(Cô Phi Yến, Học trò, Thầy Hữu Trí)
Khoảng 11giờ sáng chuyến xe đò Vĩnh Long từ từ dừng lại bến Long An, đã gần ba mươi năm, tôi chưa gặp được thầy. Tôi thường gọi thầy là “ thầy ruột”. Sao là ruột? Anh trai tôi cũng là học trò của thầy, anh nói với tôi:
- “ Thầy ruột” bị phá mà học trò không bị la rầy, thầy không chỉ là thầy, mà còn là người anh cả, và là người bạn. Thầy cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ học trò, những đứa em..lúc khó khăn, hoạn nạn, hay hoà mình vui đùa ...
Đơn giản thế thôi!
Xe đò dừng, tôi gọi Honda ôm, vào nhà thầy, đường xá đang sửa nên khúc khuỷu quanh co, đôi lúc lún cát phải xuống đẩy xe. Đây cũng là lần đầu tôi diện kiến dung nhan của cô, cũng hơi lo không biết cô sẽ thế nào?.
Đứng trước căn nhà tươm tất, xinh xinh đối diện là một trường học. Tôi bước vào gọi thầy. Thầy cô vui mừng tiếp đón tôi rất chân tình, cô rất trẻ đẹp, vui vẻ, diụ dàng, những nét đó đã xoá tan đi niềm lo lắng của tôi. Tôi vô cùng xúc động, hình ảnh gia đình tôi, được thầy cô ưu ái trưng bày trong tủ ở phòng khách, pha chút hảnh diện. Thì ra mình cũng là “học trò ruột” chứ bộ!
Thầy vui cười nói:
- Trời ơi, sao em khác trong hình quá!
Vừa nói thầy vừa chỉ vào tủ kính.
- Nè thấy không, thầy cô lộng hình em to vầy mà thầy nhìn em hổng ra.
Tôi cười pha trò:
- Phải chi thầy đừng “lộng kiếng” em, thì thầy nhận ra rồi.
Thầy cô oà cười vui say:
- Em đúng là…y như xưa.
- Vậy em vẫn trẻ như xưa hả thầy?
- Ý thầy là em vẫn ngỗ nghịch kìa.
Những tràng cười dòn dã, cô ân cần gọt trái cây cho tôi ăn. Trong suốt năm tiếng đồng hồ, thầy trò hàn huyên tâm sư, nhắc về những ngày tháng xưa, những lúc thầy bị học trò “ quay”, nói hoài không dứt… Nhưng thời gian không cho phép, tôi phải từ giã thầy cô ra về. Thầy cô đi hai chiếc Honda đưa tôi ra ngõ lộ chính đón xe về Vĩnh Long.
…Xe đò từ từ chuyển bánh…xa dần, tôi ngoái đầu nhìn lại tự nhiên nước mắt rưng rưng… qua lớp kính, bóng thầy cô mờ dần nhưng hình ảnh ấy … vẫn sáng ngời như gương….soi suốt trong cuộc đời tôi.
Trở lại Úc tôi vẫn thường liên lạc thăm thầy cô, qua điện thoai thầy cô đều vui mừng. Thầy kể tôi nghe về sinh hoạt gia đình, cô cũng làm việc cho trường học, hai người con trai thầy đã lớn và học hành thành tài, thầy vẫn dạy Toán. Tôi cắc cớ phỏng vấn thầy:
- Mỗi ngày thầy làm gì thầy?
- Thì cũng như trước đây, sáu giờ sáng thầy pha café nhâm nhi rồi lên lớp, trưa về nhà ăn uống nghỉ ngơi, chiều lại đến trường. Duy chỉ có một điều khác là học trò thời nay….rồi thầy bỏ lững câu nói.
- Thời nay thế nào hở thầy?
- Học sinh ngày trước tình nghĩa thâm sâu nhiều lắm. Thầy luôn nhắc nhở cho học trò mới nghe về học trò xưa.
- Thầy cho em biết cảm nghĩ của thầy về dạy trường chúng em?
- Trường rất đẹp, cổ kính, học trò ngoan nhưng… “sợ”.
- Ai sợ vậy thầy?
- Thầy sợ chứ ai.
Hai thầy trò cùng phá lên cười …
- Thầy có biết hồi xưa khi thầy về trưòng, làm xôn xao học trò lắm không?
Thầy khiêm tốn :
- Thầy có gì hay ho đâu, tại cổng trường khép lại các em còn thấy ai ngoài những ông thầy, nên các em thần tượng hóa thôi.
- Thầy ơi, ngày xưa chúng em phá thầy quá xá, chắc thầy giận lắm hả thầy?
- Không dám đâu em, thầy giận chắc không tốn tiền ăn cơm tháng.
- No hơi hả thầy!?
Thầy cười to thay lời xác nhận. Thầy tiếp:
- Ghét các em thì chưa có, vì chiều về nhà trọ các thầy có những mẩu chuyện vui quậy phá của các em, cũng giúp quên đi những nhọc nhằn và nỗi nhớ xa nhà. Thế mà sau khi rời trường Tống Phước Hiệp về quê nhà ở Long An, thầy lại nhớ nhà Vĩnh Long quá . Mỗi khi có dịp, học trò xưa ở Sài Gòn hay bao xe về ghé Long An “bắt cóc” thầy về Vĩnh Long họp mặt, thầy rất trân trọng tình nghĩa này.
Ngay cả một Đại Dương, đồng nghiệp của thầy, đệ tử cũng không quên mà thầy cũng nhớ, cảm ơn tất cả rất nhiều đã thương yêu thầy nơi quê nhà.
- Thầy ơi, thầy có biết vì sao không?
Thầy cười, im lặng không lên tiếng, tôi tiếp lời:
- Tại vì thầy là người chúng em kính trọng, ơn dạy dỗ của thầy chúng em mãi mãi không quên. Trải qua bao biến động, con người cũng không yên, nhưng phong cách của thầy vẫn là một điểm son, thầy vẫn đáng kính như hôm nào.
Bên kia đường dây điện thoại, thầy xúc động thực sự, giọng nói lạc đi.
- Cảm ơn em, đã cho thầy thấy nghề nghiệp thầy không bạc bẽo và lặng lẽ.
Thôi em gác máy đi, xuyên Đại Dương tốn tiền lắm.
- Dạ em tạm biệt thầy, khi khác em gọi về, em kính chúc sức khỏe thầy cô.
- Chào, cám ơn em.
- Dạ, em chào thầy.
Hôm nay Noel 2008, tôi nhận được thư thầy viết cho tất cả học trò “ vài dòng tâm tình”.
Thầy kể tôi nghe một câu chuyện cảm động. Mỗi lần thầy đi lên bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn tái khám, khi ra khỏi cổng bệnh viện thì có một người học trò xưa đã đứng đó chờ thầy, trao cho thầy chiếc giỏ trong đó là tất cả những ân cần, cả tấm lòng chân tình người học trò gửi cho thầy. Người học trò ấy rất chu đáo lo cho bệnh tình của thầy.
Lại là một “học trò ruột” nữa!
Kèm theo, thầy viết đôi dòng cho tôi, lời thầy làm tôi rơi nước mắt….!
Em Oanh.
Nhận được thiệp chúc mừng của em hôm kia. Sao tự nhiên khi người phát thư ghé cửa, chó ở nhà sủa báo tin, thầy nghĩ là thư của em ( có gì đó phi vật chất dẫn truyền?)
Cô ở nhà rất vui đọc những lời chúc tốt đẹp. Rất cảm ơn Oanh và thầy cô cũng xin ơn trên phù hộ cho Oanh và các con, cùng gia đình lớn luôn gặp nhiều may mắn, thành đạt và vui khoẻ, hạnh phúc trong cuộc sống.
Đêm 24/12/2008
Tại nhà ở Long An.
Thay mặt gia đình
Thầy cũ
Ký tên…
Huỳnh Hữu Trí
(Thầy Cô hai con trai và con dâu)
Chúc mừng Xuân Mậu Tý 2008, tôi điện thoại về thăm sức khoẻ, thầy cô rất vui, thầy hân hoan báo tin, thầy vừa cưới vợ cho đứa con trai lớn và tháng hai năm nay thầy về hưu sáu mươi tuổi.
Tôi thầm bảo: nhanh quá, cuộc đời! Năm nay sức khoẻ thầy cũng yếu vì bệnh, nhưng thầy rất lạc quan, thầy nghe tôi buồn thầy không bằng lòng.
- Em phải biết quý từng giờ, phải vui vẻ, yêu đời mới sống được với cuộc đời, em đừng lo cho thầy, dạo này thầy cũng đỡ nhiều. Đừng gửi gì cho thầy nữa, để lo cho gia đình bên đó.
Vâng, em biết quy luật vũ trụ sẽ có một ngày “ tóc trắng như vôi…” .
Dòng thời gian cũng như chiếc lá chuyển mình rời khỏi thân cây, em cố gắng giữ gìn cho chiếc lá rơi một cách êm đềm không để lại vết đau. Một lúc nào nhớ đến và nhìn lại thầy trò vẫn còn một “ di sản tuổi thơ ” phải không thầy.
Điện thoại về thăm thầy cô, thầy cô lại vui thêm một lần nữa, thầy cô vừa cưới vợ cho đứa con thứ hai.
Riêng thầy thì đã về hưu vì cũng một phần lý do sức khoẻ, nhưng hình như thầy không xa được học trò và cũng còn yêu cái nghề. Thầy tiếp tục nhận dạy kèm học sinh tại gia.
Thầy trò lại nhắc một vài mẩu chuyện xưa, hỏi thăm từng người bạn, từng học trò ở phương xa một cách rất ân cần. Thầy cô ơi, hai tiếng cảm ơn, kính mến đối với thầy cô chắc là không đủ ý em. Em rất hân hạnh được làm học trò của thầy ngày xưa, hôm nay và mãi mãi…
***
Hàng ngồi: Thu Thủy, Cúc, Kim Dung, Vĩnh
Háng đứng: 1, Tùng Thu, Thanh Xuân, 4, Cô, Thầy,Bé Tư, Vinh, Bé Phương
( CHS Tống Phước Hiệp - NK 1969-1976)
Mùa xuân 2009 vừa qua tôi lại gọi về thăm thầy cô, thầy mừng vui khoe với tôi là, học trò cũ niên khoá 1969-1976 cùng nhau về thăm thầy cô để mừng xuân mới.
Thầy trằn trọc không ngủ được vì cảm đông và vui mừng quá đỗi. Thầy không ngờ ngày nay thầy vẫn còn trong nỗi nhớ và lòng kính trọng của học trò. Thầy đã vẽ cành mai lên tấm bảng đen treo trên vách và lời chúc mừng xuân mới để tiếp đón học trò.
Trước khi ra về, học trò mong muốn được một lần được bắt tay thầy, mà ngày xưa không dám xin thầy. Đó là niềm vui và cũng là một biểu lộ lòng thương yêu thầy cũ.
Thế là bao nụ cười nở tuơi và đẹp như những đóa hoa mai mà thầy đã trao tặng cho học trò. Những cái choàng vai thân thiết kết thành chuỗi…cười đời đời không phai.
Vậy là lại có thêm “nhiều…và nhiều học trò ruột” khác nữa!
***
Mỗi khi ôn về quá khứ…tất cả những người hiện diện trong cuộc đời tôi, con đường góc phố, sân trường.. vạn vật, thời gian, không gian như lắng động nơi đây trong cái hiện tại này… Dù hạnh phúc hay đau thương cùng hoà vào nhau thành một màu rực rỡ, như chiếc cầu vòng ngũ sắc ước mơ.
Mơ gì? Tôi vẫn hoài mơ “ xin mãi được làm một cô học trò nhỏ của thầy và của trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long."
Quang Võ, Thầy, Kim Oanh, Kim Sa, Thu Cúc, Nga....
(Lễ kỷ Niệm 55 năm ngày thành lập trường Tống Phước Hiệp 2004)
Ba năm học với Thầy môn Toán, Đệ Tam A4, Đệ Nhị A4, Đệ Nhất A ( D8 sau 1975) - 1969-1976
Australia 2010
***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét