Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Cửu Nhật (Kim Triêu Bả Tửu Phục Trù Trướng) 九日 (今朝把酒復惆悵) - Vi Ứng Vật (Trung Đường)


Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người đương thời gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.

Nguyên bản Dịch âm

九日 (今朝把酒復惆悵) Cửu Nhật (Kim Triêu Bả Tửu Phục Trù Trướng)

今朝把酒復惆悵 Kim triêu bả tửu phục trù trướng,
憶在杜陵田舍時 Ức tại Đỗ Lăng điền xá thì.
明年九日知何處 Minh niên cửu nhật tri hà xứ,
世難還家未有期 Thế nạn hoàn gia vị hữu kỳ.

Chú giải:

Đỗ Lăng: Đất ở đông nam thành Trường An, quê quán của tác giả.
Thế nạn: Năm 783 đời Đường Đức Tông, quan tiết độ sứ Kính Nguyên là Diêu
Lệnh Ngôn làm phản, cử binh đánh chiếm Trường An. Vua phải chạy sang
Phụng Thiên cách Trường An hơn trăm dặm lánh nạn. Tác giả lúc này đang làm
thứ sử Trừ Châu (nay là huyện Trừ, tỉnh An Huy) và làm bài thơ này.

Dịch nghĩa:

Mồng chín (Sáng nay nâng chén lại thấy sầu)
Sáng nay nâng chén rượu lại thấy sầu,
Nhớ khi xưa ở điền xá Đỗ Lăng.
Ngày này năm sau không biết sẽ ở nơi nào,
Thời loạn chưa biết ngày nào mới về nhà.
(Cửu nhật: tiết trùng cửu, hay trùng dương, ngày 9-9).

Dịch thơ:

Mồng Chín (Sáng Nay Nâng Chén Lại Thấy Sầu)

Sáng nay nâng chén lại thấy sầu,
Chẳng nhớ Đỗ lăng điền xá sao!
Năm sau tháng chín nơi nào ở?
Thời loạn hồi hương chả chắc đâu.

Lời bàn:

Thơ của Vi Ứng Vật hầu hết đều giản dị sáng sủa. Ngay cả thất ngôn tứ tuyệt ông cũng không dùng điển (thường thì với số chữ rất hạn chế của thơ thất ngôn tứ tuyệt, các tác giả khác hay dùng điển để tiết kiệm lời). Với bài thơ này ông gói ghém tâm sự của mình trong 28 chữ rất bình dị. Tâm sự của ông như sau: đã lâu lắm mình chưa về thăm quê cũ ở Đỗ Lăng. Hôm nay là ngày trùng cửu (mùng 9 tháng 9), mình định về nhưng vì có giặc nên về không được. Thôi chờ đến ngày trùng cửu sang năm sẽ về… Nhưng trong thời loạn ly thì tính trước sao được? Vậy thì sang năm cũng chưa chắc về được… Nâng chén rượu mà uống chẳng vô…
Rất mộc mạc. Rất tự nhiên. Rất cảm động.

Tái bút:

Tâm trạng của Vi Ứng Vật giống tâm trạng của những Việt kiều cao niên đang sống lưu vong khắp thế giới: Năm nào tới ngày 30 tháng Tư cũng buồn thối ruột; đã gần nửa thế kỷ không dám nghĩ tới việc về sống tại quê hương; năm nay định về nhưng tình hình vẫn chưa ổn; thôi chờ sang năm xem sao. Nhưng
sang năm chắc gì tình hình sẽ ổn và chắc gì mình còn sống. Nâng chén rượu mà nuốt không trôi.
Riêng ÔC, vừa quá tuổi 90 được 1 tháng (sinh ngày 29-3-1934), cảm kích làm thêm 6 câu lục bát này:

Tình Non Nước 

Ai làm Non Nước chia ly,
Để Non xa Nước Nước thì quên Non.
Nước Non phận chẳng vuông tròn,
Non côi xót Nước Nước còn chênh vênh.
Rời Non Nước đổ xuống ghềnh,
Non ôm hận Nước Nước đành phụ Non.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Nâng Chén Sầu!

Nâng chén sầu lòng sáng sớm nay
Đỗ Lăng quê cũ nhớ đong đầy
Năm sau mùng chín nơi nào rõ?
Loạn lạc hồi hương khó định ngày!

Kim Oanh
Melb. 30.4.2024
***
***
Trùng Dương

Sáng nay nâng chén buồn tê tái
Nhà cũ Đỗ Lăng cách biệt lâu
Mồng chín sang năm đâu chốn nghỉ
Về quê thời loạn biết khi nào?

Lộc Bắc
***
Mồng Chín

Âu sầu chuốc chén lúc ban mai,
Nhớ Đỗ Lăng nhà đất chốn này.
Mồng chín năm sau đâu chỗ ngụ,
Về quê loạn lạc biết đâu ngày.

Mỹ Ngọc
Apr. 20/2024.
***
Ngày Trùng Cửu

Nhấp rượu hôm nay sầu có bay?
Đỗ Lăng vời vợi đã bao ngày
Về đâu Trùng Cửu mùa thu tới!
Loạn lạc nhớ nhà… há hẹn mai

Kiều Mộng Hà
Austin.4.21.24
***
Ngày Mồng Chín

Lòng buồn nâng rượu dạ bùi ngùi
Nhớ cảnh Đỗ Lăng xa hắt hiu
Trùng Cửu năm sau lưu lạc chốn?
Mơ về quê cũ ngập niềm vui

Thanh Vân
***
Bài Cảm Tác:

Một sống, hai chết tìm tự do
Xứ người tị nạn vẫn sầu lo
Dù nhà yên ổn, sinh hoạt tốt
Đất nước quê hương vẫn quanh co

Đồ Cóc
***
Cửu Nhật, Cửu Nguyệt, hay tiết Trùng Cửu, Trùng Dương là một huyền thoại của Trung Hoa từ đời Hậu Hán: Hoàng Cảnh học phép tiên với Phí Trường Phòng trong nhiều năm. Một hôm, Phòng nói với Cảnh “ ngày 9 tháng 9 sắp tới, gia đình nhà ngươi phải gặp tai nạn. Vậy hôm đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, mang cành thù du, uống rượu hoa cúc, tối mới trở về.” Cảnh theo lời thầy, khi về nhà thì thấy gà, vịt, heo, chó đều chết cả. Từ đó người Hoa có lệ, vào tiết Trùng Dương thì lên núi tránh nạn.
Đường Thi có nhiều bài về đề tài này, như Cửu Nhật, Cửu Nguyệt Ức Sơn Đông Huynh Đệ của Vương Duy, Cửu Nhật của Đỗ Phủ, và bài của Vi Ứng Vật kỳ này. Anh Giám cho rằng bài thơ của Vi không dính dáng gì tới loạn lạc thời Đường Đức Tông. Thật ra, thời đó, từ năm 781 tới 785, có loạn Tứ Trấn, mà loạn của Lý Hy Liệt là dữ dội nhất. Tôi nghĩ, Vi làm bài thơ vào tiết Trùng Dương, chỉ để than thân mà thôi, không hẳn có ý ám chỉ loạn của Lý, vì còn loạn của 3 trấn nữa, tất cả trong vòng 4 năm.
Lời bàn của ÔC làm BS vô cùng cảm khái… thôi thì anh em mình sẽ như cụ Tôn Thất Thuyết, một ngày nào đó:

Nhất đán hương hồn quy Tượng Quận,
Bách niên tàn cốt ký Long Châu.

Đây là bản dịch của BS:

Ngày Mùng Chín

Sáng nay uống rượu lại thấy sầu,
Nhà ruộng Đỗ Lăng nhớ đã lâu,
Năm sau ngày chín lưu lạc nữa,
Thời loạn, ngày về ai biết đâu.

Bát Sách.
(ngày 22/04/2024)

***
Nguyên tác:        Phiên âm:
九日-韋應物       Cửu Nhật – Vi Ứng Vật

今朝把酒復惆悵 Kim triêu bả tửu phục trù trướng,
憶在杜陵田舍時 Ức tại Đỗ Lăng điền xá thì.
明年九日知何處 Minh niên cửu nhật tri hà xứ,
世難還家未有期 Thế nạn hoàn gia vị hữu kỳ.

 Vi Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物
 Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-
洪邁
 Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代
詩選-明-曹學佺
 Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐
詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Cửu nhật: ngày 9 tháng 9 còn gọi là ngày Trùng Cửu hay Tết Trùng Dương.
Hai số 9 (cửu cửu) ý nghĩa sống lâu. Vào ngày này người Trung Hoa xưa thường lên nơi cao, mang heo rượu cúc và lá hoặc hột thù du để được may mắn.
Đỗ Lăng: từ trước năm 65, thời Tây Hán, huyện Đỗ Lăng ở Tây An, Thiểm Tây, quê hương của thi nhân
thế nạn: Vi Ứng Vật là quan nhà Đường. Lúc trẻ, ông từng làm thứ sử Giang Châu, rồi Tô Châu nên được gọi Vi Giang Châu và Vi Tô Châu. Đang làm thứ sử Trừ Châu, An Huy, năm 783 ông viết bài thơ trong quan điểm của triều đình, có lẽ khác suy nghĩ của người dân. Vì chiến tranh, vua phải tạm thời di tản, bỏ Trường An chạy qua Phụng Thiên cách hơn 100 dặm, quan không được rời nhiệm sở về thăm quê hương, nói tóm không được vui hưởng Tết Trùng Cửu.

Dịch nghĩa:
Ngày 9 (Năm 783)

Hôm nay thấy buồn khi nâng chén rượu,
Nhớ lại lúc trước khi sống ở nông trại Đỗ Lăng.
Tôi biết sẽ đi đâu vào ngày 9 năm tới,
Thời loạn lạc không biết lúc nào được về nhà.

Dịch thơ:
Ngày Trùng Cửu

Nâng chén hôm nay chỉ thấy sầu,
Đỗ Lăng ngày ấy đã bao lâu.
Năm sau Trùng Cửu dù toan liệu,
Thời loạn thăm nhà chắc được đâu.

九日-韋應物 The Nineth by Wei Ying Wu

今朝把酒復惆悵 I felt sad when lifting the cup of wine today,
憶在杜陵田舍時 Recalling the time living at Du Ling farmhouse.
明年九日知何處 I know where to go next year on Double Nine Festival,
世難還家未有期 In trouble time, you can not be certain when you can visit

Viết thêm:

Năm 785, Vi Ứng Vật có làm một bài Cửu Nhật khác, 5 chữ 4 câu. Tình thần bài thơ này không còn bi quan “thế nạn” như trong bài 7 chữ 4 câu trước đây. Ông không còn quan tâm đến thời tiết, không biết hoa cúc nở tháng 9, không còn nhớ nhà, bận rộn có nhiều quý khách thăm viếng nhờ mới được thăng chức thái thú Ngô Quận, nay là thành phố Tô Châu, Giang Tô.

九日 Cửu Nhật Ngày 9 (năm 785)

一爲吳郡守 Nhất vi Ngô quận thủ Thái thú quận Ngô ta,
不覺菊花開 Bất giác cúc hoa khai Không hay cúc nở hoa.
始有故園思 Thủy hữu cố viên tư Quá nhiều khách viếng tụng,
且喜衆賓來 Thả hỷ chúng tân lai Giờ có nhớ quê nhà.*

*Người dịch hoán chuyển 2 câu 3 và 4 để giữ vận.

Phí Minh Tâm 
 ***
Góp Ý:

Viết về ngày Cửu nhật:

九日=cửu nhật là một lối gọi 重陽節九日=trùng dương tiết, hay tiết trùng cửu, khi người Tàu ngày xưa có tâp tục leo núi, đeo nhánh sơn thù du và uống rượu cúc để ngừa tai họa. Ngày này cũng là dịp du hí cuối cùng trong năm trước mùa đông. Vi Ứng Vật làm bài thơ trong ngày Trùng Cửu nhưng không nói gì đến chuyện leo núi hay uống rượu cúc mà lại than vì thế nạn!

Vi Ứng Vật làm thứ sử thời Đường Đức Tông. Sáu năm đầu thời Đức Tông luôn luôn loạn lạc vì các phiên trấn thay nhau, hay hùa nhau, nổi loạn. Tháng 8 năm Kính Nguyên thứ tư (783), tiết độ sứ Lý Hi Liệt tấn công Tương Thành, tháng 9 Đức Tông sai tiết độ sứ Diêu Lệnh Ngôn phản công. Diêu đem 5000 quân vào Trường An trong mùa đông giá lạnh; lính đói thay vì được thưởng nên nổi loạn. Những biến cố này xảy ra sau tiết Trùng Củu và không có liên hệ gì với bài thơ Cửu Nhật.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét