Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Tặng Nội Nhân 贈內人 -Trương Hổ (Trung Đường)


Trương Hổ 張祜 (khoảng 785-849) tự Thừa Cát 承吉, người Thanh Hà (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), nổi tiếng về thể cung từ, thơ có 10 quyển.

Nguyên bản Dịch âm

贈內人 Tặng Nội Nhân

禁門宮樹月痕過 Cấm môn cung thụ nguyệt ngân qua (quá),
媚眼惟看宿鷺窠 Mị nhãn duy khan túc lộ khoa.
斜拔玉釵燈影畔 Tà bạt ngọc thoa đăng ảnh bạn,
剔開紅燄救飛蛾 Dịch khai hồng diễm cứu phi nga.

Trương H
***
Chú giải

內人 nội nhân: chỉ các ca kỹ được tuyển vào viện Nghi Xuân trong hoàng cung đời Đường. Còn để chỉ là vợ.
媚眼 mị nhãn: mắt xinh đẹp.
宿鷺窠 túc lộ khoa: tổ cò trú ngụ.
飛蛾 phi nga: con thiêu thân.

Dịch nghĩa

Tặng người trong cung

Ánh trăng ngà chiếu trên vòm cây trong cung cấm,
Đôi mắt kiều mỵ chỉ nhìn mãi chiếc tổ cò trong vòm cây ấy.
Rút chiếc thoa ngọc, để kề bên ánh đèn,
Gạt ngọn lửa hồng cứu con thiêu thân.

Dịch thơ

Tặng Cung Nữ

Vòm cây cung cấm hứng trăng ngà,
Mắt đẹp chỉ nhìn mỗi tổ cò.
Rút chiếc ngọc thoa kề ngọn bấc,
Lửa hồng giập tắt cứu phi nga*.

Lời bàn của Con Cò

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, tả một cảnh rất nhàm chán từng đêm của những nội nhân (cung nữ) trong cung cấm nhà Đường.

Câu 1 & 2:
Vòm cây trước cửa phòng của cung nữ có trăng ngà chiếu rất nên thơ mà nàng không thèm nhìn; chỉ nhìn chòng chọc vào cái tổ cò vô duyên trong vòm cây đó. Tất cả những đêm đẹp trời nàng đều sống như thế. Buồn tẻ suốt đời người!

Câu 3 & 4:
Lâu lâu nàng lại rút cây ngọc thoa trên đầu ra, kề bên ngọn lửa trên bấc đèn, chờ giập ngọn lửa hồng để cứu con thiêu thân. (Ngày xưa người ta đổ dầu vào đĩa rồi đặt một đầu của ngọn bấc vào trong đĩa dầu, đầu khác của ngọn bấc thò ra ngoài đĩa để thắp thành ngọn đèn). Thiêu thân là loại côn trùng yểu mạng, chỉ sống được vài ngày; nó thường lao đầu vào lửa để kết liễu sớm cuộc đời buồn tẻ của nó; mình cứu nó đêm nay thì ngày mai nó cũng tự nhiên lăn ra chết; từng đêm mình thường làm những ơn hụê nhỏ nhoi và vô ích như thế đó. Nghĩ tới cái thân hèn của minh, sống lay lắt mãi, có ai cứu đâu! muốn tự tử cũng không được. Cuộc đời của cung nữ còn vô vị hơn đời con thiêu thân!

Tái bút:

Con Cò để nguyên cụm từ phi-nga* không dịch; mục đích để giữ vần, còn muốn độc giả làm quen với danh từ này, hy vọng nhờ bài thơ bất hủ của Trương Hỗ mà tiếng Việt có thêm một danh từ mới, cụm từ phi nga nghe trang nhã và gọn gàng hơn cụm từ con thiêu thân (các quốc gia trên thế giới thường dùng cách này để làm giàu cho ngôn ngữ của họ).

Con Cò
***
Tặng Cung Nữ

Trong cung trăng xuyên vòm lá
Đôi mắt mỹ nữ nhìn xa tổ cò
Bên đèn rút chiếc ngọc thoa
Cứu phi nga thoát khỏi sa lửa hồng.

Kim Oanh
12.1.2025
***
***
Tặng Cung Nữ

Cung cấm vườn cây bóng nguyệt lồng
Dịu dàng mắt đẹp tổ cò trông
Ngọc trâm nghiêng rút bên đèn sáng
Gạt cứu bướm đêm thoát lửa hồng

Lộc Bắc
***
Cung Nữ Đêm Trăng

Trăng ngà e ấp rọi cung sâu
Nhìn én về cây dõi mắt châu
Nghiêng dáng bên đèn trâm ngọc rút
Dập tim hạ lửa cứu ngài sầu

Thanh Vân 
***
Tặng Người Trong Cung.

Vòm cây cung cấm ánh trăng lồng,
Chỉ ngắm tổ cò mắt đẹp trông.
Rút vội ngọc thoa kề ngọn bấc,
Cứu thiêu thân dập tắt đèn hồng.

Mỹ Ngọc 
Jan. 11/2025.
***
Bài này ÔC theo Thi Viện nên chữ cuối của câu 2 phiên âm là khoà. Chữ đó là khoa (đã sửa), có nghĩa là hang, hố, chỗ ở của chim chóc, tức là tổ chim.

* Nội tử, nội nhân, tiện nội đều là vợ. Ở đây, nội nhân chỉ cung nữ.
* Cấm là cấm kỵ, ngăn cấm, cái gì dính tới vua, như cấm quân, cấm uyển.
Cấm môn chính là cung vua. Kế đó là cung thụ nên càng rõ nghĩa.
* Ngân là vết sẹo, hay dấu tích còn để lại.
* Mị là nét mặt vui vẻ của con gái, yêu dấu, quyến rũ, đẹp.
* Túc là dừng lại. Túc xá là nhà trọ. Là yên ổn, cũ, giữ, giỏi (như túc nho)
* Tà là nghiêng.
* Bạt là nhổ lên, lấy, dời chuyển, mau lẹ,
* Ảnh là bóng, hay hình ảnh.
* Bạn là bờ ruộng, bờ nước, bên cạnh.
* Dịch là lóc thịt, xẻ, chọn, gạt bỏ đi.
* Diễm là lửa cháy có ngọn.
* Cứu là ngăn cản, cứu giúp.
* Nga là con ngài. Lông mày.

Vì kẹt vần, BS phải theo ÔC, giữ chữ phi nga.

Tặng Cung Nữ

Cấm cung cây đượm ánh trăng ngà,
Tổ cò mắt đẹp dõi nhìn xa,
Thoa ngọc nghiêng đưa gần bấc sáng,
Lửa hồng gạt nhẹ cứu phi nga.

Bát Sách.
(Ngày 11/01/2025)
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

贈內人-張祜 Tặng Nội Nhân - Trương Hỗ

禁門宮樹月痕過 Cấm môn cung thụ nguyệt ngân qua
媚眼惟看宿燕窠 Mị nhãn duy khan túc yến khoa
斜拔玉釵燈影畔 Tà bạt ngọc thoa đăng ảnh bạn
剔開紅燄救飛蛾 Dịch khai hồng diễm cứu phi nga

Mộc bản trong sách:

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁 cho dị bản lộ鷺=cò trắng thay vì yến燕=chim én

Ghi chú:

Nội nhân: thường chỉ người vợ, những người trong gia đình, những người sống trong cung cấm, ý bài thơ có lẽ chỉ riêng cung nữ
Cấm môn: cổng cung điện được canh gác nghiêm ngặt
Nguyệt ngân: ánh trăng, so sánh mặt đẹp của một người phụ nữ với trăng
Mị nhãn: đôi mắt tươi đẹp, tinh tế, diễm tình
Hồng diễm: ngọn lửa đỏ, chỉ tim nến hay bấc đèn dầu
Phi nga 飛蛾: bướm đêm hay ngài, tên khoa học Heterocera, là một loài côn trùng giống như loài bướm, nhưng thường không có màu sắc sặc sỡ như bướm, đêm thích bay quanh đèn; dịch là thiêu thân nghe thi vị nhưng sai nghĩa

Thiêu thân: tên khoa học Ephemeroptera cùng bộ phù du 蜉蝣 với chuồn chuồn


Phân tích bài thơ:

Tưởng cũng không thừa nếu ta xem xét và nhắc đến hình thức hoàn hảo của bài thất ngôn từ tuyệt (TNTT) về luật, niêm, vận, tiết tấu và bố cục.

Về bố cục hay cấu trúc của thơ TNTT, ta có thể xem chi tiết hơn. Nội dung của bài TNTT phải được gói ghém trong 4 câu 7 chữ và diễn tả theo trình tự 4 phần:
Đề, gồm câu 1, giới thiệu bối cảnh cho câu chuyện sẽ được kể ra: thời điểm, nơi chốn...
Cấm môn cung thụ nguyệt ngân qua
Trăng lấp ló từ cổng qua đám cây phía trong cung cấm
Thời điểm: đêm sáng trăng
Nơi chốn: cấm cung
Thực hay trạng, gồm câu 2, nói lên ý định, nội dung bài thơ...
Mị nhãn duy khan túc yến/lộ khoa
Đôi mắt đẹp đa tình cũng chỉ để nhìn én/cò về tổ
Luận, gồm câu 3, bàn rộng thêm về nội dung, tả cảnh hoặc tình cảm.
Tà bạt ngọc thoa đăng ảnh bạn
Nghiêng mình bên ánh đèn rút cây trâm ngọc ra
Kết, gồm câu 4, chuyển ý và tóm tắt, hoặc có ý mới gây xúc cảm hay tạo suy nghĩ thêm.
Dịch khai hồng diễm cứu phi nga
Khơi tim đèn cứu con bướm đêm/ngài.

Dịch Thơ:

Gởi Người Trong Cung

Trăng ẩn sau cây vườn ngự uyển,
Đa tình diễm lệ mắt cung tần.
Nghiêng mình cẩn bách rút thoa ngọc,
Khơi đèn bớt lửa cứu thiêu thân.

Ánh trăng vượt cổng chiếu vòm cây,
Về tổ vui vày chim én bay.
Ngoảnh mặt nhìn đèn trâm ngọc rút,
Khơi tim lửa đỏ cứu con ngài.

To Someone In The Palace by Zhang Hu
Moonlight slowly passed the forbidden gate and hid behind trees of the imperial garden,
Her beautiful eyes looked at swallows going back to their nests.
Tilting her head toward the lamp, she removed her jade hairpin,
And put out the red flame to save a moth. 

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

剔開紅燄救飛蛾=dịch khai hồng diễm cứu phi nga

蛾=nga là tên chung của các côn trùng loài ngài, còn có tên là phi nga (飛蛾) hay nga tử (蛾子), người Việt gọi chung là ngài hay bướm đêm. Một đặc điểm của loài ngài là chúng dùng nguồn sáng (sao, trăng) để định hướng và kết quả là bay gần dần dần vào các nguồn sáng nhân tạo, chẳng hạn như bếp lửa hay đèn. Đó là nguồn gốc của tên thiêu thân trong tiếng Việt; người Tàu không có chữ Hán nào tương đương với thiêu thân và người ni nghĩ Khai Trí Tiến Đức nhầm khi nói:


Trên nguyên tắc đặt tên, tên của côn trùng thường có bộ trùng (虫), nhưng ta không thấy bộ đó trong KTTĐ, và người ni tìm không thấy thiêu thân trong các từ điển Hán-Việt trước 1975, kể cả Thiều Chửu. Đa số loài ngài sống chừng một năm sau khi đã trưởng thành thay vì chỉ vài ngày. Con thiêu thân (Bộ Phù du (danh pháp khoa học: Ephemeroptera), hay con thiêu thân, con vật vờ, là một bộ thuộc nhóm Palaeoptera, cùng với bộ Chuồn chuồn. trích từ vn,Wikipedia) Cò nói đến có cái tên phù du (蜉蝣) vì chúng chỉ sống đủ lâu để làm tình, đẻ trứng; có nhiều loài không có cả bộ tiêu hóa để ăn. Và chúng không có khuynh hướng bay gần lửa.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét