(Nhân ngày giỗ mãn tang anh Hoàng Ngọc Khôi, bút hiệu Hoàng Xuân Thảo)
Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người đương thời gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.
Nguyên bản Dịch âm
秋夜寄丘二十二員外 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại
懷君屬秋夜 Hoài quân thuộc thu dạ,
散步詠涼天 Tản bộ vịnh lương thiên.
空山松子落 Không sơn tùng tử lạc,
幽人應未眠 U-nhân ưng vị miên.
Chú giải
涼 lương: mát mẻ
幽 u: tối tăm, u tối, sâu thăm thẳm.
*幽人 u-nhân: người ở ẩn trong núi u tối; u-nhân thường thức rất khuya; (ÔC không biết nên dịch là gì trong một câu chỉ có 5 chữ, bèn bắt chước Cụ trần Trọng Kim không dịch, hy vọng rằng tiếng Việt sau này sẽ có thêm cụm từ u-nhân).
應 ưng: ưa, thích.
Dịch nghĩa
Đêm thu gửi viên ngoại Khâu hăm hai
Nhớ anh trong một đêm thu,
(Bèn) Đi dạo ngâm nga ca tụng bầu trời mát mẻ,
Núi vắng vẻ nghe trái tùng rớt,
Kẻ u-nhân còn chưa muốn ngủ.
Dịch thơ
Đêm thu gửi viên ngoại Khâu Hăm Hai
Đêm thu nhớ anh lắm,
Tản bộ ngắm thiên nhiên,
Trái tùng rơi núi vắng,
U-nhân* chưa ngủ yên./.
Lời bàn
Trong một đêm thu, Vi Ứng Vật nhớ viên ngoại Khâu 22, một người bạn già lâu ngày không gặp, bèn làm những việc sau đây rồi chép thành bài ngũ ngôn tứ tuyệt gởi cho Khâu 22:
Câu 1 & 2:
- Đêm thu nhớ anh lắm; Tản bộ ngắm thiên nhiên. Nhớ anh quá, tôi bèn tản bộ trong rừng khuya, ngâm nga vịnh bầu trời mát mẻ. Nói vậy thôi, chứ đi vào rừng vắng giữa đêm khuya không phải là chủ đích của tôi; chính là vì nhớ anh mà tôi đi (nhớ anh quá, đứng ngồi không yên nên tản bộ trong rừng khuya cho đỡ nhớ).
Câu 3
- (Nghe) Trái tùng rơi núi vắng. Đi dạo trong núi vắng thì thường nghe tiếng côn trùng, tiếng chim, tiếng thú rừng; tại sao chỉ chú ý tới tiếng rơi của trái tùng? Bởi vì trái tùng vừa nhẹ, vừa khô, vừa nhiều cạnh nhọn, khi rơi xuống và lăn trên sườn núi đá thì phát ra tiếng lạo xạo rất nhẹ làm nổi bật vẻ hoang vắng của núi rừng. Tiếng trái tùng rơi trong núi vắng là tiếng lòng của tôi nhớ anh đó.
Câu 4.
- U-nhân*chưa ngủ yên. Câu này ngụ ý họ Vi đi lang thang gần hết đêm, lúc u-nhân vẫn còn thức (u-nhân thường đi ngủ rất trễ). ÔC để nguyên cụm từ u-nhân* không dịch vì 2 lý do: 1/ Rất khó dịch vì số chữ hạn chế của ngũ ngôn; 2/ nếu cố gắng dịch e sẽ làm lạc cái nhịp điệu hài hòa (tiết tấu, melody) của bài thơ (mà ỐC sẽ nói tới trong phần tái bút dưới đây).
Tái bút:
Dịch xong bài này, nghe đồng hồ điểm 2 tiếng, ÔC tắt đèn trong thư phòng định đi ngủ. Bỗng cảm thấy một luồng gió lạnh thổi nhẹ sau gáy, biết có nữ yêu tinh muốn báo tin… Rồi có một con đom đóm bay chầm chậm trước mặt và dừng lại trước quyển lịch treo trên tường, ngay chỗ ngày mùng 2 tháng 6 năm 2024. ÔC chợt nhớ tới ngày giỗ mãn tang của đại ca Hoàng Xuân Thảo (đã mất cách nay 3 năm, ở tuổi 90, cùng tuổi với ÔC hiện thời). Thì ra con yêu tinh Thu dạ ký Khâu nhị thập nhị viên ngoại của Vi Ứng Vật tới nhắc nhở mình! ÔC bèn chép riêng một bản dịch đem ra vườn sau đốt, miệng lẩm bẩm khấn Hoàng Xuân Thảo rằng “Từ nay âm dương cách biệt, anh hãy yên nghỉ trên cõi Vĩnh Hằng. Từ ngày mùng 2 tháng 6 năm 2025, bọn tôi trong diễn đàn LTCD thế kỷ 21 sẽ không làm phiền anh nữa đâu”.
Hoàng Xuân Thảo là người đầu tiên khuyến khích ÔC nên thành lập diễn đàn Liêu Trai Chí Dị (LTCD) thế kỷ 21. Ông còn là người duy nhất cổ võ cho ÔC viết lời bàn cho hàng ngàn bài thơ Đường. Ông đã tặng ÔC biệt danh Bồ Tùng Bảo (em kết nghĩa của Bồ Tùng Linh, người tạo ra những con yêu tinh từ chồn, cáo, rắn, rết, chó, mèo, ong, bướm, hoa lan, hoa cúc v. v…), ngụ ý rằng ÔC đã hoang đường hóa những bài thơ Đường thành những con yêu tinh.
Bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Vi Ứng Vật đơn sơ mà thấm thía; đầu tiên nhờ cái tiết tấu của nó. Tiết tấu của một bài thơ rất trừu tượng (khi bạn ngâm một bài thơ mà chợt thấy xúc động là dấu hiệu bạn vừa gặp cái tiết tấu của nó đấy). Mỗi ngôn ngữ có một tiết tấu riêng cho thơ; tiếng Tàu và tiếng Việt có nhiều tương đồng (đơn âm, trầm bổng) nên tiết tấu cũng tương đồng.
Bài thơ dịch 1 Bài thơ dịch 2
Đêm xuân nhớ anh lắm, Đêm xuân nhớ anh quá,
Tản bộ ngắm thiên nhiên. Tản bộ ngắm thiên nhiên.
Trái tùng rơi núi vắng, Trái tùng rơi núi đá,
U-nhân chưa ngủ yên./. U-nhân chưa ngủ yên./.
Con Cò
***
Những Bài Dịch Khác:
Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Khâu Hăm Hai
Đêm thu nhớ đến bạn
Tản bộ ngâm, trời lành
Núi vắng thông rơi quả
Tu tiên ngủ chẳng đành!
Lòng nhớ bạn đêm thu khoảng khoát
Ngâm nga thơ, dạo mát sao trời
Núi vắng lặng, quả thông rơi
Tu tiên dỗ giấc đầy vơi sao đành!?
Lộc Bắc
May2024
***
Đêm Thu Nhớ Bạn
Đêm thu vắng vẻ nhớ người
Thẩn thơ ngâm vịnh sao trời long lanh
Quả thông nhẹ rụng non xanh
Bạn ta chắc hẳn năm canh chong đèn!
Kim Oanh
***
Đêm Thu Gửi Khâu Viên Ngoại Hai Mươi Hai.
Đêm thu nhớ tới người,
Trời mát dạo ngâm chơi.
Núi vắng tùng rơi quả,
Chắc người chưa nghỉ ngơi.
Mỹ Ngọc
May 11/2024.
***
Đêm Thu Nhớ Bạn
Đêm thu sầu nhớ bạn lòng
Trời se sắt lạnh ngân dòng thi ca
Hạt thông buông nhẹ cành xa
U nhân chưa ngủ thiết tha nỗi niềm
Thanh Vân
***
Đêm Thu Gửi Viên Ngoại Khâu Hăm Hai.
Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Đêm thu vắng vẻ nhớ anh
Ngâm nga trời lạnh một mình dạo chơi
Núi hiu quạnh trái tùng rơi
U nhân chưa dễ đã ngơi giấc lành
Gởi Khâu Viên Ngoại
Đêm thu hoài tưởng miên man,
Đức ông viên ngoại dặm ngàn cách xa.
Nguyệt minh tản bộ mình ta,
Tiết thời trở lạnh - ngâm nga câu từ.
Núi non vắng lặng sương mù,
Quả tùng rơi rụng - biệt từ nhánh cây.
Về hưu nhàn rỗi lâu nay,
Ắt ngài chưa ngủ - đắm say giấc nồng.
Khánh-Hưng
***
Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại
Đại ca Hoàng Ngọc Khôi ra đi thoáng chốc đã 3 năm.
Hồi xưa, ở Việt Nam, BS không biết anh Khôi, vì nhỏ hơn và học sau anh khá nhiều. Qua Canada, biết anh ở cùng xứ, tại một thành phố khác, nhưng mãi tới năm 1987, khi anh Phạm Hữu Trác tổ chức Đại Hội Y Sĩ Trên Thế Giới Tự Do tại Montréal chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Anh là người hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, nhiều tài, kiến văn quảng bác, đã khuyến khích BS rất nhiều để viết văn, làm thơ trở lại, vì thời sinh viên, BS có đóng góp bài vở cho Nguyệt San Tình Thương của Y Khoa Đại Học Sàigon cho tới khi báo đóng cửa.
Khi vào diễn đàn Liêu Trai Chí Dị 21 của anh Nguyễn Văn Bảo, anh Khôi cũng hay tán thưởng và khen ngợi làm BS lên tinh thần. Được khen thì ai chả thích. BS còn nhớ, ÔC có đưa bài TÚC KIẾN ĐỨC GIANG của Mạnh Hạo Nhiên để mọi người góp ý.
Chi du bạc yên chử,
Nhật mộ khách sầu tân,
Dã khoáng thiên đê thụ,
Giang thanh nguyệt cận nhân.
BS đã dịch:
Dời thuyền đậu bến mù sương,
Chiều tà lòng khách sầu vương mấy lần,
Đồng xa trời xuống thật gần,
Sông xanh, trăng cũng làm thân với người.
Bài được post lên diễn đàn ngày 26/03/2023, BS mới thấy lời khen của anh Khôi viết lúc sinh tiền:
Bài thơ dịch của BS hay quá, thật tuyệt vời, cảm thấy như thơ mình chứ không phải thơ dịch, mà vẫn tóm thâu đủ ý tác giả. Đọc xong là không thấy hứng dịch nữa, vì BS đã đè đầu rồi.
Được khen như vậy thì BS rất hãnh diện, vả cảm ơn sự quảng đại của đàn anh…
Vào ngày giỗ năm ngoái của anh Khôi, ÔC đã đưa bài Thất Lý Than Trùng Tống, để tưởng nhớ “lão đại ca”
Thủ chiết suy dương bi lão đại,
Cố nhân linh lạc dĩ vô đa.
(Bẻ nhánh liễu tàn thương bác cả,
Cố nhân rơi rụng chẳng còn bao).
Giỗ mãn tang anh Khôi năm nay, ÔC đưa một bài thơ có tựa thật dài của Vi Ứng Vật, BS không biết Khâu Viên Ngoại là ai, nhưng ông còn sống, chỉ ẩn dật mà thôi. U nhân, BS nghĩ là người ẩn dật, sống ở nơi vắng vẻ, xa lánh chốn phồn hoa.
Lời bàn của ÔC thật tuyệt, bàn về tiết tấu của bài thơ, đưa ra bao nhiêu thí dụ… BS đọc bài thơ, thật tình không nhận ra tiết tấu, chỉ thấy cảm thương cả tác giả và viên ngoại họ Khâu, và dịch bài thơ theo cảm xúc của mình, theo thể lục bát:
Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu Thứ Hai Mươi Hai
Đêm thu nhớ bác ơ hờ,
Một mình đi dạo, ngâm thơ vịnh trời,
Hạt tùng non vắng nhẹ rơi,
Kẻ ẩn cư chắc chưa ngơi giấc hoè.
Bát Sách
***
Nguyên bản: Phiên âm:
秋夜寄丘二十二員外 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại
韋應物 Vi Ứng Vật
懷君屬秋夜 Hoài quân chúc thu dạ
散歩詠涼天 Tản bộ vịnh lương thiên
空山松子落 Không sơn tùng tử lạc
幽人應未眠 U nhân ưng vị miên
Bài thơ được khắc đăng trong các sách:
Vi Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代 詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬
Đường Thi Tam Bách Thủ và Thiên Gia Thi
Chữ bộ步 trong câu 2, nếu viết theo đúng mộc bản trong sách của Vi Ứng Vật (bộ歩)thì nhiều tự điển không đọc được.
Ghi chú:
Khâu nhị thập nhị viên ngoại: là Khâu Đan, bạn của thi nhân, người gốc Tô Châu, từng làm quan thượng thư, và sau đó sống ẩn dật ở Bình Sơn
Chúc: chăm chú vào cái gì, đúng lúc
Lương thiên: trời mát lạnh
Không sơn: núi yên tĩnh vắng lặng
U: tối tăm, u tối, sâu thăm thẳm.
U nhân: người sống ẩn dật trong núi rừng hẻo lánh, chỉ viên ngoại họ Khâu đang theo học Đạo giáo ở Bình Sơn
Dịch nghĩa:
Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu Thứ 22
Nhớ bạn nhiều trong đêm thu này,
Ngâm thơ trong lúc tản bộ dưới trời mát lạnh.
Như nghe các hạt thông đang rơi trong núi trống vắng,
Và người bạn sống ẩn dật chắc hẳn vẫn chưa ngủ yên.
Bài thơ rất tình cảm gởi cho người bạn thân. Vi Ứng Vật viết cho Khâu Đan khi Khâu Đan rời Tô Châu đến sống ở Bình Sơn để học Đạo. Bài thơ gồm hai phần rõ rệt. Phần 1 hiện thực, gồm câu 1 và 2, nói chính xác thời lúc làm bài thơ và sinh hoạt của tác giả lúc bấy giờ: đi tản bộ, ngâm thơ, nhớ bạn… ban đêm dưới bầu trời thu mát lạnh. Phần 2 hư cấu, gồm câu 3 và 4, nghĩ đến cảnh quang yên vắng của núi rừng nơi Khâu Đan đang sống và đoán rằng ẩn nhân chưa yên ngủ vào giờ này.
Sau khi nhận được bài thơ của Vi Ứng Vật, Khâu Đan lập tức viết bài: Hòa Vi Sứ Quân Thu Dạ Kiến Ký 和韦使君秋夜见寄 (Gởi và Hẹn Gặp Sứ Quân Họ Vi Vào Đêm Thu ) để đáp lại: "Lộ tích ngô diệp minh, thu phong quế hoa phát. Trung hữu học tiên lữ, xuy tiêu lộng sơn nguyệt. 露滴梧叶鸣,秋风桂花发.中有学仙侣,吹箫弄山月Những giọt sương kêu trên lá ngô đồng, hoa quế nở trong gió thu. Có những người bất tử đã học, thổi sáo và chơi với trăng núi." Bài thơ ý nói, vầng trăng hơi lạnh, sáng trong đêm thu, tôi thật sự chưa ngủ thiếp đi, nhưng không phải ngồi bên cây thông để nghe hạt thông rơi, mà bên cây quế, cây ngô đồng để cùng với những người bạn Đạo giáo nghe học từ những người bất tử.
Dịch thơ:
Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu
Đêm thu nhớ bạn hiền,
Tản bộ ngâm triền miên.
