Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Chuyện Ngày Thơ...

 

Mỗi độ Trung Thu lại trở về
Lung linh giỡn bóng bến sông quê
Thả thuyền mơ ước ta cầu nguyện
Cho chuyện tình trăng vẹn ước thề!

Ngày qua tháng lại vẫn trông chờ
Ánh nguyệt duyên tròn soi bóng mơ
Bến vắng ngày xưa còn ngóng đợi
Nhớ người nhớ quá chuyện ngày thơ...!

Kim Oanh

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Mầu Hoa Trắng Trên Đường Người Đi

(Ảnh: Kim Phượng)

Thân gởi Kim Phượng, Kim Oanh
Nhân dịp tưởng niệm 21 năm kỵ giỗ của Mẫu Thân 2 em Phượng Oanh, đọc 2 bài viết của Phượng Oanh về người Mẹ vô cùng gương mẫu, thật hiếm quý ở đời, chị Mỵ đã rất cảm kích, nên viết bài thơ kèm đây gởi Song Kim, để chia sẻ mối thân tình đại gia đình thân kính.

Thân quý tặng Song Kim Oanh Phượng, để tỏ lòng ngưỡng mộ đức hiếu hạnh qua 2 bài viết " Người Mang Mùa Xuân Đến " và " Bản Đồ Của Má " của Nhị Kiều Phượng Oanh .
Thân chúc vạn sự tốt lành.

Mầu Hoa Trắng Trên Đường Người Đi

Khi hoa trắng nở đầy trời
Người mang tất cả nụ cười tới đây
Áo trời, Chúa vẽ bông mây
Đôi chim Oanh Phượng gọi bầy líu lo

Đường đời người vẽ quanh co
Từ Miền Tây đến Thủ Đô cuối cùng
Cờ vàng ấp ủ non sông
Người mang qua Úc vui trong thanh bình

Hai Bốn tháng Chín trung trinh
Nhị Kiều Oanh Phượnghiếu tình yêu thương
Giỗ Mẫu thân ở viễn phương
Mỗi năm thêm một lần vương vấn người

Nối văn Oanh Phượng tuyệt vời
Kính câu ngưỡng mộ, gởi lời Song Kim
Mùa Xuân hoa nở đầy tim
Mùa Xuân người đến, lại tìm ĐẸP XƯA ...

Los Angeles 24 - 9 - 2023
Cao Mỵ Nhân

Tài Hoa Mẹ Để Dành Cho Con

  
(Bản Đồ: Võ Thị Thoại)

Tâm hương thương giỗ khóc mẹ hiền
Đảm đang khôn khéo tài hoa tiên
Dâu bể tha phương an vui sống
Còn vẽ bản đồ quê nhà thiêng...

MD.09/24/23
LuânTâm
Thân cảm tặng"Bản Đồ Của Má"
của VTS Kim Oanh

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Bản Đồ Của Má!

 Lớp Học Anh Văn  Preston: Hàng1: Ba, Má, Bác Hai Ngó ( Tất cả đã mãn phần)

Hàng ngồi: Bạn của Má, Má, Ba, 3 thầy giáo người Mỹ)

Má thương yêu ơi,

Cứ mỗi lần giỗ má là chúng con có dịp ôn lại những kỷ niệm về ba má, đề các cháu nhận biết về sự chịu khó học hỏi những tập quán, ngôn ngữ ở một nơi không phải là Việt Nam
Cách sống và ý chí cầu tiến của ba má nơi xứ người thật hay, sự hội nhập vào tập tục cũng như cố gắng học tiếng Anh để giao tiếp với mọi người. Một mặt ba má không muốn làm phiền và lo lắng cho các con.

Dù những vị thầy cô giáo còn rất nhỏ tuổi, nhưng ba má luôn tôn trọng thầy cô. Sau những giờ học các bác luôn có những bữa ăn nhẹ, trà bánh, do chính tay các bác nấu nướng với hương vị đậm tình quê hương, đó cũng là cách giới thiệu về cái hay cái đẹp của người Việt mình, cùng tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo bỏ công hướng dẫn mình phải chăng ba má!

Má luôn là người phụ nữ đãm đang việc nhà, giỏi khi giao tiếp với xã hội bên ngoài. Má đã để lại trong con một tấm gương can đãm, con ngưỡng phục má ở trí thông minh, bình tỉnh đối phó trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn mấy má vẫn vượt qua và an nhiên tự tại.

Con nhớ hoài, mỗi lần đưa má đi bác sĩ, ông là người Singgapore. Má căn dặn con, "Oanh ơi, con đừng nói gì, để má nói, má khai bệnh, khi nào má bí má cầu cứu con". Đôi lúc con ngồi im mà bái phục má, tiếng Anh ở đâu mà má có nhiều vầy nè, chẳng những khai bệnh, má còn dư giờ kể chuyện chạy giặc cho Bác sĩ nghe, đến trận Mậu Thân 1968, má cầu cứu con thiệt" Oanh ơi, tiếp má đi con, má quên chữ đó là gì rồi". Hihihi... má ơi, con chỉ biết cười trừ, vì con đâu dám " gan dạ' như má của con.

Thì ra mỗi lần chuẩn bị đi khám bệnh hay tiếp xúc với người Úc, má thường tra tự điển để trò chuyện. Con thua má xa má ơi....

Trong giờ học Anh Văn, thầy cô giáo yêu cầu học trò kể lại gia cảnh và cuộc sống ngày xưa ở Việt Nam. Con thật sự xúc động và kính nể tài năng của má. Má đã vẽ lại bản đồ theo trí nhớ chú thích bằng tiếng Anh. Thời gian cùng vị trí mà gia đình mình đã trải qua chiến tranh, tản cư, và lập nghiệp như thế nào để kễ cho thầy cô giáo và cả lớp thấy và nghe. Vẽ rất chi tiết, đâu là; Làng mạc, Quận, Tỉnh, Thành phố, Dòng sông, những Cây cầu, Nhà việc,,Hãng xưởng, Chợ búa, Cánh đồng, Nhà lối xóm, Ruộng đất, nhà cửa và Mộ phần gia tộc họ Lê.

- Ngày 21 -9 - 1939 Ba Má đính hôn.( Ba: Lê Văn Sang & Má: Võ Thị Thoại)
- Ngày 19-7-1945, Cháy nhà lần thứ I (Ấp Phú Hũu, Quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long),
Sau đó cất nhà ở Xã Trung Ngãi làm ăn sinh sống.
- Năm 1950 Cất nhà ở Vĩnh Long cho con cái có nơi ăn học.
- Năm 1951 Làm Tiệm Chụp Hình.(Tên Tiệm Hiệp Thành) ở Trung Ngãi.
- Năm 1952 - 1963, Buôn bán tạp hoá, Tiệm Vãi, Tiệm Bán Thuốc Tây. ở Trung Ngãi
- Năm 1962-1970, Làm Nhà Máy Đèn, Quận Càng Long. Tỉnh Trà Vinh(Vĩnh Bình)
- Năm 1964 -1975, Nhà Máy Xay Lúa Phương Nam, ở Mây Tức Quận Càng Long, Tỉnh Trà Vinh(Vĩnh Bình)
- Năm 1965 Mướn Cư Xá ở Sài Gòn cho con có nới ăn học.
- Ngày 9 -1-1968, Cháy nhà lần II, Năm Mâu Thân. Xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm.
- Năm 1968, Bán nhà rời Trung Ngãi về định cư ở Tỉnh Vĩnh Long.
- Năm 1972 Mua nhà ở Sài Gòn cho con cái có nơi ăn học.
- Ngày 10 - 4-1984 Ba má định cư ở Melbourne - Úc Châu.

Má ơi, nhân hôm nay giỗ lần thứ 21 của má, con lưu lại bản đồ này để con cháu tường tận và thấu hiểu những gì ba má để lại cho đời sau. Gia tài không là tiền bạc hay châu báu. Mà là đức độ, kiến thức sâu rộng của ba má cho chúng con noi theo và giữ gìn cái hay cái đẹp của người Việt nơi xứ người. Cám ơn ba má cho con được mãi sống hạnh phúc trong căn nhà Hồi Ức Đẹp Đẽ này.....

Thương yêu con gửi về Má và nhớ Má thật nhiều má ơi!.

 
( Bản đồ lập nghiệp Má vẽ, Từ Trà Vinh, Trung Ngãi, Vĩnh Long - Đến Sài Gòn)

Con gái thứ 9 của Má.
Lê Thị Kim Oanh
Melb. 24.9.2023

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Người Mang Mùa Xuân Đến

  

Trời đã chuyển mùa. Cái lạnh vẫn kéo dài, dai dẳng. Nắng trên cao đang ngủ yên, chợt bừng lên sắc vàng nhung nhớ trong phút chốc, rồi sa sầm u ám đến quạnh hiu.
Đang là mùa Xuân, mùa của tươi vui, của chồi non, lá biếc, sao hiu hắt lạ thường. Phải chăng đang...cùng lòng người hòa nhịp điệu khoắc khoải, nhớ nhung!
Mình nhớ ai!?
Nhớ Má!

Những buổi ban mai, lầm lũi trong màng sương mỏng, băng qua những cội đào trước sân nhà, lần theo hai hàng đào dọc bên đường. Gió xuân mát mặt người. Hương hoa thoang thoảng bay trong gió. Chiều về, cũng trên con đường này, trên cành những nụ hoa nho nhỏ mới chớm, cùng lúc những cánh hoa vừa chao đảo lìa cành, đầy ắp cả mặt đường, thêm những cánh hoa nữa là đà mơn man khắp sân nhà.

Đi trên con đường với hương hoa ban sáng và đầy cánh hoa lót đường buổi chiều. 
Mình nhớ ai!?
Nhớ Má!

Má chào đời vào mùa xuân. Mười sáu xuân xanh, má đã lên xe hoa. Và Má ra đi khi hoa xuân nở, của mùa xuân hai mươi mốt năm trước. Má có trở về ngắn ngủi trong mơ, nhưng đời Má luôn hiện diện như trong lời điếu văn đưa tiễn...

“... Vào đời vào đầu mùa Xuân, cụ từ giã cõi đời cũng vào một mùa Xuân. Phải chăng đời cụ mãi mãi là một mùa xuân cho mọi người?...”*

Vâng, Má đã mang mùa xuân đến... Và Má ơi, đêm nay lắng lòng nghe, một Chứng nhân từ xa xăm ấy, dù biết Má đang ở Thiên đàng nhưng không quên dâng lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh cho Má.

Mong rằng con theo bước chân Má, mang mùa xuân đến...Chờ xem!


Ảnh: Kim Phượng
24.9 2023, Lần Giỗ Thứ 21
* Điếu Văn Của Linh Mục Đinh Thanh Bình

Chờ - Nhạc Phạm Anh Dũng - Đỗ Hải Hòa Âm - Quốc Huy Trình Bày


Nhạc Phạm Anh Dũng
Hòa Âm: Đỗ Hải
Trình Bày: Quốc Huy
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Thiếu Tiểu Ly Hương, Lão Bất Hồi!


Hôm rồi, tình cờ đọc bài viết ngắn ‘’thành kính phân ưu’’ trên ‘’vietbao.com’’ của ký giả Vương Trùng Dương (viết hôm 02/07/2023), tôi mới hay tin nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả ca khúc nổi tiếng ‘’Trăng mờ bên suối’’ (*), đã qua đời hôm 19/5/2023, ở tuổi 93!

Trăng đã tàn bên suối!


Tin nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên mất tháng 5, khiến tôi liên tưởng đến nhạc sĩ Cung Tiến bởi hai ông có nhiều điểm giống nhau:

- Chào đời thập niên 30s (Ông Nguyên sinh 1930, ông Tiến sinh 1938)
- Sáng tác nhạc lúc còn rất trẻ (14, 15 tuổi)
- Du học sau khi đỗ tú tài
- Sống với ‘’nghề chuyên môn’’, âm nhạc chỉ là ‘’tài tử’’ (amateur)
- Cộng tác với chính quyền VNCH ( ông Nguyên từng là tùy viên kinh tế dưới quyền đại sứ VNCH tại Pháp Phạm duy Khiêm / ông Tiến là Thứ trưởng Kế Hoạch làm việc với Bộ Trưởng Nguyễn tiến Hưng)
- Có trình độ học vấn cao nhất trong giới ca, nhạc sĩ miền Nam
- Tham gia vào các hoạt động giúp đỡ nạn nhân Cộng Sản sau 75 ( Ông Tiến: tù cải tạo / Ông Nguyên: thuyền nhân )
- Chưa bao giờ về VN, từ sau 75
- Mất trong tháng 5, cách nhau gần đúng 1 năm (ông Tiến:10/5/2022 ; ông Nguyên:19/5/2023) nhưng cộng đồng người Việt chỉ hay tin vào tháng 6 .vv

Một trong những điểm khác biệt giữa hai ông, là ông Tiến về nước sau khi tốt nghiệp, trong khi ông Nguyên chưa bao giờ trở lại quê hương, từ 1950 ( theo wikipedia ) .Trả lời phỏng vấn của cô Bảo Trâm ( Paris 25/11/2001 ), ông cho biết :

Từ ngày Saigon mất và để trả lời câu hỏi của Trâm, tôi không bao giờ có ý định trở lại cố hương... Tôi sẽ trở lại quê quán một ngày mai nước Việt thanh bình và dân tộc ấm no, hạnh phúc. Xin lỗi Trâm, tôi không muốn nói thêm nhiều về chuyện này

Tuy ông Nguyên không muốn nói thêm nhiều về chuyện ‘’không về nước’’ của ông, nhưng tôi nghĩ là nó cũng giống cái lý do mà ông Bát Sách, một ‘’người di tản buồn’’, đã đưa ra trong bài ’’Cảm đề’’ của ông, sau khi dịch:

Hoài thượng hỉ hội Lương Xuyên cố nhân
Giang Hán tằng vi khách,
Tương phùng mỗi túy hoàn.
Phù vân nhất biệt hậu,
Lưu thủy thập niên gian.
Hoan tiếu tình như cựu,
Tiêu sơ phát dĩ ban.
Hà nhân bất qui khứ,
Hoài thượng đối thu san.
(Vi Ứng Vật)

Dịch nghĩa:

Trên sông Hoài mừng gặp bạn cũ đất Lương Xuyên
Chúng ta từng làm khách ở vùng Giang Hán
Khi gặp nhau, thường uống rượu say sưa mới về
Sau khi bái biệt ta lang thang như phù vân
Thời gian cứ trôi đi như nước chảy, đã mười năm.
Bây giờ ta lại vui cười, tình giống như xưa,
Nhưng tóc đã thưa thớt, bạc trắng rồi.
Tại sao mình không trở về quê cũ,
Mà cứ ở trên sông Hoài, đứng trước núi thu?
(Sông Hoài chảy qua các tỉnh An Huy, Giang Tô) ( nguồn : thivien.net)

Ttrên Sông Hoài, Vui Gặp Lại Bạn Cũ Lương Xuyên.

Từng nơi Giang Hán quê người,
Gặp nhau say khướt, về thời lao đao,
Kể từ mây nổi xa nhau,
Mười năm nước chảy, dãi dầu nắng mưa,
Vui cười, tình vẫn như xưa,
Ngậm ngùi vì mái tóc thưa ngả màu,
Quê nhà những muốn về mau,
Sao còn đứng trước giang đầu, núi thu?
(Bát Sách)

Hà nhân bất qui khứ? Tại sao không trở về quê cũ?
- Về đâu? – Nếu về quê-hương-cờ-đỏ thì .. còn lâu

Muốn về cũng chẳng thèm đâu,
Non sông nặng trĩu u sầu, héo hon,
Quê hương khuất bóng hoàng hôn*
Lưu vong vì lũ cáo chồn nghênh ngang.
(Cảm đề/ Bát Sách.)

* Tản Đà dịch câu ‘’ Nhật mộ hương quan hà xứ thị ‘’

Ông Lê Mộng Nguyên là em ruột ông Lê Mộng Hoàng, một đạo diễn nổi tiếng trước 75 ( Nàng, Nắng chiều, Mãnh lực đồng tiền , 5 vua hề về làng vv ). Nếu, sau 75, ông anh tiếp tục làm đạo diễn (và được tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú) ở Việt Nam thì, ở Pháp, ông em, giáo sư đại học, tham gia vào một số hoạt động xã hội ( kêu gọi ‘’cứu giúp thuyền nhân’’ ), chính trị ( viết những bài về Nhân quyền ) vv

Trước khi đọc bài phỏng vấn ông Nguyên của cô Bảo Trâm, dù ở ‘’không xa ông mấy’’ nhưng hầu như tôi chẳng biết gì về ông ngoài ca khúc ‘’Trăng mờ bên suối ‘’! Bây giờ, đọc những câu trả lời của ông, tôi rất khâm phục và quý mến ông, qua nhiều phương diện: âm nhạc, học vấn, nhân cách ! Nếu được đọc bài phỏng vấn này trước đó, thì tôi đã nhờ cô bạn P.K (trong ‘’Tổng Hội’’) thu xếp cho gặp ông rồi ! Ông là một trong số ít (!!) những sinh viên du-học-trước-54 còn gắn bó với ‘’miền Nam’’, nhất là với một quốc gia mà ông chỉ ‘’biết đến’’ qua chức vụ tùy viên kinh tế ở Pháp : Việt Nam Cộng Hòa (khai sinh từ sau Hiệp Định Genève, sau khi ông đi du học ) ..

73 năm chưa hồi hương!

73 năm! ‘’Nhân sinh thất thập cổ lai hy’’. Người ta, sống đến 70 là hiếm! Câu nói nhiều người biết này, là một câu trong bài ‘’Khúc giang, kỳ 2’’ ( sông Khúc, kỳ 2 ) của Đỗ Phủ, mà ý tương tự như câu ca dao của ta: ‘’chơi xuân kẻo hết xuân đi / cái già xồng xộc nó thì theo sau’’

Khúc Giang Kỳ 2

Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương thưởng mạc tương vy.
(Đỗ Phủ)

Dịch nghĩa

Ngày ngày khi tan triều, áo đẹp đem đi cầm ngay,
Ngày nào cũng ở đầu sông uống thật say mới về.
Nợ tiền uống rượu vốn chuyện thường nơi nào cũng có,
Xưa nay đời người sống tới bảy chục là hiếm hoi.
Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện ra,
Chuồn chuồn giỡn nước chập chờn bay.
Nhắc người rằng phong cảnh thường hay thay đổi,
Hãy cùng nhau hưởng đi, chớ nên bỏ qua.
(Năm 758)
(nguồn: thivien.net)

73 năm: hơn cả nửa đời người!

Khi ông Nguyên rời nước (1950), Việt Nam còn là một quốc gia toàn vẹn, lãnh thổ đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trong khối Liên Hiệp Pháp (Việt, Miên, Lào). 4 năm sau, đất nước bị chia đôi, để ra đời 2 quốc gia Việt Nam: Bắc Cộng Sản và Nam Cộng Hòa ! Trong 73 năm xa xứ, ông Nguyên biết là đã có, ngoài mấy triệu đồng bào bỏ mình trong 2 cuộc chiến ( Pháp-Việt; Cộng Sản-Cộng Hòa ), còn có mấy trăm ngàn (?) người chết sau “hòa bình”( tù chính trị, vượt biên, chiếm đóng Cam Bốt vv ), một thứ hòa-bình áp đặt, được điều đình, ký kết, giữa Hà Nội và các siêu cường ! Vì thế, sau 75, ngoài việc kêu gọi quốc tế cứu trợ thuyền nhân, ông Nguyên còn là một trong những người Việt ( Pháp gốc Việt ) tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ ở quê nhà , qua những bài viết (Pháp/Việt) trên các tạp chí ngoại quốc và cộng đồng tị nạn hải ngoại.

Đọc bài phỏng vấn của cô Bảo Trâm, điều làm tôi ngạc nhiên là, rời Việt Nam năm 20 tuổi, 73 năm sống và làm việc (dạy học) ở Pháp, không nói đến chuyện lập gia đình với một người phụ nữ bản xứ, chắc chắn là ông Nguyên sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt. Nhưng, từ những con chữ, cách hành văn, đến lời hát trong các sáng tác sau này (thập niên 2000), cho thấy ông vẫn còn thuần thục tiếng mẹ đẻ, xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ trẻ ''gốc Việt'' hải ngoại noi theo. Viết là vậy nhưng ông ‘’nói’’ thì sao?


Nghe ông Nguyên trả lời phỏng vấn của cô Hoàng Lan Chi (**), bằng một giọng Huế nhẹ nhàng, giống như những người bạn Huế của tôi thời ''Sài Gòn đẹp lắm'', tôi chợt nghĩ đến ông Hạ Tri Chương!

Ông Hạ Tri Chương (659-744) là một nhà thơ đời Đường, làm quan ở Trường An trong 50 năm, nổi tiếng với 2 bài ‘’Hồi hương ngẫu thư ‘’, viết khi về thăm quê cũ, sau mấy chục năm lưu lạc, nhất là
 
Bài 1:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

Dịch nghĩa

Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trông thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?

Bài 2:

Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ 2

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.

Dịch nghĩa

Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng,
Gần đây xóm làng con người nửa đã thay đổi mất.
Duy chỉ có Kính hồ ở trước cửa,
Gió xuân về vẫn không thay đổi con sóng xưa.
(nguồn: thivien.net)

Ông Hạ Tri Chương và ông Lê Mộng Nguyên đều đỗ Tiến Sĩ và đều sống xa quê.

Nói về bằng cấp, tôi thấy ông Nguyên giỏi hơn ông Chương, dù không có ai là phó .. tiến sĩ (!) . Ông Chương là người Tàu, đỗ tiến sĩ Tàu, là chuyện ‘’bình thường’’. Trong khi ông Nguyên là người Việt, đỗ tiến sĩ Pháp: điều mà ông Chương không .. làm được!

Nói về hoàn cảnh, ông Chương cũng khác ông Nguyên. Ông Chương quê ở Chiết Giang (Zhejiang) vùng biển, sống ở Trường An (Chang’an), cách Chiết Giang khoảng 700km. Đi… TGV chưa đến 5 tiếng. Ông Nguyên ở Paris, cách Huế gần 10.000 km, phi cơ bay mất 13 tiếng. Chưa nói ông phải đến ‘’tòa đại sứ’’ xin nhập cảnh, phải gặp mấy cái bản mặt khó ưa, hách dịch vv!!!!

Nhưng vấn đề không ở cây-số, cũng chẳng ở giấy tờ ! Người ly gia đâu giống kẻ ly hương!

Trường An ở Tàu, Chiết Giang cũng ở Tàu. Ông Chương, mấy chục năm sống ở Trường An, về thăm lại quê Chiết Giang, nơi có bánh bao, hoành thánh, có xíu mại, nước tương. Hệt như ở Trường An. Nếu ông có lạ cảnh, lạ người, thì cảnh vẫn là cảnh Tàu, người cũng vẫn người Hoa. Có đâu như ông Nguyên ? Nếu ông Nguyên, từ Paris về thăm Huế, sau khi ‘’hòa bình”. Thì cảnh: vẫn là cảnh Huế, nhưng sông Hương đã rác rưởi bập bềnh và cờ đỏ sao vàng đang phất phới trên kỳ đài thành Nội ! Thì người: vẫn là người Huế nhưng đã nghe đó đây những ''cái-nón-cối'' rổn rảng giọng Bắc-kỳ-2-nút : nói những từ sai nghĩa, dùng những chữ vô duyên ! Và những người quen biết năm xưa với ông, chưa chắc đã còn đó, sau cái tháng giêng Mậu Thân máu lửa tơi bời ! Nên, dù ông Nguyên ‘’hương âm vô cải’’, không ‘’mấn mao tồi’’, thì mấy đứa bé cũng không nhận ra ông. Bởi ông không nói: ‘’khủng’’, ‘’chảnh’’, ‘’vô tư’’, ‘’ấn tượng’’, ‘’hoành tráng’’, ''bức xúc'', ‘’đăng ký’’, ‘’đối tác’’ vv! Tiếng Việt của ông trong sáng quá thì làm sao mấy ‘’cháu ngoan Bác Hồ’’ hiểu nổi ?!!!

Trả lời câu hỏi của họa sĩ Khánh Trường (Hợp Lưu số 1 – 1991):’’ Với tư cách của một nhà văn lưu vong, anh có dự định sẽ trở lại quê hương’’, nhà văn Mai Thảo đáp:
- Chắc không. Lúc này và cả sau này, quê nhà còn Cộng sản hay không còn cũng vậy. Đã phải lưu vong, cho lưu vong thôi. Ở xa thôi’’.

Chuyện trở về sống ở quê hương khi ‘’không còn Cộng Sản », là chuyện của mỗi cá nhân. Riêng tôi thì cũng như ông Mai Thảo. Nghĩa là, nếu bây giờ, hoa Tự Do nở lại bên nhà, chế độ độc tài, độc Đảng không còn, thì tôi cũng không về đó sống, hưu (trí) hay chưa hưu. Như một số người tôi biết, ở đây !

Lìa quê hương ở tuổi hai mươi, như đại đa số người tị nạn, tôi đã phải ‘’đi lại từ đầu’’ nơi xứ lạ, bằng mồ hôi và nước mắt, bằng chân cứng và tay mềm, với rất nhiều ngày nhói lòng cùng những đêm thao thức nhớ quê hương ! Đứa bé bản xứ chào đời năm tôi đến, hôm nay đã là một người đàn ông, hay một phụ nữ, 44 tuổi !

44 năm sống trên xứ người, gia đình tôi đã mọc rễ ở đây. Con cháu tôi, anh em tôi, bạn bè tôi đều ở đây. Bên đó, họ hàng đếm trên đầu ngón tay, lại thêm mấy chục năm không liên lạc, biết ai mất, ai còn ?! Tri kỷ, tri âm xưa, cũng chỉ một hai tên. Ai chịu khó bỏ thời giờ để cùng tôi tiêu pha những ngày dài, tháng rộng ở quê nhà ?!

‘’Ở đâu quen đó’’. Nhưng không phải vì sống nơi đây lâu năm mà tôi đã thành trái chuối ….già ! (ngoài ‘’vàng’’, trong ‘’trắng’’), không còn thiết tha với ‘’chùm khế ngọt’’ (''quê hương là chùm khế ngọt''/ Đỗ trung Quân) ! Thật ra, tuy vẫn còn một tâm hồn Việt Nam, một trái tim Việt Nam, nhưng từ thói quen, lối sống, giải trí cho đến sự suy nghĩ, cách nhìn một vấn đề vv, tôi đã không còn giống với những người thân ‘’bên đó’’, những người cùng thế hệ tôi ! Nói chi đến cái xã hội xung quanh : một cái xã hội đã bị người CS ‘’chủ nghĩa’’ hóa (!) từ 48 năm nay ? ‘’Cận lai nhân sự bán tiêu ma’’ ( Gần đây xóm làng con người nửa đã thay đổi mất ). Chưa nói đến ‘’y tế, chăm sóc sức khỏe‘’, là vấn đề quan trọng hàng đầu của tuổi .. già, làm sao, ở quê nhà, có được cái trình độ, phẩm chất, nhân sự vv như quốc gia tôi đang sống ?! Nhưng, cái đáng sợ nhất là phải nghe, phải đọc những từ ngữ ‘’kỳ cục’’, lạ tai, sai nghĩa, được sử dụng vì thói quen (!), phát xuất từ cái nền văn hóa, giáo dục ‘’đấu tranh giai cấp’’, cái văn chương, nghệ thuật phải có ‘’tính Đảng’’, của một chế độ ‘’ưu .. diệt’’ (!!). Cần một thời gian dài, chứ không phải một sớm, một chiều mới trở lại được ‘’bình thường’’, ít nhất, là như trước-75 ! vv

Về như thế thì, với tôi, không phải để ‘’đi tìm lại thời gian đã mất’’ (‘’A la recherche du temps perdu’’ / M. Proust ) sau mấy chục năm lưu lạc, mà là ‘’phí mất cả thời gian còn lại’’ !
Chả nhẽ trở về, chỉ để chiều chiều, cùng một, hai người bạn cũ, ra bến Bạch Đằng, ngắm mấy đợt sóng lăn tăn mà khóc cho cái tuổi xuân mình đã bị ‘’đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ / nón tai bèo che mất nẻo tương lai “ ?!!!

Thôi đành ’’thiếu tiểu ly hương, lão bất hồi’’ vậy !!!

BP

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Cõi Đông - Giao Mùa

 

Bài Xướng:

Cõi Đông

Cô đơn gối chiếc tái tê lòng
Lạnh lẽo mùa về chạm tiết đông
Hoang vắng chiều nghiêng sầu gió bấc
Chạnh lòng sương phụ rót vào song

Đêm vội sương giăng kính phủ mờ
Đam mê ấp ủ dáng tình thơ
Say men thi vị đêm tròn mộng
Rót bóng canh tàn lạc nẻo mơ…

Kim Oanh
Ngày cuối đông 31/8/2023
***
Bài Họa:

Giao Mùa

Gối chiếc “độc thân” cũng chạnh lòng…!
Giao mùa ấm lạnh giữa thu, đông
Cô đơn lẻ bóng buồn hiu quạnh…!
Sương phụ bâng khuâng trước chấn song…!

Màn đêm gió lạnh kính sương mờ
Ấp ủ trong lòng những áng thơ
Thi vị tình yêu em, giấc mộng…!
Tàn canh nhớ bóng lạc vào mơ…!

Mai Xuân Thanh
California 9/13/2023

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

Giấc Mơ Hoa


Đêm mơ áo tím thoáng về
Lả lơi trong gió vân vê tay ngà
Thướt tha dáng ngọc đôi tà
Nghê thường vũ khúc Tiên sa giáng trần
Ngẩn ngơ nguyệt bạch cúi gần
Nhẹ hôn lên đóa tầm xuân nụ tình.
Thẹn thùng đôi cánh môi xinh
Luyến lưu hoa mộng lung linh giấc nồng


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Xuân Melbourne 


Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Xưng Tội

 

Gọi nắng lên cho em hồng đôi má
Thẹn thùng vội nghiêng nón lá làm duyên
Nón không che hết má lúm đồng tiền
Gió lay chuyển anh mang làm kỷ niệm

Sáng Chúa Nhật bước vào nhà nguyện
Xưng tội Cha tha anh! Vội yêu em
Không biết Cha có cười qua bức rèm?
Nhưng anh mắc cỡ tèm lem mặt đỏ

Rời nhà thờ lòng quyết lòng tìm nhỏ
Nói yêu nàng ... nhưng đuôi thỏ mọc ra
Biết làm sao sợ chẳng dám đến nhà
Đành thơ thẩn lội ngược cầu Cái Cá.....(*)

Kim Oanh
2009
(*) Cầu Cái Cá - Vĩnh Long

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Sáng Bên Cốc Cuộc Đời

 

Đêm mộng mị qua rồi
Sáng đun nóng lòng ôi!
Cốc cà phê sóng sánh
Khuấy tuyết mùa đang rơi

Trong đáy cốc cuộc đời
Chất đắng đầy trên môi
Người khất lần sau tới
Mực cà phê bốc hơi

Tiếng máy sưởi rã rời
Những con dốc tình ôi
Chiếc máy nào không mỏi
Lời người chóng quên rồi

Chút sáng rựng chân trời
Có sáng gì trong tôi
Bên sau là bóng tối
Trước mặt không bóng người

Tôi khuấy một cõi đời
Đen tối cà phê tôi
Ngoài kia trùm tuyết phủ
Nghe chất đắng ngậm ngùi

Hoài Tử

 


Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Bóng Người Hoa Tím



(Viết tặng người của bóng)

Hôm qua có bóng người như thể
Nhìn bóng hình tôi thoáng ngậm ngùi
Thời gian lặng lẽ màu hoa tím
Hoa tím in màu tôi trong tôi!

Tay đếm bàn tay dài mấy ngón
Là năm tháng trải những thăng trầm
Mới hay mây cuốn về cuối nẽo
Cho mưa hằn bao vết thương tâm...

Em bảo rằng thôi chậm bước chân
Giữ màu hoa tím mãi yên lành
Hay trong chiếc bóng nằm nghiêng ấy
Là những hao gầy chuyện thủy chung

Hoa tím và bóng hình trầm mặc
Bên nhau còn đó những vui buồn
Bóng ai như bóng thời gian ngã
Một nửa cho đời một quẩn quanh?

Mùa thu 2020,
Người Chợ Vãng




Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Cảm Tạ Ơn Ba!

  

Ngày Lễ Cha cũng là ngày Báo Hiếu
Bước vào Xuân vườn không thiếu hoa xinh
Gom yêu thương con gói trọn tâm tình
Dâng tất cả đến hồn linh Ba má
Công dưỡng nuôi lòng con xin cảm tạ
Ân nghĩa dầy tấc dạ chẳng hề phai!
Nơi thiên đường Ba Hạnh phúc Father’s Day!


Hình Ảnh & Thơ: Kim Oanh
Melbourne Father’s Day 3.9.2023