Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Anh Đoàn Chính Đã Ra Đi!


Theo 1 bài viết đã lâu, Nếu người Việt Nam biết đến Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn qua những bài nhạc mượt mà, ca tụng cái đẹp thì họ biết đến Đoàn Chính qua tiếng hát đầy nam tính của một ca sĩ có đủ hai yếu tố cần thiết: phẩm chất và kỹ thuật. Ông Trời đã ban tặng cho ca sĩ Đoàn Chính một chất giọng trầm ấm, mạnh mẽ. Tiếng hát có thể lên giọng nam thật cao (Tenor) hay xuống giọng nam thật thấp (Base) không một chút trở ngại. Thêm vào đó với kỹ thuật tự tạo bộ phận khuếch âm (loa) ngay trong miệng của mình, Đoàn Chính có thể hát không cần “micro” trong một thính phòng mà tiếng hát vẫn vang vọng không gian.

Sinh sau một người chị, Đoàn Chính là trưởng nam trong gia đình có 6 người con của cố Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn. Đoàn Chính sinh ngày 27 tháng 8 năm 1945 tại Hải Phòng, được Cha Mẹ đưa lên Hà Nội khi đến tuổi đi học. Làm quen với âm nhạc lúc bắt đầu vào bậc Trung Học (lớp đệ thất hay lớp 6), Đoàn Chính theo học Ca sĩ Ngọc Bảo.. Năm lớp 8, gia nhập Hợp Xướng của đoàn thanh niên Hà Nội. Sau Hiệp Định Geneve năm 1954, cả gia đình Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ở lại để chờ đoàn tụ cùng người anh trai đi theo kháng chiến nên không di cư vào Nam. Gia đình thuộc loại “Đại tư bản” nên khi Cộng Sản chiếm miền Bắc, tỏ rõ ra bộ mặt thật thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng không tránh khỏi số phận, tài sản bị tịch thâu, con cháu bị đày ải, gia đình bị kiểm soát. Năm 1964, Đoàn Chính tốt nghiệp phổ thông nhưng không được tiếp tục học vì lý lịch con nhà tư sản, phải đi lao động kinh tế ở công trường Phú Thọ (miền Bắc). Cũng tại đây, năm 1966, Đoàn Chính theo học về điện xong, đang tiếp tục làm việc thì nhận giấy báo gọi nhập ngũ năm 1967. Chỉ sau 3 tháng học quân sự thì bị đưa vào chiến trường miền Nam (ở Bắc gọi là đi B)

Trên con đường vượt Trường Sơn vào Nam, dọc đường ngày nghỉ, đêm đi; Đoàn Chính đọc được những tờ truyền đơn do máy bay rải đầy trong rừng nên mới biết miền Nam có chính sách Chiêu Hồi, kêu gọi cán binh, bộ đội Cộng Sản trở về với chính nghĩa Quốc Gia. (Ngoài Bắc không ai biết gì vì Việt Cộng bưng bít tất cả những tin tức từ bên ngoài). Ông đã lượm 1 tờ và cất kín. Đoàn Chính đã tìm cho mình con đường sống bằng cách ra đầu thú khi đơn vị được lịnh rút lui trong trận đánh ở khu Hàng Xanh lúc Tết Mậu Thân. Trong khi tại miền Bắc, Việt Cộng không xác nhận chuyện này, tuyên truyền đó chỉ là tin đồn chứ Đoàn Chính vẫn đang chiến đấu trong hàng ngũ thì đồng bào miền Nam hân hoan đón mừng Đoàn Chính ra hồi chánh. Anh được nhận là hồi chánh viên và được đưa về Bộ Chiêu Hồi; nơi cơ hội đã đưa Đoàn Chính trở lại với âm nhạc. Ngoài việc dạy âm nhạc tại Đại Học Minh Đức và trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, Đoàn Chính còn cộng tác với các chương trình của đài phát thanh Sài Gòn, đài Mẹ Việt Nam và đài truyền hình Việt Nam.. Do đó, có thể nói người Việt Nam biết đến danh tiếng ca sĩ Đoàn Chính từ sau năm 1968. Cùng trong những ngày tháng này, Đoàn Chính được một người bạn cũ của Cha, đã di cư vào Nam, đến thăm, đưa về nhà chơi để rồi duyên gặp gỡ nảy mầm tình yêu với người con gái của ông cụ. Sau những ngày tháng quen biết, tìm hiểu, năm 1972, Đoàn Chính kết hôn cùng người bạn đời của mình là Mộng Hương.

 (Đoàn Chính, Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn)
Vận nước đổi thay, khi Việt cộng tiến chiếm miền Nam năm 1975; tiếp tục cuộc chạy trốn Cộng Sản, gia đình Đoàn Chính may mắn sang tới trại tị nạn Pensylvania cùng với nhóm đài phát thanh Mẹ Việt Nam, sau đó xin sang trại bên California để đoàn tụ cùng gia đình vợ. Khi ở đây, thì có phái đoàn Canada kêu gọi định cư. Lúc đó, Canada là một quốc gia trung lập, không căng thẳng với Việt Nam. Nghĩ rằng mình sẽ có điều kiện để liên lạc với gia đình, các anh chị em còn sinh sống ở Miền Bắc, và giúp đỡ họ; thêm vào đó, Canada cho người tỵ nạn cuộc sống tự lập ngay, không lệ thuộc vào các gia đình bảo trợ như điều kiện bên Mỹ khi muốn xuất trại nên Ca sĩ Đoàn Chính đã chọn Canada làm quê hương thứ hai. Ông bà Đoàn Chính có 3 người con, 2 gái, 1 trai đều đã thành danh ở Canada. Và năm 1990 gia đình Đoàn Chính đã có cơ hội đón cha mẹ là ông bà Đoàn Chuẩn sang chơi 3 tháng qua giấy xin phép của một người em.

Ngoài nhạc phẩm duy nhất, sáng tác ở Sài Gòn: “Những Cánh Chim” do Jo Marcel trình bày và thu trong băng nhạc số 7, Đoàn Chính thuần túy là một nghệ sĩ trình diễn trong khi cha mình là một nghệ sĩ sáng tạo. Khác biệt trên phương diện nghệ thuật nhưng cả hai cha con cùng có một điểm tương đồng: chân thành trong lãnh vực tình cảm – Yêu một người và yêu đến cùng – rất đáng trân trọng.

Để Tưởng Nhớ Ca Nhạc Sĩ Đoàn Chính( 27/8/1945 - 10/9/2019)


Trần Quốc Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét