc tuổi già cùng nuôi dạy các con.

Gần đến 1954 cuộc chiến sôi động. Theo luật pháp thời đó ai có trên 5 người con không phải đi lính. Nhờ vào cơ duyên này ông cảm thấy mình may mắn nên ông phát tâm làm việc thiện. Ông thường khuyên răn con cái làm lành lánh dữ, thường xuyên giúp đỡ mọi người.

Theo quan niệm xưa của người Việt, gia đình đông con là biểu tượng gia đình có phước đức. Ông tự hảnh diện, cám ơn Trời Phật về điều này. Rồi tự đặt cho mình một trách nhiệm lớn lao là sẽ nuôi dạy con cái trở thành người hữu dụng. Rút kinh nghiện bản thân qua những gian khó vì chiến tranh cho nên ông cố gắng tránh cho con mình bị lôi vào vòng quỹ đạo đó, bằng cách khuyến khích các con tích cực làm các công việc xã hội, đồng thời khích lệ con chuyên cần học tập.

Đến năm 1975, ông 61 tuổi được 10 người con đều khôn lớn và thành đạt. Tưởng đâu ước nguyện đã trọn vẹn. Ngờ đâu một biến cố xảy ra làm cho gia đình ông nhiều ly tán.  Một lần nữa khiến ông bà hết lòng lèo lái đàn con để sớm gồm chung về một nơi đoàn tụ. Không có một thành công nào mà tự nó đến mà không có chông gai, công lao, mồ hôi, tim óc và nước mắt.  Hơn nữa dù ai có tài giỏi, cố gắng đến đâu cũng không bao giờ đạt được một thành công tuyệt đối.

Năm 1984 ông bà được con bão lãnh đoàn tụ gia đình theo diện di dân sang Úc.

Cuối cùng sau hơn 84 năm cuộc đời, 68 năm chung sống cùng vợ, lăn lóc với đàn con, ông đã để lại cho đời 10 đứa con thành đạt, 6 ở Úc, 1 ở Mỹ, 1 ở Canada, và 2 ở Việt Nam, tổng cộng 29 cháu nội ngoại. Ông rất sung sướng và  hãnh diện về con cháu ông.

Ba năm gần đây bệnh tim ông trở nặng, các con đồng lòng chăm sóc chạy chữa tận tình, có lẽ định mệnh an bài, ông đã êm ái ra đi lúc 3g30 sáng ngày 30-10-1979. Nguyện ước của ông là các con phải hiếu thảo với mẹ cha và anh em hoà thuận cùng nhau. Ông ra đi trong niềm tiếc thương to lớn của tất cả chúng ta.

Đặc điểm của ông Sang là người thích hoạt động, thích thể thao, thời niên thiếu ông chuyên cần luyện tập võ thuật. Có lẽ nhờ võ thuật ông tập tánh hiền lành, biết nhường nhịn, thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó.

Về âm nhạc ông thích nghe nhạc buồn như phản ảnh một tâm sự thầm kín riêng tư với chí trai hồ hãi nhưng phải bó gối cầm chân. Ông thích nhất giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Thúy. 

Xuất thân từ nông nghiệp, ông yêu thích thiên nhiên và du lịch. Việt Nam đối với ông là một hình ảnh tuyệt vời, mãi mãi ghi sâu trong tiềm thức. Ông tỏ ra vô cùng ưa thích những gì liên quan đến Việt Nam, ông thích nghe Đài phát thanh Việt Ngữ SBS Melbourne, ông tham gia những buổi sinh hoạt của Cộng Đồng Việt Nam.

Tóm lại ông Sang đã sống một cuộc đời dài hữu dụng, đã đóng góp, xây dựng biết bao là công nghiệp, yêu thương nhân hậu. giúp đỡ tận tình, cụ thể nhất là cho vợ cho con trong tinh thần tích cực. Một cống hiến lớn lao cho thế hệ con cháu mai sau.

Một vài phút ngắn ngủi không làm sao kể hết công lao của một đời người, nhất là một người như ông Sang.
Trước nhất nét nổi bậc của ông là chứng nhân vô tư của lịch sử xã hội Việt Nam, trải qua biết bao biến cố 1945, 1954, 1968, 1975, biết bao vật đổi sao dời, vậy mà ông vẫn lèo lái con thuyền gia đình vượt qua muôn trùng sóng gió.

Kế đến, ông xứng đáng là một người chồng mẫu mực, một người chồng dành trọn vẹn yêu thương cho vợ trong suốt 68 năm trường. Một biểu tượng văn hóa chứa đựng một giá trị cao quý của Việt Nam, xứng đáng được đề cao, tôn trọng không phải chỉ là gương mẫu cho tây phương mà cả đông phương. 

Thêm nữa ông là người cha gương mẫu cho các con cháu noi theo. Và sau cùng ông là một người con hiếu thảo của gia đình, ông sống quá xứng đáng không uổng phí, đã để lại cho đời nhiều hơn những gì ông hưởng được, nhiều hơn cả những gì ông mang đi.

Kính thưa bà Sang cùng tang quyến, những người có mặt tại đây xin thành kính phân ưu. Chúng tôi vô cùng chia sẻ những ray rứt khổ đau mà gia đình gánh chịu. Khi chúng ta đau khổ vì thương người quá cố, xin hãy vì người mà suy gẫm về công trình gầy dựng, những tâm tư và gương sáng của người để lại, vì yêu ông chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ thêm gương sáng của ông.

Cuộc đời là vô thường, họp tan, biến đổi. Đó là định luật của thiên nhiên và vũ trụ, là một sự hiển nhiên không sao tránh khỏi. Cái buồn vui thật sự của mỗi người phải là cái lý do của chính đời sống mình, xem có ý nghĩa không có làm được gì hữu ích để cho đời sau không. Trong ý nghĩa đó ông Sang chắc chắn vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ và êm ái ra đi. Vì vậy chúng ta hãy cùng hãnh diện và chia sẻ niềm vui đó với ông Sang.

Sau đây tôi xin mạn phép đọc một đoạn thơ ngắn gọn mô tả tâm tình của ông Sang, được trích trong tập Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi:

Ở phải có nhân có nghì,
Thơm danh vã lại làm bia miệng người.

Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu dấu, là trời hộ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây.
Vàng trời tuy chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Mai sau bạc chín tài mười,
Sống lâu ăn mãi của đời về sau.


Kính thưa quí vị, trong chốc lát nữa đây, ông Sang thân yêu của chúng ta sẽ được đưa về nghĩa trang hỏa táng theo di chúc của người, chúng ta thân ái chuẩn bị tiễn đưa người thân yêu vào miền miên viễn.

Trong tinh thần ca ngợi, một công nghiệp hoàn thành, một cuộc đời đáng sống. Chúng ta kính cẩn cầu chúc Hương Hồn người quá cố nghe Thanh Thúy ca bản nhạc cuối cùng để kỷ niệm với ông Sang ngày chia tay vĩnh biệt.


Melbourne 30-10-1997
Trần Văn Quản
(Kim Oanh Lưu Niệm)


2 nhận xét: