LTG: Kính thưa quý độc giả,
“Chuyện Người Lính Hào Hoa” là một câu chuyện ngắn ghi lại một số kỷ niệm bên lề của Binh Chủng Không Quân, một binh chủng mà tôi đã từng có một thời phục vụ.
Bài viết gồm có 5 phần:
1-Lính Hào Hoa là Lính Trận.
2-Tình Thư giữa Trai Tiền Tuyến và Gái Hậu Phương.
3-Nguyễn Xuân Vinh: Người Lính Hào Hùng và Hào Hoa.
4-Những chuyện Tình cảm giữa Gái Hậu Phương và Trai Tiền Tuyến.
5-Thời gian đã xóa nhòa Thần Tượng .
Kính
NHC
1-Lính Hào Hoa là Lính Trận
Nói đến lính là nó đến quân đội của một quốc gia, và mỗi quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện về địa lý, kinh tế, khoa học kỹ thuật mà có những tổ chức khác nhau, nhưng tựu chung có 3 Quân Chủng đó là Lục quân, Không quân, Hải quân. Tùy nhu cầu mà quân đội có nhiều loại binh chủng, hay nói khác đi, là có nhiều loại lính khác nhau. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một loại Lính không có tên trong sách vở, trong quân sử, đó là loại Lính Hào Hoa. Nhưng tại sao chúng tôi đề cập đến loại lính nầy, vì trước đây ở miền Nam Việt Nam trong dân gian mà nhất là các cô thiếu nữ hay ám chỉ các sĩ quan phi hành của binh chủng Không Quân là Lính Hào Hoa.
Thoạt nhìn, người ta thường cho họ là những thư sinh hào hoa phong nhã, nhưng thật ra họ là những người lính Trận, những người lướt gió tung mây bảo vệ vùng trời vùng biển quê hương, mà hầu hết đang ở tuổi “Thanh xuân, đầy mơ mộng và bay bướm”. Họ là những chiến binh và cũng là con người, nên những tình cảm phát xuất từ họ thường biểu lộ cái tâm trạng chân thật của chính mình qua sự lo âu, thương xót, và đôi khi phẩn nộ…mà hằng ngày từng giây, từng phút họ phải đối mặt với Tử Thần trước một thực trạng chiến tranh đầy nghiệt ngả. Nhưng họ không thể biểu lộ tính cách uỷ mị trước mọi người trong đó có bạn bè và đồng đội vì họ ý thức trách nhiệm của người trai thời chinh chiến.
Đối với họ sự Sống Chết chỉ trong tích tắc. Nhiều đồng đội của họ đã lìa đời trong trạng huống đó. Họ đang cười nói oang oang, nhưng chỉ vài phút, sau khi cất cánh rời phi đạo trong một phi vụ chiến đấu, thì vô tuyến báo về cho biết anh đã vĩnh viễn đi sâu vào lòng đất mẹ! Thật não lòng, mới thấy đó rồi lại mất đó, đời người quả thật Vô Thường!
Trước cuộc sống đầy thử thách và hiểm nguy như thế, làm sao người lính trẻ không có những suy tư phát xuất từ nội tâm? Nhưng họ thường che giấu nỗi xúc cảm của mình về chiến tranh, về thân phận con người, về đất nước… mà người ngoài chỉ thấy ở Anh ta là người Hào Hoa Phong Nhã, hào hoa trong giao tiếp, trong các buổi dạ hội, trong khiêu vũ, trong áo bay ngoài phố với những tà áo xinh xinh, mỹ miều của người yêu, cùng những cánh thư trao nhau thắm đượm tình cảm giữa người hậu phương với kẻ tiền tuyến, trong những ngày đón Xuân xa nhà. Tất cả cái vẻ hào hoa bên ngoài đã là niềm khích lệ, để người lính vượt mọi gian truân và thử thách trên bước đường thực hiện hoài bão của người trai thời chiến.
Chính cái phong cách hào hoa đượm nét lãng mạn đó đã giúp người lính phần nào phôi pha giữa ranh giới Tử Sinh trước mắt. Và cùng tâm trạng đó, chúng tôi xin ghi lại lời thố lộ của người lính Trần Văn Sơn:
…Có phải không em dù mây vẫn cứ bay
Và mai mốt ta có nằm yên trong lòng đất.
Em hãy giữ trong lòng những điều thành thật
Ta đã cho em và chưa vội mang theo
Giữa đời ta không phân biệt bạn thù
Chuyện sanh tử là chuyện trong giây phút.
Và người lính Vũ Hữu Định cũng ghi và để lại đời những tình khúc rất nồng nàn:
…Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương…
…Xin cám ơn thành phố có em
Xin cám ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đường Biên giới
Còn chút gì để nhớ để quên.
Tóm lại, chuyện người lính trận và những người yêu lính trong thời chinh chiến luôn luôn là những nét đẹp trong tình yêu đôi lứa và hòa trong cái đẹp hồn nhiên đó là những nỗi đau thương đầy xót xa.
2-Tình Thư giữa Trai Tiền Tuyến và Gái Hậu Phương
Chiến tranh lúc nào cũng làm tinh thần người lính bị căng thẳng vì thường xuyên đối diện trước hiểm nguy! Chiến tranh cũng đã gây những mất mát lớn lao cho dân tộc vì đã cướp đi biết bao sinh mạng của những thanh niên ưu tú, và làm tổn thất nặng nề cho cả một thế hệ tài hoa rất cần thiết để xây dựng đất nước!
Nhưng bên lề cuộc sống hào hùng đầy thách thức đó, người Lính Hào Hoa cũng có những cuộc tình thú vị, xen lẫn những mối tình đau thương, dang dở trong chiến tranh. Thuở ấy họ là những thanh niên còn son trẻ đầy tính năng động, luôn luôn ấp ủ những hoài bão cao đẹp, những ước mơ tung hoành ngang dọc, thỏa chí tang bồng, để mong trở thành người Hùng trong lòng dân tộc.
Chính vì thế mà hầu hết thanh niên thời bấy giờ đã chọn Binh Nghiệp để thực hiện lý tưởng hào hùng của người trai thời chiến. Tuổi đời còn trẻ, đầy mộng mơ và bay bướm, một số thanh niên đã gia nhập binh chủng Không Quân, một binh chủng mà các em gái hậu phương thường gọi những người phi công là những lính “ hào hoa phong nhã, đẹp …giai, bay bướm”.
Từ sự tiếp xúc nhau qua những bức thư tình đầy xúc cảm giữa gái hậu phương và trai tiền tuyến, thế là tình yêu lứa đôi nẩy nở.
Nơi đây chúng tôi muốn trích một trong những tình thư diễn tả cái tâm trạng của những kẻ đang yêu để tượng trưng cho những mối tình Hậu phương Tiền tuyến của một thời chinh chiến đã qua. Bài tình thư mà chúng tôi đề cập đến là “ VÌ SAO SÁNG” của tác giả Kim Oanh.
Đây là một bài thơ hay mà trong đó Thơ và Nhạc hòa lẫn vào nhau tạo nên tính chất lãng mạn đầy thi vị. Nhạc trong lời thơ chuyển tải ý thơ đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn, làm rung động tâm hồn những người đồng cảm. Với một bút pháp trong sáng, nhẹ nhàng và linh động, tác giả đã đưa người đọc thế hệ trước trở về quá khứ với những kỷ niệm của thời trai trẻ trong một binh chủng hào hoa. Tác giả đã khéo diễn tả tình cảm Lứa Đôi một cách thâm trầm, e ấp, nhưng không kém nồng nàn và đam mê trong cái duyên dáng của em gái hậu phương với người trai tiền tuyến.
Thật vậy, người em gái hậu phương chơi vơi khi nhận được tình thư từ người trai tiền tuyến ở nơi tiền đồn xa thẳm và cũng từ dạo ấy hình bóng người trai trẻ đã in sâu vào tâm hồn thiếu nữ đang xuân với bao ước vọng đầu đời ngát hương yêu:
Từ KBC thư về phố thị
Anh mang bao thi vị rót vào đời
Tóc bím cài em chưa kịp rẽ ngôi
Em chơi vơi cùng tình thư ý nhị
Tà áo trắng trinh nguyên của người em gái ở tuổi biết buồn và biết mộng mơ, đã bị pha tím bởi hoa sim rừng. Hình ảnh tà áo trắng và màu tím hoa sim …là một sự diễn đạt tuyệt hảo vì tác giả đã dùng hai vật cụ thể riêng rẽ để diễn đạt một cách sinh động khái niệm Vô Hình: “Nỗi Nhớ Nhung” của người em gái ngây thơ, đầy bỡ ngỡ trong tình yêu vừa chớm nở !
Áo học trò màu trắng đẹp tinh khôi
Anh pha tím hoa sim rừng nhung nhớ
Em ngây thơ vương nắng tình bỡ ngỡ
Tóc mây dài vụng dại kẽ lệch ngôi
Tình yêu nào mà không có đam mê, nhung nhớ và ước mơ ngày gặp lại nhau! Nhưng trong tình yêu cũng có những điều khó hiểu và khi yêu họ chấp nhận mọi điều mà không lý giải vì sao. Khi xa vắng thì nhớ nhung và muốn trao nhau nhiều điều để cùng chia xẻ, nhưng lúc gặp nhau thì kẻ bồi hồi, người bối rối không nói nên lời!
Khi bước bên anh, em thẹn thùng e ấp, nụ hôn đầu vụng dại trao cho anh và mãi mãi nhớ về anh, về hình bóng của người khoác áo xanh rừng với mộng ước đầu đời.
Lần về phép anh bồi hồi đứng đón
Tan trường…em bối rối bước song đôi
Anh khoác áo xanh rừng ôm hy vọng
Mộng đầu đời ngát ý…ướp hương môi
Nhưng chiến tranh đã cướp đi người yêu nơi tiền tuyến, để người gái hậu phương ngỡ ngàng, bàng hoàng giữa cuộc đời giông bão. Tất cả đã phủ chụp lên đời người con gái bé bỏng ngây thơ ngày nào một nỗi buồn mênh mông như biển cả, làm sao em có thể lấp hết mạch sóng ngầm đáy biển.!?
Đất nước chia đôi tình trôi muôn hướng
Anh xa rời Vì Sao Sáng vụt rơi!
Em ngỡ ngàng! Bàng hoàng cơn sóng dữ
Phủ lên đời! Em vào biển trùng khơi.
Trong tình yêu, một khi lính đã yêu thì họ yêu rất nồng nàn và lãng mạn hơn hẳn trong cuộc sống đời thường. Họ là những lính trận luôn luôn đối diện với Tử Sinh nên cảnh phân ly trong tình yêu đôi lứa thường xảy ra trong chiến tranh và thật xót xa thay cho những ai yêu lính
Xin cảm ơn tác giả Kim Oanh đã nói thay cho những người hậu phương kẻ tiền tuyến về những mối tình nẩy nở trong chiến tranh, những mối tình lãng mạn đáng yêu cũng như bi thương đầy xúc cảm!
3-Nguyễn Xuân Vinh: Người Lính Hào Hùng và Hào Hoa
Khi đề cập đến Binh chủng Hào Hoa, chúng tôi muốn nói đến một nhân vật mà phong cách của Ông tiêu biểu cho binh chủng nầy, một vị sĩ quan Không Quân mà cuộc đời của Ông là một tấm gương cho chúng tôi noi theo. Đó là cựu TLKQ-QLVNCH: Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Ông là một con người Văn Võ Song Toàn, một sĩ quan không quân trẻ Hào Hùng và Hào Hoa, đồng thời cũng là một nhà mô phạm nghiêm túc, một nhà văn tài hoa và đặc biệt ông còn là nhà Khoa Học Cự Phách của cơ quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NASA)
Sau khi rời trường Phi Hành Ecole de Pilotage ở Marrakech, Ông được nhận tới Salon de Provence để học khoá Sĩ Quan Không Quân năm 1953. Sau 3 năm du học ở Pháp và trở về nước năm 1955, ngoài bằng phi công quân sự, Thiếu úy phi công Nguyễn Xuân Vinh mang theo về nước một bằng kỹ sư Hàng Không và một bằng Cử Nhân, cộng thêm Cao Học Toán. Về sau Ông trở thành TLKQ-QLVNCH.
Khi về nước Ông đồn trú ở căn cứ Không Quân Nha Trang, nơi có phong cảnh hữu tình, có gió mát, biển đẹp, trời xanh và những người con gái nước da “bánh mật”, săn chắc, duyên dáng, xinh đẹp đầy sức quyến rũ! Nhưng thay vì đuổi theo bóng hồng miền Thùy Dương Cát Trắng để có những giờ mơ mộng cùng nguời đẹp ngắm cảnh chiều tà trên biển cả sau những chuyến bay như những chàng phi công khác! Chàng sĩ quan không quân trẻ lại chấp nhận dạy vài giờ mỗi tuần ở một trường trung học để truyền đạt kiến thức cho thế hệ đi sau, và cuộc đời Ông là cả một chuỗi ngày dài tôi luyện Kiến thức không ngừng!
Ông cũng là nhà toán học và đã yêu toán học cũng như yêu viết văn và làm thơ. Theo Ông, muốn đi vào nghiên cứu và phát minh, toán gia cần có một bộ óc giàu tưởng tượng, chút ít thơ mộng để vượt qua cái tầm thường gò bó của thế tục. Nhà toán học Đức lừng danh Karl Weierstrass thế kỷ 19 đã viết: “It is true that a mathematician who is not also something of a poet will never be a perfect mathematician.”(Thật đúng vậy, là một toán gia nếu không cùng một lúc là thi sĩ thì không thể nào là một toán gia vẹn toàn được.)
Vì tin lời của Weierstrass, nên đôi khi trăn trở về một bài toán mà Ông chưa tìm ra lời giải vẹn toàn, Ông đã đổi bút làm thơ mà đặc biệt làm thơ Tình qua toán học. Dưới đây là một bài tiêu biểu:
Tình Hư Ảo
Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao mơ ước, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian quy chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.
Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.
Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm.
(Toàn Phong)
Nhận Giải Mechanics and Control of Flight
của American Institute of Aeronautics and Astronautics (1994)
Năm 1961, cuốn Đời Phi Công được giải văn chương toàn quốc, và khi quyển sách nầy ra đời(1959) đã làm sai mê, nô nức biết bao nhiêu thanh thiếu niên, thiếu nữ đang mơ mộng hải hồ hay mơ có người yêu là một chàng không quân Hào Hoa Phong Nhã lướt gió tung mây.
Ngoài quyển Đời Phi Công, Ông đã xuất bản 3 quyển sách:
- Gương Danh Tướng (1956)
- Theo Ánh Tinh Cầu (1991)
- Tìm Nhau Một Thuở (2008) –
- Vui Đời Toán Học (Ra mắt ngày 13-01-2013)-(CN981).
- Gần 100 bài khảo luận về Chuyển Động Các Thiên Thể, về Phi Thuyền Không Gian và về Quỹ Đạo Tối Ưu. Nhiều công thức của Ông tìm ra được dùng trong những sách giáo khoa ở các nước Pháp, Nga, Nhật Bản.
- Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh đã viết lại Lý Thuyết Bay Siêu Thanh thành một quyển sách với tựa là: “Flights Mechanics of High Performance Aircraft”, và đã được Cambridge University Press nhận xuất bản.
Tóm lại, hoạt động của Ông vượt khỏi tầm vóc Quốc Gia và đã được thế giới biết đến. Thành tựu của Ông đã góp phần vào sự tiến hóa của nhân loại và là niềm hãnh diện cho cả dân tộc.
4-Những chuyện Tình cảm giữa Gái Hậu Phương và Trai Tiền Tuyến
Để hiểu thêm bản chất hào hoa của người lính chiến, chúng tôi xin nêu vài câu chuyện vui giữa gái hậu phương và trai tiền tuyến.
Sơn và Trường là đôi bạn thân được huấn luyện tại căn cứ Không quân Nha Trang. Đầu năm 1965 cả hai được đi thụ huấn ở Tiểu bang Texas Hoa Kỳ và sau đó chuyển tới căn cứ Không quân Colorado Springs năm 1966. Khi mãn khóa trở về nước, cả hai nhận nhiệm sở mới tại căn cứ Không quân Trà Nóc Bình Thủy Cần Thơ trong cùng một đơn vị phi hành.
Phi Trường Trà Nóc-Bình Thủy, Cần Thơ
Sơn có người bạn gái tên Lâm, một nữ sinh đệ nhị cấp của một trường Nữ trung học Tây Đô, nên thường xuống phố chơi và mỗi lần đi, Sơn thường rủ Trường cùng đi cho có bạn, nhờ vậy Trường quen được Trúc, bạn chí thân của Lâm.
Cả hai cô cùng học đệ nhị cấp, là những thiếu nữ ở lứa tuổi mà tâm hồn biết buồn và biết mộng mơ! Lâm ăn nói hồn nhiên, bộc trực, trái lại Trúc tỏ vẻ thông thạo Văn chương Thi phú khi đối đáp. Cả hai rất vui tính, duyên dáng và dễ hấp dẫn người đối thoại trong lúc trò chuyện.
Một hôm, vừa đáp xuống phi trường sau khi hoàn tất một phi vụ, Sơn được tin nhắn của Lâm nên cả hai vội vã xuống phố, nhưng thay vì mặc đồ dân sự như thường lệ đến đón ở cổng trường thì lần nầy cả hai mặc luôn đồ phi hành vào thẳng ngay phòng Tổng Giám Thị để xin phép.
Cả hai rất đổi ngạc nhiên khi đứng trước phòng Tổng Giám Thị để đợi xin phép gặp Lâm trong giờ giải lao của Giáo sư, thì cả hai thấy một số nữ sinh từ hành lang các lớp (trong giờ chơi) nhìn họ cười cười, nói nói, chỉ trỏ lung tung trông có vẻ rất hiếu kỳ! Nên sau giờ tan học, cả 4 người vào một quán vắng bên đường để trò chuyện.
Trường hỏi Trúc về sự việc lạ lùng đó. Nhưng Lâm nhìn Trúc cười rồi trả lời thay:
- Hai anh biết hông, hồi nãy hai Anh vào trường mặc quân phục bay màu xanh rừng làm xôn xao đa số chúng em.
- Ồ sao lạ thế, Trường hỏi:
- Vì hai anh là hình ảnh lính hào hoa mà một số các chị thường nghe nói, nhưng hôm nay mới tận mắt thấy, mà lại thấy gần nữa!
- Họ nói gì về tụi anh?
Chị Nhạn hỏi em:
- Nãy giờ cưng đi đâu mà ta tìm không thấy?
Nhưng em chưa kịp trả lời thì chị ấy hối hả kéo em đến một góc lớp (đang trong giờ ra chơi) trịnh trọng kề tai em nói nhỏ vì sợ các bạn khác nghe!
- Cưng có thấy Không quân vào trường mình không? Hồi nãy chị hồi hợp quá cưng ơi!
- Tại sao hồi hợp, Lâm hỏi:
- Vì chị của cưng vừa quen một anh lính Không quân cưng ơi! Anh ta trông “bô trai” hết xẩy!
Em cười ngất:
- Ối giời ơi! Lính không quân thì mặc kệ lính Không quân, còn quen thì cứ quen chớ có mắc mớ gì đâu mà chị làm ra vẻ ghê gớm quá vậy. Mới vừa quen người ta mà đã si tình hềt thuốc chữa rồi! Ôi thật là lãng mạn quá chừng chừng..! Em bực mình nên nói thẳng: thấy người ta ở xa xa là quýnh lên như gà mắc đẻ mà không biết thẹn!
Tưởng nói như vậy là chị ấy sẽ giận em lắm, nhưng trái lại chị ấy không những không giận mà còn cười ngất. Tuy nhiên vì tính hiếu kỳ em muốn nghe tiếp về mối tình nóng bỏng đầy tính lãng mạn của chị ấy.
Nhạn nói tiếp:
- Dù học kỳ hai chị bị giáo sư phê điểm kém, không chú tâm trong việc học… nhưng cưng nhớ một điều, chị của cưng không có buồn mà còn vui nữa là khác .
- Ồ! đây quả thật là chuyện lạ, Lâm nói.
- Vậy chị cho cưng biết nhe: “Cuối năm trời thổi gió Đông. Mười lăm hôm nghỉ phép là ta in thiệp hồng.. hi..hi”
Đến đây thì mọi người cùng cười ngất và Lâm tiếp:
- Ở lớp em có một vài hiện tượng lạ mà em không hiểu nổi! Mỗi khi bạn nào có kép Không quân thì các chị bu lại khen ngợi không ngớt và cho là bạn đó có kép ngon thật, mặc dù chưa hề biết mặt mũi anh chàng đó ra sao cả! Em không hiểu nổi ngon là ngon cái gì, có phải bánh kẹo đâu mà ngon! Vậy bên lớp chị Trúc có hiện tượng quái lạ nầy không ?
Trúc trả lời:
-Theo em nghĩ là họ muốn chọc quê chị ấy thôi, chứ làm gì có hiện tượng đó! Thỉnh thoảng ở lớp em cũng có xì xào về chuyện nầy, nhưng thay vì khen ngợi thì họ lại hỏi đương sự làm cách nào quen được kép không quân, quen trong dịp nào, có ai giới thiệu không…và có dịp vào các câu lạc bộ Không quân chưa, nhất là Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc ở Tân Sơn Nhất, nghe nói ở đây là thế giới riêng của các chàng Pilot, nơi qui tụ các “Anh chàng hào hoa phong nhã…”.
Sĩ Phú mang cấp Tá Không Quân
Đến đây Trúc ngừng lại một chút rồi nhìn Sơn và Trường nói thêm, hai anh nên thận trong khi tiếp xúc nhe! Một khi xáp vô rồi thì khó gở ra lắm đó và sẽ không còn cách nào để bay bướm nữa đâu nhé!
Sơn và Trường chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Sơn quay qua hỏi Trúc:
- Tại sao bạn em có cảm tình với lính Không quân?
Trúc nhìn Lâm cười rồi đáp:
- Đây là đề tài tủ mà các bạn của chúng em sẽ thao thao bất tận mỗi khi đề cập đến hai chữ Không Quân.
Trúc tiếp:
- Nầy nhé, muốn vào được binh chủng Không quân, nhất là ngành bay, các anh phải đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn, sức khỏe tốt, sức nặng cùng chiều cao do Chánh phủ qui định để tuyển chọn. Chánh phủ đã chọn sẵn rồi thì tội gì mà phải mất thì giờ tìm đâu xa cho thêm vất vả mà không chắc ăn..hi..hi
Dường như nói chưa hết ý, Trúc miên man kể tiếp:
- Ngoài những tiêu chuẩn trên, các anh còn ca hay…như anh Sĩ Phú chẳng hạn. Anh ấy có chất giọng ấm áp và rất truyền cảm với những nhạc phẩm tiền chiến như: "Cô Láng Giềng, Chuyện Tình Buồn, Niệm Khúc Cuối, Chiếc Lá Cuối Cùng"…và đặc biệt là những tác phẩm trữ tình ca ngợi Không Quân như Tuyết Trắng và nhất là nhạc phẩm Một Chuyến Bay Đêm đã làm rung động biết bao nhiêu con tim, đồng thời làm nổi bật nét hào hùng của người lính hào hoa.
Trường đáp lời:
-Chỉ có một số thôi, chứ không phải lính Không quân nào cũng ca hay đàn giỏi hết đâu! chẳng hạn như anh, cũng ca, nhưng giọng ca như “vịt đực” mà em đã biết!
Cả hai cô cùng cười!
- Nhưng ca hay không bằng hay ca hé anh, Trúc nói.
Lâm tiếp lời Trúc:
- Ngoài ra các anh còn có nếp sống rất phóng khoáng, hào hoa phong nhã, hát hay, đàn giỏi, nhảy đầm khỏi chê và đặc biệt là…là : “Cua gái một cây xanh dờn”, mà cua đâu thì dính đó!
Nói xong Lâm và Trúc cười ngặt ngoẽo. Nhưng chưa hết, hai cô còn hóm hỉnh chọc quê Sơn và Trường với giọng diễu cợt bằng sự phụ họa nhau ê..a lập đi lập lại câu: “Cua đâu thì dính Chèm Nhẹp đó ..hi..hi”…
Đến đây, Trường thấy cần có bầu không khí riêng tư cho Sơn và Lâm cũng như cho chính mình, nên đưa Trúc đến quán cà phê cạnh công viên rộng rãi và thoáng mát hơn để tâm tình. Sau khi chọn bàn xong, Trúc hỏi:
- Tại căn cứ không quân Trà Nóc, anh ăn cơm ở câu lạc bộ hả anh?
- Vậy chút nữa em lên phi trường chơi sẽ biết, Trường trả lời.
- Em biết ngay mà! Thế nào anh cũng rủ em lên Câu Lạc Bộ của anh. Nhưng hôm nay thì không được. Ăn mặc đồng phục học sinh như vầy đâu có hợp!
- Vậy chiều mai thứ bảy em lên chơi được không? Sẵn có Party anh mời em nhe.
- Nhưng ai có rảnh như anh, muốn đi thì đi sao! Người ta còn phải lo việc nhà nữa chứ! Anh sướng thật ngày nào cũng rảnh rổi hết.
- Em nói đúng “Nuôi quân 3 năm chỉ dùng một giờ”. Đời phi công cũng có nhiều lúc nhàn nhã thật, đó là trong thời bình, nhưng trong chiến tranh thì họ thường phải đối diện với Tử Sinh chỉ trong đường tơ kẻ tóc!
Trúc biết mình lỡ lời nên ái ngại nói khẽ:
- Em xin lỗi, đáng lẽ em không nên nói thế.
Trúc vừa nói vừa kéo chiếc ghế lại gần hơn, nhưng Trúc vấp ngã về phía Trường. Trong giây phút đột ngột đó, Trường chới với vì nghe hơi thở rất nóng của Trúc len lỏi vào cơ thể chàng, một cảm xúc yêu đương dâng tràn trong tâm hồn, chút xíu nữa thì Trường đã hôn Trúc rồi, nhưng chàng đã ngừng lại đúng lúc! Và cả hai miễn cưỡng rời nhau trong thẫn thờ! Trúc có vẻ e thẹn và làm bộ nhìn đồng hồ rồi nói với Trường:
- Hôm nay em phải về sớm vì có sinh nhật của đứa em trai. Vậy sẵn đây em mời anh nhe. Ba Mẹ đã biết anh và còn khen anh nữa thì đâu có gì mà anh phải ngại! Vừa nói xong quay lại nhìn Trường, vậy anh đi về với em được không?
- Rất tiếc hôm nay không được vì tối nay anh có ca trực, nhưng em yên tâm, mai mốt nghỉ hè, anh sẽ đến thăm em dài dài, chỉ ngại em không tiếp anh thôi!
- Anh hứa thật nhe, mà hứa tức là nợ rồi nhe anh. Phải giữ lời đó.
- Chiều mai thứ bảy, em có thể đến Câu lạc Bộ không? Trường hỏi.
Trúc lưỡng lự trả lời:
- Có, nhưng em phải về sớm à nghen.
Rồi Trường đứng dậy nắm tay Trúc với xúc cảm dâng tràn trong niềm quyến luyến nói:
- Chiều mai em chạy xe thẳng đến cổng phi trường, anh sẽ đón em ở đó.
Trúc gật đầu và do dự hỏi:
- Anh có cần gì hông? Mai em sẽ đem lên cho anh.
Trường cười sung sướng:
- Anh chỉ cần em thôi!
- Vô duyên! Ai cho anh đâu mà anh cần, rồi Trúc nguýt yêu…
Trên đường về căn cứ, Trường cảm thấy lòng mình lâng lâng, rạo rực một niềm vui khó tả… một niềm vui của kẻ đang yêu.
Tóm lại, chúng tôi nêu lên vài sự trao đổi tình cảm vui vui trong tình yêu đôi lứa để chúng ta thấy được phần nào nếp sinh hoạt hồn nhiên giữa gái hậu phương và trai tiền tuyến trong thời chinh chiến đã qua.
5-Thời gian đã xóa nhòa Thần Tượng !
Thời gian trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ mà người xưa đã nói quả thật không sai. Mới đây mà đã 45 năm rồi! Khoảng thời gian nầy khá ngắn so với những biến cố lịch sử, nhưng với đời người nó đã đủ để xóa nhòa thần tượng thuở nào của các em gái hậu phương, và những em gái mỹ miều ngày trước cũng không thoát khỏi định luật của Tạo Hóa nên giờ đây họ cũng đã trở thành bà Ngoại, bà Nội hết rồi! Đó là qui luật của cuộc sống mà đời người phải trải qua vì thế mà Robert Browning đã thổ lộ:
“ Ngày một già đi!
Điều tốt nhất vẫn chưa đến
Điều cuối cùng của cuộc sống, nhờ đó mà điều đầu tiên được sinh ra.”
Đến đây tôi nhớ lại hai câu thơ của nhà thơ kiêm nhà văn Nguyễn Bá Trác:
Trai trẻ bao lâu mà đầu đã bạc
Trăm năm thân thế bóng Tà dương.
Người cao niên thường đối diện với cuộc đời bằng những cái nhìn tiêu cực, nhưng cũng có lắm kẻ nhìn nó qua lăng kính tích cực. Thực ra tuổi già chỉ trở nên buồn nản, tiêu cực nếu chúng ta không tạo cho mình một niềm tin, một cuộc sống ý nghĩa và nhất là đừng để mình già đi theo năm tháng trong cô đơn với chán nản và ưu phiền! Chúng ta không chống lại được tuổi già mà hãy tạo những điều tốt đẹp từ nó.
Giờ đây sống xa quê hương với bao thăng trầm của cuộc đời, bạn bè ở rải rác khắp nơi, khó gặp lại nhau, chúng ta dễ cảm nhận sự cô đơn và buồn nản nơi đất khách khi tuổi đời càng cao! Vì vậy những cuộc Hội ngộ hằng năm là dịp để gặp lại nhau từ các miền xa lạ của đất nước tạm dung, gặp lại bạn cũ như gặp lại tuổi trẻ của chính mình, tay bắt mặt mừng, cười nói huyên thuyên, hàn huyên tâm sự, chia xẻ những nỗi vui mừng cũng như ôn lại những kỷ niệm của thời hào hoa bay bướm và nó còn là dịp để mọi người hòa mình vào niềm vui chung trong Tình Bằng Hữu, Nghĩa Bạn Bè qua các lần tao ngộ.
Nơi đây chúng tôi xin ghi lại những điều đáng nhớ trong các buổi Hội ngộ đầy tính vui nhộn đó. Theo thông lệ, sau thủ tục hành lễ cùng lời chào mừng và giới thiệu của Ban Tổ Chức là tiệc vui bắt đầu.
Ngoài vấn đề văn nghệ với các ca sĩ “ Cây Nhà Lá Vườn”, khiêu vũ, còn đặc biệt có sự trao đổi thích thú giữa bên Nam và bên Nữ, làm bầu không khí ngày hội trở nên vui nhộn.
Mở đầu buổi trao đổi đó là lời phát biểu của tham dự viên từ NC đến cùng với gia đình và thân hữu. Chị xin đại diện cho nhóm và có đôi lời.
Chị Nói:
-Trước hết tôi xin đại diện gia đình và người thân, chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức đã cho chúng tôi có cơ hội gặp lại bạn bè sau nhiều năm xa cách! Dù trải qua bao năm tháng bôn ba nơi xứ người để mưu sinh, nhưng chúng tôi rất vui mừng nhận thấy nét rạng rỡ vui tươi trên nét mặt mọi người, đặc biệt là các Anh vẫn còn ẩn hiện dáng dấp hiên ngang, đầy phong độ của ngày nào và nét hào hoa còn tiềm ẩn trong phong cách.
Chị vừa dứt lời thì một tràng pháo tay của các ông làm vang dội cả Hội Trường. Ngay lúc đó, từ phía đầu bàn gần sâu khấu, phu nhân của một lính hào hoa khác đứng lên xin phát biểu, nhưng ông Anh kéo chị ngồi xuống, nên chị thỏ thẻ:
-Hôm nay là ngày vui mà mình, để cho em nói nhé !
-Hội trường đồng thanh xin anh để chị phát biểu
Chị nói:
-Thưa quý anh chị hiện diện trong buổi hội ngộ hôm nay, Chị bạn chúng tôi vừa bày tỏ ý kiến là các anh vẫn còn hiên ngang, phong độ , hào hoa! Nhưng theo tôi hiểu, chị ấy nói vậy mà không phải vậy! Chị em chúng tôi biết quá rõ mấy Ông Anh Hào Hoa mà! Có bao giờ mấy Ông Anh chấp nhận mình già đâu, mặc dù tuổi đời đã cao, thuộc vào bậc Lão ông hết rồi !
Nhiều tiếng cười khúc khích phát ra, nên trước khi nói tiềp, chị có đôi lời giải thích:
- Không phải chúng tôi quơ đủa cả nắm, nhưng chỉ muốn nêu lên vài trường hợp riêng rẻ mà chúng tôi đã chứng kiến để gọi là góp vui trong ngày tao ngộ.
- Hôm nay ngày vui, chúng tôi muốn nghe, xin chị nói tiếp.
Chị hóm hỉnh kể:
- Mỗi lần “Ai Đó” thoáng thấy một bóng hồng xuất hiện thì mắt sáng lừng lên, bắt đầu sửa bộ điệu, đi thẳng người, tay kênh kiệu, làm như ta đây còn đủ phong độ như ngày nào! Nhưng than ôi! “Tướng Xì- Ke mà giả dạng Xì-Po”, nên khi khuất dạng người đẹp thì bắt đầu chống gậy rồi!!
Chị vừa dứt lời thì cả Hội Trường như nổ tung, mọi người cười nghiêng ngửa.
Theo đà tấn công, một chị khác trong bàn xin phát biểu để tiếp tay công kích mấy Ông Anh Hào Hoa bằng một giọng ngâm truyền cảm:
“Ngày xưa sàn nhảy múa chân,
Ngày nay đi đứng phải cần ba-toong.
Ngày xưa tướng tá uy nghi,
Ngày nay xốc xếch chân đi không đều!”
Ối giời ơi! lại một lần nữa mọi người ôm bụng cười ngặt ngoẽo ! vừa cười vừa nhìn về phía bàn của Chị thấy hai cây gậy bóng láng nằm cạnh hai Ông Anh, làm các bà lại một phen cười ra nước mắt, nước mũi!
Để đáp lễ các chị, anh trưởng ban tổ chức đề nghị anh Trường thay mặt anh em phát biểu. Tất cả phe đàn ông đều tán đồng đề nghị đó.
Anh Trường hăng hái đứng dậy với quyết tâm chứng tỏ cho mấy Bà thấy Cái Tính Hào Hoa đầy Phong Độ của đấng “Mày Râu”, nên anh cầm mi-crô và trịnh trọng nói:
- Hôm nay thay vì đối đáp với các chị như thường lệ, tôi xin thay mặt các Anh ngâm một đoạn thơ của nhà thơ Vân Hà để quý chị thấy cái Tính Hào Hoa vẫn còn mạnh mẽ luân lưu trong huyết quản của mỗi người chúng tôi, chứ không như các Chị nghĩ ! Nói đến đây, anh hứng chí như nhập vai của người trẻ đầy phong độ và dõng dạc ngâm:
“Tuổi bảy mươi ai dám bảo Ta già
Nếu Trời cho Ta sống tuổi chín mươi
Ta sẽ yêu Em như Thuở còn Mười Tám”
Cho dù ngoài kia tuyết trời rơi ảm đạm
Nhưng trong lòng Ta vẫn ấm áp nồng nàn
Dù cuộc đời, đầy dấu vết dọc ngang
Con tim vẫn không bao giờ có tuổi
Không ngần ngại yêu, dù đường xa không lối
Lần dò đi, run rẩy giữa muôn người…
Ngâm đến đây thì cánh đàn ông đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô vang dội cả một chiều hội ngộ, làm các chị cũng có dịp cười thỏa thích.
Khi tiếng vỗ tay vừa chấm dứt thì từ một góc hội trường vang lên một giọng nói trong trẻo:
- Hôm nay bộ có hơi men vào nên ngâm có vẻ truyền cảm dữ a! - Quỉ nè! Già “cúp bình thiếc” rồi mà không bỏ tật !
Mọi người quay nhìn về phía phát ra tiếng nói và nhận được ngay người đó là chị Trường! Thế là một trận cười nữa như muốn nổ tung cả Hội trường làm mọi người cảm thấy vui quá chừng chừng…!
Tóm lại, qua cuộc họp mặt hằng năm của gia đình binh chủng không quân là dịp để bạn bè gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, biết ai còn ai mất, tương trợ lẫn nhau và cùng để nhớ về kỷ niệm, những kỷ niệm đã chìm sâu trong tìềm thức, giờ đây có dịp trổi dậy đưa chúng ta trở về quá khứ để sống lại trong phút giây nào đó của tuổi Hoa Niên, của thời cấp sách cùng với những tình cảm sôi động, căng thẳng trong chiến tranh, cũng như trong tình yêu nồng nàn mơ mộng hay dang dở đau thương đầy xúc cảm giữa trai tiền tuyến, gái hậu phương của một thời chinh chiến đã qua.
Giờ đây có sống trong cảnh ly hương mới nếm được hương vị “Tha Hương Ngộ Cố Tri” là tuyệt hảo mà người xưa đã dạy. Hôm nay chúng tôi xin mượn “Chuyện Người Lính Hào Hoa” để trải lòng mình lên trang mạng cùng bạn bè bằng một tấm lòng chân thành tưởng nhớ đến những chiến hữu đã lìa đời trong chiến tranh, cũng như gởi đến bạn bè xa gần cùng người phối ngẫu lời chúc An Lành trong ngày Đầu Xuân và nguyện cầu chúng mình còn có Duyên Lành để gặp lại nhau.
VA ngày 24/01/2013
Một ngày đông giá lạnh giữa một vùng tuyết trắng mênh mông
VA ngày 24/01/2013
Một ngày đông giá lạnh giữa một vùng tuyết trắng mênh mông
Nguyễn Hữu Chánh
(Cựu Hiệu Trường Trường Nam Trung Học Thủ Khoa Huân - Vĩnh Long)
Anh Chánh ơi, Rất mừng được đọc bài của anh để được biết anh vẫn "như thường". Khải SĐ
Trả lờiXóa