Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Mẹ Hiền Sao Sáng Tuyệt Vời

Thương Nhớ Má lần Giỗ thứ 20
(24.9.2002 - 24.9.2022)

(Thân cảm tặng "Má Là Tất Cả"của  Kim Oanh)

Mẹ Hiền Sao Sáng Tuyệt Vời

Mẹ hiền xuân sắc hương tiên
Hoa chanh sen trắng kết duyên cha tài
Phật tâm đồng nghĩa trúc mai
Nuôi con dạy cháu trần ai tuyệt vời...

MD.09/24/22
LuânTâm
***
Má Là Tất Cả

Má là tất cả trên đời
Như ngàn hoa nở những lời tốt tươi
Má mang nguyên vẹn nụ cười
Từ thanh xuân đến cuối đời cho con

Má là trái chín thơm ngon
Từ khi kết nụ quả non tươi cành
Trao về Lê Thị Kim Oanh
Tháng năm hồi tưởng trời xanh Long Hồ

Hai mươi năm nỗi ưu tư
Má là tất cả nguồn thơ an bình
Cho con tình tự hồi sinh
Hôm nay giỗ mẹ, thấy mình bé ngoan ...

Los Angeles 24 - 9 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Má là tất cả, Má yêu ơi
Cho con Hạnh Phúc quá tuyệt vời
Để rồi ra đi về cõi ấy
Bốn Mùa con nhớ Má không nguôi!

(Tặng chị KimOanh)

KimLoan 

***

Kim Oanh ơi!
Má là tất cả trong con
Hoa tươi một đóa
Lòng son một màu
Má về cõi hạc nhiệm mầu
Công ơn sinh dưỡng
Khắc sâu trong lòng.

Cám ơn em với hoa đẹp và lời thơ viết rất hay về Má
Chị Nguyễn Thị Thêm
***
“Má của con là tất cả trên đời !“(*)
Trời Phật luôn phù-hộ những người,
Coi Cha Mẹ là đấng trên hết,
Út Oanh đẹp người, lại tốt nết!

Lê Xuân Cảnh
(*) Thơ Kim Oanh

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Má Là Tất Cả!

 

Xuân tươi thắm trên ngàn cây hoa lá
Gió đưa hương chào đón Má về thăm
Chim líu lo cùng trổi khúc bổng trầm
Nụ hoa mỉm thì thầm lời thương nhớ


Cám ơn Má cho con hòa nhịp thở
Để tỏ lòng tưởng nhớ Giỗ năm nay.
Hai mươi năm xa cách những xum vầy
Dâng lên Má cả vườn hoa xanh mướt


Con mãi hoài mơ ước Má cười xinh
Đẹp hơn hoa Má đẹp cả dáng hình
Xuân bất tận như tình con yêu Má.
Má của con là tất cả trên đời!


Thương Nhớ Má lần Giỗ thứ 20
(24.9.2002 - 24.9.2022)
Kim Oanh
Melbourne 24.9.2022

Dưới Đôi Mắt Má!

  

    Đa số các cô gái và cả tôi của thời tuổi trẻ, nhìn vẻ đẹp người phụ nữ, chỉ dựa vào ngoại hình. Trau chuốt đôi mày thêm sắc, uốn rèm mi cho cong, dậm đôi má tươi hồng, tô bờ môi thêm mộng. Thân hình gợi cảm với đôi chân dài, dáng uyển chuyển, chiếc lưng thon, bờ vai mỏng, hầu thu hút cái nhìn của những gã tình si, mà quên đi sự thông mình và cá tính riêng của một người nữ...

    Riêng dưới mắt má tôi…

    Má, một phụ nữ nông thôn, học hết bậc Tiểu học, là bậc cao nhất của thời con gái lúc bấy giờ. Vậy mà, tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác với lối giáo dục của má.
    Từ lúc chúng tôi còn bé, má lo từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy điều hay, tránh xa thói hư tật xấu. Con ngày một lớn, má hướng dẫn, trau dồi sự trung thực về lời nói, hành động qua cách ăn, nói, gói, mở. Biết tôn trọng người khác, kính trên nhường dưới, không trọng kẻ giàu sang mà khinh khi người nghèo khó, kém học hơn mình.


    Má dạy con vun đắp tình yêu thương qua tính bao dung, độ lượng, vị tha. Dạy “Người ta ăn còn, mình ăn hết. Kẻ thù đôi khi là người ơn của mình”. Dạy con trai, dù không đội đá vá trời, nhưng làm trai cho đáng nên trai. Phận gái, không chỉ trau chuốt nhan sắc mà quên trau dồi công dung ngôn hạnh.
    Sống trong một gia đình, dù không giàu có, lên xe xuống ngựa như nhà người, nhưng hạnh phúc, êm đềm như dòng nước chảy xuôi. Bỗng đất trời nổi cơn gió bụi. Từ mùa hè chia xa 1975 và những năm sau đó, đại gia đình chúng tôi như đàn chim buộc vỡ tổ. Ba má đã đau lòng, bứt ruột để các con chọn lựa phương hướng, chọn cái chết hầu tìm bến bờ tự do nơi phương trời xa lạ.


    Trên đất khách...

    Không biết má giáo dục mỗi đứa con như thế nào, nhưng điểm đặc sắc nhất, rõ ràng nhất, tôi vẫn còn tìm thấy nơi 10 anh chị em đã thành gia thất của chúng tôi. Đó là, những buổi họp mặt gia đình vào dịp Tết hay giỗ quảy, trong lúc trà dư…, tôi chưa hề nghe, các anh chị, các em trai gái phàn nàn, lời ra tiếng vào về vợ, chồng hay gia đình bên người phối ngẫu. Nếu cần mang ra “soi mói” chăng, thì... chỉ là phàn nàn về ông anh, bà chị hay về các em ruột rà của mình mà thôi.
    Sau những năm tháng chia ly, có mầm hội ngộ! Và như mơ, vào một ngày, bầy chim con như được quay về tổ, khi ba má sang Úc định cư, năm 1984. Dòng đời cứ thế...êm ả. Nhưng quy luật đất trời không tránh khỏi, mười lăm năm sau, ba đã vĩnh viễn ra đi, má ở lại căn nhà của một thời với ba, vẫn giữ cương thường của một người vợ, vẫn chu toàn bổn phận của một người mẹ dạy dỗ con, dù các con của má tuổi đời khá lớn, có cả con đàn cháu đống.


    Ngoài những thú vui tiêu khiển má tự tìm cho riêng mình, má thường quanh đi quẩn lại, sang viếng đứa con này, thăm nhà đứa con khác. Có lần má đến nhà tôi, ở lại vài hôm. Sau bữa cơm chiều, hai má con... cùng thủ thỉ, nhắc nhớ chuyện xưa chốn quê nhà hay lúc chân ướt chân ráo nơi đất khách. Đang lúc ấy, đôi mắt tôi thả rong quanh phòng khách. Bỗng… tôi ngồi bật dậy, vừa đưa tay sửa lại những bức tượng đang chưng bày, vừa thì thầm đủ nghe.
- Mấy đứa con của con phá quá. các bức tượng này, cái nào chúng cũng sửa... quay lưng ra phía trước. Con đã sửa lại hôm qua mà hôm nay cũng vậy...Má từ tốn kèm với nụ cười hiền...
- Má đó con!
- Má đã sửa, chứ không phải các cháu đâu. Con biết không, phụ nữ cần phải kín đáo một chút mới đẹp.
Tôi bật cười thành tiếng…
- Má ơi, bức tượng mà cũng cần kín đáo nữa sao má!?
- Ờ! Phụ nữ đẹp, cần phải kín đáo.


    Từ dạo đó đến nay, đã mấy mươi năm qua, những bức tượng tôi yêu thích, thích ở đây, không phải vì đắc giá mà vì là quà của người em trai quá cố đã tặng riêng cho tôi với tiếng lời khó quên … “chỉ ông bạn* mới có đó nghe” hoặc nét riêng của mỗi bức tượng chính tôi chọn mua. Tất cả các bức tượng được tôi “xoay lưng” ra ngoài. Có lẽ vì má đã nhìn được cái đẹp của người nữ qua hai chữ kín đáo, mà 6 đứa con gái của má, ai cũng ăn mặc “kín mít”.

    Hôm nay, 20 năm má đã xa anh chị em chúng tôi. Đưa mắt nhìn quanh những bức tượng, vị trí cái nào cũng đặt “xoay lưng”. Nhớ về má, người đã cho tôi nhận chân cái đẹp của sự kín đáo. Nhìn kỹ vào từng bức tượng, rồi ngẫm lại, chẳng phải từ thuở thiếu thời và tận bây giờ, tôi đã từng thích...nhìn các cô gái trong tà áo dài thướt tha, từng thích vẻ đẹp với chiếc lưng thon thon, bờ vai nghiêng nghiêng nắng đó hay sao.


    Suy ra cái đẹp của người nữ là do đâu? Và được xác định như thế nào? Nhan sắc bên ngoài hay cái đẹp sâu thẳm trong tâm hồn? Người có ngoại hình đẹp, khác nào nhận được món quà, được phúc báu từ trời ban cho. Bởi, cái đẹp đẽ gây được ấn tượng cho người khác, từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, sự dịu dàng, đoan trang, hiền lành, thật thà, nhân hậu, biết quan tâm đến người khác, dù không được phơi bày rõ ràng, dù ẩn kín bên trong, nhưng mang một giá trị cao và tồn tại với thời gian. Và má chúng tôi, chính má đã mở tầm mắt và rót vào lòng tôi, cho tôi biết thế nào…, biết chiêm ngưỡng điều gì…, biết nhận chân ra sao về...vẻ đẹp của người nữ qua sự kín đáo.

Kim Phượng
24.9.2022, Ngày giỗ thứ 20 của má

*“Ông bạn”, hoặc gọn lỏn là “sáu”, ngôi thứ trong gia đình. Đó là tiếng lời cậu em dành cho tôi, chưa 1 lần gọi tôi bằng “chị”.

Đoàn Tụ Xa

  


Cũng lắm lúc phố phường tang tóc
Bóng Mẹ Cha rụng dốc chiều nay
Tàn đêm Nguyệt tận lòng ai khóc
Thái Sơn cao bao cảnh lưu đày

Trong ai khuya sớm tảo tần vai
Nặng gánh cưu mang chuỗi ngày dài
Đơn sơ không lắm nhiều ước nguyện
Chi tình thủ túc tợ tơ duyên

Mai nở Xuân đầy khắp làng quê
Đấng Cù Lao nương gió tìm về
Sao run rẫy trong màng sương lạnh
Hay Đông dành kéo tận sang đây

Dậy ngóng đâu quê nhà diệu vợi
Bao năm lưu lạc có buồn rơi
Gió Chướng vơi chờ đợi bằng thừa
Thế sự thăng trầm thoảng giấc trưa

Ai đem thuyền vắng trốn chiều tà
Khói lam bạc nhiều mây đen phủ
Chắt chiu gì kỷ niệm cũ xa
Nơi đoàn tụ mái nhà rêu khói

Vòng hoa chờ thắm nấm mộ chung!

Lê Kim Hiệp
20-8-2009

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Gởi Người Nữ Sĩ Kim Oanh!

  
(Nhiếp Ảnh Gia Thu Nguyen)


Gởi Người Nữ Sĩ Kim Oanh!(Bài Hát Nói kính tặng và cảm ơn Nhà Thơ Kim Oanh, người Nữ Sĩ luôn cư xử rất đẹp với các Thi Hữu bốn phương!)

Kim Oanh Nữ Sĩ!
Lời sao mà nhỏ nhẹ! Tâm hồn sao mà vốn dĩ bao la!
Làm thơ sao mà như ca! Tiếng Vĩnh Long vang động cả sơn hà!
Ôi! Nội tên thôi cũng là loài chim Oanh Vàng hót thiết tha rơi lệ!

Phước nhà đức độ thơm như quế!
Bản ngã tài tình đẹp tựa mây!
Dựng một Thi Văn Đàn phong phú, huy hoàng! Một Vườn Thượng Uyển hây hây!
Gồm thâu Hương Sắc, Thanh Khí muôn nơi! Quần Tiên nhón gót Nhài về đây! Ngất ngây thơm ngát!

Kìa! Ai kia lòng phiền muộn bỗng tan theo du dương tiếng hát!
Nhìn nụ cười Em Gái Vĩnh Long mà tim ta nghẹn ngào dập nát nhịp yêu thương!
Kim Oanh mờ ảo trong sương!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 15/09/2022

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Lữ Khách Phiêu Bồng

 

Bóng đêm che dấu nỗi lòng
Cho người lữ khách phiêu bồng lãng du
Đêm thu gió lạnh sương mù
Từ khi hạ chuyển sang thu ngỡ ngàng.

Em nhìn lại chợt bàng hoàng
Mùi hương hoa cải mọc loang trên đồi
Cuộc tình nào chợt lên ngôi
Đôi gò đào nở đợi hồi ra hoa.

Tiếng dế buồn vướng mưa sa
Dương cầm dạo khúc phím ngà sương bay
Chiếc lá thu ngủ trên tay
Nhàn du lữ khách bước dài đường mơ.

Bóng con hạc trắng đầu bờ
Lông tơ trắng điểm bơ vơ đường chiều
Em bước nhẹ, cõi hồn phiêu
Bàn tay giữ lại, nuông chiều cho nhau.

Hồn anh có nở đóa sầu
Cũng đừng ngần ngại mưa mau cuối trời
Mưa đầu sông ướt tóc người
Cuối sống tình vẫn mỉm cười yêu thương.

Lữ khách buồn bóng tà dương
Uống ly rượu cạn hoàng đường cơn say
Đêm chăn chiếu ấm tình này
Để ngăn dòng lệ rót đầy cô đơn.

Tế Luân
09-20-22

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Tại Nhà Thờ La Vang - Quảng Trị 20/09/1972


Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cầu nguyện tại Nhà thờ La Vang - Quảng Trị bị phá hủy, 20/09/1972.
Tổng Thống thăm thành phố Quảng Trị. Quảng Trị từng là một trong những thành phố đẹp nhất miền Nam Việt Nam.

Kim Oanh sưu tầm từ Net.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Tiếc Nuối

 

Người đi chiều nhạt nắng
Hiu hắt buổi tan trường
Lối mòn vắng người thương
Mưa mất dấu tên đường

Người như là cánh bướm
Hoa phượng chớm mơ say
Hẹn hò mùa ân ái
Vô tình vút cánh bay

Thời gian mái tóc phai
Thương một thời thơ dại
Tình xưa thôi đã hết
Tương tư ... nuối tiếc hoài


Kim Oanh

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Cành Thiên Hương

 

Nhịp đàn tiếng hát Kim Oanh
Vườn thơ Mỹ, Úc oằn cành thiên hương
....
Trường xưa tóc áo Vĩnh Long
Giữ bao kỷ niệm chờ mong ngày về

Phạm Tương Như

***
Vẳng đâu có tiếng gọi Oanh
Mơ về vườn mộng trĩu cành sắc hương
....
Thả hoa theo dòng Cửu Long
Ghé bờ xứ Vĩnh ước mong cùng về

Kim Oanh

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Níu Vội Vầng Trăng

 

Ta muốn níu trăng thật gần
Để bâng khuâng vai kề vai
Trong đêm dài nghe lá đổ
Hoà nhịp thở đêm sương

Sưởi ấm lạnh canh trường
Nếu lỡ ánh trăng tan
Giấc mộng vàng hấp hối
Hoài níu v
ội vầng trăng


Kim Oanh

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Vô Bờ Thiên Hương

 

Cảm ơn hiền dịu đơn sơ
Phù sa nước ngọt vô bờ thiên hương
Âm thầm chịu khó chịu thương
Tay tiên tô điểm hoa vườn văn thơ...

MD.09/07/22
LuânTâm
Thân tặng cảm ơn VTS Kim Oanh

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Hồn Thơ - Vườn Mơ

 
 
Hồn Thơ

Nửa đêm ai thức hồn thơ dậy
Đã khiến ta nằm say ngất ngây
Chữ nghĩa đôi khi buồn chất ngất
Tình yêu có lúc cũng vơi đầy


Cao Mỵ Nhân
***
Vườn Mơ


Nghiêng mực mài xong hạ bút ngay
Đêm trăng xướng họa bạn xum vầy
Tri tâm đối ẩm cùng nhau cạn
Thơ Thẩn vườn mơ mộng đắp xây


Kim Oanh

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Vĩnh Long Xưa (Phần Đầu)


Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của Vĩnh Long

 Vùng đất Vĩnh Long có một vị thế đặc biệt của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nằm ngay chính giữa hai nhánh sông chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, là nơi khởi nguồn của sông Cổ Chiên – một nhánh của Mekong. 
Phía Bắc của Vĩnh Long giáp với Mỹ Tho, Đông giáp Bến Tre, phía Nam giáp với Trà Vinh và Cần Thơ, còn phía tây là tỉnh Sa Đéc xưa, nay thuộc Đồng Tháp. Từ tỉnh lỵ của Vĩnh Long đến Sài Gòn là khoảng cách 128km. 
Tỉnh Vĩnh Long có 3 nguồn nước chính từ 3 con sông lớn đi qua, đó là sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, ngoài ra còn có vô số rạch và kinh đào xẻ ngang xẻ dọc khắp tỉnh. Những con rạch chính là Mang Thít, Sông Ngang, Long Hồ, Bà Kè, Vũng Liêm, Bà Phong, Cái Cá, Cái Cau. 


Sau khi Vĩnh Long là là thuộc địa của Pháp, chính quyền tỉnh đã cho đào nhiều con kinh để nối liền các con rạch với nhau, như là Kinh Cái Cau, kinh Chà Và, kinh Bocquet, kinh Ông Me, kinh Bưng Trường, Trà Ngoa, Huyên Thuyền… Những kinh rạch này đóng vai trò quan trọng trong việc tháo nước và dẫn nước để canh tác. Về khí hậu của vùng đất Vĩnh Long xưa, trong cuốn chuyên khảo về tỉnh Vĩnh Long do hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1911 đã ghi lại như sau: “…một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, theo các đợt gió mùa xen kẽ. Gió mùa Đông – Bắc, tương ứng với mùa khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng tư. 
Mùa mưa bắt đầu với gió mùa Tây – Nam vào tháng 5 và kết thúc vào giữa tháng 11. Nhiệt độ cao và thay đổi từ 20 tới 30-32 độ C, nhiệt độ thấp nhất là vào đầu mùa khô, tháng 12 và tháng giêng, giao thời giữa gió mùa Đông – Bắc và gió mùa Tây – Nam là thời gian nóng nhất trong năm. … Tỉnh Vĩnh Long là vùng đất đặc biệt thấp và ẩm, nên đất canh tác chỉ thích hợp với việc trồng lúa. Sản lượng gạo trồng tại đây lớn và không ngừng gia tăng, chất lượng gạo cũng khá được ưa chuộng”. 

Về địa hình, phần chuyên khảo này cũng cho biết Vĩnh Long không có rừng và núi, tuy nhiên về hướng Trà Vinh, người ta thấy có một số giồng (đất cát và cao hơn ruộng một chút), như giồng An Nhơn, giồng Thủ Bá, giồng Gòn, giồng Cô Hon. Lịch sử vùng đất Vĩnh Long gắn liền với sự hình thành của phương Nam. Năm 1698, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, toàn bộ vùng đất mới phương Nam chính thức trở thành một đơn vị hành chính mang tên phủ Gia Định. Năm 1714, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, lúc này Vĩnh Long là trung tâm của châu Định Viễn, bao gồm một phần của Bến Tre ở mạn trên và Trà Vinh ở mạn dưới thuộc Long Hồ Dinh. 

Năm 1732, chúa Nguyễn đã lập ở phía nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là Dinh Long Hồ, Châu Định Viễn, đất Vĩnh Long thuộc Dinh Long Hồ. Năm 1779, đổi tên thành Hoằng Trấn dinh. Giai đoạn từ năm 1780 đến năm 1805, đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1806, Vĩnh Trấn được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh. 

Cái tên Vĩnh Long chính thức xuất hiện từ năm 1832, khi vua Minh Mạng đổi tên Vĩnh Thanh thành Vĩnh Long. Về ý nghĩa của tên gọi Vĩnh Long, đó là chữ Vĩnh trong chữ vĩnh viễn, vĩnh hằng, nghĩa là “mãi mãi”; Long có nghĩa là long trọng, nghĩa là “thịnh vượng, giàu có”. Tên Vĩnh Long thể hiện mong muốn nơi đây luôn luôn được thịnh vượng. 

Từ thời điểm năm 1832 trở về sau, Vĩnh Long là một trong 6 tỉnh Nam kỳ, được gọi là Nam kỳ lục tỉnh dưới triều Nguyễn, cho đến khi tất cả 6 tỉnh này trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1867. Cũng vào giai đoạn này, có một nhân vật lịch sử gắn liền với đất Vĩnh Long và có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của “Nam kỳ lục tỉnh”, đó là cụ Phan Thanh Giản, người được Hội nghiên cứu Đông Dương (vào đầu thế kỷ 20) mô tả là cương trực và tính khí mạnh mẽ. Phan Thanh Giản sinh năm 1796 ở Vĩnh Long, đỗ tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ, làm thị lang bộ Hộ, rồi thị lang bộ Binh, thượng thư bộ Hình, thượng thư bộ Lại, thượng thư bộ Binh. Năm 1862, Phan Thanh Giản được triều đình Huế cử làm Chánh sứ nghị hòa với Pháp ở Gia Định, ký hiệp ước nhượng 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa cho Pháp. 
Vì việc này, ông bị giáng làm Tổng đốc Vĩnh Long, và cũng vì vậy mà cho đến nay công – tội của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Sau đó Phan Thanh Giản được phụ chức để làm chánh sứ sang Pháp, thăng Thượng thu bộ Hộ, sau đó làm Kinh lược đại thần đến trông coi 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ là Hà Tiên, Vĩnh Long, An Giang. Năm 1867, Pháp lại kéo đến đòi 3 tỉnh này, Phan Thanh Giản không cản được, chọn cách quyên sinh để tỏ lòng trung liệt. 

Hình vẽ mô tả sự kiện ở Vĩnh Long năm 1867, năm Pháp chiếm được Vĩnh Long và trọn vẹn 5 tỉnh Nam kỳ khác  

Trong cuốn chuyên khảo về Vĩnh Long của hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1911, Nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2017, đã nói về cụ Phan Thanh Giản như sau:
  “Khi 3 tỉnh miền Tây bị chiếm đóng (năm 1867), Phan Thanh Giản đã là một cụ già ngoài 70 tuổi. Trong suốt cuộc đời dài làm quan, ông đã luôn phục vụ đất nước của mình với một lòng tận tụy và vô tư lợi tuyệt đối. Biến cố định mệnh chấm dứt cuộc đời của cụ là một trong những bất công của số mệnh mà chỉ có những tâm hồn lớn mới có thể chịu đựng không suy suyển. 
Cụ nhìn tương lai, những khiển trách của nhà vua về những lỗi lầm tuy không thuộc trách nhiệm của cụ và cụ vẫn muốn tránh, những chỉ trích và lên án đầy ác tâm của các kẻ thù chánh trị của cụ, nguy cơ đánh mất danh dự của mình, tất cả những thứ này, cụ đã nhìn với một tâm hồn kiên cường và bình tĩnh. Cụ đã bước ra khỏi đó, vĩ đại như người xưa. 
Sau khi chuẩn bị quan tài cho mình và sau khi viết một bức thư dài và cảm động gửi đô đốc de Lagrandiere, cụ cho gọi gia đình đã được cụ triệu tập về Vĩnh Long, long trọng khuyên nhủ các con không được phụ vụ Pháp, mà là sống an bình tại làng của họ, và ra lệnh phải giáo dục các cháu như người Pháp, đoạn, trước mắt mọi người trong gia đình, cụ uống một liều thuốc cực mạnh. Đô đốc de Lagrandiere đã viết cho người con trai cả của cụ một bức thư phân ưu và ra lệnh đặt quan tài trên một chiếc ghe lớn, được thuyền kéo tới tận nơi cụ sinh ra ở làng Bảo Thạnh, gần cửa Ba Lai ở Bến Tre. Một đơn vị quân đội Pháp làm lễ mặc niệm cụ trước sự hiện diện của đông đảo dân chúng. 
Mộ của cụ, thật giản dị, mang tấm bia khắc chữ: Lương Khê Phan Tao nông chi mộ, nghĩa là “Tại nơi Lương Khê này, có mộ của cụ nông dân họ Phan”.

Vĩnh Long 100 năm trước
 
 Sau khi Vĩnh Long thuộc về Pháp, hạt thanh tra Định Viễn được thành lập, lỵ sở đặt ở Vĩnh Long. 
Quyết định ngày 16/8/1867 đổi tên hạt thành tra Định Viễn thành hạt thanh tra Vĩnh Long. Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có có một số tiểu khu hay hạt tham biện, hạt thanh tra Vĩnh Long đổi tên thành hạt tham biện Vĩnh Long. 

Tòa Tham Biện 

Vĩnh Long Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ là Tỉnh (Province) kể từ ngày 1/1/1900, từ đó hạt tham biện Vĩnh Long đổi thành tỉnh Vĩnh Long.
 
Bungalow Vĩnh Long năm 1930, nay là khách sạn Cửu Long 

Từ năm 1951, tỉnh Vĩnh Long có thời gian ngắn đổi tên thành tỉnh Vĩnh Trà, đến 1954 thì chính quyền VNCH đổi lại thành Vĩnh Long như cũ. Đầu năm 1976, Vĩnh Long đã sáp nhập với Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, nhưng đến ngày 26 tháng 12 năm 1991 lại tách ra thành hai tỉnh riêng như cũ. Khi tách ra, tỉnh Vĩnh Long, gồm thị xã Vĩnh Long và 5 huyện: Bình Minh, Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm. 

Ngày 10 tháng 4 năm 2009, thành lập thành phố Vĩnh Long trực thuộc tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Vĩnh Long cũ. 

Một số hình ảnh Vĩnh Long xưa: 


Tháp Phan Thanh Giản ở ngã 3 Cần Thơ, là cửa ngõ của Vĩnh Long Trước năm 1975 khi bắt đầu vào trung tâm Vĩnh Long sẽ bắt gặp ngay ngọn tháp nằm sừng sững ở ngã ba Nguyễn Huệ (tên gọi khác là ngã ba Cần Thơ). Trên ngọn tháp bốn mặt này có một hàng chữ Hán, dịch nghĩa là: “Tiền Triều Đại Thần Phan Thanh Giản”. Ngọn tháp này mang tên tháp Phan Thanh Giản. 


Phan Thanh Giản là vị quan Kinh Lược Sứ đất Nam Kỳ của triều Nguyễn, luôn luôn trung thành với chủ nghĩa: “Trung Thần Bất Sự Nhị Quân”. Trước đó ở vi trí ngã tư đường Phan Thanh Giản (nối liền với đường Lê Thái Tổ) và đường Lê Lai, ngay phía trước mặt Tòa Hành Chánh tỉnh Vĩnh Long (nay là UBND tỉnh Vĩnh Long) có một bức tượng bán thân của Phan Thanh Giản bằng đồng đen. 

Đường nằm ngang là Lê Lai, đi về bên phải khoảng 100m là Tòa Hành Chánh tỉnh Vĩnh Long (nay là UBND tỉnh Vĩnh Long). 

Sau Tết Mậu Thân, bức tượng được mang về thờ tại Văn Thánh Miếu, nằm trên đường Văn Thánh từ Vĩnh Long đi Vĩnh Bình. 

Văn Thánh Miếu

Thay vào đó thì ngọn tháp Phan Thanh Giản được dựng lên tại ngã ba Nguyễn Huệ – Lê Thái Tổ – Quốc Lộ 4. Đường Lê Thái Tổ, đi về phía ngã 3 Cần Thơ, chính giữa là tháp Phan Thanh Giản nhìn từ phía trung tâm. 
 
(Năm 1965)

Bên trái là bến xe Vĩnh Long, chợ Long Châu, quẹo trái là đường Nguyễn Huệ đi Cần Thơ, đi thẳng là quốc lộ 4 đi Sa Đéc. Bên phải là khách sạn 

Thái Bình Tháp Phan Thanh hình khối tháp tứ diện, đáy to đỉnh nhỏ, kiến trúc theo lối những kim tự tháp, bốn mặt đều quay ra đường lộ. Từ đàng xa phía cầu Tân Hữu, cầu Tân Bình hoặc dốc cầu Lộ mọi người đều nhìn thấy bóng dáng của ngọn tháp. Mặt tháp về phía đại lộ Nguyễn Huệ có gắn hai tấm bia bằng đá cẩm thạch vân trắng. Một tấm ghi chức tước, một tấm ghi sơ lược về tiểu sử cụ Phan Thanh Giản. 

Quanh ngọn tháp có một vòng rào bằng những trụ xi măng màu xám, hình những khẩu đại bác thuở xưa. Tháp Phan Thanh Giản bị đập bỏ vào tháng 5-1975. 

Tháp Phan Thanh Giản nhìn từ trên cao. 

Bìa trái ở góc trên của hình là Nhà Thờ Vĩnh Long Nhắc đến đất Vĩnh, không thể không nhắc đến ngôi trường Tống Phước Hiệp đã gắn bó với nhiều thế hệ. Đây là trường trung học lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, ở địa chỉ số 106 Gia Long, gần ngã 3 sông Long Hồ – sông Cổ Chiên. 


Ngày nay ngôi trường này đã đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Lưu Văn Liệt, và con đường Gia Long đằng trước trường nối dài với đường Tống Phước Hiệp cũng đổi tên thành đường 1/5 và 30/4. Ngôi trường này đặt đặt theo tên của Tống Phước Hiệp từ năm 1961, là tên của danh tướng thời Chúa Nguyễn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Vĩnh Long. 

Không ảnh nhìn về phía ngã 3 Cần Thơ. Bên trên là sông Cổ Chiên.
 
Đường dọc hình là đại lộ Nguyễn Huệ đi về phía ngã 3 Cần Thơ, bên phải là đường Lê Thái Tổ đi về phía trung tâm Vĩnh Long. Khu nhà hình chữ nhật màu trắng ở giữa hình là trường Sư Phạm và trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long, (nay là trường Cao Đẳng Vĩnh Long và trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật Vĩnh Long)

Hình ảnh khác của đường Nguyễn Huệ 

 
 Khu vực trường Trung học Kỹ Thuật Vĩnh Long (1962) trên đường Nguyễn Huệ 

Sân vận động nằm sát bên trường Sư Phạm

 Một góc ảnh khác của ngã 3 Cần Thơ. Bên trái là đại lộ Nguyễn Huệ đi Cần Thơ 

Đường Lê Thái Tổ đi về phía trung tâm Vĩnh Long bên tay trái, bên phải là ngã 3 Cần Thơ. Khối nhà màu trắng là Nhà Thờ Vĩnh Long

Nhà thờ Vĩnh Long trên đường Lê Thái Tổ

Chợ Long Châu ở gần ngã 3 Cần Thơ 

Đường Lê Thái Tổ đoạn từ ngã 3 Cần Thơ về phía trung tâm Vĩnh Long. Phía cuối đường là vào cua bên trái để lên cầu Lộ để qua đường Phan Thanh Giản (nay là đường 3/2). 

Hình này được chụp cùng 1 thời điểm với hình bên trên, người chụp đứng cùng 1 vị trí, nhìn về hướng ngược lại, tức là đường Lê Thái Tổ nhìn về phía ngã 3 Cần Thơ 
( Cầu Lộ)

Cầu Lộ bắt qua rạch Cái Ca, nối đường Lê Thái Tổ và Phan Thanh Giản _ QL4, từ ngã 3 Cần Thơ đi về phía Sa Đéc và Bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận). 

Phía trên hình là Cồn Chim


Đường ven sông Cổ Chiên, bên phải là cải huấn, nay là Viện Bảo Tàng. Bên trái hình là bến Phà An Bình trên đường Phan Bội Châu. Phía xa xa là Công Quán (Bungalow Vĩnh Long), nay là khách sạn Cửu Long 

 

Công Quán, còn được gọi là Bungalow Vĩnh Long, vốn là câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Sau năm 1954, Bungalow trở thành khách sạn sang trọng, tầng trệt mở nhà hàng restaurent, bán hải sản và thức ăn đặc sản của địa phương 
Bên phải hình là Bungalow Vĩnh Long 

Công Quán trận Mậu Thân 1968

Đường Phan Bội Châu, tường rào phía trước trại cải huấn. Bên trái là Công viên dọc bờ sông Cổ Chiên 

Ty cảnh sát nằm ở giữa đường Phan Bội Châu nối với Gia Long

Khu phố chợ Vĩnh Long sát bờ sông, đường Gia Long (1969)
Dãy nhà khu chợ Vĩnh Long trên đại lộ Gia Long 

Ngã 3 đường Gia Long – Lê Văn Duyệt, đi một chút nữa sẽ gặp trường Tống Phước Hiệp ở bên tay phải. Ngày nay đoạn này đổi tên thành 30/4 – Hoàng Thái Hiếu
 
Khu vực chợ Vĩnh Long trên đường Gia Long, nằm ở giữa 2 đường Chi Lăng và Bạch Đằng 

Bên phải là phi trường Vĩnh Long dọc theo QL4, ngày nay là đường Võ Văn Kiệt 

Cổng vào phi trường Vĩnh Long _ Chính giữa là trung tâm Vĩnh Long dọc sông Cổ Chiên.

Bên trái là rạch Long Hồ (nay là sông Long Hồ), bên phải là rạch Cái Ca (nay gọi là sông Cầu Lộ)

Sông Long Hồ đổ ra sông Cổ Chiên. Đường dọc sông là Phan Bội Châu nối với Gia Long (nay là đường 1/5 và 30/4) 

Cầu Măng Thít (Cầu Mới) trên tỉnh lộ 7A (nay là QL53) bắc qua sông Măng Thít 

Cầu Măng Thít

Bến tàu Vĩnh Long

Khu vực gần chợ và bến tàu Vĩnh Long 

Bắc Mỹ Thuận, (nay là cầu Mỹ Thuận)
 
Một số hình ảnh sông Cổ Chiên: 


Đông Kha – chuyenxua.vn 
Hình ảnh: manhhai flickr
(Kim Oanh sưu tầm từ FB Nguyen Hoang)

Bạn đang sao chép nội dung của page fb.com/1xuaxua. Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn chuyenxua.vn kèm theo link bài viết. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense