Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Giọt Nước Mắt Tháng 5

 

Tháng Năm, trời Melbourne đang là mùa thu, khí hậu se se lạnh, lá vàng lung linh trong nắng nên thơ. Một ngày thứ Bảy tôi cảm thấy nôn nao, lòng háo hức chờ đợi. Chờ đợi một điều gì?

Vâng chờ đợi đến giờ đi xem phim. Một bộ phim tài liệu “ Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm”, của một nữ Đạo diễn người Canada gốc Việt Trần Hoàng Thanh Tâm đã tạo nhiều sự thu hút cũng như quan tâm của cộng đồng người Việt tự do ở Úc.được chiếu tại Cinema 1, ACMI, Federation Square. Lúc 3.30 pm. 

Trước khi đặt vé đi xem, lòng tôi tự nhủ, mình phải đi xem để ủng hộ tinh thần giới trẻ, ủng hộ lòng nhiệt huyết của của thế hệ đi sau, các em muốn đem tiếng nói của mình đến với toàn thế giới, vì sao người Việt đã bỏ nước ra đi và ra đi như thế nào. Cả rạp hát không còn chỗ trống.
Với giá vé 20 đô cho một xuất phim kéo dài 90 phút. Trước khi trình chiếu, Đạo Diễn Trần Hoàng Thanh Tâm xuất hiện có đôi lời chào ra mắt khán giả.

Phim bắt đầu chiếu sơ đằng sau khi làm phim, tôi đã xúc động rồi. Nhưng đến khi phim bắt đầu thì tôi đã nhòa nước mắt. Tôi thấy hình ảnh tôi, con người tôi lồng vào bộ phim này. Tôi đã sống lại, hay nói khác hơn là cái chết trở về trong tôi. Những thước phim tài liệu, có tôi, những cuộc phỏng vấn những nhân chứng sống có tôi, những đoạn phim bị cướp biển cũng có tôi. Tháng 5 ơi! Ngoài trời còn nắng mà sao trong rạp chiếu phim mưa rơi tầm tã.

Những chi tiết tìm được, những sự bất hạnh đến với những người con gái bị hải tặc hiếp, bị giết chết tập thể, khi ấy họ cũng bằng tuổi tôi. Có một nhân chứng kể chị ấy thoát nạn bị hải tặc nhờ bồng một đứa bé con của người phụ nữ bên cạnh, khi bọn hải tặc quét chiếc đèn pin săn mồi. Tôi chỉ biết ôm mặt mình nấc nghẹn. Tôi khóc cho sự bất hạnh của những người con gái phải trả một cái giá quá đắt. Tôi cũng khóc cho chính tôi, vì tôi cũng đã ôm được 1 trong 2 đứa bé con của chị Chủ tàu. Thế là tôi cũng thoát nạn như nhân chứng trên. Tôi cảm nhận ai đang xiết chặt trái tim tôi, vô cùng đau đớn.

Một nhân chứng khác, tôi và ông cùng chi tiết gian nan trên chiếc thuyền 11m, 42 người, đến Terengganu ngày 11 tháng 5, chỉ khác nhau tôi đến trước ông. Bao nhiêu sự việc xảy ra, tôi thấy mình quá may mắn. Được nhiều ân phước của Đức Mẹ Maria. Cách nay hơn 100 năm. Mẹ đã hiện ra ngày 13 tháng 5. Mẹ đã nghe lời kêu cầu và cứu thoát những ai đặt trọn niềm tin nơi Mẹ!.

Tháng 5 ơi! Sau mấy chục năm bươn chải với cuộc sống mới. Tưởng trái tim đã ngủ yên, cứ ngỡ nước mắt khổ đau, nước mắt vui mừng, đã cạn dòng sau 49 năm ly xứ,

Không hôm nay hình ảnh ấy, ngày tháng ấy, những kinh hoàng ấy quặn thắt cả lòng,
Tại sao chúng ta phải trả giá bằng mạng sống đề đi tìm tự do?
“ Thuyền Nhân Hành Trình 50 Năm"  của Trần Hoàng Thanh Tâm sẽ trả lời cho chúng ta và thế giới biết rõ phần nào sự thật!

Sau khi ra về, lòng cứ mãi day dứt. Tối đêm đó tôi không tài nào ngủ được, tôi thức đến 4 giờ sáng. Dù tôi là người dễ ngủ. Qua 1 đêm trằn trọc, tôi tự nói với lòng, tôi phải sống, sống khỏe, sống mạnh mẽ, sống lạc quan. Vì nước mắt tháng 5 tưới cho tôi thêm tỉnh táo, sáng suốt để đón nhận một hình hài mới được Đức Mẹ, phúc đức Ông Bà, công sức Ba Má đã gìn giữ, che chở dẫn đưa tôi đến bến bờ bình an, đầy yêu thương và tự do,..  Xin cầu nguyện cho những Linh Hồn được yên nghỉ đã hy sinh vì 2 chữ Tự Do.


Cám ơn Đạo diễn Thanh Tâm, đã dành hơn 30 phút sau khi chấm dứt phim để lắng nghe, trả lời thắc mắc, khán giả được nói lên tiếng nói lòng mình và góp ý. Có những giọt nước mắt nghẹn lời khi tìm được người xa xưa trong phim tài liệu, đã mấy chục năm trời thất lạc. 

Gửi đến Đạo Diễn Thanh Tâm lời khen ngợi, một người đạo diễn tài sắc vẹn toàn, một vết son của tuổi trẻ...Xin hãy tiếp tục bước đi trong vẻ vang và thành công. 

Giọt Nước Mắt Tháng 5 ơi! Cảm ơn nhé, đã cho tôi nhìn lại với chính mình và vững chãi bước đi trong niềm hạnh phúc …. Tạ Ơn!

Kim Oanh
Cuối Thu 31.5.2024

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links








Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Vĩnh Long Ngày Cũ... - Trên Bến Đò Xưa

(Vĩnh Long - Ảnh Trương Văn Phú)

Bài Xướng:
Vĩnh Long Ngày Cũ

Còn đâu bến nước đò xưa
Còn đâu bóng dáng người đưa đón người
Lần về kỷ niệm ngậm ngùi
Vĩnh Long ngày cũ sao nguôi nhớ về

Kim Oanh
***
Bài Họa:
Trên Bến Đò Xưa

Bến đò cô lái ngày xưa
Giờ không còn thấy đón đưa chờ người
Đâu rồi...? Lòng chợt bùi ngùi!
Bóng hinh ngày cũ khó nguôi nẻo về

Song Quang

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Độ Tang Càn 渡桑乾 - Giả Đảo

 

渡桑乾                    Độ Tang Càn

客舍併州已十霜, Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
歸心日夜憶咸陽。 Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương.
無端更渡桑乾水, Vô đoan cánh độ Tang Càn Thủy,
卻望并州是故鄉。 Khước vọng Tinh Châu thị cố hương!
賈 島                        Giả Đảo

Chú Thích:

1. Khách Xá 客舍 : là Ở nơi đất khách. Xá : là chỗ trọ, là nhà ở.
2. Thập Sương 十霜 : Mười mùa sương giáng. Mỗi năm chỉ có một mùa sương giáng. Thập sương là mười năm.
3. Ức 憶 : là Nhớ. Hồi ức là Nhớ lại.
4. Vô Đoan 無端 : là Khi khổng khi không. là Tình cờ , là chuyện đến mà không có dự tính trước, ta nói là Bỗng Dưng.
5. Khước 卻; là Lại ,là Phó từ bổ nghĩa cho Động từ đi sau nó. Khước Vọng 卻望 : là Lại nhìn, lại ngắm.

Dịch nghĩa:
Qua sông Tang Càn


Ở trọ nơi đất khách là xứ Tinh Châu nầy đã mười năm nay, nhưng trong lòng ngày đêm luôn luôn nhớ về quê cũ là xứ Hàm Dương. Hôm nay, tình cờ lại phải đi qua sông Tang Càn để rời xa xứ Tinh Châu, thì lại cảm thấy quyến luyến nơi nầy, mặc dù thuyền đi đã xa rồi, nhưng vẫn còn trông ngóng về phía Tinh Châu như là trông ngóng về phía cố hương vậy!

Diễn nôm:

Tinh Châu đất khách mười năm trường,
Lòng vẫn nhớ về đất Hàm Dương.
Tang Càn nay lại sang sông nữa,
Trông ngóng Tinh Châu ngỡ cố hương!

Lục bát:

Mười năm quán khách Tinh Châu,
Lòng quê thường vẫn nhớ sầu Hàm Dương.
Tang Càn qua bến vấn vương,
Rời Tinh Châu ngỡ Hàm Dương dạo nào!


Xúc cảnh sinh tình, xin được cảm tác qua thực tế của cuộc sống định cư trên đất MỸ như sau:

Đất khách Ca-li mấy chục sương,
Việt Nam không lúc nhớ cùng thương!
Di cư nay lại qua Tết xát (Texas),
Rời đất Ca-li ngỡ cố hương!!!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

***
Sang Bến Tang Càn


Tinh Châu đất khách mười năm
Ngày đêm mãi nhớ âm thầm Hàm Dương
Tang Càn sang bến sầu vương
Rời Tinh Châu ngỡ cố hương thuở nào!


Kim Oanh
***
Qua Sông Tang Càn


Tinh Châu lưu lạc những mười năm
Quê cũ Hàm Dương mãi luyến thầm
Xuôi bến Tang Càn rời đất khách
Tinh Châu ngoảnh lại lệ khôn cầm

Lục Bát:

Mười năm khách trọ Tinh Châu
Hàm Dương quê cũ dạ sầu vấn vương
Tang Càn bến nước xuôi đường
Dần xa ngoảnh lại ngỡ dường đấy quê

Kim Phượng


Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

Lục Xú 六醜 - Chu Bang Ngạn

 

六醜 - 周邦彥     Lục Xú - Chu Bang Ngạn
(薔薇謝後作) (Tường vi tạ hậu tác)

落花                  Lạc Hoa

正單衣試酒, Chính đơn y thí tửu,
悵客裏、光陰虛擲。Trướng khách lý, quang âm hư trịch.
願春暫留, Nguyện xuân tạm lưu,
春歸如過翼, Xuân quy như quá dực,
一去無跡。 Nhất khứ vô tích.
爲問花何在? Vi vấn hoa hà tại?
夜來風雨, Dạ lai phong vũ,
葬楚宮傾國。 Táng Sở cung khuynh quốc.
釵鈿墮處遺香澤, Thoa điền đọa xứ di hương trạch,
亂點桃蹊, Loạn điểm đào hề,
輕翻柳陌。 Khinh phiên liễu mạch.
多情爲誰追惜? Đa tình vị thùy truy tích?
但蜂媒蝶使, Đãn phong môi điệp sứ,
時叩窗槅。 Thời khấu song cách.

東園岑寂, Đông viên sầm tịch,
漸朦朧暗碧, Tiệm mông lung ám bích,
靜繞珍叢底。 Tĩnh nhiễu trân tùng để.
成嘆息: Thành than tức.
長條故惹行客, Trường điều cố nhạ hành khách,
似牽衣待話, Tự khiên y đãi thoại,
別情無極。 Biệt tình vô cực.
殘英小、強簪巾幘,Tàn anh tiểu, cưỡng trâm cân trách,
終不似、一朵釵頭顫裊, Chung bất tự, nhất đóa thoa đầu chiến niệu,
向人欹側。 Hướng nhân y trắc.
漂流處、莫趁潮汐, Phiêu lưu xứ, mạc sấn triều tịch,
恐斷紅、尚有相思字, Khủng đoạn hồng, thượng hữu tương tư tự,
何由見得? Hà do kiến đắc?

Chú Thích

1- Bài từ theo điệu lục xú 六醜 do Chu Bang Ngạn sáng tác, có 140 chữ. Đoạn trước có 14 câu, 8 trắc vận. Đoạn sau có 13 câu, 9 trắc vận. Cách luật dưới đây là “Khâm phổ 欽譜” vì vậy một số chữ được du di thành “bất luận”:

T B B T T cú
T T T, B B B T vận
T B T X cú
B B B T T vận
T T B T vận
T T B B T cú
X B X T cú
T X B B T vận
B B T T B B T vận
T T B B cú
B B X T vận
B B T B B T vận
T B B T T cú
X T B T vận

B B X T vận
T B B T T vận
T T B B T cú
B T T vận
X B T T B T vận
T B B X T cú
T B B T vận
B B T, X B B T vận
B T T, T T B B T T cú
T B B T vận
B B T, X T B T vận
T T X, T T B B T cú
X B T T vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Lục xú 六醜: chỉ 6 người con của vua Chuyên Húc 顓頊, 1 vị trong Ngũ Đế của TH thời cổ đại.
3- Tường vi tạ hậu tác 薔薇謝後作: viết sau khi hoa tường vi đã tàn.
4- Thí tửu 試酒: tập tục nếm rượu mới vào cuối tháng ba hay đầu tháng tư của dân TH thời Tống Triều.
5- Trướng 悵: sầu muộn.
6- Khách lý 客裏: đang lúc du ngoạn xa quê hương.
7- Hư trịch 虛擲 = điêu khí 丟棄 = nhưng điệu 扔掉: đi mất.
8- Quá dực 過翼: chim bay qua.
9- Vi vấn 爲問 = Tuân vấn 詢問: hỏi, xin hỏi. Vi vấn hoa hà tại 爲問花何在: xin hỏi hoa ở đâu, bản khác chép vi vấn gia hà tại 為問家何在: xin hỏi nhà ở đâu.
10- Sở cung 楚宮: Tây Thi là mỹ nhân của Ngô cung 吳宮. Nước Ngô 吳 và Nước Sở 楚 gần nhau. Đất Ngô về sau thuộc về nước Sở. Chỗ này đáng lẽ phải dùng chữ "Ngô cung" nhưng vì cách luật của bài từ cần 1 chữ có thanh trắc cho nên dùng chữ "Sở cung" thay thế.
11- Khuynh quốc 傾國: nguyên nghĩa là khuynh đảo quốc gia, nghĩa bóng là mỹ nhân. Sở cung khuynh quốc 楚宮傾國: Mỹ nữ ở trong cung của Sở vương. Tác giả ám chỉ hoa tường vi.
12- Thoa điền 釵鈿 = Kim thoa điền hợp 金釵鈿合 = kim thoa điền hạp 金釵鈿盒: thoa vàng và hộp đựng đồ trang sức của phụ nữ, chỉ mỹ nữ. Trong bài này tác dùng để chỉ hoa tường vi. Thoa điền đọa xứ 釵鈿墮處: nơi chỗ hoa rụng.
13- Hương trạch 香澤: mùi thơm.
14- Đào hề 桃蹊: đường đi ở dưới cây đào.
15- Liễu mạch 柳陌: đường đi có bóng cây liễu.
16- Đa tình vị thùy truy tích 多情爲誰追惜 = Vị thùy đa tình truy tích 爲誰多情追惜: vì ai (người) đa tình đi tìm tung tích (hoa tàn rụng), ý nói còn có ai đa tình như tôi đi thương tiếc hoa rụng xuân tàn.
17- Đãn 但: chỉ có.
18 Phong môi điệp sứ 蜂媒蝶使: ong làm môi giới bướm làm sứ giả.
19- Song cách 窗槅 = song hộ 窗戶: cửa sổ.
20- Sầm tịch 岑寂: tịch mịch.
21 Mông lung 朦朧: dáng dấp thảo mộc tươi tốt dầy đặc.
22- Trân tùng 珍叢 = hoa tùng花叢: bụi hoa, khóm hoa. Trong bài này Trân tùng chỉ khóm hoa tường vi.
23- Nhạ 惹: đụng chạm đến. Trường điều cố nhạ hành khách, tự khiên y đãi thoại 長條故惹行客,似牽衣待話: cành hoa dài (có gai) nên đụng chạm hành nhân, như kéo áo muốn nói.
24- Vô cực 無極: không có đầu cuối, vô hạn.
25- Tàn anh 殘英: tàn hoa.
26- Cưỡng 強: miễn cưỡng.
27- Trâm 簪: (động từ) cài, cắm, đội.
28- Cân trách 巾幘: khăn đội đầu, vật dụng bằng vải đội đầu để che búi tóc. Cưỡng trâm cân trách 強簪巾幘: miễn cưỡng cắm (1 nhánh hoa tàn) lên khăn đội đầu.
29- Thoa 釵: cái kẹp tóc có dạng hoa đẹp làm vật trang sức của phụ nữ.
30- Chiến niểu 顫裊 = chiến niểu 顫嫋: rung động nhẹ.
31- Y trắc 欹側: nghiêng người dựa vào. Hướng nhân y trắc 向人欹側: người phụ nữ tỏ thái độ lưu luyến, làm duyên, nũng nịu tựa đầu vào vai người tình.
32- Sấn 趁: theo, đuổi.
33- Trào (triều) tịch 潮汐: nước thủy triều buổi sáng (trào) và nước thủy triều buổi chiều tối (tịch).
34- Đoạn hồng 斷紅: = lạc hoa 落花: hoa rụng.
35- Khủng đoạn hồng, thượng hữu tương tư tự恐斷紅、尚有相思字: Sợ rằng trên cánh hoa tàn còn có chữ viết tỏ tình. Ý nói hoa lúc tàn rụng trôi nổi phiêu linh trên mặt nước vẫn còn tình lưu luyến nhân gian. Điển tích cung nhân đời Đường viết thơ lên cánh hoa thả theo dòng nước trôi ra ngoài cung.
36- Hà do kiến đắc 何由見得: làm sao có thể thấy được.

Dịch Nghĩa

Hoa Tàn


Chính vào tiết nếm rượu (khí hậu ấm lên là lúc bỏ áo kép mặc) áo đơn.
Buồn là đang ở đất khách, thời gian trôi đi (uổng phí)
Cầu cho mùa xuân tạm ngừng lại.
Ngày xuân đi về (đi mất) (nhanh như) con chim bay qua.
Một đi không (còn) dấu vết.
Xin hỏi hoa ở đâu?
Đêm qua gió mưa,
Chôn vùi những mỹ nhân của Sở cung (hoa rơi rụng).
Nơi những đồ trang sức (cánh hoa) rơi xuống để lại mùi thơm.
(Cánh hoa) loạn điểm trên con đường nhỏ dưới gốc cây đào,
Nhẹ bay trên đường (trồng) dương liễu.
Những người đa tình có ai lại đây (cùng tôi) thương tiếc hoa?
Nhưng chỉ có ong làm môi giới và bướm làm sứ giả,
Thỉnh thoảng đến gõ cánh cửa sổ (chuyển đưa tình ý)

Vườn phía đông yên tĩnh tịch mịch,
Dần dần (cây cỏ mọc lên tươi tốt) mông lung ám sắc xanh biếc,
Tĩnh tĩnh đi quanh dưới khóm hoa trân quý.

Không ngừng than vãn:

cành hoa dài (như) cố ý đụng chạm hành nhân,
(Tựa như) lôi kéo y phục chờ đợi nói chuyện,
Biểu hiện vô hạn biệt ly tình.
(Nhặt một) bông hoa tàn nhỏ, miễn cưỡng cài lên khăn đội đầu,
Cuối cùng nó không giống như một cái thoa cài đầu (của mỹ nhân) đang rung động...
(Khi mỹ nhân làm duyên quyến luyến) dựa vào (tình) nhân.
Hoa đang phiêu linh trên dòng nước, đừng trôi theo thủy triều,
Sợ rằng cánh hoa tàn kia, còn có chữ viết ký thác tương tư tình ý,
(Trôi đi mất thì) làm thế nào (có người) thấy được?

Phỏng Dịch

1/ Lục Xú – Hoa Tàn

Chính xuân tàn thử rượu,
Nản đất khách, thời gian đi mất.
Nguyện xuân tạm ở,
Xuân đi như cánh cắt.
Mất hút không vết.
Hãy hỏi hoa đâu hết?
Đêm qua mưa gió,
Táng mỹ miều hoa nát.
Nơi hoa rớt rụng còn thơm ngát.
Đốm loạn đường đào,
Vờn bay liễu ngách,
Đa tình bởi ai truy gốc.
Chỉ môi ong sứ bướm,
Song gõ đôi lúc.

Vườn đông sầm uất.
Biến dần mờ ám sắc.
Lặng dưới quanh bờ quý,
Than não nuột.
Cành dài cố chạm người khách.
Tựa lôi y nói chuyện,
Biệt tình cùng cực.
Cài lên nón, cành hoa tàn rách.
Nhưng chẳng giống, một đóa đầu thoa rúng động,
Dựa tình nhân lắc.
Khi phiêu lãng, tránh ngọn sóng bạc.
Sợ cánh tàn, có viết tương tư chữ,
Làm sao thấy được?


2/ Hoa Tàn

Chính mùa nếm rượu áo đơn,
Bước chân đất khách lòng buồn khôn khuây.
Nguyện xuân dừng tạm tháng ngày,
Xuân đi vùn vụt chim bay ngang đầu.

Hỏi hoa nay đã về đâu?
Đêm qua mưa gió nát mầu sắc hương.
Cánh hoa thơm rụng bên đường,
Hàng đào dãy liễu còn vương phiến hồng.

Người đâu đãng tử tình nồng,
Cùng ta dâng trọn nỗi lòng tiếc hoa.
Bướm ong sứ giả bay qua,
Gõ song chuyển đạt chan hòa luyến lưu.

Vườn đông tịch mịch đìu hiu,
Tường vi dần thắm mến yêu một giàn.
Dưới hoa lặng bước than van,
Cành vươn chạm khách vô vàn thiết tha.

Tâm tình muốn ngỏ cùng ta,
Biệt ly buồn bã đóa hoa sắp tàn.
Nhặt hoa rụng, cắm vành khăn,
Có chăng rung động, thoa vàng tựa vai.

Theo dòng phiêu bạt hoa rơi,
Lời nào tâm sự hỡi người hồng nhan?
Chớ theo làn sóng phũ phàng,
Làm sao thấy được những hàng tương tư.

HHD 
3-2019
***
1-Lục Xú_Hoa tàn.

Áo đơn tiết nếm rượu.
Thời gian trôi đi, buồn đất khách
Mong xuân tạm dừng
Xuân về như chim lướt
Một đi không vết
Hoa ở đâu? Xin hỏi
Đêm qua mưa gió
Chôn Sở cung nghiêng nước
Nơi cánh hoa rơi, hương còn sót
Lốm đốm đường đào
Đường liễu nhẹ lật
Ai đa tình tìm tung tích?
Chỉ ong môi bướm sứ
Cửa khua lách cách

Vườn đông tịch mịch
Dần ám mờ sắc biếc
Đi quanh dưới hoa quý
Luôn than thở
Vươn cành cố chạm hành khách
Như kéo áo gợi chuyện
Tình xa vô cực
Hoa tàn nhỏ, đành cài khăn tóc
Rốt chẳng giống như thoa cài đầu rung động
Dựa vai nghiêng lệch
Hoa bồng bềnh, chớ theo sóng nước
E hoa tàn, cánh đề tương tư chữ
Làm sao thấy được?

2- Hoa tàn

Trời nồng thử rượu áo đơn
Thời gian lãng phí nỗi buồn tha hương
Mong xuân dừng chút trong vườn
Rồi như chim lướt cánh cuồng biệt tăm

Hoa ở đâu? xin hỏi thăm
Đêm qua mưa gió chôn thầm sở cung
Hoa rơi mùi vẫn còn vương
Đường đào lốm đốm, liễu đường nghiêng khinh
Truy tung tích, ai đa tình?
Chỉ ong và bướm gõ quanh cửa chờ.

Vườn đông lặng, sắc biếc mờ
Loanh quanh hoa quý, thẫn thờ thở than
Cố chạm khách, ráng vươn cành
Gần như níu áo loanh quanh chuyện trò

Tình xa vô cực trong mơ
Nhặt hoa tàn nhỏ điểm tô khăn đầu
Rốt cuộc có giống thoa đâu
Thoa cài rung động, hoa đau đứng hình!

Dựa vai quyến luyến nhân tình
Chớ theo triều sóng; hãy bồng bềnh trôi
E rằng đề chữ hoa rơi
Làm sao thấy được hỡi người thế gian!


Lộc Bắc

Mai24
***
Hoa Tàn

Đương mùa nếm rượu áo đơn
Thời gian qua mất buồn nương xứ người
Cầu cho xuân tạm ngừng trôi
Thời qua vun vút chim trời xa bay

Về đâu xin hỏi hoa này
Đêm qua mưa gió nhạt phai sắc màu
Thoảng hương đóa rụng úa nhàu
Nhẹ bay theo lối hàng đào liễu xanh

Cùng đây lần dấu hoa tàn
Tình người lãng tử có màng tiếc hoa
Bướm ong sứ giả lượn qua
Chuyển đưa tình ý thiết tha song ngoài

Vườn đông tịch mịch u hoài
Tường Vi khởi sắc thắm say dịu dàng
Dưới giàn nhẹ bước thở than
Cành vươn cố chạm như đang tỏ bày

Tâm tình tha thiết cùng đây
Biệt ly tình đóa sầu lay võ vàng
Cài hoa đầu chiếc khăn mang
Thoa không rung động ngỡ ngàng kề vai

Nương xuôi theo dặm sông d
ài
Trút cạn nỗi lòng e ngại tàn hoa
Chớ theo triếu sóng xoáy xa
Làm sao thấy được can qua kiếp người.


Kim Oanh
24.5.2024

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Một Lần…

 

Ai cũng một lần trộm nhớ trong đời
Chỉ thầm yêu chỉ bâng khuâng chờ đợi
Những cảm nhận không bao giờ chạm tới
Nhưng rung động làm mới phút ban đầu.

Ai cũng có lần yêu thương sâu nặng
Mơ đường dài hạnh phúc được thành đôi
Tia nắng lạ tô hồng môi thơm ngát
Thuở hẹn hò chẳng nhạt với thời gian

Ai cũng một lần đau lần hụt hẫng
Khoảng cách xa sao tàn nhẫn vô cùng
Chỉ hoài mong chẳng thể có lối chung
Duyên không nợ sao tương phùng cuối nẻo

Thôi thì đành thắt thẻo đợi kiếp sau!

Kim Oanh
22.5.2024

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Bay Tìm…

 

Ước mơ làm cánh chim
Vượt ngàn núi bay tìm
Nơi bình minh tươi sáng
Ấm áp cả buồng tim
Cùng chung một bầu trời
Như thuở mới đôi mươi!

Ước làm cánh chim di
Băng trùng khơi vạn lý
Tâm sự nỗi niềm riêng
Khối tình một loài chim
Mãi một đời bay tìm…
...Tìm hạnh phúc vô biên!

Kim Oanh
20.5.2024



Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Tri Kỷ Tìm Đâu...!



Tri kỷ là không hay có thật
Để với tận trời và lật biển lên
Ngóng tìm đỉnh núi chênh vênh
Hỏi mây chẳng nói mây bềnh bồng qua

Tri kỷ ngỡ gần hóa xa
Ôm trăng đối bóng đêm tà tỉ tê
Đèn trời thắp sáng lối về
Khấn xin lời nguyện hẹn thề sao băng

Tri kỷ có thấu hiểu chăng
Buồn vui an ủi vết hằn xóa tan
Đồng hành vượt bão tràng giang
Cuối dòng định mệnh dở dang... vẹn gìn

Vẽ lại hồi ức thuở mình
Tô thêm kỷ niệm trọn tình cho nhau
Nhủ thầm tri kỷ tìm đâu 
Đợi chờ ... chờ đến bao lâu vẫn chờ...!!!

Kim Oanh
17.5.2024

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Linh Hồn Tôi - LM. Kim Long - LCĐ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne

Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Melbourne 2013

Nhạc Sĩ: Hải Linh
Họp Ca:LCĐ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne
Video: Tiến Nguyễn

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Hương Yêu!


Cà phê mỗi sáng thơm nồng
Ngọt ngào hai trái tim hồng Má Ba
Thêm trái tim yêu thiết tha
Ngọt ngào thi vị đậm đà hương môi
Tháng 5 con được chào đời
Thơm mùi sữa má nằm nôi ấm nồng
Say sưa vui đón nắng hồng
Cám ơn ba má trong vòng tay êm
Cho con ngày tháng bình yên
Trong tình Ba má thiêng liêng tạc lòng!


Cà phê hương vị thương yêu
Ba trái tin quyện pha đều cho nhau
Đắng bùi cùng mẹ siết bao
Tâm tình san sẻ ngọt ngào chạm môi
Hai con từ lúc nằm nôi
Đến khi vững bước đường đời lớn lên
Mẹ con luôn cận kề bên
Bao nhiêu tình ấy êm đềm .... Đẹp thay
Cảm ơn con cả lòng này
Cuối đời tình mẹ vẫn hoài trong con!


Cà phê thưởng thức trong ngày
Đến người đồng điệu miệt mài xa xôi
Cà phê cái thuở nằm nôi
Sớt chia bầu bạn với lời thân thương
Cà phê ngày mới thơm hương
Trọn tình chung mộng bước đường bên nhau
Dạt dào như biển dâng tr
ào
Kiên trì vượt sóng ba đào chẳng ngơi
Lòng son chẳng  thể đổi vời
Cám ơn tri kỷ suốt đời khắc sâu!

 
Hình Ảnh & Thơ: Kim Oanh
16.5.2024


Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thụ 題平陽郡汾橋 - Sầm Tham (Thịnh Đường)


Sầm Tham 岑參 (715-770) tổ tiên ở Nam Dương sau di cư tới Giang Lăng, dòng dõi của tể tướng Sầm Văn Bản 岑文本 (595-645), thi nhân đời Đường đại biểu cho thơ biên tái cùng với Cao Thích 高適. Tác phẩm có Sầm Gia Châu thi tập 岑嘉州詩集.

Nguyên tác Dịch âm

題平陽郡汾橋 Đề Bình Dương Quận Phần Kiều

邊柳樹 Biên Liễu Thụ
此地曾居住 Thử địa tằng cư trú,
今來宛似歸 Kim lai uyển tự quy.
可憐汾上柳 Khả liên Phần thượng liễu,
相見也依依 Tương kiến dã y y.

Dịch nghĩa

Vịnh cây liễu bờ sông Phần ở quận Bình Dương
Ta đã từng ở nơi này
Nên năm nay ta trở lại
Khá thương cho cây liễu trên bờ sông Phần
Lúc gặp lại ta vẫn thấy như hồi nào
(Sầm Tham từng ở Bình Dương 8-9 năm).

Dịch thơ
Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần Ở Quận Bình Dương


Đất ấy từng cư ngụ,
Năm nay trở lại xem.
Liễu sông Phần dễ mến,
Gặp lại vẫn y nguyên.

Con Cò
***
Vịnh Cây Liễu Sông Phần

Đây chốn ta từng ở
Trở về thăm lúc này
Khá thương Phần liễu rủ
Gặp lại vẫn không thay!

Năm xưa từng ngụ chốn này
Về thăm thỏa ước năm nay, một lần
Khá thương cây liễu sông Phần
Gặp nhau vẫn vậy, ân cần như xưa!

Lộc Bắc
***
Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần

Bình Dương một thuở nơi này
Nhớ nhung chốn cũ mong ngày đoàn viên 
Thương thay cội liễu sông Phần
Bao năm gặp lại tình thân chẳng dời

Kim Oanh
***
Cây Liễu Bên Bờ.

Ta từng ở chốn này,
Trở lại thăm hôm nay.
Liễu bến Phần thương mến,
Gặp nhau chẳng đổi thay.

Mỹ Ngọc
Apr. 27/2024.
***
Cây Liễu Bên Sông

Bình Dương nơi ngụ thuở xưa
Năm nay trở lại cho vừa nhớ thương
Sông Phần rủ nhánh liễu dương
Bao năm vẫn vậy vấn vương bóng hình

Thanh Vân
***
Góp ý:

Đọc bài thơ nhiều lần, BS chẳng thấy gì hấp dẫn, chỉ hơi cảm khái một chút vì Sầm về lại chốn xưa mà cảnh vật còn y như cũ, không phải như mình, nếu trở lại Sàigon thì tìm đâu ra kỷ niệm, “con đường xưa em đi “…
Y là dựa vào, bảo vệ, yêu thích, như cũ, hoặc dáng cây cối tốt tươi. Theo Nguyễn Tôn Nhan thì Y Y, chữ kép là dáng mềm mại.

Trong mây cuốn Đường thi của BS, chỉ sách của Trần Trọng Kim có bài này, được dịch theo lục bát:

Đất này trước đã ở lâu,
Năm nay trở lại khác đâu về nhà,
Khá thương cây liễu trên bờ,
Thấy nhau vẫn cứ nhởn nhơ như thường.

Sau đây là bài dịch của Bát Sách:

Ngũ ngôn:

Đất đó ta từng ở,
Năm nay lại trở về,
Khá thương cây Phần liễu,
Nhìn lại vẫn xum xuê.

Lục bát: (theo ý ÔC)

Ta từng ở tại nơi đây,
Trở về nhớ những ngày đầy ái ân,
Khá thương cây liễu sông Phần,
Nhìn nhau còn thấy dáng xuân thủa nào.

Bát Sách
***
Nguyên tác: Phiên âm:

題...柳樹-岑參 Đề...Liễu Thụ - Sầm Tham

此地曾居住 Thử địa tằng cư trú
今來宛似歸 Kim lai uyển tự quy
可憐汾上柳 Khả liên Phần thượng liễu
相見也依依 Tương kiến dã y y

Bài thơ có mộc bản trong sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp `御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺

Ghi chú:

Tựa đầy đủ là: Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thụ (Tham tằng cư thử quận bát cửu niên) 題平陽郡汾橋邊柳樹 (參曽居此郡八九年)

Bình Dương: quận nay là Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây
Phần: sông Phần, chảy qua Bình Dương, Sơn Tây, dài khoảng 716 km và là chi lưu lớn thứ hai của sông Hoàng Hà
Uyển tự: thích
Quy: trở về nhà.
Khả liên: dễ thương.
Y y: mô tả thái độ quan tâm đến cây liễu, phất phơ trong gió.

Dịch nghĩa:

Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần Ở Quận Bình Dương

(Tham từng sống ở quận này tám chín năm)

Ta từng sống ở đất này,
Hôm nay thích trở về thăm nơi cũ.
Cây liễu dễ thương trên bờ sông Phần,
Thấy lại cũng như hồi nào (không thay đổi).

The Willow Tree by the Fen River Bridge in Ping Yang by Cen Can
I used to live in this area,
Today I return to visit.
The likeable willow on the bank of the Fen River,
Seems not to have changed.

Dịch thơ:

Vịnh Cây Liễu Bên Cầu Sông Phần

Thể lục bát:

Trước kia từng sống nơi đây,
Về thăm chốn cũ hôm nay thỏa tình.
Liễu xưa không đổi dáng hình,
Phất phơ trong gió một mình bên sông.

Thể ngũ ngôn tứ tuyệt:

Từng sống ở nơi này,
Hôm nay viếng lại đây.
Liễu yêu đón gió mát,
Hình dáng vẫn không thay.

Phí Minh Tâm

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

Nữ Vương Hòa Bình - Nhạc Sĩ Hải Linh - LCĐ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne



Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Melbourne 2013

Nhạc Sĩ: Hải Linh
Họp Ca:LCĐ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne
Video: Tiến Nguyễn

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Hành Trình Của Mẹ


Năm tôi học để Tứ bị một hình phạt vì tội phá thầy dạy môn Sử Địa, chúng tôi thay đổi đề tài thuyết trình từ "Danh Nhân Thế Giới" trở thành " Giai Nhân Thế Giới" hihihi.... Đề tài bị phạt, chúng tôi chọn " Thiên Chúa Giáo". Thế là cả toán chia nhau đi tìm tài liệu, soạn bài. Nhờ thế mà tôi cảm nhận được niềm tin từ Đấng trên cao.

Mỗi Chúa Nhật sau khi sinh hoạt Hướng Đạo xong, tôi cùng 2 cô bạn đến một chủng viện, phụ giúp các Sơ chăm sóc cho các em con lai bị bỏ rơi. Có những em bệnh tật. Từ lần đầu sợ và ái ngại....dần dần nhìn tình thương yêu trìu mến của các Sơ dành cho các em, Với lòng cảm phục. Các Sơ đã cảm hóa lòng tôi. Tôi không còn rụt rè, không ghê sợ, tôi góp một bàn tay chăm sóc lau chùi, đút cho các em ăn uống.Trong ba năm liền. Niềm vui vô bờ mỗi khi tôi đến trung tâm này, được các Sơ chỉ bảo, trò chuyện, tôi bắt đầu muốn đi tu. Nhưng Sơ luôn khuyên nhủ, con hãy cố gắng trau dồi học tập. Sau này thành công rồi tính sau. Sau năm 1975, phong trào Hướng Đạo không còn, nơi các Sơ không còn tiện để được tự do đến.

Từ những cơ duyên đó, hình ảnh Mẹ Maria đến trong tôi rất diụ hiền, bên Mẹ tôi cảm nhận sự bình yên và niềm tin tín thác. Có lần tôi nói với Má tôi" Má ơi cho con vào Đạo được không Má?
- Má nói: "Ba Má thờ cúng Ông Bà, con hãy theo ba má, khi nào các con rời khỏi vòng tay má, lúc đó con muốn theo đạo nào cũng được". Thế là tôi yên lòng, âm thầm đến bên Mẹ. Mỗi Chúa Nhật tôi đến Nhà Thờ Chính Tòa ở Vĩnh Long nghe bài giảng. Tôi cứ nhủ lòng "Dự lễ ké" cũng ấm lòng.

Tháng 5 năm 1979, tôi rời Vĩnh Long, lúc ra đi, tôi mặc bộ đồ bà ba đen, tay sách chiếc giỏ đệm có vài thang thuốc bắc để giả dạng người trong vùng đi bổ thuốc, Từ bến xe Cần Thơ đến Rạch Giá để vượt biên. Trên chuyến xe lam từ ngã 3 Lộ Tẻ đi vào Rạch Sỏi, bên cạnh tôi là anh bộ đội. Ngoài mặt tôi bình tĩnh nhưng trong bụng đánh lô tô. Chỉ biết cầu nguyện Đức Mẹ phù hộ con. Khổ một nỗi, bộ đồ đen còn làm cái nước da trắng tố cáo thêm không phải dân miệt Kiên Giang. Bỗng anh ta nói "cô hiền giống một người, tôi thấy ở chợ trời bán tôi mua, tôi cũng không biết là ai". Rồi anh ta móc trong bóp hé ra bức ảnh, tôi liếc nhìn "Mẹ Maria" tôi xanh mặt, điếng cả người, tay chân bủn rủn. Anh ta hỏi tôi ở đâu? sao đi bổ thuốc xa vậy?. Mẹ ơi, xin che chở cho con thoát nạn hôm nay.

Sau 5 lần vượt biên thất bại, tôi cũng nhanh trí trả lời. "Đi thăm bà con bệnh, bà con tôi làm ở trường tiểu Học Rạch Sỏi". Xuống xe tôi đi nhanh về trường học, anh ta cũng đi theo. Đến cổng tôi vào phòng ăn của trường, anh ta mới quay lưng đi. Tôi gặp em chồng của chị tôi, chị nấu ăn cho nhân viên, thầy cô giáo của trường. Tôi ở suốt trong căn bếp của trường cho đến chạng vạng mới cùng chị ra về.

Một buổi sớm, trời tháng 5.1979, tôi xuống bến đò Rạch Sỏi để rời Việt Nam, lần này là lần cuối cùng tôi thoát và xa nhà, mất tất cả rồi. Trên đường đi cũng gặp trục trặc nhưng tôi luôn khẩn cầu Đức Mẹ xót thương.
Sang ngày thứ nhì, tàu tôi bị 2 chiếc tàu hải tặc cướp. Một lần nữa tôi chỉ biết kêu cầu Đức Mẹ. "Mẹ ơi thương cứu tất cả nhất là những người con gái đã bị chúng bắt qua tàu của chúng, đừng để họ bị ô nhục. Mọi điều như nguyện con xin được vào Đạo". Tôi ngất đi không biết gì nữa, khi tĩnh lại, thì tất cả được thả về tàu bình an vô sự. Khó mà tin vào mắt mình, Nhưng một phép nhiệm màu đã khiến xui tàu buôn Singapore giải cứu chúng tôi.

Cuối cùng ngày 12.5.1979 tất cả người trong tàu được vào trại tị nạn Mã Lai. Con xin tạ ơn Mẹ đã luôn đồng hành bên con từ lúc khởi đầu.

Mùa Phục Sinh 1981, con được thực sự đến bên chân Mẹ với tất cả lòng cảm mến sâu xa, lòng biết ơn vô bờ bến. Mẹ đã khai sinh con một lần nữa trong đời.Mẹ đã dẫn dắt con đi. Mẹ mở mắt con nhìn đời với những điều đẹp đẽ và đầy yêu thương. Một niềm tin mãnh liệt để sống nơi đất lạ quê người.

Thời gian nối tiếp, khi đưa hai con đi lễ nhà thờ người Úc, nên mọi hiểu biết về đạo tôi không rành lắm. Chỉ biết đọc kinh và cầu nguyện, Sau khi các con trưởng thành, tôi trở lại sinh hoạt với cộng đồng công giáo Việt Nam. Tham gia vào ca đoàn, từ đó tôi được học hỏi thêm.

Năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, ngày 13.5.1917.
Tôi thật bất ngờ và cũng đầy xúc động vì ngày 12.5.1979 là ngày tôi được đặt chân lên đất Mã Lai.
Hết sức linh thiêng và mầu nhiệm!Trong cuộc đời tôi gặp nhiều chông gai, nhiều gian khổ. Nhưng lúc nào tôi cũng vượt qua và sống vui sống khỏe. Phải chăng đã có Mẹ cạnh bên. Con xin cảm tạ Mẹ cho con cuộc đời mới trong xã hội không thiếu tình người.
***
Má của con ơi.
Từ khi đến Úc, hàng năm vào ngày 12. tháng 5 chính là Ngày Mother's Day. Con cũng được sống trọn vẹn tình yêu thương của hai con, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cũng vì chính điểm này con lại càng nhớ đến công ơn má nhiều hơn. Thương má nhiều hơn.
Má ơi! tất cả niềm hạnh phúc của con, con xin kính gửi về Má. Con tin nơi Thiên đường má hiểu lòng con. Con biết những ngõ ngách tâm hồn con má đều biết phải không má. Vì vậy mà con cố gắng sống tốt, sống tử tế để đẹp lòng má, và không phụ công ơn má đã tạo ra con.

Đêm nay khi mọi vật lắng im.
Con nghe có tiếng trong tim chuyện trò,
Như má thầm thì nho nhỏ,
Mùi hương của má lan tỏa không gian

Ôi yêu thương thật tràn đầy
Má ơi, hạnh phúc trong ngày Mother's Day!
Thương yêu Má!

Hôm nay ngày 12.5.2024 là Ngày Của Các Ba Mẹ. Con xin gom lại những hình ảnh Mẹ mà con đã gìn giữ từ bấy lâu nay, thay những cánh hoa dâng lên Mẹ. Mẹ đã vì thương con đi suốt chặng đường, đã ban cho con nhiều may mắn, yêu thương.
 
Những bức ảnh đã được ban phép và cầu nguyện. Tổng cộng 12 bức.
Ôi sao có sự trùng họp với con số 12? Phải chăng là một nhiệm mầu!
Con tạ ơn tình Mẹ, cho con được bình an cạnh Mẹ!
Con cám ơn Má, cho con nồng nàn yêu thương!
Cảm ơn những người bạn thân thương, là tri kỷ của tâm hồn!
Tất cả luôn cùng bên Mẹ qua những lưu vật quý báu và thiêng liêng này.

 1. Con bên Mẹ trong ngày rửa tội 1981 - Nhà thờ Collingwood.
 
2. Quà của Ba Mẹ đỡ đầu tặng - 1981

3. Quà tặng, khi con sanh đứa con trai đầu lòng năm 1983

4. Ba Má Sang Thoại của con để lại - trong chuyến nghỉ hè ở Brisbane 1991

5. Chị Hai tặng em trong chuyến du lịch của chị ở Lộ Đức

6 Lúc không may, chị Xuân xin Cha J.M Vanney Nguyễn Văn Ngọc cầu nguyện từ Việt Nam tặng.

7. Trong lúc khổ đau.Được lời cầu nguyện của Cha Đinh Thanh Bình

8. Món quà cho căn nhà mới từ cậu em trai Út tặng.

9. Cha Peter Dương Bá Hoạt cầu nguyện từ Giáo Phận Đài Loan tặng

10. Con may mắn nhặt được từ chồng báo cũ bên đường 

11. Những món quà từ các bạn Hường Bích, Bình Tín, Nguyệt Minh mang về từ Lộ Đức.

12. Hành trình của Mẹ từ Việt Nam sang trại tị nạn đi một vòng trái đất  
sau 47 đến Úc 2023. 

Trên đường vượt biển, bức ảnh Mẹ đã bị nước biển loang màu. Nhưng đẹp thay, vết loang như hình một chiếc lá thu.
Mẹ kính yêu! Nơi con sống trời đang Thu. Phải chăng Mẹ mang đến cho con những điều kỳ diệu!

Tạ ơn Đức Mẹ vô vàn
Chở che dìu dắt song hàng bước đi
Vượt bao sóng gió hiểm nguy
Đoàn con gắng sức kiên trì chẳng ngơi
Hành trình của Mẹ nhớ đời
Tháng Năm kính Mẹ với lời cầu kinh
Xin Mẹ thương xót nhậm tình
Quỳ bên chân Mẹ sấp mình tạ ơn
 Amen!


Kim Oanh
Melbourne Ngày Nhớ Ơn Mẹ 12.5.2024

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Trăn Trở Thu!


Suối êm ru róc ra róc rách....
Cuộn theo dòng từng mạch gọi tên
Người về chăng... còn nhớ hay quên
Mùa thu vắng buồn tênh thổn thức

Những tưởng âm vang từ bờ vực
Tiếng yêu từ lòng ngực nhói đau
Lá đồng tâm lao xao than thở
Vàng suốt mùa trăn trở rụng rơi...


Thơ & Ảnh: Kim Oanh
Melb. một chiều thu 5.2024

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

Lối Thu Xưa...

  
 (Thu Melbourne 2023)

Lối Thu Xưa... 

Một mùa thu cũ vẫn đây
Tìm trong nỗi nhớ đong đầy hương xưa
Công viên lá đổ chợt vừa
Gọi mùa vàng chín lòng chưa quên người...

Kim Oanh
***

Cố quên sao mãi nhớ người
Mỗi mùa thay lá mưa rơi buồn buồn
Hương xưa còn thoảng thơm hương
Cành thu vàng lá ngàn thương nhớ người!

Yên Dạ Thảo

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Gối Mộng Mơ Trăng! - Hỏi Trăng

 

Gối Mộng Mơ Trăng!

Đêm đã dần tàn sao trăng còn thức
Rón rén ghé gần khung cửa nhỏ to
“Gối mộng ơi, để thân lạnh co ro
Coi chừng cảm trăng lo không yên giấc”

Gối mộng chợt giật mình.. Ồ là thật!
“Khẽ khàng cười ...Bởi ngủ gật quên thôi
Cám ơn trăng đêm đã khuya lắm rồi
Ngủ ngon nhé kẽo hao tâm tội lắm!”

Chênh lệch thời gian giao hòa chầm chậm
Tỉnh giấc nồng còn âm ỉ trong tim
Một ngọt ngào một nhơ nhớ lắng im
Trời hừng sáng đắm chìm lòng thổn thức

Trăng ơi! Có phải chăng là sự thật?!
Cho suốt đời Trăng Mộng mãi trong mơ
Được nghe trăng thì thầm tiếng hẹn chờ
Để gối mộng khép hờ khung cửa sổ!

Kim Oanh

5.4.2024

***
Hỏi Trăng


Trăng khuya treo ở đầu cành
Gió đưa trăng rớt vào mành vải thưa
Em đang say giấc ngủ mơ
Ngờ đâu trăng lén hôn bờ môi xinh
Gió ơi vì gió vô tình
Em đây xấu hổ với trăng mất rồi
Trăng cười bay cao chơi vơi
Lòng em vương vấn bồi nhớ ơi
Hỏi trăng còn xuống nữa thôi
Để em thay áo lụa ngồi đợi trăng


Vương Việt Chỉnh

 12-4-2024

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Tan Giấc Mơ Hoa

 

Nhớ mỗi bận mùa về mang anh đến
Điệu đàng em cài tóc đóa hoa cam
Thơm tho anh thầm bảo hương lưu luyến
Ví màu hoa da em trắng mịn màng

Vạn vật bừng lên chim muông vang hót
Tay trong tay từng bước dưới mưa phùn
Trở lại lớp cùng nhìn vào ô cửa
Đôi học trò mơ ước thỏa hoài mong

Thương bàn ghế gần nhau trong li tấc
Giấy học trò mực tím tỏ lời yêu
Thư không tem êm đềm nhờ diều gió
Đáp vào cặp em mỗi buổi tan chiều

Chiếc xe đạp đèo nhau qua phố rộng
Ve ơi sao vội gióng tiếng ru buồn
Hè đành đoạn chia ly hai lối mộng
Để phượng hồng theo gió lộng tàn vương

Khoảng trời son nhiểu nhương trong cơn lốc
Biết bao giờ ta ngược dốc trở về
Anh biết hoa đời nhiêu khê héo rụng
Mỏi mòn chờ bên đèn lụn canh khuya!

Kim Oanh


Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Cửu Nhật (Kim Triêu Bả Tửu Phục Trù Trướng) 九日 (今朝把酒復惆悵) - Vi Ứng Vật (Trung Đường)


Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người đương thời gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.

Nguyên bản Dịch âm

九日 (今朝把酒復惆悵) Cửu Nhật (Kim Triêu Bả Tửu Phục Trù Trướng)

今朝把酒復惆悵 Kim triêu bả tửu phục trù trướng,
憶在杜陵田舍時 Ức tại Đỗ Lăng điền xá thì.
明年九日知何處 Minh niên cửu nhật tri hà xứ,
世難還家未有期 Thế nạn hoàn gia vị hữu kỳ.

Chú giải:

Đỗ Lăng: Đất ở đông nam thành Trường An, quê quán của tác giả.
Thế nạn: Năm 783 đời Đường Đức Tông, quan tiết độ sứ Kính Nguyên là Diêu
Lệnh Ngôn làm phản, cử binh đánh chiếm Trường An. Vua phải chạy sang
Phụng Thiên cách Trường An hơn trăm dặm lánh nạn. Tác giả lúc này đang làm
thứ sử Trừ Châu (nay là huyện Trừ, tỉnh An Huy) và làm bài thơ này.

Dịch nghĩa:

Mồng chín (Sáng nay nâng chén lại thấy sầu)
Sáng nay nâng chén rượu lại thấy sầu,
Nhớ khi xưa ở điền xá Đỗ Lăng.
Ngày này năm sau không biết sẽ ở nơi nào,
Thời loạn chưa biết ngày nào mới về nhà.
(Cửu nhật: tiết trùng cửu, hay trùng dương, ngày 9-9).

Dịch thơ:

Mồng Chín (Sáng Nay Nâng Chén Lại Thấy Sầu)

Sáng nay nâng chén lại thấy sầu,
Chẳng nhớ Đỗ lăng điền xá sao!
Năm sau tháng chín nơi nào ở?
Thời loạn hồi hương chả chắc đâu.

Lời bàn:

Thơ của Vi Ứng Vật hầu hết đều giản dị sáng sủa. Ngay cả thất ngôn tứ tuyệt ông cũng không dùng điển (thường thì với số chữ rất hạn chế của thơ thất ngôn tứ tuyệt, các tác giả khác hay dùng điển để tiết kiệm lời). Với bài thơ này ông gói ghém tâm sự của mình trong 28 chữ rất bình dị. Tâm sự của ông như sau: đã lâu lắm mình chưa về thăm quê cũ ở Đỗ Lăng. Hôm nay là ngày trùng cửu (mùng 9 tháng 9), mình định về nhưng vì có giặc nên về không được. Thôi chờ đến ngày trùng cửu sang năm sẽ về… Nhưng trong thời loạn ly thì tính trước sao được? Vậy thì sang năm cũng chưa chắc về được… Nâng chén rượu mà uống chẳng vô…
Rất mộc mạc. Rất tự nhiên. Rất cảm động.

Tái bút:

Tâm trạng của Vi Ứng Vật giống tâm trạng của những Việt kiều cao niên đang sống lưu vong khắp thế giới: Năm nào tới ngày 30 tháng Tư cũng buồn thối ruột; đã gần nửa thế kỷ không dám nghĩ tới việc về sống tại quê hương; năm nay định về nhưng tình hình vẫn chưa ổn; thôi chờ sang năm xem sao. Nhưng
sang năm chắc gì tình hình sẽ ổn và chắc gì mình còn sống. Nâng chén rượu mà nuốt không trôi.
Riêng ÔC, vừa quá tuổi 90 được 1 tháng (sinh ngày 29-3-1934), cảm kích làm thêm 6 câu lục bát này:

Tình Non Nước 

Ai làm Non Nước chia ly,
Để Non xa Nước Nước thì quên Non.
Nước Non phận chẳng vuông tròn,
Non côi xót Nước Nước còn chênh vênh.
Rời Non Nước đổ xuống ghềnh,
Non ôm hận Nước Nước đành phụ Non.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Nâng Chén Sầu!

Nâng chén sầu lòng sáng sớm nay
Đỗ Lăng quê cũ nhớ đong đầy
Năm sau mùng chín nơi nào rõ?
Loạn lạc hồi hương khó định ngày!

Kim Oanh
Melb. 30.4.2024
***
***
Trùng Dương

Sáng nay nâng chén buồn tê tái
Nhà cũ Đỗ Lăng cách biệt lâu
Mồng chín sang năm đâu chốn nghỉ
Về quê thời loạn biết khi nào?

Lộc Bắc
***
Mồng Chín

Âu sầu chuốc chén lúc ban mai,
Nhớ Đỗ Lăng nhà đất chốn này.
Mồng chín năm sau đâu chỗ ngụ,
Về quê loạn lạc biết đâu ngày.

Mỹ Ngọc
Apr. 20/2024.
***
Ngày Mồng Chín

Lòng buồn nâng rượu dạ bùi ngùi
Nhớ cảnh Đỗ Lăng xa hắt hiu
Trùng Cửu năm sau lưu lạc chốn?
Mơ về quê cũ ngập niềm vui

Thanh Vân
***
Bài Cảm Tác:

Một sống, hai chết tìm tự do
Xứ người tị nạn vẫn sầu lo
Dù nhà yên ổn, sinh hoạt tốt
Đất nước quê hương vẫn quanh co

Đồ Cóc
***
Cửu Nhật, Cửu Nguyệt, hay tiết Trùng Cửu, Trùng Dương là một huyền thoại của Trung Hoa từ đời Hậu Hán: Hoàng Cảnh học phép tiên với Phí Trường Phòng trong nhiều năm. Một hôm, Phòng nói với Cảnh “ ngày 9 tháng 9 sắp tới, gia đình nhà ngươi phải gặp tai nạn. Vậy hôm đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, mang cành thù du, uống rượu hoa cúc, tối mới trở về.” Cảnh theo lời thầy, khi về nhà thì thấy gà, vịt, heo, chó đều chết cả. Từ đó người Hoa có lệ, vào tiết Trùng Dương thì lên núi tránh nạn.
Đường Thi có nhiều bài về đề tài này, như Cửu Nhật, Cửu Nguyệt Ức Sơn Đông Huynh Đệ của Vương Duy, Cửu Nhật của Đỗ Phủ, và bài của Vi Ứng Vật kỳ này. Anh Giám cho rằng bài thơ của Vi không dính dáng gì tới loạn lạc thời Đường Đức Tông. Thật ra, thời đó, từ năm 781 tới 785, có loạn Tứ Trấn, mà loạn của Lý Hy Liệt là dữ dội nhất. Tôi nghĩ, Vi làm bài thơ vào tiết Trùng Dương, chỉ để than thân mà thôi, không hẳn có ý ám chỉ loạn của Lý, vì còn loạn của 3 trấn nữa, tất cả trong vòng 4 năm.
Lời bàn của ÔC làm BS vô cùng cảm khái… thôi thì anh em mình sẽ như cụ Tôn Thất Thuyết, một ngày nào đó:

Nhất đán hương hồn quy Tượng Quận,
Bách niên tàn cốt ký Long Châu.

Đây là bản dịch của BS:

Ngày Mùng Chín

Sáng nay uống rượu lại thấy sầu,
Nhà ruộng Đỗ Lăng nhớ đã lâu,
Năm sau ngày chín lưu lạc nữa,
Thời loạn, ngày về ai biết đâu.

Bát Sách.
(ngày 22/04/2024)

***
Nguyên tác:        Phiên âm:
九日-韋應物       Cửu Nhật – Vi Ứng Vật

今朝把酒復惆悵 Kim triêu bả tửu phục trù trướng,
憶在杜陵田舍時 Ức tại Đỗ Lăng điền xá thì.
明年九日知何處 Minh niên cửu nhật tri hà xứ,
世難還家未有期 Thế nạn hoàn gia vị hữu kỳ.

 Vi Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物
 Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-
洪邁
 Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代
詩選-明-曹學佺
 Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐
詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Cửu nhật: ngày 9 tháng 9 còn gọi là ngày Trùng Cửu hay Tết Trùng Dương.
Hai số 9 (cửu cửu) ý nghĩa sống lâu. Vào ngày này người Trung Hoa xưa thường lên nơi cao, mang heo rượu cúc và lá hoặc hột thù du để được may mắn.
Đỗ Lăng: từ trước năm 65, thời Tây Hán, huyện Đỗ Lăng ở Tây An, Thiểm Tây, quê hương của thi nhân
thế nạn: Vi Ứng Vật là quan nhà Đường. Lúc trẻ, ông từng làm thứ sử Giang Châu, rồi Tô Châu nên được gọi Vi Giang Châu và Vi Tô Châu. Đang làm thứ sử Trừ Châu, An Huy, năm 783 ông viết bài thơ trong quan điểm của triều đình, có lẽ khác suy nghĩ của người dân. Vì chiến tranh, vua phải tạm thời di tản, bỏ Trường An chạy qua Phụng Thiên cách hơn 100 dặm, quan không được rời nhiệm sở về thăm quê hương, nói tóm không được vui hưởng Tết Trùng Cửu.

Dịch nghĩa:
Ngày 9 (Năm 783)

Hôm nay thấy buồn khi nâng chén rượu,
Nhớ lại lúc trước khi sống ở nông trại Đỗ Lăng.
Tôi biết sẽ đi đâu vào ngày 9 năm tới,
Thời loạn lạc không biết lúc nào được về nhà.

Dịch thơ:
Ngày Trùng Cửu

Nâng chén hôm nay chỉ thấy sầu,
Đỗ Lăng ngày ấy đã bao lâu.
Năm sau Trùng Cửu dù toan liệu,
Thời loạn thăm nhà chắc được đâu.

九日-韋應物 The Nineth by Wei Ying Wu

今朝把酒復惆悵 I felt sad when lifting the cup of wine today,
憶在杜陵田舍時 Recalling the time living at Du Ling farmhouse.
明年九日知何處 I know where to go next year on Double Nine Festival,
世難還家未有期 In trouble time, you can not be certain when you can visit

Viết thêm:

Năm 785, Vi Ứng Vật có làm một bài Cửu Nhật khác, 5 chữ 4 câu. Tình thần bài thơ này không còn bi quan “thế nạn” như trong bài 7 chữ 4 câu trước đây. Ông không còn quan tâm đến thời tiết, không biết hoa cúc nở tháng 9, không còn nhớ nhà, bận rộn có nhiều quý khách thăm viếng nhờ mới được thăng chức thái thú Ngô Quận, nay là thành phố Tô Châu, Giang Tô.

九日 Cửu Nhật Ngày 9 (năm 785)

一爲吳郡守 Nhất vi Ngô quận thủ Thái thú quận Ngô ta,
不覺菊花開 Bất giác cúc hoa khai Không hay cúc nở hoa.
始有故園思 Thủy hữu cố viên tư Quá nhiều khách viếng tụng,
且喜衆賓來 Thả hỷ chúng tân lai Giờ có nhớ quê nhà.*

*Người dịch hoán chuyển 2 câu 3 và 4 để giữ vận.

Phí Minh Tâm 
 ***
Góp Ý:

Viết về ngày Cửu nhật:

九日=cửu nhật là một lối gọi 重陽節九日=trùng dương tiết, hay tiết trùng cửu, khi người Tàu ngày xưa có tâp tục leo núi, đeo nhánh sơn thù du và uống rượu cúc để ngừa tai họa. Ngày này cũng là dịp du hí cuối cùng trong năm trước mùa đông. Vi Ứng Vật làm bài thơ trong ngày Trùng Cửu nhưng không nói gì đến chuyện leo núi hay uống rượu cúc mà lại than vì thế nạn!

Vi Ứng Vật làm thứ sử thời Đường Đức Tông. Sáu năm đầu thời Đức Tông luôn luôn loạn lạc vì các phiên trấn thay nhau, hay hùa nhau, nổi loạn. Tháng 8 năm Kính Nguyên thứ tư (783), tiết độ sứ Lý Hi Liệt tấn công Tương Thành, tháng 9 Đức Tông sai tiết độ sứ Diêu Lệnh Ngôn phản công. Diêu đem 5000 quân vào Trường An trong mùa đông giá lạnh; lính đói thay vì được thưởng nên nổi loạn. Những biến cố này xảy ra sau tiết Trùng Củu và không có liên hệ gì với bài thơ Cửu Nhật.

Huỳnh Kim Giám