Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Luật Thơ Lục Bát - Nhớ Câu Chuyện Cũ


Nhân đọc hai bài thơ Lục Bát có gieo vần Trắc: "Vết Hằn Tháng Tư" và "Tưởng Hình Nhớ Bóng" của Kim Oanh, tôi chợt nhớ lại, cách nay khoảng 4-5 năm, Cô Em của tôi rất thích làm thơ Luc Bát hoặc Lục Bát Biến Thể. Có lần, Em làm một bài thơ Lục Bát, trong bài có một đôi câu không gieo vần Bằng như thông lệ, mà lại gieo vần Trắc. 
Sau đó, em được một vài nhà thơ trong nước cũng như hải ngoại góp ý:
"Thơ Lục Bát chỉ gieo vần Bằng, không nên gieo vần Trắc. Như thế là không đúng".
Em mới hỏi tôi:
- Các Anh Chị góp ý với em như thế đúng hay sai?
- Trước hết phải cám ơn những người góp ý, vì có thương mới khuyên bảo Em như thế. Còn lời khuyên ấy đúng hay sai, anh mạnh dạn trả lời theo hiểu biết của anh: Có đúng mà cũng có sai.

Ngày nay, các Diễn đàn, Trang Web trên Mạng khi đề cập đến luật thơ Lục Bát, thường đưa ra luật Bằng Trắc để hướng dẫn mọi người theo đó làm:

- câu 6 chữ: b B t T b B
- câu 8 chữ: b B t T b B t B...
t : Trắc
b: Bằng
T- B: Vần bắt buộc
...

Điều này cũng đúng thôi. Chúng ta xem lại những Truyện Thơ nổi tiếng thì quả thật không sai. Các chữ thứ 6 câu 6 gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8. Chữ thứ 8 của câu 8 gieo vần với chữ thứ 6 của câu 6. Tất cả đều gieo vần Bằng:

Thành Tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông....
(Bích Câu Kỳ Ngộ)

Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình...
(Lục Vân Tiên)

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...
(Truyện Kiều)

Tuy nhiên, Lục Bát có nguồn gốc từ ca dao, nếu muốn tìm hiểu về Luật của loại thơ này, chúng ta phải tìm hiểu những bài Lục Bát trong Ca Dao, chớ không thể trọn tin những chỉ dẫn của một số bài viết trên Internet. 

Trước đây, các Tiền nhân muốn sáng tác những truyện thơ bằng thể thơ Lục Bát hay Song Thất Lục Bát đều phải tìm hiểu Ca dao. Kể cả Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều.

Các Học giả ngày nay, khi hệ thống lại quy luật thơ Lục Bát, cũng nghiên cứu thật kỹ lưỡng về thể thơ này trong ca dao. Họ đã tìm thấy rất nhiều câu thơ Lục Bát hay Biến Thể được gieo vần Trắc:

Thí Dụ:

Đêm năm canh ngày sáu khắc
Thương nhớ chàng không một giấc nào nguôi
(Ca Dao) 
Qua cầu một trăm cái nhịp
Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng 
(Ca Dao)
Tình thương gươm trường không sợ 
Sét đánh bên mình duyên nợ không buông 
(Ca Dao) 
.......

Thầy Dương Quảng Hàm cũng đã đề cập đến thơ Lục Bát trong quyển "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Ông:

1) Thể lục bát chính thức
Câu 6 câu 8 kế tiếp nhau, hoặc thể lục bát biến thức (thỉnh thoảng có xem những câu dài hơn 6 hoặc 8 chữ).
Thí dụ: 

Thể lục bát chính thức: 

Tò vò mà nuôi con dện (nhện) (vần Trắc)
Ngày sau nó lớn nó quến (vần Trắc) nhau đi 
Tò vò ngồi khóc tỉ ti: 
Dện ơi! Dện hỡi ! Mầy đi đàng nào?

Thể lục bát biến thức:

Công anh đắp nấm, trồng chanh 
Chẳng được ăn quả, vịn cành cho cam 
Xin đừng ra dạ bắc nam 
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề 
Huống tam thu như bất kiến hề, 
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu ...

2) Thể song thất lục bát chính thức hoặc biến thức.

Thí dụ: Thể song thất chính thức: 

Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc 
Con chàng còn trứng nước thơ ngây. 
Có hay chàng ở đâu đây 
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng. 

Thể song thất biến thức: 

Tròng trành như nón không quai, 
Như thuyền không lái như ai không chồng 
Gái có chồng như gông đeo cổ, 
Gái không chồng như phản gỗ long đanh. 
Phản long đanh anh còn chữa được, 
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi. 
Không chồng khốn lắm, chị em ơi! 

Qua những dẫn chứng bên trên, chúng ta đi đến kết luận : Thơ Lục Bát gieo vần Trắc không hề sai. Cũng nhờ những bài Lục Bát gieo vần Trắc này, tiền nhân chúng ta mới sáng tác thêm một thể nữa là thể thơ Song Thất Lục Bát.

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét