(Bát Sách & Con Cò hợp soạn)
Trần Tử Ngang (陳子昂, 661-702), tự: Bá Ngọc (伯玉); là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên và là thi sĩ thời Sơ Đường. Ông là người Xạ Hồng, Tử Châu (nay là huyện Xạ Hồng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên). Xuất thân trong một gia đình hào phú lâu đời; hồi trẻ, ông chỉ ham học võ nghệ, săn bắn và đánh bạc; đến năm 17, 18 tuổi, ông mới chuyên tâm học và đọc sách.
Năm 684, ông thi đỗ Tiến sĩ lúc 23 tuổi, được Võ hậu (tức Võ Tắc Thiên) khen ngợi, cho làm chức Chính tự (chức quan ở phòng bí thư) ở Lân Đài, sau thăng làm Hữu Thập di (có sách đề là Tả Thập di, nên ông còn được gọi là Trần Thập Di).
Năm 26 tuổi, ông tham gia quân đội của Kiều Tri Chi, từng đến biên thùy phía Tây Bắc.
Năm 35 tuổi, ông làm tham mưu cho Kiến An vương Võ Du Nghi, theo quân đi chinh Đông, đánh quân Khiết Đan. Võ Du Nghi không có mưu lược, quân đi tiên phong đại bại, mấy lần Trần Tử Ngang hiến kế cho Võ Du Nghi, và hăng hái xin cầm quân ra trận; nhưng không được nghe theo, mà ngược lại còn bị chủ tướng trút giận lên đầu, hạ chức ông từ tham mưu xuống làm quân tào.
Bất đắc chí, năm 38 tuổi, ông lấy cớ cha già, xin từ chức về quê.
Năm 702, huyện lệnh huyện Xạ Hồng là Đoàn Giản, vì nghe lời xui giục của Tể tướng Võ Tam Tư (cháu Võ Hậu) nên đã hại chết Trần Tử Ngang. Năm đó, ông 41 tuổi.
Tác phẩm của ông có Trần thập di tập (Tập thơ thu thập những phần còn sót lại của họ Trần), trong đó có khoảng 120 bài thơ.
Theo Dịch Quân Tả, thì Trần Tử Ngang là người có "tình hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, ưa giúp người, và rất chân thật với bạn bè".
Sự nghiệp văn chương
Thời Sơ Đường, văn học còn chịu ảnh hưởng văn trào "diễm lệ" đời Lục Ttiều. Thấy lối văn ấy ưa "ủy mị, đồi phế", "lộng lẫy, đẹp đẽ quá mà tuyệt nhiên không gửi gắm điều gì" (chữ của Trần Tử Ngang), trong hoàn cảnh đó, Trần Tử Ngang đã đề xướng ra lối văn có tinh thần "phong nhã" và "phong cốt” Hán-Ngụy (tức thời Kiến An), bao hàm một nội dung tư tưởng lành mạnh, cứng cỏi. Ông nói: "Văn chương sa vào cái tệ đã 500 năm rồi, phong khí của Hán, Ngụy không truyền lại Tấn Tống... Tôi, những lúc nhàn, đọc thơ Tề Lương, lời thì rất đẹp mà tình ý đều không có, lần nào cũng thở dài". Bởi vậy, ông ra sức cổ súy cho phong trào "phục cổ", để rồi Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên là những người tiếp thu, phát triển làm cho phong trào ấy trở nên mạnh mẽ trong thời Thịnh Đường.
Từ chủ trương ấy, ông đã làm được một số bài thơ ưu tú, xây dựng được một phong cách thơ có nội dung, có hình tượng, lành mạnh, chất phác ... chứng minh lý luận ấy là đúng đắn và có sức sống. Đặc biệt là 38 bài "Cảm ngộ" (Cảm cánh gặp gỡ), mượn xưa ví nay, nói lên hoài bão của mình, hoặc nhờ cảnh gửi tình, vạch trần và châm biếm hiện thực, hoặc trực tiếp phản ánh hiện thực. Có bài thì đả kích Võ Hậu xây chùa tạc tượng, phung phí tiền của mà "không cứu giúp dân đen", có bài thì phơi trần cuộc chiến tranh phi nghĩa (đánh Sinh Khương), mang tai vạ đến cho binh lính và dân lành.
Bên cạnh đó, ông cũng có một số bài hoài cổ (như bài "Bạch Đế hoài cổ" [Ở thành Bạch Đế nhớ chuyện xưa], "Kế khâu lãm cổ" [Lên gò Kế xem cảnh năm xưa] và đề tặng khi ly biệt (như bài "Xuân dạ biệt hữu nhân" [Ngày xuân tiễn bạn] ...
Nhìn chung, ông là người có khả năng và cao vọng lớn nhưng không được trọng dụng, nên đã trút nỗi bất bình và buồn chán trong hàng loạt bài thơ.
Về hình thức, thơ ông kế thừa truyền thống "cổ thi ngũ ngôn" ở thời Hán-Ngụy. Bề ngoài, có vẻ "phục cổ", nhưng bản chất lại là "cách tân", dù sự cách tân đó còn nhiều hạn chế.
Nói về công lao của ông trong lãnh vực học, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng Trần Tử Ngang là một nhà thơ có vị trí nhất định trong thi đàn đời Đường. Và với công lao "vừa phá vừa xây" của ông, ông xứng đáng được xem là người mở đường cho thơ ca đời Đường phát triển.
(Trích trong Thi Viện)
***
Trần Tử Ngang (651-702), người Từ Châu, tỉnh Tứ Xuyên, rất giàu có. Khi lên kinh đô Trường An, muốn được nổi tiếng, ông bỏ ngàn vàng tổ chức một bữa tiệc để mời khách tới dự để nghe đàn... Nhưng ông không đàn, đập vỡ cây Hồ cầm quý giá, rồi đem một trăm cuốn thơ của mình ra tặng khách. Và ông nổi tiếng thật, thơ được nhiều người ca ngợi.
Năm 684, đời Đường Trung Tông, ông đỗ Tiến sĩ, được Vũ Hậu bổ làm Lan Đài Chính Tự, rồi thăng Hữu Thập Di. Ông đã dâng nhiều sớ trình bày về kế hoạch quốc gia, nhưng không được Vũ Hậu nghe theo. Khi Vũ Du Nghi phụng mệnh đi đánh Khiết Đan, Trần làm tham quân, dâng nhiều mưu kế, mà Vũ không nghe và bại trận. Trần chán nản, lấy cớ cha già, xin từ quan, về quê. Quan sở tại, biết Trần giầu, vu tội, bắt giam, muốn đòi tiền chuộc, và ông chết trong tù. Ông là người đề xướng việc thay đổi tác phong phù mỹ của các đời Tề, Lương, phục hồi phong cách đời Hán, Nguỵ, và có ảnh hưởng rất lớn tới thi ca thời Thịnh Đường.
Nguyên Tác Dịch Âm
登幽州臺歌 Đăng U Châu Đài Ca.
前不見古人 Tiền bất kiến cổ nhân,
後不見來者 Hậu bất kiến lai giả,
念天地之悠悠 Niệm thiên địa chi du du,
獨愴然而涕下 Độc sảng nhiên nhi thế hạ.
Chú Giải:
- U Châu đài ở U Châu, nay là Bắc Kinh, do Yên Chiêu Vương xây.
- Niệm là nghĩ, nhớ, mong.
- Du du là phiền muộn, xa vời, dài dằng dặc. (Chinh Phụ Ngâm có câu Tống quân khứ hề tâm du du, mà bà Điểm dịch là Đưa chàng lòng dằng dặc buồn)
- Sảng là thương xót.
- Nhiên là đúng, thế, vậy, nhưng.
Hai chữ này thường dùng làm chữ kép, có nghĩa là đau thương.
- Thế là nước mắt, viết với bộ thủy
Dịch nghĩa:
Viết ra văn xuôi thì rất dễ hiểu: Nhìn phía trước, không thấy người xưa, nhìn về sau, không thấy người sắp tới, nghĩ trời đất mênh mông, dài dằng dặc, một mình đau thương mà rơi lệ...
Dịch thơ:
*Dịch theo thể cổ phong:
Khúc Ca Lên Đài U Châu
Khúc Ca Lên Đài U Châu
Trước không thấy người xưa,
Sau chẳng thấy ai lại,
Ngẫm trời đất thật mênh mông,
Mình lệ rơi, buồn tê tái.
*Dịch theo thể lục bát:
Khúc Ca Lên Đài U Châu
Khúc Ca Lên Đài U Châu
Trước nhìn chẳng thấy người xưa,
Nhìn sau, bạn trẻ cũng chưa tới cùng,
Ngẫm rằng trời đất mênh mông,
Một mình đau xót, tuôn dòng lệ rơi.
Đây là một bài thơ theo thể cổ phong, hai câu đầu 5 chữ, hai câu sau 6 chữ
Lời bàn của Bát Sách:
Khi bình luận về bài này, vài người cho là Trần Tử Ngang tự cao, tự đại, chỉ có mình là nhất, vì trước và sau mình đều không thấy ai cả. Nói như vậy thì thật quá lời, và chẳng hiểu gì về tâm sự của tác giả cả. Trần là người có tài, đưa nhiều ý kiến mà không được Vũ Hậu và Vũ Du Nghi dùng tới, nên ông chán nản, cảm thấy cô đơn, vì không ai hiểu mình. Khi lên U Châu đài, giữa trời đất mênh mông vô cùng, trước sau chẳng thấy bóng người, ông càng cảm nhận được nỗi cô đơn mà đau thương, rơi lệ. Theo ý của BS, đây là một bài thơ tự thán, rất bình dị, nhẹ nhàng, nhưng gây nhiều xúc động, nhiều u hoài trong lòng độc giả.
Bát Sách.
(19 tháng 2 năm 2022)
***
Bài Hát Lên Đài U Châu
Trước không thấy người xưa
Sau không thấy người kế
Đất trời thăm thẳm đong đưa,
Cô đơn tuôn đôi dòng lệ.
Lời bàn:
Qua bài thơ này, họ Trần đã trầm cảm nặng. Đời ông trở nên hoang vắng. Ông lên đài U Châu mà không thấy ai trong triều chính, không thấy ai trong lịch sử, không thấy ai trong xã hội nữa. Nhìn trời đất đảo lộn. Đến nỗi lúc khóc cũng cô đơn (chả có ai khóc chung với mình). (Xin xem tiểu sử của Trần). Tả cái xấu xa của thời Võ Tắc Thiên bằng cách này mới thật thấm thía!
Tái Bút:
Trên đây chỉ là nhận xét của ÔC về Trần Tử Ngang theo tiểu sử của ông trên Thi Viện, nhưng Bát Sách đã kiếm thêm được vài chi tiết thuyết phục nữa vậy thì phải theo lập luận của Bát Sách.
Con Cò
***
Bài Ca Lên Đài U Châu
Nhìn về phiá trước vắng người xưa
Ngoãnh lại đời sau chẳng kế thừa
Suy gẫm đất trời bi thảm quá
U hoài cảm lệ thấm dòng mưa
Kim Oanh
***
Bài Hát Lên Đài U Châu
1/
Trước không thấy người xưa
Sau chẳng ai lấp ló
Ngẫm trời đất lúc nhặt thưa
Cô đơn lòng đau lệ nhỏ!
2/
Trông về trước, người xưa đâu tá?
Ngó về sau, nghiệt ngã chẳng ai
Trời cao rộng, đất trải dài
Cô thân đau xót lạc loài lệ rơi!
Lộc Bắc
Fev22
***
Bài Ca Lên Đài U Châu
Cổ nhân đâu dõi nhìn chẳng thấy
Ngoảnh trông vời không lấy bóng người
Mênh mông vô tận đất trời
Lòng đau lệ nhỏ đầy vơi riêng mình
Yên Nhiên
***
***
Bài Ca Lên Đài U Châu
Phía trước khuất người xưa,
Đằng sau kẻ mới chưa.
Ngẫm đất trời sao dài rộng.
Cô đơn lệ thảm như mưa.
Mỹ Ngọc
Feb. 24/2022
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:
登幽州臺歌-陳子昂 Ðăng U Châu Ðài Ca - Trần Tử Ngang
前不見古人 Tiền bất kiến cổ nhân
後不見來者 Hậu bất kiến lai giả
念天地之悠悠 Niệm thiên địa chi du du
獨愴然而涕下 Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ
Mộc bản trong Ngự Định Toàn Đường Thi
Bài thơ được đăng trong các sách:
Trần Thập Di Tập - Đường - Trần Tử Ngang 陳拾遺集-唐-陳子昂
Thi Thoại Tổng Quy - Tống - Nguyễn Duyệt 詩話總龜-宋-阮閱
Thăng Am Tập - Minh - Dương Thận 升菴集-明-楊愼
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬
Ghi chú:
U Châu: một trong mười hai tiểu bang cổ đại, ngày nay là Thành phố Bắc Kinh.
U Châu Đài: là Hoàng Kim Đài, còn gọi là Cầu Bắc Lâu, ở Đại Hưng thành phố Bắc Kinh ngày nay, do Yến Chiêu Vương xây dựng để chiêu nạp hiền sĩ trong thiên hạ.
Tiền: quá khứ
Cổ nhân: những vị thánh hiền thời xưa
Hậu: tương lai
Lai giả: những nhân tài sau này
Niệm: nghĩ đến
Du du: mô tả thời gian lâu dài và không gian rộng lớn.
Sảng nhiên: nỗi bi thương
Thế: nước mắt
Dịch Nghĩa:
Bài Ca Lên Ðài U Châu
Nhìn quá khứ (phía trước) không thấy thánh hiền,
Nhìn tương lai (phía sau) không thấy nhân tài đến.
Ta nghĩ rằng trời đất rộng lớn mênh mông không giới hạn,
Riêng ta đau lòng không kềm được nước mắt bi thương.
Chúng ta, ai không ít nhất một lần trong đời, cảm thấy cô đơn trong ước vọng của mình như TTN trong bài thơ này? Tình cảm này rất con người. Hơn hai ngàn năm trước, cũng trong bản thể con người, khi chết trên thập tự giá, Chúa Giê Su có than rằng: “Cha ơi, cha ơi, sao nỡ bỏ con?” Tiếng Aramaic: “Eli, Eli, lama sabachthani” - “My God, my God, why have you forsaken me?”
Dịch Thơ:
Bài Ca Lên Ðài U Châu
Anh hùng thuở trước chẳng còn ai,
Cao nhân tại thế chưa thao tài.
Trời đất mênh mông đâu nỗi thiếu,
Để ta đơn độc lệ chua cay.
The Ancients by Chen Zi Ang
Translation by Robert Payne
I look before, and do not see the ancients
Looking after, I do not see the coming ages
Only Heaven and Earth will last forever
Alone I lament, and my tears fall down.
On A Gate-Tower At Yuzhou by Chen Zi Ang
Translation by Witter Bynner
Where, before me, are the ages that have gone?
And where, behind me, are the coming generations?
I think of heaven and earth, without limit, without end,
And I am all alone and my tears fall down.
Up on Youzhou Watch Tower by Chen Zi Ang
Translation by Betty Tseng
Those of the past were before my time,
Who would be there in future I know not;
I think of how heaven and earth continue on perpetually,
Alone I dwell in sorrow and down flow my tears.
Song on Ascending the Youzhou Tower by Chen Zi Ang
Translation by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)
Ahead, I see no ancient sages,
Nor behind, those sages yet unborn.
While, on and on, heaven and earth shall roll,
Phí Minh Tâm
Góp ý:
幽州臺=U Châu đài.
Đài này chỉ còn tên trong lịch sử sau khi nước Yên đã bị Tần tiêu diệt (222 BCE), thế thì Trần Tử Ngang muốn nói gì với tựa đề này!?
U Châu được biết đến nhiều (về sau) hơn trong lịch sử dưới tên U Châu tiết độ sứ, cứ địa của An Lộc Sơn, nơi họ An tích trữ binh mã trong thập niên 740. ALS ra đời năm 703, một năm sau khi họ Trần lìa đời, nên điển tích U Châu đài chỉ có thể nhắc đến Nhạc Nghị-Yên Chiêu Vương hơn 9 thế kỷ trước thời Vũ Tắc Thiên-Trần Tử Ngang.
Thi sĩ họ Trần cao ngạo đến thế? TTN nhỏ thua Vũ Hậu ít nhất 30 tuổi và có lẽ không biết rành các chuyện triều chính/chính trị khi thi đậu tiến sĩ khoảng 24 tuổi và được Vũ hậu để ý vì văn tài nhân dịp tang lễ Đường Cao Tông nhưng bài thơ hàm ý lẽ vô thường của cuộc đời này làm tôi liên tưởng đến chuyện Khổng Tử mộng khôi phục cung cách nhà Chu.
Huỳnh Kim Giám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét