Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Đâu Rồi Mùa Xuân Xưa



Ta tiếp tục bước lần qua lối cũ
Tìm góc trời trú ngụ những " Xuân xưa "
Cũng lắm khi khóe đẵm hạt mưa vừa
Lạnh hồn cô độc giao thừa đầu năm

Còn gì đâu những mùa Xuân đằm thắm
Cả căn phòng chìm đắm tuổi thơ ngây
Ngoài trời xa giá rét đến từng ngày
Mai đâu nở Xuân hoài sai ước hẹn

Thời gian trôi tuổi dần già thêm thẹn
Sức lực tàn sao vẹn nỗi can qua
Thời tiết nghịch thêm buồn đêm phố xá
Tìm được gì lòng dạ ngổn ngang rơi

Em bỏ ta đi biệt mấy khung trời
Không pháo nổ,sao rơi miền sơn cước
Đồng đội xưa rời xa ta lũ lượt
Cõi đời này toàn ngược cảnh " Xuân xưa "

Xuân lai sinh hóa kiếp lại là vừa!
Hãy hứa với anh! Em sẽ về qua phố nhỏ!

Vĩnh Long 20-1-2011
Lê Kim Hiệp


Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Hương Nguyền(Kim Oanh) - Vowing Fragrance (Hương Cau Cao Tân)



Hương Nguyền

Thắp nến lên xua bóng ngậm ngùi
Đóa hồng thắm mỉm cười hé nở
Nụ tinh khôi gửi người muôn thuở
Một dại khờ, bỡ ngỡ còn nguyên
Dù mai xa ướp giữ hương nguyền
Tình Nhân nhớ cất duyên tiền kiếp

Kim Oanh
***
Vowing Fragrance by Kim Oanh


Lighting the candles to cast away the shadow of self-pity
Admiring the bright rose that is budding and smiling slightly
This virgin bloom is reserved for my idolized person of everlasting
Despite being naïve once, the surprised feeling is still whole and remaining
Even when we will be apart let’s be maintaining the vowing fragrance
My Soulmate Love, please keep guarding the gift of predestination.

Translated by Hương Cau Cao Tân

On 15 February, 2022, in British Columbia, Canada

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Vòng Nguyệt Quế Cho Phố Núi Cao... - Trương Đình Thuấn

 

Thi sĩ Vũ Hữu Định làm bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy – “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam đã lấy nguyên bài thơ làm ca từ không bỏ hoặc thêm bớt một từ nào cả. Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận:

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên

Vũ Hữu Định đã tiết lộ với bạn bè là “em” trong bài thơ này chỉ là nhân vật mà anh đã… nhặt được trong tưởng tượng trong giây phút linh hiển nhất của mình là khi làm thơ.

Khi Phạm Duy “chắp cánh” cho bài thơ bằng một bài hát bất tử, cả nhà thơ và nhạc sĩ đã đội vòng nguyệt quế cho Pleiku, một miền cao nguyên trung phần quanh năm sương phủ núi đồi, một vùng thủ phủ của quân khu 2 nên lính đóng quân nhiều hơn thường dân ở. Nếu không có bài thơ này thì ít ai biết đến một thành phố xa xôi “quanh năm mùa đông” và những người yêu thơ không thuộc nằm lòng câu : May mà có em đời còn dễ thương.

Bài thơ gắn liền với tên tuổi của Vũ Hữu Định, nhắc đến tác giả là người ta nhớ Còn Chút Gì Để Nhớ và ngược lại. Thi sĩ Kim Tuấn là lính đóng quân gắn bó nhiều năm ở Pleiku, từng làm nhiều bài thơ cho phố núi sương mù này đã thốt lên về Vũ Hữu Định : “Mình từng ăn dầm ở dề ở đây mà chẳng làm được tích sự gì, vậy mà bỗng dưng một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi đã làm bài thơ nổi đình nổi đám cho Pleiku!”
Như vậy mới biết là một địa danh nào đó để cho nhiều người biết đến phải nhờ đến âm nhạc và thi ca. Những cung bậc tài hoa của nghệ thuật đã gây cảm xúc và lưu lại “chút gì để nhớ” để thôi thúc độc giả một ngày nào đó sẽ làm du khách được ghé thăm.


Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970, được lọt vào mắt của Phạm Duy, và nhạc sĩ đã tìm lên đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định, người lính đào ngũ hai năm rồi bị bắt đày lên cao nguyên để phục dịch chiến trường.
Trong một buổi chiều họp mặt nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku, trong đó có tác giả của “Còn Chút Gì Để Nhớ” – Vũ Hữu Định. Anh mặc cái áo màu xám khắc sau lưng bốn chữ LCĐB (Lao công đào binh). Trong giới văn nghệ, người ta quí trọng tài năng của nhau chứ không phân biệt người đương thời quan cách và kẻ làm tội nhân.
Phạm Duy đã rút giấy bút ra từ túi áo và kẻ rất nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử cho mọi người nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ và sau đó bài hát đã nổi tiếng ngay sau khi phát hành.

Thi sĩ Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung (1942- 1981) sinh tại Thừa Thiên. Đã từng sống nhiều nơi ở Cao nguyên và Đà Nẵng, anh sống nghèo túng trong khoảng đời ngắn ngủi của mình, có tật mê rượu và thường giang hồ lang bạt đi đây đi đó.

Anh đã có nhiều thơ đang rải rác ở các báo với nhiều bút hiệu khác nhau và cuối cùng tên Vũ Hữu Định mới được nhiều người biết đến sau khi bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ ra đời.
“Giang hồ đâu cần ai phong ấn”

Chỉ trong chuỗi ngày giang hồ của mình, Vũ Hữu Định để lại cho đời một bài thơ làm nhiều người biết và để ý đến phố núi Pleiku. Tác phẩm đôi khi do ghi lại tình tiết của đời tư của nghệ sĩ, và nghệ phẩm không phải xuất xứ từ salon, từ chăn êm nệm ấm, mà từ nỗi đày ải nhân gian mà tác giả đã trải qua.
Một địa danh vốn ở ngoài đời đã đẹp, khi đi vào thi ca và âm nhạc sẽ trở thành nên thơ hơn, làm du khách muốn đến thăm hơn. Như bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử và bài nhạc Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên.

Tôi đã có một đôi lần ghé lại Pleiku, từ con dốc cao đổ vào trung tâm, đã thấy “quanh năm mùa đông” ở trên từng màn sương ướt màu thông xứ sở cao nguyên. Không thể không nhớ đến một gã giang hồ làm thơ Vũ Hữu Định tài hoa bạc mệnh đã từ giã cuộc chơi trần thế vào năm 39 tuổi.
Tôi đi trong hoài tưởng về một Pleiku ngày ấy đã được Vũ Hữu Định khoác lên cho chiếc áo thi ca, đi loanh quanh hết mấy con đường không còn mù bụi đỏ như xưa để có đúng là “đi dăm phút đã về chốn cũ” không?


“Xin cảm ơn một mái tóc mềm” nào đó của Vũ Hữu Định đã cho chúng ta những hình dung về một phố núi cao nguyên Pleiku ngoài đời và một miền sương mù bất tận trong thơ. Một mái tóc mềm dẫu không có thật ở ngoài đời cũng kệ, cũng đủ làm cho May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương.
Sinh thời Vũ Hữu Định không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Để Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy.

Một đêm thơ Vũ Hữu Định được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Đà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ Cảm Ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Định:

Lần nào em sinh nở
Anh cũng trên đường xa
Lần này em sinh nở
Anh cũng không có nhà.

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, 1942, mất 16 tháng 1 Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng.

Trương Đình Thuấn

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Văn Thiền 聞蟬 - Miên Thẫm

 

Văn Thiền 

Tống quân tằng thử địa, 
Nhất biệt hốt kinh niên. 
Sầu sát trường đình liễu, 
Thu phong khởi mộ thiền.

Các Bài Thơ Dịch:
(1)
Nghe Tiếng Ve

Tiễn chàng từng ở nơi đây,
Biệt ly một thoáng đã đầy một năm
Trường đình liễu rũ buồn căm,
Thu phong vang dậy tiếng ngân ve chiều.

(2)
Từng tiễn chàng nơi đây,
Ly biệt một năm đầy
Trường đình buồn liễu rũ,
Thu phong dậy ve sầu.

Mailoc
***
 聞蟬                      Văn Thiền

送君曾此地,  Tống quân tằng thử địa,  
一別欻經年。  Nhất biệt hốt kinh niên.  
愁殺長亭柳,  Sầu sát trường đình liễu,
秋風起暮蟬。  Thu phong khởi mộ thiền.  

Miên Thẫm
***
Dịch Thơ:

Nơi này hai kẻ xa rời
Thế rồi cũng trọn năm trời chia tay
Bên đình liễu úa xót thay
Chiều thu ảm đạm gió lay ve buồn.

Quên Đi
***
Nghe Tiếng Ve

(1)
Tiễn chàng năm ấy tại nơi đây
Thoắt đã tròn năm nỗi nhớ đầy
Rặng liễu âm thầm chau nét mặt
Tiếng ve theo gió thoảng ngân dài.

(2)
Tiễn chàng chính tại nơi này
Thoắt đà trọn một năm đầy xa nhau
Âm thầm rặng liễu mày chau
Gió thu vẳng tiếng ve sầu xót xa.

Phương Hà
***
Nghe Tiếng Ve

Tại nơi đây,tiễn chàng môt thuở
Đã xa nhau tính nhẩm tròn năm
Trường Đình,rặng liễu buồn căm
Gió Thu văng vẳng xa xăm ve sầu

Song Quang
***
Văn Thiền

Nơi đây lần tiễn biệt
Xa cách cả năm tròn
Liễu cạnh đình buồn rũ
Gió thu ve nỉ non


Kim Phượng
21.1.2022
***
Nghe Tiếng Ve
 
Chốn này tiễn bước người xa
Chia tay thoáng chốc đã qua năm tròn
Bên đình sắc liễu héo hon
Gió thu hiu hắt nỉ non ve sầu


Kim Oanh

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Phố Lạ Người Quen (Kim Oanh)- Unfamiliar Roads, Familiar People( Hương Cau Cao Tân)

Phố Lạ Người Quen

Chưa một lần ta ghé qua phố núi 
Dạo trên đường Lê Lợi ngắm Bắc Hương
Sao như gì lòng dạ lạ vấn vương 
Bóng hình ai dường hoài trong tâm tưởng

Chưa một lần ta ghé qua phố núi
Pleiku ngậm ngùi áo trắng còn bay
Chiều tan trường tay ngượng ngập đan tay
Ly kem ngọt vị cay lần chia biệt

Chưa một lần ta ghé qua phố núi
Suốt cuộc đời dong ruổi bóng người đi
Tiếc thương thay cho tuổi mộng xuân thì
Lay lắt nhớ cố ghì trong huyết quản

Chưa một lần ta ghé qua phố núi
Để một lần viên mãn giấc mơ xưa
Hồn lún sâu trong dòng thác đổ mưa
Tắm mới lại chuyện tình xưa phố núi.

7/2010 
Kim Oanh
***
Unfamiliar Roads, Familiar People
by Kim Oanh in 07.2010

I have never once visited roads in mountainous regions
Or admiring Bắc Hương on Lê Lợi Street in my visitation
But why it feels like there is something being attached to me all the time
Probably an image of somebody that is lingering continuously in my mind

I have never once visited roads in mountainous regions
The white dresses are still flying in Pleiku while it shows its compassion
At disperse after school in the afternoon feeling awkward in hand clasping
The sweet ice cream cup in its farewell bidding time is burning in its tasting

I have never once visited roads in mountainous regions
The traveller’s shadow travels far and in haste in all my life’s continuation
I am pitying regretfully for my fresh youth that is so dreamy
Trying to last it by remembering to hold it tight in the veins of my body

I have never once visited roads in mountainous regions
So at least once to complete the old dream in its fulfillment
And as my spirit is sinking deep into the falls pouring down in continuation
I would wash afresh the old loving story of roads in mountainous regions.

Translated from Vietnamese into English by Hương Cau Cao Tân
on 08 January, 2022, in British Columbia, Canada

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

Mai Nhớ Xuân Xưa



Mai chốn tiền phương nở rỡ ràng
Mai cùng chim Én báo Xuân sang
Mai ươm sắc nắng trời mây rộng
Mai đượm màu chanh áo lụa vàng
Mai đợi chinh phu tin vẫn bặt
Mai chờ lính trận súng còn vang
Mai nơi hậu tuyến đời êm ấm
Mai với Hoàng Kỳ đẹp dịu dàng...


Duy Anh

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Xuân Phai

(Mornington - Australia-KimOanh)
Xin hoa một chút hương thừa
Gió xuân hôn nhẹ thơm vừa tóc em
Ghé mi đôi mắt nhung mềm
Tẩm lên khăn lụa che nghiêng dáng buồn
Thời gian lặng lẽ sầu buông
Hoa tàn phai sắc góc vườn riêng em
Lạc lõng giữa bức màn đêm
Ủ hương môi nhạt bên thềm rêu xanh

Kim Oanh

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Xuân Chúa Trời - Nhạc: Mai Phạm - Hòa Âm: Minh Mẫn


Nhạc: Mai Phạm 
Hòa âm: Minh Mẫn 
Ca sĩ: Huỳnh Lợi Hát bè: Hợp ca Mầm Xanh 
Studio: Đức Luân

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Tiếc Một Thời Xuân - Vui Xuân


Tiếc Một Thời Xuân

Đào khoe trước ngõ nụ tình
Nắng vàng hương gió lung linh cợt đùa
Bướm say hoa thắm đón mùa
Nhớ xuân thuở trước như vừa đâu đây
Thời gian nhạt cánh hồng phai
Tiếc thời xuân sắc tháng ngày vụt nhanh
Như hoa rồi sẽ lìa cành
Đong đưa trước gió mỏng manh cánh dòn


Kim Oanh
Xuân 2022
***
Vui Xuân

Nắng Xuân sang,lả lướt tình,
In hình hoa nắng đẹp xinh, múa đùa...
Mai đào vội vã đợi mùa,
Rộn ràng đàn bướm,chợt lùa qua đây.
Mong chi cội cũ, hoa phai...
Vui đi...chẳng lại ai hoài...quá nhanh!
Hương thơm còn ngát trên cành,
Đương thời...nụ thắm, lá xanh,sắc dòn!

Thanh Hoà
27/01/2022

Thơ Tranh: Chúc Tết

  

Thơ: Mặc Phương Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Thơ Tranh: Mai Vàng

 

Thơ: Thái Huy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ba Sơn Đạo Trung Trừ Dạ Hữu Hoài 巴山道中除夜有懷 - Thôi Đồ

 

(Vãn Đường)

Thôi Đồ 崔塗 (854?) tự Lễ Sơn 禮山, người nay thuộc Phú Xuân, Chiết Giang, không rõ năm sinh và năm mất. Ông đỗ tiến sĩ vào năm Quang Khởi thứ 4 đời Đường Hy Tông. Cuối đời phiêu bạc, từng chu du khắp dải Tứ Xuyên và Thiểm Tây. Thơ đa phần lấy đề tài sinh hoạt phiêu bạc, thơ 1 quyển.
Nguyên tác                Dịch âm

巴山道中除夜有懷 Ba Sơn Đạo Trung Trừ Dạ Hữu Hoài

迢遞三巴路 Điều đệ Tam Ba lộ,
羈危萬里身 Ky nguy vạn lý thân.
亂山殘雪夜 Loạn sơn tàn tuyết dạ,
孤獨異鄉人 Cô độc dị hương nhân.
漸與骨肉遠 Tiệm dữ cốt nhục viễn,
轉於童僕親 Chuyển ư đồng bộc thân.
那堪正漂泊 Na kham chính phiêu bạt,
明日歲華新 Minh nhật tuế hoa tân.
                     Thôi Đồ
Chú giải

迢遞 điều đệ: xa xôi.
羈危 ky nguy: loanh quanh với mối nguy; ý nói lo âu.
亂山 loạn sơn: nhiều ngọn núi cao thấp khác nhau.

Dịch nghĩa

Đêm trừ tịch trên đường Ba Sơn hoài cảm

Đường Tam Ba xa xôi,
Thân gởi nhờ vạn dặm, lo âu.
Ban đêm tuyết tàn trên những ngọn núi ngổn ngang,
Kẻ xa quê cô đơn ở xứ lạ,
Dần dần xa cách người thân cốt nhục,
Chuyển qua thân thiết với đồng bộc,
Làm sao chịu được nỗi lòng người phiêu bạt,
Hôm sau là năm mới rồi…

Dịch thơ

Đêm trừ tịch trên đường Ba Sơn hoài cảm

Đường Tam Ba xa lắc,
Thân vạn dặm lo âu.
Đêm tuyết tan ngàn núi,
Cô đơn khách lạ sầu.
Xa anh em cốt nhục,
Chủ tớ thêm gần nhau.
Cám cảnh tình phiêu bạt,
Tân niên sáng hôm sau…

Con Cò
Tác giả nhớ đến quê cũ trong đêm trừ tịch bơ vơ ở quê người. Lời thơ giản dị, tình tiết hữu lý, rất tự nhiên và rất phong phú (chứa đựng nhiều ẩn ý).
- 6 câu đầu nói tổng quát về nỗi buồn bơ vơ nơi xứ lạ (không có anh em bà con thì thân với đồng bộc hơn; phản ứng rất tự nhiên)
- Hai câu kết rất khéo: chỉ có 10 chữ thì làm sao kết thúc được đủ ý của đề tài; bèn đem sáng tân niên hôm sau ra để nhân nỗi bơ vơ lên gấp đôi. Chưa hết, còn một ý hiểu ngầm rất quan trọng nữa:
***
Nỗi niềm đêm Giao Thừa

Biệt quê nhà quan san vạn dặm
Kiếp cỏ bồng gửi gắm xứ người
Trên non băng tuyết tan rồi
Lòng sầu lữ khách chơi vơi nỗi mình
Bên gia nhân nghĩa tình bầu bạn
Quyến thuộc xa nào oán phận thân
Tha hương cảm ngộ tương lân
Sớm mai cùng đón chúa Xuân trở về

Yên Nhiên
***
Năm mới sắp đến, ÔC chọn bài này để đưa lên diễn đàn vào dịp Tết.
Thôi Đồ không phải là thi sĩ nổi tiếng, thơ của ông ít được trích đăng. Đây là lần thứ hai BS đọc bài này, lần đầu tiên trong cuốn dịch Thơ Đường của Trần Trọng Kim, các sách khác đều không có.

Đọc cả bài thơ thì BS nghĩ rằng Thôi Đồ đang trên đường đi tới Ba Sơn, vì vậy mới thấy đường xa vời vợi, đầy hiểm nguy, núi non chập trùng, và tuyết sắp ngừng rơi… Vì người thân ruột thịt ở xa, nên tình thương chuyển qua cho đám tuỳ tùng. Tuy than là không sao chịu nổi cảnh phiêu bạt, nhưng lại tự an ủi là ngày mai, đầu năm, hoa lại nở, cũng như lòng mong muốn của Thôi, một ngày nào đó, đời mình sẽ sáng sủa hơn.

Ba Sơn ở đâu? Núi này thuộc tỉnh Thiểm Tây, phía nam của Mông Cổ, thường được gọi là Tam Tần, không hiểu tại sao trong bài thơ lại gọi là Tam Ba? Ở đây có núi Tần Lĩnh và sông Vô Định. (trong thơ của Trần Đào khả liên Vô Định hà biên cốt ).

Một điều nữa,2 bài hay về tết tha hương:
* Thôi Đồ có bài Xuân Tịch Lữ Hoài, với 2 câu rất hay là:

Hồ điệp mộng trung gia vạn lý,
Đỗ quyên chi thượng nguyệt tam canh.
(Nhà vạn dặm, trong mơ hồ điệp,
Trăng canh ba, vẳng tiếng đỗ quyên)

* Đái Thúc Luân có bài Trừ Dạ Túc Thạch Đầu Dịch, hai câu 3 và 4 như sau:

Nhất niên tương tận dạ,
Vạn lý vị quy nhân,

Mà thầy Trần Trọng San đã dịch thật hay, nghe như thơ Việt:

Đêm nay sắp hết một năm,
Mà người muôn dặm xa xăm chưa về.

Sau đây là bản dịch gượng của BS:

Cảm Nghĩ Đêm Giao Thừa Trên Đường Đi Ba Sơn.

Đường Tam Ba vời vợi,
Thân vạn dặm nguy nan,
Núi chập trùng tuyết rã,
Xứ lạ một mình than,
Thân quyến dần xa mãi,
Nên yêu mến người làm...
Phiêu bạt sao chịu thấu,
Ngày mai đón xuân sang.

Bát Sách.
(04/01/2022)
***
Đêm Trừ Tịch Trên Đường Ba Sơn Hoài Cảm

Tam Ba xa lắc đường dài
Nguy nan cô lữ ai hoài một thân
Non cao tuyết phủ tan dần
Tạm dung xứ lạ bước chân u sầu
Ruột rà cốt nhục nay đâu
Chuyển tình tôi tớ như hầu người thân
Khó cam chịu cảnh gian truân
Ngày mai năm mới đón xuân trở về

Kim Oanh
***
Đêm Trừ Tịch Trên Đường Ba Sơn Hoài Cảm

1/
Đường tới Tam Ba dài,
Thân muôn dậm khổ thay.
Núi non đêm tuyết lạnh,
Nến chiếc khách quê ngoài.
Ruột thịt sống xa cách,
Bề tôi phải nhập bày.
Khó cam cảnh lạc lõng !!!
Đón Tết sáng ngày mai.

2/
Đường đi tới Tam Ba xa thẳm,
Thân dậm trường rối rắm khổ thay.
Núi non đêm lạnh tuyết bay,
Quê người xứ lạ đèn cầy lẻ loi.
Người gia tộc xa vời cách trở,
Phải làm thân tôi tớ gần bên.
Làm sao chịu nổi ưu phiền,
Ngày mai đón Tết Tân Niên phong trần.

Mỹ Ngọc  
Jan.21/2022.
***
Nhớ Đêm Giao Thừa Trên Đường Ba Sơn

1/
Tít tắp Tam Ba lộ
Hiểm nguy vạn dặm thân
Tuyết tàn đêm núi loạn
Xứ lạ độc phong trần
Ruột thịt dần xa mãi
Tớ, hầu hóa thiết thân
Khó kham đời vất vưởng
Mai sớm đón tân xuân!

2/
Tam Ba đường lộ mịt mờ
Hiểm nguy vạn dặm vật vờ lầm than
Đêm buông núi loạn tuyết tàn
Một mình trôi nổi quan san xứ người
Dần xa ruột thịt chân trời
Chuyển qua tôi tớ lần hồi thiết thân
Khó kham vất vưởng đường trần
Ngày mai mồng một tân xuân lại về!

Lộc Bắc
****
Bài Cảm Tác

Mỗi xuân về lại nhớ nhà
Từ ngày biệt xứ phải lìa quê hương
Xứ sở luôn luôn vấn vương
Thương căn nhà cũ, nhớ đường phố xưa
Nhớ trời nắng, nhớ khi mưa
Quà rong nhớ tiếng như vừa mới rao
Bao nhiêu bạn cũ nay đâu?
Ra vào thơ thẩn thấy rầu ruột gan!

Đồ Cóc
***
Nguyên tác: Phiên âm:

巴山道中除夜有懷 1 Ba Sơn Đạo Trung Trừ Dạ Hữu Hoài
崔塗 2         Thôi Đồ

迢遞三巴路 Điều đệ Tam Ba lộ
羈危萬里身 Ky nguy vạn lý thân
亂山殘雪夜 Loạn sơn tàn tuyết dạ
孤燭異鄉春 3 Cô chúc dị hương xuân
漸與骨肉遠 Tiệm dữ cốt nhục viễn
轉於童僕親 4 Chuyển ư đồng bộc thân
那堪正漂泊 Na kham chính phiêu bạt
明日歲華新 5 Minh nhật tuế hoa tân

Dị bản:
Văn bản bên trên lấy từ trang web Sưu Vân. Các dị bản trình bày là dựa vào nhiều sách khác nhau:
1 Tựa khác Trừ Dạ/Trừ Dạ Hữu Hoài/Tuế Trừ Dạ Hữu Hoài
2 Tác giả có thể là Mạnh Hạo Nhiên thay vì Thôi Đồ
3 nhân人 thay vì xuân春
4 nô奴 thay vì đồng童
5 lai來 thay vì minh明
Mộc bản trong sách Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 160 Manh Hạo Nhiên 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 có tựa Tuế Trừ Dạ Hữu Hoài với dị bản Trừ Dạ trong khi sách Mạnh Hạo Nhiên Tập - Đường - Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然集-唐-孟浩然 có tựa Trừ Dạ.
Lưu ý: ài nơi trong đó có Thiviện đọc sai mộc bản , chữ chúc 燭 ra chữ độc獨 làm khác/sai ý nghĩa bài thơ.
cô độc 孤獨: cô đơn, một mình, lẻ loi
cô chúc 孤燭: chiếc nến cô đơn, lẻ loi

Lương Giang Yêm thời Nam triều có bài thơ Đồng Tước Kỹ《铜爵妓》: Thanh dạ hà trạm trạm, Cô chúc ánh lan mạc. Phủ ảnh sảng vô tòng, Duy hoài ưu bất bạc. Từ Ngạn Bá đời Đường có bài thơ Cô Chúc Thán 《孤燭叹》: Thiết thiết dạ khuê lãnh, Vi vi cô chúc nhiên. Ngọc bàn hồng lệ tích, Kim tẫn thải quang viên.

Mộc bản Đường Thi Tam Bách Thủ (1885)

Các sách khác có đăng bài thơ này, nhưng không thấy sách nào viết cô độc:

Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Tuế Thì Tạp Vịnh - Tống - Bồ Tích Trung 歲時雜詠-宋-蒲積中
Yểm Châu Tứ Bộ Cảo - Minh - Vương Thế Trinh 弇州四部稿-明-王世貞
Ngự Định Uyên Giám Loại Hàm - Thanh - Trương Anh 御定淵鑑類函-清-張英

Ghi chú:
Ba Sơn: đề cập đến khu vực đất Ba Thục
Trừ dạ: đêm giao thừa
Điều đệ: xa xôi
Tam Ba: tên gọi chung của Ba Quận, Ba Đông và Ba Tây. Tương đương với hầu hết các khu vực phía đông của sông Gia Lăng và sông Kỳ ở Tứ Xuyên ngày nay.
Cô chúc: một ngọn nến cô đơn
Dị hương: khác quê hương
Cốt nhục: ẩn dụ về người thân, đề cập đến cha mẹ, anh em và con cái và những người thân yêu khác.
Đồng bộc: người giúp việc còn nhỏ tuổi
Na kham: làm thế nào có thể chịu đựng được, huống chi
Phiêu bạt: trôi dạt theo dòng nước, ẩn dụ hành tung không chắc chắn, không có nơi cư trú hoặc nghề nghiệp, cuộc sống không cố định
Minh nhật: ngày mai
Tuế hoa: tuổi tác

Dịch nghĩa:
Ba Sơn Đạo Trung Trên Đường Qua Ba Sơn
Trừ Dạ Hữu Hoài Nỗi Nhớ Nhà Đêm Cuối Năm

Điều đệ Tam Ba Đường đi đến Tam Ba xa xôi,
Ky nguy vạn lý thân Tấm thân xa nhà vạn dặm qua bao vất vả gian nguy.
Loạn sơn tàn tuyết dạ Đêm nay tuyết còn chưa tan phủ những ngọn núi nằm ngổn ngang,
Cô chúc dị hương xuân Ta như ngọn nến lẻ loi đón xuân nơi đất khách.
Tiệm dữ cốt nhục viễn Xa lìa những người ruột thịt thương yêu,
Chuyển ư đồng bộc thân Chuyển dần qua thân thiết với người giúp việc.
Na kham chính phiêu bạt Làm sao chấp nhận được đời phiêu bạt là chánh đáng,
Minh nhật tuế hoa tân Nhất là ngày mai lại là năm mới (tuổi tác mới).

Tác giả và bài thơ:

Theo Trung Quốc Lịch Đại Nhân Danh Đại Từ Điển 中國歷代人名 大辭典, cũng như Đường Thi Đại Từ Điển Tu Đính Bổn 唐詩大辭典 修訂本, Thôi Đồ là nhà thơ cuối thời nhà Đường, người Giang Nam, tự Lễ Sơn, huyện Phú Xuân, tỉnh Chiết Giang. Năm Ký Tông Quang Khải thứ 4 (888) ông đăng tiến sĩ đệ nhất. Suốt đời phiêu bạt, từng qua lại ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Giang Tô, Chiết Giang, Hà Nam, Cam Túc…, đi khắp Ba Thục, Ngô Sở, Hà Nam, Tần Lũng, Hà Lạc và những nơi khác. Ông để lại một tập Thôi Đồ Thi 崔涂诗 trong bộ Toàn Đường Thi. Chủ đề thơ của ông đa phần là miêu tả sự trôi dạt, biệt ly, sầu oán, thích thú… của phiêu bạt giang hồ. Phong cách thơ là ảm đạm, thê lương, trầm cảm.

Bài Trừ Dạ Hữu Hoài của ông cũng không ngoài miêu tả trên. Thôi Đồ đã sống lưu lạc lâu dài ở vùng Tương, Thục. Ông làm bài thơ này khi sống ở Tứ Xuyên, rất xa quê hương Giang Nam. Bài thơ này nói về tâm trạng buồn thảm của nhà thơ đang rời Ba Thục trong đêm giao thừa.
Hai câu đối đầu nói lên sự lạnh lẽo trong hổn loạn thê lương, sự cô đơn trong nơi quê người xa lạ:
Loạn sơn tàn tuyết dạ
Cô chúc dị hương xuân

Hai câu đối sau nói lên sự mất mát tình cảm gia đình khi phải xa lìa người thân và sự thay thế dần bằng tình cảm phát sinh do sự chung đụng dú với người giúp việc, một sự thật ngoài ý muốn:
Tiệm dữ cốt nhục viễn
Chuyển ư đồng bộc thân

Cho đến nay người ta không chắc biết rõ Thôi Đồ là ai. Qua bài thơ, ta chỉ có thể biết ông không phải là ai. Ông không phải là một thương gia vì thương gia không xa gia đình, không kẹt ở núi rừng đêm trừ tịch. Ông không phải là một lãng tử giang hồ nghèo vì còn có đồng bộc đi theo. Ông không là người tỵ nạn hay người tha phương cầu thực vì những người đó thường đem theo gia đình. Vậy ông là ai? một người hoạt động chánh trị, một người sống ngoài vòng pháp luật, bị đi đày? Không thấy chỗ nào nói đến các chuyện này. Một điều chắc chắn là chúng ta may mắn hơn ông nhiều. Chúng ta cũng là những “cô chúc dị hương”, nhưng chúng ta còn có mái nhà ấm cúng và có gia đình trong đêm giao thừa.

Nhớ Nhà Đêm Giao Thừa

Tam Ba đường vắng xa,
Vạn dặm thân không nhà.
Tuyết phủ núi đêm lạnh,
Xa quê ta có ta.
Sống không gần ruột thịt,
Đồng bộc nghĩa chan hoà.
Cam chịu đời phiêu bạt,
Ngày mai năm lại qua.

On New Year's Eve by Cui Tu
Translation by Witter Bynner

Farther and farther from the three Ba Roads,
I have come three thousand miles, anxious and watchful,
Through pale snow-patches in the jagged night mountains
A stranger with a lonely lantern shaken in the wind.
...Separation from my kin
Binds me closer to my servants --
Yet how I dread, so far adrift,
New Year's Day, tomorrow morning!

Sentiments on New Year's Eve on the Ba Mountain Pass by Cui Tu
Translation by Betty Tseng

Here on this remote pass of the Ba Mountains,
There is only us on a journey of ten thousand leagues.
On a night among remnants of snow in disorienting mountains,
There is only loneliness on a foreign land to spring greet.
By and by family have grown apart,
Becoming closer to me are servants and lackeys.
What is making the wayfaring all the more tormenting is the fact that
Tomorrow comes lunar New Year.

Reflections On New Year's Eve by Cui Tu
Translation by Innes Herdan

Further and further on the Three Ba' road,
Uneasy rest for this much-traveled body.
Flecks of snow tonight in the tangle of mountains,
A single lamp and the company of strangers.
Day by day, farther from my own kind,
Gradually, more intimate with servants.
How to endure the drifting rootless life?
And tomorrow will be the New Year.

Thoughts on a New Year's Eve by Cui Tu
Translation by Ni Peiling

Long, long the road to the country's west,
Far, far away from home I know no rest.
Amid the snowy hills 1 pass the night
A stranger by a lonely candle-light.
The farther from my home folks I'm away;
The dearer I find my servants each day.
A roving life like this how can I bear?
Tomorrow New Year's Day I'm no-one's care.

Phí Minh Tâm