Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Nỗi Nhớ Mùa Đông



Đôi chân dài vươn qua bãi tuyết
Vườn hoa vàng huyệt lạnh vùi sâu
Thiên thanh cao u ám trên đầu
Đôi cánh gảy chim di rời muộn

Muôn vạn vật mùa Thu buồn chết
Khóc Đông về chiếm hết cuộc vui
Bầu trời đêm tang tóc ngậm ngùi
Sương trắng bạc đầu đuôi xuôi ngược

Vượt thời gian nhớ mỗi mùa Đông
Từng đêm ấp ủ mãi trong lòng
Tim rỉ máu lời trong băng giá
Rạng rỡ cười chợt gió Đông sang

Cảm ơn bông tuyết sáng bình minh
Dậy tiếc thương kỷ niệm chúng mình
Môi hồng ngây ngất tình năm cũ
Nũng nịu hờn chút nụ hoa tươi

Tình yêu chín mộng người em nhỏ
Cỏ cây buồn luân vũ mừng Đông
Xóa tan dồn nén dưới trời hồng
Bao la tuyết mùa Đông dễ chịu

Nỗi nhớ Đông ngàn điệu hoan ca

Vĩnh Long 4-12-2009
Lê Kim Hiệp


Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Thăm Mộ Chiều Mưa

 

(Tưởng nhớ ngày 22~6}

Chiều mưa lên mộ thăm nàng
Thời gian lâu đã lòng càng nhớ thương
Phôi pha năm tháng như dường
Nghe còn đậm nét thoảng hương ngày nào

Hồn nhiên mơ mộng trăng sao
Em nô đùa hát cất cao giọng vàng
Gọi hoa dần nở Xuân sang
Báo mùa ong bướm vương mang vườn tình

Nhớ nhung hồi tưởng bóng hình
Thuở thời áo trắng nguyên trinh học trò
Phượng hàng bật khóc âu lo
Em đi để lại tơ vò đời anh

Giờ nằm đáy mộ lạnh tanh
Nguyện cầu mưa mãi kết nhanh đường về
Trăng sao lạc nẻo sơn khê
Mình anh đơn độc tư bề đêm đen!

Pleiku 4-8-2011 - Nhớ ngày 22-6
Lê Kim Hiệp

Thạch Thảo Tiếc Thương!

 

(Tưởng nhớ anh trai và ngày 22-6)

Sớm mai loé ánh bình minh
Pleiku còn phủ trắng tinh sương mờ
Ai đi có biết ai chờ
Núi rừng ai bước thẫn thờ vắng tênh
Suy tư dạ ngồn ngang thêm
Không gian cảnh vật hai bên ngỡ ngàng
Nỗi buồn đơn độc riêng mang
Mặt trời rạn vỡ đêm đang buông màn
Đồi cao nắng úa nhạt vàng
Tối trời phủ xuống nghĩa trang tiêu điều
Đây rồi nấm mộ dấu yêu
Đặt cành Thạch Thảo khơi nhiều tiếc thương!


Kim Oanh
(Bài Dịch)

Pleiku Thương Nhớ!

 
(Tưởng nhớ anh trai và ngày 22.6)


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhà Thơ Kim Oanh, Nhạc Sĩ Trần Đại Bản, Hòa Âm Quang Đạt, Nữ Ca Sĩ Duyên Quỳnh đã chuyển đến tác phẩm “Pleiku Diễm Tuyệt”.
Trong bài Họa Hát Nói này có tên một số danh lam, thắng cảnh của Pleiku)

Mưỡu:

Kim Oanh dìu áng thơ qua!
Đại Bản phổ nhạc! Sương sa, gió vời!
Hòa âm! Quang Đạt chuyển dời!
Duyên Quỳnh thánh thót! Quên đời kiếp nay!

Hát Nói:

Phố núi Pleiku! Em má đỏ, môi hồng, mắt biếc!
Giáng ngọc, mày ngài diễm tuyệt! Từ hình dáng đến thanh âm!
Đỉnh Núi Hàm Rồng gào thét tiếng “Yêu Em”! Suối lệ khôn cầm!
Núi Lửa Chư Đăng Ya! Nham thạch rầm rì lâng lâng Lửa Tim cháy mộng!

Tình yêu cuối? Vẫn đang vang lộng!
Hạnh ngộ đầu? Còn mãi vọng ngân?
Biển Hồ T’Nưng gợn sóng tha thiết mong đón Chúa Xuân!
Thác Chín Tầng vội vã lao mình đuổi theo mỹ nhân! Đâu còn nữa?

Đồi Thông Hà Tam rì rào, xào xạc! Thầm khóc trong niềm thương, nỗi nhớ!
Biển Hồ Chè miên man dòng ký ức thuở tình lỡ! Mê say!
Chiều phai! Ngậm tủi! Buồn đầy!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 05/06/2024


Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Ai Là…

 

Là mùa xuân bâng khuâng mơ mộng
Là vườn hồng ong bướm lượn quanh
Là trăng thanh sáng tỏa đầu cành
Là long lanh ghé hôn mắt ngọc

Là mùa hạ mơ màng lớp học
Là nắng thơm hong tóc ươm hương
Là tàng cây trổ đầy hoa phượng
Là chia xa lòng biết vấn vương

Là mùa thu lá phủ ngập đường
Là tương tư nhớ thương thầm kín
Là tháng 9 tựu trường gặp lại
Là xuyến xao nói phải lòng ai

Là mùa đông nồng nàn men say
Là mê đắm mãi hoài không tĩnh
Là bờ vai điểm tựa yên bình
Là son sắt chân tình bền bỉ.

Kim Oanh
7.6.2024

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Góc Nhỏ Tâm Đồng!

 
(Ngày Đông - Âu Châu)

Đông xa khơi hồi ức cũ
Đông gần ấp ủ như vừa...
Thánh ca len qua khung cửa
Kinh cầu nhắc nhớ ngày xưa

Hình như người từ muôn thuở
Tâm đồng tìm đến nguồn mơ
Nhật nguyệt bấy mùa trăn trở
Góc chờ hẹn gặp rất thơ!

(Đêm Đông - Melbourne, Úc Châu)

Nhịp tim thôi đừng vụn vỡ
Trăng treo có lỡ vụt tàn
Lắng lòng theo tiếng chuông vang
Đêm đen vơi tan sầu úa...
 
Đông xa thiết tha cầu Chúa
Đông gần chan chứa nguyện Ngài
Trên cao Thánh Giá giăng tay
Bờ vai cả hai phương tựa

Tạ ơn chỗ dựa bình an
Thế gian muôn hình vạn trạng
Thánh Tâm Chúa đỡ nhẹ nhàng
Đời con bước sang ngày mới
 
Amen!

(Đầu Đông - Perth, Úc Châu)

Thơ & Ảnh: Kim Oanh
Mùa Đông 14.6.2024

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Trái Tim Giữ Vững

 

Trong ánh mắt của đàn con, đám cháu
Ta đã thấy đời trôi rất dịu hiền
Trong tiếng khóc của trẻ thơ khát sửa
Có chút gì nồng ấm rất bình yên.

Trong thinh lặng của hoàng hôn tuổi thọ
Ta mơ về cây lá đỉnh Tùng Nguyên
Nơi rộn rã của một thời tuổi nhỏ
Vui thơ ngây và cười với hồn nhiên.

Trong dâu bể của từn ngày cơm áo
Vẫn nồng hương Bách Hợp ngát đời nhau
Dù nhật nguyệt có làm phai trí não
Đường mơ hoa luôn rạng rỡ muôn màu.

Trong nghiệt ngã có lửa thiêng soi lối
Ấm trong ta ánh sáng của lòng ngay:
Lòng Hướng Đạo mở đường xuyên bóng tối
Đưa chân ta vượt gian khó từng ngày.

Trong cuộc sống của chuỗi ngày viễn xứ
Có trái tim Giữ Vững bước di hành
Bàn tay trái vẫn nối tình lữ thứ
Đan yêu thương cho thắm mãi tình xanh.

Huy Văn
Gởi Kim Oanh để lưu trữ và chuyển tiếp
TABTT

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Maman Est Partie....!

   

‘’Maman est partie …’’! Mẹ đã đi rồi …! Đó là ’’message’’ trên Facebook và Instagram tối qua, của Thomas Dutronc, nhạc_sĩ_ca_sĩ, con trai (một) của Françoise Hardy và Jacques Dutronc, hai tài năng lớn (nhạc sĩ sáng tác & ca sĩ), hai tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Pháp!
‘’Maman est partie …’’ đăng dưới tấm ảnh chụp bà mẹ Françoise đang bế bébé Thomas (1973) với một cái nhìn của_một-bà_Mẹ ( tôi không tìm ra từ ngữ để diễn tả ánh mắt nhìn con của bà mẹ trẻ này!)
( nguồn internet)

Khác với Sylvie Vartan, Sheila, 2 ca sĩ nổi tiếng cùng thời, Françoise Hardy bước vào thế giới âm nhạc Pháp, năm 18 tuổi, với sáng tác của chính mình: ‘’Tous les garçons et les filles’’ (1962), ca khúc ‘’đôi_hia_7_dặm’’ này đã đưa chị bước ngay lên ‘’đài danh vọng’’ (2.000.000 dĩa bán sạch)!

''Tous les garçons et les filles de mon âge / Se promènent dans la rue deux par deux/ Tous les garçons et les filles de mon âge/ Savent bien ce que c'est d'être heureux …. / …Oui mais moi, je vais seule, car personne ne m'aime..''. Những cô cậu trạc tuổi tôi, bên nhau trên phố, họ biết rõ thế nào là hạnh phúc .. / Vâng nhưng tôi: tôi ‘’một mình qua phố’’ vì không ai yêu. Điệu slowrock khoan thai, đều đều, với những câu lập đi, lập lại: ‘’ Tous les garçons et les filles de mon âge / Oui mais moi, je vais seule …’’ diễn tả tâm trạng của một thiếu nữ (mới lớn): cô đơn, buồn tủi. Tâm trạng ấy, nỗi cô đơn đó, không chỉ ở một thiếu nữ Parisienne, thời 62, 63. Mà 10 năm sau, nó cũng là tâm trạng của một thanh niên Saigonnais hay ‘’Suzuki’’ dong xe qua phố, lang thang trên những con đường, nhìn những người trẻ (như mình) đang tay trong tay, nụ cười rạng rỡ! Như có người lính trẻ về thăm kinh đô, một lần ‘’Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn’’ (Sài Gòn thứ bảy ngàn hoa trên đường ../ Anh Bằng).


Ngoài ‘’Tous les garçons et les filles’’ (1962), chị Françoise còn sáng tác (nhạc và lời):‘’L’amour s’en va’’ (1963), ca khúc đại diện cho Monaco, về hạng 5(/16) trong ‘’Eurovision – 1963’’, ‘’Comme tant d’autres’’, ‘’J’aurais voulu’’, ‘’L’amour ne dure pas toujours'' vv , và viết lời cho một số ca khúc.

Ngay từ album đầu tiên, trong số 28 albums (1962-2018) chị hát, 3 ca khúc được giới trẻ Sài Gòn yêu thích nhất là:’’Tous les garçons et les filles’’, ‘’Le temps de l’amour’’, ‘’Ton meilleur ami’’. Từ thủa ban đầu 62 cho đến lúc … ‘’đứt film’’ 75. ‘’Salut les copains’’ trở thành ‘’Adieux les copains ! ‘’ : đứa chết, đứa di tản, đứa tội tù, đứa kinh tế mới vv.

Trong chương trình ‘’Par les temps qui courent(2021), chị Fraçoise cho biết: ‘’Je n’ai jamais pu écrire que sur des émotions personnelles profondes, c’est d’ailleurs pour cela que je n’apprécie que les mélodies qui sont assez mélancoliques, romantiques".(Vì chỉ biết viết về những cảm xúc cá nhân sâu lắng (tận đáy lòng?) nên tôi chỉ ‘’đánh giá’’ (cao) những giai điệu u -sầu, lãng mạn). Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu. Vâng, có lẽ vì thế mà tôi thích nghe, đa số, những ca khúc của chị Françoise Hardy. Thời mới lớn, giữa một Vartan dễ thương, một Sheila sôi động, Hardy như một ‘’người em sầu mộng’’ với một giọng hát ‘’trầm lắng’’, buồn buồn, ngay cả khi chị hát những bài yéyé, tôi chỉ thấy hơi … vui! Nhưng đó là tiếng hát, một trong những tiếng hát mà, cho đến giờ, tôi vẫn yêu thích nhất.


Từ lâu tôi vẫn muốn viết về chị. Viết, như một lời cảm ơn. Nhất là khi nghe những:‘’ Mon amie la rose ‘’, ‘’Message Personnel’’, ‘’ Comment te dire adieu’’ , ‘’Partir quand meme’’ vv; những ca khúc tôi thích nghe một mình, dưới đèn mờ hay trong bóng tối. Như nghe ‘’Nửa Hồn Thương Đau’’, ‘’Người Đi Qua Đời Tôi’’. Như nghe ‘’ Nghìn Trùng Xa Cách’’, ‘’Nỗi Đau Muộn Màng’’ vv

Mỗi lần nghe chị Françoise Hardy hát, tôi đều nghĩ đến chị Hà Thanh. Và ngược lại. Dẫu hai tiếng hát hoàn toàn khác nhau. Có lẽ do cái vóc dáng, cách nói chuyện, tánh ‘’dè-dặt’’, ‘’kín -đáo’’, ít ‘’xuất hiện’’ trước công chúng vv nhất là tiếng hát của hai chị đều mang đến cho tôi một nỗi dịu dàng, ‘’ấm áp’’, mà một người nam rất cần, từ một người nữ. Như một vòng ôm, một cái vuốt tóc, hay một cái ‘’dạ’’ … ngọt xớt ? Mặc dầu đời sống tình cảm của hai chị chẳng mấy gì vui!


Hôm qua, 11/6, chị Françoise ra đi, sau 20 năm chống chọi với bệnh ung thư! Ngay sau đó, đài BFMTV đã chiếu lại những thước film về chị.

Françoise Hardy không những là một ca sĩ, mà còn là một người mẫu nổi tiếng. Tôi xem ''film'', lòng buồn vời vợi! Trong film, ngoài những hình ảnh của người đẹp Françoise, là anh chồng tài hoa, duyên dáng, bay bướm, đào hoa nhưng chị ''yêu anh yêu cả một đời'' . Đó cũng là người đã viết '' Le temps de l'amour'' cho chị hát. Để từ đó quen nhau, rồi ... yêu nhau, rồi cưới nhau, rồi xa nhau!. Đó cũng là ca khúc mà năm xưa, khi tổ chức Tết với bạn bè, tôi đã viết lời Việt, để nhà - tôi và một cô bạn thân hát ''Chào Xuân''.

Xin ghi lại đây. Như một trả lời cho câu hỏi '' Comment te dire Adieu '', một ca khúc nổi tiếng của Francoise Hardy ( nhạc Anh ''It Hurts to Say Goodbye'', của Arnold Goland / lời Pháp: S Gainsbourg)

Cầu chúc hương hồn chị sớm về cõi vĩnh hằng, về với ''mùa xuân Thiên Chúa'' , chị Francoise!


BP
12/06/2024

♪ Le Temps De L'amour ♪
Françoise Hardy

C'est le temps de l'amour le temps des copains et de l'aventure
Quand le temps va et vient on ne pense à rien malgré ses
blessures
Car le temps de l'amour c'est long et c'est court ça dure
toujours on s'en souvient

On se dit qu'a vingt ans on est le roi du monde
Et qu'éternellement il y aura dans nos yeux tout le ciel
bleu

C'est le temps de l'amour le temps des copains et de
l'aventure
Quand le temps va et vient on ne pense à rien malgré ses
blessures
Car le temps de l'amour ça vous met au coeur beaucoup de
chaleur et de bonheur

Un beau jour c'est l'amour et le coeur bat plus vite
Car la vie suit son cours et l'on est tout heureux d'être
amoureux

C'est le temps de l'amour le temps des copains et de
l'aventure
Quand le temps va et vient on ne pense à rien malgré ses
blessures
Car le temps de l'amour c'est long et c'est court ça dure
toujours on s'en souvient

On s'en souvient on s'en souvient
On s'en souvient on s'en souvient

--o0o--
Chào Xuân

Lời Việt: Bình - Phương

Bạn lòng ơi đã xuân về / thì má áp môi kề / tình yêu kia xin mải mê
Bạn lòng ơi đón xuân đời / Bằng muôn sắc hoa ngời / Bằng cánh bướm lả lơi
Nhìn vào đuôi mắt xuân cười / Đàn chim én tung trời / Nhìn phố xá kết đôi
Chào xuân sáng tươi

Ngày và tháng nối tiếp qua / Nhưng trái tim luôn nhịp hoan ca
Tình dầu có lúc cuồng si / Hay có đôi khi sầu bi
Đắn đo chi?

Bạn lòng ơi đã xuân về / thì má áp môi kề / tình yêu kia xin mải mê
Bạn lòng ơi đón xuân đời / Bằng muôn sắc hoa ngời / Bằng cánh bướm lả lơi
Nhìn vào đuôi mắt xuân cười / Đàn chim én tung trời / Nhìn phố xá kết đôi
Chào xuân sáng tươi

Một ngày nắng ấm chói chang / Theo gió , xuân khua nhịp miên man
Là ngày pháo Tết rộn vang / Tung cánh mai thơm trần gian
Đón xuân sang

Bạn lòng ơi đã xuân về / thì má áp môi kề / tình yêu kia xin mải mê
Bạn lòng ơi đón xuân đời / Bằng muôn sắc hoa ngời / Bằng cánh bướm lả lơi
Nhìn vào đuôi mắt xuân cười / Đàn chim én tung trời / Nhìn phố xá kết đôi
Chào xuân sáng tươi

Coda: Chào xuân sáng tươi
Chào xuân đã tới (ơi) người

2/ 2007

 

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

Bà Thiệu — Nguyễn Thị Mai Anh Trong Lần Duy Nhứt Chia Sẻ Chuyện Gia Đình...

Hình ảnh phúc hậu, quý phái của Đệ nhứt Phu nhân hiện nay.

Với bạn bè thân thiết trong nội các cũ của chồng, bà chuyện trò cởi mở thì với báo chí bà tỏ ra ngần ngại và e dè, sau nhiều lần nài nỉ câu trả lời của bà vẫn là “thôi cho tôi miễn đi, tôi có biết gì đâu mà nói.”

Vì thế việc bà nhận trả lời phỏng vấn của báo chí mới hôm cúng tuần thất 100 ngày cho ông Thiệu tại San Jose là cả một sự phá bỏ thông lệ bà vẫn giữ từ xưa đến nay.

“Chỉ nói chuyện gia đình thôi nha, tôi không biết chuyện chính trị gì đâu,” bà dặn trước.

“Ông Già làm gì, liên lạc với ai, mấy mẹ con tôi không biết gì đâu,” bà kể lại về những sinh hoạt của ông Thiệu khi sinh sống tại vùng Boston. Bà cho biết Ông Già là tên gọi thân mật trong gia đình.

“Tôi có hỏi thì ổng chỉ nói ‘Có gì đâu chỉ nói chuyện với bạn bè thôi.’ Ổng kín đáo lắm, tôi hoàn toàn không biết gì nhưng với vợ con thì Ông Già rất vui vẻ tử tế.”

Bà nói thêm rằng chồng bà không chỉ kín đáo trong việc làm mà ngay cả trong tình cảm ông cũng kín đáo và theo phong tục cổ xưa.

“Các con hay hỏi tôi rằng sao không thấy ba hôn mẹ hay nói điều gì âu yếm với mẹ; tánh ổng vậy đó,” bà nói.

Bà Mai Anh cho hay “Ông Già rất khắt khe trong việc dạy dỗ con cái, ổng theo xưa chớ không chịu lối giáo dục phương Tây.”

“Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả ông bà và mang tro cốt của ổng về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi,” bà Nguyễn Văn Thiệu nói như vậy về ước vọng của bà như một phụ nữ Việt bình thường không quên ơn tổ tiên dòng họ.

Trần Hoàng Minh
19.12.2018
(Kim Oanh Sưu Tầm từ Trang Yêu Chúa)

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

Ngọc Lâu Xuân – Chu Bang Ngạn - 玉樓春 - 周邦彥

 
 
玉樓春 - 周邦彥     Ngọc Lâu Xuân – Chu Bang Ngạn

桃溪不作從容住。Đào khê bất tác thung dung trú.
秋藕絕來無續處。Thu ngẫu tuyệt lai vô tục xứ.
當時相候赤欄橋,Đương thời tương hậu xích lan kiều,
今日獨尋黃葉路。Kim nhật độc tầm hoàng diệp lộ.

煙中列岫青無數。Yên trung liệt tụ thanh vô số.
雁背夕陽紅欲暮。Nhạn bối tịch dương hồng dục mộ.
人如風後入江雲,Nhân như phong hậu nhập giang vân,
情似雨餘黏地絮。Tình tự vũ dư niêm địa nhứ.

Chú Thích


1 Ngọc Lâu Xuân 玉樓春: tên từ điệu, tên khác là mộc lan hoa 木蘭花, xuân hiểu khúc 春曉曲, tây hồ khúc 西湖曲, tích xuân dung 惜春容, quy triều hoan lệnh 歸朝歡令, Trình tiêm thủ 呈纖手, quy phong tiện 歸風便, đông lân diệu 東鄰妙, mộng hương thân 夢鄉親, tục ngư ca 續渔歌. Bài này có 56 chữ, 2 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu và 3 trắc vận. Suốt bài không thay đổi vận. Cách luật:

X B X T B B T vận
B T X B B T T vận
X B B T T B B cú
B T X B B T T vận

X B X T B B T vận
T T X B B T T vận
B B B T T B B cú
X T T B B T T vận

T: trắc thanh; B: bình thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2 Đào khê 桃溪: ám chỉ tiên cảnh nơi Lưu Thần Nguyễn Triệu lạc vào thiên thai. Vì trên núi có cây đào, dưới chân núi có dòng suối nên gọi là “Đào khê”.
3 Thung dung 從容: không hoang mang, thong thả trấn tĩnh.
4 Thu ngẫu 秋藕: củ sen, lấy vào mùa thu nên gọi là thu ngẫu.
5 Xích lan kiều 赤闌橋: cây cầu có thành cầu là lan can sơn mầu đỏ. Chữ này đã đi vào văn chương cổ TH mà nhiều thi sĩ từ gia đã nhắc đến trong sắc cảnh mùa xuân.
6 Hoàng diệp lộ 黃葉路: con đường đầy lá vàng rơi, chỉ sắc cảnh mùa thu.
7 Liệt tụ 列岫: cảnh 1 dẫy núi sừng sững trước mắt.
8 Nhạn bối 雁背: nhạn bay ngược chiều với…
9 Tịch dương 夕陽: mặt trời lúc buổi chiều.
10 Phong hậu 風後: sau cơn gió.
11 Giang vân 江雲: mây trên vòm trời của con sông.
12 Vũ dư 雨餘: sau cơn mưa.
13 Niêm địa 黏地: dính vào đất.
14 Nhứ 絮: nhánh liễu.

Dịch Nghĩa

Bài từ theo điệu ngọc lâu xuân của Chu Bang Ngạn.
Suối đào khê trôi chẩy không để cho người được ung dung ở lại,
Ngẫu sen mùa thu sau khi bẻ gẫy không có chỗ nào nối nhau.
Nhớ lại lúc trước chờ đợi nhau trên xích lan kiều,
Hôm nay một mình bồi hồi tại con đường phủ lá vàng.

Sương khói bao phủ dẫy núi, những điểm mầu xanh vô số,
Đàn nhạn bay ngược với ánh tịch dương mầu hồng lúc sắp chiều.
Nhân sinh như đám mây bay vào lưu vực con sông sau cơn gió,
Tình tự như nhánh liễu rơi dính xuống đất sau trận mưa.

Phỏng Dịch:

1/ 
Ngọc Lâu Xuân - Từ Biệt Thiên Thai

Trời tiên không thể ung dung trải.
Làm gẫy cành sen không chỗ nối.
Khi xưa chờ bạn góc cầu son,
Đường phủ lá vàng nay chốn đợi.

Khói sương núi lắm mầu xanh mới.
Cánh nhạn phơi chiều hồng chói lọi.
Người như tan gió nước mây ngàn,
Tình tựa lấm bùn mưa liễu gội.

2 /
Từ Biệt Thiên Thai

Không được ung dung ở suối đào,
Ngẫu sen thu gẫy tơ còn đâu.
Lúc xưa chờ đón cầu lan đỏ,
Ngập đất lá vàng nay nghẹn ngào

Sương phủ núi xa xanh lốm đốm,
Ráng hồng lưng nhạn bóng chiều lan.
Người như gió lặng mây sông nước,
Tình tự mưa tan nhánh liễu tàn.



HHD 
9-2019
***
Ngọc Lâu Xuân_Chu Bang Ngạn

1/

Suối đào không để thong dong trọ
Sen ngó gãy lìa không nối chỗ
Nhớ lại chờ nhau cầu xích lan
Hôm nay tìm kiếm đường vàng lá

Khói bao núi đá xanh vô số
Lưng nhạn chiều tà hừng ráng đỏ
Sau gió người như mây nhập sông
Mưa tan tình tự liễu bùn tỏa!


2/ 
Thiên Thai Giã Biệt

Không dễ trọ thiên thai bóng bảy
Sen mùa thu ngó gẫy khó hàn
Nơi chờ đợi cầu Xích lan
Hôm nay độc kiếm lá vàng đường xưa

Sương khói phủ, núi vừa xanh biếc
Cõng chiều lưng nhạn biệt ráng hồng
Đời người mây nổi trên sông
Sau mưa tình tự liễu bông dính bùn!


Lộc Bắc
Jun24
***

Thiên Thai Giã Biệt

Đào khê không dễ trú ung dung
Sen ngó mùa thu chẳng thể cùng
Cầu son chờ bạn tương phùng
Đường xưa vàng lá lòng chùng riêng mang

Khói sương phủ núi điểm xanh lan
Ráng đỏ nhạn bay chiều sắp tàn
Người như gió nước mây ngàn
Tạnh mưa tình tự liễu tan tác đời

Kim Oanh

10.6.2024

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

Có Bao Lần…

 
 
Có bao lần chúng ta
Mơ say đắm thiết tha
Ôn về miền quá khứ
Hồi ức đẹp ngọc ngà

Có bao lần yêu thương
Bấy nhiêu mùa vấn vương  
Cớ chi lạc nẻo đường
Để muôn phương diệu vợi

Có bao lần chờ đợi
Hai tâm sự đầy vơi
Khấp khởi vạn niềm vui
Bỗng thinh lặng ngậm ngùi

Có bao lần thui thủi  
Chôn vùi mộng ngày xanh
“Trời sáng trong lòng anh
Vực thm trong lòng em" (*)

Thêm lần ta lỗi hẹn!
 
Kim Oanh
Perth 3.6.2024
(*) Lời ca khúc Tâm Sự Gửi Về Đâu. 
Sáng tác của Phạm Duy. 

Tâm Sự Gửi Về Đâu - Tác giả: Phạm Duy - Tiếng Hát: Vũ Khanh


 Tác giả: Phạm Duy
 Tiếng Hát: Vũ Khanh  

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Biệt Khách 別客 - Trương Tịch(Trung Đường)

 

Trương Tịch 張籍 (768-830) tự Văn Xương 文昌, người Hoài Châu, một đời làm quan khá thuận lợi. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Bùi Độ. Ông từng làm Quốc Tử tư nghiệp

Mời các bạn thưởng thức bài thơ 別客 Biệt khách của Trương Tịch:

Nguyên tác Dịch âm

別客 Biệt Khách

青山歷歷水悠悠 Thanh sơn lịch lịch thuỷ dâu dâu (du du),
今日相逢明日愁 Kim nhật tương phùng minh nhật sầu.
系馬橋邊楊柳樹 Hệ mã kiều biên dương liễu thụ,
為君沽酒暫淹留 Vị quân cô tửu tạm yêm lưu.

Dịch nghĩa

Từ Biệt Khách

Núi xanh lồng lộng, sông nước bao la,
Hôm nay gặp nhau để ngày mai sầu ly biệt.
Hãy buộc ngựa vào gốc liễu bên cây cầu này,
Mời anh chén rượu cô đơn (cô tửu) để cầm chân anh thêm chút nữa.

Dịch thơ

Từ Biệt Khách

Non xanh ngăn ngắt nước thâm sâu
Nay gặp nhau đây mai mốt sầu
Buộc ngựa bên cầu dương liễu nhé!
Giữ anh rượu đắng tạm hồi lâu.

Con Cò
***
***
Từ Biệt Khách

Non xanh tỏ rõ nước lao xao
Gặp gỡ hôm nay mai sẽ sầu
Cột ngựa bên cầu dương liễu rủ
Mời ông rượu chợ nán thêm lâu!

Lộc Bắc
***
Tiễn Người

Non xanh nước biếc trùng trùng
Mới vừa gặp gỡ não nùng rời xa
Bên cầu dương liễu la đà
Cầm chân buộc ngựa thời qua mất rồi
Nâng niu giây phút chia phôi
Mời người cạn chén thay lời tiễn đưa

Kim Oanh
18.5.2024

Biệt Người

Biêng biếc núi cao nước chảy dài…
Hôm nay tương ngộ, mai chia tay
Chân cầu ngựa cột ven hàng liễu
Chén rượu không mồi vị có cay?

Kiều Mộng Hà
Austin.5.11.24
***
Giã Biệt Tri Âm

Mặt sông hiện rõ thanh sơn,
Bao la dòng nước mãi còn lướt trôi.
Tương phùng tao ngộ khắc thời,
Mai này ly biệt - ỉ ôi dạ sầu.
Thướt tha dương liễu bên cầu,
Ngựa ràng vào gốc - kíp mau hỡi người.
Lưu linh nâng cốc giữa trời,
Cầm chân tri kỷ - nhủ lời biệt nhau...

Khánh-Hưng
***
Từ Biệt Khách.

1.
Non xanh hiển hiện nước bao la,
Nay gặp mai sầu cách biệt xa.
Buộc ngựa chân cầu bên gốc liễu,
Mời nhau chén rượu giữ chân mà.

2.
Non xanh hiện rõ sông dài,
Hôm nay gặp gỡ ngày mai u sầu.
Dừng cương gốc liễu bên cầu,
Dùng dằng chén rượu mời nhau nghẹn ngào.

Mỹ Ngọc
May 11/2024.
***
Phút Chia Tay

Núi xanh hùng vĩ sông êm chảy
Còn gặp hôm nay ly biệt mai
Nấn ná dừng cương bên gốc liễu
Luyến lưu nâng chén rượu chia tay

Thanh Vân
***
Nguyên tác: Phiên âm:

別客-張籍 Biệt Khách - Trương Tịch

青山歷歷水悠悠 Thanh sơn lịch lịch thủy du du
今日相逢明日秋 Kim nhật tương phùng minh nhật thu
系馬橋邊楊柳樹 Hệ mã kiều biên dương liễu thụ,
為君沽酒暫淹留 Vị quân cô tửu tạm yêm lưu.

· Trương Tư Nghiệp Tập - Đường - Trương Tịch 張司業集-唐-張籍
· Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷 代詩選-明-曹學佺
· Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
· Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Lịch lịch: rõ ràng
Du du: thoái mái, xa xa
Minh nhật: ngày mai, một ngày trong sáng
Thu: mùa thu, một ẩn nghĩa là sầu bi. Sách của Trương Tịch và sách chữ Hán các đời khác đều xài chữ thu秋.
Cô沽: mua / bán; chữ cô孤 trong cô độc
Yêm lưu: giữ lại trong một thời gian dài

Dịch nghĩa:

Từ Biệt Khách

Núi xanh hiện rõ, sông nước bao la,
Hôm nay mình gặp nhau vào một ngày thu trong sáng
Hôm nay vui gặp nhau, ngày mai lại buồn xa cách.
Hãy cột ngựa vào cây liễu bên cầu,
Mời anh rượu mua ngoài chợ để cầm chân.

Saying Goodbye

The blue mountain shows clearly and the river stretches infinitely.
Today we meet, tomorrow will be sad as we have to goodbye.
Please tie your horse at the willow by the bridge,
And have a cup of wine while you wait.

Dịch thơ:

Tiễn Khách

Núi xanh thăm thẳm nước mênh mông,
Hội ngộ ngày thu trời sáng trong.
Cột ngựa bên cầu nơi gốc liễu,
Cùng nhau vài chén bù chờ mong.

Núi xanh thẳm nước bao la,
Hôm nay vui gặp mai xa cách sầu.
Cột ngựa dưới liễu bên cầu,
Cùng nhau cạn chén nói câu giã từ.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

Như thường lệ, lời phi lộ và lời bàn của ÔC lúc nào cũng hấp dẫn, với câu văn bay bướm với nhiều tưởng tượng.
Kỳ này thì BS đồng ý với ÔC là Trương Tịch tiễn bạn nơi bến đò ngang, người này sẽ đi đò qua sông, tiếp tục cưỡi ngựa rong ruổi.

Như vậy là phải buộc 2 con ngựa, của Trương và của bạn. ÔC không nói tại sao lại buộc vào gốc liễu. Bởi liễu là biểu tượng của sự chia ly, và người Hoa hay bẻ cành liễu để làm roi ngựa khi chia tay.

- Biệt là từ biệt, giã biệt, chia tay, tiếng Việt phải dùng 2 chữ. Ông họ Trương này chơi ác người dịch…nếu dùng chữ tống thì mình chỉ cần một chữ tiễn hay đưa.
- Lịch Lịch là từng trải, rõ ràng, như trong câu “ tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ “. Mình có thể dịch là hiện rõ, đậm nét.
- Du là nhớ nhung, xa xôi, lo buồn, phải có ý buồn trong chữ đó.

Chinh phụ ngâm: “tống quân xứ hề, tâm du du“ mà bà Điểm dịch là “ đưa chàng lòng dằng dặc buồn “ thì quá hay, nhưng ở bài này thì kẹt bằng trắc và kẹt vần, nên BS phải dùng 2 chữ rầu rầu.

- Cô tửu thì khó mà dịch lắm, BS xin chịu.
- Tạm là chốc lát, một thời gian ngắn.
- Yêm là chìm đắm, lâu.

Chia Tay Khách

Non xanh đậm nét, nước rầu rầu,
Nay gặp nhau đây, mai sẽ sầu,
Cây liễu bên cầu, ta buộc ngựa,
Chuốc anh ly rượu giữ chân nhau.

Bát Sách.
(Ngày 11/05/2024)

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

Nỗi Nhớ Tàn Đông

 
Thương gửi Sáu để tưởng nhớ  Người, Ng
ày Đông 6 Tháng 6

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


 

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Xây Mộng Mị

 

Đông lạnh Đêm cuộn mình trong chăn ấm
Khe khẽ nghe trầm lắng khúc ca buồn
Ngoài trời tí tách từng giọt giọt tuôn
Ôi lời hát như lòng muôn thổn thức!

Nắng bên kia có cựa mình ray rứt
Trái tim nồng day dứt như Đêm đây
Sợi nhớ nhung kéo chằng chịt giăng đầy
Quấn chặt lấy tim hao gầy… sống lại?

Đêm và Ngày thời gian xoay chuyển mãi
Không điểm dừng lòng trộm nhớ cuồng vây
Choáng ngợp cả phòng, tâm xây mộng mị
Nốt nhạc ngừng…Ôi ngã quỵ người hay,


Kim Oanh
Melb. 18.5.2024

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại 秋夜寄丘二十二員外 - Vi Ứng Vật

 

(Nhân ngày giỗ mãn tang anh Hoàng Ngọc Khôi, bút hiệu Hoàng Xuân Thảo)

Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người đương thời gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.

Nguyên bản Dịch âm

秋夜寄丘二十二員外 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại

懷君屬秋夜 Hoài quân thuộc thu dạ,
散步詠涼天 Tản bộ vịnh lương thiên.
空山松子落 Không sơn tùng tử lạc,
幽人應未眠 U-nhân ưng vị miên.

Chú giải

涼 lương: mát mẻ
幽 u: tối tăm, u tối, sâu thăm thẳm.
*幽人 u-nhân: người ở ẩn trong núi u tối; u-nhân thường thức rất khuya; (ÔC không biết nên dịch là gì trong một câu chỉ có 5 chữ, bèn bắt chước Cụ trần Trọng Kim không dịch, hy vọng rằng tiếng Việt sau này sẽ có thêm cụm từ u-nhân).
應 ưng: ưa, thích.

Dịch nghĩa

Đêm thu gửi viên ngoại Khâu hăm hai

Nhớ anh trong một đêm thu,
(Bèn) Đi dạo ngâm nga ca tụng bầu trời mát mẻ,
Núi vắng vẻ nghe trái tùng rớt,
Kẻ u-nhân còn chưa muốn ngủ.

Dịch thơ

Đêm thu gửi viên ngoại Khâu Hăm Hai

Đêm thu nhớ anh lắm,
Tản bộ ngắm thiên nhiên,
Trái tùng rơi núi vắng,
U-nhân* chưa ngủ yên./.

Lời bàn

Trong một đêm thu, Vi Ứng Vật nhớ viên ngoại Khâu 22, một người bạn già lâu ngày không gặp, bèn làm những việc sau đây rồi chép thành bài ngũ ngôn tứ tuyệt gởi cho Khâu 22:

Câu 1 & 2:
- Đêm thu nhớ anh lắm; Tản bộ ngắm thiên nhiên. Nhớ anh quá, tôi bèn tản bộ trong rừng khuya, ngâm nga vịnh bầu trời mát mẻ. Nói vậy thôi, chứ đi vào rừng vắng giữa đêm khuya không phải là chủ đích của tôi; chính là vì nhớ anh mà tôi đi (nhớ anh quá, đứng ngồi không yên nên tản bộ trong rừng khuya cho đỡ nhớ).

Câu 3
- (Nghe) Trái tùng rơi núi vắng. Đi dạo trong núi vắng thì thường nghe tiếng côn trùng, tiếng chim, tiếng thú rừng; tại sao chỉ chú ý tới tiếng rơi của trái tùng? Bởi vì trái tùng vừa nhẹ, vừa khô, vừa nhiều cạnh nhọn, khi rơi xuống và lăn trên sườn núi đá thì phát ra tiếng lạo xạo rất nhẹ làm nổi bật vẻ hoang vắng của núi rừng. Tiếng trái tùng rơi trong núi vắng là tiếng lòng của tôi nhớ anh đó.

Câu 4.
- U-nhân*chưa ngủ yên. Câu này ngụ ý họ Vi đi lang thang gần hết đêm, lúc u-nhân vẫn còn thức (u-nhân thường đi ngủ rất trễ). ÔC để nguyên cụm từ u-nhân* không dịch vì 2 lý do: 1/ Rất khó dịch vì số chữ hạn chế của ngũ ngôn; 2/ nếu cố gắng dịch e sẽ làm lạc cái nhịp điệu hài hòa (tiết tấu, melody) của bài thơ (mà ỐC sẽ nói tới trong phần tái bút dưới đây).

Tái bút:

Dịch xong bài này, nghe đồng hồ điểm 2 tiếng, ÔC tắt đèn trong thư phòng định đi ngủ. Bỗng cảm thấy một luồng gió lạnh thổi nhẹ sau gáy, biết có nữ yêu tinh muốn báo tin… Rồi có một con đom đóm bay chầm chậm trước mặt và dừng lại trước quyển lịch treo trên tường, ngay chỗ ngày mùng 2 tháng 6 năm 2024. ÔC chợt nhớ tới ngày giỗ mãn tang của đại ca Hoàng Xuân Thảo (đã mất cách nay 3 năm, ở tuổi 90, cùng tuổi với ÔC hiện thời). Thì ra con yêu tinh Thu dạ ký Khâu nhị thập nhị viên ngoại của Vi Ứng Vật tới nhắc nhở mình! ÔC bèn chép riêng một bản dịch đem ra vườn sau đốt, miệng lẩm bẩm khấn Hoàng Xuân Thảo rằng “Từ nay âm dương cách biệt, anh hãy yên nghỉ trên cõi Vĩnh Hằng. Từ ngày mùng 2 tháng 6 năm 2025, bọn tôi trong diễn đàn LTCD thế kỷ 21 sẽ không làm phiền anh nữa đâu”.

Hoàng Xuân Thảo là người đầu tiên khuyến khích ÔC nên thành lập diễn đàn Liêu Trai Chí Dị (LTCD) thế kỷ 21. Ông còn là người duy nhất cổ võ cho ÔC viết lời bàn cho hàng ngàn bài thơ Đường. Ông đã tặng ÔC biệt danh Bồ Tùng Bảo (em kết nghĩa của Bồ Tùng Linh, người tạo ra những con yêu tinh từ chồn, cáo, rắn, rết, chó, mèo, ong, bướm, hoa lan, hoa cúc v. v…), ngụ ý rằng ÔC đã hoang đường hóa những bài thơ Đường thành những con yêu tinh.

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Vi Ứng Vật đơn sơ mà thấm thía; đầu tiên nhờ cái tiết tấu của nó. Tiết tấu của một bài thơ rất trừu tượng (khi bạn ngâm một bài thơ mà chợt thấy xúc động là dấu hiệu bạn vừa gặp cái tiết tấu của nó đấy). Mỗi ngôn ngữ có một tiết tấu riêng cho thơ; tiếng Tàu và tiếng Việt có nhiều tương đồng (đơn âm, trầm bổng) nên tiết tấu cũng tương đồng. 

Bài thơ dịch 1 Bài thơ dịch 2

Đêm xuân nhớ anh lắm, Đêm xuân nhớ anh quá,
Tản bộ ngắm thiên nhiên. Tản bộ ngắm thiên nhiên.
Trái tùng rơi núi vắng, Trái tùng rơi núi đá,
U-nhân chưa ngủ yên./. U-nhân chưa ngủ yên./.

Con Cò
***
Những Bài Dịch Khác:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Khâu Hăm Hai

Đêm thu nhớ đến bạn
Tản bộ ngâm, trời lành
Núi vắng thông rơi quả
Tu tiên ngủ chẳng đành!

Lòng nhớ bạn đêm thu khoảng khoát
Ngâm nga thơ, dạo mát sao trời
Núi vắng lặng, quả thông rơi
Tu tiên dỗ giấc đầy vơi sao đành!?

Lộc Bắc
May2024
***
Đêm Thu Nhớ Bạn

Đêm thu vắng vẻ nhớ người
Thẩn thơ ngâm vịnh sao trời long lanh
Quả thông nhẹ rụng non xanh
Bạn ta chắc hẳn năm canh chong đèn!

Kim Oanh
***
Đêm Thu Gửi Khâu Viên Ngoại Hai Mươi Hai.

Đêm thu nhớ tới người,
Trời mát dạo ngâm chơi.
Núi vắng tùng rơi quả,
Chắc người chưa nghỉ ngơi.

Mỹ Ngọc
May 11/2024.
***
Đêm Thu Nhớ Bạn

Đêm Thu ngồi dưới hiên thanh
Thơ xưa ngâm khẽ… bóng anh hiện về
Trái sầu rơi rụng non khê
Lắng nghe dạ khúc… tỉ tê nhớ người

Kiều Mộng Hà
Austin.5.25.24
***
Đêm Thu Nhớ Bạn

Đêm thu sầu nhớ bạn lòng
Trời se sắt lạnh ngân dòng thi ca
Hạt thông buông nhẹ cành xa
U nhân chưa ngủ thiết tha nỗi niềm

Thanh Vân

***
Đêm Thu Gửi Viên Ngoại Khâu Hăm Hai.

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Đêm thu vắng vẻ nhớ anh
Ngâm nga trời lạnh một mình dạo chơi
Núi hiu quạnh trái tùng rơi
U nhân chưa dễ đã ngơi giấc lành

Gởi Khâu Viên Ngoại 

Đêm thu hoài tưởng miên man,
Đức ông viên ngoại dặm ngàn cách xa.
Nguyệt minh tản bộ mình ta,
Tiết thời trở lạnh - ngâm nga câu từ.
Núi non vắng lặng sương mù,
Quả tùng rơi rụng - biệt từ nhánh cây.
Về hưu nhàn rỗi lâu nay,
Ắt ngài chưa ngủ - đắm say giấc nồng.

Khánh-Hưng
***
 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại 

Đại ca Hoàng Ngọc Khôi ra đi thoáng chốc đã 3 năm.

Hồi xưa, ở Việt Nam, BS không biết anh Khôi, vì nhỏ hơn và học sau anh khá nhiều. Qua Canada, biết anh ở cùng xứ, tại một thành phố khác, nhưng mãi tới năm 1987, khi anh Phạm Hữu Trác tổ chức Đại Hội Y Sĩ Trên Thế Giới Tự Do tại Montréal chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Anh là người hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, nhiều tài, kiến văn quảng bác, đã khuyến khích BS rất nhiều để viết văn, làm thơ trở lại, vì thời sinh viên, BS có đóng góp bài vở cho Nguyệt San Tình Thương của Y Khoa Đại Học Sàigon cho tới khi báo đóng cửa.

Khi vào diễn đàn Liêu Trai Chí Dị 21 của anh Nguyễn Văn Bảo, anh Khôi cũng hay tán thưởng và khen ngợi làm BS lên tinh thần. Được khen thì ai chả thích. BS còn nhớ, ÔC có đưa bài TÚC KIẾN ĐỨC GIANG của Mạnh Hạo Nhiên để mọi người góp ý.

Chi du bạc yên chử,
Nhật mộ khách sầu tân,
Dã khoáng thiên đê thụ,
Giang thanh nguyệt cận nhân.

BS đã dịch:

Dời thuyền đậu bến mù sương,
Chiều tà lòng khách sầu vương mấy lần,
Đồng xa trời xuống thật gần,
Sông xanh, trăng cũng làm thân với người.

Bài được post lên diễn đàn ngày 26/03/2023, BS mới thấy lời khen của anh Khôi viết lúc sinh tiền:

Bài thơ dịch của BS hay quá, thật tuyệt vời, cảm thấy như thơ mình chứ không phải thơ dịch, mà vẫn tóm thâu đủ ý tác giả. Đọc xong là không thấy hứng dịch nữa, vì BS đã đè đầu rồi.

Được khen như vậy thì BS rất hãnh diện, vả cảm ơn sự quảng đại của đàn anh…

Vào ngày giỗ năm ngoái của anh Khôi, ÔC đã đưa bài Thất Lý Than Trùng Tống, để tưởng nhớ “lão đại ca”

Thủ chiết suy dương bi lão đại,
Cố nhân linh lạc dĩ vô đa.
(Bẻ nhánh liễu tàn thương bác cả,
Cố nhân rơi rụng chẳng còn bao).

Giỗ mãn tang anh Khôi năm nay, ÔC đưa một bài thơ có tựa thật dài của Vi Ứng Vật, BS không biết Khâu Viên Ngoại là ai, nhưng ông còn sống, chỉ ẩn dật mà thôi. U nhân, BS nghĩ là người ẩn dật, sống ở nơi vắng vẻ, xa lánh chốn phồn hoa.

Lời bàn của ÔC thật tuyệt, bàn về tiết tấu của bài thơ, đưa ra bao nhiêu thí dụ… BS đọc bài thơ, thật tình không nhận ra tiết tấu, chỉ thấy cảm thương cả tác giả và viên ngoại họ Khâu, và dịch bài thơ theo cảm xúc của mình, theo thể lục bát:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu Thứ Hai Mươi Hai

Đêm thu nhớ bác ơ hờ,
Một mình đi dạo, ngâm thơ vịnh trời,
Hạt tùng non vắng nhẹ rơi,
Kẻ ẩn cư chắc chưa ngơi giấc hoè.

Bát Sách

***
Nguyên bản:                 Phiên âm:

秋夜寄丘二十二員外 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại

韋應物 Vi Ứng Vật

懷君屬秋夜 Hoài quân chúc thu dạ
散歩詠涼天 Tản bộ vịnh lương thiên
空山松子落 Không sơn tùng tử lạc
幽人應未眠 U nhân ưng vị miên

Bài thơ được khắc đăng trong các sách:

Vi Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代 詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬

Đường Thi Tam Bách Thủ và Thiên Gia Thi

Chữ bộ步 trong câu 2, nếu viết theo đúng mộc bản trong sách của Vi Ứng Vật (bộ歩)thì nhiều tự điển không đọc được.

Ghi chú:

Khâu nhị thập nhị viên ngoại: là Khâu Đan, bạn của thi nhân, người gốc Tô Châu, từng làm quan thượng thư, và sau đó sống ẩn dật ở Bình Sơn
Chúc: chăm chú vào cái gì, đúng lúc
Lương thiên: trời mát lạnh
Không sơn: núi yên tĩnh vắng lặng
U: tối tăm, u tối, sâu thăm thẳm.
U nhân: người sống ẩn dật trong núi rừng hẻo lánh, chỉ viên ngoại họ Khâu đang theo học Đạo giáo ở Bình Sơn

Dịch nghĩa:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu Thứ 22

Nhớ bạn nhiều trong đêm thu này,
Ngâm thơ trong lúc tản bộ dưới trời mát lạnh.
Như nghe các hạt thông đang rơi trong núi trống vắng,
Và người bạn sống ẩn dật chắc hẳn vẫn chưa ngủ yên.

Bài thơ rất tình cảm gởi cho người bạn thân. Vi Ứng Vật viết cho Khâu Đan khi Khâu Đan rời Tô Châu đến sống ở Bình Sơn để học Đạo. Bài thơ gồm hai phần rõ rệt. Phần 1 hiện thực, gồm câu 1 và 2, nói chính xác thời lúc làm bài thơ và sinh hoạt của tác giả lúc bấy giờ: đi tản bộ, ngâm thơ, nhớ bạn… ban đêm dưới bầu trời thu mát lạnh. Phần 2 hư cấu, gồm câu 3 và 4, nghĩ đến cảnh quang yên vắng của núi rừng nơi Khâu Đan đang sống và đoán rằng ẩn nhân chưa yên ngủ vào giờ này.

Sau khi nhận được bài thơ của Vi Ứng Vật, Khâu Đan lập tức viết bài: Hòa Vi Sứ Quân Thu Dạ Kiến Ký 和韦使君秋夜见寄 (Gởi và Hẹn Gặp Sứ Quân Họ Vi Vào Đêm Thu ) để đáp lại: "Lộ tích ngô diệp minh, thu phong quế hoa phát. Trung hữu học tiên lữ, xuy tiêu lộng sơn nguyệt. 露滴梧叶鸣,秋风桂花发.中有学仙侣,吹箫弄山月Những giọt sương kêu trên lá ngô đồng, hoa quế nở trong gió thu. Có những người bất tử đã học, thổi sáo và chơi với trăng núi." Bài thơ ý nói, vầng trăng hơi lạnh, sáng trong đêm thu, tôi thật sự chưa ngủ thiếp đi, nhưng không phải ngồi bên cây thông để nghe hạt thông rơi, mà bên cây quế, cây ngô đồng để cùng với những người bạn Đạo giáo nghe học từ những người bất tử.

Dịch thơ:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu

Đêm thu nhớ bạn hiền,
Tản bộ ngâm triền miên.
Núi vắng thông rơi hạt,
Mơ màng giấc chẳng yên.

Phóng tác kính tặng hương hồn anh Hoàng Xuân Thảo:

Vắng Bạn

Đêm nay nhớ bạn nhiều,
Không bạn thơ tiêu điều.
Núi vắng chim ngừng hót,
Rừng thưa cảnh quạnh hiu.

Autumn Night Message to Counccillor Qiu 22nd

Thinking of you in this autumn night,
Reciting poetry while walking under the cool sky.
Hearing pine cones falling in the empty mountain,
And guessing you must still be awake.

秋夜寄邱員外-韋應物 Autumn Night Message To Qiu by Wei Yingwu Translation by Witter Bynner

懷君屬秋夜 As I walk in the cool of the autumn night,
散步詠涼天 Thinking of you, singing my poem,
空山松子落 I hear a mountain pine-cone fall....
幽人應未眠 You also seem to be awake.

On an Autumn Night to Councillor Qiu by Wei Yingwu
Translation by Betty Tseng

I think of you on this autumn night,
As I stroll along and take to poetise the cool weather.
I'd imagine that in the mountains it is time when pine cones fall,
And you're likely to be engrossed in thoughts too keeping you awake.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:
丘二十二員外=Khâu Nhị Thập Nhị viên ngoại.

Viên ngoại lang (員外郎) là một chức quan ở ngoài triều đình Hoa Lục, có từ thời Tam Quốc; từ thời Tùy Đường có 24 ty (司) viên ngoại lang, thường viết tắt là viên ngoại; về sau cụm từ viên ngoại thường được dùng để chỉ các địa chủ giàu có. Khâu viên ngoại trong bài thơ là 丘丹=Khâu Đan, người Gia Hưng, Tô Châu, không ai biết tự hay năm sinh tử của ông, ông từng giữ chức thượng thư viên ngoại lang thời Đường Đức Tông rồi ẩn cư ở Lâm Bình San (Triết Giang). Vì đạo sĩ Khâu Đan ẩn cư luyện đan dược ở đó, núi còn có tên là Khâu Sơn

Vi Ứng Vật cũng đã từng giữ chức thượng thư viên ngoại lang và làm bài thơ này quanh năm 788-9, lúc đã 51 tuổi và đang làm thứ sử Tô Châu; hai năm sau, sử liệu nói ông “bãi” Tô Châu thứ sử (罢苏州刺史) nhưng người ni không hiểu bãi là từ chức hay bị cách chức! Mặc dù ông ở trong chùa Vĩnh Định lúc cuối đời, ta có cảm tưởng rằng ông có khuynh hướng làm đạo sĩ hơn là nho gia hay Phật tử.

Hai câu đầu bài thơ tả cảnh thi nhân đi dạo trong một đêm thu lạnh lẽo và nhớ đến một người bạn; hai câu sau nói dến cảm nghĩ của thi nhân về người bạn đó. Cụm từ 幽人=u nhân trong câu cuối không chỉ nhà thơ họ Vi vì lúc đó ông đang giữ chức thứ sử còn u nhân là từ để tả người ẩn cư. Mặc dù Con Cò chọn bài thơ này cho dịp mãn tang của anh Khôi, ngữ cảnh và bối cảnh của bài thơ không hợp với anh lắm. Tôi tự xem là bạn vong niên của anh Khôi và biết anh không như là một u nhân mà như một người hăng say trong nhiều lãnh vực văn nghệ và thời cuộc Theo tôi, có thể rằng anh Khôi đột ngột bỏ cuộc chơi vì những ưu tư về thời cuộc và nhân tình thế thái. Ẩn cư trong núi sâu mà mất ngủ chỉ vì nghe tiếng trái thông rụng thì tìm được bình tâm nơi nào? Rất tiếc sử liệu không nói gì về cái chết của họ Vi.

Huỳnh Kim Giám