
( Đêm Giao Thừa Nơi Thánh Đường Holy Name)
I. Mở bàiBây giờ là mùa Xuân. Xuân Ất Tỵ 2025. Nhưng riêng ở xứ Kangaroo là mùa Hè. Người công dân Úc gốc Việt, nhà thơ Lê Thị Kim Oanh, vẫn mang thời gian, ngày tháng quen dùng ở Việt Nam, nên trong tâm thức vẫn còn là mùa Xuân, Xuân Mãn Khai.
Xuân Mãn Khai là mùa Xuân nở rộ đẹp nhất trong thời gian của mùa Xuân. Hoa Mai, hoa đào, mãn khai vào dịp Tết.
Đêm giao thừa 2025, nhà thơ Lê Thị Kim Oanh đã cảm nhận mùa Xuân qua dòng thơ mang tên Xuân Mãn Khai.
Xuân Mãn Khai
Có một mùa xuân thơm nắng mai
Có hương mùi nhớ ủ tháng ngày
Cho đôi lứa thỏa say bí tỉ
Lạc bước vào vườn xuân đắm say!
Rồi có một mùa xuân xa bay...
Trôi về đất Hứa biệt lưu đày
Hoa rơi lá rụng đông băng giá
Song hành nhịp sống chẳng hề hay!
Và một mùa xuân xưa thái lai
Hương yêu ngày cũ thời ngây dại
Mãi mãi cất đầy trong ký ức
Tình đẹp muộn màng ... Xuân mãn khai!
Kim Oanh
Melb đêm giao thừa 2025.
II. Những nhận xét về bài thơ Xuân Mãn Khai
1. Tổng quát về bài thơ:
Bài thơ có 3 khổ, 12 câu. Khổ thơ là tập hợp nhiều dòng thơ, nhiều ý thơ trong bài thơ.
Đón Xuân nầy lại nhớ Xuân xưa. Ký ức hiện về, đã có một mùa Xuân tràn ngập tình yêu đắm say của đôi lứa tập tễnh vào tình yêu.
Thế rồi, vận nước đảo điên, mùa Xuân của tuổi trẻ chắp cánh bay xa, trôi dạt về miền đất Hứa.
Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu, hàn gắn những vết thương trong lòng.
Và cuối cùng, hết cơn bĩ cực đến tuần thái lai. Tình yêu say đắm của thời thơ dại lại hiện về, vì hương yêu đã được cất đầy trong ký ức.
Tình đẹp, tuy muộn màng nhưng vẫn nở rộ vào mùa Xuân. Xuân Mãn Khai.
2. Ý của từng khổ thơ:
a). Khổ thơ 1.
Có một mùa xuân thơm nắng mai
Có hương mùi nhớ ủ tháng ngày
Cho đôi lứa thỏa say bí tỉ
Lạc bước vào vườn xuân đắm say!
Nhà thơ Lê Thị Kim Oanh thả hồn về miền quá khứ, ký ức hiện về. Đã có một mùa Xuân, ở đó cặp đôi say đắm trong mến yêu và nồng nhiệt của thuở đầu đời.
Tình yêu đậm đà ngây ngất đó, đã được nhà thơ Kim Oanh chôn chặt tận đáy lòng. Nhà thơ đã xử dụng “cụm từ” “ủ tháng ngày”. Nghệ thuật dùng từ ngữ của chị thật tuyệt vời.
Đó là tình yêu chiếm ngự trong tâm thức, được nâng niu từ ngày nầy qua tháng khác, tức là luôn luôn, mãi mãi, từ mùa
Xuân nầy đến mùa Xuân khác. Chữ “ủ” là được ấp ủ, giữ lại ở một nơi ấm áp. Các thứ trái cây hườm hườm được đặt vào nơi ấm áp cho mau chín.
Nghệ thuật diễn đạt bằng những mỹ từ pháp thật độc đáo.
“Thơm nắng mai”, “hương mùi nhớ”, “ủ tháng ngày” . Để chỉ nắng mai nồng ấm, rất đẹp, nhà thơ Kim Oanh dùng chữ “Thơm”. Mùi thơm được cảm nhận bằng khứu giác, qua đường mũi. Thế mà diễn tả nét đẹp, ấm áp của buổi bình minh bằng chữ “Thơm” thật đặt biệt. Những “cụm từ” “hương mùi nhớ”, “ủ tháng ngày” làm nổi bật tâm tình nhớ, được ấp ủ trong lòng, không phai.
Từ ngữ “say bí tỉ, vườn xuân đắm say!”
Người uống rượu say bí tỉ, cặp đôi lứa say tình cũng bí tỉ, đắm say.
b) Khổ hai
Rồi có một mùa xuân xa bay...
Trôi về đất Hứa biệt lưu đày
Hoa rơi lá rụng đông băng giá
Song hành nhịp sống chẳng hề hay!
Vận nước đảo điên. Mặc dù mùa Xuân đã đến, nhưng tác giả cảm thấy thời gian đó như một mùa Đông băng giá.
Thế là có một mùa Xuân xa bay, trôi dạt về miền đất Hứa. Mặc dù miền đất Hứa đã mở rộng vòng tay nhân ái, đón nhận và bảo bọc người mất quê hương. Thế nhưng người phải lìa xa quê cha đất tổ, trong lòng nặng chiểu tình quê, xem như bị lưu đày.
Dù ai xa xứ khắp nơi
Vẫn là con cháu của trời nước Nam (Kim Oanh)
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Lạnh không gian được cảm nhận như một mùa Xuân băng giá. Ở đó, chỉ toàn là “hoa rơi, lá rụng”…Chỉ có mùa Đông băng giá.
Nhưng rồi thời gian cũng qua mau, thời gian là liều thuốc nhiệm mầu, hàn gắn những vết thương lòng. Do đó, cùng với thời gian, nỗi buồn cũng vơi đi. Đời người thường có những thăng trầm, thành bại, được mất, nên tình cảm phức tạp, vui buồn lẫn lộn. Khi ngoại cảnh tác động vào tâm tư, vui buồn lẫn lộn nên “Song hành nhịp sống chẳng hề hay!”
Tài nghệ xử dụng từ ngữ của nhà thơ Lê Thị Kim Oanh thật ấn tượng. “Xuân bay xa”, mùa Xuân như có cánh bay xa, bập bềnh trên sóng nước, trôi dạt về miền đất Hứa. Những từ ngữ thuộc về trừu tượng được cụ thể hóa thành hiện thực.
c) Khổ 3
Và một mùa xuân xưa thái lai
Hương yêu ngày cũ thời ngây dại
Mãi mãi cất đầy trong ký ức
Tình đẹp muộn màng ... Xuân mãn khai!
Đêm giao thừa 2025, nhà thơ Kim Oanh bỗng nhiên cảm nhận được tình yêu nồng nàn của mùa Xuân cũ, ở đó tình yêu như say bí tỉ, trong mùa Xuân đắm say.
Xuân đến rồi Xuân đi, nhưng tình yêu đầu đời vẫn đọng lại trong tâm khảm, được nâng niu, ấp ủ nên vẫn tồn tại.
Ở khổ 3. Tình trong mộng, tuy không hiện thực, nhưng có còn hơn không.
Tuy muộn màng, nhưng Xuân vẫn mãn khai.
Kỹ năng dùng từ ngữ của chị gây ấn tượng: “Hương yêu”, “Cất đầy”. “tình đẹp”…
Dùng từ ngữ cụ thể để diễn đạt ý trừu tượng. “mùi” nhớ. “ủ”, “xa bay”, “Trôi về”, “Cất đầy”.
III. Kết luận
Nghệ thuật diễn đạt Nhà thơ Lê Thị Kim Oanh rất điêu luyện. Chị xử dụng tối đa các mỹ từ pháp, như đảo ngữ, ẩn dụ, nhân cách hóa, tượng thanh, tượng hình, so sánh, điệp ngữ. Chị dùng những từ ngữ cụ thể để diễn đạt cái y trừu tượng. Ý thơ dồi dào, lôi cuốn người thưởng thức.
Trúc Giang MN
Minnesota ngày 18-2-2025