Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Mai


Thơ: Yên Dạ Thảo
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nghich Lý Đầu Năm



Chưa trọn Đông buồn Xuân lại giành ngang
Có gì vui trong chuỗi khúc mơ màng
Một chút lạnh chen đôi bàn tay khép
Xót lá vàng chết đẹp lúc Đông sang

Tuổi Xuân già trổ dáng ngàn hoa nở
Đàn chim chờ trở gót liệng về Nam
Đám bướm ong cũng rộn lòng thức đợi
Giờ giao mùa khơi lại ánh Xuân xưa

Mùng một Tết cơn mưa khùng bất chợt
Khơi chuyện buồn diễu cợt buổi đầu Xuân
Đồng ruộng quê nghèo trời mừng lệ giả
Bạc mái đầu tất bật ngã ly hương

Tuy đời bất công còn đường tốt chán
Hơn cái thời man rợ chiến tranh ma
Cũ một lần Xuân khói lửa tan nhà
Vùi dập trai trẻ làm quà đón Tết!

Hy vọng Xuân sau hết dần kiếp nạn
Mang tiết trời trả lại đúng mùa Xuân!

Vĩnh Long 23-1-2012 ( Mùng Một Tết )
Lê Kim Hiêp  
          

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Cánh Hoa Vàng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tâm Giao


Viết tặng " bà con" ở xóm Còng
Ừ.Đây quen đó. Biết thì không!
***
Tôi có người quen miệt ruộng đồng
Rằng quen nhưng thật hóa ra không
Chung trường mấy lượt chưa hề gặp
Chỉ biết nhau qua chuyện xóm Còng

Hai bến hai dòng nước đục trong
Cùng nghe tu hú gọi bên sông
Chim cu tha thiết gù tình tứ
Nhớ chuyến đò khuya nước ngược dòng

Thòi lòi trăn trở bãi sông dài
Trái xoài chín rụng lún lòng ai?
Lục bình trôi tắp chân cầu nhủi
Tim tím một đời hoa lắc lay

Dòng thơ vỗ nhịp sóng lao xao
Hoa bưởi hương cau tỏa ngọt ngào
Góc phố đường quê xưa réo gọi
Mến vần cảm điệu hóa tâm giao

Lê Kim Thành
30-1-07

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Trăng Mười Lăm

(Ảnh:  Kim Oanh)

“Trăng mười lăm sáng đêm rằm
Nhớ ai không ngủ anh nằm chèo queo”(*)

Bên kia hàng giậu trăng treo
Có người đưa võng eo xèo nhớ nhung
Trăng tròn một mảnh tình chung
Sao nỡ chia nửa ngại ngùng lòng nhau


Kim Oanh
(*) Thơ Biện Công Danh

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Vẽ Vời


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh



Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh


Trăng Mười Hai




Trăng mười hai ngắm hoài không chán (*)
Thế mà lòng không nán lại thêm?
Bên thềm hoang nguyệt chửa kịp tàn
Đêm vội vã kéo màn mưa lệ


Kim Oanh 
(*) Biện Công Danh

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Bài Kệ Cư Trần Lạc Đạo - Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Một số người trong chúng ta, về già, thường nghĩ đến Thiền như là một phương cách để tìm hạnh phúc. Cách đây mấy năm, duyên lành, tôi đọc được 4 câu kệ ở cuối bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông, một vị vua đời nhà Trần,cuối đời đi tu, sáng lập Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Người đã được tôn xưng là Bụt. Bụt khuyên con cháu trong nhà, hãy sống theo lẽ tự nhiên của Trời Đất. Tiếc là,nhà giáo tôi, lòng trần vẫn còn nặng, vẫn không thể đối cảnh vô tâm, vẫn không tránh khỏi buồn vui trước đổi thay của ngoại cảnh. Lúc này,ở tuổi 82, nhìn lại, một đời khổ hạnh, vẫn chỉ biết quẩn quanh thương người để được thương, và may chăng, nếu còn có được chút vui nào ở những ngày tháng còn lại. PKT 01/17/2016


Bài Kệ Cư Trần Lạc Đạo
Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Dịch Xuôi : Bài Kệ Về Sống Đời Vui Đạo
PKT 01/17/2016

Sống trong cõi trần này,hãy tùy duyên, mà vui với đạo
Nếu thấy đói thì hãy ăn, nếu thấy mệt buồn ngủ thì hãy đi ngủ
Báu vật đã có ớ trong nhà rồi, hãy thôi, đừng tìm ở đâu khác nữa
Đối cảnh (trước đổi thay) mà vô tâm (lòng vẫn an nhiên tự tại ) thì cần chi hỏi đến thiền

Cư Trần Lạc Đạo

Sống đời,vui đạo, hãy tùy duyên,
Ăn ngủ thuận theo lẽ tự nhiên.
Hạnh phúc đi đâu tìm kiếm nữa,
Giữ lòng nhân ái hỏi chi thiền.

Phạm Khắc Trí
***
Vui Đạo Trong Cõi Trần

Tuỳ duyên, vui đạo sống trên đời
Mệt ngủ đói ăn, đơn giản thôi
Vật quý trong nhà tìm đâu nữa?
Cảnh thay, tâm lặng, ấy thiền rồi.

Phương Hà phỏng dịch
***
 偈云                          Kệ Vân
  居塵樂道且隨緣, Cư trần lạc đạo thả kỳ duyên
 饑則飧兮困則眠。  Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
 家中有宝休尋覓,  Gia trung hữu bảohưu tầm mịch
 對鏡無心莫問禪      Đối kính vô tâm mặc vấn thiền       
 陳仁宗                        Trần Nhân Tông
***
Bài ThơDịch:
Kệ Rằng


Đạo đời nhàn nhã hãy tuỳ
duyênMệt ngủ đói ăn chẳng luỵ
phiềnVật quý trong nhà không phải
kiếmTâm an trước cảnh ấy là thiền 

Quên Đi
***
Ngộ

Trần ai ngộ Đạo ấy kỳ duyên,
Ăn ngủ yên bình khỏi cảm phiền,
Bảo bối cần chi thôi bận trí,
Giàu nghèo hỉ xả bỏ buông... thiền.

Mai Xuân Thanh
Ngày 18 tháng 01 năm 2016
***
Cư Trần Lạc Đạo

Sống ở trên đời hưởng phúc duyên
Đói ăn mệt ngủ chẳng than phiền
Nhà đầy phúc lộc tìm đâu nữa
Tĩnh lặng lòng ta khỏi phải Thiền

Nguyễn Đắc Thắng
***
  Đạo Ăn Ngủ

Suốt ngày tếu táo ngắm đời vui
Thích cứ ăn no, chán ngủ vùi
Sống đời ước lắm chi cho mệt
Tìm kiếm đâu xa nữa hỡi người


Chân Diện Mục
***
Bài Dịch: Thiền Định

Đạo đời thư thả tùy duyên
Đói ăn, mệt ngủ chẳng phiền lụy thân
Hạnh phúc hiện hữu rất cần
Tâm an thiền định cõi trần vui thay!

Kim Oanh

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Cái Thời Con Nít



Mắc cỡ  khúc khích  em cười
Dị ghê sao lại nhắc thời hồi xưa
Cái thời tóc chỏm lưa thưa
Chơi chòi đính ước quê mùa.. mê say!
Nhẫn cỏ ai mang vào tay
Hoa sứ vòng cổ cho ngày cưới nhau
Cả đám chúc hai mái đầu
Nước dừa thay rượu, trầu cau thơm nồng
Thỏa thê tắm mát nước trong
Thả bè lặn hụp theo dòng sông trôi
Ai thua bị quẹt lọ nồi
Nhớ người.. người nhớ tình tôi không nào
Kỷ niệm yêu dấu ngọt ngào
Bên thềm thao thức nghẹn đau mưa ào
Nhắc chi ký ức dâng trào
Nhớ chi gặm nhấm khát khao dại khờ

Kim Oanh

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Tâm


Thơ: Sư Bà D.T
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhát Gái


Tôi sinh ra ở cái thời người ta gọi là giao thời. Nghĩa là cái thời học sinh được học cái yêu đương của mấy ông Tây trong khi gia đình lại đe nẹt theo kiểu Nho giáo. Thật là phiền cho mấy tay có trái tim hay rung động linh tinh khi dọc những Tố Tâm, Những Tuyết Hồng Lệ Sử, Chiếc Bóng Song The, Thuyền Tình Bể Ái
Dĩ nhiên tôi không thích nhân vật Lục vân Tiên:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai

Nhưng khổ thay, gia đình khô khốc của tôi lại không sản xuất cho tôi một trái tim nhẩy nhổm như Xuân Diệu:

Em gần thêm một chút anh hờn
Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm

Bất hạnh cho tôi, dù tôi bị giằng xé giữa hai ngã đường, nhưng trái tim tôi nó vẫn bò lết về phía bến mê. Đúng như câu chuyện một lão sư dẫn đệ tử xuống núi. Đệ tử này được sư phụ nuôi từ bé , chưa thấy đàn bà con gái bao giờ. Gặp con gái, sư phụ nói với đệ tử: đó là quỷ. Chiều về, sư phụ hỏi đệ tử: vậy chứ hôm nay con đi chơi thích nhất gì? Đệ tử trả lời: con chỉ thích quỷ thôi!
Tôi không hiểu mê gái là bản năng trời sinh hay óc tò mò, khi người ta bị cấm thì càng tò mò muốn… biết.
Trong khi các bạn “ bình dân “ của tôi được chơi chung với con gái, nào là bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba … được cầm tay, ôm vai, ôm bụng con gái… thì tôi con nhà“gia giáo“ tối ngày phải học Minh Tâm Bảo giám ….Nhưng lâu lâu anh của tôi lén đem về “ Tố Tâm “ … thì tôi tò mò đọc dù biết rằng cha tôi bắt gặp thì sẽ bị la rầy (giống như bây giờ người ta thích đọc văn chương lề trái vậy)
Dù rất tò mò , dù không khoái những lời giáo huấn khô khốc của cha , nhưng tôi vẫn tự hào là mình “ thanh tao “, thuộc tầng lớp quý (sờ) tộc, không chọc gái sàm sỡ như các bạn . Tôi không ngờ rằng cái gen “ thanh tao “đó nó hại tôi nhiều lắm. Tôi không “ chọc “ gái nhưng tôi “ mê “ gái. Mê gái mà không dám đến gần, không dám tấn công khiến tôi trở nên ngớ ngẩn, trở thành một tên cả Tề, cả Đẫn, cả Quỷnh, hay nói một cách bình dân, nôm na, dễ hiểu: là một tên Nhát Gái.

Mốt tình đầu đời của tôi xẩy ra năm tôi học lớp năm ( lớp một bây giờ ). Hồi đó ít người đi học nên hay có lớp ghép. Một phòng học được ghép hai, ba lớp.Thầy giáo chỉ định một cô lớp tên cầm tay tập viết cho tôi. Cô ta ngồi sau, choàng qua vai, cầm tay tập viết cho tôi. Chao ôi, một cảm giác dịu dàng ấm áp …. rồi xôn xao, rạo rực, đê mê tràn ngập tâm hồn tôi… đến khi cô ta cúi xuống, tóc xoà vào má tôi, nói những lời nhẹ nhàng êm dịu … thì … cha mẹ ơi … tôi ngay ngất, bàng hoàng, thảng thốt không bút nào tả xiết. Mùi da, mùi tóc và hơi thở của nàng nó mới tuyệt diệu làm sao! Thật đúng là: thế rồi thiên chúa tạo ra đàn bà. Chắc chẳng bao giờ cô ta biết những rung động của tôi, bởi lúc đó tôi còn bé xíu , bé như ….. trái ớt hiểm!
Rồi thời gian qua đi … qua đi … qua đi. Cái ấn tượng rằng đàn bà là tác phẩm hoàn hảo nhất của Chúa cứ theo tôi suốt cả cuộc đời.