Núi vắng thông rơi hạt,
Mơ màng giấc chẳng yên.
Phóng tác kính tặng hương hồn anh Hoàng Xuân Thảo:
Vắng Bạn
Đêm nay nhớ bạn nhiều,
Không bạn thơ tiêu điều.
Núi vắng chim ngừng hót,
Rừng thưa cảnh quạnh hiu.
Autumn Night Message to Counccillor Qiu 22nd
Thinking of you in this autumn night,
Reciting poetry while walking under the cool sky.
Hearing pine cones falling in the empty mountain,
And guessing you must still be awake.
秋夜寄邱員外-韋應物 Autumn Night Message To Qiu by Wei Yingwu Translation by Witter Bynner
懷君屬秋夜 As I walk in the cool of the autumn night,
散步詠涼天 Thinking of you, singing my poem,
空山松子落 I hear a mountain pine-cone fall....
幽人應未眠 You also seem to be awake.
On an Autumn Night to Councillor Qiu by Wei Yingwu
Translation by Betty Tseng
I think of you on this autumn night,
As I stroll along and take to poetise the cool weather.
I'd imagine that in the mountains it is time when pine cones fall,
And you're likely to be engrossed in thoughts too keeping you awake.
Phí Minh Tâm
***
Góp ý:
丘二十二員外=Khâu Nhị Thập Nhị viên ngoại.
Viên ngoại lang (員外郎) là một chức quan ở ngoài triều đình Hoa Lục, có từ thời Tam Quốc; từ thời Tùy Đường có 24 ty (司) viên ngoại lang, thường viết tắt là viên ngoại; về sau cụm từ viên ngoại thường được dùng để chỉ các địa chủ giàu có. Khâu viên ngoại trong bài thơ là 丘丹=Khâu Đan, người Gia Hưng, Tô Châu, không ai biết tự hay năm sinh tử của ông, ông từng giữ chức thượng thư viên ngoại lang thời Đường Đức Tông rồi ẩn cư ở Lâm Bình San (Triết Giang). Vì đạo sĩ Khâu Đan ẩn cư luyện đan dược ở đó, núi còn có tên là Khâu Sơn
Vi Ứng Vật cũng đã từng giữ chức thượng thư viên ngoại lang và làm bài thơ này quanh năm 788-9, lúc đã 51 tuổi và đang làm thứ sử Tô Châu; hai năm sau, sử liệu nói ông “bãi” Tô Châu thứ sử (罢苏州刺史) nhưng người ni không hiểu bãi là từ chức hay bị cách chức! Mặc dù ông ở trong chùa Vĩnh Định lúc cuối đời, ta có cảm tưởng rằng ông có khuynh hướng làm đạo sĩ hơn là nho gia hay Phật tử.
Hai câu đầu bài thơ tả cảnh thi nhân đi dạo trong một đêm thu lạnh lẽo và nhớ đến một người bạn; hai câu sau nói dến cảm nghĩ của thi nhân về người bạn đó. Cụm từ 幽人=u nhân trong câu cuối không chỉ nhà thơ họ Vi vì lúc đó ông đang giữ chức thứ sử còn u nhân là từ để tả người ẩn cư. Mặc dù Con Cò chọn bài thơ này cho dịp mãn tang của anh Khôi, ngữ cảnh và bối cảnh của bài thơ không hợp với anh lắm. Tôi tự xem là bạn vong niên của anh Khôi và biết anh không như là một u nhân mà như một người hăng say trong nhiều lãnh vực văn nghệ và thời cuộc Theo tôi, có thể rằng anh Khôi đột ngột bỏ cuộc chơi vì những ưu tư về thời cuộc và nhân tình thế thái. Ẩn cư trong núi sâu mà mất ngủ chỉ vì nghe tiếng trái thông rụng thì tìm được bình tâm nơi nào? Rất tiếc sử liệu không nói gì về cái chết của họ Vi.
Huỳnh Kim Giám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét