Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Thương Người Như Thể Thương Thân


(Melbourne City 1991)

Rồi một ngày, ba đưa về nhà con bé, trạc tuổi cậu em út của tôi và rằng “Đây là con gái út của ba, không đứa nào được ăn hiếp nghe.” Câu giáo đầu có ý nhắc khéo, nhưng có trời mới tin được, cô bé tên Lòng kia là con gái út của ba.


Lòng có làn da bánh mật, tóc bum bê ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nhỏ, có duyên ở nụ cười, để lộ hàm răng trắng ngần. Con bé với bọc đồ nhỏ trong tay, đứng nép sát vào ba, vẻ ngơ ngác, đôi chút rụt rè, nhìn chúng tôi. Ba cho biết Lòng đến giúp má, phụ việc trong nhà. Trong bỡ ngỡ lẫn xót xa, tôi thầm nghĩ, tuổi đời còn quá nhỏ nhưng bé phải rời gia đình đi giúp việc cho nhà người.

Ba, lúc ấy là chủ một nhà máy xay lúa, sống xa gia đình ở cùng với gia đình Cậu Tư tôi, đôi ba ngày hay cả tuần lễ mới về thăm nhà. Có việc cần, má bảo tôi xuống nhà máy gọi ba về. Với khoảng thời gian đợi chờ ba không lâu, nhưng là một khúc phim dài, đầy ý nghĩa, mãi đeo đẳng theo tôi.

Dù là chủ nhà máy, nhưng nếu không tận mắt nhìn thấy nơi ăn, chốn ở và việc ba làm, khó tưởng nổi ba là chủ nhân ông, chỉ biết ngồi yên trước bàn để thu tiền công xay lúa từ khách hàng như những ông chủ khác. Tiếng ồn ào của máy xay lúa lẫn động tác của đôi tay không ngừng nghỉ, ba phụ người này nâng cái thúng gạo lên, giúp người kia mở bao bố để đổ cám vào. Mái tóc ba trắng phơ bởi bám đầy bụi cám. Trên con đường trở về Vĩnh Long, đầy “ổ gà”, tôi ngồi ôm chặt lấy ba, trên chiếc xe gắn máy Sachs. Lưng ba còn vương vương mùi bụi cám. Trái tim tôi như có lời vọng ra...”sao thấy thương ba quá đổi”.

Qua lời của ba, con của ba được cho ăn học, đứa con nào muốn học đến đâu, ba lo cho tới đó. Nhưng, có những đứa trẻ khác không được như vậy. Công việc ba làm, dù cực nhọc, nhưng có những người khác đã cực nhọc và kém may mắn hơn ba rất nhiều. Ba kể rằng, mỗi lần một bà mang lúa đến xay, luôn có một con bé lẽo đẽo bên cạnh phụ giúp. Thấy sự vất vã của bà và tương lai mờ mịt của Lòng, ba thương cảm cảnh đời của con bé. Con bé được sinh ra trong một gia đình nghèo, lam lũ với miếng cơm manh áo. Và xót xa hơn mà ba nhận ra, là qua đôi mắt trong sáng đó, con bé không may lại mù...mù chữ.

Sau những lần đắn đo, ba ngỏ ý và bà đã bằng lòng cho con bé về với gia đình chúng tôi, giúp má làm việc lặt vặt trong nhà. Ở tuổi này, bé làm gì có thể quán xuyến nổi một bữa ăn, Lòng chỉ phụ hợ, má sai đâu làm đó, bảo gì nghe nấy. Lòng suốt ngày lẽo đẽo bên má, được má may quần áo mới cho mặc, học cách sử dụng bếp núc, giặt giũ, học cách ăn, cách nói và cả học chữ. Phần giặt giũ, con bé chỉ lo cho ba má tôi, còn áo quần của chúng tôi thì mỗi đứa phải tự liệu. Đến giờ cơm, Lòng được ngồi cùng bàn, ăn chung mâm. Khi má nghỉ trưa, Lòng cũng được ngủ trưa. Tối đến má xem tivi, Lòng cũng được xem cải lương, thưởng thức nhạc. Lúc các em tôi ngồi vào bàn học, Lòng được má tôi dạy tập viết ngoài ra dạy thêm tiếng Pháp nữa.

Khi cô bé lớn thêm một chút, Lòng được tập chạy xe đạp. Con bé ham học và thích thú lắm. Ngồi chưa tới yên xe, một chân thọt bên này, một chân với bên kia, thế mà con bé cũng chạy được. Suốt ngày, bé luôn mong mỏi má tôi sai bảo đi mua đồ lặt vặt. Con bé còn đạp xe đến trường, bé chờ, bé đợi, đến giờ tan học của hai em gái tôi, để chở một trong hai cô chủ nhỏ về nhà.

Thời gian lặng lẽ trôi, cô bé từ giả để về quê lập gia đình. Ngày Lòng rời nhà, má tôi đã cho bé một ít tư trang. Lòng không còn sống chung dưới mái gia đình của tôi nữa. Thật đáng tiếc cho gia đình tôi và cả Lòng!

Hôm nay ngày giỗ thứ 22 của ba. Nhớ ba, hình bóng con bé Lòng lại thấp thoáng, từ ngày đầu đến lúc rời xa chúng tôi. Cái tình của con bé cho đi là kỷ niệm đẹp, khó quên. Đó là lần, sau giấc ngủ trưa, con bé chìa ra hai củ khoai lang luộc và thỏ thẻ với má tôi, “con cất riêng hai củ khoai, để dành cho ông mười bà mười”. Tình ba má tôi cho đi, tình con bé đáp lại, đơn giản qua hai củ khoai lang luộc, nhưng đậm tình người. Một bài học gián tiếp, không lời, nhưng rất thực tế. Ba đã dạy chúng tôi biết thế nào là tình thương giữa người và người.

Ba không còn, nhưng tôi vẫn nhớ ba mà thương, thương ba mà nhớ, nhớ những gì ba đã trải qua lúc thiếu thời, nhớ những gì ba đã nói khi ba sắp sửa lìa khỏi cuộc đời… Ba đã dạy chúng tôi biết thế nào là tình thương giữa người và người qua Lòng, một nhân vật có thật. Đó là hành trang ba đã trao truyền lại cho các con, sự rắn rỏi chống chỏi với đời và từ tâm của một con người.

Kim Phượng
30.10.2019

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Lời Cuối Cho Cụ Ông Lê Văn Sang (Điếu Văn 30/10/1997) - Ông Trần Văn Quản

(Mill Park 1989)
Ba thương yêu ơi! 
Thời gian thật nhanh, mới đó mà đã 22 năm ba rời xa chúng con.
Với chừng thời gian ấy con chưa thể nào quên được. Hôm nay lục lại những kỷ niệm của ba má, con đọc lại những lời của Ông Trần Văn Quản, Thành Viên của Hội Nghi Lễ Liên Bang Úc Châu, viết và đọc Điếu Văn trong ngày tiễn đưa ba. Ngậm ngùi lắm ba ơi.

Úc đang xuân, hoa đua sắc thắm, con lại nhớ ba nhiều hơn. Nhất là ngày con cất được căn nhà đầu tiên, một tay ba trồng trọt, chăm chút vườn tược được đơm hoa kết trái xinh tươi. Hình ảnh ấy mãi mãi trong tâm trí con và các cháu của ba. Con nguyện cầu nơi Thiên Đàng ba an hưởng thanh nhàn, hạnh phúc đời đời cùng má nha ba.
Muôn hoa sắc thắm rộn ràng
Mùa Xuân năm cũ lòng chan chứa về
Nguyện cầu nơi chốn Trời Quê
Ba má an hưởng tràn trề ân Thiên
Làm con Ba Má là duyên
Mong thêm kiếp nữa con nguyền khắc tâm!

Con gái Chín của Ba.
Lê Thị Kim Oanh
Melb.30-10-2010
***
Điếu Văn của Ông Trần Văn Quản

Cuộc Đời và Sự Nghiệp



Trước khi bắt đầu phần nghi lễ, tôi xin chuyển lời cảm ơn chân thành của tang gia đến toàn thể quí vị, trước cảm tình ưu ái nồng nàn, đến phân ưu và chia sẻ những mất mát lớn lao nhất và tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. 
Trong lúc tang gia bối rối có điều chi sơ sót mong quí vị vui lòng lượng thứ và bỏ qua cho.

Sự ra đi vĩnh viễn của Ông Lê Văn Sang đã khiến chúng ta tạm gác lại các sinh hoạt hàng ngày để cùng nhau đến đây bày tỏ niềm mến tiếc luyến thương người quá cố. Một điểm chung của tất cả chúng ta hiện diện nơi đây cùng có với ông Sang một tấm chân tình yêu thương và quý trọng.

Cuộc sống ở đời này, là mạch sống nối tiếp liên tục với người xưa. Chúng ta là di sản, là thọ hương các công trình và ân huệ của người xưa để lại. Hôm nay nhân lúc chúng ta thành tâm đưa tiễn thêm một người nữa ra đi. Sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của cõi đời. Cũng là lúc tốt nhất để chúng ta gác lại những bận rộn của cuộc sống để tâm tư mình lắng đọng, bình tâm suy gẫm về cuộc đời. Một cuộc đời đã sống cùng phấn đấu dài, đã hoàn tất nhiều công trình còn để lại cho người sau thừa hưởng, những người thừa hưởng đó có thể có ảnh hưởng đến cho cả chính chúng ta.

Ông Lê Văn Sang sinh ngày 16-12-1914 tại Xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình khá giả. Cha của ông là Bang Biện thời trước, nhưng gia đình rất đổi thanh liêm, Mẹ ông ở nhà cũng phải tảo tần nuôi dạy bảy người con, 5 gái, hai trai.
Khi còn trẻ ông Sang rất chăm chỉ học hành nên được gia đình gởi lên Sài Gòn đi học theo chương trình Pháp. Nhưng đến thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam. Ông phải trở lại quê nhà sinh sống. Ông sớm ý thức được rằng, nông nghiệp là căn bản của nền kinh tế Việt Nam, ông say mê trồng trọt. Đỡ đần công việc cho Cha mẹ.

Đến năm 1939, ông được 25 tuổi, sự nghiệp vững vàng nên ông vâng lời cha mẹ cưới vợ. Bà Võ Thị Thoại khi đó là người thiếu nữ đẹp nổi tiếng tại địa phương. Đôi uyên uơng lúc ấy là cặp trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa.

Đến năm 1945 chiến tranh xảy ra, Ông là nhà nông nên không bị lôi cuốn nhiều về cuộc chiến. Nhờ đó ông có cơ hội và thời giờ phụng dưỡng mẹ cha trong lúc tuổi già cùng nuôi dạy các con.

Gần đến 1954 cuộc chiến sôi động. Theo luật pháp thời đó ai có trên 5 người con không phải đi lính. Nhờ vào cơ duyên này ông cảm thấy mình may mắn nên ông phát tâm làm việc thiện. Ông thường khuyên răn con cái làm lành lánh dữ, thường xuyên giúp đỡ mọi người.

Theo quan niệm xưa của người Việt, gia đình đông con là biểu tượng gia đình có phước đức. Ông tự hảnh diện, cám ơn Trời Phật về điều này. Rồi tự đặt cho mình một trách nhiệm lớn lao là sẽ nuôi dạy con cái trở thành người hữu dụng. Rút kinh nghiện bản thân qua những gian khó vì chiến tranh cho nên ông cố gắng tránh cho con mình bị lôi vào vòng quỹ đạo đó, bằng cách khuyến khích các con tích cực làm các công việc xã hội, đồng thời khích lệ con chuyên cần học tập.

Đến năm 1975, ông 61 tuổi được 10 người con đều khôn lớn và thành đạt. Tưởng đâu ước nguyện đã trọn vẹn. Ngờ đâu một biến cố xảy ra làm cho gia đình ông nhiều ly tán.  Một lần nữa khiến ông bà hết lòng lèo lái đàn con để sớm gồm chung về một nơi đoàn tụ. Không có một thành công nào mà tự nó đến mà không có chông gai, công lao, mồ hôi, tim óc và nước mắt.  Hơn nữa dù ai có tài giỏi, cố gắng đến đâu cũng không bao giờ đạt được một thành công tuyệt đối.

Năm 1984 ông bà được con bão lãnh đoàn tụ gia đình theo diện di dân sang Úc.

Cuối cùng sau hơn 84 năm cuộc đời, 68 năm chung sống cùng vợ, lăn lóc với đàn con, ông đã để lại cho đời 10 đứa con thành đạt, 6 ở Úc, 1 ở Mỹ, 1 ở Canada, và 2 ở Việt Nam, tổng cộng 29 cháu nội ngoại. Ông rất sung sướng và  hãnh diện về con cháu ông.

Ba năm gần đây bệnh tim ông trở nặng, các con đồng lòng chăm sóc chạy chữa tận tình, có lẽ định mệnh an bài, ông đã êm ái ra đi lúc 3g30 sáng ngày 30-10-1979. Nguyện ước của ông là các con phải hiếu thảo với mẹ cha và anh em hoà thuận cùng nhau. Ông ra đi trong niềm tiếc thương to lớn của tất cả chúng ta.

Đặc điểm của ông Sang là người thích hoạt động, thích thể thao, thời niên thiếu ông chuyên cần luyện tập võ thuật. Có lẽ nhờ võ thuật ông tập tánh hiền lành, biết nhường nhịn, thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó.

Về âm nhạc ông thích nghe nhạc buồn như phản ảnh một tâm sự thầm kín riêng tư với chí trai hồ hãi nhưng phải bó gối cầm chân. Ông thích nhất giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Thúy. 

Xuất thân từ nông nghiệp, ông yêu thích thiên nhiên và du lịch. Việt Nam đối với ông là một hình ảnh tuyệt vời, mãi mãi ghi sâu trong tiềm thức. Ông tỏ ra vô cùng ưa thích những gì liên quan đến Việt Nam, ông thích nghe Đài phát thanh Việt Ngữ SBS Melbourne, ông tham gia những buổi sinh hoạt của Cộng Đồng Việt Nam.

Tóm lại ông Sang đã sống một cuộc đời dài hữu dụng, đã đóng góp, xây dựng biết bao là công nghiệp, yêu thương nhân hậu. giúp đỡ tận tình, cụ thể nhất là cho vợ cho con trong tinh thần tích cực. Một cống hiến lớn lao cho thế hệ con cháu mai sau.

Một vài phút ngắn ngủi không làm sao kể hết công lao của một đời người, nhất là một người như ông Sang.
Trước nhất nét nổi bậc của ông là chứng nhân vô tư của lịch sử xã hội Việt Nam, trải qua biết bao biến cố 1945, 1954, 1968, 1975, biết bao vật đổi sao dời, vậy mà ông vẫn lèo lái con thuyền gia đình vượt qua muôn trùng sóng gió.

Kế đến, ông xứng đáng là một người chồng mẫu mực, một người chồng dành trọn vẹn yêu thương cho vợ trong suốt 68 năm trường. Một biểu tượng văn hóa chứa đựng một giá trị cao quý của Việt Nam, xứng đáng được đề cao, tôn trọng không phải chỉ là gương mẫu cho tây phương mà cả đông phương. 

Thêm nữa ông là người cha gương mẫu cho các con cháu noi theo. Và sau cùng ông là một người con hiếu thảo của gia đình, ông sống quá xứng đáng không uổng phí, đã để lại cho đời nhiều hơn những gì ông hưởng được, nhiều hơn cả những gì ông mang đi.

Kính thưa bà Sang cùng tang quyến, những người có mặt tại đây xin thành kính phân ưu. Chúng tôi vô cùng chia sẻ những ray rứt khổ đau mà gia đình gánh chịu. Khi chúng ta đau khổ vì thương người quá cố, xin hãy vì người mà suy gẫm về công trình gầy dựng, những tâm tư và gương sáng của người để lại, vì yêu ông chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ thêm gương sáng của ông.

Cuộc đời là vô thường, họp tan, biến đổi. Đó là định luật của thiên nhiên và vũ trụ, là một sự hiển nhiên không sao tránh khỏi. Cái buồn vui thật sự của mỗi người phải là cái lý do của chính đời sống mình, xem có ý nghĩa không có làm được gì hữu ích để cho đời sau không. Trong ý nghĩa đó ông Sang chắc chắn vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ và êm ái ra đi. Vì vậy chúng ta hãy cùng hãnh diện và chia sẻ niềm vui đó với ông Sang.

Sau đây tôi xin mạn phép đọc một đoạn thơ ngắn gọn mô tả tâm tình của ông Sang, được trích trong tập Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi:

Ở phải có nhân có nghì,
Thơm danh vã lại làm bia miệng người.

Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu dấu, là trời hộ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây.
Vàng trời tuy chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Mai sau bạc chín tài mười,
Sống lâu ăn mãi của đời về sau.


Kính thưa quí vị, trong chốc lát nữa đây, ông Sang thân yêu của chúng ta sẽ được đưa về nghĩa trang hỏa táng theo di chúc của người, chúng ta thân ái chuẩn bị tiễn đưa người thân yêu vào miền miên viễn.

Trong tinh thần ca ngợi, một công nghiệp hoàn thành, một cuộc đời đáng sống. Chúng ta kính cẩn cầu chúc Hương Hồn người quá cố nghe Thanh Thúy ca bản nhạc cuối cùng để kỷ niệm với ông Sang ngày chia tay vĩnh biệt.


Melbourne 30-10-1997
Trần Văn Quản
(Kim Oanh Lưu Niệm)


Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Đắm Say Hoa

(Ngày Mới - Kim Oanh)

Hoa quá đẹp lòng người say đắm
Cánh nở tung như đốt pháo bông
Hồn muốn bay lên trời cao vút
Cùng gió mây theo kiếp bềnh bồng

Locphuc

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Tình Xanh


(Tình Xanh - Hoà Lê )

Đề Thơ:
Tình Xanh


Ai bảo cỏ cây không biết yêu?
Bến sông hãy ghé lúc trời chiều
Lá thắm, cành xanh đang ngả ngớn
Sóng tình dường muốn cũng xiêu xiêu*


*Truyện Kiều:
"Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi"

Hoàng Xuân Thảo
***
Tình Xanh


Hai lòng cách bởi dòng sông
Mắt lưu luyến mắt giọt long lanh sầu
Tình xanh đẫm lệ mưa Ngâu
Vẫn không nối được nhịp cầu tương giao.


Kim Oanh

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Thu Tha Hương



Mở rộng cửa đón làn nắng mới
Gió mơn man quyện với tiếng chim
Ve sầu ra rả giờ im
Heo may phơn phớt Thu tìm đến đây

Chậu Cúc thắm vàng hây hây thẹn
Ong bướm kia không hẹn mà bay
Vườn sau, lá bắt đầu thay
Sóc nâu đùa giỡn chào ngày nắng Thu

Nhà mình ở trong khu yên tỉnh
Xa phồn hoa, thanh tịnh tâm an
Nơi đây nắng ấm chói chan
Thu về thi hứng, miên man tìm vần...

Bồi hồi nhớ ngày tân khổ đó
Bể dâu nào nhuộm đỏ giang san
Ai xui chi cảnh hàng tan
Ra đi là hết, hai hàng lệ rơi

Không muốn nhắc , sợ khơi nỗi nhớ
Dân Việt mình khổ sở nhiễu nhương
Bao năm ta sống ly hương
Dẫu rằng an phận, nghĩ thương đồng bào

Ôi vận nước, nỗi đau chất ngất
Cánh chim bằng đã mất đường về
Quê hương, đành lỗi câu thề
Trách nhiệm, nghĩa vụ bên lề...còn chi!

Vô thường đó, có gì tư lự
Vô sắc nầy, vô sự, vô không
Hạc già nghĩ mãi chưa thông
Chỉ mong nước Việt non sông thái bình...

Duy Anh
Orlando FL Vào Thu
20/10/2019

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Như Nhiên

Tưởng nhớ Ngày Cửu Cửu anh Cao Linh Tử.
Nguyện cầu Chơn Hồn  anh cuối cùng được đưa đến Cung Diêu Trì (Cửu thứ Chín) ở từng Trời Tạo Hóa Thiên. 


Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh

***
Tuần Cửu:
Tuần Cửu là khoảng thời gian 9 ngày và cứ lập đi lập lại đủ 9 lần như thế.
Đối với người mới chết, Phật Giáo cho làm Tuần Thất, còn Đạo Cao Đài thì cho làm Tuần Cửu. Một tín đồ Cao Đài (giữ trai kỳ đủ 10 ngày), sau khi chết, đuợc làm Tuần Cửu tại Thánh Thất sở tại với nghi thức đặc biệt, ấn định trong Nghi lễ của Đạo Cao Đài. (Trích từ Net)

Đời Sống Mới




Tám Mốt ngày qua hẳn đã yên
Vĩnh Hằng hạnh phúc chẳng bi phiền
Một đời sống mới trong thanh tịnh
Lòng nhẹ nhàng vui bước thản nhiên.

Kính nén hương trầm khấn nguyện anh
Bồng Lai một cõi giấc mơ lành
Trời trong mây trắng sen đua nở
Đẹp tựa Tháp Mười xanh biếc xanh.


Kim Oanh
2019

Thơ Tranh: Tiễn Bạn


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Mưa Đêm - Lệ Mưa



Bài Xướng:
Mưa Đêm

Mưa đêm rỉ rả buồn côi
Mãi nằm thao thức buồn trôi dòng đời
Mưa đêm gợi nhớ một thời
Chụm đầu tâm sự, hiên ngồi đợi mưa
Nằm buồn lại nhớ chuyện xưa
Tiếng mưa réo rắc, gió đưa nhạc lòng
Chắc là em hết còn mong
Chắc là hy vọng trôi dòng theo mưa


Phan Lương
***

Bài Họa: 
Lệ Mưa

Đóa sầu héo hắt đơn côi
Xứ xa buồn ngóng dòng trôi tuổi đời
Canh thâu vọng nhớ về thời
Nhà dột Ba Má đứng ngồi hứng mưa
Tìm đâu mái ấm ngày xưa
Tiếng má ru ngủ đong đưa tạc lòng
Lục ngăn ký ức hoài mong
Tim đau nức nở thành dòng lệ mưa


Kim Oanh

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Đêm Lạnh



Bài Xướng:
Đêm Lạnh

Ta đợi đến tàn canh
Gió khuya lay động mành
Sương trời giăng phủ kín
Giấc mộng chừng mong manh
Em nhớ chăng lời hẹn
Đêm chờ chỉ có anh
Chơi vơi trong lặng lẽ
Như chiếc lá xa cành. 

Quên Đi
***

Bài Họa:

Hạnh Ngộ


Đêm tàn sắp điểm canh
Ánh nguyệt loáng qua mành
Soi dáng người em nhỏ
Lạnh vai áo mỏng manh
Vườn khuya ai bước nhẹ
Mình gặp phải không anh
Hạnh phúc tràn tâm sự
Niềm vui chín rộ cành

Kim Oanh

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Trại Tị Nạn Galang - Indonesia 1983

(Thầy Peter Dương Bá Hoạt)

Những tháng ngày tại Trại Tị Nạn Galang (Indonesia) ... Sìster Innes dẫn Thầy Peter (Trưởng nhóm các Thầy và các Soeurs Việt Nam) đến Ty Cảnh Sát Trại Tị Nạn lấy Bằng Lái Xe YAMAHA để sử dụng cà công tác trong trại Galang1 &2  
Ban sáng chở Sister đi công tác Xã Hội, chiều đi công tác Mục Vụ Muc Vu. 
Cha Tuyên Úy Trại Tị Nạn là Guildo Dominici: Dòng Tên có 2 xe,  1 Vespa và 1 xe Yamaha nay 
Thời gian 07 / 1983 - 03 / 1984.

L.M Peter Dương Bá Hoạt  

Thơ Tranh: Cô Giáo Và Học Trò


Thơ: Locphuc
Thơ Tranh: Kim Oanh


Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

Mừng Sinh Nhật Anh Duy Anh


Anh Duy Anh kính mến.
Cảm ơn anh chia sẻ niềm vui và nụ cười trong ngày mới của anh, Chúc anh Sinh Nhật hạnh phúc và dồi dào sức khoẻ nha.

Tự Tin Quá

Tóc bạc nhưng mình chẳng nhuộm đen
Bạch kim óng mượt mướt ra nghen
Về già đẹp lão bao người thích
Lúc trẻ xinh trai lắm kẻ khen
Thất thập bây giờ còn tất bật
Trăm năm sắp tới hết bon chen
Hôm nay sinh nhựt trông tươi rói
Hậu duệ nhìn vào chớ có ghen...

Duy Anh
19/10/2019
***
Mừng Sinh Nhật Anh Duy Anh

Thất thập chúc anh mãi tự tin
Lời thơ lãng mạn đẹp ân tình
Cuộc đời rực sáng bình minh
Hạnh phúc nồng ấm lung linh nến hồng

Kim Oanh

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Trằn Trọc...

(Tranh: Họa Sĩ Nguyễn Tường Lân)

Đề Thơ:
Trằn Trọc...


Trằn trọc năm canh chẳng quạt hầu
Trăng tà thao thức bởi vì đâu
Gối chăn lạnh lẽo sầu hiu quạnh
Dõi nhớ người xa mãi tuyến đầu!

Kim Oanh
***
Các Bài Họa & Cảm Tác:

Công Hầu

Thân trai giục giã mộng công hầu
Vò võ thân gầy có tiếc đâu
Gấm phủ màn xanh buông quạt quạnh
Ái ân thương nhớ bóng trăng đầu!

Lộc Bắc
Oct19
***
Mộng Dưới Trăng


Quạt nằm bên em, chẳng người hầu!
Tình lang biền biệt mãi nơi đâu.
Trăng xanh quạnh quẽ soi trên gối
Thổn thức mình em giấc mộng đầu!

Mùi Quý Bồng
07 tháng 10 2019
***
Tiếc Thời Niên Thiếu


Nâng niu quý mến mẹ cha hầu
Thuở nhỏ ngây ngô có biết đâu ,
Lún lớn ra đời đơn chiếc quá!
Tiếc Thời Niên Thiếu tóc xanh đầu

LạcThủyÐỗQuýBái
***


Chàng chưa bỏ được mộng công hầu
Chẳng biết đêm trăng này nghỉ đâu?
Bỏ em trằn trọc bao đêm trắng
Mơ được kề vai lẫn tựa đầu.

Hoàng Xuân Thảo
***
1/Công Hầu


Khuyên chàng chớ bỏ mộng công hầu
Thi phận học tài biết được đâu.
Năm tháng nuôi chồng nàng chịu khổ
Vinh quang phú quý vợ công đầu.

2/Người Hầu

Rảnh rang không chịu kiếm người hầu
Duyên nợ ba sanh tránh được đâu.
Sống mới ba năm đà bốn đứa
Cùng nhau đùm bộc vợ đi đầu.

Phí Minh Tâm
***

Chàng đi thiếp không được theo hầu,
Tháng ngày cách biệt bởi vì đâu?
Người chốn phòng the buồn cô quạnh,
Kẻ nơi chiến-trận nhớ ngập đầu,

Đất nước thịnh suy trò thế-cuộc,
Cửa nhà còn mất chuyện bể dâu,
Đất khách quê người nay gặp lại,
Chút thơ xin họa một đôi câu.

Lê Xuân Cảnh
***

Mình em nằm dưới trời cao
Cô đơn thảm thiết biển sao không lời
Vượt biên thuyền anh ra khơi
Em chờ, em đợi suốt đời mình anh

Đồ Cóc

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Thương Tiếc Vị Linh Mục Việt Nam Đầu Tiên Được Thụ Phong Trên Đất Úc - Barthôlômêô Huỳnh San






THÀNH KÍNH PHÂN ƯU


Con xin Thành Kính Phân Ưu đến gia đình và tiếc thương khi Cha Barthôlômêô Huỳnh San sớm ra đi.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Toàn Năng đón nhận Linh Hồn Cha Barthôlômêô Huỳnh San sớm về chốn yên bình và hạnh phúc đời đời.

Hiệp nguyện
Anna Lê Thị Kim Oanh

***

Một kỷ niệm đáng nhớ, năm 1981 tại Thánh Đường St. Joseph's Roman Catholic, Collingwood. Cha Bart. Huỳnh San đã làm phép Thánh Tẩy cho con, để lần đầu con được trở thành con chiên của Chúa.

Link Ngày:

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Bên Nắng Xuân Về


Bên nắng xuân về đẹp ý thơ
Vườn thi ca nở đóa hoa thơ
LONG HỒ tao ngộ văn chương khách
OANH PHƯỢNG giao hòa tiếng nhạc thơ
Trăng nước mây trời say lối mộng
Lầu Hoàng bóng hạc vọng hồn thơ
Chim xa về đậu chung cành Việt
Lảnh lót khơi nguồn vạn tứ thơ.

Bằng Bùi Nguyên

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Xuân Trước Ngõ

(Mùa Xuân Trước Ngõ-Kim Oanh)

Mùa xuân trước ngõ nhà em 
Tím, xanh, vàng, trắng, yến oanh hót chào 
Nhìn hoa lòng bỗng nao nao 
Mong xuân còn mãi dạt dào với Oanh!

Locphuc

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Biển Vắng Tình Em - Nén Thầm


(Họa Sĩ Nguyễn Sơn)

Xướng:
Biển Vắng Tình Em

Biển vắng van khóc âm thầm
Hải âu khàn gọi biệt tăm bóng người
Tình em nức nở tàn hơi
Thiên thu hoá đá mộng đời trăm năm!


Kim Oanh
Melbourne 9/2019
***
Bài Cảm Tác:

Nén Thầm

Văng vẵng đâu đây tiếng khóc thầm,
Cho tôi ve vuốt nhẹ tình thâm.
Khàn khàn tiếng lụn vơi tàn đứt,
Nhứt nhối âm than chực nổ sầm.

Hồ Nguyễn

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Trằn Trọc...

(Tranh: Họa Sĩ Nguyễn Tường Lân)

Đề Thơ:
Trằn Trọc...


Trằn trọc năm canh chẳng quạt hầu
Trăng tà thao thức bởi vì đâu
Gối chăn lạnh lẽo sầu hiu quạnh
Dõi nhớ người xa mãi tuyến đầu!

Kim Oanh
***

Họa Sĩ:Nguyễn Tường Lân (1906-1946)


Nguyễn Tường Lân (1906-1946): là họa sĩ Việt Nam, một trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". 
Nguyễn Tường Lân học khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928-1933). Sau khi tốt nghiệp, ông mở xưởng vẽ tại Hà Nội, nổi tiếng với đầy đủ tiện nghi và những người mẫu đẹp. Thuần thục hầu hết các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu, chì than, Nguyễn Tường Lân đã sáng tác nhiều tác phẩm, tuy nhiên cho đến nay, rất ít ỏi các tác phẩm của ông còn sót lại.

Tuổi Cài Trâm


(Tranh - Mùi Quý Bồng)

Đề Thơ: Tuổi Cài Trâm

Ngây thơ em xõa tóc thề
Trở thành thiếu phụ vụng về cài trâm
Soi gương lòng những rối thầm...
Chẳng biết ai đó có trầm trồ khen!

Kim Oanh

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Bài Cho Kim Oanh - Nỗi Lòng...



Bài Xướng:
Bài Cho Kim Oanh


Người chào buổi sáng Úc Châu
Tôi ngồi đây suốt canh thâu... nhớ người
Chúng mình dẫu cách đôi nơi
Vẫn yêu dấu một bầu trời Việt Nam!

Hồ Khiên
5-10-19
***
Bài Họa:

Nỗi Lòng....


Cám ơn buổi tối Mỹ Châu
Nỗi lòng trăn trở suốt thâu tình người
Dù ai xa xứ khắp nơi
Vẫn là con cháu của trời nước Nam

Kim Oanh
6/9/2019

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Yêu Thơ



Xướng: Yêu Thơ

Vốn số trời sinh đã thích thơ,
Lúc ngây ngơ ngốc đến bây giờ.
Vo ve tiếng gió như nguồn hứng,
Tí tách mưa nguồn tợ suối mơ.
Tối ngắm dáng trăng nghe Cuội gọi,
Đêm về mây nhớ bóng Hằng chờ.
Yêu thơ từ thuở xinh mi mắt,
Nay vẫn mê khi tóc bạc mờ.

Hồ Nguyễn
(17-9-2019)
***
Họa: Yêu Thơ

Cái thời trổ mã đã yêu thơ
Từ thuở mi nhon đến tận giờ
Lãng mạn đôi câu tìm cảm xúc
Thẩn thờ vài vận đắm say mơ
Bồn chồn câu chữ người trông ngóng
Ngớ ngẩn bút nghiên kẻ đợi chờ
Ý đẹp tràn dâng vương ánh mắt
Vì thơ thao thức nguyệt xa mờ.

Kim Oanh

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Tre Khóc Măng

Anh Hai Công Trần Kính mến.
Út Kim Oanh xin được đồng hành và chia sẻ nỗi đau mất mát cùng gia đình qua bức Tranh Thơ anh tiễn đưa Người con trai của anh ra đi. 
Nguyện cầu Hương Linh Anh Trần Phát Vinh được an nghỉ thảnh thơi và sớm về Cõi Niết Bàn.
Thành Kính Phân Ưu.


Thơ: Lão Mã Sơn/Trần Gò Công 
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Con Chữ Với Nhà Thơ - Thương Tình - Mơ Thơ...



Con Chữ Với Nhà Thơ

Từng chữ, từng chữ, chúng lén ra đi
Chẳng một lời thầm thì
Giã biệt ông già cô độc
Đang thẫn thờ về cảnh chia ly!

Có đứa đôi khi trở về
Có nhiều thêm những đứa ra đi
Ông già ngồi bất lực
Nhớ nhung như nhớ tình nhân
Buổi xuân thì


Những đứa con tinh thần
Sao không trở về?
Ông già ngồi thẫn thờ
Ta chẳng còn gì
Cả những đứa con thâm tình
Cũng bỏ ta đi!

Rồi chúng rủ nhau đi ồ ạt
Chẳng thèm vẫy tay giã từ
Chẳng dành tia mắt nhìn lưu luyến
Như một thời chúng còn ngây thơ

Để nhà thơ già ngồi thẫn thờ
Đôi mắt vô hồn
Trong nắng chiều phai nhạt
Với bóng tối loang dần hoang vu.

Locphuc
***
Thương Tình


Thoảng nghe tiếng thở than
Tiếng keyboard lọc cọc
Buồn hiu nghe muốn khóc
Nàng Thơ ghé hỏi han:

-Ông ơi sao buồn thế
Ngồi nhớ ai thẫn thờ?
-Không, tôi chỉ nhớ thơ
Tôi nhớ từng con chữ

Thấp thoáng từng con chữ
Lũ lượt rủ nhau về
Cùng nhà thơ bầu bạn
Bớt sầu đời ủ ê

Yên Nhiên
***
Mơ Thơ...


Phương xa có tiếng thở than
Phương này vài chữ hỏi han đôi lời
Đang ngủ lồm cồm thức thôi
Cùng chia vài vận cho vơi thẩn thờ
Yên lòng đừng sợ đợi chờ
Tuy xa nhưng chẳng bơ vơ một mình
Trong tâm đầy ấp thi tình
Mở tim yêu sẽ thấy hình bóng thơ
Tri Kỷ say đắm thẫn thờ.....
Đêm sâu gối mộng giấc mơ nhị trùng...

Kim Oanh
***
Còn Bạn Còn Thơ

Bẩy sắc cầu vồng còn mầu tím
Khi chân trời chỉ mầu tím thôi
Là biết chiều vàng đà sắp tắt
Là ánh tà dương lặn dưới đồi 


Con chữ bên nhau bầu với bạn
Kết thành duyên làm thắm xanh đời
Khi con chữ rủ nhau trốn biệt
Đời còn gì ngoài áng mây trôi

Đôi bạn thơ khuyên ta yên trí
Lão thơ ơi xin cứ an vui
Con chữ đi cũng đừng ngậm ngùi
Tim mở cửa là chúng đông đúc

Xin cảm ơn nhị vị tâm thức
Ơn Trời, mình chưa phải hoang vu
Đến tự nhiên , môi nở nụ cười 
Thiếu chữ, nhưng còn bạn thi sĩ!

Locphuc.