“Anh! Giúp em lục soạn mấy chục cuốn albums và mấy thùng ảnh này. Thấy cái gì hay, giá trị, thì giữ lại, những thứ không mấy quan trọng thì cho vào thùng và cất trên attic cho em nghe!” “Mấy ảnh trong khung thì sao?” “Chỉ trừ một số ảnh thật đẹp và có kỷ niệm thì anh để riêng ra một nơi, em sẽ soạn lại. Số còn thì anh tháo ra khỏi khung, cho tranh ảnh vào thùng và các khung vào 1 thùng khác...”
Tưởng dễ dàng xong sớm, thế nhưng ngồi miết vì hầu như mỗi tấm hình đều mang theo một kỷ niệm, một màu sắc, một nơi chốn trải qua thật xa xưa của mỗi chúng tôi khi chưa thành vợ chồng, rồi của vợ chồng con cái, của cha mẹ anh chị em, và của bạn bè xưa nay. Nhìn lại thấy thật dễ thương, thật ngây thơ, đầy cảm xúc. Tôi ngừng lại trên những tấm hình đen trắng, nay có phần nhạt nhòa theo năm tháng, tưởng nhớ đến từng mốc thời gian đã từ từ trói buộc chúng tôi lại với nhau, như những dấu ấn mang tính cách thiên định khó chối từ.
Khi tôi khoảng 13 hay 14 tuổi, Măng tôi treo một bức ảnh được đóng khung của một gia đình gồm có cha mẹ và 3 đứa con ở tường trên đầu giường ngủ của tôi. Bà cho thằng con trai út của mình biết đó là hình gia đình của OB Phan Huy Thạch gởi từ Phan Thiết tặng “Bà Vú”, vì Măng tôi là Marraine cho bà Thạch khi Ô.B làm đám cưới. Măng tôi còn cho biết Ô. Thạch là một vị quan tòa nổi tiếng thanh liêm, được nhiều người quý mến. Theo năm tháng, tôi lớn lên với tấm hình ấy, nhìn ngắm con bé bên trái hầu như mỗi đêm. Cho đến một hai năm sau, tôi bổng chỉ tay vào hình con bé ấy và buột miệng nói với Măng tôi “Con sẽ cưới đứa con gái này.” Vào hè 1966, tôi treo bằng Bac II của tôi bên cạnh bức hình gia đình OB. Thạch. Bấy giờ tôi được 18 tuổi.
Trong những tấm hình xưa tìm thấy khi lục soạn, có tấm hình gia đình Ô.B Thạch và 3 đứa con, màu úa vàng. Là bức ảnh treo trên đầu giường của tôi, để từ thuở đó tôi bắt đầu tơ tưởng đến con bé ấy. Ngoài ra, có luôn cả tấm hình rửa tội của Nàng mà trong đó tôi nhìn thấy, từ trái qua phải: linh mục Bửu Đồng, Măng tôi, cô Trần Như Quê, mẹ đỡ đầu với bé sơ sinh trên tay, Bà và Ông Thạch, Cụ Ưng Trạo. Đằng sau tấm hình có hàng chữ “Marie Madeleine, ngày 18 tháng 10, 1953. Marie Madeleine là tên thánh của Nàng.
Vào một chiều của hè 1967 trong mùa thi cuối năm APM, một buổi chiều chan hòa nắng vàng óng ánh trên sông Hương, tôi tình cờ nhìn thấy một cô bé nhỏ nhắn mặc áo đầm vàng đi dạo cùng Mẹ và các em trong công viên trước trường Đồng Khánh. Thuở ban đấu lưu luyến ấy bắt đầu thành hình nơi đây. Vài ngày sau tại nhà tôi, tim tôi đập lỗi nhịp đầy thích thú khi bất ngờ gặp chính cô bé ấy đem bánh ít mặn của Mẹ làm đến biếu “Bà Vú”, tiếng nàng gọi Măng tôi. Bấy giờ tôi liên tưởng ngay đây là nhân vật nữ trong bức ảnh năm nào của gia đình Ô.B Thạch, mà trong bao nhiêu năm qua, mỗi khi nhìn đến, tôi thường liên tưởng rằng có ngày tôi sẽ có nàng luôn bên cạnh, như một ám ảnh, một ước mơ thầm kín, một nguyện cầu vu vơ. Đứng trước mặt tôi bây giờ là một cô bé tuổi 13, thật thanh tú với ánh mắt sáng thông minh, mái tóc “mùa thu tóc ngắn”, có một giọng nói thật đặc biệt pha từ nhiều miền, kể cả miền Bắc của ông nội, hiện đang học lớp Đệ Ngũ trường ĐK.
Thì ra gia đình Nàng vừa di chuyển từ Đà Nẵng đến Huế sau khi ba Nàng đảm nhận chức vụ Chánh Án tòa án Thượng Thẩm Huế. Do sự quen biết giữa 2 gia đình, thỉnh thoảng tôi đến thăm Nàng tại nhà, tự nhiên làm quen với gia đình và chơi đùa với các em Nàng, ngoài sân trước, trong phòng khách, hay dưới nhà bếp. Nhờ đó tôi có dịp nhìn thấy nết đoan trang và sự chu đáo của nàng khi phụ giúp Mẹ săn sóc các em. Có một lần, ngồi dựa lưng trên thành cửa sổ nhỏ phòng nàng, tôi hát tặng Nàng bài Mưa Hồng vì tôi thích câu “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, do xúc động giọng của tôi xuống thấp rồi tắt, không hát tiếp được. Nàng im lặng không dám cười, nhưng tôi can đảm xin hát lại lần thứ hai.
Mậu Thân 1968 xẩy ra. Cả bức ảnh gia đình Nàng và bằng Bac II của tôi chung số phận bị mất cắp. Khi biết tin gia đình Nàng đang lánh nạn tại Dòng Chúa Cứu Thế, tôi tức tốc tìm đến thăm dù đường đi còn vắng hoe, nguy hiểm với dấu tích tàn phá và chết chóc hai bên đường… chỉ để kịp nhìn gặp Nàng vài ba phút, thăm hỏi đôi ba câu trước khi nàng vội vã quay vào với gia đình. Hình ảnh xanh gầy của nàng với đầu tóc ngắn thân thuộc trong một buổi sáng đầy gió lạnh và mây xám mãi mãi ám ảnh tôi từ dạo đó
Bẵng đi vài ba tuần hăng say phụ giúp trong bệnh viện, tôi không đến nhà Nàng dù lòng rất mong muốn. Khi tình hình an ninh Huế tốt dần, bấy giờ tôi mới đến thăm Nàng được vài lần, kể vội cho Nàng nghe một vài câu chuyện trong phòng mổ, những điều tôi học hỏi được hay những cảnh khổ của người dân bị thương tật. Bao giờ Nàng cũng chỉ im lặng ngồi nghe, hiếm khi có thêm ý kiến trong câu chuyện. Vào cuối mùa Xuân 68, đến ngày kề cận phải rời Huế vào Sài Gòn học tiếp nửa năm còn lại, tôi lấy hết can đảm viết cho nàng một lá thư không viết nháp, không soạn thảo, không nắn nót, không trau chuốc, nghĩ sao viết vậy. Đó là lá thư tỏ tình đầu đời và duy nhất của tôi. Ngang tàng, mang tính cách hài hước nhưng rất chân thật, không có giọng chìu lụy, ủy mị hay van xin.
Dĩ nhiên thư tôi không được hồi âm.
Trở về Huế trong Hè 1968 để tham dự chương trình Huấn Luyện Quân Sự Học Đường, tôi tiếp tục đến thăm và trao nàng những đoản văn, không phải thư tình, mà những bài viết của tôi bày tỏ quan điểm yêu thương đất nước, mang tính chất hào hùng của người trai, hoặc những bản dịch ra tiếng Việt từ những bài hay trong cuốn Les Grand Coeurs mà tôi rất thích khi còn học trung học chương trình Pháp. Tuy về sau tôi biết có bản dịch tiếng Việt là Những Tâm Hồn Cao Thượng, tôi vẫn không nghĩ mình đã phí công khi những bản dịch thuật của mình gián tiếp chứng minh tính cương trực và lòng khí khái nam nhi của tôi. Nhưng ở Nàng vẫn là một im lặng… đáng sợ!
Sau Hè 1968, tôi lại rời Huế vào Sài Gòn học tiếp năm thứ Hai YK. Nhân Tết năm 1969, về Huế thăm nhà, Măng tôi cho biết gia đình Nàng sẽ rời Huế trong vài ngày sau Tết vì Ba nàng nhận nhiệm sở mới ở Nha Trang. Tôi suy nghĩ và quyết định không đến chào thăm, nói lời tạm biệt với nàng, dù ngậm ngùi cảm giác cuộc tình đang xa dần. Tôi quyết định chờ đợi, cho mình chín chắn hơn. Cho một thời cơ thuận tiện tốt đẹp. Hay để cho nàng lớn thêm hơn vài tuổi!?
Vào khoảng tháng 10, 1969, Măng tôi bất ngờ gặp ba Nàng tại phi trường Nha Trang khi Măng tôi đổi chuyến bay từ Huế đến thăm nuôi chị tôi sinh con đầu lòng tại Pleiku. Trong câu chuyện trao đổi, Măng tôi có nói với ba Nàng “Nhớ để dành cho tôi một đứa”. Tôi ghi nhớ lời kể của Măng tôi khi Bà trở về lại nhà, nhưng không biết thật hư ra sao cho đến khi nhìn thấy tấm hình cũ của hơn 50 năm trước với Ba Nàng và Măng tôi đứng nói chuyện tại sân bay.
Tôi và nàng vẫn kẻ ở Huế, người Nha Trang. Không một thư từ, không một trao đổi liên lạc. Tôi lần lượt lên lớp cao dần ở trường YK và gián tiếp theo dõi tin tức Nàng ở những năm cuối trung học. Sau gần 3 năm xa cách Nàng, tôi tự hỏi mình nhiều lần, đây có phải là tình yêu? Người ta thường nói cách mặt xa lòng! Tưởng tình yêu đơn phương âm thầm tan biến theo thời gian, thế nhưng nó vẫn còn đó, như những cơn gió lao xao chợt đến. Như những tiếng gọi âm thầm không chờ đón. Là những cơn mưa nhẹ đem đến một thoáng mát, một thoáng nhớ, một thoáng ray rứt không nguôi. Khi trốn sầu trong cơn rượu thì sầu lại đến trong cơn say. Khi nhắp một ngụm cà phê đắng để trốn chạy thì tiếng vọng tình yêu càng thôi thúc trong đêm khuya. Bao nhung nhớ huyền ảo, bao rung động bất chợt, cứ phải dấu kín trong lòng.
Tình tôi không nhận thêm nuôi dưỡng nào ngoại trừ những bập bùng sầu nhớ trong tâm cang, những kỷ niệm khắc ghi, những vương vấn không dứt và những hoài bão?! Trong tôi, càng muốn quên thì lại càng quay quắt nhớ. Càng muốn chôn vùi kỷ niệm hiếm quý bên Nàng thì hình bóng Nàng càng khắc ghi sâu đậm. Càng xa vắng Nàng lại càng nhận hiểu trái tim tôi chỉ biết ghi nhớ một hình bóng Nàng. Thế mới biết “Tình có nghĩa gì đâu - Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?” Thế mới biết “Yêu là mộng mơ- Yêu là sầu nhớ”!
Cái sợ của tôi là ở Nàng không còn giữ chút hình ảnh nào của tôi! Ngay cả cái tên cũng có thể quên đi! Còn tôi, lại không thể buông xuôi, đầu hàng khi chưa thật sự dấn thân tranh đấu. Càng lại không thể để định mệnh dễ dàng quyết định số phận mình. Không lẽ chỉ có một thời để thương, để nhớ để yêu rồi mãi mãi xa nhau, mất nhau sao?! Không lẽ để một chuyện tình đẹp dễ dàng chết non?! Dù không một tin tức trực tiếp của Nàng, tôi vẫn quyết định tìm đến thăm Nàng vào mùa Xuân 1972 khi Nàng đang học năm thứ Nhất tại phân khoa Chính Trị Kinh Doanh ở Viện ĐH Đà Lạt.
Tôi đến Đà Lạt trong tư cách một cộng sự viên của Sinh Viên Vụ quay phim chụp hình cho phái đoàn SV Viện Đại Học Huế tham dự Đại Hội Thể Thao Liên Viện do ĐH Đà Lạt đứng ra tổ chức vào tháng 3, 1972. Đến nơi, tôi trao hết đồ nghề cho một bạn khác, và trong suốt 3 ngày liên tục của Đại Hội, tôi không làm gì khác hơn ngoài việc tìm thăm Nàng, người tôi yêu và đeo đuổi trong nhiều năm qua, từ Huế vào đến Nha Trang và nay Đà Lạt. Sáng tôi đón Nàng ở Kiêm Ái, chiều tôi trả Nàng về lại cư xá. Nàng và tôi đã đi bộ qua bao con đường quanh thị xã, cùng ngồi chuyện trò ở sân Cù trong nắng ban mai, ngắm Hồ Xuân Hương, dạo phố Hòa Bình, đưa nhau đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối…Với tôi, đó là 3 ngày hạnh phúc nhất trong quãng đời, dù ngắn ngủi, nhưng đã ghi sâu trong tim tôi những kỷ niệm đậm đà không hề phai. Trong lá thư duy nhất gởi tôi khoảng 2 tuần sau khi tôi về lại nhà, Nàng viết “Anh Chánh ơi, hãy trân quý và giữ lấy tình yêu của anh. Nhưng anh cũng phải biết, yêu không cần phải được yêu trả lại mới thật sự là yêu…” Măng tôi cảm nhận sự đau đớn của con trai mình khi nhìn thấy sự lặng lờ của tôi trong những ngày sau đó. Ba ngày le lói bên Nàng tại Đà Lạt, để bù lại, thêm một lần nữa, tôi phải trả đắt giá cho một thời gian “bonjour tristesse” dài trong 3 năm kế tiếp, để khi ở nơi xa, tôi chỉ cầu mong Nàng trong những “đêm mai cô đơn đi về, xin người hãy nhớ tình tôi.”
Trong tình cảnh đáng ngại chính trị và quân sự của Miền Nam VN, và hằng mang nặng một khối tình si câm nín trong lòng, tôi tốt nghiệp YK Huế tháng 6, 1973, sau 7 năm miệt mài với sách vở, luôn mang trong lòng một bầu nhiệt huyết với đất nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ nơi đâu, bất cứ trong vị trí nào khi đất nước kêu gọi. Song song với giấc mơ dài của trai thời loạn, tôi vẫn giữ kín cho mình niềm mơ ước có ngày tôi sẽ trùng phùng với Nàng, người tôi vẫn tiếp tục mãi mãi yêu thương và nhung nhớ, dù cho Nàng ở xa ngoài tầm với, như một thôi thúc diệu kỳ và mãnh liệt không dứt trong tâm tưởng.
Sau khi thi đậu lâm sàng và do nhu cầu cần in tập Luận Án cho kịp trình vào tháng 12 cuối năm, tôi quyết định làm một cuộc hành trình bằng đường bộ từ Đà Nẵng vào Sài Gòn sau khi dò hỏi biết xe chở khách sẽ dừng đêm tại Nha Trang. Từ bến xe khách Nha Trang, và sau khi gởi nhờ một bà ngồi gần tôi trong cùng chuyến xe giữ giùm xách tay, tôi leo lên xe honda ôm nhờ chở thẳng đến số 4 đường Hoàng Hoa Thám, dinh thự Tòa Đặc Ủy Giám Sát Quân Khu 2, là cơ sở làm việc của ba nàng và là chỗ gia đình Nàng cư ngụ. Khi xe đến nơi, bỗng nhiên tôi khựng lại, tự hỏi không biết cửa nhà có mở chào đón tôi, cuộc gặp gỡ có đầm ấm hay gượng gạo khách sáo. Tôi bỏ hẳn ý định vào thăm Nàng như từng rộn ràng lên kế hoạch trước chuyến đi đường bộ. Cái gì đã khiến tôi thay đổi vào phút chót? Mất tự tin?? Thời cơ chưa thuận tiện?? Con người tôi chưa đủ phong độ?? Con đường trước mắt tôi còn quá dài, sự nghiệp tôi còn quá khiêm nhường?? Sau khi xe ôm chạy thêm vài vòng qua lại trước nhà Nàng, tôi quay trở về bến xe, thuê chiếc ghế bố ngủ qua đêm. Một đêm trằn trọc, ray rứt cho đến tận sáng. Để cuối cùng tôi nhận thấy quyết định vừa qua của mình chính đáng và đầy tự trọng…
Tôi trình diện nhập ngũ tháng Giêng 1974 tại trường Quân Y và theo học khóa hành chánh quân y cùng với 160 bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ thuộc khóa 16 Trưng Tập YND. Ngày tốt nghiệp vào cuối tháng 5, 1974, không một do dự tôi chọn phục vụ Quân Y Nhảy Dù, ngay liền sau bạn chí thân của tôi Bùi Cao Đẳng, đậu thứ 11 trong khóa, là người đầu tiên chọn QYND. Toàn thể nhóm vừa chọn gia nhập QYND gồm 7 bác sĩ, 1 nha sĩ và 1 dược sĩ, được cả khóa 16 Trưng Tập lần lượt đứng lên vỗ tay liên tục vang dậy cả phòng họp.
Trở về nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, tôi báo cho Măng biết tôi tình nguyện vào Nhảy Dù. Măng tôi la hoảng lên, lo lắng thấy rõ. “Răng mà chọn đi ND nguy hiểm rứa! Không sợ chết à?! Gia đình nuôi con ăn học ra tới bác sĩ mà không biết suy nghĩ thương lại Măng và các anh chị!..” Tôi liền trình bày sự hiểu biết của mình về binh chủng ND cho Măng tôi nghe… Mặc tôi giải thích, Măng tôi vẫn nhất quyết cho người kêu các bà chị của tôi đến nhà để bàn chuyện, ý muốn tìm cách thay đổi đơn vị cho thằng con trai út bằng cách nhờ cậy các nơi quen biết.
Đến nước đó, tôi cương quyết giữ vững lập trường của mình, cho biết tôi dứt khoát muốn trở thành một BS. Nhảy Dù, rằng tôi muốn tự thực hiện một thay đổi quan trọng cho đời mình, quyết chí cho mình một ý thức mới trong cuộc sống sắt đá oai hùng của một chàng trai đúng nghĩa của thời chiến, sẵn sàng dấn thân vào chốn nguy hiểm để xem mình có thể quên được người con gái hằng đeo đuổi và mãi thương nhớ trong nhiều năm qua. Xót xa cho thằng em mình, các chị tôi bênh vực tôi và cuối cùng Măng tôi đành miễn cưỡng chấp nhận.
Sau 5-6 tuần tôi luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù, và sau khi nhận bằng và huy hiệu bằng Nhảy Dù gắn trên túi áo trận bên phải, tôi chính thức trở thành một người lính Nhảy Dù. Một Y Sĩ Nhảy Dù. Một Thiên Thần Mũ Đỏ. Tôi hãnh diện nhận biết mình cũng có sức chịu đựng, có tự tin và khả năng sống sót như bao người lính Dù khác, khi cần. Tinh thần ấy thể hiện qua khẩu hiệu “Nhảy Dù- Cố Gắng”. Nhảy Dù - Cố Gắng đã giúp người lính Dù vượt qua sợ hãi phóng mình ra khỏi cửa phi cơ, tung mình vào trận chiến, quên đi muôn vàn khó khăn khổ nhọc trên bước tiến quân. 4 chữ Nhảy Dù - Cố Gắng, tuy đơn giản, nhưng khi được hét vang từ một tiểu đội lính Dù, từ một Đại Đội tác chiến, từ một Tiểu Đoàn Dù, trở thành một sức mạnh tập thể giúp đơn vị hoàn tất nhiệm vụ được giao phó trong hoàn cảnh gay go nhất, nguy hiểm nhất của địa ngục trần gian, đòi hỏi quyết tâm, quả cảm và hy sinh tối đa. Để xung phong thẳng vào vị trí địch. Để không lùi một bước trước quân thù. Để tử thủ cho đến phút cuối cùng. Để giữ vững vị trí ngay cả trong giờ thứ 25. Để đơn vị không bị over run. Không do dự khi cần gọi pháo bắn nổ chụp trên đầu mình. Cho dù bị thương tích. Cho dù chỉ còn một người. Với một lưỡi lê. Một trái lựu đạn.
Sau hơn 6 tháng làm y sĩ trưởng cho Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù trong suốt trận chiến Thường Đức Đại Lộc và Đồi 1062 kể từ tháng 7, 1974, tôi được thuyên chuyển từ mặt trận thẳng về Sài Gòn trong một ngày trước Tết 1975, trong chức vụ mới: y sĩ trưởng cho Tiểu Đoàn 15 Nhảy Dù Tân Lập, thuộc Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù Tân Lập. Do nhu cầu bảo vệ Thủ Đô, Lữ Đoàn 4 ND được thành lập vào đầu năm 1975. Trở về Sài Gòn là một cơ may vô cùng quý báu Trời ban thưởng, giúp tôi gặp lại người tôi yêu sau khi gia đình Nàng di chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn từ hơn nửa năm trước, điều mà Măng tôi không biết cho đến gần đây.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Phú, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ15 ND, nguyên TĐ Phó TĐ1 ND khi tôi còn tại đơn vị này và 2 chúng tôi đã có những giao hảo rất tốt đẹp, thường làm ngơ cho tôi vài ba giờ những khi tôi ghé về nhà thăm Măng tôi trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, cũng như thông cảm cho tôi khi tôi rời trại quân vào buổi chiều, nhảy lên xe ôm đến thẳng nhà Nàng, nhất là sau khi nghe tôi kể về cuộc tình 9 năm trời lận đận dang dở và ước muốn hàn gắn nối lại mối tình đầu đời của tôi. Người tôi yêu bấy giờ đang học năm cuối của khoa Chính Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Đà Lạt.
Vào chiều Mồng Một Tết, hiên ngang trong bộ đồ hoa dù mũ đỏ, dạn dày phong sương trong phong thái và chững chạc trong phong cách, hạnh phúc dồn dập đến với tôi khi tôi gặp lại Nàng tại nhà, sau gần 3 năm xa cách, kể từ tháng 3 năm 1972 tại Đà Lạt. Sau đó tôi tiếp tục ráo riết chinh phục Nàng qua những lá thư đậm đà tình thương nhớ viết từ trại quân hay trong khi đi hành quân, hoặc qua những dịp thăm viếng Nàng tại nhà, trổ tài miệng lưỡi chiếm được cảm tình của gia đình họ hàng. Mối tình của tôi từ từ chuyển hướng thuận lợi. Trong bối cảnh chao đảo của chiến sự, càng ngày chúng tôi càng cảm thấy gần gũi sâu đậm hơn. Các chị tôi, các bà con phía Nàng đều thương mến chúng tôi, và qua hình ảnh của “Em là gái trong song cửa, Anh là mây bốn phương trời” thường nhìn chúng tôi với đôi chút ngưỡng mộ
Mùa Xuân 1975 là một mùa xuân đầy thảm họa cho đất nước. Nhưng riêng với Nàng và tôi, đây là một mùa Xuân tràn ngập yêu đương khi cuộc tình sử của tôi từ từ thăng hoa theo thời gian còn lại của cuối cuộc chiến. Có thể Nàng cũng thấm mệt vì sự đeo đuổi dai dẳng mang nặng chất “Nhảy Dù - Cố Gắng” của tôi trong suốt 9 năm trường. Có thể Nàng thấy tôi biến đổi thành một con người khác, không là một bạch diện thư sinh như xưa mà một chàng trai phong trần, hiên ngang và tự tin. Cũng có thể Nàng tội nghiệp tôi khi nhìn thấy những bụi đường và cây cỏ còn sót trên bộ áo trận chưa kịp thay khi tôi đi từ nơi đóng quân đến thẳng nhà Nàng. Hay vì Nàng ngỡ ngàng thấy một khoảng dơ bám trên tường trắng sau khi tôi tạm tựa đầu mình vào trong một cơn ngủ bất chợt đến, hoặc khi chiếc khăn ướt Nàng đưa tôi lau mặt trở nên đen thui cáu bẩn. Cũng có thể cha Nàng e dè nghĩ tôi đưa sính lễ khi tôi nhờ ông giữ giùm dây ba chạc gồm có khẩu súng Colt, lựu đạn mini, dao găm, địa bàn, biđông nước… trong những dịp đến nhà đưa con gái ông đi chơi. Mãi sau này, Nàng mới hé mở “Khi còn nhỏ, thấy lính mặc đồ rằn ri là em sợ lắm. Nhưng anh mặc đồ ND với nón Beret đỏ, thì em lại mê. May cho anh đó…” Trước ngày vào trận đánh một đơn vị lớn du kích VC gần Tây Ninh, Nàng kín đáo trao tặng tôi chiếc yếm màu lục cẩm thạch đang mặc. Ngay trước mặt Nàng, tôi nhét cái yếm ấy vào túi áo trận bên trái, ngay trước tim. Và trong lá thư từ hành quân sau đó nhờ y tá hậu cứ mang đến cho Nàng, tôi có viết “Ngày mai tiểu đoàn anh dàn hàng ngang tấn công thẳng vào vị trí địch, nếu đạn bắn trúng cái yếm em tặng thì nó cũng sẽ xuyên qua tim anh và sẽ nhuộm màu máu anh trên cái yếm em trao”. Về sau tôi nghe kể lại, khi đọc lá thư ấy, Nàng thì vẫn dửng dưng, nhưng ba Nàng thì thật cảm động và lo lắng ra mặt.
Sau trận đánh đó, TĐ15 ND nhận lệnh lui về đóng quân tạm ở vùng Hóc Môn Bà Điểm. Khi Th. Tá Phú và tôi đi tìm gặp nói chuyện với vị Giám Đốc của hãng dệt Công Thành ngỏ lời cho bộ chỉ huy TĐ15 ND đóng tại hãng dệt, một ngạc nhiên đầy thú vị xẩy ra khi ông Giám Đốc buộc miệng hỏi tôi “có phải đây là anh Chánh, con rể ông Thạch không?” Tôi ngất ngây trả lời “dạ đúng” cùng lúc nhận ra Chú Ngưng, chồng của Dì ruột nàng ở Thủ Đức mà tôi có dịp gặp trước đây.
Ngày hôm sau, trong sự bất ngờ hạnh phúc chưa từng có của tôi, Chú Ngưng chở nàng cùng em gái đến thăm tôi ngay tại bộ chỉ huy TĐ. Khi ngồi ăn trưa với bữa cơm dã chiến, nàng có vẻ “thấm” cái đời sống phong trần lính chiến của tôi, và đã e thẹn cười khi Th. Tá Phú nói chọc “Bác Sĩ nhỏ con, người yêu BS còn nhỏ con hơn, chắc hai người sẽ đẻ ra những thằn lằn con nhỏ chút xíu!”. Nàng ra về để lại bao ngẩn ngơ và bình yên trong lòng tôi. Vài ngày sau đó, TĐ15 ND di chuyển trong đêm đến cầu Bình Triệu, Gia Định với nhiệm vụ ngăn chặn con đường tiến quân của CS từ phía xa lộ Đại Hàn.
Trong 2 ngày cuối tháng 4, 1975, Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù Tân Lập đánh trận cuối tại Sài Gòn và vòng đai. TĐ15 ND của tôi đành buông súng tại cầu Bình Triệu vào trưa ngày 30 tháng 4. Th. Tá Phú chở tôi trên xe jeep đến tòa tỉnh Gia Định. Nhìn xung quanh, tôi thấy cả trăm người dân chạy hỗn độn trong sân, tranh giành vác những bao gạo từ trong toà tỉnh. Th. Tá Phú nhảy xuống xe, nói nhẹ với tôi “Bác sĩ đi đi!”, rồi ông xoay người, thẳng lưng tiến vào phía bên trong tòa tỉnh với toán binh sĩ của ông. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy T.Tá Phú tại Việt Nam. Và đó cũng là lần tôi vĩnh viễn rời TĐ15 ND. Tôi cúi đầu, trong nghẹn ngào. Sững sờ, trong đê hèn. Bàng hoàng, trong đau đớn. Muốn gào thét nhưng miệng khô đắng. Muốn khóc nhưng mắt khô vì tủi nhục. Còn cái chết?! Tôi chưa một lần nghĩ đến.
Đang đứng ngơ ngác không biết phải làm gì bỗng một người đàn ông bước ngang bên cạnh tôi nói liền “ông cổi bỏ súng xuống và thay đồ nhanh lên”. Như cái máy, tôi vội chạy đến gần gốc cây lớn. Nhưng sực nhớ, tôi chẳng có bộ áo quần dân sự nào trong ba lô. Vừa lúc ấy, có một thanh niên chạy ngang với bao gạo trên vai. Tôi chận anh ta lại và xin bộ áo quần anh đang mặc trên người, cùng lúc tôi lục ví đưa tờ 500 đồng cho anh. Không một chút do dự, anh ta thả bao gạo xuống đất, rồi vừa nhìn tôi như thông cảm anh ta cởi áo quần dài đưa cho tôi, cho luôn cả đôi dép nhật nữa…
Tôi cởi áo giáp, dây ba chạc có súng, nón sắt, rồi nhanh chóng cởi đôi giày lính và bộ quân phục, gom xếp lại để vào dưới gốc cây. Rồi tôi mặc cái áo màu xanh da trời nhớp nhúa và xỏ cái quần đậm màu, đi nhanh ra phía đường lớn đón chiếc xe ôm, bảo chở về đường Cao Thắng ở Sài Gòn. Nhà nàng.
Xe ôm chở tôi đi qua nhiều đoạn đường vắng, mọi nhà đóng cửa. Đây đó là những đống áo quần trận, nón sắt, áo giáp và súng đạn rải rác bên vệ đường. Có những đoạn đường người đi lại khá đông hay tụ tập hai bên đường, và có những chiếc xe chở đầy người với mặt mày sắt máu, hô to khẩu hiệu và phất cờ MTGPMN… Cũng những con đường ấy tôi thường chạy qua lại, mà sao bây giờ bỗng trở thành xa lạ, mờ ảo như trong một cõi âm. Những âm thanh la hét, còi xe lùng bùng trong tai tôi. Mắt tôi thấy mọi hình ảnh bên ngoài, nhưng chẳng thấu hiểu; lòng tôi như tê dại, chẳng thể suy nghĩ gì. Nhớ đến người thương binh tự vận chết sáng nay tại bộ chỉ huy TĐ, tôi ngước nhìn lên trời. Một màu tang tóc đang chụp xuống thành phố thân yêu.
Xe vào đường Cao Thắng. Nàng là người đầu tiên từ trên balcon nhìn thấy tôi bước xuống xe ôm. Nàng và các em chạy nhanh xuống mở cổng đón tôi vào. Khi đến thang lầu, tôi phải vịn vào vai Nàng để bước lên từng bước. Cơ thể tôi rã rời và tinh thần khủng hoảng, tôi thật chẳng hiểu vì sao mình lại về được đến nhà an toàn.
Hầu như mọi người đều thông cảm và tôn trọng sự yên lặng của ba nàng và của tôi. Chiều đến, tôi đạp xe về nhà Măng tôi ở cư xá Sĩ Quan Chí Hòa cho bà cụ yên tâm, rồi tôi chở Măng tôi đến nhà nàng xin ba mẹ nàng cho phép tôi ở tạm nơi đây, vì cư xá Sĩ Quan Chí Hoà quá nguy hiểm.
Tối ngày 30 tháng 4, Nàng và tôi ngồi ở balcon nói chuyện với nhau đến thật khuya. Trước đây, trong một lá thư gởi cho nàng, tôi có viết “anh xin làm bóng mát trên con đường em đi”. Giờ đây, với sự đổi đời, tương lai tôi mù mịt, viễn ảnh những năm tháng sắp tới là chuỗi ngày đen tối, đọa đày và tôi e ngại tôi chẳng còn khả năng làm bóng mát cho em. Nàng ngồi nghe tôi nói nhiều hơn trả lời. Vì có lẽ câu trả lời đã được quyết định tự lúc nào.
Em yêu dấu, sau ngày đôi cánh thiên thần của tôi sụp gẫy, em can đảm dang rộng đôi tay cứu vớt đời tôi khi quyết định thành vợ thành chồng với tôi trong một đám cưới quá đơn giản ở nhà nguyện nhỏ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng. Chỉ 3 ngày sau khi mất nước, lễ cưới được Cha Laroche của Dồng Chúa Cứu Thế chủ hôn. Với chúng tôi, đây là “đám cưới chạy tang khi mất nước”, diễn ra trong đạm bạc, cô dâu không áo cưới. Hình ảnh kỷ niệm chỉ có hai tấm hình đen trắng. Sau đó với tôi là mấy năm đi tù cải tạo, rồi đi tù vượt biên. Em cùng tôi chắt chiu hạnh phúc trong cơn lốc đổi đời, đã cùng tôi vượt qua bao thử thách gian khó cùng cạm bẫy để có nhau và mãi mãi bên nhau. Cho đến khi chúng ta đến bến bờ tự do. Vòng tay em tuy nhỏ, nhưng cái ôm choàng cứng chặt và bền bỉ hơn cả cánh dù tôi hằng mơ ước.
Giờ đây, nhờ lục soạn những tấm ảnh xưa cũ, nhờ nối kết với những dữ kiện gom góp qua trí nhớ đối chiếu của cả 2 đứa, chúng tôi nhận thấy mình thật sự có duyên tiền định. Thật khó giải thích sự diệu kỳ các diễn tiến phù hợp với suy luận trên. Như trong 2 tấm hình kèm đây. Tấm đầu tiên cho thấy tôi ngồi bên góc phải trên thành cầu của thác Prenn, chụp vào tháng 7, năm 1971 trong một chuyến đến thăm Đà Lạt với các đàn anh YK Huế. Tấm ảnh kế bên của Nàng, cũng ngồi ở góc bên phải trên thành cầu thác Prenn, bên cạnh Mẹ, chụp vào khoảng tháng 8, 1971 khi Nàng được cha mẹ đưa từ Nha Trang lên nhập học năm học đầu tiên tại phân khoa CTKD tại Viện Đại Học Đà Lạt. Như vậy không là tiền định thì còn gì hơn nữa!?
Tôi bền bỉ chạy theo tiếng gọi của con tim nhưng không hoàn toàn mê muội để bỏ bê học vấn. Tôi chiến đấu với chính mình, tôi vừa thách thức vừa phớt lờ khoảng thời gian và không gian cách trở. Tôi vừa bấp chấp vừa chấp nhận sự thua thiệt trong chạy đua. Sự đau khổ tuyệt vọng giúp tôi khiêm tốn. Sự thất bại cho tôi thêm kinh nghiệm và ý chí. Thất tình giúp tôi thêm kiên nhẫn và bền chí, nhất là giúp cho tôi biết chờ đợi cơ hội thuận tiện. Để cuối cùng, không ít thì nhiều, áo hoa dù mũ đỏ cùng phong cách hiên ngang tự tin của một người trai trong khói lửa đã làm Nàng xiêu lòng và cảm nhận tấm lòng thành của tôi. Tình yêu của tôi đã được đáp trả. Tôi hãnh diện thấm hiểu câu viết nổi tiếng của Corneille “À vaincre sans peril, on triomphe sans gloire”. Giờ đây tôi có tình yêu. Trong tình yêu phải có đam mê. Và tôi có cả hai. Ước mơ năm xưa nay là hiện thực. Tôi là người hạnh phúc nhất trần gian.
Hai chúng tôi cảm thấy gắn bó với nhau nhiều hơn theo thời gian. Hạnh phúc dễ tìm thấy đơn giản khi mỗi sáng thức giấc còn bên nhau, nắm tay nhau lúc đi dạo bên bờ hồ, tối trên giường bên cạnh nhau, nồng nàn êm ấm, yên lành nghe tiếng thở của nhau, với da thịt quen thuộc. Tuy nhãn quan kém dần, tay chân có quờ quạng hơn xưa, bước đi kém mạnh và bớt nhanh, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn để nhìn cuộc đời rõ hơn. Để biết nếu trong đời có những thăng hoa thì cũng có những buồn tủi thất vọng. Nếu có những cạm bẫy ma quỷ thì cũng có những tha thứ bù đắp, có những hư hao nhưng không là mất mát, những bi quan nhưng không vô vọng. Có những thử thách nhưng không là những cơn bão dữ, những bất ngờ đáng tiếc nhưng không là những tàn phá vĩnh viễn. Vì vậy cảm thông và tha thứ là căn bản trong tình yêu thương vợ chồng. Nếu duyên tơ hồng là do trời định, thì sự bồi đắp cho một hạnh phúc lâu bền là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng. Hai chúng tôi đều biết điều đó, quyết chí sẽ sống bên nhau cho đến trăm tuổi. Với cuộc tình mãi xanh như thuở ban đầu trong mùa xuân bất tận.
Em yêu dấu, bài viết này là thư tỏ tình thứ hai của tôi. Sau 45 năm bên nhau. Ở tuổi thất thập cổ lai hi, bài viết mang ý nghĩa trang trọng hơn một buổi tiệc hấp hôn dù với cả trăm khách mời. Nó có giá trị hơn hẳn tấm plaque màu đỏ mang dòng chữ mạ vàng Happy 25th Anniversary mà các em đã thân yêu tặng cho anh chị năm 2000. Nó tuyệt đẹp hơn cả trăm bó hoa chúc phúc tình mình. Bài viết này đủ để được trân quý đóng khung vĩnh viễn trong ký ức chúng minh.
Vì cuối cùng, sau tất cả, tôi vẫn có em, bên cạnh tôi. Quả là một ơn phước nhiệm mầu!
Viết cho TSYS
Vĩnh Chánh,
Mission Viejo, CA
Ngày 6 tháng 11, 2020