Tuấn và Hùng quen nhau từ thủa 2 người còn học Đệ Thất. Lan, em gái út của Hùng, ngày đó mới 5 tuổi Bộ mặt trái soan, môi hồng, má đỏ, đôi mắt to và đen đầy vẻ tinh nghịch, bé Lan cái gì cũng đẹp, trừ bộ răng sún. Tuấn thường trêu:
- Chắc ban đêm bé Lan ngủ há miệng.
- Sao anh biết?
- Thì tại há miệng, nên răng bé bị chuột gặm.
Mười mấy năm qua, Lan đã lớn, vào đại học, nhưng đối với Tuấn, Lan lúc nào cũng là cô bé răng sún 5 tuổi ngày xưa. Hùng, Tuấn thường dạo phố Tự Do, Lê Lợi, đôi khi cũng có Lan tháp tùng, nhưng hai đứa lúc nào cũng xăm xăm đi trước, mắt láo liên tìm người đẹp, để Lan lẽo đẽo theo sau… Có lần Lan trách:
- Hai anh mất nết, thấy con gái là mắt sáng lên như đèn ô tô, quên cả em.
Tuấn cười giả lả:
- Để tụi anh rửa mắt một chút mà cô bé, nay mai đi lính sợ không có dịp.
Khoảng cuối năm thứ 5, đầu năm thứ 6, Tuấn bận học thi và soạn luận án, nên tuyệt tích giang hồ khá lâu. Một buổi chiều, Tuấn bất ngờ ghé nhà bạn. Lan mở cửa, thấy Tuấn trách:
- Trời ơi, anh làm gì mà biệt tăm, biệt tích cả năm, làm người ta… Nàng không nói hết câu. Tuấn không để ý, đưa tay xoa đầu Lan, nghịch hai bím tóc của nàng:
- Anh lên núi, luyện nội công, được 6, 7 phần hoả hầu rồi. Hai bác có nhà không?
- Anh vào chơi, cả nhà đi vắng hết, em đang làm cơm.
- Cho anh ăn ké đi. Từ sáng tới giờ, chưa có hạt nào, bao tử nó đang kiện.
Bỗng Lan chạy vội vào bếp, nói vọng ra:
- Chết em rồi, bắt đền anh đấy, làm cháy cả nồi thịt kho của người ta.
Tuấn đi theo Lan, định nói đùa một câu, tự nhiên khựng lại. Lan mặc bộ pajama bằng lụa nội hoá màu hoa cà, mềm ôm gọn tấm thân tuyệt mỹ, làm Lan càng thêm quyến rũ. Tay áo sắn cao, để lộ hai cánh tay trắng nõn, phơn phớt những sợ lông tơ…Đôi má Lan hồng lên vì hơi nóng, lấm tấm vài giọt mồ hôi, như những giọt sương mai đọng trên cánh hoa đào.
Tim Tuấn bỗng đập rộn rã. Chàng đã bị tiếng sét ái tình. Tuấn lừ lừ bước tới, ôm chặt lấy Lan, tay ve vuốt đôi vai tròn lẳn. Người Lan nhũn đi. Nàng tựa ngực vào Tuấn, rên nho nhỏ, Tuấn nghe tiếng tim mình đập, và nghe cả tiếng tim của Lan qua làn lụa mỏng. Sau phút bàng hoàng,
Lan rướn người, đưa tay vít đầu Tuấn xuống. Hai người hôn nhau đắm đuối.
Từ đó, hai người yêu nhau…Hùng vốn phổi bò, chẳng biết gì, chỉ thấy em mình tươi hơn, và bạn mình đến chơi thường hơn, lần nào cũng ngồi lê lết….
Rồi Hùng và Tuấn ra trường, bị trưng tập và nhận đơn vị. Tuấn và Lan xa nhau. Mấy bức thư sau đây là bằng chứng của tình yêu đầy đắm say và thơ mộng, trong đó, ẩn hiện cả chiến tranh và tang thương của đất nước.
Mỹ Tho, ngày…..
Em yêu,
Như vậy, là anh đã xa em gần 2 tuần lễ.
Trong bữa tiệc tiễn hành, Ba Má em rất bình tĩnh, chỉ có em buồn ra mặt. Thường thường, khi anh Hùng và anh kể chuyện diễu là em cười như nắc nẻ, mà hôm đó, mặt em chảy dài, mắt mòng mọng như sắp khóc. Anh chủ quan, cho rằng em buồn vì anh Hùng thì ít, vì anh thì nhiều, có đúng không? Khi về, anh chỉ lén nắm tay em được một chút, tay em lạnh ngắt. Lúc đó, anh muốn ôm chặt tấm thân mềm mại của em trong vòng tay, hôn thật lâu lên môi, lên mắt em, mà không dám, sợ lộ bí mật. Thật ra, nếu anh cứ liều, chắc Ba Má cũng làm ngơ. Về nhà anh tiếc mãi.
Đêm đó, anh thao thức, lòng ngổn ngang trăm mối. Anh sắp bắt đầu một cuộc đời mới, tương lai chưa biết ra sao. Dù là lính cậu, nhưng chơi với súng đạn, ai lường được bất trắc. Bố mẹ anh cũng không ngủ được: hai người thì thầm bàn tán, rồi đưa ra quyết định: Hôm sau, Mẹ sẽ “đưa” anh đi, anh mặc dân sự, Mẹ mang ba lô đồ lính, để lỡ có bị Việt cộng chặn xe đò, anh đỡ nguy hiểm. Vì thương con, Bố Mẹ anh sinh lẩm cẩm. Em nghĩ xem, anh vừa học quân sự xong, da đen thui, tóc hớt gần trọc, trừ phi tụi Việt cộng bị mù thì nó mới không biết anh là lính. Đến nơi, Mẹ còn đòi vào xem trại lính, nhưng anh viện đủ thứ cớ để bắt Mẹ về, sợ thấy nơi ăn chốn ở của anh Mẹ sẽ đau lòng.
Anh thuê hotel, tắm rửa, diện đồ lính rồi đến trình diện đơn vị trưởng. Ông này trí thức, rất dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ. Ông gọi anh Minh, y sĩ tiền nhiệm, nhờ dắt anh đi giới thiệu với các sĩ quan tham mưu, và các y tá dưới quyền, khoảng 20 người.
Ở trại sĩ quan, giang sơn của anh là chiếc giường sắt, một tủ nhỏ đựng quần áo, sách vở, một bàn ngủ cỡ 2 tấc, trên đó có đèn, tàn thuốc lá, chìa khóa, đủ thứ lẩm cẩm và ảnh em.
Gần 2 tuần nay, chỉ có hành quân cấp nhỏ, anh không phải đi, nên rất nhàn. Sáng làm ở bệnh xá, chiều đi thăm các trạm quân y, tối đi uống cà phê, nghe nhạc với anh Quang. Anh này là Sĩ quan Truyền tin, độc thân, ở đây đã lâu, thành thổ công, nên chỗ nào cũng biết. Anh người mảnh mai, ăn nói có duyên, tán đào rất độc đáo. Có hôm đang ngồi nói chuyện với cô chủ quán, Quang hỏi
khơi khơi:
Đố cô biết, đêm ngủ, tôi có đeo kính không?
Cô chủ ngần ngừ, chưa kịp trả lời, anh tiếp luôn:
Từ hồi quen cô, đêm nào tôi cũng đeo kính, sợ lỡ nằm mơ thấy cô, nhìn không rõ.
Vậy là anh đã học được một chiêu mới.
Thôi, thư đã dài, anh ngừng đây. Hôn em.
Saigon, ngày….
Anh yêu,
Cả mấy tuần nay, em như người mất hồn, quên trước, quên sau, bài vở ối đọng. Nhớ anh ngủ không được, nhớ giọng cười, tiếng nói của anh, nhớ kiểu hôn tham lam, làm người ta muốn nghẹt thở. Mà miệng anh toàn mùi thuốc lá. Kỳ quá, em nghỉ tới anh hoài mà đêm nằm mơ, không thấy anh, gặp toàn ác mộng, bị rắn cắn, bị đụng xe…. Em ăn ít nên hơi gầy. Có bữa Má vào phòng, dò hỏi, em viện cớ mệt, trả lời cho qua, chắc Má nghi tụi mình rồi, anh ơi. Anh Quang coi bộ dễ thương. Anh đi theo anh ấy, coi chừng bị cô nào hớp hồn.
Con gái Mỹ Tho có tiếng là đẹp. Hôn anh.
***
Mỹ Tho, ngày…..
Em yêu,
Tuần trước, anh đi hành quân 2 ngày.
Khi được lệnh, anh lo sắp xếp ngay dụng cụ, thuốc men, rồi đêm khuya, chưa yên tâm, anh lại đi kiểm soát một lần nữa. Anh vừa hồi hộp, vừa lo sợ. Anh tưởng tượng đủ thứ, và nằm cầu nguyện Chúa, Phật tùm lum, dù anh chẳng có đạo nào. Xuất quân 5 giờ sang, mà 4 giờ, anh đã nai nịt xong suôi: Giày saut, áo trận, mũ sắt… Anh còn mang thắt lưng to bản, bên phải đeo súng Colt, bên trái dao găm, như cao bồi. Anh ngồi uống cà phê với mấy y tá, hỏi thăm kinh nghiệm. Thấy anh có vẻ lo lắng, họ an ủi: Không sao đâu, ông thầy. Đi vài lần là quen.
Lần này may mắn, không có đụng độ. Bộ chỉ huy nhẹ đóng ở nhà ông xã trưởng. Ông này là điền chủ, vườn đủ thứ trái cây. Anh được ăn soài tượng chấm muối ớt, vừa hít hà vừa nghĩ tới em, nhớ những gói soài, gói me, ngày xưa em giấu trong cặp. Anh thèm hôn em quá rồi. Chắc phải xin phép 48 tiếng.
***
Saigon, ngày….
Anh yêu,
Hôm nay trời mưa lớn vì bão rớt. Trong lúc chờ Ba đến đón, em đứng co ro ở hành lang, nhìn ra ngoài. Xe cộ thưa thớt, cảnh vật nhạt nhoà. Hàng me cao ủ rủ như đang khóc. Không biết anh đang làm gì? Mưa này mà hành quân thì khổ lắm! Gió về từng cơn, lạnh lùng, em rùng mình, ao ước được anh ôm để truyền hơi ấm. Đang mơ mộng thì ông Khoa lại mò đến gợi chuyện. Ông này dạy môn văn chương Pháp, cứ rề rề theo em từ mấy tháng nay, làm mọi người bàn tán. Lại còn xin địa chỉ, đòi đến nhà chơi, nhưng em nhất định không cho. Hôm nào có phép vài ngày, anh về đưa em đi học, nhớ mặc đồ lính để cho ông ấy sợ mà rút lui….
***
Mỹ Tho, ngày…..
Em yêu,
Anh vừa xong 2 tuần hành quân.
Ba ngày đầu, được yên ổn. Mỗi khi dừng quân, chú Lượng hăng hái đào hố cá nhân “để ông thầy có chỗ núp”. Đêm đó, đơn vị bị tiền pháo, hậu xung. Đạn 60, 81 ly nổ lung tung. Lửa rực trời, mảnh đạn, bùn đất bay loạn xạ. Anh giật mình thức dậy, mò mũ sắt đội lên đầu, một tay quơ túi đồ nghề, một tay quơ khẩu M.16, rồi bò ra hố cá nhân, thì chú Lượng đã ngồi lù lù ở đó từ lúc nào rồi! May mà hố rộng, hai thầy trò chen vai cũng tạm đủ. Lúc đó, anh sợ quá, cứ nghe tiếng xè xè của đạn là co rúm cả người. Chú Lượng từng nói: “Khi bị pháo, nghe tiếng ú ú là đạn nổ xa, nghe xè xè là đạn nổ gần”. Anh thì bất kể, ú ú, xè xè gì thì cũng sợ xanh mặt. Sau màn pháo là màn xung phong. Anh nghe cả tiếng Việt cộng hò hét. Đạn reo tứ phía, những viên đạn lửa bay chằng chịt, chập chờn như ma trơi. Anh cũng bắn loạn cào cào, nhưng hình như toàn bắn lên trời. Đến gần sáng thì địch rút lui, để lại hơn 10 xác chết và ít súng đạn. Bên ta 3 bị thương. Hai người được y tá băng bó. Anh lo chữa người nặng nhất, bị “FLAIL CHEST”. Đạn trúng ngực bên phải. Mỗi khi hít vào, không khí lùa theo vết thương, vào màng phổi, nhưng khi thở ra, không khí bị kẹt lại, ép phổi teo dần. Anh chích thuốc tê, đưa cái ống nhỏ qua vết thương cho không khí ra hết, rồi băng kín lại chờ trực thăng chở về bệnh viện.
Cuộc giao tranh chỉ khoảng 1 giờ mà anh thấy lâu như một thế kỷ. Lính của mình chì thật! Bất ngờ như vậy mà họ chiến đấu rất khéo léo và can trường để đoạt thắng lợi. Nếu ai cũng như anh thì nguy mất.
Sau đó, đơn vị còn truy kích và lùng địch khoảng 10 ngày. Chỉ đụng độ lẻ tẻ. Anh mấy tuần không tắm, người hôi như cú, râu ria lởm chởm, nếu em gặp anh lúc đó chắc cũng bịt mũi mà chạy, chứ không dám hôn. Anh nhớ cái mũi dọc dừa nho nhỏ của em, khi nhăn nhăn, nó dễ thương gì đâu…
Về đến hậu cứ, Quang và anh rủ nhau đi tắm hơi, xả ra cỡ 1 ký đất. Mà anh tắm hơi đàng hoàng, thứ thiệt, chứ không phải kiểu Mỹ như ở Saigon, Đà Nẵng đâu, em đừng có lo.
***
Saigon, ngày….
Anh yêu,
Đọc thư anh, em cười gần chết! Chú Lượng, thật là…. Hành quân nguy hiểm quá, làm em lo. Cầu mong cho anh và anh Hùng được bình an. Má hồi này hay đi chùa, chắc để cầu nguyện. Hôm nọ, anh Hùng gửi cho em cái kẹp tóc làm bằng sừng, quà xứ Thượng, nhờ người bạn tiện công tác, mang về. Ra mở cửa, thấy ông lính lạ, cầm cái hộp, em muốn xỉu luôn, tưởng ông ta về báo tin dữ và trả kỷ vật. Thấy mặt em tái mét, ông ta nói ngay: “Cô yên tâm, anh Hùng vẫn bình an. Anh gửi quà cho cô. Anh Hùng thật cắc cớ. Gửi quà kiểu này, em không ham, có ngày đứng tim mà chết. Các anh không hiểu được nỗi lo sợ của người ở nhà.
Bao giờ anh về phép? Em nhớ anh lắm rồi. Theo Darwin, cái gì lâu không dùng đến, sẽ bị teo lại. Môi em….
***
Mỹ Tho, ngày….
Em yêu,
Thấm thoắt, anh đã ở đơn vị gần một năm. Em khuyên anh về Quân Y Viện, nhưng bây giờ anh đã quen chiến trận, lại quyến luyến đồng đội, anh tình nguyện ở lại thêm năm nữa. Anh rất thích cái không khí thoải mái, thân thiện nhưng rất hào hùng của đơn vị tác chiến. Chỉ phải cái tội ít phép. Mỗi lần về Saigon được vài ngày, anh phải chia thời giờ cho Bố, Mẹ và em. Thấy Bố, Mẹ vui vẻ lăng xăng, săn sóc đủ thứ, anh không nỡ bỏ đi biền biệt. Mà anh cũng cần em. Vì vậy, lần trước anh mới dắt em về nhà, tiện cả đôi bề. Mẹ có vẻ chịu, khen em đẹp và hiền. Đẹp thì có, hiền thì chưa chắc. Và liều! hôm anh đi, em dám ôm anh khóc trước mặt Má, vậy mà mất công dấu cả năm. Má cũng điệu lắm, bỏ vào bếp để cho mình tự do. Nếu không có Má ở đó, thì chưa biết chừng…thôi anh chả nói nữa…
Lúc này, anh bị bắt nhậu liên miên. Ngày xưa, chỉ một chai bia, là mặt anh đỏ ké, bây giờ uống toàn rượu đế, rượu đậu nành. Họ đổ rượu vào thau có một cái ly, thay nhau uống. Mồi thì chỉ có khô mực và fromage con bò cười. Cứ ăn một miếng khô nhỏ xíu, hay một mẩu fromage bằng hột bắp là lại cạn 1 ly. Mới đầu mặt anh đỏ, sau tái nhợt, mồ hôi vã ra. Có bữa say quá, ói mửa tùm lum, đi không nổi, hai chú y tá, phải lấy cáng khiêng anh về. Anh sợ quá, bèn trốn, nhưng ở đâu họ cũng mò ra. Sau anh lén ngủ trong xe Hồng thập tự. Thoát được mấy tuần rồi cũng lộ. Số là bữa đó có lệnh tản thương giữa đêm khuya: 2 người y tá nhẫy lên xe, đã chuẩn bị sẵn, chạy luôn.
Xe xóc làm anh thức giấc, ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra, lát sau mới nhớ ra là mình ngủ trên xe Hồng thập tự, và xe đang chạy. Anh lần ra phía trước, gõ gõ vào tấm kính chắn giữa phòng lái và chỗ cho thương binh. Chú Lượng tưởng ma, sợ quá, lạc tay lái đi luôn xuống ruộng, rồi 2 người tông cửa, chạy bán mạng. Nghe anh gọi, họ mới quay lại, cười rũ ra. Đó là lần bác sĩ
đích thân đi tản thương. Ba thương binh cảm động rơi nước mắt! Sau biết chuyện, họ khen anh chịu chơi…. Bây giờ hết chỗ trốn, anh lại bị nhậu đều chi, nhưng họ thông cảm, để anh uống ít. Thầy Khoa độ này ra sao? Vụ anh làm ngáo ộp để dọa có hiệu quả không? Thật ra, em có người theo, anh càng hãnh diện, mà có mất mát gì đâu.
***
Saigon, ngày….
Anh yêu,
Thư anh kể như chuyện tiếu lâm, có tin được không? Mà anh càng ngày càng hư, coi chừng em mách Bố, Mẹ. Hôm nọ, em đến chơi, Mẹ cho em cái vòng cẩm thạch.
Thầy Khoa lúc này không dám theo em nữa, chỉ đứng xa xa mà nhìn, mặt buồn vời vợi… Em thấy vậy lại thương.
***
Mỹ Tho, ngày….
Em yêu,
Tuấn qua, có đụng lớn. Giữa ban ngày, đơn vị đang rầm rộ di chuyển, thì anh nghe tiếng kèn thúc quân. Tưởng có đồn bót của ta đâu đây, anh đưa mắt tìm, thì súng lớn, súng nhỏ nổ liên hồi, đạn bay vi vút…Chú Lượng bỗng xô anh xuống ruộng rồi nhảy theo. Một tiếng nổ chát chúa ngay cạnh làm tai anh ù đi. Chiếc pháo tháp gần chỗ anh vừa ngồi, trúng đạn nát bấy. Khẩu đại liên gục xuống như bông hoa gẫy. Anh và chú Lượng nằm chịu trận, chỉ ló đầu lên quan sát.
Lính mình chiến đấu như cọp dữ, vừa bắn vừa tiến lên. Xe thiết giáp thì di chuyển không ngừng để tránh đạn chống chiến xa, nhưng khẩu đại liên lúc nào cũng nhả đạn về phía địch. Một chiến xa của ta bị cháy, cách anh khoảng hơn 100 thước. Lửa rần rần, mà còn người bị thương đang loay hoay chưa xuống được. Chú Lượng kêu:
- Thằng Tư Hô nguy rồi ông thầy.
Anh thấy Tư Hô nằm ngửa trên xe M113, cầm ống chân phải gẫy lìa, đặt lên đùi rồi lăn xuống đất, bất động. Lúc đó, anh quên cả sợ, xách túi đồ nghề vùng dậy, chạy về phía Tư Hô. Đạn vẫn rít ào ào. Anh bỗng nghe vai trái như vật gì đụng mạnh, ngã chúi xuống. Anh không đau, chỉ thấy bên vai máu chảy đầm đìa. Thử cử động mấy ngón tay trái, thấy không bị liệt, anh lồm cồm ngồi dậy, lom khom đi tiếp khúc đường còn lại. Chú Lượng cũng bắt kịp anh. Hai thầy trò hì hục làm việc: Lượng sang nước biển, anh làm garrot, chích morphine và trụ sinh. Vết thương chỉ
băng sơ sơ vì toàn bùn. Khúc chân gẫy còn dính với đùi bằng một mảnh da, anh lấy dao cắt đi cho khỏi vướng.
Một lát sau, có phi pháo và tăng viện của ta, địch rút lui, bỏ lại hơn 30 xác và rất nhiều súng ống.
Bên ta, 4 hy sinh và 15 bị thương, trong đó có anh.
Đây là lần đầu anh bị thương. Chừng nào gần lành, anh sẽ được 2 tuần phép về thăm em.
Đây cũng là lần đầu anh thấy lính chính quy cộng sản, mặc quân phục đàng hoàng. Những người chết cũng có thể có vợ, con hoặc người yêu ở đâu đó bên kia bờ Bến Hải. Anh nghe lòng bùi ngùi thương cảm, dù trước đó chính họ đã bắn anh bị thương. Nếu viên đạn trệch đi một chút, thì biết đâu anh chẳng nằm xuống như họ…có thể em sẽ cười là anh đa cảm. Đúng vậy em ơi, chúng ta khác cộng sản chính ở chỗ đó, chúng ta chiến đấu vì lý tưởng, vì tự vệ, nhưng chúng ta vẫn còn tình người….
Sau trận đánh khốc liệt đó, Tuấn được gắn Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng. Bản tuyên dương công trạng được thêm thắt đôi chút cho có vẻ lâm ly: “Bác sĩ Tuấn đã liều mình dưới làm mưa đạn để cứu chữa thương binh. Dù đã bị thương nơi vai, ông còn tung lựu đạn, giết chết 2
Việt cộng, tịch thu 1 AK47.”
Rồi Tuấn đổi về Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ.
Lan được học bổng đi Canada.
Hai người vẫn yêu nhau, thư từ qua lại đều đều, nhưng thư của Tuấn hình như bắt đầu đượm vẻ cay đắng.
Cần Thơ, ngày…
Em yêu,
Đây là thủ phủ của miền Tây, phong cảnh hữu tình, đồ ăn ngon, cây trái đủ loại. Bên đó, chắc không có mận, chôm chôm, mỗi khi ăn, anh lại thương cô bé hay quà vặt.
Quân y viện rất lớn, lúc nào cũng đầy thương, bệnh binh. Vì tay chân lọng cọng, anh được cử làm ở trại bệnh nặng nội khoa. Viêm màng óc, viêm gan, sốt rét, thương hàn….Bệnh nào cũng thập tử nhất sinh. Phương tiện eo hẹp, kiến thức y khoa có giới hạn, nên nhiều khi thấy bệnh nhân cứ từ từ ra đi mà mình đành bó tay chịu.
Buổi tối, anh và Long hay đi uống cà phê cạnh xa lộ. Ở đây đèn đóm lờ mờ, ếch, nhái, ễnh ương kêu rả rích, buồn não ruột. Nhạc còn buồn hơn nữa: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về” với giọng ma quái của Khánh Ly, hoặc “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi” với giọng nức nở của Thái Thanh. Chúng mình bây giờ thì quả là “nghìn trùng xa cách”. Anh hơi giận em, em ơi, Saigon-Cần Thơ, 200 cây số chưa đủ xa, em còn đi thêm cho mình cách nhau đủ nửa vòng trái đất. Em đã ra hẳn ngoài tầm tay của anh. Vướng vào quân ngũ, anh không hy vọng gì xuất ngoại.
Đành chờ em, chờ và nhớ, gần như tuyệt vọng. Với tình hình nguy ngập hiện nay của đất nước, liệu em có trở về?
Anh miên man suy nghĩ. Long cũng trầm ngâm. Chắc anh ấy nhớ Bích, người yêu ở Saigon. Nhớ thì về thăm có khó gì. Anh thì cam phận. Thơ của Quang Dũng thấm thía làm sao:
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa,
Đêm đêm, sông Đáy lạnh đôi bờ,
Thoáng hiện em về trong đáy cốc,
Nói cười như chuyện một đêm mơ…
Giờ này chắc em đang ngồi ở giảng đường. Bên đó không có thầy Khoa, nhưng thầy Pierre, Michel chắc không thiếu! Anh lại nghĩ quẩn rồi! Đừng trách anh, Lan ơi.
Đây là bài thơ anh viết cho em, đang lạnh lùng nơi xứ tuyết:
Tuyết phủ ngập trời, gió buốt xương,
Nghĩ tới em, càng nhớ, càng thương.
Anh muốn ôm em ghì thật chặt,
Gục đầu trên mái tóc đượm hương…
***
Montréal, ngày…
Anh yêu,
Đọc thư anh, em khóc mấy ngày. Em ở đây cũng buồn và cô đơn không kém gì anh. Trong lớp chỉ toàn mắt xanh, mũi lõ, nói chuyện lẩm cà lẩm cẩm, terre à terre không chịu được. Có những buổi chiều nhạt nắng, em một mình lang thang trên đường phố vắng, mà mường tượng như đang cùng anh, tay trong tay đi dưới những hàng me cao vút ở quê nhà. Ôi những hàng me thân yêu ngày xưa! Mỗi khi có làn gió nhẹ, lá me bay tơi tả, vương trên tóc, trên vai em, thơ mộng biết bao.
Bây giờ là mùa đông, lạnh thấu xương, tuyết phủ ngập trời như anh nói. Em thường mơ một sáng nào đó, mở cửa ra, thấy anh đứng đợi….Em sẽ…Em sẽ…. Thôi, đền anh tấm ảnh mới của em.
Rồi mất nước, rồi tù đầy…. Tuấn vượt biên đến Mã Lai.
Bidong, ngày….
Em yêu,
Anh bị tù tẩy não 2 năm, rồi vượt biên. Đến đây đã lâu mà anh còn phân vân, liệu có nên viết thư cho em hay không? Mấy năm đứt liên lạc, có thể em đã đổi địa chỉ, mà lòng em biết còn như xưa?
Chuyện tù đầy dài lắm, viết không xuể.
Chuyện ở đảo thì nhàm chán. Anh đã chai đá, bớt mơ mộng, không còn thương mây khóc gió như xưa, không muốn than thở nữa. Nhưng đời thật trớ trêu em ơi: Trốn khỏi nhà tù lớn của cộng sản, anh lại chui vào nhà tù nhỏ của xứ được gọi là tự do….Chưa biết bao giờ, anh mới thoát khỏi được hòn đảo u buồn này…
Đoạn kết của chuyện tình Tuấn & Lan, xin để độc giả tưởng tượng. Vui hay buồn là tuỳ tâm trạng của quý vị: Lạc quan, hay bi quan, mơ mộng hay thực tế….
Bát Sách.
TSYS 186