Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Một Thời Để Nhớ


Hàng năm hè đến, Ban Giám hiệu nhà trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký – Saigon thường tổ chức cho các Trưởng lớp của Trường đi du lịch, thăm viếng, học hỏi, để khuyến khích, tưởng lệ tinh thần của học sinh . 

Dạo ấy trường Pétrus Ký chỉ toàn con trai, từ lớp 6 đến lớp 12, Mỗi cấp lớp đệ nhất cấp có 10 lớp, mỗi cấp lớp đệ nhị cấp có 11 lớp, gồm 2 lớp Ban A (Toán, Hóa, Sinh), 8 lớp Ban B (Toán, Lý Hóa) và 1 lớp Ban C (Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ). Học sinh Pétrus Ký có thế mạnh về Toán Học nên nhiều lớp Ban B. 

Hằng năm, địa điểm đi thường là Vũng Tàu, Long Hải,…. Tuy nhiên, năm 1973, Thầy Nguyễn Văn Hiệp và Thầy Tôn Thọ Giao, hai vị Giáo sư Khải Đạo của trường mà học trò Pétrus Ký rất thương yêu, gần gũi đã đề xuất tổ chức “Trại Kết Thân” với trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long. Có lẽ, vì Thầy Nguyễn Văn Hiệp nguyên là Giám học Trường Tống Phước Hiệp nên đã có đề xuất tuyệt vời này chăng? 

Thế là mùa hè năm ấy, chúng tôi cả 100 Trưởng lớp từ lớp 6 đến lớp 12 đã lên xe Tây Tiến. Thời đó phương tiện di chuyển rất khó khăn, tuyến đường thì xấu và không mấy an toàn, cầu cống thì hư hỏng nhiều, phần lớn là cầu tạm. Thỉnh thoảng có “đắp mô”, nhất là đoạn đường từ Long Định về đến Bắc Mỹ Thuận, qua Cai Lậy, Cái Bè, An Hữu... nhưng chúng tôi toàn “dân húi cua” nên không biết sợ là gì, ca hát rum trời. Dọc đường, gió mát lồng lộng, hai bên đường đồng lúa mênh mông, những đàn có trắng lượn bay trên ngọn lúa, trâu bò cũng lạ lẫm đối với chúng tôi (vì hầu hết chúng tôi là dân “cày đường nhựa” mà), khi thấy con trâu trắng trên đồng, chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên, thích thú. Những cảnh vật này chúng tôi chỉ thấy qua trong sách vở. 


"Các em xuống xe qua phà". Lệnh của thầy khi xe vừa đến Bắc Mỹ Thuận. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được về Miền Tây. Trời ơi! sông Tiền Giang rộng lớn dữ dội, không như sông SàiGòn, kênh Đôi, kênh Tẻ hay kênh Nhiêu lộc,… nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Trong suy nghĩ của tôi ngày ấy, Bắc Mỹ Thuận như một xã hội thu nhỏ có đủ các thành phần, trong khi chờ phà, đập vào mắt chúng tôi là kẻ buôn người bán, hết sức nhộn nhịp. Những tiếng rao lanh lảnh từ trà đá, mía ghim, đến bánh mì, cơm dĩa, trái cây,…đủ cả. Nói chung là đủ các thứ trên đời, nhưng nhiều nhất là nông sản, sản vật của đồng bằng Nam bộ như nem Lai Vung, bánh tráng sữa, kẹo dừa,…Đặc biệt nhất với chúng tôi là những câu vọng cổ với tiếng đàn guitar phím lõm cuả người tìm kế sinh nhai được cất lên ngọt lịm. Tất cả đều hết sức lạ lẫm đối với chúng tôi. 

Sau khi qua Bắc, chúng tôi lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. SaiGon - Vĩnh Long, chỉ cách khoảng hơn 120 Km, nhưng thời ấy tôi nhớ là đi lâu lắm. Trên suốt chặng đường, không riêng gì tôi, chúng tôi cứ thắc mắc, nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu:

Tống Phước Hiệp là ai? Một cái tên nghe lạ quá, thú thật là chẳng biết chúng tôi dốt môn Sử hay trong chương trình học thời đó cái Tên này không được dạy chăng? Nhưng dẫu sao, cũng kích thích chúng tôi dữ lắm. 
Trường Tống Phước Hiệp là gì? Chúng tôi cũng mù tịt. Ở Saigon chúng tôi chỉ biết Gia Long, Trưng Vương, Lê văn Duyệt,…. thôi. Nhưng cuối cùng thì cũng đến đích. Tống Phước Hiệp đây rồi! 


Khi chúng tôi xuống xe vào cổng trường, tôi đã vội liếc nhìn tên đường nơi ngôi trường tọa lạc. Nếu tôi nhớ không lầm thì là đường Gia Long thì phải? Thật bất ngờ và xúc động biết bao, trên sân Trường đã có một đàn Tiên Nữ đang đứng ngay hàng thẳng lối chào đón chúng tôi. Lạ kỳ thay, bao nhiêu mệt nhọc đường xa, bao nhiêu thắc mắc, lo âu trong tích tắc đã bay bổng, cả bọn cùng nhau xôn xao tự hỏi "Trường toàn là con gái sao ta?" Bọn chúng tôi lúc đó hết sức ngượng ngùng đâm ra lúng túng. 


Bất ngờ thật! Nhưng điều bất ngờ này thật thú vị và cảm động. Có lẽ các bạn đã đợi chúng tôi rất lâu (vì ngày xưa đâu có điện thoại cầm tay để liên lạc như ngày nay), và các thầy cô thì cũng chỉ ước lượng thời gian đi và đến thôi, đâu tính được hết những khó khăn trở ngại trên đường đi như cầu sập, kẹt phà,…. Trên gương mặt của những nàng Tiên Nữ cũng lộ vẻ vui mừng và nồng nhiệt, (vì chờ đợi bao giờ cũng mỏi mệt?) các nàng đã cất tiếng hát chào mừng trong nhịp vỗ tay vang dội và chúng tôi cùng cất tiếng hát hoà theo, trong không khí nhiệt tình và đầm ấm của học sinh ngày đó. 

Sau đó chúng tôi được sắp xếp chỗ ở ngay trong khuôn viên Trường Tống Phước Hiệp, dãy nhà sau phía bên phải. Những bữa ăn được làm cả con Bê hay Bò vì lực lượng quá đông, con trai lại mạnh ăn nữa chứ. 

Các Thầy Cô của Tống Phước Hiệp cũng rất nhiệt tình, chăm sóc chúng tôi hết sức chu đáo. Đúng là lòng hiếu khách của người dân Vĩnh Long nói chung và của Thầy Cô cùng các Bạn Trường Tống Phước Hiệp nói riêng, khởi đầu đã đem đến cho chúng tôi lòng quý trọng và tình cảm chân thành, thân thương biết dường nào. 

Các thầy Pétrus Ký dù mệt nhưng cũng rất vui, như trở về với nhà của mình. Chính ngọn lửa nhiệt tình và tình cảm của người thân trong ngôi nhà Tống Phước Hiệp đã truyền cho chúng tôi sự gần gũi và ấm áp chân tình, và cũng chính nơi này, từ dạo đó đã cho tôi cảm nhận Tống Phước Hiệp là ngôi nhà thứ hai của chính mình.

(Tống Phước Hiệp & Petrusky Nối một vòng tay)

Đào Phúc Hùng.
Cựu Học Sinh  Pétrus Trương Vĩnh Ký


2 nhận xét:

  1. Kim Oanh ơi, sao nữ sinh không mặc quần trắng mà mặc quần đen hả em? chị tieuthu

    Trả lờiXóa
  2. Dạ chị ơi, học sinh mặc quần trắng hay đen cũng được. Nhưng hôm ấy tất cả mặc quần đen có lẽ muốn đồng phục giống nam sinh. Riêng em suốt thời đi học mặc toàn quần trắng.

    Trả lờiXóa