Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Thiếu Tiểu Ly Hương, Lão Bất Hồi!


Hôm rồi, tình cờ đọc bài viết ngắn ‘’thành kính phân ưu’’ trên ‘’vietbao.com’’ của ký giả Vương Trùng Dương (viết hôm 02/07/2023), tôi mới hay tin nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả ca khúc nổi tiếng ‘’Trăng mờ bên suối’’ (*), đã qua đời hôm 19/5/2023, ở tuổi 93!

Trăng đã tàn bên suối!


Tin nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên mất tháng 5, khiến tôi liên tưởng đến nhạc sĩ Cung Tiến bởi hai ông có nhiều điểm giống nhau:

- Chào đời thập niên 30s (Ông Nguyên sinh 1930, ông Tiến sinh 1938)
- Sáng tác nhạc lúc còn rất trẻ (14, 15 tuổi)
- Du học sau khi đỗ tú tài
- Sống với ‘’nghề chuyên môn’’, âm nhạc chỉ là ‘’tài tử’’ (amateur)
- Cộng tác với chính quyền VNCH ( ông Nguyên từng là tùy viên kinh tế dưới quyền đại sứ VNCH tại Pháp Phạm duy Khiêm / ông Tiến là Thứ trưởng Kế Hoạch làm việc với Bộ Trưởng Nguyễn tiến Hưng)
- Có trình độ học vấn cao nhất trong giới ca, nhạc sĩ miền Nam
- Tham gia vào các hoạt động giúp đỡ nạn nhân Cộng Sản sau 75 ( Ông Tiến: tù cải tạo / Ông Nguyên: thuyền nhân )
- Chưa bao giờ về VN, từ sau 75
- Mất trong tháng 5, cách nhau gần đúng 1 năm (ông Tiến:10/5/2022 ; ông Nguyên:19/5/2023) nhưng cộng đồng người Việt chỉ hay tin vào tháng 6 .vv

Một trong những điểm khác biệt giữa hai ông, là ông Tiến về nước sau khi tốt nghiệp, trong khi ông Nguyên chưa bao giờ trở lại quê hương, từ 1950 ( theo wikipedia ) .Trả lời phỏng vấn của cô Bảo Trâm ( Paris 25/11/2001 ), ông cho biết :

Từ ngày Saigon mất và để trả lời câu hỏi của Trâm, tôi không bao giờ có ý định trở lại cố hương... Tôi sẽ trở lại quê quán một ngày mai nước Việt thanh bình và dân tộc ấm no, hạnh phúc. Xin lỗi Trâm, tôi không muốn nói thêm nhiều về chuyện này

Tuy ông Nguyên không muốn nói thêm nhiều về chuyện ‘’không về nước’’ của ông, nhưng tôi nghĩ là nó cũng giống cái lý do mà ông Bát Sách, một ‘’người di tản buồn’’, đã đưa ra trong bài ’’Cảm đề’’ của ông, sau khi dịch:

Hoài thượng hỉ hội Lương Xuyên cố nhân
Giang Hán tằng vi khách,
Tương phùng mỗi túy hoàn.
Phù vân nhất biệt hậu,
Lưu thủy thập niên gian.
Hoan tiếu tình như cựu,
Tiêu sơ phát dĩ ban.
Hà nhân bất qui khứ,
Hoài thượng đối thu san.
(Vi Ứng Vật)

Dịch nghĩa:

Trên sông Hoài mừng gặp bạn cũ đất Lương Xuyên
Chúng ta từng làm khách ở vùng Giang Hán
Khi gặp nhau, thường uống rượu say sưa mới về
Sau khi bái biệt ta lang thang như phù vân
Thời gian cứ trôi đi như nước chảy, đã mười năm.
Bây giờ ta lại vui cười, tình giống như xưa,
Nhưng tóc đã thưa thớt, bạc trắng rồi.
Tại sao mình không trở về quê cũ,
Mà cứ ở trên sông Hoài, đứng trước núi thu?
(Sông Hoài chảy qua các tỉnh An Huy, Giang Tô) ( nguồn : thivien.net)

Ttrên Sông Hoài, Vui Gặp Lại Bạn Cũ Lương Xuyên.

