Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thụ 題平陽郡汾橋 - Sầm Tham (Thịnh Đường)


Sầm Tham 岑參 (715-770) tổ tiên ở Nam Dương sau di cư tới Giang Lăng, dòng dõi của tể tướng Sầm Văn Bản 岑文本 (595-645), thi nhân đời Đường đại biểu cho thơ biên tái cùng với Cao Thích 高適. Tác phẩm có Sầm Gia Châu thi tập 岑嘉州詩集.

Nguyên tác Dịch âm

題平陽郡汾橋 Đề Bình Dương Quận Phần Kiều

邊柳樹 Biên Liễu Thụ
此地曾居住 Thử địa tằng cư trú,
今來宛似歸 Kim lai uyển tự quy.
可憐汾上柳 Khả liên Phần thượng liễu,
相見也依依 Tương kiến dã y y.

Dịch nghĩa

Vịnh cây liễu bờ sông Phần ở quận Bình Dương
Ta đã từng ở nơi này
Nên năm nay ta trở lại
Khá thương cho cây liễu trên bờ sông Phần
Lúc gặp lại ta vẫn thấy như hồi nào
(Sầm Tham từng ở Bình Dương 8-9 năm).

Dịch thơ
Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần Ở Quận Bình Dương


Đất ấy từng cư ngụ,
Năm nay trở lại xem.
Liễu sông Phần dễ mến,
Gặp lại vẫn y nguyên.

Con Cò
***
Vịnh Cây Liễu Sông Phần

Đây chốn ta từng ở
Trở về thăm lúc này
Khá thương Phần liễu rủ
Gặp lại vẫn không thay!

Năm xưa từng ngụ chốn này
Về thăm thỏa ước năm nay, một lần
Khá thương cây liễu sông Phần
Gặp nhau vẫn vậy, ân cần như xưa!

Lộc Bắc
***
Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần

Bình Dương một thuở nơi này
Nhớ nhung chốn cũ mong ngày đoàn viên 
Thương thay cội liễu sông Phần
Bao năm gặp lại tình thân chẳng dời

Kim Oanh
***
Cây Liễu Bên Bờ.

Ta từng ở chốn này,
Trở lại thăm hôm nay.
Liễu bến Phần thương mến,
Gặp nhau chẳng đổi thay.

Mỹ Ngọc
Apr. 27/2024.
***
Cây Liễu Bên Sông

Bình Dương nơi ngụ thuở xưa
Năm nay trở lại cho vừa nhớ thương
Sông Phần rủ nhánh liễu dương
Bao năm vẫn vậy vấn vương bóng hình

Thanh Vân
***
Góp ý:

Đọc bài thơ nhiều lần, BS chẳng thấy gì hấp dẫn, chỉ hơi cảm khái một chút vì Sầm về lại chốn xưa mà cảnh vật còn y như cũ, không phải như mình, nếu trở lại Sàigon thì tìm đâu ra kỷ niệm, “con đường xưa em đi “…
Y là dựa vào, bảo vệ, yêu thích, như cũ, hoặc dáng cây cối tốt tươi. Theo Nguyễn Tôn Nhan thì Y Y, chữ kép là dáng mềm mại.

Trong mây cuốn Đường thi của BS, chỉ sách của Trần Trọng Kim có bài này, được dịch theo lục bát:

Đất này trước đã ở lâu,
Năm nay trở lại khác đâu về nhà,
Khá thương cây liễu trên bờ,
Thấy nhau vẫn cứ nhởn nhơ như thường.

Sau đây là bài dịch của Bát Sách:

Ngũ ngôn:

Đất đó ta từng ở,
Năm nay lại trở về,
Khá thương cây Phần liễu,
Nhìn lại vẫn xum xuê.

Lục bát: (theo ý ÔC)

Ta từng ở tại nơi đây,
Trở về nhớ những ngày đầy ái ân,
Khá thương cây liễu sông Phần,
Nhìn nhau còn thấy dáng xuân thủa nào.

Bát Sách
***
Nguyên tác: Phiên âm:

題...柳樹-岑參 Đề...Liễu Thụ - Sầm Tham

此地曾居住 Thử địa tằng cư trú
今來宛似歸 Kim lai uyển tự quy
可憐汾上柳 Khả liên Phần thượng liễu
相見也依依 Tương kiến dã y y

Bài thơ có mộc bản trong sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp `御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺

Ghi chú:

Tựa đầy đủ là: Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thụ (Tham tằng cư thử quận bát cửu niên) 題平陽郡汾橋邊柳樹 (參曽居此郡八九年)

Bình Dương: quận nay là Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây
Phần: sông Phần, chảy qua Bình Dương, Sơn Tây, dài khoảng 716 km và là chi lưu lớn thứ hai của sông Hoàng Hà
Uyển tự: thích
Quy: trở về nhà.
Khả liên: dễ thương.
Y y: mô tả thái độ quan tâm đến cây liễu, phất phơ trong gió.

Dịch nghĩa:

Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần Ở Quận Bình Dương

(Tham từng sống ở quận này tám chín năm)

Ta từng sống ở đất này,
Hôm nay thích trở về thăm nơi cũ.
Cây liễu dễ thương trên bờ sông Phần,
Thấy lại cũng như hồi nào (không thay đổi).

The Willow Tree by the Fen River Bridge in Ping Yang by Cen Can
I used to live in this area,
Today I return to visit.
The likeable willow on the bank of the Fen River,
Seems not to have changed.

Dịch thơ:

Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần

Thể lục bát:

Trước kia từng sống nơi đây,
Về thăm chốn cũ hôm nay thỏa tình.
Liễu xưa không đổi dáng hình,
Phất phơ trong gió một mình bên sông.

Thể ngũ ngôn tứ tuyệt:

Từng sống ở nơi này,
Hôm nay viếng lại đây.
Liễu yêu đón gió mát,
Hình dáng vẫn không thay.

Phí Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét