Nằm trăn trở cho đến khuya mà vẫn không tài nào chợp mắt được, tôi ngồi dậy và ra ngoài phòng khách. Tôi nghĩ liều rằng giấc ngủ khó đến với tôi, thì tôi chấp nhận luôn việc không ngủ, nghĩa là thức trắng đêm, cũng chẳng sao. Thế là tôi uống một ly nước pha đá. Nước mát lọt xuống cổ làm tôi tươi tỉnh hẳn. Càng hay. Nhưng làm gì bây giờ. Làm việc lắt nhắt gì đó có thể gây tiếng động làm mất giấc người nhà thì tôi không nên. Đọc sách ư? Đọc cả ngày, nhiều rồi. Vậy thì nên cố gắng "tỉnh thức, nghĩa là không suy nghĩ gì" để cho tâm hồn thanh thoát là hay nhất. Tôi tự nghĩ thế.
A, một sáng kiến vừa đến trong tôi. Đó là nên lấy băng nhạc cassette Tình Ca số IV cho vào máy, gắn ống nghe vào tai để lắng lòng thưởng thức. Tôi thoáng nghĩ. Làm như thế là dễ chịu nhất trong thời khắc này. Đúng rồi, băng cassette này tôi ưa chuộng lắm. Cặp vợ chồng bạn, anh chị Đức, tặng tôi mấy năm trước, lúc tôi có dịp xuống thăm bạn dưới tỉnh và cũng để anh Đức chữa bệnh bằng cách châm cứu cho tôi tại phòng mạch.
Băng nhạc cassette gồm 12 bài hát do chị Đức Pathuma trình diễn mà tôi ưa chuộng đa phần, xin kể đại cương: Tiễn Anh Trong Mưa, Giọt Nắng Bên Thềm, Đêm Đông, Mưa Trên Xứ Huế, Ngày Xưa Hoàng Thị, Trả Lại Em Yêu, Ngàn Thu Áo Tím...Ngay khi đưa tặng tôi cuốn băng cassette, chị Đức Pathuma nói rằng chị đã cố sửa vài ba chữ trong bài Mưa Trên Xứ Huế để có thể đúng hơn theo chữ người Huế thường dùng và cũng gắng hát theo giọng Huế để anh nghe có đúng chữ và giọng Huế không. Đây nhé : ngày xưa mưa rơi thì sao, răng chừ nghe mưa lại buồn...Mấy ca sĩ thì hát ngày xưa mưa rơi thì sao bây chừ nghe mưa lại buồn...chữ bây chừ không đúng như người miền Trung mình. Chớ nữa hát răng chừ, tại sao bây giờ, e mà đúng hơn, phải vậy không ? Tôi nghe chị bạn nói có lý nên cũng biểu đồng tình. Tôi thêm rằng người Huế thường nói chữ chừ hoặc bây giờ, ít khi nói chữ ghép bây chừ...
Từ đó đến chừ (hay là bây giờ, không phải là bây chừ đâu nhé !) tôi đã nghe băng cassette này nhiều lần, nhất là mỗi khi cảm thấy có trong lòng một nỗi...gì hoặc mang máng nhớ về một âm vang hay hình ảnh xa vắng mơ hồ nào đó. Giọng ca ngọt ngào và tròn ấm của chị bạn quyện vào nội dung bẽ bàng hình ảnh lãng đãng của bài hát Ngàn Thu Áo Tím tạo cho tôi một cảm giác vừa êm ái vừa buồn thương. Thương gì, thương ai, tôi không nhắm đến rõ ràng. Đúng rồi, tôi cảm thương tâm tư nhân vật trong bài hát: người con gái áo tím hay tâm tư tác giả: nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Từ đó đến chừ (hay là bây giờ, không phải là bây chừ đâu nhé !) tôi đã nghe băng cassette này nhiều lần, nhất là mỗi khi cảm thấy có trong lòng một nỗi...gì hoặc mang máng nhớ về một âm vang hay hình ảnh xa vắng mơ hồ nào đó. Giọng ca ngọt ngào và tròn ấm của chị bạn quyện vào nội dung bẽ bàng hình ảnh lãng đãng của bài hát Ngàn Thu Áo Tím tạo cho tôi một cảm giác vừa êm ái vừa buồn thương. Thương gì, thương ai, tôi không nhắm đến rõ ràng. Đúng rồi, tôi cảm thương tâm tư nhân vật trong bài hát: người con gái áo tím hay tâm tư tác giả: nhạc sĩ Hoàng Trọng.
...Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím, Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến, Chiều xuống áo tím thường thướt tha, Bước trên đường thắm hoa, ngắm mây chiều lướt xa...Rồi thì từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím. Nhưng chẳng bao lâu, mơ ước chưa kịp đến thì (em) khóc anh chiều tiễn đưa và rồi anh đi mãi không về nữa...Bây giờ đây, một bóng áo tím buồn ngẫn ngơ, khóc trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa...Em cảm thấy cuộc đời sao quá đau thương cho người áo tím là em đây: Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím, Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím, Nhuộm tím chuỗi ngày vắng xa nhau, Tháng năm còn lướt mau, Biết bao giờ thấy nhau...Không biết may hay rủi khi người áo tím được yêu một thời gian ngắn rồi người yêu...lại ra đi biền biệt để lại niềm thương nỗi nhớ...
Bài hát điệu valse chậm vừa hoà với hình ảnh của người con gái áo tím lãng mạn đã buộc lòng buông bỏ áo tím để vừa lòng người yêu nhưng giờ đây lại thẫn thờ chờ trông người yêu xa xăm! Rõ ràng là một hình ảnh thật đẹp, thanh cao và có chút bẽ bàng, mong manh! Tôi có cảm tưởng giọng ca mang hồn thơ của người trình diễn truyền dẫn được nỗi lòng của người con gái áo tím hay của...tác giả Hoàng Trọng sang tâm hồn của người thưởng thức đồng điệu. Xin cám ơn, cám ơn sự đóng góp của các tâm hồn nghệ sĩ trong Ngàn Thu Áo Tím...
(Kim Oanh thực hiện)
Một nhạc sĩ khác, cũng có lần gặp một người con gái áo tím: một chiều lang thang bên giòng Hương Giang tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương...và tâm hồn người nghệ sĩ cảm thấy màu áo tím sao luyến thương, sao vấn vương... Người nhạc sĩ về nhà mơ tà áo qua đường, mơ một lời nói yêu thương, Ước mơ sao áo mầu khép kín tim nhau...Rồi người nghệ sĩ cố gắng chiều chiều lê chân bên giòng sông Hương Giang để mong tìm lại tà áo ấy nhưng tà áo nay thấy đâu và nhìn xuống giòng Hương Giang thì giòng nước cứ cuốn mau. Bẽ bàng làm sao khi người nhạc sĩ đa cảm nghe tin người áo tím qua cầu và áo tím phai mầu để giòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao!
Tôi nhớ khoảng nửa thập niên 50, sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, phong trào di cư vào Nam rất rầm rộ. Một số đông đồng bào ruột thịt miền Bắc định cư ở Huế, rải rác đó đây. Thuở đó được xem là thuở thanh bình...Các trường học đầy cả học sinh trong lứa tuổi vui tươi yêu đời. Nữ sinh trường trung học Đồng Khánh Huế với đồng phục trắng nên vào giờ đến trường hay buổi chiều tan trường tỏa ra và tràn ngập cả đại lộ Lê Lợi. Tuy thế, cũng có những chiều im vắng bên bờ sông Hương, người ta bắt gặp đôi tà áo tím nhỡn nhơ theo cơn gió.
Hồi đó một trong vài ba tà áo tím nổi bật xứ Huế có giọng nói ngọt ngào trong vắt, gốc xứ ngàn năm văn vật, ngụ tại Thành Nội gần Cửa Đông Ba. Nhiều thanh niên xứ Huế ngồi đứng không yên mỗi khi có bóng dáng người áo tím thướt tha đang ngắm mây chiều lướt xa, đúng như nhạc sĩ Tuấn Khanh mô tả. Về sau người ấy buông bỏ áo tím, thay bằng tà áo xanh ngọc có thêu rồng vàng ở cổ. Người áo tím cũng đã qua cầu...đúng như người nhạc sĩ nghe tin theo lời gió nhắn...Và từ đó thanh niên xứ Huế không còn dịp để thấp thỏm khi đứng ngồi nữa.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã hiểu tình quyến luyến ban đầu mà kết cuộc là nay thấy đâu. Lòng người nghệ sĩ và giòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao như nhau. E rằng Hoàng Nguyên gặp tào áo tím D.T.L. rồi đấy. Thôi thì, giai nhân nan tái đắc, người đẹp khó gặp lại, cũng là lẽ thường tình. Chỉ buồn thương cho người nghệ sĩ đa cảm Hoàng Nguyên không may mắn gặp người mình thương đơn phương chỉ ngắn ngủi vì đó là tà áo qua đường. Hoàng Nguyên mơ một lời nói yêu thương! ít ỏi và đơn sơ như thế mà cũng không được! Ôi tình yêu đơn phương thật bẽ bàng cho người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta!
Nói thêm chi tiết: con gái xứ Huế hay mơ mộng lắm. Về sắc màu thì các nàng, các tôn nữ thường ưa chuộng màu tím, nghĩa là mỗi nàng đều có một màu tím để ấp ủ trong lòng, để ngắm nhìn và tượng trưng...cho mình. Thế nên hoa tím là chính...nàng! Trên các bàn học các nàng đôi khi có chưng một chậu cây hoa nhỏ, gọi là hoa Violette, hoa màu tím, để ngắm nhìn và thưởng thức mùi hương. Như thế cũng là để nhìn ngắm mình, nói chuyện với chính mình. Lá cây violette mọc thẳng lên và toả nhẹ ra, dài khoảng hơn tấc rưỡi, màu xanh đậm, người Huế gọi là màu lục đậm. Hình dạng chiếc lá tương tự lá rau má. Đặc biệt hoa màu tím đậm tỏa hương thơm chất ngất mà lại mọc kín phiá cọng lá nên được cọng lá bao bọc và che chở. Từ các chi tiết này, con gái Huế cho rằng hoa Violette tượng trưng cho sự thanh cao và kín đáo của các tiểu thư khuê các. Đôi khi vài cô tôn nữ cũng kín đáo bôi chút nước hoa từ chai màu tím Violette, hiệu Chanel đắt tiền, hương thơm tương tự hoa violette. Tiện lợi hơn, nàng dùng loại nước hoa trong ống nhỏ và dài hiệu Soir de Paris no. 5 vì mùi hương tương tự với Chanel...
Nhưng đấy là chuyện nửa thế kỷ trước.
Tại Bruxelles, rất nhiều lần, tôi cũng đi lang thang trong các chợ chủ nhật để tìm mua chậu hoa Violette như...ngày xưa ở Huế nhưng thất vọng. Người bán hoa nói chưa nghe nói đến Hoa Violette bao giờ. Tôi cố tìm thì thấy một vài loại cây có lá tương tự như Violette. Hoa có màu tím đậm tuyền hoặc tím đậm có điểm lấm tấm trắng, không mùi hương và đặc biệt hoa mọc cao ngang hay hơn lá. Như vậy hoa chẳng e ấp và kín đáo chút nào. Đúng rồi, đây là xứ Bỉ, không phải là xứ Huế...ngày xưa...
Bây giờ đây, nếu dù trở lại xứ Huế thì chắc rằng tôi cũng chẳng gặp lại loại hoa Violette...ngày xưa đâu vì tất cả đã qua đi, qua hết rồi ! Một triết gia nào đó nói người ta không thể tắm hai lần trên một giòng sông mà!
(Vanchus thực hiện)
Xin nói thêm: Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả bài hát Tà Áo Tím nói trên cùng nhiều bài hát khác mà tôi thích lắm, gốc xứ Quảng Trị. Mới đây tôi đọc một bài viết khá dài, sâu sắc và ghi chú rất nhiều chi tiết của tác giả Tuệ Chương nói về nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Tôi thích bài viết này. Nhưng một điều đáng tiếc cho tôi là tôi không thấy tác giả Tuệ Chương nhắc về bài Ngày Mai Tôi Đi mà tôi đặc biệt ưa chuộng...Ngồi bên nhau đêm nay, ngày mai tôi ra đi, khi tiếng hát quân hành rộn lòng trai...Ngồi bên nhau nói dịu dàng vài lời, ngoài trời sương lạnh có cánh sao rơi. Rồi mai nơi xa xôi, có người ngồi nhìn trăng khuya chơi vơi, nhớ ôi đôi tâm hồn nào...Lòng bồi hồi dạt dào nhìn trăng trên vai nhau, nhìn trăng trên tà áo, đáy mắt sâu, ánh trăng sáng dâng sầu. Ngồi bên nhau đêm nay, có gì mà ngại ngùng...Mai về thanh bình vui ánh trăng chơi ...
Đây là niềm hy vọng thanh cao, giản dị nhưng người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta không hề đạt được vì thời gian sau, báo chí cho biết Hoàng Nguyên tử nạn! Ôi thôi! Buồn thương quá!
Nguyễn Nguyên
Đêm 07. 04. 2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét