Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Kim Lăng Ngũ Đề 金陵五題- Thạch Đầu Thành

  

Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Vân, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Vân bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.

Nguyên tác               Dịch âm

金陵五題-石頭城 Kim Lăng Ngũ Đề - Thạch Đầu Thành

山圍故國周遭在 Sơn vi cố quốc chu tao tại.
潮打空城寂寞回 Triều đả không thành tịch mịch hồi
淮水東邊舊時月 Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt
夜深還過女牆來 Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai.

Dịch nghĩa

Năm Bài Về Kim Lăng -  Thành Thạch Đầu*

Núi bao bọc thành cũ, vây kín chung quanh
Ngọn thủy triều đập vào thành trống rồi rút lui lặng lẽ
Vầng trăng xưa, ở phía đông sông Hoài (sông Tần Hoài)
Ðêm khuya chiếu ánh sáng vượt qua bức tường thấp.
*Thành Thạch Đầu ở phía nam núi Thạch Đầu, thuộc tỉnh Giang Tô.

Dịch thơ

Năm Bài Về Kim Lăng - Thành Thạch Đầu

Non bao quách cũ vây quanh kín,
Triều đập thành không lặng lẽ lui.
Đông có trăng sông Hoài thời cũ
Đêm khuya chiếu vượt tường thấp thôi.

Lời bàn

Bài thơ có một ý chê bai mờ nhạt rất khó bàn (lời bàn dễ thành mơ hồ, gượng ép). Thành Thạch Đầu gần giống như một thành ma.
Câu 1:
Thành bị núi bao quanh kín mít.
Câu 2:
Sóng đập vào chân thành rồi lặng lẽ lui ra không gây tiếng vang, giống như sóng ma. Sóng biển thường vọng đi xa lắm; ở xa vài dặm còn nghe thấy. Dường như tác giả ngồi ngắm thành rất xa từ trên cao và ngược gió nên không nghe thấy tiếng sóng vỗ, chỉ nhìn thấy ngọn sóng xô vào chân thành rồi lui ra thôi. Cũng dường như ông muốn nói điều gì đây (tỷ dụ như điều gì đã xảy ra trong 20 năm ông bị biếm).
Câu 3 & 4:
Ánh trăng từ phía đông sông Tần Hoài (vẫn là ánh trăng của thời cũ) vượt tường thấp vào trong thành như thuở xa xưa (Trăng vừa mới ngoi lên, chiếu nghiêng, phải vượt cái tường thành thấp mới chiếu được vào trong thành. Cái tường vẫn thấp như xưa, không có dấu vết của việc tu sửa, tăng thêm nét hoang sơ của thành Thạch Đầu).

Con Cò
***
Kim Lăng  Năm Bài - Thành Thạch Đầu

Núi vây nước cũ vòng quanh khắp
Sóng dập thành không lặng lẽ lui
Hoài thủy bờ đông, trăng thuở trước
Đêm khuya tường nhỏ vẫn về soi!

Lộc Bắc
***
Thạch Đầu Thành

Núi quanh chốn cũ tư bề
Sóng xô lặng lẽ vỗ về thành hoang
Sông Hoài xưa ánh trăng vàng
Đêm thanh thấp thoáng tường loang chiếu vào

Kim Oanh
***
Thành Thạch Đầu.

Non vây nước cũ kín vòng quanh,
Lặng lẽ triều lên xuống phế thành.
Đông ngạn sông Hoài trăng thủa trước,
Vượt qua tường đổ chiếu thâu canh.

Mỹ Ngọc
Sept. 28/2024
***

Thạch Đầu Thành

Thành xưa quách cũ núi bao quanh
Sóng lớn đập vào lặng rút nhanh
Trăng sáng sông Hoài như nguyệt cũ
Chiếu tường lồi lõm quái ma thành

Thanh Vân
***
Kim Lăng Ngũ Đề - Lưu Vũ Tích 金陵五題-劉禹錫

Nguyên tác:        Phiên âm:

石頭城                 Thạch Đầu Thành

山圍故國周遭在 Sơn vi cố quốc chu tao tại
潮打空城寂寞回 Triều đả không thành tịch mịch hồi
淮水東邊舊時月 Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt
夜深還過女牆來 Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai

Mộc bản trong sách:

Lưu Tân Khách Văn Tập - Đường - Lưu Vũ Tích 劉賓客文集-唐-劉禹錫
Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐人萬首絕 句選-宋-洪遂
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘

Năm Bảo Lịch thứ hai (826), Lưu Vũ Tích rời chức thứ sử Hòa Châu (nay là huyện Hòa, tỉnh An Huy) trên đường về Lạc Dương, đi qua Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), viết tập thơ vịnh hoài di tích này, tên là Kim Lăng Ngũ Đề 金陵五題, trong đó có 5 bài thơ: Thạch Đầu Thành, Ô Y Hạng, Đài Thành, Sinh Công Giảng Đường, và Giang Lệnh Trạch.

Ghi chú:

Thạch Đầu Thành: tên thành cổ ở phía nam núi Thạch Đầu, tỉnh Giang Tô. Còn được gọi là Thành Thạch Thủ. Địa điểm ngày nay nằm ở Thanh Lương Sơn, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ban đầu là thành Kim Lăng của nước Sở thời Chiến Quốc, sau được Tôn Quyền xây dựng lại và, vào năm Kiến An 17 (năm 229) của nhà Hán thời Tam Quốc, đổi tên thành Kiến Nghiệp, với ý nghĩa "kiến công lập nghiệp". Tựa lưng vào núi, mặt tiếp giáp với cửa sông Tần Hoài ở phía nam, thành là đầu mối giao thông và trấn quân sự quan trọng ở Kiến Khang trong thời Lục Triều. Đến thời nhà Đường, thành đã bị bỏ hoang.

Cố quốc: thủ đô cũ của nước Sở và 6 triều đại sau đó
Không: hoang vắng
Tịch mịch: im lặng
Hoài thủy: sông Hoài, sông Tần Hoài
Nữ tường: bức tường nhỏ có hình dạng lồi lõm trên tường thành

Dịch nghĩa:

Thạch Đầu Thành Thành Thạch Đầu

Sơn vi cố quốc chu tao tại     Núi bao bọc thành đô cũ, vẫn còn vây kín vòng quanh,
Triều đả không thành tịch mịch hồi Nước lớn vẫn đập vào thành trống rồi lặng lẽ rút lui
Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt Phía đông sông Hoài, cũng vầng trăng xưa đó,
Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai Leo (chiếu) qua những bức tường lồi lõm trên thành vào đêm khuya.

Dịch thơ:

Thành Thạch Đầu

Thành xưa có núi bọc bao quanh,
Nước lớn vỗ thành lặng rút nhanh.
Trăng cũ đông Hoài vờn sóng nước,
Đêm khuya chiếu sáng đỉnh tường thành.

The Stone City by Liu Yuxi
Translation by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)

Surrounded by hills, this old capital, its environs still in place,
Flood-tides still storm the empty city, and ebb, and quiet befalls.
East of the waters of Qinhuai River, that same old ancient moon,
Deep in the night, still climbs across the jagged battlement walls.

Phí Minh Tâm
***
Góp Ý:

石頭城=Thạch Đầu thành

Thạch đầu thành nguyên thủy là tên của một thị trấn của nước Sở trên đồi Thanh Lương (清凉山, cao chừng 100 mét) thời Chiến Quốc. Tôn Quyền thời Tam Quốc lập một yếu điểm quân sự ở đó để bảo vệ sông Trường Giang; đây cũng là nơi Chu Du tập luyện thủy quân. Thạch Đầu thành được khuếch tán trong thời nhà Tùy nhưng rồi sử liệu về địa điểm này dần biến mất từ thời Tống và người đời sau không còn biết rõ thành ở đâu cho tới gần cuối thể kỷ XX khi địa điểm được khảo cổ khai quật và xác nhận ở Nam Kinh (Kim Lăng/金陵 ngày xưa); vì thế Nam Kinh ngày nay tự xưng là Thạch Đầu Thành. Hình dưới là một phần của di tích có tên là Quỷ Diện Tường (鬼面牆)

Hoài Thủy (淮水) và Kim Lăng (金陵) Kim Lăng là tên cổ của Nam Kinh và còn có tên Kiến Khang (建康) trong đời Tấn; Hoài Thủy thời xưa là một con sông lớn chảy độc lập giữa hai sông Hoàng Hà và Trường Giang. Bây giờ, vì thiên tai liên miên, Hoài Thủy hết còn là một con sông độc lập mà chỉ là một nhánh sông của Trường Giang gần Dương Châu (扬州). Hoài Thủy ở trên 50 km hướng Bắc của Kim Lăng và không dính dáng gì đến Thạch Đầu thành, thế thì họ Lưu nhắc đến biên giới lịch sử của Hoa Lục trong bài thơ này làm gì? Hoài Thủy và dãy núi Tần Lĩnh được xem trong lịch sử như biên giới thiên nhiên giữa hai vùng Bắc và Nam đất Hoa Lục và thường được thấy trong các tác phẩm hoài cổ để nhắc đến các nước Sở, Ngô, Việt đã bị người Hán tiêu diệt.

Có biết nguồn gốc của điển tích Thạch Đầu thành mới có thể hiểu thi nhân họ Lưu muốn nói đến chuyện vật đổi sao dời và lẽ vô thường của cuộc đời trong bài thơ này, cũng tựa như trong bài Ô Y hạng.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét