2* Diễn tiến hình thành Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa
2.1. Trường Bộ Binh được chọn làm thí điểm thực hiện kế hoạch đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội.
2.2. Trường Bộ Binh tổ chức trại hướng đạo ra mắt Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị.
4*. Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức
4.1. Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức
Hướng đạo quân đội không thể tách ra khỏi trường trung tiểu học được.
Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức đóng góp vào việc chăm sóc và giáo dục con em quân nhân các trường Bộ Binh, Trường Thiết Giáp, Trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, Đại đội 831 Quân cụ và dân chúng trong khu vực TBB.
Trường Trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức có 30 lớp tiểu học và 14 lớp trung học, từ mẫu giáo đến lớp 12, với tổng số học sinh trên 2,000.
Nhà trường và gia đình hợp tác chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục con em quân nhân. Một Hội Phụ huynh học sinh do Đại tá Trần Văn Cường, Chỉ huy phó TBB làm Hội trưởng. Sau đó, Trung tá Đỗ Nguyên Tụ, Trưởng Khối Quân Huấn TBB, giữ chức vụ Hội trưởng.
Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, một tay quần vợt (Tennis) chuyên dợt banh cho các chỉ huy trưởng Lâm Quang Thơ và Phạm Quốc Thuần, cho nên có những khó khăn, “nhạy cảm” đã vượt hệ thống quân giai, mà đi đường tắt, từ trên xuống dưới.
4.2. Trường Tiểu học Quân Đội
(Hiệu trưởng đứng bên trái. Các cô giáo tiểu học)
(Phát phần thưởng cho học sinh lớp 12 * Hiệu trưởng Khanh)
Trung úy Khanh mang phần thưởng để Trung tướng Phạm Quốc Thuần trao cho học sinh. (Tr/u Khanh lùi lại phía sau)
Trước đó, chưa có ai nghĩ đến việc phải tìm cách lập cho được một trường trung học trong khuôn viên trường BB cả. Năm 1966, tôi được cử ra làm hiệu trưởng tiểu học. Ở cấp bậc chuẩn úy không có nhiều quen lớn, nhưng vẫn nuôi ý định đó.
Một sự tình cờ.
Tôi gốc giáo chức. Được biết ông Nguyễn Thanh Liêm, hiệu trưởng Pétrus Ký, vừa mới vào thụ huấn trong TBB. Tôi chưa quen biết ông. Nhưng tôi làm tờ trình xin phép cho ông đi công tác mấy ngày, với lý do là xuống Bộ Giáo dục xin sách giáo khoa. Tôi chở ông về tận nhà trong trường Petrus Ký để nghỉ phép. Hai ngày đi phép thường lệ cộng với 3 ngày công tác, như vậy là ở nhà 5 ngày. Không có xin sách giáo khoa gì cả.
Sau đó, không còn liên lạc gì nữa. Đến khi ông được cử làm Thứ trưởng Giáo Dục, phụ trách Trung Tiểu học, thì tôi tìm đến nhờ giúp đỡ. Cũng may, lúc đó, một quy chế mới vừa được ký, chưa phổ biến rộng rãi. Thế là trường BB được thành lập một trường trung học công lập theo quy chế “Trường Tỉnh Hạt”. Tức là địa phương tự lo xây cất phòng ốc, trang bị bàn ghế và các dụng cụ cần thiết, Bộ Giáo Dục chỉ cử giáo sư đến dạy mà thôi.
Năm học đầu tiên 1966-1967, với 2 lớp đệ thất (Lớp 6) được khai giảng để thu nhận tất cả học sinh lớp năm tiểu học.
Phụ huynh rất tán thành.
Trường trung tiểu học tổ chức chu đáo, nề nếp, kỹ luật cho nên con em quân nhân ở những đơn vị khác, nhưng có nhà trong khu vực Chợ Nhỏ, Cư Xá Kiến Thiết ở ngã tư xa lộ, xin vào học, một phần cũng vì sẽ đương nhiên vào trung học công lập. Theo quy chế các trường công lập, một kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất được tổ chức, nhưng tất cả học sinh đều được thu nhận.
Bộ Chỉ Huy TBB cũng thường hướng dẫn những phái đoàn đến viếng trường Võ Khoa Thủ Đức, xem như một công tác phục vụ gia đình quân nhân. Phái đoàn do Trung tướng Thái Lan viếng thăm, phái đoàn cố vấn Mỹ, các nhóm VC hồi chánh và tù binh VC thăm trường, để thấy chế độ VNCH chăm sóc đời sống quân nhân như thế nào.
Một lần, nhân dịp phái đoàn Bộ Giáo Dục, do Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh hướng dẫn, với giáo sư Đỗ Bá Khê, Viện trưởng Đại học Sài Gòn, các Tổng giám đốc và Giám đốc các ngành của bộ GD, đến nói chuyện với các giáo chức đang thụ huấn trong trường BB, là Bộ Giáo Dục sẽ can thiệp cho giáo chức được biệt phái về các trường cũ sau khi mãn khóa học. Trung tướng Phạm Quốc Thuần hướng dẫn phái đoàn ra viếng trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.
Sau khi nghe hiệu trưởng thuyết trình về công tác giáo dục con em quân nhân, sinh hoạt hướng đạo QĐ, và việc góp phần xây dựng các lớp học, theo đà phát triển của mỗi năm học, ông Tổng Trưởng Ngô Khắc Tĩnh ghé về phía sau nói nhỏ với Tùy viên là Anh Trừ gì gì đó…
Sau đó mới biết là đề nghị thưởng huy chương Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh Đệ Nhị Hạng cho hiệu trưởng và tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng.
Một vài "thành tích" để được ban thưởng huy chương.
Theo quy chế của loại “Trường Tỉnh Hạt”, thì địa phương phải lo xây cất phòng ốc, trang bị bàn ghế và các dụng cụ…Bộ Giáo Dục chỉ cử giáo sư đến dạy. Theo đà phát triển, thì mỗi năm phải có hai phòng học.
Vào một năm đó, hiệu trưởng, tổng giám thị, 3 binh sĩ của trường, và năm ba em trai lớp lớn, tình nguyện việc xây phòng học.
Các sinh viên sĩ quan đang thụ huấn, là kiến trúc sư, kỹ sư, tính toán, liệt kê số lượng vật liệu xây dựng.
Hiệu trưởng, tổng giám thị, học sinh đi mua gạch. Lò gạch nằm trong khu vực bảo vệ an ninh của Trường Bộ Binh, để ngăn chặn Việt Cộng về đòi tiền thuế. Lò gạch bán giá hạ. Nhờ sự giới thiệu của phụ huynh học sinh là, Trung tá Mạch Văn Trường, Quận trưởng Thủ Đức, giới thiệu, nên kỹ sư giám đốc Xi Măng Hà Tiện tặng cho 50 bao xi măng. Cột nhà làm bằng những ống đạn đại bác 105 ly, đường kính khoảng 10cm, hàn dính lại. Anh tổng giám thị thuê hai thợ hồ và một thợ mộc xây dựng.
Hai phòng học xây xong với chi phí thấp nhất của Trường Bộ Binh.
Về việc phát phần thưởng mỗi năm cho học sinh, hiệu trưởng đến xin sách của nhà Khai Trí, Sống Mới, xin vải của các hãng dệt Sicovina, hãng dệt Vimytec, trong quận thủ Đức. Hãng Vimytec tặng 200 mét vải kaki xanh để học sinh may đồng phục. Số phần thưởng rất có giá trị. Nhiều em gái bê không nổi phần thưởng của mình, gồm một tự điển, 30 tập 100 trang, một cặp da…
Sau khi nhận quà của các nơi, trường học làm tờ trình để Đại tá Tham Mưu Trưởng, thừa lịnh Chỉ huy trưởng gởi thơ cám ơn. (Để năm sau xin tiếp).
Một kỷ niệm lý thú.
Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh đến Bộ Giáo Dục đề nghị huy chương Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh cho Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng Phạm Quốc Thuần. Giám đốc Nha Nhân Viên cho biết, theo thủ tục, phải lập bảng đề nghị nêu rõ thành tích. Đương nhiên là phải có thành tích cụ thể để Tổng trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh chấp nhận, và chuyển sang cho Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký.
Nhưng ai lập bảng đề nghị đây? Người liên hệ có thẩm quyền, chỉ có hiệu trưởng. Thế là trung úy Lâm Văn Khanh lập tờ trình về thành tích giáo dục của Trung tướng.
Bộ Giáo Dục trình qua cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký tên vào huy chương. Có lẽ, trong các vị tướng VNCH, chỉ có Trung Tướng Thuần là có huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh mà thôi.
Một chuyện vui vui.
Một bà phụ huynh đến nói với hiệu trưởng: “Thằng con của tôi lúc nầy hư hỏng lắm. Nó không nghe lời dạy của cha mẹ, mà cứ nghe lời dụ dỗ của mấy đứa cà chớn, cà cháo bên ngoài. Tôi nhờ thầy khuyên nhũ nó, tôi biết nó chỉ nghe lời thầy mà thôi! ”
Một hôm, hiệu trưởng vào thăm lớp hai. Thấy một học sinh đứng trên một góc lớp, liền hỏi: "Em làm gì mà đứng ở đây?"
-Thưa thầy, cô giáo hỏi em, ai ăn cắp cái nỏ thần của An Dương Vương, em không biết.
- Mấy em có cái tật bao che cho nhau. Em biết bạn nào lấy thì nói cho cô giáo biết để khỏi bị phạt.
5* Sinh hoạt của hướng đạo sinh và học sinh trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức
5.1. Tập Thái cực đạo
Đến giờ thể dục của các lớp, học sinh xếp hàng ngang ngoài xa trước sân trường, mặc đồng phục võ sinh, được các huấn luyện viên của Trường Vũ Thuật do Trung tá Nguyễn Văn Cư, Chỉ huy trưởng, cử ra trường học huấn luyện Thái Cực Đạo cho học sinh. Những “sư phụ” đai đen nhiều đẳng cấp như Thầy Thoòng, Thầy Thuyên…đều có con học tại trường, nên ủng hộ hết mình trong chương trình rèn luyện thể dục, song song với đức và trí dục.
Trung tá Cư, Chỉ Huy Trưởng Trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, chủ toạ các kỳ thi lên đai và ký tên vào các Quyết định thăng cấp cho học sinh.
Đa số học sinh Võ Khoa Thủ Đức đều mang đai nâu.
Một số mang đai đen có tên như sau:
Nguyễn Phương Thành. Con của Thượng sĩ Nguyễn Phương Hậu, Khối QH/TBB. Nguyễn Phương Thành là học sinh Đai đen Thái Cực đạo đầu tiên của trường Trung học Võ Khoa Thủ Đức. Em phụ tá huấn luyện viên võ thuật trong những giờ tập của các lớp.
Huỳnh Anh Tuấn. Con của Trung tá Huỳnh Hữu Hương, LĐSV/TBB
Dương Hiếu Nghĩa, Huỳnh Minh Trương, Trương Thị Minh Lang, và đặc biệt là Vũ Thị Dung, sau lên đến Đệ tam đẳng huyền đai, làm huấn luyện viên TCĐ.
5.2. Sinh hoạt văn nghệ
Học sinh và hướng đạo sinh trường Bộ Binh rất xuất sắc về văn nghệ. Do có nhiều huynh trưởng có khả năng về kịch, vũ, hướng dẫn. Nhưng đặc biệt là Ban Quân Nhạc của TBB, do nhạc sĩ Anh Hoa làm trưởng ban, đã cho ban nhạc tập dợt các màn đơn ca, đồng ca.
Trưởng Phạm Quang Lộc có thân tình với Trung tá Vũ Quang Ninh, Giám đốc đài Truyền hình Quân Đội, có lẽ cùng là hướng đạo với nhau, để đưa toán văn nghệ của HĐQĐ/TBB lên trình diễn trong chương trình của đài. Mỗi lần tham gia được nhận 60,000 đồng. Tất cả rất vui thích vì được lăng xê trên đài truyền hình. Bề mặt bên ngoài rất nổi, nhưng phẩm chất bên trong vẫn ưu hạng.
Chỉ vất vả cho thầy cô giáo và các huynh trưởng HĐ. Phải tập dượt, xin xe chuyên chở, đi theo hướng dẫn và kiểm soát, viết bản phân cảnh, lời giới thiệu giao cho đạo diễn và Cameraman của đài truyền hình.
Về sinh hoạt học đường, trường Võ Khoa Thủ Đức tham gia các trại hợp bạn với các trường trung học khác trong tỉnh Gia Định, Võ Khoa Thủ Đức luôn luôn chiếm nhiều giải về thi đua văn nghệ, bích báo, thi đua dựng lều và trang trí trại. Đặc biệt là đội nữ trung học VKTĐ đoạt giải thi đua kéo dây. Những nữ sinh đai đen Taekwondo “xuống tấn” rồi bất ngờ dùng “bí quyết kéo dây” hạ đối thủ. (Bí quyết kéo dây, là các em phía sau xuống tấn, giữ sức. Các em phía trước thả dây trong tích tắc, các nam sinh mất đà, tức khắc, nữ sinh VKTĐ kéo mạnh nên thắng cuộc). Các nam sinh “bự cồ” của các trường ven đô như Giồng Ông Tố, Long Thành Mỹ… thuộc về nông thôn, bị thảm bại.
6* Phụ huynh học sinh Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức
Sĩ quan cấp Thiếu úy, Trung úy thì đa số có con em chưa đến tuổi đi học.
1). Phụ huynh cấp Đại tá.
Các đại tá : Trần Văn Cường, Đào Đức Chinh, Trần Bá Thành, Trầm Kim Đại, Đỗ Trọng Thuần, Bùi Quang Nhơn (Phủ Đặc ủy Tình báo), Lều Thọ Cường (Một trung đoàn trưởng của SĐ 25BB)
2). Phụ huynh cấp Trung tá
Phạm Hữu Mân, Vũ Trọng Mục, Mạch Văn Trường (Quận trưởng quận Thủ Đức, sau lên chuẩn tướng), Lưu Văn Mười, Phạm Văn Bê, Nguyễn Tài Trí, Đỗ Nguyên Tụ, Huỳnh Hữu Hương, Phạm Hữu Tấn, Hà Hữu Viên, Hấu Cắm Pẩu, Phan Văn Thơm, Nguyễn Văn Dục, Lê Văn Lạc,, Nguyễn Đại Tâm, Ngô Văn Sự, Lê Văn Tỵ, Nguyễn Văn Nhàn, Ngô Huy Thăng, Vũ Thái, Bùi Huy Bổng…
3). Phụ huynh cấp Thiếu tá
Những học sinh theo cha mẹ di tản năm 1975, có nhiều em đang giữ những chức vụ quản lý trong một số công ty lớn.
Một thành công của gia đình trung tá Bùi Huy Bổng, định cư ở PA, là 5 đứa con trai, học sinh Võ Khoa Thủ Đức, một là giáo sư đại học, hai nha sĩ, hai bác sĩ.
Nhà trường và gia đình học sinh hợp tác chặt chẽ với nhau vì cùng ở chung trong doanh trại quân đội. Suốt mười năm làm hiệu trưởng, tôi biết tên từng học sinh, từ lớp một đến lớp 12 và gặp gỡ phụ huynh học sinh hàng ngày.
Thỉnh thoảng nghĩ lại cũng cảm thấy vui vui, vì mình đã làm được vài điều có ý nghĩa.
Trúc Giang
Visconsin ngày 7-4-2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét