Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Thương Người Như Thể Thương Thân


(Melbourne City 1991)

Rồi một ngày, ba đưa về nhà con bé, trạc tuổi cậu em út của tôi và rằng “Đây là con gái út của ba, không đứa nào được ăn hiếp nghe.” Câu giáo đầu có ý nhắc khéo, nhưng có trời mới tin được, cô bé tên Lòng kia là con gái út của ba.


Lòng có làn da bánh mật, tóc bum bê ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nhỏ, có duyên ở nụ cười, để lộ hàm răng trắng ngần. Con bé với bọc đồ nhỏ trong tay, đứng nép sát vào ba, vẻ ngơ ngác, đôi chút rụt rè, nhìn chúng tôi. Ba cho biết Lòng đến giúp má, phụ việc trong nhà. Trong bỡ ngỡ lẫn xót xa, tôi thầm nghĩ, tuổi đời còn quá nhỏ nhưng bé phải rời gia đình đi giúp việc cho nhà người.

Ba, lúc ấy là chủ một nhà máy xay lúa, sống xa gia đình ở cùng với gia đình Cậu Tư tôi, đôi ba ngày hay cả tuần lễ mới về thăm nhà. Có việc cần, má bảo tôi xuống nhà máy gọi ba về. Với khoảng thời gian đợi chờ ba không lâu, nhưng là một khúc phim dài, đầy ý nghĩa, mãi đeo đẳng theo tôi.

Dù là chủ nhà máy, nhưng nếu không tận mắt nhìn thấy nơi ăn, chốn ở và việc ba làm, khó tưởng nổi ba là chủ nhân ông, chỉ biết ngồi yên trước bàn để thu tiền công xay lúa từ khách hàng như những ông chủ khác. Tiếng ồn ào của máy xay lúa lẫn động tác của đôi tay không ngừng nghỉ, ba phụ người này nâng cái thúng gạo lên, giúp người kia mở bao bố để đổ cám vào. Mái tóc ba trắng phơ bởi bám đầy bụi cám. Trên con đường trở về Vĩnh Long, đầy “ổ gà”, tôi ngồi ôm chặt lấy ba, trên chiếc xe gắn máy Sachs. Lưng ba còn vương vương mùi bụi cám. Trái tim tôi như có lời vọng ra...”sao thấy thương ba quá đổi”.

Qua lời của ba, con của ba được cho ăn học, đứa con nào muốn học đến đâu, ba lo cho tới đó. Nhưng, có những đứa trẻ khác không được như vậy. Công việc ba làm, dù cực nhọc, nhưng có những người khác đã cực nhọc và kém may mắn hơn ba rất nhiều. Ba kể rằng, mỗi lần một bà mang lúa đến xay, luôn có một con bé lẽo đẽo bên cạnh phụ giúp. Thấy sự vất vã của bà và tương lai mờ mịt của Lòng, ba thương cảm cảnh đời của con bé. Con bé được sinh ra trong một gia đình nghèo, lam lũ với miếng cơm manh áo. Và xót xa hơn mà ba nhận ra, là qua đôi mắt trong sáng đó, con bé không may lại mù...mù chữ.

Sau những lần đắn đo, ba ngỏ ý và bà đã bằng lòng cho con bé về với gia đình chúng tôi, giúp má làm việc lặt vặt trong nhà. Ở tuổi này, bé làm gì có thể quán xuyến nổi một bữa ăn, Lòng chỉ phụ hợ, má sai đâu làm đó, bảo gì nghe nấy. Lòng suốt ngày lẽo đẽo bên má, được má may quần áo mới cho mặc, học cách sử dụng bếp núc, giặt giũ, học cách ăn, cách nói và cả học chữ. Phần giặt giũ, con bé chỉ lo cho ba má tôi, còn áo quần của chúng tôi thì mỗi đứa phải tự liệu. Đến giờ cơm, Lòng được ngồi cùng bàn, ăn chung mâm. Khi má nghỉ trưa, Lòng cũng được ngủ trưa. Tối đến má xem tivi, Lòng cũng được xem cải lương, thưởng thức nhạc. Lúc các em tôi ngồi vào bàn học, Lòng được má tôi dạy tập viết ngoài ra dạy thêm tiếng Pháp nữa.

Khi cô bé lớn thêm một chút, Lòng được tập chạy xe đạp. Con bé ham học và thích thú lắm. Ngồi chưa tới yên xe, một chân thọt bên này, một chân với bên kia, thế mà con bé cũng chạy được. Suốt ngày, bé luôn mong mỏi má tôi sai bảo đi mua đồ lặt vặt. Con bé còn đạp xe đến trường, bé chờ, bé đợi, đến giờ tan học của hai em gái tôi, để chở một trong hai cô chủ nhỏ về nhà.

Thời gian lặng lẽ trôi, cô bé từ giả để về quê lập gia đình. Ngày Lòng rời nhà, má tôi đã cho bé một ít tư trang. Lòng không còn sống chung dưới mái gia đình của tôi nữa. Thật đáng tiếc cho gia đình tôi và cả Lòng!

Hôm nay ngày giỗ thứ 22 của ba. Nhớ ba, hình bóng con bé Lòng lại thấp thoáng, từ ngày đầu đến lúc rời xa chúng tôi. Cái tình của con bé cho đi là kỷ niệm đẹp, khó quên. Đó là lần, sau giấc ngủ trưa, con bé chìa ra hai củ khoai lang luộc và thỏ thẻ với má tôi, “con cất riêng hai củ khoai, để dành cho ông mười bà mười”. Tình ba má tôi cho đi, tình con bé đáp lại, đơn giản qua hai củ khoai lang luộc, nhưng đậm tình người. Một bài học gián tiếp, không lời, nhưng rất thực tế. Ba đã dạy chúng tôi biết thế nào là tình thương giữa người và người.

Ba không còn, nhưng tôi vẫn nhớ ba mà thương, thương ba mà nhớ, nhớ những gì ba đã trải qua lúc thiếu thời, nhớ những gì ba đã nói khi ba sắp sửa lìa khỏi cuộc đời… Ba đã dạy chúng tôi biết thế nào là tình thương giữa người và người qua Lòng, một nhân vật có thật. Đó là hành trang ba đã trao truyền lại cho các con, sự rắn rỏi chống chỏi với đời và từ tâm của một con người.

Kim Phượng
30.10.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét