Còn được dân gian nôm na gọi là thuốc bổ và trong y khoa gọi là sinh tố, vitamins gồm một nhóm các chất rất cần cho đời sống con người. Nhờ chúng mà tế bào của cơ thể có thể hoạt động, sinh trưởng cũng như phát triển bình thường.
Vitamins (sinh tố) được chia làm hai nhóm:
1. Các vitamins hòa tan trong mỡ (liposoluble):
Có trong thực phẩm chứa chất béo như dầu, trái ô-liu, dừa, đậu phụng, mè, hạt hướng dương, trái bơ hay bơ, phó mát, thịt mỡ.
Ta có thể kể:
· Sinh tố A:
Cần cho hệ thống miễn nhiễm, sinh sản. Ngoài ra sinh tố A còn giúp tim, phổi, thận và các bộ phận khác trong cơ thể hoạt động đúng với chức năng của chúng. Đặc biệt và quan trọng nhất, vitamin A giúp tế bào mắt phát triển bình thường, nhất là trong những năm đầu của các cháu bé.
Ngoài có trong sữa và các chất mỡ kể trên, đặc biệt ở Việt Nam sinh tố A có nhiều trong trái gấc thường dùng để nấu xôi gấc.
Dinh dưỡng thiếu sinh tố A trong những năm đầu đời đã làm nhiều cháu bé phải bị mù.
Nếu dùng sinh tố A quá liều lượng trong một thời gian lâu, sẽ ảnh hưởng đến thị giác, đau nhức xương cốt và nhiều thay đổi trên da. Nếu dùng lâu ngày sẽ có thể làm hư gan, và hại đến óc.
· Sinh tố D:
Cần cho hệ miễn nhiễm cũng như giúp cơ thể hấp thụ chất xương và phosphate, nhờ đó xương phát triển. Vitamin D cũng giúp các bắp thịt trong cơ thể con người hoạt động tốt.
Da của con người trong trạng thái thiên nhiên có chất tiền sinh tố D. Khi tia cực tím của mặt trời chạm đến da, chúng biến đổi chất tiền sinh tố nầy thành sinh tố D3. Theo một chu trình biến hóa qua gan và đến thận, nơi đây sinh tố D3 cuối cùng trở thành calcitriol, chất được xem hữu hiệu nhất của sinh tố D.
Thiếu sinh tố D sẽ làm bị bệnh còi xương, xương bị mềm, biến dạng ở các cháu bé hoặc dễ gãy và biến dạng ở người lớn. Nhiều nghiên cứu thấy những ai có lượng sinh tố D thấp trong máu, tình trạng được xem là thiếu sinh tố D, những người nầy dễ bị sa sút trí nhớ, bị bệnh quên, lãng (dementia) hoặc bệnh lú lẫn Alzheimer’s. Cũng vì thế, sinh tố D3 được xem là có ảnh hưởng khá lớn trong việc ngăn ngừa bệnh quên, lãng và lú lẫn của tuổi già. Vitamin D3 cũng được xem là có thể giúp cơ thể chống lại virus Vũ Hán (COVID-19), dựa trên những báo cáo cho biết những người có nồng độ vitamin D3 trong máu được xem là thiếu, không những họ dễ có thử nghiệm Covid-19 dương tính mà còn bị bệnh Covid-19 nặng hơn nữa.
Dùng sinh tố D liều quá cao trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến xương, các mô và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nếu cứ tiếp tục dùng sẽ dẫn đến cao huyết áp, mất xương và hư thận.
· Sinh tố E,
Nhờ tác dụng chống hiện tượng độc hại oxy hóa tế bào, giúp cơ thể chống lại những chất độc gây nên bệnh tim hay ung thư.
Tuy qua các nghiên cứu, người ta thấy sinh tố E có thể làm bệnh Alzheimer’s tiến triển chậm lại, hoặc giúp chữa bệnh gan nhiễm mỡ, thế nhưng ăn uống thường ngày vẫn cho ta đủ lượng sinh tố E, bởi thế cũng không cần phải dùng thêm sinh tố E, vì sẽ có hại hơn là lợi.
Thiếu sinh tố E rất hiếm khi xảy ra, nên không phải là một vấn đề cần phải lưu tâm.
Dư sinh tố E sẽ làm cho máu chậm đông đưa đến những biến chứng nguy hiểm như bị đột quỵ (stroke) do chảy máu. Dùng sinh tố E liều lượng cao có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm khác như ung thư tuyến tiền liệt hoặc tiểu đường.
· Sinh tố K
Rất cần cho sự đông máu và điều hòa lượng chất xương (calcium) trong máu, bởi thế rất quan trọng để cho máu đông cũng như biến dưỡng của xương.
Thiếu sinh tố K xảy ra khi người bệnh bị nhiễm trùng và phải dùng trụ hay kháng sinh trong nhiều ngày. Trụ hay kháng sinh giết các vi trùng có hại, gây bệnh cho con người, nhưng cùng một lúc cũng giết luôn những con vi trùng rất cần nằm trong ruột non, hằng ngày sản xuất ra sinh tố K giữ cho đừng chảy máu. Thiếu sinh tố K, sẽ dễ bị chảy máu.
Nếu dư sinh tố K cơ thể có thể bị da nổi đỏ, ngứa.
2. Vitamins hòa tan trong nước:
Có tất cả chín loại sinh tố tan trong nước. Mỗi ngày các sinh tố nầy vào cơ thể chúng ta qua lượng thực phẩm chúng ta dùng. Ngoài nhu cầu cho các sinh hoạt cần thiết hằng ngày, chỉ có B.12 là sinh tố duy nhất có thể được dự trữ ở gan trong nhiều năm, các sinh tố khác, cơ thể chỉ giữ lại một số lượng dự trữ nhỏ, số còn lại được xem là dư thừa sẽ bị thải ra ngoài theo nước tiểu. Cũng vì vậy chúng ta phải ăn uống làm sao mỗi ngày để cơ thể chúng ta không bị thiếu hụt chúng. Trong các sinh tố tan trong nước, ta có thể kể nhóm các sinh tố sau đây:
I. Nhóm sinh tố B:
1. Sinh tố B1 (còn có tên là Thiamine)
Rất cần cho gần như tất cả các tế bào trong cơ thể con người, sinh tố B1 có nhiệm vụ giúp biến đổi thức ăn thành năng lượng cần cho cơ thể. Cơ thể con người không sản xuất ra được B1, nên phải nhờ thức ăn có nhiều loại sinh tố nầy như thịt, các loại hạt đem vào.
Thiếu sinh tố B1 do nghiện rượu, tuổi già, tiểu đường, lọc thận hay dùng thuốc lợi tiểu liều cao. Triệu chứng thiếu B1 gồm: ăn uống không ngon, mệt mỏi, dễ nóng giận, giảm hay mất phản xạ, tê hay cảm giác kiến bò ở tay và chân, yếu các cơ bắp, mờ mắt, buồn nôn hay ói, biến đổi nhịp tim, khó thở, hơi thở ngắn, mê sảng.
Sinh tố B1 có nhiều trong gan bò, các loại đậu, hạt ngũ cốc, thịt heo. Vỏ ngoài của gạo có rất nhiều sinh tố B1, bởi vậy nếu chà gạo mạnh quá khi xay lúa, hay vo gạo kỹ quá trước khi nấu sẽ mất đi phần ngoài nơi chứa nhiều sinh tố B1.
Thiếu sinh tố B1 thường xảy ra trên những người trong chế độ lao tù khổ sai, ăn uống thiếu thốn làm cho người bệnh phù thủng và làm suy tim.
2. Sinh tố B2 (còn có tên là Riboflavin)
Giúp cơ thể biến dưỡng chất đạm, chất mỡ cũng như chất tinh bột, sinh tố B2 có nhiệm vụ quan trọng giúp cơ thể cung cấp nguồn năng lượng cần cho cơ thể. Sinh tố B2 có trong trứng, rau xanh, sữa, thịt, nấm, hạt hạnh nhân.
Sinh tố B2 cũng giúp cho hệ thống màng nhầy trong bộ phận tiêu hóa, mắt, các bắp thịt, dây thần kinh và da hoạt động bình thường.
Thiếu sinh tố B2 có thể làm cho bị chứng nhức đầu đông.
3. Sinh tố B3 (Niacin)
Giúp cơ thể biến thức ăn thành năng lượng. Sinh tố B3 giúp hệ thống thần kinh, hệ thống tiêu hóa và da lành mạnh. Niacin thường có trong thức ăn hằng ngày.
Tình trạng thiếu sinh tố b3 rất hiếm khi xảy ra.
4. Sinh tố B5 (Pantothenic acid )
Cần cho cơ thể biến đổi thức ăn thành năng lượng.
5. Sinh tố B6 (Pyridoxine).
Cùng với các sinh tố trong nhóm B, sinh tố B6 góp phần giúp biến đổi thức ăn thành năng lượng cần cho cơ thể. Có trong đậu, thịt, gà, vịt, cá, ngũ cốc, rau lá xanh, đu đủ, chuối.
6. Sinh tố B7 (Biotin)
Có lợi ích cho da, tóc, móng.
7. Sinh tố B12 (Cyanocobalamin)
Quan trọng giúp các hoạt động biến dưỡng trong cơ thể, ngoài ra sinh tố B12 còn giúp cơ thể làm nên hồng huyết cầu và DNA, cũng như giúp hệ thần kinh trung ương hoạt động bình thường.
Sinh tố B12 có trong thịt, cá, chim muông, trứng.
Thiếu sinh tố B12 thường xảy ra với người già ăn uống không đầy đủ, nhất là những người ăn chay. Da tái nhợt hay vàng, vì thiếu máu, người mệt mỏi và yếu, dễ bị mệt, cảm thấy kim đâm, vì thiếu B12 ảnh hưởng hại đến các giây của hệ thần kinh. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng của cơ thể, người bệnh dễ bị té, hoặc đi đứng khó khăn. Viêm lưỡi hoặc loét miệng, nói năng khó khăn. Thở dốc, mệt và có thể chóng mặt, nhất là khi phải dùng sức vì thiếu hồng huyết cầu để mang oxy. Thiếu B12 cũng ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác làm mắt mờ, không thấy rõ. Ngoài ra còn có thể làm cho bị trầm cảm hay những triệu chứng sinh hoạt yếu kém của não bộ như quên, lãng, lú lẫn hay cao thân nhiệt.
8. Sinh tố (B9) Folate và Folic acid (dạng tổng hợp)
Quan trọng trong việc cấu tạo hồng huyết cầu và giúp tế bào sinh hoạt cũng như tăng trưởng tốt lành. Folate và Folic acid rất cần trong thời kỳ thai sản giúp giảm nguy cơ nguy sinh trẻ có não bộ và cột sống bị biến dạng. Folate có trong rau xanh, đậu, các loại hạt. Trái cây như cam, chanh, chuối, dưa hấu và dâu tây. Folic acid là folate dưới dạng tổng hợp.
II. Sinh tố C (Ascorbic acid):
Là một chất chống tác dụng độc hại oxy hóa, sinh tố C giúp giữ răng và nướu tốt, ngoài ra còn giúp cơ thể hấp thụ chất sắt cần để cơ thể làm ra hồng huyết cầu. Sinh tố C giúp cấu tạo và gìn giữ xương, da, các mạch máu cũng như các mô trong cơ thể hoạt động tốt và là một yếu tố quan trọng giúp vết thương mau lành. Nhờ khả năng giúp hệ thống miễn nhiễm tăng cường hoạt động, sinh tố C rất cần cho cơ thể chống đỡ bệnh nhiễm trùng nhất là do vi khuẩn.
Có thể tóm tắt việc dùng vitamins (thuốc bổ, sinh tố) như sau:
I. Các loại sinh tố tan trong mỡ, chỉ nên dùng liều lượng nhỏ, vì liều lượng cao và dùng lâu ngày sẽ có ảnh hưởng độc hại cho cơ thể.
II. Ngoài trừ sinh tố B 12, các loại sinh tố tan trong nước khác, vì cơ thể không tích trữ được, nên phải ăn uống đầy đủ để cơ thể không thiếu chúng, nhất là những ai ăn chay, nhịn ăn hay ăn uống kiêng khem. Các loại sinh tố nầy không sợ độc hại lắm nếu dùng liều lượng cao, vì cơ thể sẽ thải lượng dư thừa ra theo nước tiểu.
III. Khi dùng Vitamins (thuốc bổ), chúng ta nên để ý đừng dùng một lúc quá nhiều loại, ví dụ đã dùng Multivitamin là loại thuốc đã có hàm lượng của từng loại sinh tố tan trong mỡ và trong nước rồi, nếu không vì một lý do đặc biệt nào đó do bác sĩ khuyến cáo, thì không nên dùng Vit A, D, E, hay B Complex thêm nữa. Dùng như vậy không lợi mà lắm khi không tốt, như trường hợp nhiều sinh tố A, E, K hay ngay cả D chẳng hạn.
BS. Tống Viết Minh