( Sân Trường Tống Phước Hiệp)
Reng …reng…reng…- Hello!
- Xin lỗi cho gặp Hương.
- Hello, chị đây, em nào muốn gặp chị?
- Ngon hé, con quỷ ta nè !
- Ủa, hè….hè…. ta tưởng mấy đứa em chồng !
- Hèn chi mi sơ, nói chuyện ngọt sớt.
- Hổng có nhe, ai ta cũng ngọt. Nhỏ biết không hôm bà cô gọi lại ta tưởng mấy con bạn, ta còn… ngọt hơn, làm bả bảo “ chết cha nhe con ”.
- Tức cười nhất là một hôm có người điện thoại cho ta.
- Hello, xin cho gặp chi Hương.
Ta tưởng bở.
- Hello, chị Hương đây, em nào vậy ?
Bên kia đầu dây ú ớ rồi cười : “ Thầy đây em”
- Ta quê quá xá, cười hề… hề… “Em xin lỗi thầy…”
- Trời…trời! Đúng là có chồng rồi cũng hỏng nên thân.
- Kệ đi mà, để chồng mình nên thân đủ rồi, mình khỏi lo.
- Nghe bấy nhiêu ta mừng cho nhỏ, vậy là hạnh phúc rồi.
- Cám ơn, đối với ta chồng là cây cổ thụ và là lá chắn cho ta và thằng con che mưa che nắng.
- Ê Hương, hồi xưa mi và nhỏ Cúc ra chỉ thị, trong lớp : “con trai lớn hơn hai tuổi là bạn, bằng tuổi là em” . Sao bây giờ hai đứa mi lại gọi hai tên nhỏ tuổi bằng anh vậy? Làm cách nào mà dzụ được hay vậy?
-Bởi vậy, Mỹ Vân nói hoài nhỏ hổng nghe sao? “Đừng nghe những gì nhỏ Hương nói mà hãy nhìn kỹ những gì Hương làm…” . Thế nào, hôm nay điện thoại thét mét cái gì đây?
- Ta đét mi thì có, tại sao mi gửi thư cho ta mà chỉ có một hàng thôi vậy?
- Ha…ha….ha…vậy là Hương cũng dzụ được Oanh rồi.
Tôi trả miếng ngay:
- Còn lâu chị không phải là “ con trai lớn “ của em đâu nhé.
- Nhờ thư ngắn mà tình dài, nhỏ Oanh gọi Long distance cho Hương nè…hè…hè…
Tôi cũng không khỏi phát lên âm thanh “hè…hè…” hòa tấu cùng nhỏ. Không ai có thể hình dung được chúng tôi giờ thay đổi ra sao, tuổi tác thế nào? Đã ngũ tuần rồi chứ bộ, Thế mà mỗi lần trò chuyện, như cái thời “mười mí “ tuổi thôi. Tôi tiếp:
- Mi không nghe bạn mình bảo, “Ôi cùng lắm mình mang danh là … bà nội, bà ngoại mất nết vậy thôi… “
- Ừ, mà mấy tụi mình có nết đâu mà mất.
- Ừ hé, vậy còn khỏe khỏi canh chừng.
Sau câu “ đốp chát” là những nốt nhạc …hề…hề…hà…hà…đệm khúc cho đời êm ái nhẹ trôi. Hình như cái tính lí lắc chọc phá đã hình thành từ xưa không bao giờ thay đổi.
- Ê, nhỏ Hương mi có biết chiều nay lòng ta tơ vương không?
- Ê nhỏ Oanh, mi bảo mi mắc xương hả?
- Con khỉ, nói chuyện đàng hoàng nè. Mi moi ra ở đâu ra tập lưu bút ngày xanh vậy?
- Hương chưa bán vốn đòi lời mi là may lắm, bộ hồi xưa mi nghèo lắm hả? Viết nhật ký bằng viết chì. Lúc về Việt Nam gặp Quang Võ, hai đứa đồ lại từng nét, con mắt muốn lòi ra luôn.
- Vậy Hương mới có “một ngày xanh …lè”.
(Lưu Bút của Trần Ngọc Hương)
Mùa Hè năm 1976, tôi đang vắt vẻo trên võng góc sân Miếu Văn Thánh ôn bài thi tốt nghiệp, nhỏ Hương và Cúc đạp xe đến, hối thúc tôi viết nhanh để còn chuyền tay các bạn. Trên tay lúc ấy có cây viết chì, tôi không ngại ghi vào trang lưu bút cho nhỏ. Bởi vậy bây giờ từ từ đồ lại “để nhớ dai hơn nhe em cưng”.
- Nhỏ Oanh biết không, nhờ Má Hương, mới còn quyển Lưu Bút này. Sau 1975 Hương ra đi, Má thấy quyển sổ, viết có một mặt giấy nên má tiết kiệm, lấy mặt kia làm sổ tính tiền, cho nên hôm nay chúng ta mới còn lại kho tàng quý báu đó nha.
Nghe nhỏ nói một thoáng xót thương cái thời cực nhọc của cha mẹ vào những năm kinh tế gay go, những con số đắn đo, lo âu cho sinh kế gia đình. Giờ mẹ già đã ra đi nhưng đã giữ lại cho con một thoáng học trò . Trên trang giấy những nét chữ thanh thanh, vô tư lự, ngây ngô đầy ấp thương yêu của Thu Ba, Thu Cúc, Tùng Thu.. “Chúng con phải cám ơn Bác thật nhiều Bác ơi!”
Theo một vòng quay, quyển lưu bút không cánh cũng bay từ Việt nam qua Cali rồi sang nước Úc cũng vào tháng tám mùa Đông. Cơn mưa chiều nay tê tái lẫn ấm nồng. Ngày xa xưa ấy, mấy ai đoán ngày mai sẽ xảy ra những gì. Trước mắt chúng ta chỉ là hiện tại. Suốt ngày chỉ biết ăn, học, ngủ say, phá phách.
Một thời con gái, một thời làm học trò ngoài giờ chỉ biết thả rong … chạy một vòng xe đạp quanh con phố, lòng phơi phới, quay trở về phiền muộn tiêu tan.
Hương ơi! “ghét” mi ghê, bài thơ mi ăn cắp của thi sĩ nào? Sao mà quái ác, mi mở đầu trang lưu bút cho ta. Hay mi đã biết tẩy ta dạo ấy?
“Tháng tám như dòng sông
Về theo cơn mưa hồng
Tình xa yên giấc ngủ
Một cánh chim phiêu bồng” (*)
(Không nhớ tựa và tên tác giả)
(Không nhớ tựa và tên tác giả)
Kiếp trước Hương làm thầy bói sao mà đoán tài tình vậy!?
Đã 30 năm ta như cánh chim Oanh phiêu bồng xa tít, trong cuộc sống thường nhật, cố chôn vùi kỷ niệm để tình yên giấc ngủ. Nhưng rồi nhỏ đánh thức trong ta để cơn mưa xưa trở về lan tràn như dòng sông đang dậy sóng…
- Oanh ơi! Ta đi guốc trong ruột mi.Tình mi như những giống hoa bên Cali nè mùa lạnh nằm im lìm dưới đất rồi để nắng ấm, những đóa hoa vươn lên, tuy không lá nhưng vẫn đẹp mặn mà.
- Dữ hông, hôm nay ta mới thấy nhỏ văn chương và làm người lớn.
- Lớn hết nổi rồi nhỏ Oanh ơi!
Nghỉ lại những ngày tháng ấy vui ghê Hương nhỉ! Từ dạo nhỏ xa ngôi trường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn về đầu quân Tống Phước Hiệp, một cô bé mủm mỉm, thẹn thùng, đôi mắt dí xuống chân, mái tóc tém dài, móm móm, má lún đồng tiền….hiền thục ghê. Bởi vậy ta mới thấy thương nhường cho ngồi chung ghế. Ta chợt nghĩ chắc ông Tân nhà mi cũng “lầm” nhìn mi giống ta hả nhỏ?
Nhớ lại ngày xưa mỗi khi nhỏ giận, giậm chân nũng nịu “ mợi …mợi…” bọn ta thích chí cười, bọn con trai thì tim rụng như sung và hay chọc nhỏ giận để được vui. Danh từ “ Bé Hương” tặng nhỏ kể từ đấy.
Nhớ chăng nhỏ, năm Đệ Tam, Đệ Nhị mỗi sáng đi học nhỏ đem cái ăn sáng theo kiểu thành thị làm hư hỏng Cúc và ta. Ba đứa thay phiên ghé vào chiếc xe bánh mì thịt trước cửa Tiệm Nhựt Tân mua, bánh mì paté chả lụa, vài cọng ngò, dưa leo, rắc chút muối tiêu, gói vào tờ giấy trắng ngà, cột sợi thun khoanh. “hết xẩy” nhỏ há! Hoặc một khúc bánh mì bì Luyến ở Cầu Cái Cá, bánh mì thơm thính, dưa chua hoà với nước mắm ớt nồng nàn.
Ba đứa đưa nhau ra góc hành lang vắng ở cầu thang (vắng Giám Thị, để ăn lén). Thực ra đã có một bầy con gái, đang cư trú ở đó, xuyên qua khung cửa sổ nhìn xuống đường Pasteur, hàng cây cao lá lao xao trong nắng sớm, các nàng hẹn hò bằng ánh mắt với những cây si dưới đường ngó lên. Chúng ta cũng vừa ăn vừa nhìn ngắm “người ta” đang đậu xe dưới đường hướng mắt nhìn lên trước khi đi học. Chỉ có thế mà lưu luyến bồi hồi nhỏ nhỉ!
Ngày cấm trại liên trường, thi đua nấu ăn, nhỏ trổ tài khéo léo làm con chó xù, thân và chân con chó bằng cây chuối con, bên ngoài thân chó được bọc lớp lông xù bằng múi bưởi lật ngược, con mắt hột nhản đen mun, đẹp, dễ thương kinh khủng. Nhỏ rắn mắt nhờ Tùng Thu giỏi Pháp Văn đặt tên tiếng Pháp - Féderic. Dù đã biết là có thầy Hiền dạy Pháp văn đi chấm thi. Thế là hỏng! Nhỏ cười đắc ý khi thấy thầy mặt đỏ gai.
Căn lều kế bên nấu canh chua cá tra kho tộ, ngon, thơm phức. Ngọc Anh và bọn mình bày kế chờ họ nêm nếm xong, bọn mình dùng ống chích bơm giấm xịt vào nồi canh của lều bạn. Khúc khích cười thỏa thích, mình sao mà ác quá vậy nhỏ. Rồi ai phá mình đây?
Những chiều thứ Bảy huy hoàng. Cúc đèo nhỏ bằng xe đạp mini đến nhà ta. Má ta kỷ luật nhưng hai nhỏ cũng khá lắm, đã gieo niềm tin nên mỗi khi nhỏ xin phép Má, ta đều được đi. Nhỏ còn nhớ? Nhỏ lúc nào cũng khỉ khọn
- Ê nhỏ Oanh. Có chị hai ở nhà không?
Bạn bè đến thấy Má ta hay ôm cây đàn mandoline dạo nhạc nhi đồng đứa nào cũng gọi Má ta là chị hai. Ta thích chí cười hảnh diện.
- Bác ơi! cho phép Oanh đi dạo với con và Cúc nha Bác?
- Các con đi đâu?
- Chúng con ra nhà Tùng Thu
- Vậy Oanh cho Má quá giang ra nhà dì Thạnh con. ( Giám Thị Lê Thị Thạnh)
Lúc dắt xe đạp ra cổng nhỏ giả vờ bảo “bốn đứa mình đi nhe”, Má ta cười tươi có khác chi bọn mình.
Mình đi những đâu nhỏ? Chạy xe lên hướng nhà thờ Fatima ăn bún giò heo mắm tôm, quay về Cầu Lộ xơi chuối nướng, nếp nướng vàng, thơm, chan nước cốt dừa, rắc đậu phọng, ăn xong được tặng thêm ly nước ướp lạnh tráng miệng có mùi hoa bưởi, vài hạt củ năng sắc nhỏ bọc bột mì tinh luộc chín giòn giòn khi nhai . .
Trong sân quán, cây xanh che phủ, đèn đường mờ mờ, lung linh ánh nến, bàn thấp, ghế đẩu… thật thơ mộng và lý tưởng cho những cô cậu hẹn hò, nhưng lý tưởng cho ba đứa mình tha hồ ăn không mắc cở, rúc ríc cười… khi nghe lời tỏ tình của kẻ kế bên.
- Ê nhỏ Oanh nhớ hay vậy?
- Tại Hương là vua ăn hàng, theo bao tử trôi hết làm sao nhớ .
Chưa thấm vào đâu bọn mình rà lại khu Ba Vị có hàng chè thưng, tráng miệng hai chén cho đầy bao tử để có sức đạp xe leo dốc Cầu Lầu đưa Oanh về Kho Dầu Cũ, quày xe đưa Cúc trở lại Cầu Thiềng Đức, rồi nhỏ dốc ngược trở lại cầu Lộ về quán “Hương 5”.
Nhớ ơi là nhớ
Sau năm 1975, kinh tế khó khăn, ba má Cúc là nhà giáo, lãnh gạo ít ỏi, nên nhà phải nấu cơm độn khoai lang hai đứa mình sang nhà Cúc ăn. Ô, sao mà ngon quá vừa ngọt ngọt, bùi bùi… Cúc biết hai đứa chưa thấm, ba đứa cùng nhau ra chái hè sau nhà, nấu nồi cơm khác xơi thêm, rồi tiá lia cười nói cả ngày Chúa Nhật.
Trong lớp, bọn mình ngoan cố ghê, ai mặc áo bà ba, quần đen đi học cho hợp thời, ba đứa nhất định không rời bộ áo dài trắng, mình bị kỷ luật chận nơi cổng trường để hạch hỏi.
- Các chị mặc quần ống rộng quá không được vào trường!
Ta và Cúc ráng nói cho qua :
- Ừ thì lỡ rồi. Về sẽ may bớt.
Nhỏ cái mặt kênh kênh, lầm bầm :
- Mặt người ta đẹp vầy mà không nhìn lại đi nhìn ống quần..
Ta và Cúc thúc vào hông nhỏ cho nhỏ im .
- Áo dài mấy chị ngắn quá.
Nhỏ tức quá vọt miệng nói:
- Quần còn may bớt lại, áo ngắn vãi đâu mà nối, nhưng đâu ngắn bằng áo bà ba!!!
Cúc và ta rầu thúi ruột sợ nhỏ chọc tức là hết vào lớp hôm nay. Nhưng không ngờ nhỏ lì có tên lại sợ ….im re cho bọn mình đi.Ba đứa vẫn tung tăng cho phiền hà văng vung vít …
Những hôm đi học sau đó, chúng ta cũng may ống quần nhỏ lại 5 phân vào được cổng trường rồi, lại rút chỉ may, ung dung bước cho tha thướt dịu dàng.
Ngày họp tổ sau giờ học, anh Ngọc Tấn trưởng lớp muốn kết nạp mình vào Đoàn. Anh bảo « đề nghị Cúc, Hương, Oanh vào Đoàn, nhưng phải chỉnh lại cách ăn mặc, vì chưa đúng tiêu chuẩn. ».
Ba đứa đồng thanh lên tiếng :
- Vậy khi nào thấy ba đứa đủ tiêu chuẩn thì kết .
Anh Trưởng Lớp phải năn nỉ hoài không xong, mãi rồi đành bị vạ lây.
Mỗi khi ba đứa sánh vai, sau lưng có tiếng dép lẹp xẹp của Nhã và Huỳnh Song. Huỳnh Song bảo:
- Ba người đi, cây thước gác lên đầu song song với mặt đất .
Nhỏ chanh chua:
- Thử bước vào bề cao cũng một thước năm không hơn không kém.
Ba đứa cười dừng lại chờ, nhưng Huỳng Song xẹt mất để lại một lời
- Kệ tui!
Một lần ta về Việt Nam, không thông báo, ta lén lén “rình” nhà Cúc, nhìn qua khung cửa sổ, Cúc, ông Minh tựa vai nhau và Tiến đứa con trai ngồi cạnh thong dong xem phim hài cười vui vẻ, ta cũng vui lây. Thế là nhỏ Cúc hạnh phúc đầy tay! Ta bước đến cửa chính đứng im nhìn để nhỏ có nhận ra không, nhỏ đẩy ông chồng bật nhào, tung chạy ôm ta, la chít choé . Bây giờ nhỏ ấy là giáo sư dạy Toán, Hóa oai ra phết đó Hương.
Cúc năn nỉ ta ngủ lại, nhỏ cho ông chồng lên gác ngủ chèo queo. Hai đứa ôn lại bao kỷ niệm cho đến nửa khuya, không quen ngủ chổ lạ, ta đòi về.
Sáng hôm sau nhỏ đem xe đạp đến đèo ta đi ăn hàng, Cúc bảo sáng nay đứa con trai bom bánh xe để mẹ chở dì Oanh đi chơi. Thằng con không dám tin cứ hỏi hoài: “Mẹ chắc dì Oanh chịu đi xe đạp không, Việt kiều đó” “ Mẹ chắc mà, con đừng lo, dì Oanh còn thích nữa”.
“ Nếu lúc trước ta đừng quen biết nhau
Đừng về cùng lối ngõ như nhau
Đừng mơ mộng mãi ta nên học
Có lẽ rồi ta chẳng nhớ nhau” . (*)
(Không nhớ tựa và tên tác giả)
Niềm vui nhiều hơn buồn đi vào đời bọn mình, làm sao đừng nhớ nhau cho được phải không Hương, Cúc! Vần thơ của thi sĩ nào nhỏ cho ta, đã đi vào trong tim chúng ta những ngọt ngào êm ái…vào đời ta những nuối tiếc nghẹn ngào….
Xa trường, vào đời mình vẫn phải đạp xoay vòng chiếc bánh thời gian. Mỗi chặng đường vẫn có những kỷ niệm đẹp khác nhau? Nhưng kỷ niệm học trò vẫn đẹp nhất trong ta phải không hai nhỏ ?!.
Nơi đây, xứ người những buổi chiều nắng còn hắt lại một góc sân, đôi lúc lòng cũng giao động theo nắng chiều, có lúc ta tìm được một chút hồng còn sót lại, có lúc chợt bắt gặp một chút vàng héo hắt làm sao.
Chiều nay, một buổi chiều vàng phai sắc nắng… Nhưng nghe đâu đây một thoáng tình không nhạt với thời gian.
“Một thoáng hương ngời cho tuổi mơ
Kẻo mai tóc bạc trắng bơ phờ
Kẻo mai ai chẳng còn đi học
Vẫn tiếc nuối hoài hương tuổi thơ “ (*)
(*) Thơ không nhớ tựa và tên tác giả,
trích trong Lưu Bút Ngày Xanh Hè 1976 của Ngọc Hương
trích trong Lưu Bút Ngày Xanh Hè 1976 của Ngọc Hương
Kim Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét