Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn!

 

Hôm nay là ngày thứ tư 14/2/2024, mùng 5 Tết Giáp Thìn.
Tôi chào năm mới Giáp Thìn, chào bạn-ta, chào một năm mới dồi dào sức khỏe, tràn ngập niềm vui, đến với mọi người! Cung chúc tân xuân!

Trong 12 con giáp, Rồng là vật đặt biệt nhất : một con vật không giống ‘’ai’’: đầu lạc đà, sừng hươu, mình rắn, vảy cá ( cá hóa long ), chân hổ , móng ưng , không cánh mà (biết )bay vv Đã thế, Rồng còn là con vật, tuy phát xuất từ Tàu, nhưng có quốc tịch Việt Nam. Người Việt tự xưng là ‘’Con Rồng, cháu Tiên’’. Rồng là dòng Lạc Long Quân, Tiên là nối tiếp Âu Cơ . Huyền thoại sử ta, ngay từ đầu đã là ‘’Rồng’’. Cha Rồng mang 50 con xuống biển, mẹ Tiên dắt 50 đứa lên non. Gọi huyền thoại nhưng chuyện lại có thật mấy ngàn năm sau. Khi hàng triệu đứa con Việt Nam xuống biển đi tìm Tư Do !

Người Tàu gọi vua là Thiên tử : con Trời. Trời số một, con Trời số 2. Nhưng vì Trời vô hình, nên con Trời mới đúng là số một! Vua là số một, trừ ‘’Vua cỏ’’ ở các quốc gia Quân Chủ Lập Hiến ( Charles 3 chẳng hạn ) . Chim là loài động vật duy nhất ‘’trên’’ trời. Nhưng vì bé bỏng quá nên người ta chọn Rồng , dù không có thật, làm biểu tượng Vua. Bởi Rồng thì .. oai lắm, ngon lành lắm ! Nó vừa to, vừa khỏe, vừa giỏi võ, vừa biết uốn éo .. nhảy đầm, mà lại nhảy đẹp ( đẹp như rồng bay, phượng múa ). Chả thế mà nó là thủ lãnh nhóm Tứ Linh : Long, Ly (Lân), Quy, Phụng.

Là biểu tượng của Vua , nên những gì liên quan đến ‘Bệ Hạ’’ đều có ‘’Long’’ đi kèm. Cung điện, đền đài, đồ dùng Vua chúa đều được trang trí với hình rồng. Nhất là từ triều đại Gia .. Long

Dù chịu ảnh hưởng Trung quốc nhưng ở Việt Nam, rồng chỉ được chọn làm biểu tượng Vua có lẽ từ thời Lý (?). Khi vua Lý Công Uẩn thiên đô từ Hoa Lư về Đại La, đêm mộng thấy rồng bay lên trời nên đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Có rồng lên thì cũng có rồng xuống. Như vịnh Hạ Long, như chùa Long Giáng ( được Khái Hưng mang vào tác phẩm đầu tay ‘’Hồn Bướm Mơ Tiên’’ ( chuyện tình Lan & Ngọc ) , như cầu Long Biên ( tích ‘’ rồng giao nhau ‘’ ?)

Thật ra, ‘’long’’ không chỉ có nghĩa là ‘’rồng’’, mà , tùy theo chữ viết, có nhiều nghĩa khác

Tự điển Thiều Chửu ghi: 


Trong đó ,‘’Long’’ chữ đầu (12 nét) có nghĩa là Thịnh và chữ cuối ( 16 nét) = Rồng  

( Nguồn: Sưu tầm của H.K.Tiết )

Không biết bao nhiêu địa danh ngoài Bắc có chữ Long nhưng trong Nam thì .. nhiều lắm. ‘’Cửu Long Giang / gió về vui trên sóng sông / Uốn quanh như 9 con rồng/ ôm chặt đứa con …’’ ( Phạm Duy ) . Đứa con đó là miền ‘’Nam’’. Là các tỉnh: Phước Long, Long Khánh, Long An, Vĩnh Long, Long Xuyên . Là núi : Long Ẩn ( Phước Long), Long Đầu ( Quảng Ngãi) vv .Là bãi biển Long Hải . Là bến Nhà Rồng Sài Gòn. Là các làng xã miền tây: Long Sơn, Long Phú, Long Tuyền, Long Hưng , Long Hồ, Long Kiểng, Long Mỹ, cù lao Rồng vv. Là các địa danh nổi tiếng sau 75: Long Giao, Long Thành, nổi tiếng vì là những trại tù cay nghiệt giam giữ ‘’dân quân cán chính Cộng Hòa’’ , mà đa số, sau đó bị đày ra Bắc . Và Long Bình!

Long Bình, ở Biên Hòa, trước 75 là kho dự trữ đạn dược lớn của Quân Lực VNCH, nhưng sau 75 được xem như ‘’quê hương’’ các cán bộ ‘’từ Bắc vô Nam’’ của chế độ ‘’ưu việt’’, của ‘’đại thắng mùa xuân’’, của ‘’Bác vĩ đại”, của ‘’quân đội nhân dân anh hùng’’..vv Nói ra là nói láo, là phóng đại, là dùng những ''búa to, liềm lớn'' , những chữ, những câu làm đỏ mặt những người biết xấu hổ . Xấu hổ vì ‘’nổ ‘’ quá ! Hơn cả lúc kho đạn nổ những ngày cuối tháng 4 !!!

Sau 54, trong khi quốc huy của miền Bắc Cộng Sản có ‘’sao vàng bảng đỏ’’, có bánh xe răng cưa, có bông lúa, biểu tượng của giai cấp công nông, của chuyên chính vô sản ngoại lai! Thì ở miền Nam, quốc huy Cộng Hòa vẫn tiếp tục giữ lũy tre xanh làng quê (đệ I Cộng Hòa) làm nền tảng, vẫn tự hào ‘’giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung’’ (đệ II Cộng Hòa ) , sổ thông hành Cộng Hòa có hình con Rồng nằm trên 3 sọc , tem Cộng Hòa là tem Rồng, Hàng Không Cộng Hòa là Hàng Không ‘’con Rồng, cháu Tiên ‘’. Không có ‘’anh em, chị em quốc tế vô sản’’, búa, liềm, máu me gì trong đó!
   
Đệ Nhị Cộng Hòa 
 Đệ Nhất Cộng Hòa

Về chữ ‘’long’’ liên quan đến Vua, có: long nhan= mặt vua ; long bào= áo Vua mặc; long thể: cơ thể vua ; long tu = râu vua , (long vũ= lông…vua ?) , long ỷ = ghế vua ; long thuyền = thuyền vua; long xa = xe vua ; long chủng=con cháu vua; long- đình = sân chầu; long phi: vua lên ngôi, long sàng: giường vua, long vương = vua ở dưới nước vv

Nhưng long nhãn không phải là mắt vua, long não không phải là não vua, long mạch không là mạch vua, long lanh không là ông vua lanh , long đền không phải là đền vua mà là miếng (kim loại) đệm để vít (Pháp : rondelle) vv Ngày xưa đấu láo, có lần luận về chữ ‘’long’’, thằng bạn tôi chua thêm: đồng hồ vua đeo là Long… ines, vua nhảy đầm : long mắc (nói lái) ; long-kẻo : vua trốn Hoàng Hậu đi uống bia ôm ( long-kẻo : leo cổng/ đọc theo giọng Nam) ; long sền : vua binh xập xám ( lên sòng ) ; vua bị ‘’Tào Tháo’’ rượt là long-tiểu ( nói lái ! )!! vv

Trong các loại rồng: vàng, đỏ, đen, xanh, trắng (?) , tôi chỉ thấy tận mắt hai : Rồng đỏ ( Xích Long ) : rồng giấy treo lúc Tết, và Rồng vàng ( Hoàng Long ) của hiệu… bánh Bảo Hiên. Nói đến đây lại nhớ tên kép cải lương Hoàng Long (chồng cũ đào Kim Ngọc) , nhạc sĩ Lê Hoàng Long ( Gợi giấc mơ xưa) và ông Phan Xích Long , một người tự xưng là con vua Hàm Nghi, bị tử hình năm 1916 ( ‘’giặc’’ Xích Long ). Ở Nhật, Hắc Long là tên Đảng đã cộng tác với chính phủ Nhật trên phương diện tình báo . Kép Bạch Long ( em ca sĩ Hồ Quảng Bạch Lê), Thanh Long là tên một nhạc sĩ / ca sĩ nổi tiếng với tên ‘’Thanh Long Bass’’ ( nghe nói Thanh Long là thành viên ban The Hammers trước 75 ( ?) .Wikipedia ghi Thanh Long sinh 1966. Nói đến ‘’The Hammers’’ là nói đến ca sĩ Cathy Huệ và tay lead guitar Thành (Thành Hammers) . Tôi đã xem ‘’The Hammers’’ chơi trong các đại hội nhạc trẻ ở Sài Gòn thì nhớ không thấy cậu bé nào chơi bass cả. Hay Thanh Long mới xuất hiện trong các vũ trường mấy tháng đầu 75?


Rồng xuất hiện nhiều trong xã hội Việt Nam: trang trí (lư hương, tranh ảnh ); đạo giáo (long thần hộ pháp, hội Long Hoa ); trang phục; lễ hội ( múa rồng), ca dao, tục ngữ ( rồng đến nhà tôm ; vẽ rồng, vẽ rắn, ăn như rồng cuốn , ‘’chuyện năm thìn bão lụt’’… / lỗ mũi em thì 8 gánh lông / chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho .. ); cứu hỏa ( xe vòi rồng ) , câu sấm ‘’ long vĩ xà đầu khởi chiến tranh’’; câu đố: ‘’Mình rồng, đuôi phượng le te / Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con ( cây cau ) ‘’; ‘’Đầu rồng, đuôi phượng cánh tiên / Ngày 5, 7 vợ, nằm đêm kêu trời (gà trống) ‘’ vv trừ võ học. Tôi muốn nói đến võ Tàu, đến chuyện ‘’chưởng’’, đến các phim võ hiệp.

Nói đến phim võ hiệp thập niên 70s là nói đến Vương Vũ , Khương đại Vệ , Địch Long, Trần Tinh vv Nhưng nổi bật nhất là Lý tiểu Long , một Tiểu Long trong ‘’Đường Sơn Đại Huynh’’, ‘’Mãnh Long Quá Giang’’, ‘’Long tranh Hổ đấu’’, ‘’Tinh Võ môn’’

Xem phim võ hiệp là một chuyện nhưng đọc ‘’Chưởng’’ là một chuyện khác . Có người nam miền Nam nào mà chưa một lần đọc ‘’chưởng’’? ( Nói thế vì phái nữ miền Nam thích những chuyện ướt át hơn: Mùa thu lá bay: Trôi theo dòng đời / Quỳnh Dao vv ) ‘’. Nói đến ‘’Chưởng’’ là nói đến “Độc Cô Cầu Bại ‘’ Kim Dung. Truyện của ông có Chưởng, có Chỉ ( nhất dương chỉ , đàn chỉ thần công ), có Cước, có Quyền vv Các môn khác tôi không nhớ rõ nhưng Chưởng pháp mạnh nhất , theo tôi, là Giáng Long Thập Bát Chưởng , một trong hai tuyệt kỹ của ‘’Cái Bang’’ ( tuyệt kỹ kia là Đả Cẩu Bổng ) . Có 3 nhân vật sử dụng Chưởng Pháp này thuần thục là, theo thứ tự giỏi nhất , Kiều Phong (Bang chủ), Hồng thất Công ( Bang chủ ) và Quách Tỉnh.

Tôi đọc ‘’Chưởng’’ những năm đệ ngũ,,đệ tứ . Ngưng hẳn một thời gian. Sau 75 thì đọc trở lại ( cho bớt chán đời ! ). Trong suốt mấy chục năm liền tôi chỉ nghe có Giáng Long Thập Bát Chưởng (18 chưởng pháp đánh rồng rơi / Giáng ). Sau này, ở nước ngoài, tình cờ tôi đọc được tên ‘’ Hàng Long thập bát chưởng ‘’( đánh phục rồng / Hàng) ! Cái tên làm tôi hụt hẫng ! Có người giải thích ‘Giáng’ hay ‘’Hàng’’ là tùy cách dịch. Tôi không biết tiếng Hán. Nhưng đã có ‘’Giáng’’ rồi, sao lại có thêm ‘’Hàng’’, nhất là ‘’Hàng’’ sau … 75 ? Không những Giáng Long đọc lên, nghe mạnh hơn Hàng Long, mà cái nghĩa của nó cũng khác. Khác hoàn toàn.

Khi Trung tá Cảnh Sát Nguyễn văn Long tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến sáng 30/4/1975 thì cái chết của ông là một cái tát ''giáng'' vào mặt những người ‘’chiến thắng’’ :thà chết không ''hàng''!

Rồng trên cao, Rồng không hàng ai cả!

BP
15/02/202

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét