Tình hình quân sự ngày càng có nhiều biến chuyển sau tết Ất Mão (1975). Trong khi Đà Nẵng cũng như mặt trận vùng hỏa tuyến vẫn không có triệu chứng gì xấu đi cả, tin thất thủ Ban Mê Thuột cùng với việc triệt thoái các lực lượng quân sự theo Tỉnh Lộ 7B nối liền các tỉnh cao nguyên trung phần Việt Nam: Pleiku, Kontum với Phú Yên đã đem đến cho người dân bao nhiêu bàng hoàng sửng sốt.
Cuộc triệt thoái không được phối hợp chặt chẽ và điều nghiên kỹ càng của cả một quân đoàn đi qua một tỉnh lộ bỏ hoang từ nhiều năm được báo chí, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tường thuật như là một sự thất bại nặng nề. Không những bao nhiêu lực lượng quân sự, mà còn cả đoàn dân chúng chạy nạn kéo theo sau đoàn quân đã làm cho cuộc triệt thoái rơi vào một tình trạng hỗn loạn gần như không người chỉ huy.
Thay vì chỉ kết thúc an toàn trong vài ngày nhờ vào yếu tố bất ngờ, cuộc triệt thoái đã phải đương đầu với bao khó khăn chồng chất trên một con đường hai trăm năm mươi cây số xuyên qua núi rừng hiểm trở, trái với dự liệu đã kéo dài trong nhiều ngày. Binh sĩ ngày càng quá mệt mỏi, mất hết tinh thần chiến đấu. Thêm vào đó, sự bất mãn và sợ hãi đã tạo nên rối loạn ngay trong hàng ngũ của chính mình, làm cho đoàn di tản trở thành miếng mồi ngon cho đối phương trong các cuộc tập kích. Cộng quân đã phối hợp lực lượng kịp thời để nắm lấy thời cơ thuận tiện gây tử vong nặng nề cho lực lượng triệt thoái, đến nỗi nhiều đơn vị khi đến được Phú Yên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung quân số trước khi có thể hoạt động trở lại.
Minh vẫn ngày hai buổi lái xe đến làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm. Tình hình quân sự ở vùng địa đầu giới tuyến không thấy có gì thay đổi theo sự hiểu biết của Minh. Tuy vậy trên đường lái xe đi làm hoặc về, Minh nhận thấy chuyển biến mỗi ngày mỗi khác.
Từ hạ tuần tháng ba trở đi, xe cộ ngày càng tấp nập và lượng lưu thông ngày càng tăng. Hình như dân chúng ở các tỉnh lân cận đã nhận thấy có một cái gì bất ổn; quá lo lắng, sợ hãi, họ đã tìm về Đà Nẵng, nơi mà họ nghĩ sẽ được an toàn hơn. Mỗi ngày Minh càng mỗi thấy tăng không những về số lượng hành khách, xe cộ mà còn cả vận tốc nữa. Ai ai cũng như hối hả, sợ sệt chờ đợi một biến chuyển không lường trước được sẽ xảy đến.
Dầu cố gắng giữ bình tĩnh cách mấy, Minh cũng không sao ngồi yên với những gì chứng kiến hằng ngày. Để an toàn cho gia đình, khỏi phải vướng mắc trong công việc, Minh quyết định sẽ lo vé máy bay cho Hường và các con di chuyển về Sàigòn trong khi Minh tiếp tục ở lại chiến đấu. Phương tiện di chuyển duy nhất nối liền Đà Nẵng – Sàigòn vẫn là đường hàng không. Phòng bán vé hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng chen chân không lọt. Ai ai cũng hốt hoảng tìm cách rời xa thành phố đang có nhiều biến động.
Sau một ngày dài mệt mỏi chầu chực với ước vọng kiếm được cho Hường và các con mấy cái vé máy bay về Sài gòn trôi qua không một kết quả, chiều của ngày thứ hai, khi Minh cùng mọi người đang chen chúc trước các quày vé. Hàng không Việt Nam thông báo cho biết thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra lệnh ngưng bán các chuyến bay ra khỏi Đà Nẵng, thay vào đó Hàng không Việt Nam sẽ được chính phủ trưng dụng vào một chiến dịch di tản dân chúng ra khỏi Đà Nẵng trong thời hạn ba mươi ngày.
Chính quyền không đề cập gì đến một chiến dịch di tản cụ thể, trong khi người dân từ các tỉnh kế cận vẫn tuôn về ngày càng đông, tạo nên một tình trạng bất ổn làm cho người dân càng hoang mang hơn. Thông cáo di tản dân chúng đã không đem lại một chút nào tin tưởng, an tâm trái lại còn làm cho mọi người nghĩ đến cảnh rồi đây Đà Nẵng cũng sẽ bị bỏ rơi như các thành phố khác, thông cáo chỉ là kế hoãn binh để chính quyền dùng phương tiện hàng không Việt Nam di chuyển thân nhân và người nhà ra khỏi Đà Nẵng.
Rời phòng bán vé cùng Hường trở về nhà, Minh đang phân vân không biết phải tính toán như thế nào thì một chiếc xe Jeep cảnh sát vội vã trờ tới đậu trước nhà. Một vài giây thắc mắc và nhận định trôi qua, Minh đã nhanh chóng nhận ra người chị họ cùng chồng trên xe. Anh phụ trách một chi khu cảnh sát ở Huế. Minh bàng hoàng với những gì mắt mình chứng kiến: Mười tám người lần lượt từ xe bước xuống! Làm sao ngần ấy người, trẻ con và người lớn, từ ba bốn gia đình khác nhau có thể chen chúc trong chỉ một chiếc xe như vậy! Trên khuôn mặt của mỗi người hiện rõ nét hốt hoảng, sợ hãi và mệt mỏi.
Họ cho biết Huế đã mất và đã may mắn nhanh chân thoát được. Dừng chân nghỉ ngơi trong chốc lát, kiếm một chút gì lót bụng, tất cả lại cùng nhau lục đục lên đường. Họ lại ra đi, không biết sẽ đi về đâu, có lẽ đi về con đường mà định mệnh đã an bài cho họ. Bực tức và buồn chán đến cùng cực, Minh cũng không buồn hỏi!
Mệt mỏi sau bao ngày chầu chực không hiệu quả, bị cuốn hút vào trong cơn lốc lo âu, sợ hãi trước tình trạng không những dân chúng mà ngay cả các quân nhân từ các tỉnh kế cận xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Tình hình xoay chiều quá nhanh, bao nhiêu biến chuyển dồn dập xảy đến, tâm trí Minh rối loạn không còn biết phải xử trí như thế nào!
Nếu một mình, chỉ việc nhảy vào phi trường, thế nào Minh cũng có cơ hội rời khỏi Đà Nẵng, nhưng với cả một gia đình sáu người thì quả là hết sức khó khăn, nhất là các con của Minh hẳn còn quá nhỏ dại, tuy Anh Tuấn bảy, Bích Huyền sáu, nhưng Mộng Điệp chỉ ba và Anh Bình vừa mới lên hai!
Những người lính chiến đổ xô về từ các tỉnh thất thủ, y phục xốc xếch, tinh thần sa sút, uất ức, mặt mũi hốc hác, bàng hoàng, họ không biết phải làm gì trước tình thế, lại nữa không người chỉ huy, đi lê thê lếch thếch trên đường phố trông thật não lòng.
Đài phát thanh tiếng nói Hoa kỳ và BBC tiếp tục đưa những tin tức ngày càng xấu làm nản lòng mọi người: Sau Ban Mê Thuột đến Quảng Trị rồi đến Huế, Quảng Ngãi, Chu Lai, Quảng Tín lần lượt rơi vào tay cộng quân.
Từ ngày ra Đà Nẵng đến nay, gia đình Minh vẫn sống với người cậu vợ, vốn là một Linh mục cai quản một họ đạo công giáo trong thành phố từ nhiều năm qua, gia đình Minh rất quí mến ông, tuy vậy cuối cùng Minh quyết định cùng gia đình ra đi sau khi những cố gắng thuyết phục ông rời Đà Nẵng bị thất bại. Ông cương quyết không bỏ rơi giáo dân, đi tìm tự do và an thân cho chính mình, mặc dầu ngoài việc coi sóc một giáo xứ, ông còn là tuyên úy trung đoàn 56, sư đoàn 3 bộ binh, một đối tượng có tầm cỡ của đối phương.
Trưa ngày thứ sáu 28 tháng 3, nhờ ông chở cả gia đình xuống Thanh- Đức (Thanh Bồ - Đức Lợi) một họ đạo nằm trên bờ tây sông Hàn, từ đó Minh thuê một chiếc thuyền máy đưa gia đình ra khơi với hy vọng tìm phương tiện thoát thân bằng đường biển. Khi thuyền rời bến, Minh nhìn thấy binh sĩ mang sắc phục nhiều binh chủng khác nhau với súng ống đầy đủ ngồi trên các ghềnh đá dọc bờ sông. Sau nầy nhiều người cho biết họ là những cán binh Việt Cộng đội lốt quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa để thực hiện những công tác đặc biệt giao phó.
Trên đường tiến đến gần cửa biển, thuyền gặp hai ba chiếc xà lan thật lớn đang thả neo trên sông. Xà lan nào cũng chứa đầy người. Xa hơn về phía cửa biển, một đoàn ba, bốn chiếc tàu hải quân đang đậu ở đó. Người lái thuyền đưa cả gia đình Minh đến một chiếc đầu tàu dùng để kéo xà lan đang đậu, có lẽ vì boong tàu không cao dễ dàng hơn trong việc chuyển người. Trên tàu dày đặc những người và người: đàn ông, đàn bà, trẻ em và có cả quân nhân.
Sau khi trả tiền thù lao cho người chủ thuyền, Minh nhảy vội lên tàu. Mặc dầu tàu chật như nêm, nhờ sự tiếp tay của một vài người tốt bụng, Minh đã nhận được qua tay người chủ thuyền và đem được lên tàu lần lượt từ Anh Tuấn, Bích Huyền đến Mộng Điệp. Khi người chủ thuyền trao Anh Bình, Minh chưa kịp ẵm thì đột nhiên chiếc đầu tàu kéo nổ máy. Sức quay của chân vịt tạo thành những lớp sóng thật lớn. Chiếc thuyền bị chao đảo và chồng chành thật mạnh vì nằm ngay vị trí chân vịt. Người chủ thuyền, rất bình tĩnh, một tay giữ chặt Anh Bình, tay kia đẩy mạnh chiếc thuyền ra xa và đã cứu được chiếc thuyền khỏi bị nạn, Anh Bình khỏi bị rơi tỏm xuống nước. Hường vẫn còn ở trên thuyền, hoảng hốt chứng kiến những gì đang xảy ra, mà cũng chẳng có một phản ứng gì được để cứu vãn tình thế!
Thật là một phen hú vía! Thấy tình hình trên đầu tàu kéo quá xô bồ, không một chút an toàn. Hơn thế nữa, Minh lại không chuẩn bị bất cứ một thức ăn hay uống gì cả. Sự hiện diện của các tàu hải quân ở cửa biển làm Minh nảy sinh một ý định khác: trở lại thông báo cho người cậu vợ linh mục, cho giáo dân và những người quen biết để cùng tìm cách rời khỏi Đà Nẵng bằng các tàu hải quân Việt Nam đang thả neo ở cửa biển. Thế là chàng cùng Hường và các con trở lại bờ.
Người cậu vợ rất ngạc nhiên thấy gia đình Minh về lại. Càng ngạc nhiên hơn khi ông được biết tất cả giáo dân đã bỏ ông chỉ còn lại vỏn vẹn có hai gia đình mà thôi!
Hôm ấy là ngày thứ sáu tuần thánh. Sau khi cố gắng hoàn tất nghi thức ngày lễ một cách vắn tắt, hoàng hôn bắt đầu buông xuống, gia đình Minh lần này chuẩn bị đầy đủ hơn, cùng người cậu và hai gia đình còn lại lên xe, một của Minh, một của người cậu trở lại Thanh Đức, với dự định sẽ cùng nhau thuê thuyền ra khơi tìm các tàu hải quân để trốn khỏi thành phố.
Không an toàn khi phải di chuyển vào lúc trời tối nhất là trên sông, trên biển, vả lại cũng đã quá mệt mỏi, Minh và tất cả đã quyết định ngủ qua đêm tại nhà một người quen ở cạnh bờ sông Hàn, sáng hôm sau sẽ dậy sớm để thực hiện chương trình như dự tính.
Đêm hôm đó, khi bóng tối đã hoàn toàn bao phủ xuống thành phố, máy bay trực thăng bay vần vũ trên bầu trời loan báo việc đặt quân trấn và thị xã Đà Nẵng dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan cao cấp một binh chủng nổi tiếng trong quân lực. Tiếng loa phóng thanh từ chiếc máy bay trong nỗ lực cuối cùng, nhằm đem lại niềm tin và trật tự cho dân chúng, không làm sao át được tiếng nổ chát chúa của hàng loạt đạn pháo kích cộng quân đang trút như mưa xuống phi trường Đà Nẵng.
Những trái hỏa tiễn rơi trong đêm trường thanh vắng nghe thật rợn người làm Minh xót xa nghĩ đến thân phận Đà Nẵng, bao nhiêu chiến sĩ, công nhân viên chức và người dân trong đó có Minh, gia đình cùng với bao người thân yêu đang bị bỏ rơi lại trên thành phố đang giẫy chết này. Sáng hôm sau khi thức dậy, bóng dáng những chiếc xà lan, đầu tàu kéo cũng như các tàu hải quân cũng đã biến mất khỏi cửa biển Đà Nẵng đem theo bao nhiêu kỳ vọng không những của Minh mà còn của biết bao người!
Nhìn cửa biển trống vắng lòng Minh tan nát! Minh, gia đình và bao nhiêu người đã bị bỏ rơi lại đằng sau! Minh không tin, nhưng đó là sự thật. Thế là bao nhiêu hy vọng thoát khỏi Đà Nẵng đã tiêu tan thành mây thành khói! Trong một nỗ lực cuối cùng, Minh chở hai gia đình tháp tùng và người cậu chở gia đình Minh. Tất cả cùng cố gắng đi về hướng Nam vượt qua cầu “De Lattre” để qua bãi biển Mỹ Khê hay Sơn Trà, tìm cách rời xa thành phố đang trong cơn hấp hối.
Thật đau lòng khi nhìn thấy bao cảnh vật xé nát tim gan lúc Minh lái xe đi qua những con đường chính của thành phố. Chiếc tàu Trường Thành, mới chiều hôm trước vẫn thả neo ở ngay cạnh bờ sông cũng đã rời xa thành phố từ bao giờ! Khói đen đang bốc lên từ tòa lãnh sự Mỹ. Dọc đường nón sắt, quần áo, quân cụ, giày cao cổ của quân nhân xen lẫn với mũ nón, túi xách, vali, guốc dép của người dân chạy loạn vương vãi khắp nơi.
Đường phố thật vắng. Không còn bóng dáng người thường dân. Các thương bệnh binh không thuốc men, không ai coi sóc chăm nom, nhận thức được thực trạng phủ phàng đã cố gắng tự cứu lấy mình, kẻ chống nạng, người xe lăn, những người khác trong nổ lực “người mù cõng người què” họ kéo nhau đi từng đoàn, nơi này hai, chỗ khác ba, áo quần lôi thôi lếch thếch, hốt hoảng, tuyệt vọng; họ lê lết trên các đường phố dọc theo bờ sông Hàn, không biết đi về đâu!
Trước hãng Bia Larue, một số người mang quân phục biệt động quân và thường dân đang tranh dành khuân những thùng bia ra khỏi hãng. Họ hành động không khác gì trong cơn điên loạn! Vỏ chai và thùng nằm la liệt khắp nơi, trên đường, vỉa hè, lối đi. Nhìn thấy cảnh hỗn loạn, Minh không những ngậm ngùi xót thương, mà còn sợ cho sự an toàn của chính bản thân và toàn thể gia đình, mặc dầu vẫn mang bộ quân phục với vỏ khí đạn dược đầy đủ.
Con đường đi qua cầu “De Lattre” bị phong tỏa. Minh và người cậu phải lái xe trở về lại Thanh- Đức (thanh Bồ - Đức Lợi). Không còn biết giúp gì được cho hai gia đình tháp tùng, Minh và người cậu vợ quyết định để cho họ tự xoay xở, rồi cùng lấy thuyền vượt sông Hàn đến Nhượng Nghiã, một xứ đạo nằm bên bờ sông của sông Hàn, hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được phương tiện rời thành phố. Khi tất cả lên đến được trên bờ phía đông, ngoảnh mặt nhìn lại, chính mắt Minh chứng kiến cảnh chiếc máy bay phản lực cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng, khoảng trưa ngày 29 tháng Ba năm 1975. Chiếc máy bay cất cánh một cách khác thường! Nhìn chiếc phi cơ rời thành phố mà lòng Minh thấy xót xa, nuối tiếc!
Tối hôm đó cùng với tin thành phố Đà Nẵng thất thủ đài BBC cho biết những chi tiết thật đau lòng về chuyến bay: Trong cơn hỗn loạn, không giữ được trật tự, số người ùa lên quá đông, không những quá trọng tải, mà máy bay còn không thể đóng cửa được. Vì an toàn của cả chuyến bay, người phi công đã phải dùng những chuyển động ít khi sử dụng, cố tình làm cho số người thặng dư trên máy bay, đeo ở cánh hoặc cửa bị sức gió cuốn hút ra ngoài. Số người rơi từ phi cơ xuống đất khá nhiều trước khi phi công có thể đóng được cửa, để lái chiếc phi cơ về đến Sài gòn an toàn. Quả là một chuyện thật đau lòng ngoài sức tưởng tượng của con người!
Một người giáo dân quen biết trong vùng hứa sẽ giúp tìm thuyền để thuê chở cả gia đình Minh và người cậu về Cam Ranh hay Sài gòn, đem lại một tia hy vọng cho Minh đang mò mẫm trong con đường hầm đầy tăm tối và không lối thoát.
Đêm 29 tháng Ba, nhằm ngày thứ bảy tuần thánh, khá yên tĩnh. Không tiếng pháo kích. Trong đêm trường vắng lặng, Minh có thể nghe thấy nhịp tim mình đập và hơi thở mình phập phồng trông ngóng. Mãi đến sáng hôm sau, người nhận sứ mệnh giao phó mới trở lại cùng với tin làm bao nhiêu hy vọng cuối cùng vỡ tan thành từng mãnh: Không tìm kiếm được bất cứ một ghe thuyền nào! Tất cả mọi cố gắng để được rời thành phố đều trở thành tuyệt vọng. Minh thở dài não nuột!
Sau khi vứt đi những gì liên quan đến binh nghiệp, thận trọng đào hố chôn khẩu súng Colt 45 trong tiếc nuối, tìm một chỗ để cất dấu khẩu P38 bé xíu, quà tặng người anh cả trong xót xa, Minh mặc vào người bộ áo quần dân sự trong rã rời, đắng cay và chua xót!
Nghĩ đến số phận dành sẵn cho người chiến bại, sợ rằng sẽ bị hành quyết, vì là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Minh tâm sự và giao phó mọi việc trong gia đình nhờ người cậu trông coi, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra cho bản thân, vì nghĩ rằng không ai lại hãm hại một người chân tu như người cậu vợ. Minh cũng dặn dò Hường, ôm hôn các con và gửi đến những lời tâm huyết, ít nhất là cho Anh Tuấn và Bích Huyền. Thế rồi cùng người cậu, gia đình Minh lại lên thuyền vượt sông Hàn trở về lại Đà Nẵng, đối diện với một tương lai không biết đi về đâu đang chờ đón!
Hôm ấy là ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, 30 tháng Ba năm 1975.
B.S.Tống Viết Minh
(Trích “Một Thời Để Nhớ”)
Người viết kể về những oan nghiệt của cuộc triệt thoái trong tuần cuối tháng Ba năm 1975. Bao nhiêu cảnh Đà Nẵng cảm động lẫn đau lòng, hoang loạn lẫn sống còn, thắng bại, giã từ vũ khí... được anh ghi nhớ mãi. Với anh Minh, niềm tin tôn giáo sâu, những tình cảm thầm từ cử chỉ săn sóc mọi người thân yêu, như vẫn y nguyên trong anh.
Trả lờiXóaMỗi khi nhớ về cuộc chiến kéo dài trên miền Nam, riêng HY không khỏi nhớ tới Trần Thiện Thanh, nhạc của ông không phản chiến, chỉ để thi vị hóa, làm sáng hình ảnh người lính VNCH. "Chiều Trên Phá Tam Giang", ở cửa biển Thuận An Huế, là bài thơ nhạc đầy tình người, tiêu biểu của Tô Thùy Yên & Trần Thiện Thanh, giữa lúc cuộc chiến đang tiếp diễn 1972, và đã đi vào lòng người.
Cám ơn Hoàng Yến, đã ghi lại những nhận xét rất thật và thâm thúy. 48 năm đã qua đi từ khi cuộc chiến chấm dứt, nhưng vẫn còn đó niềm đau ray rứt của một miền Nam tự do và phú cường, niềm tủi nhục của một quân lực rất hùng hậu đã chiến đấu kiêu hùng trong 21 năm trường, cuối cùng đành phải ngậm ngùi để cho rơi vào tay CS.trước sự im lặng đến khó tin của những người bạn đã từng cam kết bảo vệ chúng ta, nhưng lại phản bội, dâm sau lưng chúng ta!. Gương hy sinh của không những bao chiến sĩ mà của cả một miến Nam cho cuộc chiến thật hết sức lớn lao.Xin hãy cùng nhớ đến bao người đã nằm xuồng trong cuộc chiến, Xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Chớ gì sự hy sinh của họ một ngày đó sẽ được đền bù với một Việt Nam, độc lập, tự do, phú cường thật sự. Chế độ nào dựa trên bạo tàn, áp bức, dối trá, đi ngược lại với lòng dân không chóng thì chầy cũng sẽ bị tiêu diệt.
Trả lờiXóa