Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Những Câu Chuyện Về Nhà Thơ Hàn Mặc Tử -Đỗ Bình


Từ ngàn xưa người đời vẫn quan niệm: "Nhà thơ là một danh hiệu cao quý cho người làm thơ, khi mà thơ ca của người đó phục vụ cho chân, thiện, mỹ, cho ánh sáng xua tan bóng tối, cho lương tâm, trí tuệ và tiến bộ cũng như hạnh phúc của con người."
GS Võ Thu Tịnh, một học giả nổi tiếng ở Paris, tác giả nhiều bộ sách biên khảo giá trị. Ông đã phát biểu:
Thơ là sự nổi loạn trong ngôn ngữ. Ngày xưa không có tiểu thuyết người ta dùng thơ để làm nhịp nhàng câu ca dao tục ngữ để dễ nhớ về đất nước mình. Đó là một hình thức lưu truyền ký ức của đoàn thể”.
***
Có lẽ trong số những nhà thơ Việt Nam bị bất hạnh nhà thơ Hàn Mặc Tử là người có nhiều nỗi đau thương nhất. Tâm hồn nhà thơ chất chứa nỗi đau về thân phận nghèo lại bị một chứng bệnh phong nan y luôn ám ảnh cái chết và khát vọng sống, cộng thêm nỗi đau bị tình phụ khi con tim nhà thơ đang cuồng nhiệt yêu đương! Tất cả những buồn vui luôn ẩn hiện đó là nguồn cảm xúc sáng tác khiến vần thơ của ông có lúc lãng mạn, có lúc dị thường, có lúc thoát tục hướng về chốn bồng lai tiên cảnh, nơi cao cả trong cõi tâm linh.

Hàn Mặc Tử khởi đầu từ dòng Thơ Đường nên am tường nhuần nhuyễn những quy luật rất khó mà bài thơ Đường đòi hỏi. Ở thời kỳ đó dòng Thơ Mới cũng chỉ bắt đầu, trong khi ấy dòng Thơ Cũ đang ở buổi hoàng hôn sắp suy tàn. Bài Thức Khuya là một trong những bài thơ Đường tiêu biểu lúc nhà thơ chưa theo khuynh hướng thơ Mới:

Thức Khuya

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an!
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn,
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ,
Buồn giúp công danh dế dạo đàn,
Tri dậy nôm na vài điệu cũ…
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn. ”
(Thức Khuya)

Nhưng từ khi nhà thơ bước hẳn theo khuynh hướng Thơ Mới cấu trúc thơ ông lại phá thể, không theo niêm luật của Thơ Cũ. Với phong cách phóng khoáng trong sự gieo vần và làm mới con chữ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã mở rộng lối cho thể Thơ Mới về sau phổ biến rộng rãi đến những người yêu thơ, nhất là ngôn ngữ của thơ mang tính siêu thực cho nên thơ ông chưa được nhiều người đương thời hiểu! Bài thơ Bẽn Lẽn và bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là những bài thơ trữ tình siêu thực hay nhất của Hàn Mặc Tử. Đoạn thơ sau đã nói lên tính siêu thực, sự huyền ảo của thơ Hàn Mặc Tử.

Huyền Ảo

Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ.
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ.
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời nài nỉ của hư vô...”
Hàn Mặc Tử)

Bài thơ Huyền Ảo trong tập thơ Điên là một bức tranh siêu thực(Surréalisme) gồm những hình ảnh có thật lẫn ảo giác.Trong cái huyền ảo không gian có chứa những lời hư vô. Trăng được nhân cách hóa là người tình, là bạn tri kỷ cùng nhà thơ tâm sự, nhưng trăng ở quá xa, ánh trăng mong manh làm cảnh sắc mặt hồ mờ nhạt buồn bã nên. Trăng ở đây được nhân cách hóa là người tình cũng không thể sưởi ấm hồn thi sĩ.

Đây Thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về thăm thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?.”
(Hàn Mặc Tử)

 
Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là một bức tranh siêu thực gồm những hình ảnh phong cảnh có thật lẫn hình ảnh không thật do sự tưởng tượng của thi sĩ. Bài thơ chứa nhiều tính nhạc, những thanh âm bằng trắc được sắp xếp theo âm điệu của ngữ nghĩa, ngắt câu.
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên…Gió theo lối gió, mây đường mây…Mơ khách đường xa, khách đường xa… Áo em trắng quá nhìn không ra. Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Nhà thơ mường tượng đến người mình yêu đang ở Huế, nhưng
khi nàng đến gần trong giấc mộng lại không thể giữ được, vì nàng rất mơ hồ như sương khói đã lẫn vào hư vô. Người thật, cảnh thật nhưng duyên tình chỉ là ảo ảnh, giấc chiêm bao thì ai sẽ là người say đắm, nhà thơ hay nàng thơ?
Thuở ấy Hàn Mặc Tử đã minh chứng cho sự đổi mới cấu trúc của thơ qua cách gieo vần niêm luật không theo luật thơ cũ mà phá cách. Thơ là tiếng lòng, Hàn Mặc Tử muốn tả hình ảnh thật của Thôn Vĩ Dạ thơ mộng bên bờ sông Hương xứ Huế, nơi có những hàng cau cao xanh biếc, có người mình yêu là Hoàng Thị Kim Cúc, nên nhà thơ không thể cường điệu thay hình ảnh đó bằng một địa danh khác để “con chữ” hợp vần mà không đúng cảnh. Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là một bài thơ độc đáo, lãng mạn, tả tình và tả cảnh rất đặc sắc nê được nhiều văn nhân , giáo sư, học giả viết lời bình. Trong đó có giáo sư Lê Đình Thông, ông có cách cảm nhận khác về bài thơ. Ông là Giáo sư Quan hệ Quốc tế (Đại Học Paris X - Nanterre). Chuyên viên Luật Quốc tế (Conseil pontifical ‘‘Justice et Paix’’, Rome, 1995). Tác giả nhiều biên khảo và thơ văn. Ông viết:

"Trước khi nói về tác phẩm, thiết tưởng cũng nên nói khái quát về thơ. Poetry/poésie trong các ngôn ngữ tây phương do cổ ngữ hy lạp ποίησις hoặc động từ ποιεῖν đều có nghĩa là sáng tạo. ‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’ đổi mới không những về ngôn ngữ, mà còn vẽ nên bức tranh quê, điểm xuyết bằng nốt nhạc sầu. Với bài thơ này, Hàn Mặc Tử không chỉ là thi nhân mà còn là họa sĩ nữa. Nào ta cùng thưởng ngoạn bức tranh của Hàn Mặc Tử, trước khi trở về với cõi thơ.

Khổ 1 là bức tranh màu xanh, khiến ta liên tưởng bức họa Le Paysage Bleu của Marc Chagall. Màu xanh trong khổ đầu là toàn bích, vì có ‘‘nắng lên’’ từ biển Đông. Nhà danh họa Caspar David Friedrich (1774-1840), khuynh hướng hội họa lãng mạn, dùng chất liệu ‘‘nắng mới lên’’ (les rayons naissants du soleil) để thực hiện bức vẽ sơn dầu ‘‘Thiếu phụ Nắng sớm’’ (Femme au soleil du matin). Trong thơ Hàn Mặc Tử, thiếu phụ nắng sớm hóa thân Hoàng Cúc. Nắng sớm là ánh sáng tâm lý, nói lên niềm ước mong mới mẻ. Nắng sớm còn được thể hiện trong hội họa, bảng màu (palette) pha trộn màu phấn vương nhẹ. Nắng chuyển màu sắc sáng dần. Với câu 3, ta có thang màu lũy tiến (échelle de couleur progressive) như sau:
mướt 🡪 xanh 🡪 ngọc

Màu xanh ngọc bích là tuyệt phẩm của trời đất ban cho cõi nhân gian ở thôn Vĩ Dạ. Trong bức họa, Hàn Mặc Tử vẽ hàng cau theo chiều dọc. Bố cục họa phẩm còn cần thêm một chiều ngang. Vì vậy mới có câu thơ : lá trúc che ngang. Che ngang cho thấy người thiếu nữ e ấp, núp sau cành trúc, có khuôn mặt chữ điền. Đây cũng là một nét chấm phá mới, vì sau hai chiều dọc - ngang, còn cần thêm một hình vuông nữa. Theo quan niệm của người xưa, người con gái có khuôn mặt chữ điền thường đoan trang, thùy mị. Qua câu thơ, Hàn Mặc Tử muốn phác họa nét tinh anh (portrait moral). Khổ 3 có thêm vầng trăng là tuổi trăng tròn của thiếu nữ.

Khổ thơ thứ 2 không còn nắng lên, mà là màn đêm buông xuống ; gió và mây chia lìa hai lối khiến dòng nước buồn lây, hoa bắp lay động ngẩn ngơ. Bến sông Trăng (viết hoa) là bến ngự, niềm mong ước chở trăng hẳn là dang dở, chỉ hoài công dã tràng.

Trong khổ 3, bảng màu chuyển qua sắc trắng của tà áo. Nếu trong khổ 1, màu sắc là lũy tiến gồm 3 cấp độ, bảng màu của khổ 3 vẫn gồm 3 cấp độ, nhưng cứ nhạt dần đi :

Sương <- Khói <- Mờ

Màu sương tuy đục nhưng còn thấy được. Đến làn khói bay đã là hư ảo. Sau cùng chỉ còn là đám bụi mờ.

Với bức họa chuyển cảnh từ nắng sớm đến đêm tàn, ta tạm khép lại mảng hội họa trong thơ Hàn Mặc Tử để bước qua lãnh vực ngôn ngữ.

Trước hết là cơ cấu của bài thơ (structure du poème). Bài thơ gồm 3 khổ. Cơ cấu như sau :

(khổ 1): thực 🡪 (khổ 2): mộng 🡪 (khổ 3): ảo

Ba khổ thơ là sự chuyển biến từ thực đến mộng, từ động đến tĩnh, từ ngoại cảnh đến nội tâm, được diễn tả bằng màu sắc, thanh âm, bằng ngôn ngữ và bằng cả các dấu chấm (ponctuation).

Về mặt hội họa, trong mỗi khổ thơ, thi nhân chọn cho mình ba thang màu (gamme de couleurs) khác nhau. Về cách chấm câu, ba khổ thơ là ba dấu hỏi :

- Khổ 1 (câu 1): Sao anh không về thăm thôn Vĩ?
- Khổ 2 (câu 4): Có chở trăng về kịp tối nay?
- Khổ 3 (câu 3): Ai biết tình ai có đậm đà?

Ta sẽ bàn cách sử dụng từ ngữ (champs lexicaux) của nhà thơ. Ở đây, có thể đặt chung một câu hỏi cho cả ba vế nói trên: thi nhân hỏi mà không phải là hỏi. Các câu hỏi chỉ nói lên sự trăn trở, khắc khoải của ‘‘khách đường xa’’.

- Câu hỏi trong khổ đầu: tuy vẫn biết thôn Vĩ là thiên thời (nắng mới lên), là địa lợi (vườn cau), có cả nhân hòa (mặt chữ điền), nhưng làm sao nhà thơ có thể bỏ trại phong để về thăm?

- Vầng trăng trong khổ 2 là ảo ảnh, không khác gì vầng trăng Lý Bạch:

Rằng hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

- Cuối khổ 3 chỉ còn là nghi vấn. Trong khổ cuối, nhà thơ thổ lộ nỗi buồn đau, thất vọng. Musset cho rằng ‘‘Sự thất vọng chua cay nhất là bài ca đẹp tuyệt vời’’.

‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’ còn là lưu thủy hành vân của cổ ca đất Thần Kinh. Bài thơ Art poétique của Verlaine mở đầu bằng đôi vần thơ nói lên nghệ thuật thi ca :

De la musique avant toute chose,
Et pour cela préfère l'Impair.

Đây Thôn Vĩ Dạ hội đủ hai yếu tố vừa kể. Cũng vì thơ vần lẻ, Đây Thôn Vĩ Dạ là bài thơ 7 chữ (lẻ), 3 khổ (lẻ).

Còn về nhạc tính (musicalité) thì sao ? Sau đây là mấy vần thơ, như những nốt nhạc, trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ:
- nắng / nắng:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
- gió / gió, mây / mây:
Gió theo lối gió, mây đường mây.
- lối / đường:
Gió theo lối gió mây đường mây.
- Trăng (viết hoa) / trăng:

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

- Khách đường xa / khách đường xa:
Mơ khách đường xa khách đường xa

- ai / ai / ai:
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Ai biết tình ai có đậm đà.

Về thể văn (style), nhà thơ sử dụng nhiều ẩn dụ (métaphore) : mây và gió chia lìa hai lối, dòng nước để chỉ sự vô thường, con thuyền là chữ tâm (心: ngoài ba chấm, phần còn lại giống như con thuyền), hoa bắp lay vì ‘‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’’, nhân ảnh nói lên kiếp sống phù du, ‘‘mờ mờ nhân ảnh’’.

Ngôn ngữ trong bài thơ đều rất quen thuộc. Đây cũng là dụng ý của nhà thơ, muốn diễn tả cái đẹp chỉ bằng nét hồn nhiên, giản dị. Trong 12 câu thơ, tác giả dùng chữ ‘‘anh’’ và chữ ‘‘em’’, mỗi chữ một lần. Câu thơ cuối bài, tác giả viết hai lần một chữ ai:

Ai (1) biết tình ai (2) có đậm đà?

Thông thường, ai (1) là thiếu nữ, ai (2): thi nhân. Nhưng ai (1) cũng thể là người xem thơ, ai (2) là nhà thơ. Nếu thời gian của ý nghĩa nguyên thủy là hiện tại, thời gian của sự suy diễn sau này hướng về tương lai. Ai cũng biết ý tứ trong thơ Hàn Mặc Tử bóng bẩy mà thâm trầm, giản dị mà sâu thẳm. Sự đậm đà của bài thơ gợi ý cho chúng tôi làm 5 bài thơ lấy ý từ lau sậy, vì thôn Vĩ Dạ là sự biến âm của Vi Dã Thôn. Hình thức của cả 5 bài là thơ mới 7 chữ. Cấu trúc vẫn gồm 3 khổ, mỗi bài khai triển ý nghĩa khác nhau của lau lách. Năm bài thơ nói lên sự ‘‘đậm đà’’ của người thơ, nét phong phú của ý thơ, thể hiện qua bài Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Năm bài thơ, như 5 biến điệu (variation) trong âm nhạc".
(Trích cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris thực hiện)

Ở thời đại của Hàn Mặc Tử dòng Thơ Cũ suy tàn và dòng Thơ Mới đang lên ngôi, người khởi xướng phong trào Thơ Mới đầu tiên là nhà thơ Phan Khôi với bài thơ 5 chữ “Tình Già.”. Ngoài Bắc có các nhà thơ nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan, Trần Dần,… Ỏ đất Miền Trung có Phan Khôi, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan… Sau khi nhà thơ Hàn Mặc Tử mất đã có biết bao văn nhân, học giả nhận định về thơ của ông. Những sách báo viết về Hàn Mạc Tử : Tạp chí Văn của Sài Gòn năm xưa số 73, 74. Cuốn Hồi Ký Quách Tấn do nhà xuất bản Quê Mẹ Paris tái bản năm 1988. Cuốn Thơ Hàn Mặc Tử và Những Lời Phê Bình do Nhà xuất bản Văn Hóa -Thông Tin Hà Nội- 2000; gồm có những bài viết của các văn nhân, giáo sư, học giả…

CON NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ


Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới) và mất 11 tháng 11 năm 1940 tại Qui Nhơn. Ông bước vào con đường Thi ca do người anh ruột Nguyễn Bá Nhân, một nhà thơ Đường có bút hiệu là Mộng Châu dìu dắt. Khi bước vào thơ, nhà thơ đã thay đổi nhiều bút hiệu. Lúc đầu là Minh Duệ Thị, sau đổi là Phong Trần năm 1930-1931, nhưng sau đó đổi là Lệ Thanh, rồi lại đổi là Hàn Mặc Tử, và sau cùng ông lấy bút hiệu Hàn Mặc Tử.
Vì sao nhà thơ Hàn Mặc Tử lại thay đổi nhiều bút hiệu?
Trong cuốn Hồi ký của nhà thơ Quách Tấn do Quê Mẹ xuất bản 1988, thi sĩ Quách Tấn viết:

“Nhà thơ dùng bút hiệu Minh Duệ Thị thì ít ai biết, nhưng với bút hiệu Phong Trần thì đã nổi tiếng. Khi Tử đã quen thân cùng tôi, một hôm nhân vui miệng, tôi chê:
-Tướng anh mảnh khảnh thế này, chịu sao nổi cảnh Phong Trần mà ước?”
Một Bà cụ thâm nho ở Bình Định cũng bảo hiệu Phong Trần quá trệ không hợp với tánh tình của Tử. Bà khuyên Tử nên đổi bút hiệu khác. Tử bèn lấy chữ đầu của sanh quán (Mỹ Lệ) và lấy chữ đầu của chánh quán (Thanh Tân) ghép lại thành hiệu Lệ Thanh.
Tử rất lấy làm vừa ý. Nhưng được ít lâu sau, gặp ,Tử tôi lại trêu:
- Bộ ngó anh “dễ thương” mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng “yểu điệu thục nữ ” quá! Âu tôi gọi là “ Cô Lệ Thanh” cho thêm duyên.
Tử làm thinh nhưng ít lúc sau lại lấy hiệu Hàn Mặc Tử, là Bức rèm lạnh.Tử cho là độc đáo, tìm đến khoe cùng tôi. Tôi cười :
-Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp Phong Trần đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân đi làm Rèm Lạnh! Tránh lờ chun vào lưới! Sao mà lẩn quẩn quá thế?
Tử đâm khùng:

Anh này thật đa sự! Không biết đặt “cái đếch” gì cho vừa lòng anh?”
Tôi đáp:
- Đã có Rèm thì thêm Bóng Trăng vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?
Tử hội ý, cầm bút vạch “vành trăng non” lên đầu chữ A của chữ Mạc, thành ra Hàn Mặc Tử. Chỉ thêm một dấu A (ă) mà đổi hẳn ý và nghĩa của cả khóm chữ! Chữ Hàn trước kia nghĩa là Lạnh. Nhưng đi kèm với chữ Mạc là Mực thì trở thành chữ Hàn là Bút. Hàn Mặc Tử là anh chàng Bút Mực.
Tử sửa xong, thích chí nói:
- Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như thơ tôi mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng.
Thật quả như vậy. Từ ngày sửa đổi bút hiệu, văn chương của Tử mỗi ngày mỗi tiến bộ. Và với bút hiệu Hàn Mặc Tử, danh Tử cùng với Trăng mà thiên thu.
Nhưng trước khi rạng danh cùng bút hiệu Hàn Mặc Tử, thì Tử cũng đã nổi danh với bút hiệu Phong Trần.”
Sinh Hoạt Văn Học Paris Và Những Lời Bình Về Nhà Thơ Hàn Mặc Tử:
Ngày trước những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng của người Việt ở Paris thật là khởi sắc, chỗ này ra mắt sách chỗ kia ca nhạc, thỉnh thoảng có triển lãm tranh ảnh, biểu diễn trang phục áo dài và chỗ nào cũng đông đủ những khuôn mặt trong giới trí thức văn nghệ sĩ.


Trong một sinh hoạt văn học Hè năm 1990, do Hội Văn Hóa VN Cergy, (tiền thân của Câu Lạc Bộ văn Hóa VN Paris sau này), đã tổ chức để tưởng niệm 50 năm ngày mất thi sĩ Hàn Mặc Tử. Hôm đó quy tụ nhiều văn nhân thi sĩ, giáo sư, học giả nổi tiếng ở Paris tham dự. Ngoài phần đọc thân thế sự nghiep của nhà thơ Hàn Mặc Tử và những bài thơ chọn lọc trong thi tập : Lệ Thanh, Gái Quê, Đau Thương, các văn nhân thi sĩ còn bàn đến những nét hay nét đẹp trong thơ. Cuộc tranh luận tuy không sôi nổi nhưng rất hào hứng và đề tài Hàn Mặc tử được thảo luận kéo dài nhiều năm.
Nữ sĩ Minh Châu là Hội trưởng Ba Lê Thi Xã, tên thật là Thái Thị Hạc Oanh sinh năm 1922 tại Huế, Thân phụ: Cụ Đông Các Thái Văn Toản, Thân mẫu: Cụ Bà Nguyễn Phước Lương Cầm. Tốt nghiệp Quốc gia Cao Đẳng Mỹ Thuật và Sư Phạm Hội Họa. Bà là giáo sư các trường trung học kỹ thuật Huế, Sài Gòn, Régina Mundi. Bà và Bà Trương Thị Thịnh trước năm 1975 là hai nữ họa sĩ và giáo sư chính thức giảng dạy trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật. Năm 1971 bà triển lãm tranh lụa tại Ðại Hàn và Nhật Bản. Minh Châu làm thơ ngay từ lúc còn trẻ, số lượng thơ cho đến lúc cuối đời cả ngàn bài, nhưng nhà thơ loại bỏ rất nhiều, chỉ tuyển chọn hơn trăm bài đắc ý chứa những nỗi niềm về quê hương để lưu lại cho đời. Bà cho rằng:“Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài siêu thực, nhất là giai đoạn ông bị bệnh”:

Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Say Trăng)

Nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, sinh năm 1916 tại Thái Bình, tác giả nhiều tập thơ và nhiều bài biên khảo giá trị và những luận thơ trên báo. Ông lại bảo thơ Hàn Mạc Tử hay nhưng nặng chất tính dục, và ông đọc bài thơ Bẽn Lẽn để minh họa:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!
Trong khóm vi lô xào xạc mãi,
Tiếng lòng ai nói sao im đi?
.. Ô kìa! bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em …
( Bẽn Lẽn)

Nhưng theo nhà văn Hoàng Trọng Miên người bạn của Hàn Mặc Tử viết tại Sài gòn cuối năm 1966, thì hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Bẽn Lẽn”của Hàn Mạc Tử bắt nguồn từ những hình ảnh ‘những cành me xanh mướt lả ngọn và căn gác”. Bài trích trong tạp chí Văn số 73,74 ra ngày 1 tháng 7 năm 1967 Ông viết:
Chúng tôi đang ở chung một căn gác kế cạnh Khám Lớn Sài gòn bên kia đường. đêm đêm phải nghe tiếng trống đổi phiên canh và tiếng cắc kè kêu. Mỗi khi gặp trời mưa thì nước bay vào chỗ nằm, ướt cả giấy tờ sách báo.Nhưng gặp hôm trăng sáng, về khuya các cành me lục đậm đẫm ánh sáng trăng, cảnh vật cũng khá nên thơ.”

Theo như đoạn trích trên của nhà văn Trọng Miên, thơ Hàn Mặc Tử thể hiện nội tâm, không bị gò bó bởi lý trí, luân lý, mỹ học. Những hình ảnh ngọn lá, căn gác mỗi khi trời mưa, và đêm trăng, hòa nhập với những âm thanh tiếng cắc kè, tiếng trống đổi phiên gác. Đó là những chất liệu sống, có thật. Nhưng nhà thơ đã thi vị hóa bức tranh hiện thực thành một tác phẩm siêu thực, biến cảnh thực thành cảnh ảo, đưa thực vào mộng để tâm hồn thăng hoa. Nhà thơ đã biến những chiếc lá bên căn gác nhỏ trong đêm trăng thành cành liễu rủ dưới ánh trăng vàng trên bãi biển Qui Nhơn. Trăng nằm trên cành liễu dù tưởng tượng nhưng là hình ảnh có thực, nhưng trăng ở đây trong tâm hồn nhà thơ là giai nhân nằm đợi gió đông lả lơi là hình ảnh ảo, mộng mị! Có phải chăng nhà thơ đang là chàng Tú Uyên khi xưa mơ Giáng Kiều để nhìn thấy nàng trong tranh cổ tích ? Bài thơ là một bức tranh siêu thực(Surréalisme) tuyệt vời!

Nhà văn Hoàng Trọng Miên, sinh 1918 tại tỉnh Thừa Thiên, Huế, và mất 1981. Năm 1952 ông vào Nam viết văn, làm báo; sau năm 1954 dạy môn kịch nghệ tại trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn và cộng tác với các báo: Đời Mới, Quyết Tiến, Điện ảnh, Kịch ảnh, Đuốc Nhà Nam...Ông là tác giả các sách Thâm cung bí sử (Tiểu thuyết, 1936), Chỉ vì yêu (ký Hoàng Thu Đông), Đệ nhất phu nhân (1988), Nghệ thuật sống (sách học làm người, ký Hoàng Thu Đông), Việt Nam văn học toàn thư I (Quốc Hoa, Sài Gòn 1959), Việt Nam văn học toàn thư II (Văn Hữu, 1960) và Việt Nam văn học toàn thư III (Tiếng Phương Đông, 1973), Văn hóa Việt Nam, Dưới bóng thánh giá (kịch đã công diễn nhiều nơi)”.

Không khí sinh hoạt trong khán phòng đã sôi nổi, các thi nhân, văn sĩ, giáo sư, học giả hào hứng đưa tay muốn phát biểu. Nhà biên khảo Lương Giang Phạm Trọng Nhân có thời làm cựu đại sứ VNCH, một trong những diễn giả diễn thuyết hay của Paris, ông góp ý:
“Theo tôi thơ Hàn Mặc Tử là thơ trữ tình lãng mạn khởi đi từ quê hương đến tình yêu đôi lứa….Những bài thơ trong thi tập Lệ Thanh, Gái Quê và một số bài trong Đau Thương mang dòng thơ trữ tình lãng mạn: Mùa Xuân Chín, Đây Thôn Vỹ Dạ, Trăng Vàng Trăng Ngọc, Những Giọt Lệ…».
Ông đọc:

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
(Những Giọt Lệ )

Nhà thơ Hồ Trọng Khôi người nổi tiếng ở Paris về thơ Quê hương trữ tình, ông còn là nhà biên khảo, tác giả cuốn “ Tận Thế Hay Không ? ”Nhà thơ Hồ Trọng Khôi đặt câu hỏi:
“Nhà thơ Hàn Mặc Tử hay viết về Trăng, trăng là người bạn tri kỷ của ông . Nhưng tại sao vào những đêm trăng rằm thi sĩ Hàn Mặc Tử lại cảm thấy đau đớn hơn ? Có phải cơ thể người bị phong nan y dị ứng với mùa trăng?”

Nhà thơ Bằng Vân ngồi ở cuối khán phòng bỗng lên tiếng. Mọi người trong khán phòng đều im lặng để lắng nghe ý kiến của ông, vì: Đó là một con người đặc biệt, năm xưa ông mê thơ hơn chức giáo sư đại học Y khoa, chức giám đốc bệnh viện, chúc trưởng phòng nghiên cứu về bệnh cùi (1963-1975) thuộc viện Pasteur:Trung tâm nghiên cứu bệnh nhiệt đới. Ông là thành viên hội thơ Trúc Liên từ đầu thập niên 60, hội quy tụ nhiều nam nữ thi sĩ nổi tiếng như Chung Anh, Vân Nương, Thu Nga, Trùng Quang, Đông Xuyên….vvv…

Nhà thơ Bằng Vân phát biểu:
Chẳng phải mỗi lần trăng lên là hành hạ các vết đau của Hàn Mặc Tử, vì người bị phong nan y các ngón chân tay trong cơ thể đều tắc các mạch máu và tê dại thì làm sao mà đau đớn! Do đó cơn đau ở đây là nỗi đau trong tâm hồn, chứ không phải đau thể xác.

Thời gian có hạn, buổi lễ tưởng niệm 50 năm Hàn Mạc Tử chấm dứt nhưng đề tài này vẫn kéo dài mãi đến nhiều năm sau.
***

Một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật khác với chủ đề ‘Khoa Học Và Tâm Linh’ do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức quy tụ nhiều người trong giới khoa học, tôn giáo và văn học. Thi sĩ Hàn Mặc Tử và Tác phẩm lại được các nhân sĩ Paris đưa vào chương trình thảo luận.

Bước vào vườn thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, đọc trong thi tập "Đau Thương" bài thơ Mùa Xuân Chín, một trong những bài thơ lãng mạn trữ tình, đượm nét siêu thực của Hàn Mặc Tử. Có phải nhà thơ lấy cái tựa Mùa Xuân Chín nghĩa là xuân cuối mùa, tuổi thanh xuân cũng bắt đầu nhạt phai? Nhà thơ tả cảnh sắc khi nắng lên màn sương ban mai tan biến, cảnh vật rực rỡ, gió xuân mơn man trên giàn thiên lý như trêu tà áo biếc, và gió lay những cánh đồng xanh ngút ngàn. Sự biến đổi của thiên nhiên thật là huyền diệu, nhờ đó nhân loại nhận biết và phân biệt từng thời kỳ của khái niệm thời gian qua sự biến đổi này.Mùa đông tiết trời băng giá đã làm muôn loài hoa lá cỏ cây trong thiên nhiên bị tàn úa và chết đi. Khi mùa xuân đến khí trời ấm áp, muôn loài cây cỏ hoa lá được tái sinh báo hiệu một sự đổi mới. Nắng xuân chan hòa muôn cảnh vật hoa lá sắc màu rực rỡ, và tuổi trẻ được ví như mùa xuân thời điểm khởi sắc chứa nhiều khát vọng nhất của một đời người. Nhà thơ Hàn Mặc Tử như hoa xuân đầu mùa, con người tài hoa đó đang bay cao vút, thì mắc bệnh nan y! Đoạn thơ sau nói đến cái thuở thần tiên của đời người nói chung, cái thời đẹp nhất của đời con gái lúc còn ngây thơ và hồn nhiên. Nhưng câu:
"Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi"

Nhà thơ nói đến sự ly biệt, người con gái phải giã từ cuộc sống hồn nhiên chưa bị nhiều sự ràng buộc để bước theo chồng nhận lãnh một trách nhiệm cao cả hơn là làm vợ và làm mẹ. Đoạn thơ cũng diễn tả tâm trạng nhà thơ trong khi sự nghiệp văn chương đang thăng hoa bỗng bị bệnh ngặt nghèo phải bỏ cuộc chơi trên đời.

"Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
− Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…..
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây…"

Mây trên cao là bụi nước, còn mặt nước in bóng mây là lúc mây nước giao hòa hợp nhau. Tình yêu là sự hòa hợp nhưng một khi đã mất, tình như bóng mây thấy đó rồi bay đi! Nhưng ở câu thơ trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ:

"Gió theo lối gió mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay"

Câu thơ phân định rõ ràng hai lối rẽ dù mây luôn bị gió cuốn bay. Gió thì vô hình, còn mây hữu hình nhưng chỉ là những hạt bụi được chuyển hóa rồi cũng tự tan đi.Bốn câu thơ cuối thi sĩ nói về mình:

"Khách xa vừa lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng"

Lòng trí ở đây phải chăng là Nguyễn Trọng Trí đang ở Qui Nhơn nhưng tâm hồn bay xa như người tha hương chợt nhớ nhà?

"Chị ấy năm nay còn gánh thóc.
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

Chị ấy là ai? Ngôn ngữ người Bình Định thường dùng là đi " gánh lúa," nhà thơ chọn từ "gánh thóc," từ ngữ chuẩn của người Miền Bắc để diễn tả. Có phải là chị gái của nhà thơ, hay là cô gái ngây thơ năm nào hát trên đồi trong mùa xuân chín nay đã đi lấy chồng? Người đời sau bảo thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử khó hiểu và dị thường ở những câu thơ như thế!
"Dọc bờ sông trắng nắng chang chang".
Sông trắng là do sự phản chiếu của mặt trời ánh sáng gắt với mặt nước sông. Nắng ở đây đã sang hè không còn nắng ửng thuở ban đầu. Thời gian đối với thi sĩ chẳng có giới hạn, không thể đo lường theo quy định thông thường, nhất là đối với người mang bệnh ngặt nghèo sắp chết. Cuộc tình lỡ dù không lâu nhưng trong tâm hồn nhà thơ người tình ấy có lúc gần có lúc xa xăm tận cuối chân mây, như mùa xuân chín.


Mùa Xuân Chín

"Trong làn nắng ửng: khói mơ tan.
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
− Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…..
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây…….
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…..
Khách xa vừa lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
− Chị ấy năm nay còn gánh thóc.
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

Nhà thơ Hàn Mặc Tử ra đi lúc còn quá trẻ! Sự ra đi của nhà thơ hàn Mặc Tử đã để lại cho đời những vần thơ đầy cảm xúc, do đó thơ của ông được đưa vào văn học sử. Đó cũng là đề tài để cho các văn nhân học giả ở những thế hệ sau cảm tác về tác phẩm của ông.
GS Nguyễn Thùy sinh năm 1936, là người bạn thân của thi sĩ Bùi Giáng năm xưa. Ông là nhà nghiên cứu và phê bình văn học, tác giả nhiều bộ sách tư tưởng như Lẽ Đạo và Tiến Hóa, Nhân Loại Loại Mới, Ngụ Ngôn Trùng Ngôn… thơ văn và phê bình văn học, ông từ Marseille miền Nam nước Pháp lên Paris hội thảo. GS Nguyễn Thùy phát biểu:

Sau khi nhận được Thư của nhà thơ Đỗ Bình mời họp, tôi gắng viết về Thơ Hàn Mặc Tử nhưng rốt cuộc không thể viết được! Tôi thấy trong nước tổ chức những buổi kỷ niệm HMT, nghe những bài viết về những cuộc tình, phần lớn là những bài mọi người đều biết. Các bài viết nhận xét về thơ HMT thì cũng qua loa, chẳng có gì đặc biệt. Viết qua loa lấy có như mọi người thì đã nhiều người làm rồi và nghĩ ra có thể ‘phụ lòng’ thi nhân. Viết cho đúng đắn, sâu sắc thì khó quá. Tôi lên đây tham dự để nghe các Anh Chị nói chuyện. Tôi vẫn không tìm ra yếu tố nào đã khiến mạch thơ HMT từ lãng mạn ngây thơ, trong sáng, tinh khiết lại chuyển qua mang tính tính dục để đưa dẫn đến dâm loạn, cuồng điên . Do đó, dù cố gắng mấy, tôi cũng không viết được."

Nhà văn Hồ Trường An tác giả những bộ tiểu thuyết dài và những cuốn biên khảo, phê bình gần 100 tác phẩm. Ông từ tỉnh Troyes lên v phát biểu:
“Trong thi tập thơ Điên sau gọi là Đau Thương của thi sĩ Hàn Mặc Tử có nhiều bài bất thường, có tính điên loạn, vậy nhà thơ có thực sự là người điên không?”
Ông minh họa đọc bài thơ Trăng Vàng Trăng Ngọc:

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)

BS Nguyễn Bá Linh chuyên trị bệnh Tâm thần, một thành viên trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris, ông nói:
“Bệnh tâm thần là bệnh lý do rối loạn về hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng... Bệnh tâm thần có thể từ nhẹ đến nặng. Từ lo âu đến đến ám ảnh, hoang tưởng…h loại nhẹ. Câu chuyện về Nhà thơ Hàn Mặc Tử và người tình là Mộng Cầm đã được sách báo viết từ thập niên 1940 đến mãi hôm nay. Ngoài ra còn được đưa lên sân khấu cải Lương, sân khấu Kịch nghệ của Sài gòn trước năm 1975. Khi còn học ở Đại học Y Khoa tôi có quen một cô con gái là Trần Bích Đào, con gái của Bà Mộng Cầm. Cô học sau tôi và là bác sĩ ra trường Y Khoa Sài gòn 1977, và có chồng là bác sĩ Phạm Thiện Bê. Bác sĩ Đào vẫn ở trong nước.Nói về Nhà thơ Hàn Mặc Tử: Cái tên Hàn Mặc Tử lạ lùng độc đáo, cuộc đời và thơ của ông cũng lạ lùng độc đáo.Tôi không có khả năng văn chương và chỉ hiểu năng văn chương và chỉ hiểu rất ít về thơ ông. Theo tôi: Các đặc điểm của ông là hoang tưởng thần bí (delire mythomane), ma quái và ám ảnh chết chóc(obsession de la mort) »
BS Nguyễn Bá Linh đọc bài thơ minh họa:

"Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thành
Cho yêu ma muôn năm cùng trở dậy"

hay như:

"Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một lời thơ cháy tan trong nắng rọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung"
(trong Trường Tương Tư)

Nhà thơ Đỗ Bình nói thêm về ý nghĩa ‘Trăng’ trong thơ của Hàn Mặc Tử:
"Nói đến Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là nói đến ảo giác giữa mộng và thực. Hồn thơ của thi sĩ nhập vào cõi siêu thực mà người đời không hiểu tưởng là “điên” để chắp bút thành những câu thơ có những hình ảnh linh động ‘trăng vàng trăng ngọc’ chứa ẩn dụ mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trăng, ngoài ý nghĩa bóng hình người đẹp và mối tình si, bảy từ Trăng còn là những hình nốt tiết tấu được thi sĩ ngắt nhịp tạo thành một câu nhạc để diễn tả nỗi lòng:

Trăng, trăng, trăng! Là trăng, trăng trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho.
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)

Nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu một trong những cây cột trụ của Bà Lê Thi Xã và Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris. Ông là khuôn mặt nổi trong cộng đồng Người Việt ở Paris, tác giả nhiều tập thơ và sách biên khảo. Ông còn là một trong những vị bác sĩ đầu tiên của quân đội VNCH, sau khi giải ngũ ông qua Pháp định cư đã lâu.

Nhà thơ Phương Du cho rằng thơ Hàn Mạc Tử thiên về tâm linh, tôn giáo, ông nói:
"Nhà thơ Hàn Mạc Tử vì mắc bệnh nan y bị người đời ruồng bỏ nên đức tin vào Thiên Chúa của ông trở nên vững mạnh, do đó ở những ngày cuối đời nguồn cảm hứng của Hàn Mặc Tử đã chuyển sang tâm linh, đơn cử như bài Thánh Nữ Đồng Trinh Maria:

"Maria! linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria)


Nhà thơ Vân Uyên góp ý bằng cách đọc một bài thơ của ông để ca ngợi 4 người “đặc biệt” đã trải qua vòng tử sinh mà nhà thơ gặp trong đời, bài thơ mang tên:Đọc Thơ Bốn Người trong đó có những đoạn về thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Nhà thơ Vân Uyên nguyên tên thật: Nguyễn Văn Ái, sinh năm 1920 tại Hà Nội và mất năm 2015 tại Paris. Sang Pháp học Y Khoa vào giữa thập niên 40 và đã tốt nghiệp bác sĩ trở về nước năm 1955 của thế kỷ trước. Ông nguyên là viện trưởng viện Pasteur Việt Nam (Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang 1955 1975), giáo sư Y Khoa Đại Học Sài Gòn bộ môn Vi- Sinh- Vật- Học, từ năm 1955- 1975. Ông là anh ruột của thi nhạc sĩ Tử Phác, người từng vang bóng một thời có những nhạc phẩm tiền chiến :Tiếng Hát Quay Tơ ,Tiếng Hát Lênh Đênh..vv…. Tử Phác là thư ký tờ báo Nhân Văn Giai Phẩm, và cũng là nạn nhân bị tù đày trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa!

Nhà thơ Vân Uyên là tác giả 4 thi tập: Những Vần Thơ Lưu Niệm, Tình Thơ Paris, Duyên Kiếp Thiên Tình,Nghĩa Nợ Tình.
Những tác phẩm trước năm 75: Khoa Học và Đức Tin, Giới Thiệu Tư Tưởng của Teilhard de “Chardin”do Kim Lai Ấn Quán xuất bản Sài Gòn 1965.

Là giáo sư Y Khoa bộ môn Vi- Sinh- Vật- Học, do đó ông rất rõ căn bệnh phong nan y, ông giải thích hai câu thơ sau của Hàn Mặc Tử:
"Khi làm câu thơ ấy tâm hồn Hàn Mặc Tử đau đớn tột độ vì nguồn thơ sắp cạn, thi sĩ biết mình đã kiệt lực sắp chết trong lúc tuổi đời còn đang kết trái nở hoa! Hàn Mặc Tử là người công giáo có đức tin mãnh liệt nhưng theo tôi thi sĩ chưa thực sự hiểu đạo. Câu thơ “ Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ ”; đã minh họa sự vô định của Hồn sau khi lìa xác; thay vì phải về Nước Chúa."

Giáo sư Đặng Tiến là một phê bình và tiểu luận gia. Bút hiệu Nam Chi, Ông Sinh ngày 30 tháng 3 năm 1940 tại xã Hòa Tiến, TP. Đà Nẵng.
Năm 1960, vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa – 1963 ra trường, đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin (Đà Lạt).
Từ 1966, sang Berne (Thụy Sĩ) làm ngoại giao.
Từ 1968, tới Pháp, tiếp tục học tại Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn 4 ngày (18 giờ)/tuần cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km).

Cùng với GS Tạ Trọng Hiệp, thành lập ra Ban Việt học tại Đại Học Paris 7, giảng dạy ở đây từ 1969 - 2005, với 4 giờ/1 tuần.
Hiện sống tại Orléans Pháp.
Đã xuất bản nhiều bộ sách biên khảo, và thơ văn.
Trong bài viết về Thơ Hàn Mặc Tử tháng 12 năm 1970 tại Val de Loire (Pháp) và đã đăng trên tạp chí Văn, Sài Gòn, số 179 ngày 1 tháng 6 năm 1971. Giáo sư Đăng Tiến viết:

“Trong bài ‘Biển Hồn ta’ bắt đầu bằng câu"Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…", người đọc có cảm giác như máu và hồn là một, hay máu là hồn của xác thịt còn thể phách là hồn của toàn cơ thể, vì chính nhà thơ cũng phân biệt hồn người và hồn trong:

Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Cứ để hồn ngoài bay lưởng vưởng
Ngao du cùng khắp cõi trí mênh mông
..Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan ra
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa…

Đã là hồn rồi còn có tử thi nào nữa? Lại còn ngắm được tử thi mình nữa sao? Ở đây , ngoài sự phân biệt " hồn" và cố hữu trong tiềm thức người Việt Nam, ta còn phải ghi nhận thêm ảnh hưởng phong thổ vùng Quy Nhơn đến Phan Thiết nơi Hàn Mặc Tử sống, vùng đất của người Chàm. Nhà thơ thế nào cũng nghe chuyện ma Hời đêm đêm lìa khỏi xác đi chơi hay ăn đêm. Và đã nhớ đến những chuyện đó trong cơn mê sảng bệnh hoạn. Nhưng trong Thánh Kinh, nhất là Cựu ước, chúng ta còn bắt gặp dấu tích sự phân biệt đó, bắt nguồn từ tưởng Do Thái giáo. Thân thể, tiếng hébreu(Do Thái) gọi là basar, dịch ra Latin là caro, thành tiếng Pháp là chair. Xác thịt, nếu không có sinh khí, chỉ là một "tử thi". Hơi thở của Jabweh đã hà sinh khí vào xác thịt,nhưng chỉ tạo nên một quân bình mong manh : (Thần khí của ta sẽ không lưu lại mãi trong loài người, vì loài người chỉ là thân xác" (Gen VI, 3) ; vậy trong tư tưởng Do Thái giáo, chẳng những hồn và xác khác biệt nhau, mà hồn là thần khí mà Đức Chúa Trời ký thác vào thân xác con người đó thôi, chứ không hẳn của con người. Do đó, trước khi chết, Chúa Jesus đã nói" Thưa Cha, trong tay Cha con trả lại linh hồn"(LucXXIII, 46) và Huy Cận đã nhắc lại trong câu "Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, linh hồn tôi". Linh hồn đó, là cái thần khí của Jabweh nay trở về với Jabweh, chứ không phải cái hồn lìa khỏi xác của hàn Mặc Tử. Hồn này lại là một chuyện khác, một biểu hiện của sự sống ; hồn này có thể chết, có thể hư nát như thịt xương(PS,78,50) lang thang xuống âm ti sống đời khổ ải, cho đến ngày Thượng Đế cho linh hồn hồi sinh những đống xương tản mác.Trong những lời truyền dạy của Thánh Tự, Hàn Mặc Tử đã nhớ những chi tiết phù hợp với tâm hồn hay bệnh trạng mình nhất, nghĩa là sự phân biệt giữa hồn và xác, trong khi giáo lý Thiên Chúa về vấn đề này, phức tạp hơn nhiều."

Những câu thơ trữ tình của Hàn Mặc Tử:

"Người đi: một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ?"
(Những Giọt Lệ)

"Mơ Khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà? "
(Đây Thôn Vĩ Dạ)

"Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.."
(Bẽn Lẽn)

Thi sĩ Hàn Mặc Tử là một tài hoa bạc mệnh hiếm có trong làng thi ca Việt Nam vì thân phận chịu nhiều đọa đày. Tâm hồn nhà thơ tràn đầy khát vọng sống và yêu người cuồng nhiệt, nhưng cuối đời chết dần trong nỗi cô đơn gần như tuyệt đối. Những câu thơ tình tuyệt tác để lại cho đời.

Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét