Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Hát Rong – Hát Xẩm – Trầm Ca – Du Ca

 

Hát Rong

Hát Rong được gọi là Troubadour, tên của một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn vào thời kỳ trung cổ ở Âu Châu. Người phụ nữ hát rong được gọi là Troubairitz. Phong trào hát rong phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1100 đến năm 1350 ở vùng Occitania và lan rộng khắp Âu Châu, đặc biệt tại những nơi thuộc miền Bắc nước Pháp, miền Bắc nước Ý và Tây Ban Nha, sang cả Đức và Bồ Đào Nha. Phong trào hát rong sau đó dần dần lụi tàn vì những khuynh hướng thưởng ngoạn thay đổi của xã hội. (Trích Wikipedia).
Hát Rong thường quy tụ một nhóm năm bảy người đi hát từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt họ có những buổi trình diễn do các nhà quý tộc, lãnh chúa hay những kẻ giàu có tổ chức trong các lâu đài dinh thự. Những lần biểu diễn như thế có thể kéo dài trong năm ba ngày, có khi hàng tháng và họ rất được những người tổ chức ái mộ vì thuở đó chưa có những nhà hát hay những nơi trình diễn để họ có thể đến đó hầu thưởng thức những bài hát và nghe đọc thơ. Nội dung các bài hát rong thường lấy chủ đề như Tinh Thần Hiệp Sĩ và Tình Yêu Thanh Cao. Giới bình dân như nông dân thợ thuyền hiếm khi là thính giả để những kẻ hát rong phục vụ cho họ nên có thể nói rằng những người hát rong chỉ hát để phục vụ cho thành phần giàu sang, quyền quý, trưởng giả vì họ được nhận những món tiền thưởng (thù lao) khi đến phục vụ và còn được nuôi ăn trong suốt thời gian trình diễn. Thỉnh thoảng những người hát rong cũng thấy xuất hiện trong các buổi lễ hội do chính quyền hoặc các nhà giàu đứng ra tổ chức mà dân chúng có thể đến nghe.
Âm nhạc của hát rong là các bài hát thế tục truyền thống được hát bằng tiếng bản xứ kèm theo các nhạc cụ đệm và được trình diễn bởi các ca sĩ chuyên nghiệp và các nhà thơ. Ngôn ngữ hát rong bắt nguồn từ Occitania, khi lan tràn qua Pháp thì được gọi là Trouvère và hát bằng tiếng Pháp.
Sinh hoạt hát rong đồng thời tương ứng với sự phát triển đời sống văn hóa ở Provence kéo dài từ thế kỷ 12 đến thập niên đầu của thế kỷ 13 tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền Bắc nước Ý và Pháp. Nghệ thuật hát rong của những Troubadour đã đóng góp cho sự phát triển sau này của nền âm nhạc thế tục. Đặc biệt trong hơn hai nghìn bài hát rong thời bấy giờ, nội dung thường có những lời thơ đi kèm.
Trong những bài hát rong thịnh hành thời đó, ta thấy có một số thể loại như: bài hát về tình yêu (tỏ tình, chia tay với người yêu, trách móc người yêu, mơ mộng…), những bài nói về cuộc Thập Tự Chinh, về giáo dục, về sự phẫn nộ thách thức, những bài ca ngợi hiệp sĩ, các bài châm biếm tranh luận và những bài ca ngợi đời sống du mục…

Hát Xẩm


Hát Xẩm là một thể loại hát dân gian phát xuất miền Bắc Việt Nam. Hát xẩm được dùng để gọi những người hát dạo thời xưa – thường là những người khiếm thị, nghèo khổ đi hát rong để mưu sinh. Họ thường biểu diễn ở các khu đông người qua lại như ở chợ, đường phố…
Theo truyền thuyết, vào đời nhà Trần, vua Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán (đừng nhầm với Trần Quốc Toản) và Trần Quốc Đĩnh do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị hãm hại, bị chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Biết hai mắt bị mù nên Trần Quốc Đĩnh than khóc rồi thiếp đi. Trong giấc mơ Trần Quốc Đĩnh thấy Phật hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn gỗ, dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật kỳ lạ, đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó những người đi rừng nghe tiếng đàn nên đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đi khắp nơi và vào tận hoàng cung, vua nghe được nên mời ông vào hát và nhận ra ông là con của mình. Trở lại đời sống trong cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn lời ca dạy cho những người khiếm thị để họ có nghề kiếm sống. Hát Xẩm ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được coi là ông tổ của nghề hát Xẩm cũng như bộ môn hát xướng nói chung trong dân gian Việt Nam. Nhưng theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử nào tên Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Thái tử con vua tên là Khảm, sau lên ngôi vua là Trần Nhân Tông, một người con nữa là Tả Thiên Vương. Vì vậy nguồn gốc hát Xẩm là dựa trên truyền thuyết dân gian chứ không truy tìm được ra từ chính sử.
Hát Xẩm có hai làn điệu chính là “Xẩm Chợ” và “Xẩm Cô Đào”. Hát “Xẩm Chợ” thì điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát bằng lời hát chính và đệm bằng đàn bầu và đàn nhị cùng sênh phách. Còn hát “Xẩm Cô Đào” thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hất Xẩm Cô Đào được đệm bằng đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và đàn nhị. Hát Xẩm còn sử dụng làn điệu dân ca miền Bắc như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc hay sa mạc.
Từ xa xưa, khi hát Xẩm vẫn còn nguyên vai trò xã hội của nó, người khiếm thị hiếm khi hát Xẩm độc lập, họ thường đi theo ‘nhóm Xẩm’, thường là vợ, chồng, con cái của người hát. Tinh thần trọng điểm của nghề hát Xẩm thể hiện qua truyền thuyết trên là tinh thần kiên cường, vượt qua những khó khăn trở ngại để vẫn giữ thái độ lạc quan, yêu đời. Điều này không chỉ được phản ảnh qua nghịch cảnh của vị hoàng tử trở lại hoàng cung từ rừng sâu mà còn thể hiện trong thực tế: Những người hát Xẩm khiếm thị luôn có mặt khắp nơi để mang tiếng hát cho đời, đưa những lời ca và triết lý nhân sinh đến tận tâm hồn người nghe.
Troubadour ở Âu Châu và hát Xẩm ở Việt Nam có thể coi là cùng xuất hiện trong cùng thời điểm gần nhau. Troubadour xuất hiện vào thế kỷ 12-13. Hát Xẩm ở Việt Nam xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 13 theo truyền thuyết.
Nói đến Troubadour ở Âu Châu hay hát Xẩm ở Việt Nam cũng chỉ là những liên tưởng đến việc “ca hát” ngày xưa trước khi đề cập đến một hình thái “ca hát” đã hình thành giữa thế kỷ thứ 20 tại Miền Nam Việt Nam. Đó là Trầm Ca và Du Ca.

Trầm Ca

Trầm Ca là gì? Xin trả lời đơn giản: Là những bài ca khi hát lên khiến cho người nghe “bị” hay “được” tác động nên khiến phải có một chút suy nghĩ. Suy nghĩ điều gì? Suy nghĩ về thân phận làm người, suy nghĩ về hoàn cảnh xã hội chung quanh, suy nghĩ về tình hình đất nước như chiến tranh, chết chóc cùng với những bất công xã hội… Đặc biệt Trầm Ca muốn gửi tiếng nói đến giới Trẻ gồm những thành phần thanh niên, sinh viên, học sinh là những người đang trực diện với nhiều thảm cảnh xã hội do chiến tranh gây nên. Mục đích của Trầm Ca là mời gọi mọi người nhận thức được hoàn cảnh xã hội để rồi cùng nhau dấn thân phục vụ tha nhân chứ không ngồi một chỗ để “than thân trách phận” hoặc “than trời trách đất”. Trầm Ca là những lời mời đi xây dựng một quê hương đổ nát vì chiến tranh, hàn gắn lại những đau thương, chia rẽ, hận thù. Tiếng hát của Trầm Ca, cuối cùng với mong ước là mang lại sự lạc quan, niềm hy vọng trong cuộc sống. Giai điệu và ngôn ngữ của Trầm Ca trầm thống nhưng lành mạnh, hùng hồn nhưng cũng chất chứa tình yêu quê hương với những thúc giục gọi mời tha thiết.

Khi vừa bước chân ra khỏi ngưỡng cửa trung học, sáu chàng trai cũng là sáu tráng sinh Hướng Đạo Việt Nam tại thành phố sương mù Đàlạt đã chọn đi chung một con đường phục vụ tha nhân bằng hình thái sinh hoạt văn nghệ. Tuy ở Đàlạt và đang theo học đại học ở đấy nhưng họ đã chọn thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa là nơi khởi thủy để đóng góp tâm ý và tiếng hát của mình. Sáu chàng trai tuổi mười tám đôi mươi sẵn có tinh thần mạo hiểm của Hướng Đạo Sinh đã rời bỏ thành phố hiền hòa lắm hoa thơm cỏ lạ, đồi núi chập chùng, mưa sương mù mịt quanh năm để về thủ đô, chốn phồn hoa đô hội. Sáu chàng trai đó là: Nguyễn Đức Quang, Hoàng Kim Châu, Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Đinh Gia Lập và Nguyễn Quốc Văn. Chỉ vài tháng, sau khi Trầm Ca có mặt ở một số nơi để sinh hoạt tại Sài Gòn thì có một giáo sư đang dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc tình nguyện đến sinh hoạt chung với Trầm Ca, đó là cô Đỗ Thị Phương Oanh. Ngoài những bài hát Nhận thức do Trầm Ca sáng tác, họ còn sử dụng nhiều bài hát theo thể loại ca cổ, dân ca Bắc Trung Nam, dân ca các sắc dân thiểu số và dân ca của một số dân tộc trên thế giới, các bài Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Hùng sử ca, kể chuyện, kịch, đọc thơ… để đem đến cho người nghe nhiều làn điệu dân gian chân chất của thời xa xưa cũng như những âm giai trầm hùng, nghe ra như thúc giục người người dấn thân vào con đường phục vụ tha nhân, xây dựng đất nước và nối kết tình người.

Nguyễn Đức Quang (trái), Hoàng Kim Châu (giữa)

Vì là những tráng sinh Hướng Đạo nên khi về Sài Gòn, họ cũng có sự giúp đỡ tinh thần và khuyến khích của các Trưởng Hướng Đạo tại thủ đô như Trưởng Trần Trọng Lân, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Ngọc Yến và các nhà hoạt động thanh niên như các anh Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Hà Tường Cát, Đỗ Anh Tài, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu… Địa điểm ca hát của họ là những khuôn viên đại học, các sân trường trung học, các hội quán thanh niên sinh viên, hội Việt Mỹ, hội Giáo Chức… Nơi nào cần nghe Trầm Ca thì họ đều có mặt như Huế, Đà Nẵng, Đàlạt, Phan Thiết, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, An Giang… Họ cũng có mặt để hát tại các quân y viện, trung tâm huấn luyện của quân đội, trung tâm chiêu hồi, trại tù binh cộng sản và ngay phía sau trận địa. Sau hơn một năm ca hát ở thủ đô, Trầm Ca đã gây được tiếng vang và ảnh hưởng đến khuynh hướng thưởng ngoan ca nhạc, một loại ca nhạc không sân khấu, không đèn màu xanh đỏ như phòng trà hay khua đàn đập trống của các đại nhạc hội mà là một thứ ca nhạc trên sân cỏ cùng với người nghe cũng đồng thời cũng là những người vỗ tay và cùng ca hát.

Du Ca


Du Ca là hậu thân của Trầm Ca. Như trên đã trình bày, thành viên Ban Trầm Ca vốn là những Hướng Đạo Sinh nên công việc Giúp Ích chính là châm ngôn của họ như một trong những Lời Hứa của Hướng Đạo. Vì lẽ đó, họ đã dấn thân tham dự vào những công tác xã hội ngay tại địa phương họ lớn lên và về sau tại nhiều nơi trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam như: sửa cầu, sửa đường, xây nhà, đào giếng, dựng nhà vệ sinh, chăm sóc y tế, dạy học, vân vân, tại nhiều vùng của đồng bào tị nạn chiến tranh hay những nơi xa xôi ở miền Trung, miền Tây. 

Ban ngày làm việc, đêm đến họ lại quây quần bên ánh lửa ca hát để đem niềm vui và tạo sự lạc quan cho những người tham dự thuộc đủ mọi thành phần thanh niên thành thị cũng như các vùng quê. Họ có mặt ở công trường bùn lầy quận 8 Sài Gòn, công trường nắng cháy Quảng Trị, trại tù binh Phú Lợi Bình Dương, trung tâm chiêu hồi Thị Nghè cho đến trại công tác hè của Chương Trình Công Tác Hè 1965 tại Thạnh Lộc Thôn, Gia Định, chương trình CPS (chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường)… Sau vài buổi sinh hoạt ở trại Thạnh Lộc Thôn, Ban Trầm Ca được sự chú ý của các thành viên trong Ban tổ chức trại vì đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn nghệ ngoài trời cho giới trẻ trong lúc tham gia công tác.


Những thành viên trong Ban tổ chức trại sau đó đã gặp gỡ và tìm cách giúp đỡ cho Trầm Ca để sau này trở thành Phong Trào Du Ca. Điều đầu tiên là những huynh trưởng này giúp cho Trầm Ca có một nơi trú ngụ khá ổn định. Sau đó được giới thiệu với Bộ Thanh Niên để mở được 8 khóa huấn luyện về “Thanh Ca Tác Động” khắp 4 vùng chiến thuật tại Huế, Đà lạt, Sài Gòn và Vĩnh Long. Thành quả của các khóa “Thanh Ca Tác Động” là có được những hạt giống cho Phong Trào sau này. Những vị huynh trưởng đóng góp nhiều công sức nhiều nhất cho thành quả này là các anh Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Toàn…

Hình ảnh vài sinh hoạt của Du Ca trước 1975.

Khi mà khắp các địa phương thành lập các Toán Du Ca là lúc phải vận động để biến việc ca hát với mục đích tiên khởi của Trầm Ca thành một Phong Trào chính thức trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Bộ Văn Hóa Giáo Dục đã cấp giấy phép hoạt động cho Phong Trào Du Ca Việt Nam. Chủ tịch đầu tiên của Phong Trào là anh Đinh Gia Lập, sau đó là anh Hoàng Ngọc Tuệ. Trưởng xưởng Du Ca đầu tiên là Nguyễn Đức Quang, trưởng xưởng kế tiếp là nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu. Những nơi thành lập đoàn Du Ca đầu tiên phải kể đến là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Sài Gòn, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… với số đoàn sinh lên đến cả ngàn. Trụ sở đặt tại số 114 Sương Nguyệt Ánh, Quận I, Sài Gòn. Số nhạc sĩ Du Ca ngày càng đông với Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quyết Thắng,Trần Đình Quân, Anh Việt Thu, Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phạm Minh Hùng, Trần Trọng Nam, Trầm Tử Thiêng, Giang Châu, Nguyễn Thiện Cơ, Bùi Công Thuấn, Lưu Quang Diệp, Hồ Văn Thành, Phan Ni Tấn…


Đêm ra mắt Phong Trào Du Ca được tổ chức tại đại giảng đường Spellman của Viện Đại Học Đàlạt với sự hiện diện của Linh mục viện trưởng, các giáo sư, sinh viên cùng rất đông văn nghệ sĩ và giới báo chí từ thủ đô đến tham dự.
Sau tháng tư 1975, Phong Trào Du Ca bị chính quyền cộng sản ghép vào “những đoàn thể phản động” và tìm đủ mọi cách để triệt tiêu đồng thời với Phong Trào Hướng Đạo. Nhưng suốt gần nửa thế kỷ, những gì hợp với lòng người, hợp với đạo lý thì không bao giờ tiêu diệt được. Những năm đầu thế kỷ 21, Du Ca lại xuất hiện trong một số sinh hoạt của các bạn trẻ ngay tại thủ đô xưa của Việt Nam là Sài Gòn và một số tỉnh thành lân cận. Dĩ nhiên là “sinh hoạt chui” chứ không được “bán công khai” như Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam. Nói thêm: Trong các cuộc biểu tình chống Formosa và chống giao đất cho Tàu tại Vân Đồn Quảng Ninh, người ta nghe đám đông cùng hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang. Người thiếu nữ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyên Phạm Đoan Trang khi vào lánh nạn tại Sài Gòn đã đến sinh hoạt với anh chị em Du Ca cho đến ngày bị bắt đi tù. Sau đó nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục tìm cách trấn áp và đe dọa một số thành viên của Phong Trào Du Ca cho đến nay.


Tại hải ngoại, những bài hát Du Ca đã được các bạn trẻ hát từ các đảo tỵ nạn ở Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông… sau tháng tư 1975 và Phong Trào Du Ca đã tái phục hoạt tại hải ngoại từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Hiện tại Du Ca chính thức có mặt tại Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi… Riêng tại Hoa Kỳ có “Đoàn Du Ca Bắc California” và “Đoàn Du Ca Nam California” đang sinh hoạt thường xuyên và tham gia các sinh hoạt văn nghệ đấu tranh cùng với các cộng đồng Người Việt Quốc Gia. Tại thành phố Houston của Texas có toán Du Ca Lam Sơn thuộc Tráng Đoàn Nguyễn Trãi Hướng Đạo Việt Nam. Chủ tịch Phong Trào Du Ca hiện nay là dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ.

Phong Châu

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Ơn Thánh Mùa Chay!

  

Con tin tình Ngài bao la
Khát khao được Chúa thứ tha lỗi lầm
Dâng lên lời nguyện âm thầm…
Ngài luôn hiểu thấu ân cần đỡ nâng

Giáo đường vọng tiếng chuông ngân
Nhắc con biết sống chứng nhân một đời
Tiếng chuông giục giã gọi mời
Giúp con đừng xét nét lời ghét ganh

Hãm mình buông bỏ lợi danh
Dọn lòng sám hối đua tranh xa rời
Tình Ngài tuôn đổ cao vời
Mùa Chay ơn Thánh sáng ngời tâm con

Amen!


Kim Oanh
Mùa Chay 16.3.2024


Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Chu Trung Dạ Vũ 舟中夜雨 - Bạch Cư Dị(Trung Đường)

   

Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, 9 tuổi đã hiểu âm vận, mười lăm tuổi đã bắt đầu làm thơ. Ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông thường nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết, mục đích của văn chương là phải diễn đạt tình cảm của nhân dân”. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Họ Bạch chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được; tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự. Thơ ông rất trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ, hồ sen… đều có đề thơ của mình.

Mỗi câu trong bài Chu Trung Dạ Vũ mang một yếu tố buồn. Chất buồn trong hai câu kết là trọng tâm của bài thơ.

Nguyên tác  Dịch âm

舟中夜雨     Chu Trung Dạ Vũ

江雲暗悠悠 Giang vân ám du du
江風冷修修 Giang phong lãnh tu tu!
夜雨滴船背 Dạ vũ trích thuyền bối
夜浪打船頭 Dạ lãng đả thuyền đầu
船中有病客 Thuyền trung hữu bệnh khách
左降向江州 Tả giáng hướng Giang Châu.

Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815) Bạch Cư Dị bị giáng chức và đổi đi làm tư mã Giang Châu.

Dịch thơ:

Trong Thuyền Mưa Đêm

Mây trên sông đen màu
Gió trên sông lạnh mau
Mưa gõ thuyền trên nóc
Sóng xô thuyền ngay đầu
Trong thuyền một khách bệnh
Bị biếm tới Giang Châu

Lời bàn 

Lúc kết thúc bài này là lúc buồn nhất đời của Bạch Cư Dị nhưng ông vẫn chế ngự được nỗi đau, không đến độ trầm cảm như Đỗ Phủ. Một phần vì ông không nghèo như họ Đỗ và trong thời ông sống không nhiều giặc giã như thời Đường Minh Hoàng. Họ Bạch tả nỗi buồn của một người ngồi trong một con thuyền chở mình tới nơi an nghỉ (chưa phải nơi an nghỉ cuối cùng).

Câu 1:
Tả đám mây đen trên đầu; chưa buồn mấy…
Câu 2:
Tả gió lạnh thổi trên sông; cũng chưa buồn nhiều…
Câu 3:
Tả mưa gõ trên mui thuyền; bắt đầu buồn nhiều hơn…
Câu 4:
Tả sóng xô ngay mũi thuyền; dường như nỗi buồn đang sửa soạn dâng lên…
Câu 5:
Tạm ngừng tả buồn, để nói tới vai chính trong thuyền đang bệnh nặng, báo động nỗi buồn lớn nhất sắp tới…
Câu 6:
Nỗi buồn lớn nhất tới rồi: Tuổi già + bệnh nặng + cô đơn + bị biếm đi Giang Châu xa vạn dặm chờ chết = Ắt là buồn Nhất.

Bạch Cư Dị tả nỗi buồn bị biếm bằng bài thơ ngũ ngôn lục cú, trông thì đơn sơ, nhưng thực ra nó là một nỗi buồn tiệm tiến (buồn lớn dần tới khi không thể buồn hơn… ). Bái phục.

Tái bút:

Có vài dị bản đổi cụm từ dạ vũ (mưa đêm) thành vũ dạ (đêm mưa) nhưng ÔC vẫn đồng ý với Thi Viện với 4 chữ trong đầu đề Chu Trung Dạ Vũ vì những lý do sau đây:

Trong 4 câu đầu tác giá đã nhấn mạnh 4 chữ vân, phong, vũ, lãng trong 4 cụm từ giang vân (mây trên sông), giang phong (gió trên sông), dạ vũ (mưa trong đêm), dạ lãng (sóng trong đêm) mà ÔC đã dịch thoát trong bài dịch ngũ ngôn lục cú nguyên bản của họ Bạch.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Trong Thuyền Mưa Đêm

Mây giăng xám, trên sông sương khép
Gió vi vu, lạnh khiếp kinh người
Mui thuyền rả rích mưa rơi
Sóng đêm vỗ mạn buồn ơi tháng ngày
Trong khoang người bệnh đèn lay
Một thân phụng mệnh lưu đày Giang Châu!

Kim Oanh
Mar 2024
***
Đêm Mưa Trong Thuyền 

Mây sông tối mịt mù
Gió sông lạnh vi vu
Mưa đêm mui thuyền gõ
Sóng đêm dập thuyền đầu
Trong thuyền có khách bệnh
Bị giáng hướng Giang Châu

Mây sông đen sẫm mịt mù
Gió sông lạnh lẽo vi vu kinh người
Mưa đêm mui lá rụng rơi
Sóng đêm vùi dập đầy vơi mũi thuyền
Trong khoang khách bệnh triền miên
Một thân bị giáng hướng miền Giang Châu

Lộc Bắc

***
# Du là xa vời, lo lắng, buồn phiền.
Du Du làm BS nhớ tới câu tống quân khứ hề tâm du du trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn mà bà Đoàn Thị Điểm đã dịch là đưa chàng lòng dằng dặc buồn. Chữ dằng dặc này hay lắm.

# Tu là tu hành, tu sửa, cao, xa, lâu dài.
# Trích là giọt nước. Nếu động từ thì là nhỏ xuống, rơi xuống.
# Bối là lưng. Bối thuyền là mui thuyền.

Trong Thuyền Đêm Mưa

Mây sông tối âm u,
Trên sông gió lạnh lùa,
Mui thuyền mưa đêm nhỏ,
Đầu thuyền sóng đêm khua,
Trong thuyền có khách bệnh,
Biếm Giang Châu mút mùa…

Như đã nói ở trên, BS thích chữ dằng dặc để dịch du du. Tu tu là lâu dài, BS dịch là đằng đẵng cho có vẻ Việt Nam, mà phải theo thể lục bát:

Mây sông dằng dặc đầy trời,
Gió sông đằng đẵng lùa hơi lạnh về,
Mui thuyền mưa nhỏ tỉ tê,
Đầu thuyền sóng vỗ bốn bề xôn xao,
Trong thuyền có khách đang đau,
Bị đầy tới tận Giang Châu tít mù..

Bát Sách.
(Ngày 03/03/2024)
 
***
Đêm Mưa Trong Thuyền

Mây sông tối sẫm màu
Gió sông thổi lạnh sao
Mưa đêm rơi tí tách
Sóng vỗ mũi thuyền chao
Trong thuyền có người ốm
Giáng chức trực Giang châu

Kiều Mộng Hà
Austin.3.2.24
***
Đêm Mưa Trong Thuyền.

Mây sông phủ ngút dài
Gió lạnh thổi tung bay.
Mưa đêm ngoài mái táp,
Sóng gió mũi thuyền lay.
Bên trong người mỏi mệt,
Đến Giang Châu lưu đầy.

Lục Bát.

Mây sông phủ kín mịt mù,
Gió sông lạnh lẽo vi vu từng hồi.
Mưa đêm trên mái đổ rơi,
Mũi thuyền gió táp sóng nhồi lắc lư.
Trong thuyền người mỏi mệt nhừ,
Giang Châu thẳng tới an cư lưu đầy.

Mỹ Ngọc 
Mar. 2/2024.
***
Đêm Mưa Trong Thuyền

Bên sông mây vần vũ
Gió lạnh thổi vù vù
Mưa đêm rơi ào ạt
Sóng dập vỗ lắc lư
Trong thuyền người yếu mệt
Đày Giang Châu tít mù

Thanh Vân
***
Nguyên tác: Phiêm âm:

舟中雨夜-白居易 Chu Trung Vũ Dạ - Bạch Cư Dị

江雲暗悠悠 Giang vân ám du du
江風冷修修 Giang phong lãnh tu tu!
夜雨滴船背 Dạ vũ trích thuyền bối
風浪打船頭 Phong lãng đả thuyền đầu
船中有病客 Thuyền trung hữu bệnh khách
左降向江州 Tả giáng hướng Giang Châu.

Dị bản:

Tựa bài thơ theo sách của BCD là Chu Trung Vũ Dạ 舟中雨夜 (Đêm Mưa Trong Thuyền).

Sách của Huyền Diệp cho một dị bản trong câu 4, chữ dạ夜=đêm thay vì phong風=gió. Chữ phong風 nguyên thủy của BCD đầy đủ ý nghĩa, tuy nhiên dị bản chữ dạ夜 cân đối, đẹp về hình thức (giang江 trong câu 1 và 2, dạ夜 trong câu 3 và 4).

Bạch Hương San Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白香山詩集-唐-白居易
Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Du du: rộng lớn và xa xôi, lang thang, dằng dặc
Tu tu: từ tượng thanh chỉ âm thanh của gió và mưa
Phong lãng: gió và sóng trên mặt nước
Bệnh: ốm đau, mệt mỏi
Tả giáng: bị giáng/cách chức
Giang Châu: nằm trên sông Dương Tử, cách Trường An khoảng 1000 km hướng đông nam, nay là thành phố Cửu Giang 九江, tỉnh Giang Tây 江西

Dịch nghĩa:

Chu Trung Vũ Dạ Đêm Mưa Trong Thuyền

Giang vân ám du du Mây đen trên sông dằng dặc,
Giang phong lãnh tu tu Gió lạnh trên sông thổi vù vù.
Dạ vũ trích thuyền bối Mưa đêm nhỏ giọt hai hông thuyền,
Phong lãng đả thuyền đầu Sóng gió vỗ mũi thuyền.
Thuyền trung hữu bệnh khách Trong thuyền có người mỏi mệt,
Tả giáng hướng Giang Châu Bị lưu đày đi Giang Châu.

Dịch thơ:

Đêm Mưa Trong Thuyền

Trên sông mây dằng dặc,
Gió lạnh thổi triền miên.
Bên ngoài mưa thảnh thót,
Sóng gió vỗ đầu thuyền.
Bên trong người mệt mỏi,
Giang Châu tận nam biên.

Raining Night in the Boat by Bai Ju Yi

Dark clouds on the river floated in the distance,
Cold winds blew incessantly.
Rain drops hit the sides of the boat in the night,
Wind and waves battered its bow.
A tired traveller in the boat,
Was exiled to Jiang Zhou.

Phí Minh Tâm

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Cảm Tác: Một Lần Xuân

 

Một Lần Xuân!

Một lần tim gõ nhịp sai
Tiếng lòng thầm gọi tên ai dịu dàng
Hồn bay phách cũng đi hoang
Mùa xuân vĩnh cửu thênh thang đất trời
Mắt trong bóng mắt hình soi
Nụ tình chớm nở hương đời bên nhau

Một lần xuân tận xót đau
Cánh hoa tan tác dìm sâu biển trời
Tiếng lòng than thở trăng lơi
Hồn tan phách cũng trùng khơi mịt mù
Mùa xuân vĩnh cửu âm u
Mắt vời tìm bóng thiên thu võ vàng

Một lần thuyền bến lỡ làng
Đêm thâu vằng vặc canh tàn trăng di
Mắt sầu mắt lệ ướt mi
Hồn phách đôi ngã phân ly nghìn trùng
Mùa xuân vĩnh cửu mông lung…
Tìm trăng trăng khuất tận cùng nỗi đau.


Kim Oanh
Xuân 2024

***
Bài Cảm Tác: Một Lần Xuân

Niềm vui nào đến dập dồn đâu
Hãy khắc vào tim cái buổi đầu
Như một lần yêu luôn bám sát
Thể ngàn nỗi nhớ sẽ ghim sâu
Đợi mùa xuân chín thơm thanh khiết
Chờ ánh dương lên rực nhiệm mầu
Của sự mến thương không giả dối,
Cho mình gắn bó mãi bên nhau.

Thái Huy 
Feb/19/24

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Vĩnh Cửu

  

Người đem rắc những tơ vàng
Để mùa thương nhớ mơ màng vì ai
Sánh vai vượt cạn lên mây
Đấp xây hạnh phúc mộng đầy khó quên
Dẫu xa thầm nhủ gọi tên
Tạc lòng khắc dạ hương nguyền có nhau
Lúc vui buồn lẫn khổ đau
Như trầu cau bện ngạt ngào men say
Sắt son xưa vẫn như nay
Căn nhà vĩnh cửu ấp đầy tình thơ


Kim Oanh

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn!

 

Hôm nay là ngày thứ tư 14/2/2024, mùng 5 Tết Giáp Thìn.
Tôi chào năm mới Giáp Thìn, chào bạn-ta, chào một năm mới dồi dào sức khỏe, tràn ngập niềm vui, đến với mọi người! Cung chúc tân xuân!

Trong 12 con giáp, Rồng là vật đặt biệt nhất : một con vật không giống ‘’ai’’: đầu lạc đà, sừng hươu, mình rắn, vảy cá ( cá hóa long ), chân hổ , móng ưng , không cánh mà (biết )bay vv Đã thế, Rồng còn là con vật, tuy phát xuất từ Tàu, nhưng có quốc tịch Việt Nam. Người Việt tự xưng là ‘’Con Rồng, cháu Tiên’’. Rồng là dòng Lạc Long Quân, Tiên là nối tiếp Âu Cơ . Huyền thoại sử ta, ngay từ đầu đã là ‘’Rồng’’. Cha Rồng mang 50 con xuống biển, mẹ Tiên dắt 50 đứa lên non. Gọi huyền thoại nhưng chuyện lại có thật mấy ngàn năm sau. Khi hàng triệu đứa con Việt Nam xuống biển đi tìm Tư Do !

Người Tàu gọi vua là Thiên tử : con Trời. Trời số một, con Trời số 2. Nhưng vì Trời vô hình, nên con Trời mới đúng là số một! Vua là số một, trừ ‘’Vua cỏ’’ ở các quốc gia Quân Chủ Lập Hiến ( Charles 3 chẳng hạn ) . Chim là loài động vật duy nhất ‘’trên’’ trời. Nhưng vì bé bỏng quá nên người ta chọn Rồng , dù không có thật, làm biểu tượng Vua. Bởi Rồng thì .. oai lắm, ngon lành lắm ! Nó vừa to, vừa khỏe, vừa giỏi võ, vừa biết uốn éo .. nhảy đầm, mà lại nhảy đẹp ( đẹp như rồng bay, phượng múa ). Chả thế mà nó là thủ lãnh nhóm Tứ Linh : Long, Ly (Lân), Quy, Phụng.

Là biểu tượng của Vua , nên những gì liên quan đến ‘Bệ Hạ’’ đều có ‘’Long’’ đi kèm. Cung điện, đền đài, đồ dùng Vua chúa đều được trang trí với hình rồng. Nhất là từ triều đại Gia .. Long

Dù chịu ảnh hưởng Trung quốc nhưng ở Việt Nam, rồng chỉ được chọn làm biểu tượng Vua có lẽ từ thời Lý (?). Khi vua Lý Công Uẩn thiên đô từ Hoa Lư về Đại La, đêm mộng thấy rồng bay lên trời nên đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Có rồng lên thì cũng có rồng xuống. Như vịnh Hạ Long, như chùa Long Giáng ( được Khái Hưng mang vào tác phẩm đầu tay ‘’Hồn Bướm Mơ Tiên’’ ( chuyện tình Lan & Ngọc ) , như cầu Long Biên ( tích ‘’ rồng giao nhau ‘’ ?)

Thật ra, ‘’long’’ không chỉ có nghĩa là ‘’rồng’’, mà , tùy theo chữ viết, có nhiều nghĩa khác

Tự điển Thiều Chửu ghi: 


Trong đó ,‘’Long’’ chữ đầu (12 nét) có nghĩa là Thịnh và chữ cuối ( 16 nét) = Rồng  

( Nguồn: Sưu tầm của H.K.Tiết )

Không biết bao nhiêu địa danh ngoài Bắc có chữ Long nhưng trong Nam thì .. nhiều lắm. ‘’Cửu Long Giang / gió về vui trên sóng sông / Uốn quanh như 9 con rồng/ ôm chặt đứa con …’’ ( Phạm Duy ) . Đứa con đó là miền ‘’Nam’’. Là các tỉnh: Phước Long, Long Khánh, Long An, Vĩnh Long, Long Xuyên . Là núi : Long Ẩn ( Phước Long), Long Đầu ( Quảng Ngãi) vv .Là bãi biển Long Hải . Là bến Nhà Rồng Sài Gòn. Là các làng xã miền tây: Long Sơn, Long Phú, Long Tuyền, Long Hưng , Long Hồ, Long Kiểng, Long Mỹ, cù lao Rồng vv. Là các địa danh nổi tiếng sau 75: Long Giao, Long Thành, nổi tiếng vì là những trại tù cay nghiệt giam giữ ‘’dân quân cán chính Cộng Hòa’’ , mà đa số, sau đó bị đày ra Bắc . Và Long Bình!

Long Bình, ở Biên Hòa, trước 75 là kho dự trữ đạn dược lớn của Quân Lực VNCH, nhưng sau 75 được xem như ‘’quê hương’’ các cán bộ ‘’từ Bắc vô Nam’’ của chế độ ‘’ưu việt’’, của ‘’đại thắng mùa xuân’’, của ‘’Bác vĩ đại”, của ‘’quân đội nhân dân anh hùng’’..vv Nói ra là nói láo, là phóng đại, là dùng những ''búa to, liềm lớn'' , những chữ, những câu làm đỏ mặt những người biết xấu hổ . Xấu hổ vì ‘’nổ ‘’ quá ! Hơn cả lúc kho đạn nổ những ngày cuối tháng 4 !!!

Sau 54, trong khi quốc huy của miền Bắc Cộng Sản có ‘’sao vàng bảng đỏ’’, có bánh xe răng cưa, có bông lúa, biểu tượng của giai cấp công nông, của chuyên chính vô sản ngoại lai! Thì ở miền Nam, quốc huy Cộng Hòa vẫn tiếp tục giữ lũy tre xanh làng quê (đệ I Cộng Hòa) làm nền tảng, vẫn tự hào ‘’giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung’’ (đệ II Cộng Hòa ) , sổ thông hành Cộng Hòa có hình con Rồng nằm trên 3 sọc , tem Cộng Hòa là tem Rồng, Hàng Không Cộng Hòa là Hàng Không ‘’con Rồng, cháu Tiên ‘’. Không có ‘’anh em, chị em quốc tế vô sản’’, búa, liềm, máu me gì trong đó!
   
Đệ Nhị Cộng Hòa 
 Đệ Nhất Cộng Hòa

Về chữ ‘’long’’ liên quan đến Vua, có: long nhan= mặt vua ; long bào= áo Vua mặc; long thể: cơ thể vua ; long tu = râu vua , (long vũ= lông…vua ?) , long ỷ = ghế vua ; long thuyền = thuyền vua; long xa = xe vua ; long chủng=con cháu vua; long- đình = sân chầu; long phi: vua lên ngôi, long sàng: giường vua, long vương = vua ở dưới nước vv

Nhưng long nhãn không phải là mắt vua, long não không phải là não vua, long mạch không là mạch vua, long lanh không là ông vua lanh , long đền không phải là đền vua mà là miếng (kim loại) đệm để vít (Pháp : rondelle) vv Ngày xưa đấu láo, có lần luận về chữ ‘’long’’, thằng bạn tôi chua thêm: đồng hồ vua đeo là Long… ines, vua nhảy đầm : long mắc (nói lái) ; long-kẻo : vua trốn Hoàng Hậu đi uống bia ôm ( long-kẻo : leo cổng/ đọc theo giọng Nam) ; long sền : vua binh xập xám ( lên sòng ) ; vua bị ‘’Tào Tháo’’ rượt là long-tiểu ( nói lái ! )!! vv

Trong các loại rồng: vàng, đỏ, đen, xanh, trắng (?) , tôi chỉ thấy tận mắt hai : Rồng đỏ ( Xích Long ) : rồng giấy treo lúc Tết, và Rồng vàng ( Hoàng Long ) của hiệu… bánh Bảo Hiên. Nói đến đây lại nhớ tên kép cải lương Hoàng Long (chồng cũ đào Kim Ngọc) , nhạc sĩ Lê Hoàng Long ( Gợi giấc mơ xưa) và ông Phan Xích Long , một người tự xưng là con vua Hàm Nghi, bị tử hình năm 1916 ( ‘’giặc’’ Xích Long ). Ở Nhật, Hắc Long là tên Đảng đã cộng tác với chính phủ Nhật trên phương diện tình báo . Kép Bạch Long ( em ca sĩ Hồ Quảng Bạch Lê), Thanh Long là tên một nhạc sĩ / ca sĩ nổi tiếng với tên ‘’Thanh Long Bass’’ ( nghe nói Thanh Long là thành viên ban The Hammers trước 75 ( ?) .Wikipedia ghi Thanh Long sinh 1966. Nói đến ‘’The Hammers’’ là nói đến ca sĩ Cathy Huệ và tay lead guitar Thành (Thành Hammers) . Tôi đã xem ‘’The Hammers’’ chơi trong các đại hội nhạc trẻ ở Sài Gòn thì nhớ không thấy cậu bé nào chơi bass cả. Hay Thanh Long mới xuất hiện trong các vũ trường mấy tháng đầu 75?


Rồng xuất hiện nhiều trong xã hội Việt Nam: trang trí (lư hương, tranh ảnh ); đạo giáo (long thần hộ pháp, hội Long Hoa ); trang phục; lễ hội ( múa rồng), ca dao, tục ngữ ( rồng đến nhà tôm ; vẽ rồng, vẽ rắn, ăn như rồng cuốn , ‘’chuyện năm thìn bão lụt’’… / lỗ mũi em thì 8 gánh lông / chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho .. ); cứu hỏa ( xe vòi rồng ) , câu sấm ‘’ long vĩ xà đầu khởi chiến tranh’’; câu đố: ‘’Mình rồng, đuôi phượng le te / Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con ( cây cau ) ‘’; ‘’Đầu rồng, đuôi phượng cánh tiên / Ngày 5, 7 vợ, nằm đêm kêu trời (gà trống) ‘’ vv trừ võ học. Tôi muốn nói đến võ Tàu, đến chuyện ‘’chưởng’’, đến các phim võ hiệp.

Nói đến phim võ hiệp thập niên 70s là nói đến Vương Vũ , Khương đại Vệ , Địch Long, Trần Tinh vv Nhưng nổi bật nhất là Lý tiểu Long , một Tiểu Long trong ‘’Đường Sơn Đại Huynh’’, ‘’Mãnh Long Quá Giang’’, ‘’Long tranh Hổ đấu’’, ‘’Tinh Võ môn’’

Xem phim võ hiệp là một chuyện nhưng đọc ‘’Chưởng’’ là một chuyện khác . Có người nam miền Nam nào mà chưa một lần đọc ‘’chưởng’’? ( Nói thế vì phái nữ miền Nam thích những chuyện ướt át hơn: Mùa thu lá bay: Trôi theo dòng đời / Quỳnh Dao vv ) ‘’. Nói đến ‘’Chưởng’’ là nói đến “Độc Cô Cầu Bại ‘’ Kim Dung. Truyện của ông có Chưởng, có Chỉ ( nhất dương chỉ , đàn chỉ thần công ), có Cước, có Quyền vv Các môn khác tôi không nhớ rõ nhưng Chưởng pháp mạnh nhất , theo tôi, là Giáng Long Thập Bát Chưởng , một trong hai tuyệt kỹ của ‘’Cái Bang’’ ( tuyệt kỹ kia là Đả Cẩu Bổng ) . Có 3 nhân vật sử dụng Chưởng Pháp này thuần thục là, theo thứ tự giỏi nhất , Kiều Phong (Bang chủ), Hồng thất Công ( Bang chủ ) và Quách Tỉnh.

Tôi đọc ‘’Chưởng’’ những năm đệ ngũ,,đệ tứ . Ngưng hẳn một thời gian. Sau 75 thì đọc trở lại ( cho bớt chán đời ! ). Trong suốt mấy chục năm liền tôi chỉ nghe có Giáng Long Thập Bát Chưởng (18 chưởng pháp đánh rồng rơi / Giáng ). Sau này, ở nước ngoài, tình cờ tôi đọc được tên ‘’ Hàng Long thập bát chưởng ‘’( đánh phục rồng / Hàng) ! Cái tên làm tôi hụt hẫng ! Có người giải thích ‘Giáng’ hay ‘’Hàng’’ là tùy cách dịch. Tôi không biết tiếng Hán. Nhưng đã có ‘’Giáng’’ rồi, sao lại có thêm ‘’Hàng’’, nhất là ‘’Hàng’’ sau … 75 ? Không những Giáng Long đọc lên, nghe mạnh hơn Hàng Long, mà cái nghĩa của nó cũng khác. Khác hoàn toàn.

Khi Trung tá Cảnh Sát Nguyễn văn Long tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến sáng 30/4/1975 thì cái chết của ông là một cái tát ''giáng'' vào mặt những người ‘’chiến thắng’’ :thà chết không ''hàng''!

Rồng trên cao, Rồng không hàng ai cả!

BP
15/02/202

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

Thiên Hương 賀鑄 - Hạ Chú

 

天香 - 賀鑄 Thiên Hương - Hạ Chú

煙絡橫林,               Yên lạc hoành lâm,
山沈遠照,               Sơn trầm viễn chiếu,
迤邐黃昏鐘鼓。       Dĩ lệ hoàng hôn chung cổ.
燭映簾櫳,               Chúc ánh liêm lung,
蛩催機杼,               Cùng thôi cơ trữ,
共苦清秋風露。       Cộng khổ thanh thu phong lộ.
不眠思婦,               Bất miên tư phụ,
齊應和、幾聲砧杵   Tề ứng họa, kỷ thanh châm chử.
驚動天涯倦宦,       Kinh động thiên nhai quyện hoạn,
駸駸歲華行暮。       Xâm xâm tuế hoa hành mộ.

當年酒狂自負,            Đương niên tửu cuồng tự phụ,
謂東君、以春相付。    Vị đông quân, dĩ xuân tương phó.
流浪征驂北道,            Lưu lãng chinh tham bắc đạo,
客檣南浦,                     Khách tường nam phố,
幽恨無人晤語。             U hận vô nhân ngộ ngữ.
賴明月、曾知舊遊處。 Lại minh nguyệt, tằng tri cựu du xứ
好伴雲來,                     Hảo bạn vân lai,
還將夢去。                     Hoàn tương mộng khứ.

Chú Thích:

1- Thiên hương 天香: tên từ bài. Tên khác là pháp uyển chu lâm 法苑珠林, bạn vân lai 伴雲來, lâu hạ liễu 樓下柳. Cách luật:

X T B B cú
X B X T cú
X X X X B T vận
X T B B cú
X B X T cú
T T X B B T vận
X B X T vận
X X T, X B X T vận
X T X B X T cú
B X X X B T vận

X X X B X T vận
T B B, X X B T vận
X T X B X T cú
T B B T vận
X T B B T T vận
T X T, B B X X T vận
X T B B cú
B B T T vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Yên lạc 煙絡 = yên vụ 煙霧: sương mù.
3- Hoành lâm 橫林: đầy rừng.
4- Viễn chiếu 遠照: ánh sáng lúc mặt trời sắp lặn.
5- Dĩ lệ 迤邐: hình dung tiếng chuông trống từ xa vọng lại.
6- Chung cổ 鐘鼓: chuông và trống.
7- Liêm lung 簾櫳: màn rèm cửa và cửa sổ.
8- Cùng 蛩: con dế mèn sống ở khe vách nhà, còn gọi là tất xuất 蟋蟀, xu chức 趨織 hay xúc chức 促織. Cùng thôi 蛩催: tiếng dế mèn giục giã.
9- Cơ trữ 機杼: khung cửi và con thoi trên khung cửi dệt vải, dệt lụa.
10- Tư phụ 思婦: phụ nữ tưởng nhớ chồng đang ở xa nhà.
11- Ứng họa 應和 = ứng thanh xướng họa 應聲唱和: kẻ hô người họa.
12- Châm chử 砧杵: chầy bằng đá và cái vồ dùng để giặt quần áo.
13- Thiên nhai quyện hoạn天涯倦宦: người quan mệt mỏi ở xa quê.
14- Xâm xâm 駸駸: ngựa phi. Cũng ám chỉ thời gian đi nhanh.
15- Tuế hoa 歲華: tuổi tác, niên hoa, thời gian, thời gian đẹp trong năm. Tuế hoa hành mộ 歲華行暮: đã tới cuối năm.
16- Đương niên 當年: lúc đó, lúc trước.
17- Tửu cuồng 酒狂: người nghiện rượu.
18- Vị 謂: cho là.
19- Đông quân 東君: vị thần cai quản mùa xuân.
20- Tham 驂: nguyên chỉ ngựa kéo xe, tác giả mượn để chỉ ngựa. Chinh tham征驂: ngựa đi đường xa.
21- Tường 檣: cột buồm, mượm chỉ thuyền.
22- Nam phố 南浦: bờ nước hướng về phương nam. Chữ này xuất xứ từ bài “Sở Từ楚辭” của Khuất Nguyên 屈原 đời Chiến Quốc. Trong chương Cửu ca 九歌 phần Hà Bá 河伯 có câu:

“子交手兮東行,Tử giao thủ hề đông phương,
“送美人兮南浦。Tống mỹ nhân hề nam phố.

“Người cầm tay chừ (đi về) đông phương,
“Đưa tiễn mỹ nhân chừ bờ nước hướng nam”.


Từ đó chữ “Nam phố” được thi nhân dùng để chỉ nơi ly biệt.

23- U hận 幽恨: mối hờn giấu kín trong lòng.
24- Ngộ ngữ 晤語: đối thoại, đối mặt nói chuyện.
25- Lại 賴: dựa vào.
26- Hảo bạn vân lai 好伴雲來: Hãy theo mây lại đây.
27- Tương 將: đem đi, đưa đi.

Dịch Nghĩa:


Khói sương bao phủ khu rừng,
Núi xa chìm trong ánh tà dương,
Tiếng chuông trống thưa thớt vọng đến trong buổi hoàng hôn.
Ánh nến chiếu lên màn rèm,
Tiếng dế mèn như giục giã khung cửi dệt vải,
Cùng chung khổ trong gió sương mùa thu.
Người phụ nữ nhớ chồng ở phương xa không ngủ được.
Vài tiếng chầy vồ giặt áo, tiếng hô tiếng họa (vọng lại).
Làm kinh động người khách xa quê mệt mỏi mưu cầu quan lộ.
Thoáng chốc đã đến cuối năm.

Năm xưa tự phụ là tay cuồng rượu,
Cho là chúa xuân đem mùa xuân giao phó cho,
(Đâu biết là) phải bôn ba ngược xuôi nơi bắc đạo,
(Có lúc) ngồi thuyền rời nam phố,
Mối hờn trong lòng không có ai để thố lộ.
Nhờ vào vầng trăng sáng, đã từng biết chỗ 2 người đi chơi xưa.
(Xin trăng hãy đem cô ta) theo mây đến đây,
Rồi đem cô ta từ trong giấc mộng (của tôi) mang đi.

Phỏng Dịch:

1 /Thiên Hương 

Sương khói đầy rừng,
Núi chìm nắng chiếu,
Vang dội hoàng hôn chung cổ.
Ánh nến bao trùm,
Dế reo khung gỗ,
Sương gió mùa thu cộng khổ.
Nhớ chồng mất ngủ,
Cùng phụ họa, tiếng vang chầy vỗ.
Kinh động chân trời quan mỏi.
Vùn vụt tháng qua năm gọi.

Lúc xưa rượu cuồng tự phụ,
Vì mùa xuân, chúa xuân giao phó.
Chiến mã phiêu du đường bắc,
Khách thuyền nam phố,
Mối hận không người đối ngỏ,
Nhờ trăng sáng, từng nhìn những nơi cũ.
Gửi áng mây qua,
Đem mơ đến đó.


2/ Giấc Mơ Tương Phùng


Đầy rừng sương khói nắng lưng đồi,
Xa vọng hoàng hôn chiêng trống hồi.
Bạch lạp lung linh màn cửa ánh,
Dế mèn giục giã vội con thoi.

Mùa thu sương gió khổ đôi đường,
Thao thức đêm trường nàng nhớ thương.
Giặt áo chầy khua như ứng họa,
Quan xa năm hết chốn tha hương.

Năm xưa tự phụ tay cuồng rượu,
Đã tưởng chúa xuân đến với mình
Chinh mã phiêu du nơi bắc đạo,
Bờ nam thuyền khách vẫn linh đinh.

Hận lòng không tỏ, vầng trăng sáng,
Từng thấy đôi ta những chốn xưa.
Nhờ đem người ấy theo mây đến,
Tàn mộng đem đi, thỏa ước mơ.

HHD 
07-2021
***
Thiên Hương

1-

Sương khói phủ rừng
Núi chìm chiều xuống
Hoàng hôn trống chiêng vọng lại
Ánh nến màn rèm
Dế giục khung cửi
Thu lành gió sương cùng khổ
Nhớ chồng không ngủ
Vài tiếng chày vồ chung xướng họa
Kinh động cuối trời quan mỏi
Thoáng chốc tháng qua năm tới

Năm xưa cuồng rượu tự phụ
Vì chúa xuân, đem xuân giao phó
Xuôi ngược bôn ba bắc đạo
Thuyền rời Nam phố
Uất hận không người thố lộ
Nhờ trăng sáng, từng soi chốn cũ
Theo mây đến đây
Rồi đem mộng khỏi!


Hương Trời

2-

Rừng sương khói, núi chìm nắng quái
Tiếng trống chiêng vọng lại, hoàng hôn
Dế thúc dệt, nến rèm buông
Nhớ chồng không ngủ, gió sương khổ cùng
Vài tiếng chày hòa chung xướng họa
Nơi cuối trời đầy đọa mộng quan
Vụt qua tháng hết năm tàn!

Năm xưa tự phụ say tràn
Nghĩ rằng xuân chúa đã ban xuân này
Bôn ba đường Bắc đó đây
Thuyền rời Nam phố, hận này làm thinh
Nhờ trăng chiếu, chốn cũ mình
Theo mây đem đến, thỏa tình mang đi!


Lộc Bắc
Mar24
***
Hương Trời

Rừng cây bao phủ mù sương
Núi xa mờ khuất tà dương nhạt dần
Trống chuông xa vắng âm ngân
Rèm thưa chiếu sáng nến tràn ngập đêm

Cửi thoi, giục giã dế mèn
Mùa thu sương khói rối ren đôi đường
Trắng đêm thiếu phụ nhớ thương
Chầy vồ vọng tiếng, xa phương họa về
Hãi kinh người khách xa quê
Tháng năm vùn vụt mỏi mê mưu cầu

Lúc xưa ma men tự phụ
Khi mùa sang thầm nhủ Chúa Xuân giao
Bôn ba ngược xuôi Bắc đạo
Lúc ngồi thuyền thả dạo chốn bờ Nam

Mối hờn tâm khảm nén sâu
Nhờ trăng soi sáng lần đầu lối xưa
Mây mang người ấy dùm chưa?
Gửi mộng đến đó cho vừa ước mơ.


Kim Oanh

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Vọng Thức

 
 (Họa Sĩ Hà Tường)

Từ Người đi đông về quạnh quẽ
Bên Giáo Đường lặng lẽ âm vang
Tiếng cầu kinh chất chứa thở than
Ngày xưa cũ mơ màng hư thực
Từng hồi chuông nửa đêm vọng thức
Trái tim nghèn nghẹn giựt tỉnh mơ
Từ Người đi xa tít mịt mờ
Bóng sương phủ tơ tơ tưởng tưởng

Kim Oanh


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

Tâm Sự Đêm!


Đêm dần buông sao trăng còn xa thế
Không đến gần kể lể chuyện thu phong
Trút cạn đáy sầu lòng vơi đau nhức
Bóng hao gầy thao thức lóng ngóng đêm!

Đêm tàn rồi vườn khuya đầy tăm tối
Mây phủ dầy lòng hối hả xa xôi..
Sợ… sợ im vắng một mình thui thủi
Trăng lặn rồi lại lẩm lũi khóc đêm!

Đêm nửa trăng gối mềm yên giấc mộng
Nửa hiên này lạc lõng suốt canh thâu
Chìm đắm thật sâu tận cùng nỗi nhớ
Yêu dại khờ muôn thuở luyến lưu đêm!


Kim Oanh
Vườn Khuya Một Đêm Trăng 
Melbourne2024


Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Cây Tra Costa Rica

Đây là những tấm hình chụp tại thành phố biển Antonio của xứ Costa Rica.
- 3 hình đầu :bờ biển và cây tra mọc ven bờ.
- Trước hiên căn nhà thuê trên lưng chừng núi.
- Từ lưng chừng núi nhì xuống biển.



Hình Ảnh: Lê Kim Thành

Cô Lê Thị Yến


Cô gửi hai em thương hình chụp Cô ngày Chúa Nhựt 25/02/2024:
Cô đi Cần Thơ hội ngộ với một số em học trò cũ - lớp Y- của Trường Phan Thanh Giản - Cần Thơ ngày xưa.
Trước cổng trường phía sau, phía sau là dãy lớp nữ, bên trái là phòng ở với bạn Cẩm Vân những năm dạy học trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ 1958 -1963

Lê Thị Yến


Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Tặng Biệt Kỳ 1 贈別其一 - Đỗ Mục

  

Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên 樊川, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, tỉnh Thiểm Tây). Ông nội Đỗ Hựu vừa là một tể tướng giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển. Anh là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng.

Đỗ Mục có dáng dấp thanh tú, tính thích ca nhạc, ưa phóng túng, còn nhỏ đã nổi tiếng văn tài. Khi mới lên kinh sư, được Thái học bác sĩ Ngô Vũ Lăng đưa thư văn đến cho quan chủ khảo là thị lang Thôi Uyển xem. Thôi rất kinh ngạc về bài A Phòng cung phú. Năm 828, hai mươi sáu tuổi, ông đỗ tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa chế sách Hiền lương phương chính, được bổ chức hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi ra làm đoàn luyện tuần phủ tại Giang Tây, sau đó đến Hoài Nam làm thơ ký cho tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ, lại đổi về làm giám sát ngự sử tại Lạc Dương. Năm 835, ông đi chơi Hồ Châu, rồi cứ bị đổi làm thứ sử hết nơi này đến nơi khác (Hoàng Châu, Từ Châu, Mục Châu). Năm 849, ông nhờ một người bạn làm tướng quốc xin cho về thái thú Hồ Châu, sau đổi khảo công lang trung tri chế cáo, và cuối cùng làm Trung thư xá nhân. Tác phẩm có Phàn Xuyên thi tập (20 quyển), chú giải Tôn Vũ binh pháp (13 thiên, do Tào Tháo soạn).

Chia ly diễn ra ở mọi tuổi, ở mọi tầng lớp, nên thơ tả chia ly có nhiều sắc thái khác nhau. Hãy thử tìm đặc thù của chia ly trong hai bài Tặng Biệt kỳ 1 & 2 của Đỗ Mục:

Nguyên tác Dịch âm

贈別其一            Tặng Biệt Kỳ 1

娉娉嫋嫋十三餘 Phinh phinh niệu niệu thập tam dư,
豆蔻梢頭二月初 Đậu khấu sao đầu nhị nguyệt sơ.
春風十里揚州路 Xuân phong thập lý Dương Châu lộ,
卷上珠簾總不如 Quyển thượng châu liêm tổng bất như.

豆蔻 đậu khấu: Cây đậu khấu mọc ở xứ nóng, quả như quả nhãn, thứ trắng gọi là bạch đậu khấu, thứ đỏ gọi là hồng đậu khấu đều dùng để làm thuốc. Đậu khấu còn có nghĩa là thiếu nữ xinh xắn mười ba, mười bốn tuổi.

Dịch nghĩa

Tặng Lúc Chia Tay kỳ 1

Mảnh mai yểu điệu, mới hơn mười ba tuổi,
Như hoa đậu khấu trên ngọn cây mới nở lúc tháng hai.
Gió xuân thổi trên mười dặm đường Dương Châu,
Rèm châu đều cuốn lên, nhưng chẳng có ai giống như nàng.

Dịch thơ

Tặng Lúc Chia Tay kỳ 1

Eo thon yểu điệu độ mười ba
Đậu khấu tháng hai vừa nở hoa
Dương Châu chục dặm gió xuân thổi,
Vén hết rèm châu ai cũng thua

Con Cò
***
Các Bài Phỏng Dịch Khác:

***
Tặng Lúc Chia Tay Kỳ 1

Yểu điệu mười ba dáng dịu dàng
Như hoa đậu khấu tháng hai sang
Dương Châu mười dặm gió xuân thổi
Rèm vén nàng xinh đẹp ngỡ ngàng

Kim Oanh
***
 Tặng Lúc Biệt Ly Kỳ Nhất

Xinh xinh, yểu điệu khoảng mười ba,
Đậu khấu đầu cành chớm nở hoa,
Dương Châu mười dặm xuân lùa gió,
Cuốn rèm ai nấy cũng thua xa.

Bát Sách.
(Ngày 17/02/2024)

***
Tặng Lúc Chia Tay

Hơn mười ba yểu điệu mình mai,
Đậu khấu đầu cành nở tháng hai.
Chục dậm Dương Châu xuân gió thổi,
Tung rèm châu sánh kịp không ai.

Lục bát.

Mười ba tuổi lẻ mảnh mai,
Như hoa đậu khấu tháng hai cành đầu.
Gió xuân chục dậm Dương Châu,
Thổi tung rèm gấm ai đâu đẹp bằng.

Mỹ Ngọc 
Feb. 17/2024.
***
Biệt Khúc (Kỳ 1)

Tuổi chớm mười ba đã thấy xinh
Tháng hai hoa khấu nhụy băng trinh
Dương châu mười dặm gió xuân dịu
Nét đẹp hoa kia vội … ẩn mình

Kiều Mộng Hà
Austin 19.2.24
***
Tặng Lúc Chia Tay Kỳ 1

Mười ba yểu điệu đẹp xinh thay
Đậu khấu phát hoa chớm tháng hai
Mười dặm Dương Châu xuân gió thổi
Rèm châu cuốn hết, chẳng ai tày!

Lộc Bắc
***
Tặng Biệt kỳ 1 

Tặng biệt ly người đẹp
Mười ba thon thả nét kiều hoa
Đậu khấu tháng hai sắc mặn mà
Mười dặm Dương Châu Xuân gió mộng
Vén rèm đẹp nhất dáng kiêu sa

Thanh Vân
***
Nguyên tác: Phiên âm:

贈別其一-杜牧 Tặng Biệt Kỳ 1 - Đỗ Mục

娉娉褭褭十三餘 Phinh phinh niệu niệu thập tam dư
豆蔻梢頭二月初 Đậu khấu tiêu đầu nhị nguyệt sơ
春風十裏揚州路 Xuân phong thập lý Dương Châu lộ
卷上珠簾總不如 Quyển thượng châu liêm tổng bất như

Mộc bản trong các sách:

Lý Nghĩa San Thi Tập Chú - Đường - LýThương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱
Tài Điều Tập - Thục - Vi Hộc 才調集-蜀-韋縠
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi Chú:

Phinh phinh niệu niệu: hình dung dịu dàng tốt đẹp
Tiêu đầu: trên cùng của cành cây


Elettaria cardamomum

Đậu khấu: tên khoa học Elettaria cardamomum , mọc ở xứ nóng, quả như quả nhãn, thứ trắng gọi là bạch đậu khấu, thứ đỏ gọi là hồng đậu khấu đều dùng để làm thuốc. Đậu khấu thường được sử dụng chỉ thiếu nữ xinh xắn mười ba, mười bốn tuổi, ẩn dụ chỉ các trinh nữ.

Xuân phong: gió xuân, không khí hòa hợp
Dương Châu: thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô
Châu liêm: rèm ngọc trai trên xe hoặc nhà, ẩn dụ có người phụ nữ đẹp phía sau
Tổng bất như: cũng không bằng

Dịch Nghĩa:

Tặng Biệt Kỳ 1    

Phinh phinh niệu niệu thập tam dư 
Đậu khấu tiêu đầu nhị nguyệt sơ 
Xuân phong thập lý Dương Châu lộ 
Quyển thượng châu liêm tổng bất như 

Tặng Vĩnh Biệt Kỳ 1

Với thân hình xinh đẹp thon thả, nàng mới hơn mười ba tuổi
Trông giống như ngọn cây đậu khấu lúc đầu tháng hai.
Gió xuân trên mười dặm đường đến Dương Châu
Có cuốn hết rèm châu lên, cũng chẳng ai bằng được nàng.

Bình luận:

Tương truyền vào cuối đời Đường Văn Tông, một hôm Đỗ Mục dạo chơi Hồ Châu thuộc Tỉnh Triết Giang gặp một bà già dắt theo cô thiếu nữ hơn 10 tuổi rất đẹp, nhiều hứa hẹn trở nên giai nhân tài sắc và đoan trang. Đỗ Mục vô cùng cảm mến, bèn thưa với Lão bà hẹn 10 năm nữa sẽ đến xin cưới cô gái. Hơn 10 năm sau, Đỗ Mục mới xin được thuyên chuyển làm Thứ Sử Hồ Châu. Kể từ buổi sơ ngộ đến lúc tìm lại đã 14 năm trôi qua, cô gái đã lấy chồng được 3 năm và có 2 con. Đỗ Mục rất thương tiếc, nên làm bài Trướng Thi/Thán Hoa để tỏ hối tiếc và tự trách mình bỏ lỡ cơ hội.

Bài thơ này của Đỗ Mục miêu tả và tặng thiếu nữ mà ông đã gặp, ước hẹn cưới và lỗi hẹn. .

Dịch thơ:

Tặng Vĩnh Biệt Kỳ 1

Đẹp xinh yểu điệu quá mười ba
Như khấu tháng hai chớm nở hoa
Mười dặm Dương Châu xuân gió mát
Chẳng ai sánh được nét mặn mà.

A Gift on Parting 1 by Du Mu

So slender, so graceful, she is probably older than thirteen,
Like a bud on a twig in the second month.
On the ten miles to Yang Chow, I have not seen
When all the bead curtains are raised, anyone more lovely.

Parting I by Du Mu
Translation by Witter Bynner

She is slim and supple and not yet fourteen,
The young spring-tip of a cardamon-spray.
On the Yangzhou Road for three miles in the breeze
Every pearl-screen is open. But there's no one like her.

A Parting Gift I of II by Du Mu
Translation by Betty Tseng

Delicate and graceful when she has barely turned thirteen,
Like tender cardamom sprigs come February's new moon.
Spring breezes waft along the three-mile long Yangzhou Avenue,
Up rolled many beaded screens yet there is none that is her equal in view.

Parting by Du Mu
Translation by Jiang Shao Lun 江紹倫

Part 1

娉娉裊裊十三余 Slender and graceful she is in early teens
豆蔻梢頭二月初 Like a cardamom tip with growing hints
春風十裏揚州路 Vernal breezes warm up ten miles of scenic roads
卷上珠簾總不如 Behind roll up curtains her beauty brilliantly shows

Part 2

多情卻似總無情 Deeply in love yet we appear not to be
唯覺尊前笑不成 Drinking to part we smile not on how to begin
蠟燭有心還惜別 The candle has a wick just as we have a heart
替人垂淚到天明 Through the night it sheds tears for us before we part

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

Đậu khấu còn có nghĩa là thiếu nữ xinh xắn mười ba, mười bốn tuổi.

Người ni không tìm thấy trang nào trên internet giải thích tại sao người Hoa Lục thời xưa - hay từ thời nào? - dùng thành ngữ 豆蔻年华=đậu khấu niên hoa để chỉ con gái 13-14 tuôi vì các trang có dẫn nguồn đều đưa ta đến bài thơ Tặng Biệt của Đỗ Mục!

豆蔻年华: 豆蔻年华,是一个汉语成语,拼音是 dòu kòu nián huá,意思是指少女十三四岁。 代指少女的青春年华。 出自唐·杜牧《赠别》诗。chỉ thiểu nữ thập tam tứ tuế。đại chỉ thiểu nữ đích thanh xuân niên hoa。xuất tự đường· Đỗ Mục "Tặng Biệt" thi。

Rất có thể rằng điển cố đậu khấu niên hoa ra đời sau – hay từ - bài thơ của họ Đỗ. Câu giải thích cụm từ 豆蔻 đến từ HVTĐ của Đặng Thế Kiệt và phản ảnh sự kiện rằng ta không thể tin các tài liệu ra đời sau 1975. Đậu khấu (Wurfbainia sp.) là tên chung của nhiều loài cây thân thảo, có củ, họ nhà gừng. Và người nào đã từng trồng gừng ở quê hương thì biết các loài cây này không có thân nên không có chuyện có hoa trên ngọn cây. Một loại quả bà con với đậu khấu mà các người quen nấu phở biết đến là cardamom hay thảo quả (草果).

Lá và hoa của đậu khấu như thế này và tại sao đậu khấu lại tượng trưng cho con gái 13-14 tuổi thì người ni chịu thua:


Huỳnh Kim Giám