Năm 16 tuổi, khi tôi thi bằng Diplôme. Cô giáo hỏi thi vấn đáp môn Pháp văn tên B.T. là một giai nhân tuyệt sắc. Cô hỏi mà tôi có nghe gì đâu vì tôi mải chiêm ngưỡng cô, tôi trả lời vấp váp, trật lất hoặc cứng họng luôn, có lẽ cô cho điểm 1 hay zero khiến tôi rớt. Nhưng tôi nào dám oán vì oral thời đó không quan trọng, ba tháng sau tôi lại đậu. Tôi rớt kỳ I là vì … xin lỗ cô, tôi nhát cô ( chứ không phải nhát gái ) chứ không phải tôi dốt tới cỡ đó.Sau này tôi nghe tin cô tự tử vì buồn phiền chồng cô là một hoạ sĩ rất nổi danh và cũng rất … hào hoa. Dù cô hơn tôi cả chục tuổi và lúc đó có thể đã có chồng , nhưng với tôi cô mãi mãi là “rất thánh đức nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh“
Cái bệnh nhát gái, bệnh yêu đơn phương, yêu viển vông… không kết quả của tôi cứ ngày một tăng đến độ hết thuốc chữa, không lẽ lên hỏi ông trời

Bắc thang lên hỏi ông trời
Cái bệnh nhát gái có …. chữa được không


Một phần không nhỏ do các văn sĩ thời ấy. Thí dụ ông Thạch Lam viết: Nắng trong vườn, ông Khái Hưng viết Hồn bướm mơ tiên… Người ta đua nhau ca tụng tình đơn phương , tình yêu thanh cao , trong sáng (L’amour Platonique!), chết vì tình là cử chỉ cao đẹp nhất. Người ta đồn rằng các cô đua nhau ra Hồ Tây để … nhảy xuống tự tử , nên có những ông phu xe ra đậu gần đó nhắm mắt giả ngủ , để khi nghe tiếng kêu thì nhảy xuống cứu, lĩnh thưởng! Có lần một Tiểu Thư được cứu , chỉ xuống hồ nói với người phu xe: Còn đôi guốc, anh làm ơn xuống vớt dùm!
Tôi bị cuốn vào cái trào lưu mơ mộng đó đúng vào lúc tôi nhổ giò, vỡ tiếng, cái tuổi mà người ta gọi là “ sáo về tư tưởng “ đó nen làm sao tránh khỏi lẽo đẽo chạy theo các bóng hồng. Mà trước khi đi thế nào cũng lượm lặt năm ba câu thơ dằn túi để làm vốn . Nào là Truyện Kiều , thơ Tản đà , Xuân Diệu , Huy Cận , Lưu trong Lư , Hàn mặc Tử , Nguyễn Bính , Vũ hoàng Chương .
Truyện Kiều hồi đó đã lên đến Đỉnh Cao Quyền Lực . Người ta viết thư cho bạn cũng lẩy Kiều, viết kính thăm cha mẹ cũng:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà

Tôi không mê tín đến nỗi mở Kiều ra khấn:

Lậy vua Từ Hải
Lậy vãi Giác Duyên
Lậy Tiên Thuý Kiều

Nhưng câu truyện anh chàng ráng học Kiều, ba năm thuộc lòng , nên được vợ… làm tôi phấn khởi lắm. Anh chàng mê gái , chạy theo người đẹp làm bộ chen lấn, cọ quẹt, bị nàng phang ngay cho một câu:

Tha cho thì cũng may đời
Làm ra ra tiếng con người nhỏ nhen

Anh chàng ức lắm, về nhà học Kiều ba năm thuộc lòng. Nhưng cha chết. Anh chàng nôn nóng báo thù rửa hận , đeo khăn tang ra gặp nàng. Nàng nhận ra, lại thấy khăn trắng, bèn đưa rằng:

Ăn làm sao, nói làm sao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
Ba năm tu luyện công lực, chàng bật ra chiêu tuyệt vời:
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai
………………………………………
Sư thành công của chàng này khiến tôi đi đâu cũng mang theo Kiều một bên ngực
Những câu mượt mà, ướt át:
“ Ái tình nó như hương của hoa, như khí trời buổi sáng, như mần non mới nảy, như đèn điện trong gian nhà tối, như ngày chủ nhật của những người lao động, như người dẫn đường những kẻ mù loà …“
Những cách nói kiểu cách, đỏm dáng như: cái gương soi thì nói là cái “ cố vấn sắc đẹp “, cái ghế ngồi thì nói là “ cái tiện nghi của cuộc đàm thoại “
Những câu trình diện mà tôi cho là tuyệt vời, có thể lấy điểm cao … hoặc như thứ mật ngọt có thể chết … ruồi như: Thưa tiểu thư, tôi sẽ rất lấy làm hãnh diện nếu được hầu hạ cô. hoặc: cô bằng lòng không, cô có bằng lòng cho phép kẻ hèn này được làm người đầy tớ trung thành suốt đời của cô không? cứ tuần tự chất đầy túi, nhưng khi đối diện người đẹp thì chẳng bao giờ nó bật lên được. Thế là tôi cứ tha thẩn đi qua nhà nàng:

Nhà ấy hình như có mặt trời
Có rừng có suối có hoa tươi
Bao nhiêu chim lạ bao nhiêu bướm
Không có gì đâu có một người
Tôi cứ đếm bước đo đường như phu lục lộ :
Mang bao hy vọng lúc ra đi
Chuốc lấy buồn không lúc trở về
Lòng mỗi lần đi lần bão táp
Mỗi lần là một cuộc phân ly

Và chỉ mong ông trời cứu:

Chao ôi yêu có ông trời cứu
Yêu có ông trời khoá được chân
Chàng lại đi về qua phố ấy
Mấy mươi lần nữa và vân vân
(Những đoạn thơ Nguyễn Bính)

Dĩ nhiên ông trời nào cứu được thằng nhát gái như tôi. và thế là tôi lủi thủi đếm mãi bâng quơ những gót giầy , để khi về đến nhà thì ủ rũ như con khỉ của Nguyễn Du:

Khỉ tựa gối, khỉ cúi đấu
Khỉ vò chín khúc, khỉ chau đôi mày

Thế là … thế là tôi cứ kéo lê kiếp cô đơn, cứ là những cái bóng, cứ là những cái đuôi đằng sau những bóng hồng

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô hồn

Không phải những bóng hồng của tôi bay lượn mờ ảo như các cô hồn, mà tôi là một cô hồn đi theo ám ảnh các nàng
“ Le murmure d’amour élevé sous ses pas “
(Viết đến đây tôi lại nhớ đến một vị Pháp Sư dạy Pháp văn chúng tôi ở Dại Học. Thầy chê Khái Hưng dịch dở ẹt . Khái Hưng dịch: “Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình“ thì giết chết ý thơ của Arvers rồi cón gì! Tôi thấy thầy nói đúng . Tôi cũng chẳng biết nên dịch murmure là gì, nhưng trong khi nàng: “đường trần lặng lẽ bước tiên “ thì trái tim tôi nó cứ murmure hoài.
Rồi thời gian qua đi … qua đi … qua đi. Tôi đã tới tuổi vai năm tấc rộng và ria mép lún phún. Tôi thấy mình đã là một Trượng Phu, một Hảo Hớn! không lẽ cứ hèn mãi. Tôi quyết định phải ngổ ngáo, táo tợn … làm cho rõ mặt anh hùng ! Một bữa đang đạp xe tà tà … tôi thấy một người đẹp đạp xe qua mặt có một vẻ nhất cố khuynh nhân thành , tôi bè đạp dấn lên: - Thưa cô, cái vú của cô nó cứ rung rinh! Cha mẹ ôi! Nàng quay qua cười rất tươi, liếc một phát sắc ngọt như dao bổ cau mà rằng: - Vâ…ng! thì nó ru…ng … ri … nh!
Chả biết hôm đó tôi xuất hành vào giờ tam nương hay … nhất nương gì đây mà gặp thứ dữ rồi, gặp ong vò vẽ , kiến lửa rồi ! Người tôi cứ nóng ran , không biết mặt đỏ hay tái , không biết chân tay có run không, nhưng chắc một điều là trái tim nó đang nhảy lô tô và cái quai hàm nó cứng ngắc không há miệng ra được. Chúa ơi, xin người cứu vớt linh hồn con. Người Nữ chỉ là cái xương sườn thứ bẩy của người Nam mà sao vờn người Nam như mèo vờn chuột vậy cà. Chúa chẳng trả lời, và thế là tôi … chun xuống đất. Nàng đi rồi mà tôi cứ ngẩn ngơ như mất một cái gì quý giá lắm. Câu trả lời có vẻ như diễu cợt, nhưng … rõ ràng là nàng cười rất tươi … và … rõ ràng là ánh mắt nàng rất trong sáng, hiền lành, vậy thì … vậy thì có lẽ trông tôi cũng không có vẻ cả quỷnh lắm đâu nhỉ ( chú A.Q. của Lỗ Tấn đã rỉ tai tôi như thế chăng?). Thế là tôi lại yên tâm, thế là tôi vui đến hai, ba ngày.


Rồi một sáng mùa xuân kia, khi tôi đã luyện được 8 thành công lực. Hai tay đút túi quần, mặt nhơn nhơn đi học vo tới trương Văn Khoa không manh theo bút vở chi cả. Tới cổng trường thấy một Tiểu Thư đài các từ trên xe bước xuống. Tôi không nhớ là Simca hay Dauphine, Cadillac hay Vedete, Peugeot 204 hãy 404, chỉ biết là xịn lắm, đúng là Đai quý(sờ)tộc . Tôi đi theo vào lớp, ngồi dát bên nàng để hưởng chút mùi hương sang trọng, quý phái. Hôm đó Quốc Sư họ Nghiêm giảng thuyết về ca dao. Khi Quốc Sư đọc câu:
Em như tán tía tàn vàng
Tôi quay qua nàng: - Em ghê gớm quá
Chỉ trong một sát na thôi, Quốc Sư tiếp:
Anh như mảnh chiếu rách nhà hàng bỏ quên
Nàng quay qua tôi: - Anh cũng ghê gớm quá!
Tôi đành đỏ mặt chịu thua 1-0 vì tuy tôi đã luyện được 8 thành trong công phu tán gái, nhưng với cái thiên thời địa lợi không có này làm sao tôi dám mơ tới chiếm được cái nhân hoà . Nhìn lại bộ gió của tôi: áo cháo lòng, quần Dacron (để giặt dễ , mau khô , khỏi cần ủi ) làm sao tôi không khỏi mặc cảm , chịu thua cho rồi. Lần này tôi lại nhát gái không phải tôi kém tài tán gái mà vì … ông thần tài không đứng về phía tôi.
Mấy thằng bạn trời đánh thường phang cho tôi những câu: “ mày đúng là thằng trăm trận trăm bại “ . Nhưng tôi vẫn ngoan cố cho mình là không bại. Tôi vẫn lẩm bẩm trong bụng rằng mình đâu phải đồ bỏ đi như chàng A.Q. vậy. Ừ, tụi bay cứ ca tụng những thằng chiến thắng như Don Juan đi. Tao đánh năm trận đều bại, nhưng tao sẽ thắng trận cuối cùng như Lưu Bang thắng trận Cai Hạ! Thế đủ rồi! Còn tên Don Juan kia nó tán tỉnh một vạn cô, dính được 100 cô thì hay ho gì. Dù hắn có vênh mặt kẹp tay 100 cô diễu qua diễu lại trước mắt tao, thì tao cũng … chẳng sợ! Ấy thế là tôi lại vui vẻ chạy theo mấy cô như … chưa hề thua trận nào cả! (Nói đến chuyện thắng bại, tôi lại nhớ đến bà Bác Sĩ Nguyễn thị Lợi. Bà chuyên Nhi Khoa, phụ Khoa nhưng tôi lại khoái khi bà đá giò lái các chú đàn ông. Các chú đàn ông cứ cho là mình thắng. Nhưng nghĩ lại xem: Trước khi lâm trận các chú ngẩng cao đầu, hùng hổ lắm! Kết thúc trận chiến các chú cúi đầu thảm não làm sao! Vậy thì “ Ai thắng Ai “)

Một năm sau, tôi tự đắc dã đủ 10 thành công lực để chơi với đời. Chả là vì tôi hay tụ tập với mấy thằng bạn phải gió ở sân trường, nói đủ thứ chuyện trời biển, nấy thằng đó thường khen tôi hót giỏi, hót như khướu, thông minh mẫn tiệp, ứng đối mau lẹ. Thí dụ như khi mấy thằng đang hót, một người đẹp đi qua, bị gió thổi bay quần áo mỏng, tôi bèn phán: Le vent ne sait pas lire ( tên một cuốn phim ) thế là các chàng phục lăn. Một lầ thằng V. hỏi tôi: Mày cũng yêu cô ta hả (một cô gái hắn đang yêu) tôi bèn trả lời: Je l’aime de tout ton coeur! Thế là các chàng cười nghiêng ngả. Nhưng khổ thay, tôi chỉ mẫn tiệp lanh lợi trước các bạn trai thôi, còn đứng trước các cô gái tôi vẫn là thằng ấp úng, giống như cái ngón Nhất Dương Chỉ của Đoàn Dự lúc linh lúc không.

Có lần ngồi bên chị bạn, tôi tự nhiên nghĩ bụng tại sao mình cứ phải gọi bọn họ là chị nhỉ. Bằng tuổi nhau mà mình lại là đàn ông thì phái hơn cơ chứ. Thế là tôi quay qua gọi chị ta là cô. Chị ta liếc tôi rồi nói: Ơ! Sao anh lại gọi tôi thế! Tôi có gọi anh là cậu đâu? Cái bộ óc mẫn tiệp của tôi muốn bật ra câu: - Thế thì tốt quá rồi! Nếu chị gọi tôi là cậu thì tôi sẽ gọi chị là mợ. Nhưng cái câu trả lời đó nó cứ từ chất xám qua hành tuỷ xuống tuỷ sống rồi cứ lộn lên lộn xuống hoài mà không chịu bật ra phía cổ họng Rõ khổ! Tôi im re. Chắc chị ta lại cười tôi cả đẫn, cù lần.
Trong đám bạn mắc dịch, có một thằng tổ sư đểu. Nó luôn đem freud ra loè tôi. Khoe đọc Freud nhiều, nó bảo: chắc mày sông xa nhà nhiều, thiếu tình mẫu tử, nên mày yêu cô nào cũng coi cô đó như mẹ. Tôi tức lắm, nhưng nghĩ bụng hay là nó nói đúng. Tôi không dám trả lời đốp chát , sắc cựa với chị là chỉ sợ chị phật ý rồi… không chơi với tôi nữa… thì tôi buồn lắm. Hay là tôi coi chị như mẹ rồi !!! Gần đây tôi nghe tin “ mẹ “ở Mỹ khá thành đạt, con cái cũng thành đạt. Tôi muốn liên lạc với “ mẹ “ nhưng rồi lại sợ . Không phải sợ “ mẹ “ già , xấu … mà chỉ sợ “ mẹ “không còn nhớ đến tên cả đẫn này. “ Mẹ “đâu biết rằng lúc đó tôi ngậm hột thị chỉ là vì tôi nể, tôi sợ, tôi không dám phá vỡ cái không gian hiện hữu mà đối với tôi nó cũng đủ ấm áp ngọt ngào rồi!


Rồi … một ngày mùa thu … tôi đang lang thang trên đường …. trời nhiều mây vương, có nghe lá vàng não nề rơi không. Tôi chợt nhớ đến địa chỉ của một chị bạn mà tôi mới có được. Tôi bèn săm săm băng lối đường trưa một mình tới nhà nàng. Tôi gặp chị, vui lắm. Kể chuyện xưa, vui lắm! Rồi tôi thường xuyên tới thăm chị. Tôi nghĩ bụng: mình phải nói cảm tình mình cho chị biết. Già rồi, sắp xuống lỗ rồi (4 tiếng mà chị hay nói) mắc cỡ gì! Mà có mắc cỡ thì da mặt mình nhăn nheo, xám xịt có ửng hồng lên đâu mà người ta biết. Tôi vuốt vuốt ngực lấy bình tĩnh, sửa soạn nói: - Hồi đó tôi cũng sạch sẽ, tươm tất lắm chứ … hồi đó tôi cũng cao ráo, thoáng khí lắm chứ… hồi đó… nếu tôi cầu hôn với chị thì chắc cũng hy vọng được tới… 40% chứ đâu ít nhỉ? Chỉ có bấy nhiêu mà tôi cũng không thốt lên lời! Thôi nhé! Tình cảm ơi! Hãy nằm im nhé! Thôi thì … trược kia lỡ nhát gái rồi, bây giờ cho … nhát bà già luôn.

Chân Diện Mục


Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Elvis Phương - Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang - Thu Âm Trước 1975


Cảm Tác Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

 

Sáng Tác: Phạm Duy & Ngọc Chánh
Tiếng Hát: Elvis Phương
Thực Hiện: Nhạc Thu Âm Trước 1975



Tàn Thâu



Ai đành biền biệt nẻo sương thu
Gieo rắc lời oan kết oán thù
Kẻ ở hoài tăm trong mộng hão
Người đi khuất bóng giữa mây mù
Đêm nay trăng dõi soi lầu nh
Gió sớm ai đang lịm khúc sầu
Xào xạc lá rơi mơ bạn đến
Canh trường vằng vặc bóng trăng thâu

Kim Oanh

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Chiếc Lá Cuối Cùng - Tuấn Khanh - Sĩ Phú


Cảm Tác Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh



Nhạc Sĩ: Tuấn Khanh
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện Youtube: Nguyen Nguyen Studio


Sầu Thu



Lá thu lót ổ sầu nằm
Nhớ nhung vướn mắc trầm ngâm nghĩ gì
Mùa ơi thức dây mau đi!
Hoàng hôn luống tuổi xuân thì vội qua

Kim Oanh

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Phóng Viên Chiến Trường Nhỏ Tuổi Nhất Sài Gòn Trước 1975




Bài đăng đầu tiên đến nay, dù rất muốn, Mây Ngàn vẫn chưa có dịp nào đề cập đến lãnh vực nhiếp ảnh, vốn cũng là một miền rất nở rộ của sinh hoạt văn nghệ miền Nam. Thì hôm nay, để khởi đầu, Mây Ngàn xin gửi đến quý vị và các bạn một bài báo của phóng viên John Nance, viết về nhiếp ảnh gia nhỏ tuổi nhất Saigon, Lỗ Mạnh Hùng. Bài này được đăng trên hai tờ, The Southeast Missourian và The Times Daily, trong cùng ngày 14 tháng 2 năm 1968. Mây Ngàn xin đăng lại toàn bài và phần chuyển ngữ.

Trong một thành phố đã có quá nhiều điều phi lý, hình ảnh một thằng bé người Việt Nam lao mình về phía tiếng súng đạn ầm ầm, lách người vượt qua những đống đổ nát tan hoang, chủ động tìm đến những vùng hiểm nguy ghê gớm có thể là một trong những điều kỳ quặc nhất.
Em mạnh dạn đối diện nguy hiểm, trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa đang cố gắng tìm nơi ẩn nấp.
Thằng bé vốn là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, và em có hẳn một tập ảnh dày đã được đăng báo để minh chứng cho điều đó.

Cao chưa tới một thước hai và chỉ nặng hơn hai mươi lăm kí lô, cậu trai mắt sáng Lỗ Mạnh Hùng đeo chiếc máy ảnh của mình như một tấm huy chương.


Em đã bắt đầu chuyên môn chụp ảnh được hơn hai năm, kể từ khi cha em, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lỗ Vinh, cần hỗ trợ khi bị thương trong lúc đang đưa tin về một cuộc nổi loạn trên đường phố. Cùng với người cha bây giờ đã 58 tuổi, cả hai tạo thành một cặp bài trùng nhiếp ảnh gia lớn tuổi và nhỏ tuổi nhất Saigon.

Ông Lỗ Vinh đã có 44 năm chụp ảnh chuyên nghiệp, quê quán ở Bắc Việt, học mỹ thuật và văn chương ở một trường đại học Pháp, nhưng lại lựa chọn sở thích nhiếp ảnh của mình để kiếm sống, khi tình hình trở nên gay go. Trong nhiều năm, ông đi và chụp ở khắp Đông Dương, đến năm 43 tuổi mới lập gia đình. Vài tháng sau đám cưới, ông và vợ tìm đến Saigon để lánh nạn CS. Bây giờ họ đã có tám đứa con. Ở tuổi 12, Lỗ Mạnh Hùng là đứa lớn nhất. Đứa nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi.

Lỗ Mạnh Hùng và cha thức dậy lúc năm giờ sáng. Để kịp thời bắt tay vào việc và ít khi nào kết thúc trước chín giờ tối. Cứ như vậy trong suốt 365 ngày một năm, người cha thở dài.

Những khi tình hình đỡ căng thẳng hơn, cặp bài trùng này rảo quanh thành phố trên xe gắn máy để ghi nhận những sự kiện lớn của chánh quyền, các đám tiệc, những cuộc đón tiếp ở phi trường, các buổi chiêu đãi, những vụ hỏa tai, hay bất cứ tin tức gì có thể.


Lỗ Mạnh Hùng giúp cha tráng phim, in ảnh và đồng thời cũng là một người nhân viên kinh doanh, em mang những tấm ảnh mới in đến chào bán cho các tòa báo trong vùng và cả những hãng tin ngoại quốc.
Dáng người nhỏ bé gầy gò và gương mặt trẻ con của thằng bé là lợi thế và cũng là trở ngại trong công việc.
Thỉnh thoảng, cảnh sát ngăn em lại khi đang cố gắng vượt qua các chốt canh. Họ hay hỏi “Mày tính đi đâu đây nhóc?" Em đưa giấy thông hành và máy ảnh ra, bình tĩnh giải thích rằng em là con của phóng viên ảnh Lỗ Vinh, và thường là được cho qua.

Nhưng không phải khi nào cũng suôn sẻ như vậy, em nói, và việc thuyết phục cảnh sát tin rằng em là một nhiếp ảnh gia thực thụ đang lấy tin là điều trở ngại lớn nhất của em.

Còn lợi thế của dáng người nhỏ bé thì đã được giới nhiếp ảnh Saigon chứng kiến nhiều lần. Khi họ đang chen chúc, xô đẩy nhau, cố gắng tranh giành một góc máy đẹp để chụp lại cảnh một vị tướng lãnh đang đến, hoặc một cảnh hội nghị đông đúc, ai sẽ luồn lách qua được? Chính là Lỗ Mạnh Hùng. Em bò trườn xuyên qua đám đông, chạy ngay ra phía trước và tha hồ chụp ảnh với góc máy đẹp nhất. Em quá thấp bé nên không hề che khuất tầm nhìn của những kẻ đứng sau và vì thế họ thoải mái để em qua.Tuổi trẻ không giới hạn

Lỗ Mạnh Hùng, một nhiếp ảnh gia Saigon mới mười hai tuổi, đang tác nghiệp trong thành phố tan hoang vì chinh chiến. Cậu bé, vốn có người cha cũng là một nhiếp ảnh gia, đã làm việc này được hơn hai năm. (Ảnh điện tín của AP).


Boy Photographer Seeks Danger As Others Flee - John Nance


One of the most unusual sights in a city overflowing with strange sights is the slight figure of a 12 year old Vietnamese boy darting into the street battles, scrambling across the rubble, deliberately heading for trouble.
While other youngsters flee danger, he looks for it.
He is a professional photographer and he has a thick stack of published pictures to prove it.
Not much taller than four feet and only a smidgin over 60 pounds, bright eyed Lo Manh Hung wears his cameras like a badge.
He has been taking pictures professionally more than two years, since his locally wellknown father, Lo Vinh, was injured covering street riotting and needed help in his work.

With the father, who is 58 years old, the pair form a team boasting Saigon’s oldest and youngest working photographers. The father, a cameraman for 44 years, was born in North Vietnam, studied art and literature at a French university, but turned to his hobby of photography for income when times got tough.
For years he traveled, taking pictures throughout Indochina, and didn’t marry until he was 43. A few months later he and his bride fled the Communists in the North and came to Saigon.


They now have eight children. At 12, Lo Manh Hung is the oldest. The youngest is 18 months.
Lo Manh Hung and his father arise everyday at 5am. To be early on the job and usually don’t finish until after 9pm.That’s 365 days a year, the father sighs.
In less hectic times, the pair scoot about the city on a motorbike to cover official government affairs, weddings, airport arrivals, parties, fires, whatever may make news.

Lo Manh Hung helps with the film processing and printing, then turns messenger salesman, pedding fresh prints to local newspapers and foreign news agencies.

His small, slim frame and child’s face are both the hindrance and help in his work.
Police invariably stop him as he tries to pass through official gates, demanding" “Where do you think you’re going?”
He explains calmly he is the son of photographer Lo Vinh, produces his credentials and cameras, and usually continues on his way.
But not always - and that, he says, is his biggest problem: cinvincing police he really is a working news photographer.
The advantage of his size has been seen often by the Saigon press corps. As photographers jam together, elbowing, pushing, clawing for the right picture angle of an arriving dignitary or a crowded news conference, who squirms through? Lo Manh Hung.

He snakes through a crowd on all fours, emerges in the front of the lot and clicks happily away with the best angle of all. He is so short he never blocks those behind and they let him be.
Youth no barrier

Lo Manh Hung, a 12 year old Saigon photographer, snaps one of the many war pictures he takes in that embattled city. The boy, whose father is also a photographer, has been working at the business for two years. (AP Wirephoto).

Kim Oanh sưu tầm

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Sống Thác Gửi Biển Linh Hồn


Bình yên biển chảy xuôi dòng 
Bão dâng sóng cuộn gợi lòng nhớ quê
Bao gìờ con nước trở về
Biết ai còn vẹn lời thề..hay quên?!
Ngóng trông núi đứng chênh vênh
Sầu ta mọc cánh lênh đênh kiếm tìm
Nén buồn uất nghẹn nhịp tim
Người xa bội bạc im lìm vô ngôn
Sống thác gửi biển linh hồn
Tình yêu tha thiết đành chôn giữa dòng

Kim Oanh
* Cảm xúc từ ảnh

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Đôi Dòng Tìm Nhau - Hai Dòng Khóc Nhau



Đôi Dòng Tìm Nhau

Melbourne một sớm tinh sương
Ra đi lòng vẫn vấn vương bao người
Còn đây tiếng nói giọng cười
Ly cà phê ngọt những lời thâm giao
Thời gian một giấc chiêm bao
St. Kilda Beach giờ xa nhau rồi
Bóng chiều chia cách đôi nơi
Cánh chim bé nhỏ biển trời mênh mông
Melbourne vẫn một dòng sông
Yara còn chảy đôi dòng tìm nhau.

Biện Công Danh
23/12/2015.
***


Hai Dòng Khóc Nhau

Melbourne một sớm mù sương
Nước trôi lặng lẽ sầu vương tiễn người
Ga chiều rời bến biếng cười
Ngại câu từ giã quên lời tâm giao
Người đi lưu luyến dường bao
Bóng tàu dần khuất tách xa thật rồi
Dù ai lưu lạc muôn nơi
Tìm nhau khắp bể chân trời mênh mông
Nhớ nhung mưa lệ tràn sông
Biết ai hiểu được hai dòng khóc nhau

Kim Oanh

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Mưa Buồn


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ngày Hè Qua Nhanh


Ngày qua tháng lại đong đưa
Saint Kilda Beach phố xưa xa rồi
Biển xanh vỗ sóng nụ cười
Melbourne nhớ mãi dáng người thon thon
Trưa hè fish&chips thơm ngon
Vườn rau xanh mướt vẫn còn quanh đây
Xe trams chở kỷ niệm đầy
Quên làm sao được một ngày hè vui!

Biện Công Danh
3/1/2015
* Ảnh chụp của tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Có Ai? - Có Người!


Có Ai?

Có ai níu ánh trăng thề?
Cho tôi xin hỏi đem về cho ai?
Có ai giữ ánh trăng cài?
Cho tôi xin hỏi tóc mai đâu rồi?
Có ai đành để trăng trôi?
Cho tôi giữ lại màu phôi tóc nàng!
Có ai quá chuyến đò ngang?
Cho tôi xin gửi trăng vàng cùng đi!
Có ai uống rượu chia ly?
Cho tôi gửi tặng tình si một thời!
Có ai nhặt tuyết sương rơi?
Cho tôi gửi tặng nụ cười vu vơ!
Có ai yêu mấy vần thơ?
Cho tôi gửi tặng mộng mơ … dâng đời!

Nguyễn Đắc Thắng
20151227
***
Có Người!

Có người xõa mái tóc thề
Nhờ làn gió gửi hương về bên ai
Có người cửa khép then cài
Quên trời hừng sáng nắng mai lên rồi
Có người lặng ngắm mây trôi
Bóng in bạc thếch phai phôi tình nàng
Có người phụ rẩy sang ngang
Hững hờ duyên phận vội vàng bước đi
Có người nhấp chén sầu ly
Say mèm vùi gốc cây si suốt thời
Có người nhặt cánh hoa rơi
Đêm trăng tơ tưởng mỉm cười vu vơ
Có người gối mộng dệt thơ
Chép trang ký ức ôm mơ trọn đời

Kim Oanh

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Happy New Year 2016 - Tiểu Thu


Sân Hoa Sau Nhà




Ước gì nghe được tiếng hoa tươi
Rải rác trong sân vắng nụ cười
Thiên Thần chắp cánh còn ngơ ngác
Héo úa hồng nát tuổi đôi mươi

Cây ép xác thu người thuở nhỏ
Giấu làm sao hình tỏa già nua
Trái tim kia cằn cỗi theo mùa
Tô sắc mới gượng đùa năm tháng

Nói đi hoa! Khi vầng trăng sáng
Kẻo ấm tình chết dáng mùa Đông
Nói đi hoa! Phật trông mòn mỏi
Thú vô hồn về cõi xa xăm

Ong bướm lặng vườn câm tiếng hót
Gục mặt sầu đau xót lòng hoa
Đêm tịnh tâm rỏ thấy mình già
Lòng hướng thượng vị tha biển cả

Về đi hoa! Quê nhà vẫn đợi
Dẫu rơi vài kỷ niệm ngày thơ
Sợ bóng câu chân già run rẩy
Làm lật thuyền bến ấy sông xưa

Nói đi hoa! Trời sẽ ban mưa!

CA.Sanjose 2008
Lê Kim Hiệp

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Xin Lỗi Tình Yêu - Minh Nhiên - Tiếng Hát Toàn Nguyễn


Nhạc: Minh Nhiên
Tiếng Hát: Toàn Nguyễn
Thực Hiện: Cindy


Xuân Tình 春晴 - Vương Giá

Không phải là tên một điệu cổ nhạc của ta, cũng không có nghĩa là Tình Xuân Phơi Phới. TÌNH 晴 ở đây là Nắng Ráo không có mưa. Nên, XUÂN TÌNH 春晴 có nghĩa là Ngày Xuân Nắng Ráo. Cái gì xảy ra trong ngày xuân nắng ráo nầy? Ta hãy cùng đọc bài Thất Ngôn Tứ Tuyệt độc đáo nầy của nhà thơ Vương Giá nhé!



春晴                      Xuân Tình

雨前初見花間蕊.    Vũ tiền sơ kiến hoa gian nhụy,
雨後全無葉底花。 Vũ hậu toàn vô diệp để hoa.
蜂蝶紛紛過牆去, Phong điệp phân phân qúa tường khứ,
卻疑春色在鄰家。 Khước nghi xuân sắc tại lân gia.

王駕                        Vương Giá
***
Chú Thích:

TÌNH 晴: Có bộ Nhật 日 là Mặt Trời bên trái, nên có nghĩa là Nắng Ráo. Khi chữ TÌNH 情 bên trái là bộ Tâm 心 ( 忄) là Trái Tim thì Tình mới có nghĩa là Tình Yêu, Tình Thương.
PHONG ĐIỆP: Phong là con Ong, Điệp là con Bướm.
PHÂN PHÂN: là Tới Tấp, Tấp nập, là mườn nượp.
KHƯỚC NGHI: Lại ngờ rằng.
LÂN GIA: là Nhà hàng xóm.
XUÂN SẮC: Hương sắc của mùa xuân, ở đây dùng để chỉ Mùa Xuân mà thôi.

Nghĩa Bài Thơ:

Trước cơn mưa, ta mới vừa thấy hoa nở bày cả nhụy thật đẹp ra ngoài, Nhưng sau một trận mưa rào lại không còn thấy được một cánh hoa nào ở dưới lá nữa. ( Mưa đã vùi dập làm hoa rả hết cánh rồi!). Những con ong con bướm đều tấp nập bay cả sang tường bên kia, làm ta lại ngờ rằng Chúa Xuân còn ngự ở bên nhà hàng xóm chăng ?!
Đọc bài thơ nầy của Vương Giá làm ta nhớ đến bài MAI RỤNG cuả thi sĩ thời Tiền Chiến Jean Leiba ( Lê Văn Bái ) của ta, với vế mở đầu thật truyền cảm ướt át...

Nụ hồng rải lối, liễu tơ phai,
Vườn cũ rêu lan, cỏ mọc dài,
Bên gốc mai già, xuân vắng vẻ.
Âu sầu thiếu nữ khóc hoa mai...

Và...
ở gần cuối bài thơ có 2 câu gần giống như là 2 câu cuối của bài Tứ Tuyệt trên ...

Tơi bời ong bướm bay qua ngõ.
Những tưởng màu xuân ở xóm ngoài.


Sơ Lược Về Tác Giả:


VƯƠNG GIÁ ( 851- ? ) Thi sĩ đời Vãn Đường, hiệu là Đại Dụng, biệt hiệu là Thủ Tố Tiên Sinh. Người đất Hà Trung ( thuộc huyện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây ngày nay ). Ông đậu Tiến Sĩ năm đầu Đại Thuận ( 890 ). Làm quan đến chức Lễ Bộ Viên Ngoại Lang. Sau bỏ quan qui ẩn, là bạn thơ của Trịnh Cốc, Tư Không Đồ. Ông chỉ vỏn vẹn lưu lại có 6 bài thơ trong Toàn Đường Thi Tập, ngoại biên bổ túc thêm một bài là 7 bài mà thôi. Tuy thơ không nhiều, nhưng rất nổi tiếng, nhất là 2 bài " Xã Nhật ", " Vũ Tình " và bài này, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Diễn Nôm:
Xuân Tình


Trước mưa hoa hãy còn phong nhụy,
Sau trận mưa rào tan tác hoa.
Ong bướm bay sang tường vội vả,
Nhà bên xuân ngự, phải chăng là ?!

Lục bát:

Trước mưa hoa nở đẹp sao,
Sau mưa dưới lá hoa nào còn chi!
Cách tường ong bướm bay đi,
Ngờ rằng xuân sắc có khi bên nhà!?

Đỗ Chiêu Đức

***


Các Bài Phỏng Dịch Khác:
Xuân Tình


Trước cơn mưa hoa khoe nhuỵ thắm
Hoa trụi nhành thê thảm sau mưa
Vượt tường ong bướm say sưa
Phải chăng bên xóm xuân vừa ghé chơi?


Mailoc
***
Xuân Tình


Trước mưa hoa đong đưa khoe sắc
Sau mưa hoa tái ngắt rụng rơi
Vượt rào sang ong bướm lã lơi
Hay tình xuân ngự kế bên rồi?

Kim Oanh