Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Thời Gian Vỗ Cánh Bay Như Quạ!

 
(Trái:Đại Uý Đoàn Phương Hải - Phải:Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù -Damber, Campuchia 1971)
 
Hôm nay là ngày 17/03/2022 .

13/3/1972: những trang đầu tiên trong nhật ký hành quân của Thiếu tá Đoàn Phương Hải, trưởng ban 3 Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, viết về tuần lễ ở Pleiku, nơi tác giả vừa được Không vận từ Sài Gòn lên, nơi đêm nào cũng “phê pháo“ với bè bạn Không quân ở Hội quán Phượng Hoàng, trước khi Tiểu Đoàn nhảy xuống Charlie, ngày 25/03

Charlie: cứ điểm quân sự, cách quận lỵ Tân Cảnh ( Kontum ) khoảng 10km, nơi con chim đầu đàn Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù: Trung tá Nguyễn Đình Bảo “ở lại” cùng với 300 thằng em, sau khi đã anh dũng 1 chống 6, trước màn “mưa-pháo-thí- quân” của Cộng sản ( dùng 2 Trung Đoàn / sư đoàn 320A đánh 1 Tiểu đoàn Dù)
Charlie mất ngày 14/4, một tuần sau là Tân Cảnh, nơi đặt Bộ chỉ huy của sư đoàn 22. Khuya 23/4, Đại tá Lê Đức Đạt , tư lệnh sư đoàn 22, tử trận (tự sát?) khi Cộng Sản dùng biển người tấn công QG!

Cổ lai chinh chiến chẳng ai về!

Theo bài viết một số nhân chứng, nguyên nhân mang đến cái chết của các chiến sĩ TĐ 11 Dù, của Bộ Chỉ Huy sư đoàn 22, xuất phát từ cố vấn quân đoàn Paul Vann, khi"quyết định" 11 Dù phải tử thủ Charlie, khi không gọi B52 tiếp cứu Tân Cảnh. Cái quyết định sai lầm chiến thuật, cái tị hiềm nhỏ nhoi với cá nhân Đại Tá Đạt của ông "cố vấn gốc dân sự"này ( Võ trung Tín / Nguyễn hữu Viên ) đã làm cho mặt trận Tân Cảnh tan vỡ! Ngày 9/6/1972, đến phiên Paul Vann tử trận, ở tuổi 47. Gì thì gì, Paul Vann cũng là một người ngoại quốc chết cho quê hương Việt Nam của tôi! Xin tri ân ông!

Bây giờ, 2022, ở Việt Nam, Charlie chỉ là "tên đã nghe quen" với những người miền Nam đã đi qua cái " mùa xuân đỏ lửa" ấy. "Người ở lại Charlie" nổi tiếng nhờ ca khúc của Trần thiện Thanh, nhờ tác phẩm "Mùa Hè Đỏ Lửa" của Phan Nhật Nam nhưng Tân Cảnh? – Bao nhiêu người biết Lê Đức Đạt là ai? - Còn ai nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh ở Tân Cảnh năm ấy?

Đối chọi với 4 Sư đoàn: 320A, 2, 10, 968 / 4 Trung đoàn / chiến xa, pháo binh hùng hậu / 6 Tiểu đoàn phòng không / thêm 20.000 quân "du kích"/ ... của Bắc quân, VNCH tung ra: 3 sư đoàn ( 22, 23 Bộ binh, sđ 2 Không quân ),1 Lữ đoàn Dù , 1 đại đội trinh sát , 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 thiết đoàn, 1 Tiểu đoàn BĐQ! Cán cân quân sự đã nghiêng hẳn về Bắc Việt, thêm sai lầm của Paul Vann, mất Tân Cảnh là chuyện phải đến!

Nhưng, mất Tân Cảnh không có nghĩa là mất Kontum. Sau 3 tháng quần thảo với quân lực VNCH ở"mặt trận B3", tướng Hoàng Minh Thảo rút tàn binh về Bắc, sư đoàn 2 Sao Vàng bị xóa tên cùng 30 T54 và nhiều súng phòng không, đại pháo bi phá hủy ! Ngày 31/5/1972, Tổng thống Thiệu đáp máy bay xuống Kontum gắn lon Chuẩn tướng cho Đại tá Lý Tòng Bá, tư lệnh sư đoàn 23
Từ "Người ở lại Charlie"cho đến" Kontum kiêu hùng "là 6 tuần.

Thế mà đã 50 năm!


"Sáng ngày 14/3/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang,Phụ tá an ninh của Tổng thống đến Cam Ranh để họp với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2& Quân khu 2. Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú phải rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 tại hai tỉnh Pleiku và Kontum về khu vực duyên hải miền Trung (Phú Yên và Khánh Hòa) để tái phối trí lực lượng phản công chiếm lại Ban Mê Thuột ( https://vietbao.com/a33971/14-3-1975-tong-thong-thieu-quyet-dinh-bo-cao-nguyen

Từ "triệt thoái cao nguyên"(14/3 ), "rút khỏi Đà Nẳng" (30/3) cho đến " bàn giao Sài Gòn"(30/4), vỏn vẹn chỉ là 6 tuần ! 20 năm quân lực oai hùng, cuối cùng, chỉ trong 45 ngày, người Lính miền Nam phải hộc máu, buông súng! Hỏi Trời hay hỏi .. Mỹ ?!

Thế mà đã 47 năm!


Lúc sinh tiền, nhà văn Hoàng Hải Thủy hay nhắc đến câu thơ của văn-thi-sĩ Tchya Đái Đức Tuấn:"Thời gian vỗ cánh bay như quạ”. Tại sao lại "quạ" mà không là một loài chim khác? Con én chẳng hạn? “Thời gian vỗ cánh bay như én”, đọc lên nghe khác ngay. Về âm cũng như về ý. Dấu sắc nghe đỡ nặng nề hơn dấu …. nặng. Én mang xuân đi nhưng én cũng mang xuân về. Chả bù với quạ! Tôi ít thấy người nào yêu quạ, trừ mấy ông “tắc đáo nữ phòng/nay dìa mai ở “! Từ cái màu đen tang tóc cho đến cái đầu tóc bù xù. Từ những tiếng kêu rờn rợn trong một đêm thu đã ám ảnh nhà thơ Quách Tấn khiến “ tình hoang mang gợi tứ hoang mang” cho đến những lặp đi, lặp lại lạnh lùng: “ nevermore “ trong “ The Raven “ của Edgar Poe. Không bao giờ nữa! Tuổi xuân qua rồi, không bao giờ trở lại nữa (?) “Cố nhân xa rồi”, không ai về lại lối xưa. Không bao giờ. Không bao giờ nữa!

Thời gian vỗ cánh bay như quạ / Bay hết đường xuân kiếm chỗ ngồi / Rượu hết, gà kêu, cô cuốn chiếu / Quay về còn lại mảnh tình tôi !” ( Tchya ) . Rượu không còn, trời lại sáng, người tình thì ra đi. Quay đi, quay lại, chỉ còn mảnh tình mình. Một mình mình với một mình mình! (Một mình mình biết một mình mình hay / Kiều)!

Ca khúc "Hier Encore" của Charles Aznavour được Herbert Kretzmer viết sang Anh ngữ với tựa đề “Yesterday when I was young”, qua tay Phạm Duy, trở thành: “Ngày Hôm Nao”. 3 versions, 3 đoạn kết. Pháp: "Où sont-ils à présent mes vingt ans?". Anh: 'The time has come for me to pay for yesterday when I was young”. Việt: “Ta tiếc, ta nuối âm thầm / Ngày đó ta còn xuân “. Tôi thích version lời Việt. Ngày xưa thì không thấy gì nhưng bây giờ, mỗi lần (nghe) hát đến đây, tiếc thì chẳng tiếc, nuối thì không nuối, lòng chỉ bùi ngùi, thương cảm!

Thời gian vỗ cánh bay như quạ!
Quay về: bạc trắng tuổi đôi mươi !! 


BP
17/03/2022

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét