Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Ký Viễn 寄遠 - Lý Bạch

(Bát Sách viết tặng Ông Cò nhân ngày giỗ 30/01 của Bà Cò)

Hôm nay là ngày 11 tháng giêng tây, năm 2022. Sáng thức dậy, nhìn ra vườn, thấy tuyết phủ trắng xoá, thật sạch sẽ, vì mọi thứ tạp nhạp còn sót lại từ mùa thu đã được che kín. Ánh nắng vàng rực rỡ, trời trong xanh, thấp thoáng vài đám mây trắng lững lờ… trông thì đẹp lắm, nhưng lúc đó ở bên ngoài là -240C, thêm gió nữa là người đi bộ có cảm giác tương đương với -360C. Với cái lạnh như vậy, nếu không vì việc gì cần thiết thì chẳng ai muốn ra đường. BS ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa nóng, vừa nhìn ra vườn, vừa nghe nhạc. Chợt nghe lại bản Tóc Xưa của Ngô Thụy Miên, do Bằng Kiều hát.

Nguồn gốc bài hát này là một chuyện thật buồn:

Vào khoảng đầu thập niên 2010, một đồng nghiệp của BS là bác sĩ Dương Văn Thiệt, định cư ở Anh quốc, đã gặp cảnh không may là mất đi người bạn đời đầu gối, tay ấp trong bao nhiêu năm trời. Nỗi nhớ thương tha thiết của anh lúc nào cũng vời vợi trong lòng, nhưng anh chỉ âm thầm chịu đựng, cho đến một buổi sáng kia, khi vừa mơ màng thức giấc thì thấy một sợi tóc của chị vương trên gối.

Anh bồi hồi xúc động, làm bài thơ TÓC XƯA, mà quý vị đã nghe qua giọng hát của Bằng Kiều. BS thích hai đoạn này nhất:

Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm bên gối, sợi bay ra vườn,
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê...
......
Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước bạc mầu hôm nay,
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa.

Anh Thiệt gửi bài thơ cho một người bạn là bác sĩ Lê Văn Thu. Vì quen thân với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, anh Thu nhờ ông này phổ nhạc. Đọc bài thơ, ông Miên xúc động vô cùng, cảm thông với tác giả, nên chỉ vài ngày sau là cho ra đời một nhạc phẩm tuyệt vời…

Bát Sách biết nhiều người không may bị hoá vợ, bạn bè hoặc đồng nghiệp:

* Có người chụp hình mình đang khóc trước mộ vợ, đưa lên diễn đàn, rồi ít lâu sau lại gửi hình chụp chung với người yêu mới...
* Có người, sau đám tang vợ, đi đâu, kể cả đi ăn, cũng mang theo hũ tro cốt... vậy mà chỉ ít lâu sau là con tim đã vui trở lại…

Đó là chuyện thường tình… Người xưa cũng vậy thôi. Khi BS chưa biết gì, có bà Tương Phố, ông Đông Hồ đã làm thơ khóc chồng và khóc vợ, nhưng rồi cả 2, người tái giá, kẻ tục huyền, nên báo Phong Hoá có đăng bài thơ diễu, theo lời kể của gia mẫu:

Giọt châu Tương Phố, giọt lệ Đông Hồ,
Như mưa như gió, thế rồi cũng khô.
Thời gian biến đổi hư vô,
Đá vàng cũng nát, huống hồ nhân tâm,
Hồ Đông đã nối cung cầm,
Sông Tương cũng bắc độ dăm nhịp cầu.

Nhưng có vài người mà BS rất ngưỡng mộ, vì họ không giống thiên hạ, là anh Dương Văn Thiệt, anh NTK, một đồng nghiệp trẻ của BS ở Montréal, và ÔC Nguyễn Văn Bảo, đàn chủ nhóm LTCD 21 của chúng mình.

BS phải nói lòng vòng như vậy, cốt để viết bài này tặng ÔC, nhân ngày giỗ 30/01 của Bà Cò sắp tới…và BS chọn bài Ký Viễn của Lý Bạch.

寄遠                          Ký Viễn 

美人在時花滿堂, Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường,
美人去後餘空床。 Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng,
床中繡被卷不寢, Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
至今三載聞餘香。 Chí kim tam tải văn dư hương,
香亦竟不滅,         Hương diệc cánh bất diệt,
人亦竟不來。         Nhân diệc cánh bất lai,
相思黃葉落,         Tương tư hoàng diệp tận,
白露濕青苔。         Bạch lộ thấp thanh đài.

Ghi chú:

- Ký là gửi.
- Tú là thêu, nhiều mầu, hoa lệ, đẹp đẽ.
- Bị là cái chăn, áo ngủ.
- Quyển là xếp lại.
- Tẩm là ngủ.
- Diệc là cuối cùng, rốt cuộc.
- Diệt là hết.
- Lộ là sương, móc.
- Thấp là ướt, thấm nước.
- Đài là rêu.

Nếu viết ra văn xuôi thì bài thơ sẽ như sau đây:

Khi người đẹp còn thì hoa đầy nhà,
Sau khi người đẹp ra đi thì chỉ còn chiếc giường không,
Trong giường, tấm chăn thêu cuộn lại, không ai nằm,
Tới nay đã ba năm rồi mà còn nghe mùi hương thừa..
Cuối cùng thì hương cũng không tan, người cũng không tới,
Thương nhớ nhau, lá vàng rụng hết, sương trắng làm ướt rêu xanh.
Chữ VĂN trong văn dư hương, sao giống Việt Nam quá, vì mình cũng hay nói NGHE mùi, thay vì ngửi mùi. Những câu thơ trong bài đều nói lên nỗi nhớ thương tha thiết, nhất là 2 câu cuối, với cảnh buồn của mùa thu, lá vàng rụng hết, sương trắng phủ rêu xanh…Đó là dùng cảnh buồn mà tả nỗi lòng.
Theo ý của bài thơ, thì người đẹp bỏ Lý mà đi, nàng không chết.
Thi Viện cho rằng bài thơ được làm vào năm 734.

Theo tiểu sử thì Lý sinh năm 701, kết hôn với cháu gái tướng công họ Hứa năm 726, khi làm bài thơ năm 734, thì nàng bỏ đi đã 3 năm, tức là 731, vậy thì Lý và Hứa đã sống với nhau được 5 năm (731 trừ 726). Lý có 4 đời vợ, nhưng BS không biết bà họ Hứa là thứ mấy?

Tặng ÔC bài này thì không hoàn toàn thích hợp, vì nàng họ Hứa bỏ Lý mà đi, còn bà Cò thì về miền tiên cảnh, nhưng BS không tìm ra bài nào vừa hay vừa diễn tả được nỗi lòng người ở lại như Ký Viễn. Thôi thì bỏ đi hay ra đi vĩnh viễn đều là xa nhau cả, niềm đau nỗi khổ cũng tương tự mà thôi….

Đây là bài dịch cũ của BS:

Gửi Nơi Xa

Người đẹp còn đây, hoa ngập phòng,
Người đẹp đi rồi, giường bỏ không,
Trên giường chăn cuộn không ai ngủ,
Ba năm còn thoảng chút hương nồng,
Hương không bay đi hết,
Người cũng chẳng trở về,
Tương tư lá vàng rụng,
Sương ẩm rêu não nề.

Bài này theo đúng âm điệu của nguyên tác, nhưng BS thấy nó không có vẻ Việt Nam, nên chưa ưng ý. Bèn theo cách của Yên Nhiên, dịch thoát theo thể lục bát, và đổi cái tựa đề:

Tình Xa

Có em hoa nở đầy nhà,
Em đi, giường trống, mình ta ngậm ngùi,
Trên giường, chăn gấm cuộn rồi,
Ba năm còn thấy quyện mùi hương xưa,
Đâu đây nghe thoảng hương thừa,
Mà người đẹp biết bây giờ nơi nao?
Tương tư, rụng hết lá đào,
Rêu xanh, sương trắng gợi bao nỗi niềm.

Bát Sách.
***
Gửi Người Đi Xa

Mỹ nhân tại đây hoa khắp nhà
Mỹ nhân khuất dạng giường dư thừa
Trên giường chăn gấm gấp chẳng đắp
Ba năm dư hương còn như xưa
Hương vẫn không bay mất
Người nay đã về chưa?
Tương tư lá vàng ngập
Sương trắng ướt rêu thưa.

Con Cò
***
Tình Xa

Người đây hoa ngập phòng
Vắng rồi giường trống không
Chăn buồn không ai ngủ
Ba năm ủ hương nồng

Mùi xưa còn phảng phất
Hồn ẩn khuất nơi nao
Thương nhớ rụng hoa đào
Sưong ẩm rêu xanh xao.


Kim Oanh
***
Gửi Người Xa

Nàng ở đây, nhà đầy hoa nở
Vắng nàng rồi, giường bỏ trống không
Chăn gấm cuốn, chẳng ai nằm
Dư hương lưu luyến ba năm ngậm ngùi
Người biền biệt tăm hơi đâu thấy
Thoảng hương kia còn đấy gợi sầu
Lá vàng rơi rụng nhớ nhau
Sương đêm thấm ướt bạc màu rêu xanh

Yên Nhiên
***
Gửi Chốn Xa

Khi em còn, nhà đầy hoa hạnh
Em bỏ đi, giường lạnh âm thầm
Chăn thêu cuộn kỹ không nằm!
Hương yêu phảng phất ba năm vẫn còn
Phấn son chưa nhạt hết
Người mãi chẳng quay lui
Nhớ nhau vàng lá rụng
Rêu xanh, sương trắng vùi!

Lộc Bắc
***
Gửi Phương Xa

Người đẹp còn nhà hoa ngập đầy,
Người đi giường trống chẳng còn ai.
Chăn thêu xếp gọn không người ngủ,
Hương đã ba năm vẫn chẳng phai.
Vẫn thơm thoang thoảng mãi,
Người vẫn biệt tăm hoài,
Thương nhớ lá vàng rụng,
Rêu xanh đẫm sương mai.

Mỹ Ngọc
Jan. 17/2022.
***
Dịch Nghĩa:

Ký Viễn Gửi Người Phương Xa

Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường Khi người đẹp còn ở đây thì nhà đầy hoa,
Mỹ nhân khứ hậu không dư sàng Khi người đẹp đi rồi thì chỉ còn lại chiếc giường trống cô đơn.
Sàng trung tú bị quyển bất tẩm Chiếc chăn thêu được xếp lại không ai đắp
Chi kim tam tải do văn hương Nay đã ba năm mà còn phảng phất mùi hương của nàng.
Hương diệc cánh bất diệt Hương thơm không bao giờ hết,
Nhân diệc cánh bất lai Người ra đi không bao giờ trở lại.
Tương tư hoàng diệp lạc Thương nhớ nàng cho đến khi lá vàng rụng hết
Bạch lộ điểm thanh đài Và sương trắng tan đẫm ướt rêu xanh.

Dịch Thơ:

Gửi Người Phương Xa

Người đẹp còn đây nhà đầy bông
Người đẹp đi rồi phòng trống không
Chăn gối nệm giường không đổi nếp
Ba năm còn thoảng chút hương nồng
Hương thơm không tiêu tán
Dù người không lai vãng
Thương nàng lá vàng rụng
Rêu xanh ướt sương tan.

The FairLady by Li Bai Translation by Sun Yu

When the fair lady was here,
I filled our house with flowers;
But she went away,
Leaving her empty couch behind!
There stands her couch, with the embroidered quilts all folded.
Could I sleep anymore?
It is three years since then;
Her sweet perfume still lingers...

The perfume never dies out;
She never comes back again.
I think of her till the yellow leaves
All fall off from the trees,
And the white dew wets the green moss, twinkling silently.

Phí Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét