Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Lịch sử Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa Và Trường Trung Học Võ Khoa Thủ Đức - Trúc Giang

(Tác giả thân tặng nhà thơ nữ Lê Thị Kim Oanh-Australia)


1* Lễ trình diện Hướng Đạo Quân Đội lên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa


Ngày 16-6-1969, tại đồi 18, là bãi tập chiến thuật trong khu vực huấn luyện của Trường Bộ Binh Thủ Đức, một cuộc cắm trại được tổ chức chu đáo, long trọng để trình diện Hướng Đạo Quân Đội lên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu.

Tham dự cắm trại gồm có hướng đạo của 3 đơn vị là Trường Bộ Binh, Cục Quân Cụ và Hải Quân, đại diện cho Hướng Đạo Quân Đội toàn quốc. Cuộc cắm trại hoàn tất một ngày trước lễ trình diện, các trại sinh ngủ qua đêm tại trại.

Trong dịp nầy, Tổng Thống tuyên bố danh xưng chính thức “Hướng Đạo Quân Đội” của kế hoạch đoàn ngũ hóa Thiếu Nhi Quân Đội, do Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, đã có sáng kiến thành lập.

(Trung Úy Lâm Văn Khanh và Thiếu Tá Nguyễn Tuyên Thùy trước Thiếu nhi Quân Đội)

Tháp tùng Tổng thống có các viên chức chính phủ, Trung Tướng Trần Văn Trung và các quan khách.
Trong dịp nầy, Tổng thống trao cờ huy hiệu hướng đạo chính thức cho trung úy Lâm Văn Khanh, hướng đạo QĐ/TBB, và hai huynh trưởng hướng đạo của Quân Cụ và Hải Quân.
Sau lễ trình diện ngày 16-6-1969, Hội Hướng Đạo Quân Đội được Bộ Giáo Dục và Thanh Niên cấp giấy phép chính thức hoạt động như các đoàn thể thanh niên khác.

Hội trưởng: Trung tướng Trần Văn Trung
Phó Hội trưởng: Đại tá Nguyễn Huy Hùng
Tổng Ủy viên: Đại úy Nguyễn Văn Liễu (Họa sĩ Trịnh Cung)
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được mời làm Hội Trưởng Danh Dự.

2* Diễn tiến hình thành Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa
2.1. Trường Bộ Binh được chọn làm thí điểm thực hiện kế hoạch đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội.


Khoảng năm 1967, Trung tướng Trần Văn Trung cho gọi Trung úy Lâm Văn Khanh, hiệu trưởng trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, xuống TC/CTCT, trung tướng cho biết, Tổng Cục có ý định muốn chọn Trường BB làm thí điểm, thực hiện kế hoạch Đoàn Ngũ Hoá Thiếu Nhi QĐ. Hiệu trưởng trình bày những thuận lợi và khó khăn để tìm cách giải quyết. Thuận lợi là con em quân nhân đã được đoàn ngũ hóa tại các lớp của trường trung học.

Khó khăn căn bản là thiếu huynh trưởng hướng đạo. Quân nhân cơ hữu của Trường Bộ Binh có thể có nhiều người đã từng sinh hoạt trong Hội Hướng Đạo Việt Nam, nhưng thành phần nầy khó sử dụng vì các trưởng phòng, trưởng khối không muốn bị mất người khi cho họ ra sinh hoạt hướng đạo ở trường học.

Một sáng kiến được nêu lên là tạm sử dụng thành phần sinh viên sĩ quan các khóa đang thụ huấn tại TBB. Nói là sáng kiến thì không đúng, vì trường trung tiểu học đã từng nhờ những SVSQ gốc kỹ sư, kiến trúc sư đến trường để vẽ bản đồ xây cất trường trung học. Nhờ những họa sĩ và người có khả năng kẻ chữ thực hiện bản tên các lớp học, vẽ những khẩu hiệu trên tường. Sinh viên sĩ quan là một kho nhân tài thuộc mọi ngành nghề trong xã hội.

Những khó khăn đã được khắc phục. Công việc tiến hành trong thuận lợi.

2.2. Trường Bộ Binh tổ chức trại hướng đạo ra mắt Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị.


(Thiếu tướng Lâm Quang Thơ và Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy *Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh)

Để chuẩn bị lễ trình diện hướng đạo quân đội lên Tổng Thống VNCH, Tổng Cục CTCT đề nghị TBB tổ chức trại để tổng kết thành quả của chương đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội.

Trại đặt tại Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức dưới sự chủ tọa của Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ. Thành phần tham dự gồm có: Đại Tá Đô đại diện Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, Đại tá Tín chỉ huy trưởng Trường Thiết Giáp, đại diện Tổng Cục CTCT, và các sĩ quan trưởng khối, trưởng phòng của TBB.

Phóng viên đài truyền hình và đài phát thanh quân đội cũng được mời đến làm phóng sự. Đài phát thanh quân đội có cuộc phỏng vấn Trung úy Lâm Văn Khanh. Phóng sự được phát hình ngay chiều hôm đó.

3* Hướng đạo Quân Đội Trường Bộ Binh là đơn vị xuất sắc.

Hướng Đạo Quân Đội Trường Bộ Binh là đơn vị xuất sắc vì có nhiều thuận lợi nên sau một thời gian ngắn đã kiện toàn tổ chức, và nội dung sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Hai thuận lợi căn bản là có nhiều huynh trưởng và số hướng đạo sinh đã được đoàn ngũ hóa tại các lớp trung học tiểu học.

3.1. Thành phần HĐQĐ của Trường Bộ Binh

Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh (Trung úy) : Chỉ huy, điều hành tổng quát
Trưởng Võ Văn Hoá (Trung úy): Bằng Rừng ngành Thiếu
Trưởng Phạm Quang Lộc (Thiếu úy): 4 bằng Rừng Ấu, Thiếu, Kha, Tráng
Trưởng Châu Thị Minh (Giáo viên): Bằng Rừng ngành Ấu
Trưởng Hồ Nhị Hoà (Thiết Giáp): Chuyên trách sinh hoạt, văn nghệ.
Trưởng Lê Thành Bé: Bằng Rừng ngành Thiếu, bằng Bạch Mã
Trưởng Ngô Văn Tỏ: Ngành Thiếu.

Ngoài ra, còn một số Trưởng “giai đoạn”, là những SVSQ đang thụ huấn, và các giáo chức đứng lớp, sẽ tham gia khi có tổ chức lớn.

Năm 1970, Trung úy Lâm Văn Khanh biệt phái về Bộ Giáo Dục. Đã về trình diện trường cũ là trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, nhưng liền sau đó có công điện khẩn của Bộ Giáo Dục chỉ thị cho Trung úy Khanh trở về trường Bộ Binh làm nhiệm vụ cũ.

Sau đó được biết Trung tướng Phạm Quốc Thuần, chỉ huy trưởng, đã cử một Trung tá xuống Bộ Giáo dục xin cho Trung úy Khanh trở về Trường Bộ Binh.

3.2. Xuất sắc vì có nhiều huynh trưởng hướng đạo

Nhiều đơn vị QĐ không có những thuận lợi như TBB, cho nên không thể tổ chức thành một đơn vị quy mô được.
Trường Bộ Binh được ưu tiên chọn những chuẩn úy gốc hướng đạo ở lại trường sau khi mãn khóa.
Người đầu tiên được chọn là SVSQ Võ Văn Hoá. Sau khi Trung úy Khanh gặp anh Hóa đề nghị anh ở lại Trường Bộ Binh, sinh hoạt hướng đạo và được anh Võ Văn Hóa chấp thuận, thế rồi TBB gởi Bưu Điệp về Bộ TTM/QLVNCH xin cho đương sự ở lại TBB làm công tác hướng đạo.
Sau đó, SVSQ Phạm Quang Lộc, một huynh trưởng lỗi lạc, có 4 bằng Rừng, và là Trưởng Huấn Luyện viên của Hội HĐ/VN.

Một thuận lợi khác là tại Khối CTCT/TBB đã có hai huynh trưởng hướng đạo “gạo cội” là Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy, trưởng phòng Tâm Lý Chiến, và Trung úy Nguyễn Văn Liễu, họa sĩ Trịnh Cung, thuộc phòng TLC.
TBB còn có một số lượng lớn về huynh trưởng hướng đạo là những Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) đang thụ huấn trong các khoá, tạm xử dụng trong bước đầu.
Khối CTCT và phòng Nhân viên TBB gởi Bưu điệp xuống Liên Đoàn Sinh Viên/TBB, yêu cầu các tiểu đoàn, các đại đội lập danh sách những huynh trưởng của Hội HĐVN, các ca nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc…

Hiệu trưởng Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức phối hợp với các đại đội, để sắp xếp những SVSQ gốc hướng đạo, không đi phép hoặc còn trong thời gian 2 tháng huấn nhục, ra trường học, lập kế hoạch tổ chức, huấn luyện và sinh hoạt với học sinh. Trường BB lúc nào cũng có 2 khoá thường trực, cho nên số SVSQ gốc hướng đạo có khá nhiều.
Những SVSQ ra công tác hướng đạo được xin cho đi phép đặc biệt. Sinh viên sĩ quan hướng dẫn sinh hoạt hướng đạo thích thú hơn vì được trổ tài “nghề cũ” với học sinh, và hơn là phải đi bãi học chiến thuật.

Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức (VKTĐ) là cơ sở để thực hiện kế hoạch đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội. Đội ngũ giáo chức cũng tích cực tham gia vào việc tổ chức, huấn luyện và sinh hoạt hướng đạo chung với các em học sinh.
Số huynh trưởng hướng đạo Trường Bộ Binh là lực lượng hùng hậu nhất, gồm quân nhân của hai trường Bộ Binh và Thiết Giáp. 3 sĩ quan, 6 quân nhân là huynh trưởng của Hội Hướng Đạo Việt Nam trước khi họ nhập ngũ, và sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan, họ ở lại Trường Bộ Binh.
Bộ Chỉ huy hai trường Bộ Binh và Thiết Giáp, cụ thể là hai Khối Chiến Tranh Chánh Trị cũng quan tâm đến tổ chức hướng đạo nầy.

Tóm lại, hướng đạo quân đội Trường Bộ Binh gắn bó chặt chẽ với Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức đưa đến một đơn vị hướng đạo xuất sắc.

3.3. Thuận lợi về việc tập hợp hướng đạo sinh

Tất cả học sinh trung học được khuyến khích phải tham gia sinh hoạt hướng đạo. Các em sinh hoạt tại trường và lớp học với những SVSQ huynh trưởng và giáo chức là thầy cô của mình. Học sinh rất phấn khởi, mặc đồng phục hướng đạo, tham dự những sinh hoạt mới mẻ.

Ông tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng đi điểm danh, cho điểm về sinh hoạt học đường, kỷ luật và hạnh kiểm. Hiệu trường thường xuyên có mặt, khen ngợi, khuyến khích, động viên và cùng sinh hoạt với các em nên tình cảm thân mật thầy trò gia tăng, vui vẻ, gần như bình đẳng.…cho nên khi cần, có thể tập họp ngay hàng trăm học sinh một cách dễ dàng.

Hơn nữa, phụ huynh học sinh là các quân nhân của TBB đã quen thuộc, tin tưởng vào hiệu trưởng và các thầy, cô giáo.

Ở các đơn vị QĐ khác, việc tập hợp con em quân nhân đến họp mặt vào ngày chủ nhật có nhiều khó khăn. Thông thường, Khối CTCT ra một văn thư tổng quát yêu cầu quân nhân các cấp tham gia, cho phép con em đến sinh hoạt ngày chủ nhật. Các em lấy cớ phải học bài thi, bận việc nhà, hơn nữa, một vài trường hợp phụ huynh không an lòng khi cho con em đến họp mặt tại một căn phòng của đơn vị, với sự hướng dẫn của một vài quân nhân vừa mới bổ nhiệm làm công tác hướng đạo, hoàn toàn xa lạ. Đó là những khó khăn mà các đơn vị trình bày trong các buổi họp rút kinh nghiệm và báo cáo diễn tiến của công tác đoàn ngũ hoá thiếu nhi quân đội.

3.4. Tổ chức liên tục các khóa huấn luyện hướng đạo sinh cấp trưởng

Hướng đạo QĐ sinh hoạt dựa trên căn bản của Hội Hướng Đạo VN. Những lớp huấn luyện của HĐ/QĐ/TBB được tổ chức liên tục, đào tạo thành phần học sinh nồng cốt, để “chỉ huy” các đội. Học chuyên môn về hướng đạo, như dựng lều trại, làm bích báo, học nút dây, học 10 điều tuyên hứa HĐ, lửa trại, tập dợt văn nghệ, dựng cổng trại…

Nhà nào cũng có ba lô, poncho, lều vải…Lấy lớp học làm đơn vị, cho nên trong một thời gian ngắn đã ổn định được tổ chức. Tổng số hướng đạo sinh lên đến vài trăm, và khi cần, có thể trình diện tất cả học sinh các lớp, lên đến trên 300 em, mặc đồng phục hướng đạo, khăn quàng, và đầy đủ cờ các loại, lớn nhỏ của mỗi lớp.

Hướng đạo quân đội là sáng kiến của Trung tướng Trần Văn Trung. Khi trung tướng làm chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh, ông đã gợi ý cho hiệu trưởng, trung úy Lâm Văn Khanh, thực hiện tổ chức đoàn ngũ hóa con em quân nhân ở trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.

Hướng đạo quân đội góp phần giáo dục con em quân trong sinh hoạt tập thể, để phát triển toàn diện con người tương lai cho đất nước.

4*. Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức

4.1. Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức


Hướng đạo quân đội không thể tách ra khỏi trường trung tiểu học được.

Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức đóng góp vào việc chăm sóc và giáo dục con em quân nhân các trường Bộ Binh, Trường Thiết Giáp, Trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, Đại đội 831 Quân cụ và dân chúng trong khu vực TBB.


Trường Trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức có 30 lớp tiểu học và 14 lớp trung học, từ mẫu giáo đến lớp 12, với tổng số học sinh trên 2,000.

Nhà trường và gia đình hợp tác chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục con em quân nhân. Một Hội Phụ huynh học sinh do Đại tá Trần Văn Cường, Chỉ huy phó TBB làm Hội trưởng. Sau đó, Trung tá Đỗ Nguyên Tụ, Trưởng Khối Quân Huấn TBB, giữ chức vụ Hội trưởng.


Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, một tay quần vợt (Tennis) chuyên dợt banh cho các chỉ huy trưởng Lâm Quang Thơ và Phạm Quốc Thuần, cho nên có những khó khăn, “nhạy cảm” đã vượt hệ thống quân giai, mà đi đường tắt, từ trên xuống dưới.


4.2. Trường Tiểu học Quân Đội


           

             (Hiệu trưởng đứng bên trái. Các cô giáo tiểu học)


Trường Tiểu học QĐ Võ Khoa Thủ Đức được thành lập năm 1963, dưới thời Đại tá Lam Sơn làm Chỉ huy trưởng. SVSQ khóa 13 góp tiền xây dựng trường tiểu học để lưu niệm sau khi mãn khóa. Trường tiểu học thuộc hệ thống Văn hoá QĐ do Cục Xã Hội quản lý. Giáo viên do Cục Xã Hội tuyển dụng dưới hình thức nhân viên dân chính Bộ Quốc phòng. Lương bổng do ngân sách Bộ QP đài thọ. Trường tiểu học có 30 lớp, từ mẫu giáo đến lớp năm bậc tiểu học. Tổng số học sinh trên 1,500, học buổi sáng và buổi chiều.

Trước năm 1966, học sinh lớp năm tiểu học phải qua kỳ thi tuyển vào trường Trung học Thủ Đức thuộc khu vực thị trấn quận Thủ Đức. Vì Trung học công lập Thủ Đức có số lớp hạn chế, cho nên đa số học sinh thi rớt vào lớp đệ thất (Lớp sáu) phải học tư thục hoặc bán công ở ngoài Thủ Đức.

Trường BB có một xe GMC “cải tiến”, có những hàng ghế cho học sinh ngồi, có cầu thang bước lên xe, mỗi ngày 4 chuyến chạy ra, chạy về để chở một số ít học sinh ở trường công lập Thủ Đức. Đa số học sinh khác, học tư thục phải đóng học phí hàng tháng, đi về bằng xe lam, vừa tốn tiền vừa nguy hiểm, vì phải băng qua ngã tư xa lộ Thủ Đức-Biên Hòa, không có đèn điều khiển giao thông. Tai nạn xảy ra khá nhiều.

4.3. Lập trường trung học Võ Khoa Thủ Đức


      (Phát phần thưởng cho học sinh lớp 12 * Hiệu trưởng Khanh)

     

Trung úy Khanh mang phần thưởng để Trung tướng Phạm Quốc Thuần trao cho học sinh. (Tr/u Khanh lùi lại phía sau)


Trước đó, chưa có ai nghĩ đến việc phải tìm cách lập cho được một trường trung học trong khuôn viên trường BB cả. Năm 1966, tôi được cử ra làm hiệu trưởng tiểu học. Ở cấp bậc chuẩn úy không có nhiều quen lớn, nhưng vẫn nuôi ý định đó.


Một sự tình cờ.


Tôi gốc giáo chức. Được biết ông Nguyễn Thanh Liêm, hiệu trưởng Pétrus Ký, vừa mới vào thụ huấn trong TBB. Tôi chưa quen biết ông. Nhưng tôi làm tờ trình xin phép cho ông đi công tác mấy ngày, với lý do là xuống Bộ Giáo dục xin sách giáo khoa. Tôi chở ông về tận nhà trong trường Petrus Ký để nghỉ phép. Hai ngày đi phép thường lệ cộng với 3 ngày công tác, như vậy là ở nhà 5 ngày. Không có xin sách giáo khoa gì cả.


Sau đó, không còn liên lạc gì nữa. Đến khi ông được cử làm Thứ trưởng Giáo Dục, phụ trách Trung Tiểu học, thì tôi tìm đến nhờ giúp đỡ. Cũng may, lúc đó, một quy chế mới vừa được ký, chưa phổ biến rộng rãi. Thế là trường BB được thành lập một trường trung học công lập theo quy chế “Trường Tỉnh Hạt”. Tức là địa phương tự lo xây cất phòng ốc, trang bị bàn ghế và các dụng cụ cần thiết, Bộ Giáo Dục chỉ cử giáo sư đến dạy mà thôi.


Năm học đầu tiên 1966-1967, với 2 lớp đệ thất (Lớp 6) được khai giảng để thu nhận tất cả học sinh lớp năm tiểu học.


Phụ huynh rất tán thành.


Trường trung tiểu học tổ chức chu đáo, nề nếp, kỹ luật cho nên con em quân nhân ở những đơn vị khác, nhưng có nhà trong khu vực Chợ Nhỏ, Cư Xá Kiến Thiết ở ngã tư xa lộ, xin vào học, một phần cũng vì sẽ đương nhiên vào trung học công lập. Theo quy chế các trường công lập, một kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất được tổ chức, nhưng tất cả học sinh đều được thu nhận.


Bộ Chỉ Huy TBB cũng thường hướng dẫn những phái đoàn đến viếng trường Võ Khoa Thủ Đức, xem như một công tác phục vụ gia đình quân nhân. Phái đoàn do Trung tướng Thái Lan viếng thăm, phái đoàn cố vấn Mỹ, các nhóm VC hồi chánh và tù binh VC thăm trường, để thấy chế độ VNCH chăm sóc đời sống quân nhân như thế nào.


Một lần, nhân dịp phái đoàn Bộ Giáo Dục, do Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh hướng dẫn, với giáo sư Đỗ Bá Khê, Viện trưởng Đại học Sài Gòn, các Tổng giám đốc và Giám đốc các ngành của bộ GD, đến nói chuyện với các giáo chức đang thụ huấn trong trường BB, là Bộ Giáo Dục sẽ can thiệp cho giáo chức được biệt phái về các trường cũ sau khi mãn khóa học. Trung tướng Phạm Quốc Thuần hướng dẫn phái đoàn ra viếng trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.

Sau khi nghe hiệu trưởng thuyết trình về công tác giáo dục con em quân nhân, sinh hoạt hướng đạo QĐ, và việc góp phần xây dựng các lớp học, theo đà phát triển của mỗi năm học, ông Tổng Trưởng Ngô Khắc Tĩnh ghé về phía sau nói nhỏ với Tùy viên là Anh Trừ gì gì đó…

Sau đó mới biết là đề nghị thưởng huy chương Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh Đệ Nhị Hạng cho hiệu trưởng và tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng.


Một vài "thành tích" để được ban thưởng huy chương.


Theo quy chế của loại “Trường Tỉnh Hạt”, thì địa phương phải lo xây cất phòng ốc, trang bị bàn ghế và các dụng cụ…Bộ Giáo Dục chỉ cử giáo sư đến dạy. Theo đà phát triển, thì mỗi năm phải có hai phòng học.

Vào một năm đó, hiệu trưởng, tổng giám thị, 3 binh sĩ của trường, và năm ba em trai lớp lớn, tình nguyện việc xây phòng học.

Các sinh viên sĩ quan đang thụ huấn, là kiến trúc sư, kỹ sư, tính toán, liệt kê số lượng vật liệu xây dựng.


Hiệu trưởng, tổng giám thị, học sinh đi mua gạch. Lò gạch nằm trong khu vực bảo vệ an ninh của Trường Bộ Binh, để ngăn chặn Việt Cộng về đòi tiền thuế. Lò gạch bán giá hạ. Nhờ sự giới thiệu của phụ huynh học sinh là, Trung tá Mạch Văn Trường, Quận trưởng Thủ Đức, giới thiệu, nên kỹ sư giám đốc Xi Măng Hà Tiện tặng cho 50 bao xi măng. Cột nhà làm bằng những ống đạn đại bác 105 ly, đường kính khoảng 10cm, hàn dính lại. Anh tổng giám thị thuê hai thợ hồ và một thợ mộc xây dựng.


Hai phòng học xây xong với chi phí thấp nhất của Trường Bộ Binh.

Về việc phát phần thưởng mỗi năm cho học sinh, hiệu trưởng đến xin sách của nhà Khai Trí, Sống Mới, xin vải của các hãng dệt Sicovina, hãng dệt Vimytec, trong quận thủ Đức. Hãng Vimytec tặng 200 mét vải kaki xanh để học sinh may đồng phục. Số phần thưởng rất có giá trị. Nhiều em gái bê không nổi phần thưởng của mình, gồm một tự điển, 30 tập 100 trang, một cặp da…

Sau khi nhận quà của các nơi, trường học làm tờ trình để Đại tá Tham Mưu Trưởng, thừa lịnh Chỉ huy trưởng gởi thơ cám ơn. (Để năm sau xin tiếp).


Một kỷ niệm lý thú.


Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh đến Bộ Giáo Dục đề nghị huy chương Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh cho Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng Phạm Quốc Thuần. Giám đốc Nha Nhân Viên cho biết, theo thủ tục, phải lập bảng đề nghị nêu rõ thành tích. Đương nhiên là phải có thành tích cụ thể để Tổng trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh chấp nhận, và chuyển sang cho Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký.


Nhưng ai lập bảng đề nghị đây? Người liên hệ có thẩm quyền, chỉ có hiệu trưởng. Thế là trung úy Lâm Văn Khanh lập tờ trình về thành tích giáo dục của Trung tướng. 

Bộ Giáo Dục trình qua cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký tên vào huy chương. Có lẽ, trong các vị tướng VNCH, chỉ có Trung Tướng Thuần là có huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh mà thôi.


Một chuyện vui vui.


Một bà phụ huynh đến nói với hiệu trưởng: “Thằng con của tôi lúc nầy hư hỏng lắm. Nó không nghe lời dạy của cha mẹ, mà cứ nghe lời dụ dỗ của mấy đứa cà chớn, cà cháo bên ngoài. Tôi nhờ thầy khuyên nhũ nó, tôi biết nó chỉ nghe lời thầy mà thôi! ”


Một hôm, hiệu trưởng vào thăm lớp hai. Thấy một học sinh đứng trên một góc lớp, liền hỏi: "Em làm gì mà đứng ở đây?"

-Thưa thầy, cô giáo hỏi em, ai ăn cắp cái nỏ thần của An Dương Vương, em không biết.

- Mấy em có cái tật bao che cho nhau. Em biết bạn nào lấy thì nói cho cô giáo biết để khỏi bị phạt.


5* Sinh hoạt của hướng đạo sinh và học sinh trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức

5.1. Tập Thái cực đạo


Đến giờ thể dục của các lớp, học sinh xếp hàng ngang ngoài xa trước sân trường, mặc đồng phục võ sinh, được các huấn luyện viên của Trường Vũ Thuật do Trung tá Nguyễn Văn Cư, Chỉ huy trưởng, cử ra trường học huấn luyện Thái Cực Đạo cho học sinh. Những “sư phụ” đai đen nhiều đẳng cấp như Thầy Thoòng, Thầy Thuyên…đều có con học tại trường, nên ủng hộ hết mình trong chương trình rèn luyện thể dục, song song với đức và trí dục.

Trung tá Cư, Chỉ Huy Trưởng Trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, chủ toạ các kỳ thi lên đai và ký tên vào các Quyết định thăng cấp cho học sinh.

Đa số học sinh Võ Khoa Thủ Đức đều mang đai nâu.


Một số mang đai đen có tên như sau:

Nguyễn Phương Thành. Con của Thượng sĩ Nguyễn Phương Hậu, Khối QH/TBB. Nguyễn Phương Thành là học sinh Đai đen Thái Cực đạo đầu tiên của trường Trung học Võ Khoa Thủ Đức. Em phụ tá huấn luyện viên võ thuật trong những giờ tập của các lớp.

Huỳnh Anh Tuấn. Con của Trung tá Huỳnh Hữu Hương, LĐSV/TBB

Dương Hiếu Nghĩa, Huỳnh Minh Trương, Trương Thị Minh Lang, và đặc biệt là Vũ Thị Dung, sau lên đến Đệ tam đẳng huyền đai, làm huấn luyện viên TCĐ.


        https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQdFifV1UXBnNJXcP6YZqGmU_RmzQe8p6mrpQ1dtKk7SA6w_x3p F:\IMG_4340.JPG

Học sinh tập Thái Cực Đạo* Trung úy Khanh, đai nâu Thái Cực Đạo

5.2. Sinh hoạt văn nghệ


Học sinh và hướng đạo sinh trường Bộ Binh rất xuất sắc về văn nghệ. Do có nhiều huynh trưởng có khả năng về kịch, vũ, hướng dẫn. Nhưng đặc biệt là Ban Quân Nhạc của TBB, do nhạc sĩ Anh Hoa làm trưởng ban, đã cho ban nhạc tập dợt các màn đơn ca, đồng ca.

Trưởng Phạm Quang Lộc có thân tình với Trung tá Vũ Quang Ninh, Giám đốc đài Truyền hình Quân Đội, có lẽ cùng là hướng đạo với nhau, để đưa toán văn nghệ của HĐQĐ/TBB lên trình diễn trong chương trình của đài. Mỗi lần tham gia được nhận 60,000 đồng. Tất cả rất vui thích vì được lăng xê trên đài truyền hình. Bề mặt bên ngoài rất nổi, nhưng phẩm chất bên trong vẫn ưu hạng.

Chỉ vất vả cho thầy cô giáo và các huynh trưởng HĐ. Phải tập dượt, xin xe chuyên chở, đi theo hướng dẫn và kiểm soát, viết bản phân cảnh, lời giới thiệu giao cho đạo diễn và Cameraman của đài truyền hình.


Về sinh hoạt học đường, trường Võ Khoa Thủ Đức tham gia các trại hợp bạn với các trường trung học khác trong tỉnh Gia Định, Võ Khoa Thủ Đức luôn luôn chiếm nhiều giải về thi đua văn nghệ, bích báo, thi đua dựng lều và trang trí trại. Đặc biệt là đội nữ trung học VKTĐ đoạt giải thi đua kéo dây. Những nữ sinh đai đen Taekwondo “xuống tấn” rồi bất ngờ dùng “bí quyết kéo dây” hạ đối thủ. (Bí quyết kéo dây, là các em phía sau xuống  tấn, giữ sức. Các em phía trước thả dây trong tích tắc, các nam sinh mất đà, tức khắc, nữ sinh VKTĐ kéo mạnh nên thắng cuộc). Các nam sinh “bự cồ” của các trường ven đô như Giồng Ông Tố, Long Thành Mỹ… thuộc về nông thôn, bị thảm bại.


6* Phụ huynh học sinh Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức


Sĩ quan cấp Thiếu úy, Trung úy thì đa số có con em chưa đến tuổi đi học.


1). Phụ huynh cấp Đại tá.


Các đại tá : Trần Văn Cường, Đào Đức Chinh, Trần Bá Thành, Trầm Kim Đại, Đỗ Trọng Thuần, Bùi Quang Nhơn (Phủ Đặc ủy Tình báo), Lều Thọ Cường (Một trung đoàn trưởng của SĐ 25BB)


2). Phụ huynh cấp Trung tá


Phạm Hữu Mân, Vũ Trọng Mục, Mạch Văn Trường (Quận trưởng quận Thủ Đức, sau lên chuẩn tướng), Lưu Văn Mười, Phạm Văn Bê, Nguyễn Tài Trí, Đỗ Nguyên Tụ, Huỳnh Hữu Hương, Phạm Hữu Tấn, Hà Hữu Viên, Hấu Cắm Pẩu, Phan Văn Thơm, Nguyễn Văn Dục, Lê Văn Lạc,, Nguyễn Đại Tâm, Ngô Văn Sự, Lê Văn Tỵ, Nguyễn Văn Nhàn, Ngô Huy Thăng, Vũ Thái, Bùi Huy Bổng…


3). Phụ huynh cấp Thiếu tá


Phan Tấn Mỹ, Bùi Duy Điền, Hoàng Chương, Phan Tiến Tô, Nguyễn Ngùy…
Những học sinh theo cha mẹ di tản năm 1975, có nhiều em đang giữ những chức vụ quản lý trong một số công ty lớn.
Một thành công của gia đình trung tá Bùi Huy Bổng, định cư ở PA, là 5 đứa con trai, học sinh Võ Khoa Thủ Đức, một là giáo sư đại học, hai nha sĩ, hai bác sĩ.
Nhà trường và gia đình học sinh hợp tác chặt chẽ với nhau vì cùng ở chung trong doanh trại quân đội. Suốt mười năm làm hiệu trưởng, tôi biết tên từng học sinh, từ lớp một đến lớp 12 và gặp gỡ phụ huynh học sinh hàng ngày.

Thỉnh thoảng nghĩ lại cũng cảm thấy vui vui, vì mình đã làm được vài điều có ý nghĩa.

Trúc Giang

Visconsin ngày 7-4-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét