Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Hát Rong – Hát Xẩm – Trầm Ca – Du Ca

 

Hát Rong

Hát Rong được gọi là Troubadour, tên của một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn vào thời kỳ trung cổ ở Âu Châu. Người phụ nữ hát rong được gọi là Troubairitz. Phong trào hát rong phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1100 đến năm 1350 ở vùng Occitania và lan rộng khắp Âu Châu, đặc biệt tại những nơi thuộc miền Bắc nước Pháp, miền Bắc nước Ý và Tây Ban Nha, sang cả Đức và Bồ Đào Nha. Phong trào hát rong sau đó dần dần lụi tàn vì những khuynh hướng thưởng ngoạn thay đổi của xã hội. (Trích Wikipedia).
Hát Rong thường quy tụ một nhóm năm bảy người đi hát từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt họ có những buổi trình diễn do các nhà quý tộc, lãnh chúa hay những kẻ giàu có tổ chức trong các lâu đài dinh thự. Những lần biểu diễn như thế có thể kéo dài trong năm ba ngày, có khi hàng tháng và họ rất được những người tổ chức ái mộ vì thuở đó chưa có những nhà hát hay những nơi trình diễn để họ có thể đến đó hầu thưởng thức những bài hát và nghe đọc thơ. Nội dung các bài hát rong thường lấy chủ đề như Tinh Thần Hiệp Sĩ và Tình Yêu Thanh Cao. Giới bình dân như nông dân thợ thuyền hiếm khi là thính giả để những kẻ hát rong phục vụ cho họ nên có thể nói rằng những người hát rong chỉ hát để phục vụ cho thành phần giàu sang, quyền quý, trưởng giả vì họ được nhận những món tiền thưởng (thù lao) khi đến phục vụ và còn được nuôi ăn trong suốt thời gian trình diễn. Thỉnh thoảng những người hát rong cũng thấy xuất hiện trong các buổi lễ hội do chính quyền hoặc các nhà giàu đứng ra tổ chức mà dân chúng có thể đến nghe.
Âm nhạc của hát rong là các bài hát thế tục truyền thống được hát bằng tiếng bản xứ kèm theo các nhạc cụ đệm và được trình diễn bởi các ca sĩ chuyên nghiệp và các nhà thơ. Ngôn ngữ hát rong bắt nguồn từ Occitania, khi lan tràn qua Pháp thì được gọi là Trouvère và hát bằng tiếng Pháp.
Sinh hoạt hát rong đồng thời tương ứng với sự phát triển đời sống văn hóa ở Provence kéo dài từ thế kỷ 12 đến thập niên đầu của thế kỷ 13 tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền Bắc nước Ý và Pháp. Nghệ thuật hát rong của những Troubadour đã đóng góp cho sự phát triển sau này của nền âm nhạc thế tục. Đặc biệt trong hơn hai nghìn bài hát rong thời bấy giờ, nội dung thường có những lời thơ đi kèm.
Trong những bài hát rong thịnh hành thời đó, ta thấy có một số thể loại như: bài hát về tình yêu (tỏ tình, chia tay với người yêu, trách móc người yêu, mơ mộng…), những bài nói về cuộc Thập Tự Chinh, về giáo dục, về sự phẫn nộ thách thức, những bài ca ngợi hiệp sĩ, các bài châm biếm tranh luận và những bài ca ngợi đời sống du mục…

Hát Xẩm


Hát Xẩm là một thể loại hát dân gian phát xuất miền Bắc Việt Nam. Hát xẩm được dùng để gọi những người hát dạo thời xưa – thường là những người khiếm thị, nghèo khổ đi hát rong để mưu sinh. Họ thường biểu diễn ở các khu đông người qua lại như ở chợ, đường phố…
Theo truyền thuyết, vào đời nhà Trần, vua Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán (đừng nhầm với Trần Quốc Toản) và Trần Quốc Đĩnh do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị hãm hại, bị chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Biết hai mắt bị mù nên Trần Quốc Đĩnh than khóc rồi thiếp đi. Trong giấc mơ Trần Quốc Đĩnh thấy Phật hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn gỗ, dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật kỳ lạ, đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó những người đi rừng nghe tiếng đàn nên đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đi khắp nơi và vào tận hoàng cung, vua nghe được nên mời ông vào hát và nhận ra ông là con của mình. Trở lại đời sống trong cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn lời ca dạy cho những người khiếm thị để họ có nghề kiếm sống. Hát Xẩm ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được coi là ông tổ của nghề hát Xẩm cũng như bộ môn hát xướng nói chung trong dân gian Việt Nam. Nhưng theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử nào tên Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Thái tử con vua tên là Khảm, sau lên ngôi vua là Trần Nhân Tông, một người con nữa là Tả Thiên Vương. Vì vậy nguồn gốc hát Xẩm là dựa trên truyền thuyết dân gian chứ không truy tìm được ra từ chính sử.
Hát Xẩm có hai làn điệu chính là “Xẩm Chợ” và “Xẩm Cô Đào”. Hát “Xẩm Chợ” thì điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát bằng lời hát chính và đệm bằng đàn bầu và đàn nhị cùng sênh phách. Còn hát “Xẩm Cô Đào” thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hất Xẩm Cô Đào được đệm bằng đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và đàn nhị. Hát Xẩm còn sử dụng làn điệu dân ca miền Bắc như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc hay sa mạc.
Từ xa xưa, khi hát Xẩm vẫn còn nguyên vai trò xã hội của nó, người khiếm thị hiếm khi hát Xẩm độc lập, họ thường đi theo ‘nhóm Xẩm’, thường là vợ, chồng, con cái của người hát. Tinh thần trọng điểm của nghề hát Xẩm thể hiện qua truyền thuyết trên là tinh thần kiên cường, vượt qua những khó khăn trở ngại để vẫn giữ thái độ lạc quan, yêu đời. Điều này không chỉ được phản ảnh qua nghịch cảnh của vị hoàng tử trở lại hoàng cung từ rừng sâu mà còn thể hiện trong thực tế: Những người hát Xẩm khiếm thị luôn có mặt khắp nơi để mang tiếng hát cho đời, đưa những lời ca và triết lý nhân sinh đến tận tâm hồn người nghe.
Troubadour ở Âu Châu và hát Xẩm ở Việt Nam có thể coi là cùng xuất hiện trong cùng thời điểm gần nhau. Troubadour xuất hiện vào thế kỷ 12-13. Hát Xẩm ở Việt Nam xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 13 theo truyền thuyết.
Nói đến Troubadour ở Âu Châu hay hát Xẩm ở Việt Nam cũng chỉ là những liên tưởng đến việc “ca hát” ngày xưa trước khi đề cập đến một hình thái “ca hát” đã hình thành giữa thế kỷ thứ 20 tại Miền Nam Việt Nam. Đó là Trầm Ca và Du Ca.

Trầm Ca

Trầm Ca là gì? Xin trả lời đơn giản: Là những bài ca khi hát lên khiến cho người nghe “bị” hay “được” tác động nên khiến phải có một chút suy nghĩ. Suy nghĩ điều gì? Suy nghĩ về thân phận làm người, suy nghĩ về hoàn cảnh xã hội chung quanh, suy nghĩ về tình hình đất nước như chiến tranh, chết chóc cùng với những bất công xã hội… Đặc biệt Trầm Ca muốn gửi tiếng nói đến giới Trẻ gồm những thành phần thanh niên, sinh viên, học sinh là những người đang trực diện với nhiều thảm cảnh xã hội do chiến tranh gây nên. Mục đích của Trầm Ca là mời gọi mọi người nhận thức được hoàn cảnh xã hội để rồi cùng nhau dấn thân phục vụ tha nhân chứ không ngồi một chỗ để “than thân trách phận” hoặc “than trời trách đất”. Trầm Ca là những lời mời đi xây dựng một quê hương đổ nát vì chiến tranh, hàn gắn lại những đau thương, chia rẽ, hận thù. Tiếng hát của Trầm Ca, cuối cùng với mong ước là mang lại sự lạc quan, niềm hy vọng trong cuộc sống. Giai điệu và ngôn ngữ của Trầm Ca trầm thống nhưng lành mạnh, hùng hồn nhưng cũng chất chứa tình yêu quê hương với những thúc giục gọi mời tha thiết.

Khi vừa bước chân ra khỏi ngưỡng cửa trung học, sáu chàng trai cũng là sáu tráng sinh Hướng Đạo Việt Nam tại thành phố sương mù Đàlạt đã chọn đi chung một con đường phục vụ tha nhân bằng hình thái sinh hoạt văn nghệ. Tuy ở Đàlạt và đang theo học đại học ở đấy nhưng họ đã chọn thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa là nơi khởi thủy để đóng góp tâm ý và tiếng hát của mình. Sáu chàng trai tuổi mười tám đôi mươi sẵn có tinh thần mạo hiểm của Hướng Đạo Sinh đã rời bỏ thành phố hiền hòa lắm hoa thơm cỏ lạ, đồi núi chập chùng, mưa sương mù mịt quanh năm để về thủ đô, chốn phồn hoa đô hội. Sáu chàng trai đó là: Nguyễn Đức Quang, Hoàng Kim Châu, Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Đinh Gia Lập và Nguyễn Quốc Văn. Chỉ vài tháng, sau khi Trầm Ca có mặt ở một số nơi để sinh hoạt tại Sài Gòn thì có một giáo sư đang dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc tình nguyện đến sinh hoạt chung với Trầm Ca, đó là cô Đỗ Thị Phương Oanh. Ngoài những bài hát Nhận thức do Trầm Ca sáng tác, họ còn sử dụng nhiều bài hát theo thể loại ca cổ, dân ca Bắc Trung Nam, dân ca các sắc dân thiểu số và dân ca của một số dân tộc trên thế giới, các bài Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Hùng sử ca, kể chuyện, kịch, đọc thơ… để đem đến cho người nghe nhiều làn điệu dân gian chân chất của thời xa xưa cũng như những âm giai trầm hùng, nghe ra như thúc giục người người dấn thân vào con đường phục vụ tha nhân, xây dựng đất nước và nối kết tình người.

Nguyễn Đức Quang (trái), Hoàng Kim Châu (giữa)

Vì là những tráng sinh Hướng Đạo nên khi về Sài Gòn, họ cũng có sự giúp đỡ tinh thần và khuyến khích của các Trưởng Hướng Đạo tại thủ đô như Trưởng Trần Trọng Lân, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Ngọc Yến và các nhà hoạt động thanh niên như các anh Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Hà Tường Cát, Đỗ Anh Tài, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu… Địa điểm ca hát của họ là những khuôn viên đại học, các sân trường trung học, các hội quán thanh niên sinh viên, hội Việt Mỹ, hội Giáo Chức… Nơi nào cần nghe Trầm Ca thì họ đều có mặt như Huế, Đà Nẵng, Đàlạt, Phan Thiết, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, An Giang… Họ cũng có mặt để hát tại các quân y viện, trung tâm huấn luyện của quân đội, trung tâm chiêu hồi, trại tù binh cộng sản và ngay phía sau trận địa. Sau hơn một năm ca hát ở thủ đô, Trầm Ca đã gây được tiếng vang và ảnh hưởng đến khuynh hướng thưởng ngoan ca nhạc, một loại ca nhạc không sân khấu, không đèn màu xanh đỏ như phòng trà hay khua đàn đập trống của các đại nhạc hội mà là một thứ ca nhạc trên sân cỏ cùng với người nghe cũng đồng thời cũng là những người vỗ tay và cùng ca hát.

Du Ca


Du Ca là hậu thân của Trầm Ca. Như trên đã trình bày, thành viên Ban Trầm Ca vốn là những Hướng Đạo Sinh nên công việc Giúp Ích chính là châm ngôn của họ như một trong những Lời Hứa của Hướng Đạo. Vì lẽ đó, họ đã dấn thân tham dự vào những công tác xã hội ngay tại địa phương họ lớn lên và về sau tại nhiều nơi trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam như: sửa cầu, sửa đường, xây nhà, đào giếng, dựng nhà vệ sinh, chăm sóc y tế, dạy học, vân vân, tại nhiều vùng của đồng bào tị nạn chiến tranh hay những nơi xa xôi ở miền Trung, miền Tây. 

Ban ngày làm việc, đêm đến họ lại quây quần bên ánh lửa ca hát để đem niềm vui và tạo sự lạc quan cho những người tham dự thuộc đủ mọi thành phần thanh niên thành thị cũng như các vùng quê. Họ có mặt ở công trường bùn lầy quận 8 Sài Gòn, công trường nắng cháy Quảng Trị, trại tù binh Phú Lợi Bình Dương, trung tâm chiêu hồi Thị Nghè cho đến trại công tác hè của Chương Trình Công Tác Hè 1965 tại Thạnh Lộc Thôn, Gia Định, chương trình CPS (chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường)… Sau vài buổi sinh hoạt ở trại Thạnh Lộc Thôn, Ban Trầm Ca được sự chú ý của các thành viên trong Ban tổ chức trại vì đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn nghệ ngoài trời cho giới trẻ trong lúc tham gia công tác.


Những thành viên trong Ban tổ chức trại sau đó đã gặp gỡ và tìm cách giúp đỡ cho Trầm Ca để sau này trở thành Phong Trào Du Ca. Điều đầu tiên là những huynh trưởng này giúp cho Trầm Ca có một nơi trú ngụ khá ổn định. Sau đó được giới thiệu với Bộ Thanh Niên để mở được 8 khóa huấn luyện về “Thanh Ca Tác Động” khắp 4 vùng chiến thuật tại Huế, Đà lạt, Sài Gòn và Vĩnh Long. Thành quả của các khóa “Thanh Ca Tác Động” là có được những hạt giống cho Phong Trào sau này. Những vị huynh trưởng đóng góp nhiều công sức nhiều nhất cho thành quả này là các anh Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Toàn…

Hình ảnh vài sinh hoạt của Du Ca trước 1975.

Khi mà khắp các địa phương thành lập các Toán Du Ca là lúc phải vận động để biến việc ca hát với mục đích tiên khởi của Trầm Ca thành một Phong Trào chính thức trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Bộ Văn Hóa Giáo Dục đã cấp giấy phép hoạt động cho Phong Trào Du Ca Việt Nam. Chủ tịch đầu tiên của Phong Trào là anh Đinh Gia Lập, sau đó là anh Hoàng Ngọc Tuệ. Trưởng xưởng Du Ca đầu tiên là Nguyễn Đức Quang, trưởng xưởng kế tiếp là nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu. Những nơi thành lập đoàn Du Ca đầu tiên phải kể đến là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Sài Gòn, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… với số đoàn sinh lên đến cả ngàn. Trụ sở đặt tại số 114 Sương Nguyệt Ánh, Quận I, Sài Gòn. Số nhạc sĩ Du Ca ngày càng đông với Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quyết Thắng,Trần Đình Quân, Anh Việt Thu, Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phạm Minh Hùng, Trần Trọng Nam, Trầm Tử Thiêng, Giang Châu, Nguyễn Thiện Cơ, Bùi Công Thuấn, Lưu Quang Diệp, Hồ Văn Thành, Phan Ni Tấn…


Đêm ra mắt Phong Trào Du Ca được tổ chức tại đại giảng đường Spellman của Viện Đại Học Đàlạt với sự hiện diện của Linh mục viện trưởng, các giáo sư, sinh viên cùng rất đông văn nghệ sĩ và giới báo chí từ thủ đô đến tham dự.
Sau tháng tư 1975, Phong Trào Du Ca bị chính quyền cộng sản ghép vào “những đoàn thể phản động” và tìm đủ mọi cách để triệt tiêu đồng thời với Phong Trào Hướng Đạo. Nhưng suốt gần nửa thế kỷ, những gì hợp với lòng người, hợp với đạo lý thì không bao giờ tiêu diệt được. Những năm đầu thế kỷ 21, Du Ca lại xuất hiện trong một số sinh hoạt của các bạn trẻ ngay tại thủ đô xưa của Việt Nam là Sài Gòn và một số tỉnh thành lân cận. Dĩ nhiên là “sinh hoạt chui” chứ không được “bán công khai” như Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam. Nói thêm: Trong các cuộc biểu tình chống Formosa và chống giao đất cho Tàu tại Vân Đồn Quảng Ninh, người ta nghe đám đông cùng hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang. Người thiếu nữ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyên Phạm Đoan Trang khi vào lánh nạn tại Sài Gòn đã đến sinh hoạt với anh chị em Du Ca cho đến ngày bị bắt đi tù. Sau đó nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục tìm cách trấn áp và đe dọa một số thành viên của Phong Trào Du Ca cho đến nay.


Tại hải ngoại, những bài hát Du Ca đã được các bạn trẻ hát từ các đảo tỵ nạn ở Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông… sau tháng tư 1975 và Phong Trào Du Ca đã tái phục hoạt tại hải ngoại từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Hiện tại Du Ca chính thức có mặt tại Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi… Riêng tại Hoa Kỳ có “Đoàn Du Ca Bắc California” và “Đoàn Du Ca Nam California” đang sinh hoạt thường xuyên và tham gia các sinh hoạt văn nghệ đấu tranh cùng với các cộng đồng Người Việt Quốc Gia. Tại thành phố Houston của Texas có toán Du Ca Lam Sơn thuộc Tráng Đoàn Nguyễn Trãi Hướng Đạo Việt Nam. Chủ tịch Phong Trào Du Ca hiện nay là dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ.

Phong Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét