Trong báo tạp chí "Truyền Giáo" có đăng mẩu chuyện ngắn về một em gái người Phi Châu. Em bé đã qua đời khi tròn 13 tuổi bởi căn bệnh bạch hầu. Khi xem lại các đồ dùng quen thuộc của em, cha mẹ em đã bắt gặp trang nhật ký cuối cùng của em vừa được viết trước lúc em nhắm mắt. Trang nhật ký nghuệch ngoạc với những dòng sau đây: "Ôi lạy Chúa, con đang được giải thoát, thung lũng xanh tươi và suối nước trong mát đang khoe mình sau những vùi dập của bão tố. Trong bóng tối dày đặc của khổ đau và buồn chán, con thoáng thấy bàn tay Thiên Chúa đang vẫy gọi con. Nó vụt qua như một tia lửa yếu ớt, nhưng đã đủ để chiếu sáng và sưởi ấm lòng con, và chẳng một ai giành được nó khỏi con. Ôi lạy Chúa, con đang được giải thoát".
Thật là một cảm nghiệm quí báu đối với một bé gái chỉ vừa tròn 13 tuổi. Phải chăng em đã thông suốt được lời dạy của Chúa Giêsu được thánh sử Gioan tường thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Thông thường đau khổ được nhìn bằng một cái nhìn bi đát. Ðau khổ là hình phạt cho những kẻ đã gây ra tội ác: "Tích thiện tùng thiện, tích ác tùng ác". Ðau khổ là một điều không thể tránh được đối với ai đã làm điều dữ. Hình phạt chưa đến với họ thì đời con, đời cháu sẽ gánh chịu: "Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước".
Người Do Thái cũng không vượt lên trên quan niệm này "cha ăn nho xanh, con sẽ hư răng". Gặp người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ đã hỏi Chúa Giêsu: "Có phải vì tội lỗi anh hay cha mẹ anh?" Chúa Giêsu đã sửa sai cái nhìn của các môn đệ và Ngài làm phép lạ cho người mù được sáng.
Với Chúa Giêsu, đau khổ không hướng về quá khứ nhưng mở cửa cho tương lai. Con người không tuyệt vọng u buồn trong đau khổ nhưng phải hy vọng vui mừng vì những gì sẽ xảy đến sau đau khổ. Các môn đệ sẽ buồn sầu nhưng nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Người đàn bà sắp sinh con lo buồn, nhưng khi đã sinh con ra rồi thì bà mừng rỡ quên hết cơn đau vì đã có một người con mới sinh ra đời.
Ðoạn đường đến Núi Sọ là một chuỗi dài những đau khổ đau tủi nhục và tuyệt vọng, thế nhưng đoạn đường ấy lại mở lối cho sự Phục Sinh vinh quang. Có gì đáng tuyệt vọng và đau buồn cho bằng tình trạng của Nguyên Tổ sau khi đã phạm tội chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa? Vậy mà Thiên Chúa không để cho họ bị chìm đắm trong hình phạt, Ngài hứa ban cho họ Ðấng Cứu Chuộc. Từ một tội có thể gọi là tày trời thì phép màu của tình yêu Thiên Chúa đã biến nó thành tội hồng phúc.
Loài người được đón tiếp Thiên Chúa Ngôi Hai đến chung sống với họ, cho họ trực tiếp cảm nhận tình yêu của Cha trên trời. Tuy nhiên, có một câu hỏi thường làm bận tâm chúng ta không ít, đó là có một Thiên Chúa tình yêu, tại sao con người vẫn mãi đau khổ? Cũng như trong bài Tin Mừng hôm nay, tại sao biết các môn đệ đau buồn mà Chúa Giêsu vẫn ra đi?
Câu trả lời đã có sẵn trong đoạn Tin Mừng trước đây, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Thầy đi thì có lợi cho các con". Chắc chắn lúc đấy các môn đệ chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa của sự ra đi và ích lợi sẽ đến với các ông như thế nào. Các ông vẫn mù tối trước lời giải thích của Chúa Giêsu, và dù cho các môn đệ vẫn chưa hiểu lời Ngài, dù cho các ông có đau buồn vì Ngài ra đi thì cũng không vì thế mà Ngài ở lại, vì Chúa Giêsu không thể bỏ dở nhiệm cục yêu thương của Thiên Chúa Cha. Vì thế, Ngài mời gọi các môn đệ đừng buồn phiền lắng đọng trong đau khổ, nhưng hãy hướng về niềm vui tương lai: "Bây giờ các con buồn phiền nhưng Thầy sẽ trở lại với các con, bấy giờ lòng các con sẽ vui mừng và sự vui mừng ấy không ai lấy mất được, và trong ngày đó các con sẽ không hỏi Thầy điều gì nữa"..
Lạy Chúa, xin cho mầu nhiệm Thập Giá luôn là ánh sáng soi dẫn chúng con trong những lúc tăm tối, khổ đau của cuộc đời. Xin cho chúng con biết sống lời dạy của thánh Phaolô: "Ðau khổ sẽ góp phần vào cuộc khổ nạn của Ðức Kitô để chúng con được thông phần niềm vui Phục Sinh của Ngài". Amen.
KimQuyTu chuyển.
DVD đọc và ngẫm...
Trả lờiXóaVâng, cám ơn Đỗ Văn. Chúc an lành nha bạn.
Trả lờiXóa