Từng nơi Giang Hán quê người,
Gặp nhau say khướt, về thời lao đao,
Kể từ mây nổi xa nhau,
Mười năm nước chảy, dãi dầu nắng mưa,
Vui cười, tình vẫn như xưa,
Ngậm ngùi vì mái tóc thưa ngả màu,
Quê nhà những muốn về mau,
Sao còn đứng trước giang đầu, núi thu?
(Bát Sách)

Hà nhân bất qui khứ? Tại sao không trở về quê cũ?
- Về đâu? – Nếu về quê-hương-cờ-đỏ thì .. còn lâu

Muốn về cũng chẳng thèm đâu,
Non sông nặng trĩu u sầu, héo hon,
Quê hương khuất bóng hoàng hôn*
Lưu vong vì lũ cáo chồn nghênh ngang.
(Cảm đề/ Bát Sách.)

* Tản Đà dịch câu ‘’ Nhật mộ hương quan hà xứ thị ‘’

Ông Lê Mộng Nguyên là em ruột ông Lê Mộng Hoàng, một đạo diễn nổi tiếng trước 75 ( Nàng, Nắng chiều, Mãnh lực đồng tiền , 5 vua hề về làng vv ). Nếu, sau 75, ông anh tiếp tục làm đạo diễn (và được tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú) ở Việt Nam thì, ở Pháp, ông em, giáo sư đại học, tham gia vào một số hoạt động xã hội ( kêu gọi ‘’cứu giúp thuyền nhân’’ ), chính trị ( viết những bài về Nhân quyền ) vv

Trước khi đọc bài phỏng vấn ông Nguyên của cô Bảo Trâm, dù ở ‘’không xa ông mấy’’ nhưng hầu như tôi chẳng biết gì về ông ngoài ca khúc ‘’Trăng mờ bên suối ‘’! Bây giờ, đọc những câu trả lời của ông, tôi rất khâm phục và quý mến ông, qua nhiều phương diện: âm nhạc, học vấn, nhân cách ! Nếu được đọc bài phỏng vấn này trước đó, thì tôi đã nhờ cô bạn P.K (trong ‘’Tổng Hội’’) thu xếp cho gặp ông rồi ! Ông là một trong số ít (!!) những sinh viên du-học-trước-54 còn gắn bó với ‘’miền Nam’’, nhất là với một quốc gia mà ông chỉ ‘’biết đến’’ qua chức vụ tùy viên kinh tế ở Pháp : Việt Nam Cộng Hòa (khai sinh từ sau Hiệp Định Genève, sau khi ông đi du học ) ..

73 năm chưa hồi hương!

73 năm! ‘’Nhân sinh thất thập cổ lai hy’’. Người ta, sống đến 70 là hiếm! Câu nói nhiều người biết này, là một câu trong bài ‘’Khúc giang, kỳ 2’’ ( sông Khúc, kỳ 2 ) của Đỗ Phủ, mà ý tương tự như câu ca dao của ta: ‘’chơi xuân kẻo hết xuân đi / cái già xồng xộc nó thì theo sau’’

Khúc Giang Kỳ 2

Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương thưởng mạc tương vy.
(Đỗ Phủ)

Dịch nghĩa

Ngày ngày khi tan triều, áo đẹp đem đi cầm ngay,
Ngày nào cũng ở đầu sông uống thật say mới về.
Nợ tiền uống rượu vốn chuyện thường nơi nào cũng có,
Xưa nay đời người sống tới bảy chục là hiếm hoi.
Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện ra,
Chuồn chuồn giỡn nước chập chờn bay.
Nhắc người rằng phong cảnh thường hay thay đổi,
Hãy cùng nhau hưởng đi, chớ nên bỏ qua.
(Năm 758)
(nguồn: thivien.net)

73 năm: hơn cả nửa đời người!

Khi ông Nguyên rời nước (1950), Việt Nam còn là một quốc gia toàn vẹn, lãnh thổ đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trong khối Liên Hiệp Pháp (Việt, Miên, Lào). 4 năm sau, đất nước bị chia đôi, để ra đời 2 quốc gia Việt Nam: Bắc Cộng Sản và Nam Cộng Hòa ! Trong 73 năm xa xứ, ông Nguyên biết là đã có, ngoài mấy triệu đồng bào bỏ mình trong 2 cuộc chiến ( Pháp-Việt; Cộng Sản-Cộng Hòa ), còn có mấy trăm ngàn (?) người chết sau “hòa bình”( tù chính trị, vượt biên, chiếm đóng Cam Bốt vv ), một thứ hòa-bình áp đặt, được điều đình, ký kết, giữa Hà Nội và các siêu cường ! Vì thế, sau 75, ngoài việc kêu gọi quốc tế cứu trợ thuyền nhân, ông Nguyên còn là một trong những người Việt ( Pháp gốc Việt ) tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ ở quê nhà , qua những bài viết (Pháp/Việt) trên các tạp chí ngoại quốc và cộng đồng tị nạn hải ngoại.

Đọc bài phỏng vấn của cô Bảo Trâm, điều làm tôi ngạc nhiên là, rời Việt Nam năm 20 tuổi, 73 năm sống và làm việc (dạy học) ở Pháp, không nói đến chuyện lập gia đình với một người phụ nữ bản xứ, chắc chắn là ông Nguyên sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt. Nhưng, từ những con chữ, cách hành văn, đến lời hát trong các sáng tác sau này (thập niên 2000), cho thấy ông vẫn còn thuần thục tiếng mẹ đẻ, xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ trẻ ''gốc Việt'' hải ngoại noi theo. Viết là vậy nhưng ông ‘’nói’’ thì sao?


Nghe ông Nguyên trả lời phỏng vấn của cô Hoàng Lan Chi (**), bằng một giọng Huế nhẹ nhàng, giống như những người bạn Huế của tôi thời ''Sài Gòn đẹp lắm'', tôi chợt nghĩ đến ông Hạ Tri Chương!

Ông Hạ Tri Chương (659-744) là một nhà thơ đời Đường, làm quan ở Trường An trong 50 năm, nổi tiếng với 2 bài ‘’Hồi hương ngẫu thư ‘’, viết khi về thăm quê cũ, sau mấy chục năm lưu lạc, nhất là
 
Bài 1:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

Dịch nghĩa

Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trông thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?

Bài 2:

Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ 2

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.

Dịch nghĩa

Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng,
Gần đây xóm làng con người nửa đã thay đổi mất.
Duy chỉ có Kính hồ ở trước cửa,
Gió xuân về vẫn không thay đổi con sóng xưa.
(nguồn: thivien.net)

Ông Hạ Tri Chương và ông Lê Mộng Nguyên đều đỗ Tiến Sĩ và đều sống xa quê.

Nói về bằng cấp, tôi thấy ông Nguyên giỏi hơn ông Chương, dù không có ai là phó .. tiến sĩ (!) . Ông Chương là người Tàu, đỗ tiến sĩ Tàu, là chuyện ‘’bình thường’’. Trong khi ông Nguyên là người Việt, đỗ tiến sĩ Pháp: điều mà ông Chương không .. làm được!

Nói về hoàn cảnh, ông Chương cũng khác ông Nguyên. Ông Chương quê ở Chiết Giang (Zhejiang) vùng biển, sống ở Trường An (Chang’an), cách Chiết Giang khoảng 700km. Đi… TGV chưa đến 5 tiếng. Ông Nguyên ở Paris, cách Huế gần 10.000 km, phi cơ bay mất 13 tiếng. Chưa nói ông phải đến ‘’tòa đại sứ’’ xin nhập cảnh, phải gặp mấy cái bản mặt khó ưa, hách dịch vv!!!!

Nhưng vấn đề không ở cây-số, cũng chẳng ở giấy tờ ! Người ly gia đâu giống kẻ ly hương!

Trường An ở Tàu, Chiết Giang cũng ở Tàu. Ông Chương, mấy chục năm sống ở Trường An, về thăm lại quê Chiết Giang, nơi có bánh bao, hoành thánh, có xíu mại, nước tương. Hệt như ở Trường An. Nếu ông có lạ cảnh, lạ người, thì cảnh vẫn là cảnh Tàu, người cũng vẫn người Hoa. Có đâu như ông Nguyên ? Nếu ông Nguyên, từ Paris về thăm Huế, sau khi ‘’hòa bình”. Thì cảnh: vẫn là cảnh Huế, nhưng sông Hương đã rác rưởi bập bềnh và cờ đỏ sao vàng đang phất phới trên kỳ đài thành Nội ! Thì người: vẫn là người Huế nhưng đã nghe đó đây những ''cái-nón-cối'' rổn rảng giọng Bắc-kỳ-2-nút : nói những từ sai nghĩa, dùng những chữ vô duyên ! Và những người quen biết năm xưa với ông, chưa chắc đã còn đó, sau cái tháng giêng Mậu Thân máu lửa tơi bời ! Nên, dù ông Nguyên ‘’hương âm vô cải’’, không ‘’mấn mao tồi’’, thì mấy đứa bé cũng không nhận ra ông. Bởi ông không nói: ‘’khủng’’, ‘’chảnh’’, ‘’vô tư’’, ‘’ấn tượng’’, ‘’hoành tráng’’, ''bức xúc'', ‘’đăng ký’’, ‘’đối tác’’ vv! Tiếng Việt của ông trong sáng quá thì làm sao mấy ‘’cháu ngoan Bác Hồ’’ hiểu nổi ?!!!

Trả lời câu hỏi của họa sĩ Khánh Trường (Hợp Lưu số 1 – 1991):’’ Với tư cách của một nhà văn lưu vong, anh có dự định sẽ trở lại quê hương’’, nhà văn Mai Thảo đáp:
- Chắc không. Lúc này và cả sau này, quê nhà còn Cộng sản hay không còn cũng vậy. Đã phải lưu vong, cho lưu vong thôi. Ở xa thôi’’.

Chuyện trở về sống ở quê hương khi ‘’không còn Cộng Sản », là chuyện của mỗi cá nhân. Riêng tôi thì cũng như ông Mai Thảo. Nghĩa là, nếu bây giờ, hoa Tự Do nở lại bên nhà, chế độ độc tài, độc Đảng không còn, thì tôi cũng không về đó sống, hưu (trí) hay chưa hưu. Như một số người tôi biết, ở đây !

Lìa quê hương ở tuổi hai mươi, như đại đa số người tị nạn, tôi đã phải ‘’đi lại từ đầu’’ nơi xứ lạ, bằng mồ hôi và nước mắt, bằng chân cứng và tay mềm, với rất nhiều ngày nhói lòng cùng những đêm thao thức nhớ quê hương ! Đứa bé bản xứ chào đời năm tôi đến, hôm nay đã là một người đàn ông, hay một phụ nữ, 44 tuổi !

44 năm sống trên xứ người, gia đình tôi đã mọc rễ ở đây. Con cháu tôi, anh em tôi, bạn bè tôi đều ở đây. Bên đó, họ hàng đếm trên đầu ngón tay, lại thêm mấy chục năm không liên lạc, biết ai mất, ai còn ?! Tri kỷ, tri âm xưa, cũng chỉ một hai tên. Ai chịu khó bỏ thời giờ để cùng tôi tiêu pha những ngày dài, tháng rộng ở quê nhà ?!

‘’Ở đâu quen đó’’. Nhưng không phải vì sống nơi đây lâu năm mà tôi đã thành trái chuối ….già ! (ngoài ‘’vàng’’, trong ‘’trắng’’), không còn thiết tha với ‘’chùm khế ngọt’’ (''quê hương là chùm khế ngọt''/ Đỗ trung Quân) ! Thật ra, tuy vẫn còn một tâm hồn Việt Nam, một trái tim Việt Nam, nhưng từ thói quen, lối sống, giải trí cho đến sự suy nghĩ, cách nhìn một vấn đề vv, tôi đã không còn giống với những người thân ‘’bên đó’’, những người cùng thế hệ tôi ! Nói chi đến cái xã hội xung quanh : một cái xã hội đã bị người CS ‘’chủ nghĩa’’ hóa (!) từ 48 năm nay ? ‘’Cận lai nhân sự bán tiêu ma’’ ( Gần đây xóm làng con người nửa đã thay đổi mất ). Chưa nói đến ‘’y tế, chăm sóc sức khỏe‘’, là vấn đề quan trọng hàng đầu của tuổi .. già, làm sao, ở quê nhà, có được cái trình độ, phẩm chất, nhân sự vv như quốc gia tôi đang sống ?! Nhưng, cái đáng sợ nhất là phải nghe, phải đọc những từ ngữ ‘’kỳ cục’’, lạ tai, sai nghĩa, được sử dụng vì thói quen (!), phát xuất từ cái nền văn hóa, giáo dục ‘’đấu tranh giai cấp’’, cái văn chương, nghệ thuật phải có ‘’tính Đảng’’, của một chế độ ‘’ưu .. diệt’’ (!!). Cần một thời gian dài, chứ không phải một sớm, một chiều mới trở lại được ‘’bình thường’’, ít nhất, là như trước-75 ! vv

Về như thế thì, với tôi, không phải để ‘’đi tìm lại thời gian đã mất’’ (‘’A la recherche du temps perdu’’ / M. Proust ) sau mấy chục năm lưu lạc, mà là ‘’phí mất cả thời gian còn lại’’ !
Chả nhẽ trở về, chỉ để chiều chiều, cùng một, hai người bạn cũ, ra bến Bạch Đằng, ngắm mấy đợt sóng lăn tăn mà khóc cho cái tuổi xuân mình đã bị ‘’đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ / nón tai bèo che mất nẻo tương lai “ ?!!!

Thôi đành ’’thiếu tiểu ly hương, lão bất hồi’’ vậy !!!

BP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét