Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Vườn Thu - Tình Thu

 
(Ảnh: Kim Phượng)

Bài Xướng;

Vườn Thu

Vườn nhà ai thật đẹp
Để nao lòng trải thu
Gió vô tình mở, khép
Để lá vàng phiêu du

dovaden2010
***
Bài Họa:

Tình Thu

Mượt mà mùa lá đẹp
Tô thắm sắc tình thu
Khung cửa ngoài hờ khép
Mong chờ khách viễn du


Kim Oanh



Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Mất Đà Nẵng (Trích Một Thời Để Nhớ)


Tình hình quân sự ngày càng có nhiều biến chuyển sau tết Ất Mão (1975). Trong khi Đà Nẵng cũng như mặt trận vùng hỏa tuyến vẫn không có triệu chứng gì xấu đi cả, tin thất thủ Ban Mê Thuột cùng với việc triệt thoái các lực lượng quân sự theo Tỉnh Lộ 7B nối liền các tỉnh cao nguyên trung phần Việt Nam: Pleiku, Kontum với Phú Yên đã đem đến cho người dân bao nhiêu bàng hoàng sửng sốt.

Cuộc triệt thoái không được phối hợp chặt chẽ và điều nghiên kỹ càng của cả một quân đoàn đi qua một tỉnh lộ bỏ hoang từ nhiều năm được báo chí, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tường thuật như là một sự thất bại nặng nề. Không những bao nhiêu lực lượng quân sự, mà còn cả đoàn dân chúng chạy nạn kéo theo sau đoàn quân đã làm cho cuộc triệt thoái rơi vào một tình trạng hỗn loạn gần như không người chỉ huy.

Thay vì chỉ kết thúc an toàn trong vài ngày nhờ vào yếu tố bất ngờ, cuộc triệt thoái đã phải đương đầu với bao khó khăn chồng chất trên một con đường hai trăm năm mươi cây số xuyên qua núi rừng hiểm trở, trái với dự liệu đã kéo dài trong nhiều ngày. Binh sĩ ngày càng quá mệt mỏi, mất hết tinh thần chiến đấu. Thêm vào đó, sự bất mãn và sợ hãi đã tạo nên rối loạn ngay trong hàng ngũ của chính mình, làm cho đoàn di tản trở thành miếng mồi ngon cho đối phương trong các cuộc tập kích. Cộng quân đã phối hợp lực lượng kịp thời để nắm lấy thời cơ thuận tiện gây tử vong nặng nề cho lực lượng triệt thoái, đến nỗi nhiều đơn vị khi đến được Phú Yên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung quân số trước khi có thể hoạt động trở lại.

Minh vẫn ngày hai buổi lái xe đến làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm. Tình hình quân sự ở vùng địa đầu giới tuyến không thấy có gì thay đổi theo sự hiểu biết của Minh. Tuy vậy trên đường lái xe đi làm hoặc về, Minh nhận thấy chuyển biến mỗi ngày mỗi khác.

Từ hạ tuần tháng ba trở đi, xe cộ ngày càng tấp nập và lượng lưu thông ngày càng tăng. Hình như dân chúng ở các tỉnh lân cận đã nhận thấy có một cái gì bất ổn; quá lo lắng, sợ hãi, họ đã tìm về Đà Nẵng, nơi mà họ nghĩ sẽ được an toàn hơn. Mỗi ngày Minh càng mỗi thấy tăng không những về số lượng hành khách, xe cộ mà còn cả vận tốc nữa. Ai ai cũng như hối hả, sợ sệt chờ đợi một biến chuyển không lường trước được sẽ xảy đến.

Dầu cố gắng giữ bình tĩnh cách mấy, Minh cũng không sao ngồi yên với những gì chứng kiến hằng ngày. Để an toàn cho gia đình, khỏi phải vướng mắc trong công việc, Minh quyết định sẽ lo vé máy bay cho Hường và các con di chuyển về Sàigòn trong khi Minh tiếp tục ở lại chiến đấu. Phương tiện di chuyển duy nhất nối liền Đà Nẵng – Sàigòn vẫn là đường hàng không. Phòng bán vé hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng chen chân không lọt. Ai ai cũng hốt hoảng tìm cách rời xa thành phố đang có nhiều biến động.

Sau một ngày dài mệt mỏi chầu chực với ước vọng kiếm được cho Hường và các con mấy cái vé máy bay về Sài gòn trôi qua không một kết quả, chiều của ngày thứ hai, khi Minh cùng mọi người đang chen chúc trước các quày vé. Hàng không Việt Nam thông báo cho biết thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra lệnh ngưng bán các chuyến bay ra khỏi Đà Nẵng, thay vào đó Hàng không Việt Nam sẽ được chính phủ trưng dụng vào một chiến dịch di tản dân chúng ra khỏi Đà Nẵng trong thời hạn ba mươi ngày.

Chính quyền không đề cập gì đến một chiến dịch di tản cụ thể, trong khi người dân từ các tỉnh kế cận vẫn tuôn về ngày càng đông, tạo nên một tình trạng bất ổn làm cho người dân càng hoang mang hơn. Thông cáo di tản dân chúng đã không đem lại một chút nào tin tưởng, an tâm trái lại còn làm cho mọi người nghĩ đến cảnh rồi đây Đà Nẵng cũng sẽ bị bỏ rơi như các thành phố khác, thông cáo chỉ là kế hoãn binh để chính quyền dùng phương tiện hàng không Việt Nam di chuyển thân nhân và người nhà ra khỏi Đà Nẵng.

Rời phòng bán vé cùng Hường trở về nhà, Minh đang phân vân không biết phải tính toán như thế nào thì một chiếc xe Jeep cảnh sát vội vã trờ tới đậu trước nhà. Một vài giây thắc mắc và nhận định trôi qua, Minh đã nhanh chóng nhận ra người chị họ cùng chồng trên xe. Anh phụ trách một chi khu cảnh sát ở Huế. Minh bàng hoàng với những gì mắt mình chứng kiến: Mười tám người lần lượt từ xe bước xuống! Làm sao ngần ấy người, trẻ con và người lớn, từ ba bốn gia đình khác nhau có thể chen chúc trong chỉ một chiếc xe như vậy! Trên khuôn mặt của mỗi người hiện rõ nét hốt hoảng, sợ hãi và mệt mỏi.

Họ cho biết Huế đã mất và đã may mắn nhanh chân thoát được. Dừng chân nghỉ ngơi trong chốc lát, kiếm một chút gì lót bụng, tất cả lại cùng nhau lục đục lên đường. Họ lại ra đi, không biết sẽ đi về đâu, có lẽ đi về con đường mà định mệnh đã an bài cho họ. Bực tức và buồn chán đến cùng cực, Minh cũng không buồn hỏi!


Mệt mỏi sau bao ngày chầu chực không hiệu quả, bị cuốn hút vào trong cơn lốc lo âu, sợ hãi trước tình trạng không những dân chúng mà ngay cả các quân nhân từ các tỉnh kế cận xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Tình hình xoay chiều quá nhanh, bao nhiêu biến chuyển dồn dập xảy đến, tâm trí Minh rối loạn không còn biết phải xử trí như thế nào!

Nếu một mình, chỉ việc nhảy vào phi trường, thế nào Minh cũng có cơ hội rời khỏi Đà Nẵng, nhưng với cả một gia đình sáu người thì quả là hết sức khó khăn, nhất là các con của Minh hẳn còn quá nhỏ dại, tuy Anh Tuấn bảy, Bích Huyền sáu, nhưng Mộng Điệp chỉ ba và Anh Bình vừa mới lên hai!

Những người lính chiến đổ xô về từ các tỉnh thất thủ, y phục xốc xếch, tinh thần sa sút, uất ức, mặt mũi hốc hác, bàng hoàng, họ không biết phải làm gì trước tình thế, lại nữa không người chỉ huy, đi lê thê lếch thếch trên đường phố trông thật não lòng.

Đài phát thanh tiếng nói Hoa kỳ và BBC tiếp tục đưa những tin tức ngày càng xấu làm nản lòng mọi người: Sau Ban Mê Thuột đến Quảng Trị rồi đến Huế, Quảng Ngãi, Chu Lai, Quảng Tín lần lượt rơi vào tay cộng quân.

Từ ngày ra Đà Nẵng đến nay, gia đình Minh vẫn sống với người cậu vợ, vốn là một Linh mục cai quản một họ đạo công giáo trong thành phố từ nhiều năm qua, gia đình Minh rất quí mến ông, tuy vậy cuối cùng Minh quyết định cùng gia đình ra đi sau khi những cố gắng thuyết phục ông rời Đà Nẵng bị thất bại. Ông cương quyết không bỏ rơi giáo dân, đi tìm tự do và an thân cho chính mình, mặc dầu ngoài việc coi sóc một giáo xứ, ông còn là tuyên úy trung đoàn 56, sư đoàn 3 bộ binh, một đối tượng có tầm cỡ của đối phương.

Trưa ngày thứ sáu 28 tháng 3, nhờ ông chở cả gia đình xuống Thanh- Đức (Thanh Bồ - Đức Lợi) một họ đạo nằm trên bờ tây sông Hàn, từ đó Minh thuê một chiếc thuyền máy đưa gia đình ra khơi với hy vọng tìm phương tiện thoát thân bằng đường biển. Khi thuyền rời bến, Minh nhìn thấy binh sĩ mang sắc phục nhiều binh chủng khác nhau với súng ống đầy đủ ngồi trên các ghềnh đá dọc bờ sông. Sau nầy nhiều người cho biết họ là những cán binh Việt Cộng đội lốt quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa để thực hiện những công tác đặc biệt giao phó.

Trên đường tiến đến gần cửa biển, thuyền gặp hai ba chiếc xà lan thật lớn đang thả neo trên sông. Xà lan nào cũng chứa đầy người. Xa hơn về phía cửa biển, một đoàn ba, bốn chiếc tàu hải quân đang đậu ở đó. Người lái thuyền đưa cả gia đình Minh đến một chiếc đầu tàu dùng để kéo xà lan đang đậu, có lẽ vì boong tàu không cao dễ dàng hơn trong việc chuyển người. Trên tàu dày đặc những người và người: đàn ông, đàn bà, trẻ em và có cả quân nhân.

Sau khi trả tiền thù lao cho người chủ thuyền, Minh nhảy vội lên tàu. Mặc dầu tàu chật như nêm, nhờ sự tiếp tay của một vài người tốt bụng, Minh đã nhận được qua tay người chủ thuyền và đem được lên tàu lần lượt từ Anh Tuấn, Bích Huyền đến Mộng Điệp. Khi người chủ thuyền trao Anh Bình, Minh chưa kịp ẵm thì đột nhiên chiếc đầu tàu kéo nổ máy. Sức quay của chân vịt tạo thành những lớp sóng thật lớn. Chiếc thuyền bị chao đảo và chồng chành thật mạnh vì nằm ngay vị trí chân vịt. Người chủ thuyền, rất bình tĩnh, một tay giữ chặt Anh Bình, tay kia đẩy mạnh chiếc thuyền ra xa và đã cứu được chiếc thuyền khỏi bị nạn, Anh Bình khỏi bị rơi tỏm xuống nước. Hường vẫn còn ở trên thuyền, hoảng hốt chứng kiến những gì đang xảy ra, mà cũng chẳng có một phản ứng gì được để cứu vãn tình thế!

Thật là một phen hú vía! Thấy tình hình trên đầu tàu kéo quá xô bồ, không một chút an toàn. Hơn thế nữa, Minh lại không chuẩn bị bất cứ một thức ăn hay uống gì cả. Sự hiện diện của các tàu hải quân ở cửa biển làm Minh nảy sinh một ý định khác: trở lại thông báo cho người cậu vợ linh mục, cho giáo dân và những người quen biết để cùng tìm cách rời khỏi Đà Nẵng bằng các tàu hải quân Việt Nam đang thả neo ở cửa biển. Thế là chàng cùng Hường và các con trở lại bờ.

Người cậu vợ rất ngạc nhiên thấy gia đình Minh về lại. Càng ngạc nhiên hơn khi ông được biết tất cả giáo dân đã bỏ ông chỉ còn lại vỏn vẹn có hai gia đình mà thôi!
Hôm ấy là ngày thứ sáu tuần thánh. Sau khi cố gắng hoàn tất nghi thức ngày lễ một cách vắn tắt, hoàng hôn bắt đầu buông xuống, gia đình Minh lần này chuẩn bị đầy đủ hơn, cùng người cậu và hai gia đình còn lại lên xe, một của Minh, một của người cậu trở lại Thanh Đức, với dự định sẽ cùng nhau thuê thuyền ra khơi tìm các tàu hải quân để trốn khỏi thành phố.


Không an toàn khi phải di chuyển vào lúc trời tối nhất là trên sông, trên biển, vả lại cũng đã quá mệt mỏi, Minh và tất cả đã quyết định ngủ qua đêm tại nhà một người quen ở cạnh bờ sông Hàn, sáng hôm sau sẽ dậy sớm để thực hiện chương trình như dự tính.

Đêm hôm đó, khi bóng tối đã hoàn toàn bao phủ xuống thành phố, máy bay trực thăng bay vần vũ trên bầu trời loan báo việc đặt quân trấn và thị xã Đà Nẵng dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan cao cấp một binh chủng nổi tiếng trong quân lực. Tiếng loa phóng thanh từ chiếc máy bay trong nỗ lực cuối cùng, nhằm đem lại niềm tin và trật tự cho dân chúng, không làm sao át được tiếng nổ chát chúa của hàng loạt đạn pháo kích cộng quân đang trút như mưa xuống phi trường Đà Nẵng.

Những trái hỏa tiễn rơi trong đêm trường thanh vắng nghe thật rợn người làm Minh xót xa nghĩ đến thân phận Đà Nẵng, bao nhiêu chiến sĩ, công nhân viên chức và người dân trong đó có Minh, gia đình cùng với bao người thân yêu đang bị bỏ rơi lại trên thành phố đang giẫy chết này. Sáng hôm sau khi thức dậy, bóng dáng những chiếc xà lan, đầu tàu kéo cũng như các tàu hải quân cũng đã biến mất khỏi cửa biển Đà Nẵng đem theo bao nhiêu kỳ vọng không những của Minh mà còn của biết bao người!

Nhìn cửa biển trống vắng lòng Minh tan nát! Minh, gia đình và bao nhiêu người đã bị bỏ rơi lại đằng sau! Minh không tin, nhưng đó là sự thật. Thế là bao nhiêu hy vọng thoát khỏi Đà Nẵng đã tiêu tan thành mây thành khói! Trong một nỗ lực cuối cùng, Minh chở hai gia đình tháp tùng và người cậu chở gia đình Minh. Tất cả cùng cố gắng đi về hướng Nam vượt qua cầu “De Lattre” để qua bãi biển Mỹ Khê hay Sơn Trà, tìm cách rời xa thành phố đang trong cơn hấp hối.

Thật đau lòng khi nhìn thấy bao cảnh vật xé nát tim gan lúc Minh lái xe đi qua những con đường chính của thành phố. Chiếc tàu Trường Thành, mới chiều hôm trước vẫn thả neo ở ngay cạnh bờ sông cũng đã rời xa thành phố từ bao giờ! Khói đen đang bốc lên từ tòa lãnh sự Mỹ. Dọc đường nón sắt, quần áo, quân cụ, giày cao cổ của quân nhân xen lẫn với mũ nón, túi xách, vali, guốc dép của người dân chạy loạn vương vãi khắp nơi.


Đường phố thật vắng. Không còn bóng dáng người thường dân. Các thương bệnh binh không thuốc men, không ai coi sóc chăm nom, nhận thức được thực trạng phủ phàng đã cố gắng tự cứu lấy mình, kẻ chống nạng, người xe lăn, những người khác trong nổ lực “người mù cõng người què” họ kéo nhau đi từng đoàn, nơi này hai, chỗ khác ba, áo quần lôi thôi lếch thếch, hốt hoảng, tuyệt vọng; họ lê lết trên các đường phố dọc theo bờ sông Hàn, không biết đi về đâu!
Trước hãng Bia Larue, một số người mang quân phục biệt động quân và thường dân đang tranh dành khuân những thùng bia ra khỏi hãng. Họ hành động không khác gì trong cơn điên loạn! Vỏ chai và thùng nằm la liệt khắp nơi, trên đường, vỉa hè, lối đi. Nhìn thấy cảnh hỗn loạn, Minh không những ngậm ngùi xót thương, mà còn sợ cho sự an toàn của chính bản thân và toàn thể gia đình, mặc dầu vẫn mang bộ quân phục với vỏ khí đạn dược đầy đủ.

Con đường đi qua cầu “De Lattre” bị phong tỏa. Minh và người cậu phải lái xe trở về lại Thanh- Đức (thanh Bồ - Đức Lợi). Không còn biết giúp gì được cho hai gia đình tháp tùng, Minh và người cậu vợ quyết định để cho họ tự xoay xở, rồi cùng lấy thuyền vượt sông Hàn đến Nhượng Nghiã, một xứ đạo nằm bên bờ sông của sông Hàn, hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được phương tiện rời thành phố. Khi tất cả lên đến được trên bờ phía đông, ngoảnh mặt nhìn lại, chính mắt Minh chứng kiến cảnh chiếc máy bay phản lực cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng, khoảng trưa ngày 29 tháng Ba năm 1975. Chiếc máy bay cất cánh một cách khác thường! Nhìn chiếc phi cơ rời thành phố mà lòng Minh thấy xót xa, nuối tiếc!

Tối hôm đó cùng với tin thành phố Đà Nẵng thất thủ đài BBC cho biết những chi tiết thật đau lòng về chuyến bay: Trong cơn hỗn loạn, không giữ được trật tự, số người ùa lên quá đông, không những quá trọng tải, mà máy bay còn không thể đóng cửa được. Vì an toàn của cả chuyến bay, người phi công đã phải dùng những chuyển động ít khi sử dụng, cố tình làm cho số người thặng dư trên máy bay, đeo ở cánh hoặc cửa bị sức gió cuốn hút ra ngoài. Số người rơi từ phi cơ xuống đất khá nhiều trước khi phi công có thể đóng được cửa, để lái chiếc phi cơ về đến Sài gòn an toàn. Quả là một chuyện thật đau lòng ngoài sức tưởng tượng của con người!
Một người giáo dân quen biết trong vùng hứa sẽ giúp tìm thuyền để thuê chở cả gia đình Minh và người cậu về Cam Ranh hay Sài gòn, đem lại một tia hy vọng cho Minh đang mò mẫm trong con đường hầm đầy tăm tối và không lối thoát.

Đêm 29 tháng Ba, nhằm ngày thứ bảy tuần thánh, khá yên tĩnh. Không tiếng pháo kích. Trong đêm trường vắng lặng, Minh có thể nghe thấy nhịp tim mình đập và hơi thở mình phập phồng trông ngóng. Mãi đến sáng hôm sau, người nhận sứ mệnh giao phó mới trở lại cùng với tin làm bao nhiêu hy vọng cuối cùng vỡ tan thành từng mãnh: Không tìm kiếm được bất cứ một ghe thuyền nào! Tất cả mọi cố gắng để được rời thành phố đều trở thành tuyệt vọng. Minh thở dài não nuột!

Sau khi vứt đi những gì liên quan đến binh nghiệp, thận trọng đào hố chôn khẩu súng Colt 45 trong tiếc nuối, tìm một chỗ để cất dấu khẩu P38 bé xíu, quà tặng người anh cả trong xót xa, Minh mặc vào người bộ áo quần dân sự trong rã rời, đắng cay và chua xót!

Nghĩ đến số phận dành sẵn cho người chiến bại, sợ rằng sẽ bị hành quyết, vì là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Minh tâm sự và giao phó mọi việc trong gia đình nhờ người cậu trông coi, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra cho bản thân, vì nghĩ rằng không ai lại hãm hại một người chân tu như người cậu vợ. Minh cũng dặn dò Hường, ôm hôn các con và gửi đến những lời tâm huyết, ít nhất là cho Anh Tuấn và Bích Huyền. Thế rồi cùng người cậu, gia đình Minh lại lên thuyền vượt sông Hàn trở về lại Đà Nẵng, đối diện với một tương lai không biết đi về đâu đang chờ đón!

Hôm ấy là ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, 30 tháng Ba năm 1975.

B.S.Tống Viết Minh
(Trích “Một Thời Để Nhớ”)

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Đọc Thơ Nhớ Thầy



(Tiếc thương thầy Chân Diện Mục vĩnh viễn ra đi)

Thôi thế từ nay hết nhận bài
Thầy đâu còn viết để chuyền tay
Bao năm cặm cụi gom thơ, chuyện
Gửi đến khắp nơi để tỏ bày

Từng câu từng chữ rất thâm sâu
Nhắn nhủ bao điều thế hệ sau
Vĩnh Viễn tiễn Thầy về Tiên Cảnh
Vườn Thơ Thẩn biệt nỗi niềm đau

Kim Oanh

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Mùa Chay Nguyện Cầu...

 

Trong tĩnh lặng buổi chiều phai
Thiết tha khẽ chắp đôi tay khấn nguyền
Cho con vững mãi tâm yên
Hãm mình khỏi những lụy phiền ghét ganh
Trở về bên Chúa yên lành
Mùa chay ơn Thánh kết thành yêu thương!


Kim Oanh
Mùa Chay 3/2021


Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Câu Chuyện Đẫm Nước Mắt Trong Kiệt Tác " Đôi Bàn Tay Nguyện Cầu" - Đường Trung Nguyên Dịch


Dẫn:
Albert lau những giọt nước mắt trên đôi gò má xanh xao, cậu nhìn mọi người khắp một lượt, rồi run rẩy áp đôi bàn tay của mình lên bên má phải và nghẹn ngào nói: “Anh ơi, em không thể! Em không thể tới học ở Nuremberg, đã quá muộn rồi anh ạ. Anh nhìn đôi tay em này”…

Chuyện kể rằng vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố Nuremberg của nước Đức có một gia đình nghèo khó và rất đông con. Trụ cột trong gia đình – người cha là một thợ kim hoàn có tiếng thuộc dòng họ Albrecht. Ông phải làm việc quần quật suốt 18 tiếng một ngày, từ sáng sớm đến tối khuya trong nhà xưởng và đi làm thuê làm mướn bất cứ công việc gì cho người dân trong vùng để nuôi đàn con khôn lớn.
Mặc dù sống trong gia cảnh nghèo khó, nhưng hai cậu con trai đầu lòng nhà Albrecht luôn ấp ủ một ước mơ trở thành một nghệ sỹ tài ba. Tuy vậy chúng cũng hiểu rằng cha mình chẳng bao giờ có đủ tiền để chu cấp cho một trong hai đứa tới học tại trường nghệ thuật ở Nuremberg.

Sau nhiều đêm bàn bạc trên chiếc gường chật chội của mình, hai anh em cuối cùng cũng đã thỏa thuận được rằng: chúng sẽ tung đồng xu để phân định và người thua cuộc sẽ phải nghỉ học, đi làm thuê trong các hầm mỏ để kiếm tiền nuôi người kia ăn học thành tài. Người thắng sẽ hoàn thành việc học tập trong vòng 4 năm và sau đó quay trở lại kiếm tiền để nuôi người anh em còn lại của mình đi học bằng việc bán những bức tranh hay thậm chí là đi làm thuê trong các hầm mỏ.
Vậy là sự việc tung đồng xu định mệnh của anh em nhà Albrecht đã được diễn ra vào một buổi sáng chủ nhật nọ, ngay phía sau nhà thờ. Cuối cùng thì người anh – Albrecht Durer đã thắng cuộc và tới Nuremberg học mĩ thuật; còn người em – Albert phải nghỉ học và đi làm thuê trong những hầm mỏ, ròng rã suốt 4 năm trời vô cùng cực nhọc để kiếm tiền nuôi anh ăn học.
Người anh nhanh chóng trở thành một học trò xuất sắc ở trường. Những tác phẩm tranh vẽ, tranh khắc gỗ và tranh sơn dầu của anh thậm chí còn đẹp hơn hẳn những bức tranh khác của các bậc thầy dạy. Như một lẽ đương nhiên, ngay khi vừa tốt nghiệp, Albrecht Durer đã bắt đầu kiếm được rất nhiều tiền từ các tác phẩm của mình.

Chàng trai trẻ trở về nhà trong niềm vui sướng hân hoan của cả gia đình. Buổi tối hôm đó, nhà Albrecht tổ chức một bữa tiệc ăn mừng lớn. Buổi tiệc tràn đầy tiếng nhạc và những lời chúc tụng. Albrecht Durer rời bàn ăn tiến tới bên người em trai yêu dấu đã bao năm vất vả lam lũ nuôi mình ăn học để nói lời biết ơn và cùng nâng cốc chúc mừng.
Đoạn cuối, Albrecht Durer dõng dạc tuyên bố:
– Này Albert! Em trai yêu quý của anh. Đã đến lúc anh chăm lo cho em được rồi. Em hãy tới Nuremberg để theo đuổi ước mơ của mình đi, anh sẽ trang trải mọi việc và luôn ở bên cạnh em.
Mọi ánh mắt đều dõi nhìn về phía cuối bàn ăn nơi Albert đứng, với niềm xúc động khôn cùng.
Nhưng người em vẫn đứng đó cúi đầu trong im lặng. Những giọt nước mắt lăn dài xuống hõm má gầy gò xanh xao của anh… và Albert nấc lên trong thổn thức:
– Không, không… không!
Cuối cùng, Albert ngẩng đầu lên và lau những giọt nước mắt trên đôi gò má hốc hác, anh nhìn mọi người khắp một lượt, rồi run rẩy áp đôi bàn tay của mình lên bên má phải và nghẹn ngào nói:
– Albrecht Durer! Anh ơi, em không thể! Em không thể tới học ở Nuremberg, đã quá muộn rồi anh ạ. Anh nhìn đôi tay em này, anh ơi! Ôi, bốn năm qua làm việc trong các hầm mỏ, nó đã làm gì đôi bàn tay em! Ngón tay nào của em cũng không còn nguyên vẹn, gần đây em luôn bị dày vò bởi bệnh đau khớp ở tay phải, nó đau đến nỗi, em thậm chí còn không thể nâng ly chúc mừng anh, thế thì sao mà em có thể vẽ nên những bức tranh tinh tế trên giấy bằng chì và cọ hả anh? Thôi anh ơi, em đã muộn rồi!
Cả phòng tiệc chìm đi trong im lặng. Rất nhiều người lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. Albrecht Durer ôm choàng lấy cậu em trai Albert gầy gò tội nghiệp mà không thốt lên lời!…

***
Hơn 400 năm đã trôi qua, giờ đây hàng trăm kiệt tác của Albrecht Durer vẫn được treo khắp các viện bảo tàng nổi tiếng trên toàn thế giới. Những bức chân dung, những bức phác họa, tranh màu nước, những bức tranh vẽ bằng chì than, những bản tranh khắc gỗ, khắc đồng của ông… đều trở thành kiệt tác nghệ thuật được bảo tồn, đấu giá, sao lưu và triển lãm khắp nơi.
Nhưng có một bức họa được coi là ‘kiệt tác trong những kiệt tác’ của Albrecht Durer được những người yêu hội họa toàn cầu biết tới đó chính là bức tranh mà người danh họa này vẽ bằng cả tài năng, lòng trân trọng và biết ơn của mình đối với sự hy sinh thầm lặng của người em trai Albert:
Nhiều đêm thâu, Albrecht Durer đã miệt mài vẽ bức tranh về đôi bàn tay không còn lành lặn của người em trai yêu dấu, với những ngón tay bình dị, khắc khổ chụm vào nhau hướng lên bầu trời. Ông đơn giản chỉ đặt tên cho bức họa là: “Đôi bàn tay”, nhưng hết thảy công chúng khi chiêm ngưỡng tuyệt tác này và được nghe câu chuyện cảm động về tình anh em của nhà Albrecht thì đều xúc động và gọi đó là bức họa: “Đôi bàn tay nguyện cầu”.

Theo Đường Trung Nguyên
®Bao Nguyen Quan
ST & T/h.
-----
Bản sao bức tranh “Đôi bàn tay nguyện cầu” của Albrecht Durer vẽ với lòng biết ơn người em trai.

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Vĩnh Long Ngày Cũ...

  (Vĩnh Long - Ảnh Trương Văn Phú)

Còn đâu bến nước đò xưa
Còn đâu bóng dáng người đưa đón người
Lần về kỷ niệm ngậm ngùi
Vĩnh Long ngày cũ sao nguôi nhớ về

Kim Oanh



Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Đóa Tâm Hồng

 
(Hình Ảnh: Kim Oanh)
Đề Thơ:

Đóa Tâm Hồng

Vẫn một tình yêu tha thiết nồng
Giữa trời giá lạnh tiết sang đông
Vì ai ngời sắc mang xuân đến
Hạnh phúc tâm trao vẹn cánh hồng!

Kim Oanh
6/2020
***
Tâm Hồng không đẹp bằng tình nồng,
Thổi sạch giá băng của tiết Đông,
Ta vẫn ngồi đây chờ em đến
Dù biết tình ta chẳng còn hồng!

Lê Xuân Cảnh
6/2020.
***
Hoa vẫn còn thua tình ý nồng
Hương thơ gió cuốn tít trời đông
Hoa/ Thơ: cảm tạ người mang đến
Nên trái tim ta vẫn thắm hồng.

Hoàng Xuân Thảo
***
Hoa vẫn thơm và tình vẫn nồng
Tình em sưởi ấm suốt mùa đông
Xuân về em lại mang hoa đến
Hớn hở trao anh cập má hồng.

Con Cò
***
Đón Đóa Tâm Hồng

Hoa vừa hàm tiếu đã thơm nồng!
Theo gió hương bay tới biển đông,
Chúm chím nụ cười tươi vẻ ngọc 
líu lô oanh hót cạnh giàn hồng

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Tha thiết yêu ai yêu mặn nồng,
Dù trời giá lạnh giữa mùa đông.
Vì yêu lòng ngỡ xuân đang đến,
Hoa cũng vì ai nở đóa hồng.

Sông-Hương
***
Tuần Hoàn

Làm sao quên được hạ trưa nồng
Hoa thắm, ve kêu nay tiết đông
Vườn cúc tả tơi thu mới dứt
Xuân sau tai kiếp mắt môi hồng?

Lộc Bắc
06/2020
***
Nàng Thơ

Say đắm nàng thơ hơn rượu nồng,
Dãi dầu nóng lạnh hạ thu đông.
Thủy chung một dạ có trời biết,
Khoắc khoải canh khuya tựa má hồng. 

Phí Minh Tâm
(17/6/20)
***
Tặng Em Một Đoá Hoa Hồng...

Vẫn biết yêu em chẳng mặn nồng!
Chăn đơn gối chiếc lạnh mùa đông...
Cố nhân gặp lại xuân đang độ...
Tình cũ nên duyên tặng đóa hồng!


Mai Xuân Thanh
Ngày 18/06/2020

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Lặng Lẽ - Cô Đơn

 
      (Hoa Geisha Girl - Ảnh Kim Oanh)

Xướng: 
Lặng Lẽ

Hiu hắt vườn trăng một bóng côi
Sầu dâng loang tím hắt hiu đời
Vết thương hằn dấu chưa mờ xóa
Trĩu nặng gánh sầu lặng lẽ trôi

Kim Oanh
***
Các Bài Xướng:

Đơn Côi


Lặng lẽ vầng trăng bóng đơn côi,
dàn hoa sắc tím, đậm một đời,
ghi dấu người xa, chân chưa xóa,
vết đau ngày cũ hững hờ trôi.

Sông-Hương
***
Hối Tiếc Chi....

Tím rịm cuộc đời đến thế thôi
Bao nhiêu yêu dấu bấy nhiêu lời
Màu xưa tình tứ còn theo đuổi
Hối tiếc chi ngày lặng lẽ trôi

Nguyễn Cao Khải
***
Trả Lại Người


Anh gieo sầu muộn tím hoa rồi
Tím cả vầng mơ tím mộng tôi
Đợi bước thu về chen lối hạ
Đong sầu trao trả lại người thôi

Yên Dạ Thảo
***
Nỗi Niềm

Vầng trăng soi sáng bóng đơn côi
Loang loáng,hắt hiu một mảnh đời
Lặng lẽ sầu riêng hằn dấu cũ
Nỗi niềm trăn trở cứ buồn trôi

songquang
***
Lạnh Cung Đời

Ai đã thầm riêng phận l côi ! 
Năm canh đàn mộng lạnh cung đời. 
Có hay chăng nhỉ, phương trời cũ? 
Bóng đã nghiêng chiều mây lặng trôi! 

South Dakota, 3/2021.
Mặc Phương Tử
***
Y Đề:

Trăng cài bóng lẻ đứng đơn côi
Vẫn mảnh tình say cảnh núi đồi
Vẫn cảm niềm mơ thời khát vọng
Năm cầu tháng nguyện sẽ dần trôi

Mai Thắng

***
Cảm Tác:

Nhớ Cố Nhân

Chân trời tím ngắt cũng đành thôi
Người cũ sang ngang đã cạn lời
Khắc khoải đau lòng ta bỏ cuộc
Bâng khuâng lặng ngắm thủy triều trôi ... !

Mai Xuân Thanh


Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Thu Khát Khao...


Một tí mưa thôi khẽ nhắc người
Trăng về len lén mộng xa xôi
Đêm khuya dần khuất tình còn đợi
Thổn thức tiếng lòng nhớ chẳng vơi...

 
Một chút hương thôi đủ ngạt ngào
Chớm vàng lá chuyển gợi bên nhau
Thiết tha lưu luyến tình thu tới 
Quấn quýt chín mùa mộng khát khao!


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Vườn Đêm Thu 3/2021

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Lặng Lẽ


Hiu hắt vườn trăng một bóng côi
Sầu dâng loang tím hắt hiu đời
Vết thương hằn dấu chưa mờ xóa
Trỉu nặng gánh sầu lặng lẽ trôi


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
MùaThu 3/2021

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Mòn Mỏi

(Mẹ Già Tựa Cửa Trông Con* Waiting For Her Son By The Window - Họa Sĩ Mùi Quý Bồng)

Cảm Đề: Mòn Mỏi

Tựa cửa chờ con nắng ngã chiều
Xuân về lặng lẽ dạ buồn thiu
Con đi chinh chiến nơi ngàn dặm
Mòn mỏi mẹ già nỗi quạnh hiu

Kim Oanh


Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Thu Ái Ngại - Tình Xuân

( Ảnh: Kim Oanh)

Xướng:

Thu Ái Ngại

Xuân rón rén đi mặc ai ngơ ngẩn
Gió se về thơ thẩn với trời thu
Mảnh trăng khuya ánh vàng nhu mắc cỡ
Mộng đêm cùng gặp gỡ với tình mơ

Lá chưa đủ vàng thơ chưa kịp ép

Gom chữ tình mang chép để dành ai
Lời yêu sao ái ngại cứ cất hoài
Đừng giữ nữa đắm say hương thu nhé!

Kim Oanh
***
Họa:

Tình Xuân

Xuân chợt đến ,lòng ngơ ngơ ngẩn ngẩn!
Gió Xuân về thờ thẩn tựa hơi Thu
Lá hoa đâm chồi...xanh như hết cỡ
Hồn bỗng thèm gặp gở giữa trời mơ.

Lá đủ xanh tươi để thơ vừa ép

Gói ghém tình ,ghi chép gởi tặng ai
Câu nhớ thương ...sao cứ ngại trao hoài
Hãy mạnh dạn....cho say tình Xuân nhé!

Song Quang
(Vào Xuân 2021)


Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Đàn Đêm

(Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Hùng Dalat)

Đàn chờ trổi khúc tình xuân
Người đi xa khuất lệch cung nhạc sầu
Phím chờ lạnh buốt canh thâu
Đàn nén than thở gối nhầu mưa đêm
Đàn xưa dìu dặt tay êm
Đàn nay bặt tiếng cô miên bẽ bàng

Kim Oanh

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Khúc Sầu

Theo một bức ảnh trên Mạng-ĐànTranh Họa Sĩ Mùi Quý Bồng)

Đàn ai nức nở giữa canh thâu
Cung oán ngàn năm vọng khúc sầu
Khơi lòng sóng vỗ bờ đau
Nhịp rưng rưng khóc bể dâu dòng đời.


Kim Oanh

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Đọc Tiếc Xuân Của Kim Oanh


Tiếc Xuân

Ngập ngừng thu chạm Tường Vi
Lòng thầm tiếc đóa xuân thì úa phai
Người xa thấu ẩn tình này
Bao mùa chờ đợi năm dài nhớ nhung
Mộng sao thời khắc tương phùng
Hương Thu hòa quyện Xuân trùng mùa giao.

Kim Oanh
Đầu Thu 1/3/2021
***
Đọc Tiếc Xuân Của Kim Oanh

Đang xuân mà lại tiếc Xuân,
Hoá ra không phải chuyện tuần hoàn suôn,
Ngày đêm vẫn thay đổi luôn,
Vậy tiếc thương ấy bắt nguồn từ đâu?
Thơ người tuyệt vời làm sao,
Dụng từ, diễn ý ngụ bao ý tình,
Đọc thơ người, ta cầu xin,
Hỡi những người tình sẽ tìm được nhau,
Không kiếp này thì kiếp sau!
Chuyện người lại khiến ta đau chuyện mình.

Lê Xuân Cảnh

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Thu Ái Ngại


Xuân rón rén đi mặc ai ngơ ngẩn
Gió se về thơ thẩn với trời thu
Mảnh trăng khuya ánh vàng nhu mắc cỡ
Mộng đêm cùng gặp gỡ với tình mơ

Lá chưa đủ vàng thơ chưa kịp ép
Gom chữ tình mang chép để dành ai
Lời yêu sao ái ngại cứ cất hoài
Đừng giữ nữa đắm say hương thu nhé!


Thơ & Ảnh: Kim Oanh
Góc Thu Vườn nhà 3/2021



Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Cảm Tác: Tiếc Xuân


Tiếc Xuân

Ngập ngừng thu chạm Tường Vi
Lòng thầm tiếc đóa xuân thì úa phai
Người xa thấu ẩn tình này
Bao mùa chờ đợi năm dài nhớ nhung
Mộng sao thời khắc tương phùng
Hương Thu hòa quyện Xuân trùng mùa giao.

Kim Oanh
Đầu Thu 1/3/2021
***
Vàng màu hoa thắm tường vi
Lá xanh vẫn ủ xuân thì cho hoa
Nắng vàng hợp khúc hoan ca
Miền quê tươi đẹp dù xa vẫn gần

Mai Thắng
***
Thu Sang

Nắng vàng hôn nhẹ Tường Vi
Cỏ, cây hờn dỗi thầm thì cùng nhau
Vườn ai Cúc rộ khoe màu
Chiều nay tiễn Hạ chiều sau Thu về
Chạnh lòng nhớ đến trời quê
Mùa thay sắc lá mưa lê thê ... buồn!!!
Một người trên bến sông thương
Một nơi viễn xứ tơ vương se lòng.

Yên Dạ Thảo
***
Vẫn Xuân

Mỗi loài có một hành vi
Tạo thành duyên cách đương thì đậm, phai!
Người hay hoa dưới cõi nầy
Còn nhan sắc vẫn mong dài tơ nhung?
Dẫu cho lỗi hẹn trùng phùng
Đời Xuân cũng đến trong cùng điểm giao.

Phong Tâm 
(04.03.2021)


Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Tiếc Xuân


Ngập ngừng thu chạm Tường Vi
Lòng thầm tiếc đóa xuân thì úa phai
Người xa thấu ẩn tình này
Bao mùa chờ đợi năm dài nhớ nhung
Mộng sao thời khắc tương phùng
Hương Thu hòa quyện Xuân trùng mùa giao.


Ảnh & Thơ: Kim Oanh
Đầu Thu 1/3/2021