Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Cuốn Tự Điển Sống!

 
(Lê Văn Sang - Sóc Trăng tháng 12/1972)

Ngày xưa có một con bé 4,5 tuổi đầu, thường lẽo đẽo theo ba vừa nhìn những công việc ba làm, vừa hỏi đủ thứ. Ba của bé cũng rất kiên nhẫn luôn trả lời và giải thích cặn kẽ. Bé có đủ hiểu biết hết tt cả không? Ba ơi, sao ba giỏi quá vậy, bé hỏi gì ba cũng biết hết vậy ba?!

Những lúc ba vừa làm công việc, vừa dạy cho bé Cửu Chương, Cửu chương phải đọc xuôi, đọc ngược, Hỏi đâu nói đó. Học về đòn bẩy, quy tắc tam xuất .... ôi thôi là khó... 

Toán đố, ba dạy tính diện tích, chu vi. Trên một miếng đất hình chữ nhật,  ba cất căn nhà hình vuông, hồ cá hình tròn, khu vườn hình bình hành, chuồng gà hình tam giác , chuồng heo hình thang ...v.v... trừ  ra cộng vào, rồi đất còn lại bao nhiêu. Má nói: "anh có một miếng đất mà xây hết vậy anh?" Ba vuốt đầu con bé cười cười.... Con bé méo mặt luôn....  Nào là đổi lít... mililít . Kg...gram..., mét....milimét... 

Mỗi sáng ba đi làm trên bảng đã có bài toán đố, khi chiều về phải có kết quả cho ba, Một hôm toán khó quá, con bé lấy nước rải rải cho phấn phai màu để khỏi làm hihihi... Chiều ba về con bé thưa như thế. Ba chỉ cười bảo" Vậy hả con".

Hôm sau khi con bé thức dậy, ba nhỏ nhẹ nói"Hôm qua mưa con không làm toán được, hôm nay con ráng làm 2 bài bù lại hôm qua nhen con". Ai bảo nói dối, làm sao qua mặt người lớn cho được đây huhuhu....Từ đó con bé chừa tật xấu luôn. 

Ba má bận việc làm ăn, nên con cái được dạy tại nhà, đến lớp Ba mới được vào trường học. Cũng chính vì lý do này ba má dạy các con trình độ cỡ lớp Nhì, lớp Nhất. Để xin học nhảy lớp không thua bạn bè.

Ngoài ra ba má còn dạy thêm tiếng Pháp, má dạy các con đến lớp Đệ Thất, từ Đệ Thất trở lên ba lo. Ôi thích làm sao khi mọi điều hỏi, ba đều biết tường tận, ba dạy đồng âm, đồng nghĩa, đồng gia đình, phản nghĩa, phân tích mệnh đề....v.v.... 

Khi con bé lớn khôn, năm lớp Đệ Tứ, cứ mỗi 4 giờ sáng ba đánh thức dậy để nghe chương trình Pháp dạy đàm thoại. Rất khổ vì giờ đó ngủ ngon nhất, nhưng ba tâm lý lắm, ba pha con một ly sửa nóng, khi xe bánh mì rao " Bánh mì nóng hổi nón dòn đây" là con có 1 ổ bánh mì, ăn ngon lành. Thế là con bé hết biết khổ là gì ...

Đến năm Đệ Tam, Đệ Nhị, mỗi hè ba má cho lên Sài Gòn ghi danh đi học Sinh Ngữ, vì ở tỉnh dạy Sinh Ngữ ít đàm thoại, thầy cô giảng chen tiếng Việt vào. Các trường ở Sài Gòn rất đông học sinh ghi danh, nên con chỉ ghi được trường Khôi Nguyên, Hoàng Nguyên ở Đường Hồng Thập Tự. Nhờ Ba mà ngày nay bạn con còn nhắc" Oanh còn nhớ hồi xưa Oanh nói tiếng Pháp với thầy Hoàng, làm tụi Mai trong lớp nể luôn". Như Mai ơi, cám ơn Mai còn nhớ ngày xưa thân ái và Oanh được dịp nhớ đến công ơn của ba má Oanh đó Mai.

Ba ơi, hôm nay 30/10 là ngày giỗ lần thứ 24 của ba, con lại được nhắc nhớ những kỷ niệm êm đềm, những ngày quấn quýt bên ba, tình yêu thương cao hơn núi của ba đã cho con trưởng thành và nên người hữu dụng hôm nay. Đời con và đến đời cháu. Tất cả từ công sức Ba Má của con.

Ba còn nhớ, con hay vui cười nói cùng ba: " Ba là cuốn tự điển sống" của đời con. 

Thương yêu về Ba.

Con gái thứ 9 của ba
Lê Thị Kim Oanh
Melbourne 30.10.2021
***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links








Đơn Giản Tuổi Già

  

Lúc về già nhận ra điều đơn giản
Thương Mẹ Cha đâu quản dặm đường xa
Mồ yên mã đẹp chưa màu nở hoa
Lắng nghe tiếng vọng là quà Cha Mẹ

Lời Cha Mẹ dạy vô tình xem nhẹ
Học chuyên thành tài sẽ sớm tương lai
Trí, đức, nghĩa, tình, xây giúp ngày mai
Cuộc đời ngắn nhưng dài gian khổ gặp

Giỏi nhịn nhường, rộng lượng chôn cố chấp
Giỗ Mẹ Cha không thắp nén hương đau
Không quà, trái ngọt, mâm đầy, cỗ cao
Lễ nghi khuôn phép nào màu thôi bỏ

Cốt Mẹ Cha từng về nơi sương gió
Có tiếc thương nấm cỏ cũng dần trôi
Rồi thời gian nhanh tóc bạc da mồi
Miền miên viễn ta ngồi suy nghĩ lại

Lời Mẹ Cha mang điều hay lẽ phải
Từ tốn bàn chậm rãi nói yêu thương
Bầu sữa ngọt xưa nào có hoang đường
Từng giọt khổ vô dường nuôi con lớn

Tuổi già có thú gì hơn
Điều đơn giản nhất! Dẹp hờn oán than
Dăm ba chuyện vặt vãnh chẳng nên màng!

Pleiku 14-8-2010
Lê Kim Hiệp

Đừng Bảo Xuân Tàn, Không Bướm Lượn!

 

     “Trăm hoa” nhả mỗi sắc...hồng, tím, cam, đỏ, trắng, vàng...hay điểm thêm những màu sắc khác với chấm tròn, lằn ngang, kẻ dọc, tạo nét chấm phá trên cánh hoa và sự kỳ diệu nơi bàn tay của đấng tạo hóa. “Trăm hoa” tỏa hương, nồng nàn, thoang thoảng hay khó ngửi, nhưng là hương riêng của hoa. “Trăm hoa” vừa chớm nụ, hàm tiếu vươn vai, trở mình đương độ, là thời kỳ đẹp nhất, rực rỡ nhất của hoa, lắm ong vờn bướm lượn. Cuối cùng không tránh khỏi, khép mình đi vào định luật….hoa tàn, nhụy rữa.
     Liệu thời gian này, ong nào vờn, bướm nào lượn, quẩn quanh hay vội xa bay!?

     Hoa đời thì sao? Cũng thế! Lúc đương độ là thời kỳ trổ mã của người con gái...này mày ngài, mắc biếc, mi thanh, môi hồng, má thắm, này tóc mai sợi ngắn sợi dài, này lắm người đưa bao kẻ đón, này khi hẹn biển lúc thề non...  
    Một cánh hoa đời tôi muốn nói, là má, Võ Thị Thoại và cánh bướm đa tình Lê Văn Sang, ba tôi. 
 
     Ba lớn hơn má đến mười tuổi. Tám mươi hai năm về trước, khi ghe chở lúa của ba đang xuôi chèo mát mái trên con sông Rạch Bàng. Giữa trời nước mênh mông, bao la, cơ duyên nào xuôi ba trông thấy má. Bấy giờ, má chỉ là cô bé mười hai, mười ba tuổi đời, vô tư cùng chúng bạn đứng hóng mát trên cầu, đùa vọc nước dưới sông. Ghe đã qua rồi, ba còn ngoái đầu dõi mắt trông theo và nói với bạn hầu trên ghe: “con nhà ai đẹp quá để tìm người mai mối cho”.

     Bẵng đi vài năm, ba gặp lại má, người thiếu nữ đang độ trăng tròn. Dự định làm ông mai năm nào của ba đã không còn nữa. Trước cô gái chân quê, nhan sắc không phấn son ấy, nét thùy mị, đoan trang, kín đáo ấy, ba đã phải lòng và cậy người mai mối cho chính mình. Dù biết rằng nội đã gắm ghé nhiều nơi cho ba, nhưng chàng thanh niên theo tây học, dễ gì nghe theo sắp xếp định sẵn mà không cần đến sự rung động của con tim. Đó là lúc, nền kinh tế nước nhà đang hồi suy sụp, chân còn đang trong lớp, ba phải rời ghế nhà trường bước vào trường đời. Ba về quê giúp nội cai quản ruộng đất, đồng thời là một ông chủ nhỏ của một chành lúa lớn ngay tại chợ Rạch Bàng, đối diên bên kia sông là nhà của má.

          Rạch Bàng con nước mênh mông
          Thấy cô be bé đem lòng nhớ thương

     Y rằng, cưới vợ thì cưới liền tay! Ba cho người chèo xuồng sang nhà ngoại, nhờ trao thơ, xin phép được ghé thăm. Khi được ưng thuận, ba đến chào hỏi, ông ngoại mời ngồi, ba kín đáo chọn chỗ vừa khiêm nhường nhưng không kém phần lợi thế. Trò chuyện với ngoại, ba vẫn có cơ hội nhìn thấy, nếu má thấp thoáng bên kia rèm thưa.

     Má, người con gái đẹp, có học, nết na, đằm thắm, được nhiều nhà giàu có, của ăn của để, ngỏ ý mang trầu cao đến. Nhưng má chọn ba, không phải ba là con ông Bang, ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng ba là người có học, dù là con nhà giàu nhưng nhân hậu, biết thương người, không hống hách, hà khắc với người ăn kẻ ở trong nhà. Và dấu ấn sâu đậm ba để lại, là lần đầu đến gặp ngoại, ba ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép, đối đáp với ngoại không tỏ ra rụt rè, khép nép, khúm na khúm nún như những chàng thanh niên khác. Lại nữa, trong những phiên chợ Rạch Bàng, dù từ xa hay rất gần, nếu có trông thấy má, ba vẫn lịch sự, kín đáo dõi trông, chứ không có ý cợt nhả nhưng các chàng trai vừa thấy gái đẹp đã tỏ ra...

     Không lâu, ba nhờ người chị ruột thứ tám đến ngỏ lời. Ba có đến năm người chị gái, nhưng ba chọn cô chị thứ tám, là người chị nhỏ nhất của ba, nhưng cô đẹp, khuôn mặt rạng rỡ, sang trọng và khéo ăn nói, càng tăng thêm niềm hy vọng cho việc cầu hôn. Ngày thành hôn cũng đến, từ trang phục đến quà cưới, ba lo tỉ mỉ, chu đáo từng chút một. Điều đó phải chăng là sự trang trọng trong tình yêu ba dành cho người ba muốn kết tóc se tơ, cùng ba đi hết quãng đường đời!? 

     Giờ rước dâu đã đến, thuyền hoa theo con nước sông Rạch Bàng, trôi xuôi về Phú Hữu, nơi ba cất tiếng khóc chào đời, hôm ấy là ngày vui bất tận, hạnh phúc viên mãn… của đôi lứa.
 
          Còn đây con nước Rạch Bàng
          Ôm kỷ niệm cũ ngút ngàn đáy sông
          Một thời êm ái lớn ròng
          Xa rồi dĩ vãng tình đong càng đầy
          Vườn ngoại cau trắng trầu cay
         Vẫn mong ai đó mang khay trầu người
 


     Thời gian cứ dần trôi, đôi tim cùng hòa nhịp, tình yêu đằm thắm, ngày thêm mặn nồng. Các con lần lược chào đời, nhưng thương thay, cùng lúc với chiến tranh leo thang. Sống trong vùng Việt minh kiểm soát, trốn tránh khi Tây ruồng bố, nhưng ba luôn ấp ủ lý tưởng và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Đó là tương lai của các con. Ba bắt đầu dạy chị hai học, nhưng chị ba, nhỏ hơn hai tuổi, đòi học theo cho bằng được. Ba dùng tấm gỗ nhỏ thế bảng, lấy than củi đen thay phấn và âm thầm dạy hai chị học tiếng Pháp. Nhờ ba chuyên cần dạy dỗ, mỗi lần Tây ruồng bố, hai chị của tôi, đem bảng gỗ than đen viết ra những chữ tiếng Pháp đã học và để trên bàn. Gia đình chúng tôi có thêm may mắn là với vốn liếng tiếng Pháp khiêm nhường của má. Chừng ấy thôi đủ cho những người “Lính Lê Dương” hài lòng. Họ tỏ ra vui vẻ hơn, cư xử lịch thiệp hơn là tra khảo. Đó là nhờ sự suy đoán nhạy bén của ba, đó cũng là việc vun bồi phúc đức sâu dầy sau này, và là lợi thế hiện tại, vừa giúp ích cho gia đình và cho cả hàng xóm xung quanh, trong thời loạn.

     Khi trình độ học của hai chị vào khoảng lớp 3, ba lên tận Vĩnh Long, thuê đất, rồi trở về Phú Hữu đốn cây sao trong vườn, chặt lá dừa nước chằm lá lợp. Một căn nhà lá nho nhỏ, đơn sơ được dựng lên, không cách xa đền thờ cụ Phan Thanh Giản là mấy. Chọn thời cơ thuận tiện, ba đưa hai chị lên tỉnh, theo học chương trình Pháp. Dĩ nhiên, hai chị tôi, nói, viết tiếng Pháp trội hơn các bạn cùng lớp.

     Lúc ông bà nội đã rời khỏi cuộc đời, ba má bồng bế các con rời hẳn ấp Phú Hữu, lên lập nghiệp ở xã Giồng Ké, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ba là con út trong gia đình, nhưng là rể cả bên nhà vợ. Ông ngoại, chẳng may mất sớm khi tuổi đời còn khá trẻ. Ba đã thay ông ngoại chăm sóc cho đàn em vợ gồm môt gái và bốn trai. Ba không nệ hà, lo cho tất cả đi học chữ hoặc học nghề và cáng đáng cả công ăn việc làm cho các cậu. Bà ngoại rất thương và trọng ba, nên mỗi lần dì hay các cậu của tôi, muốn làm điều chi, bà ngoại đều bảo “hỏi anh hai bây đi”. 

     Tình hình nước nhà ngày một khó khăn, ba phải đi làm xa, mỗi tuần về một lần. Trong thời đại xa xưa ấy, ba đã viết thư cho má, cám ơn má đã thay ba chăm sóc cho các con. Lá thư đó vẫn còn đây, như “mới hôm nào”. Khi má lâm bệnh, căn bệnh của phụ nữ. Ba đã bỏ công ăn việc làm về chăm sóc cho má cả tháng trời, từ thuốc men, đến miếng ăn ba tự nấu, việc giặt giũ cho má ba tự làm, dù trong nhà có người giúp việc. Niềm tự hào về ba, tôi không bút mực nào tả xiết. Ba không to tiếng, chẳng rượu chè, cờ bạc, hút thuốc, duy chỉ có một điều là ba rất thích cà phê. Sống ở Giồng Ké mà gửi mua cà phê tận tiệm Hiệp Phong ở Vĩnh Bình. Mỗi lần, mua chỉ 50gr, ba không mua nhiều, ngại trữ lâu sợ mất đi hương vị đậm đà. Lúc tôi tập tành uống cà phê để thức đêm học thi, thường xin ba “ba nhớ cho con nước dảo nghe ba”. Ba vừa cười “con uống vậy chắc cà phê dẹp tiệm hết”.

     Thời thơ dại, các chị em tôi rất hạnh phúc là được quấn quýt bên ba má, quây quần bên bàn ăn, vừa ăn vừa nghe. Ba có duyên khi kể chuyện, chuyện ngày xưa, chuyện chạy giặc, chuyện trồng cây ăn trái cho đến chuyện ba chống lại bọn ăn cướp đến viếng nhà. Má tôi thường bảo “cha con ăn cơm từ chuối trồng cho đến chuối trổ”. 
  

     Ba say mê với công việc, quần quật lo cho mười đứa con từ việc ăn học đến lúc anh chị em chúng tôi có mái ấm riêng. Các con dần xa vòng tay trìu mến của ba và xa cả một bờ đại dương. Mãi đến năm 1983, có dịp gặp lại khi ba má sang Úc đoàn tụ. Sống trong môi trường mới, đầy đủ hơn lúc còn ở bên nhà, nhưng tính cố hữu cần cù, không hoang phí của ba vẫn y nguyên. Ba chắt chiu dành dụm lo tiếp cho những đứa con còn kẹt nơi quê nhà.

     Năm 1997, ba lại trở bịnh nặng, phải nhập viện, hết ra lại vào. Còn trên giường bệnh, có lẽ ba biết hơi tàn sức kiệt, nên chỉ nói với tôi một 1 câu bâng quơ, nói mà không chủ đích giao phó trách nhiệm “Ba chết rồi ai lo cho má con!”. Ba má có đến 10 đứa con, chuyện chăm sóc không khó khăn chi, nhưng ba vẫn lo. Trấn an và giúp ba lạc quan hơn, không để ba nghĩ ngợi hay lo sợ...trên đoạn cuối đường ba đi, tôi vờ bâng quơ theo, “ba có đến 10 đứa con, lo chi không ai chăm sóc cho má”. Sau câu trả lời, tôi len lén nhìn, trên khuôn mặt đau đớn của ba hằn thêm nét đâm chiêu. Rồi ba lặng lẽ, đôi mắt nhắm nghiền, không nói một lời nào nữa.

     Bác sĩ cho biết, gia đình chúng tôi cần chuẩn bị tâm lý, cho một ngày sẽ đến. Thời gian này, ba sợ làm phiền các y tá, nên việc tắm rửa, vệ sinh do chị thứ hai và tôi chăm sóc. Những lúc ấy, ba như “đứa trẻ rất ngoan”. Tôi thương nhất là lúc chải tóc, ba đứng yên, không nhúc nhích và tôi tự hỏi chính mình, ngày xưa lúc các con còn bé, liệu chúng tôi có ngoan được như thế này không! Ba mấp mé bên bờ vực thẳm, sắp gần đất xa trời nhưng vẫn còn giữ sự hóm hỉnh, như đêm tôi ngủ ngồi trên ghế, với tư thế, gục đầu trên giường bịnh, cạnh chân ba. Vì nhiều đêm tôi ở lại trong bệnh viện, hôm ấy mệt quá, tôi say ngủ. Ba tôi gọi, tôi có nghe chi đâu. Ba lấy chiếc gối, ném về phía tôi, tôi choàng tỉnh giấc. Ba mỉm cười và hỏi một câu “con vô canh ba hay ba canh con?”. Dĩ nhiên là tôi canh chừng ba mỗi đêm, chỉ sợ ống trợ thở bị sút dây.

 
           Rạch Bàng một thuở ôi tình
          Dòng sông còn đó chuyển mình luân lưu
          Lời xưa nhẹ thoáng như ru
          Như hờn như trách như u uất lòng
          Cố hương vời vợi xa trông
          Bè mơ thả lại dòng sông hôm nào
          Để nghe sóng nước rì rào
          Để vơi một ít nỗi đau cuối đời
 
     Ba đã về bên kia thế giới, nhưng khuôn mặt mãn nguyện của ba mãi đeo đẳng bên đời tôi. Mãn nguyện sau thời gian hơn nửa giờ ba tìm về quá khứ chí đến phút giây hiện tại. Ba bảo rằng “may quá”, từ trước đến nay ba không làm điều gì sai trái. Và khuôn mặt bình thản của ba như trút một gánh nặng, khi nghe tôi không ngần ngại và rất dứt khoát trả lời “con sẽ lo cho má”, khi lần thứ hai ba nói bâng quơ “Ba chết rồi ai lo cho má con”.

     Má tôi, một cánh hoa đời, mùa xuân đã lặng lẽ qua, nhưng ba, cánh bướm đa tình, lúc biết mình sắp trút hơi thở cuối cùng vẫn quẩn quanh, gửi gắm và mong chờ một lời hứa thay ba lo cho má. Một cánh bướm vờn hoa lúc hoa khi xuân đời mười sáu và khi gục đầu bên cửa tử vẫn vẹn tình trọn nghĩa với cánh hoa tình Võ Thị Thoại, cũng đang thời sắp rụi tàn.

Kim Phượng
Lần Giỗ Thứ 24 Của Ba, 30 tháng 10 năm 2021

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Rừng Thông Im Tiếng!


Gió sáng nay sao ơ hờ im tiếng
Để thông buồn nhác biếng trổi tình ca
Hãy thức dậy rừng ơi đừng nằm vạ
Nắng ấm về hòa khúc kẻo ngày qua

Kim Oanh
* Hình ảnh của Paulle Minh


Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Viện Đại Học Cần Thơ Thành Lập Từ Năm 1966


Viện Đại học Cần Thơ là một viện đại học công lập ở Cần Thơ, được thành lập vào năm 1966 dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975 – Viện Đại học Cần Thơ trở thành Trường Đại học Cần Thơ.

Trường được thành lập ngày 31 Tháng Ba năm 1966 theo sắc lệnh 62-SL/GD, Viện Đại học Cần Thơ khi khai giảng vào cuối Tháng Chín có bốn phân khoa đại học:
Khoa học,
Luật khoa và Khoa học Xã hội,
Văn khoa,
Sư phạm.

Viện Đại Học Cần Thơ 1967

Phân khoa Sư phạm có Trường Trung học Kiểu mẫu, ngoài ra Viện Đại học Cần Thơ có Trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ giảng dạy chương trình ngoại ngữ cho sinh viên, sau này Viện Đại học Cần Thơ có mở thêm phân khoa Canh Nông, đây là viện đại học thứ năm của Việt Nam Cộng Hòa (bốn viện đại học kia là Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, và Viện Đại học Vạn Hạnh).


Năm đầu tiên đó có 985 sinh viên ghi danh học với viện trưởng là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, đến năm 1969-70 thì số sinh viên tăng lên thành 2.694 dưới sự hướng dẫn của 192 giáo sư, viện đại học có ba khuôn viên, trụ sở chính ở công trường Hòa Bình trong thành phố, một số phân khoa đặt ở Cái Răng và khuôn viên thứ ba ở Cái Khế, trong Tết Mậu Thân 1968 Công trường Hòa Bình gồm thư viện, giảng đường và phòng thí nghiệm khoa học trong tỉnh bị quân cộng sản bắc việt tiến chiếm và phá hủy nặng nề (.....) Nhưng sau đó đã được tái thiết nhanh chóng trở lại.



Viện Đại học Cần Thơ là Viện Đại Học đầu tiên được Việt Nam Cộng Hòa quy định tín chỉ đầu tiên và duy nhất ở trước năm 1975, bắt đầu từ niên khóa 1970 – 1971 chứng chỉ (certificat) được thay bằng tín chỉ (credit), vốn tính theo số giờ học trong suốt học trình bốn năm, mỗi 30 giờ giảng dạy về lý thuyết là một tín chỉ lý thuyết, một tín chỉ thực tập gồm 2,5 giờ mỗi tuần trong phòng thí nghiệm trong niên khóa. Văn bằng cử nhân giáo khoa đòi hỏi trong 60 tín chỉ phải có 5/6 là tín chỉ bắt buộc, 1/6 còn lại thì được tùy ý lựa chọn. Cử nhân tự do chỉ cần có đủ 60 tín chỉ.


Viện Đại học Cần Thơ tọa lạc trên 4 địa điểm:

- Tòa nhà Viện trưởng: là nơi tập trung về hành chính của viện đại học.
- Khu I: diện tích hơn 5 ha là khu nhà ở, lưu trú xá nữ sinh viên, Trường Trung học Kiểu mẫu, Trường -  Cao Đẳng Nông Nghiệp và nơi làm việc của các phân khoa.
- Khu II: diện tích 87 ha, là khu nhà học chính của viện đại học.
- Khu III: diện tích 0,65 ha, là cơ sở đào tạo đầu tiên gồm khoa Khoa Học và Thư Viện.

(Đại Học Cần Thơ 1969)

Kim Oanh Sưu tầm



Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Trưởng Nguyễn Văn Thuất, Người Vẫn Giữ Ngọn Lửa Hướng Đạo Cháy Sáng

  
Diễn hành của thiếu nhi tại Children’s Festival Sydney năm 2015. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Cách đây một tháng, khi Nữ Hoàng Elizabeth II kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 tại lâu đài Windsor, Berkshire, Anh, thì hôm đó cũng là ngày chính quyền Úc công bố danh sách những người được vinh danh vì đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước này.

Ông Nguyễn Văn Thuất, một trưởng Hướng Đạo, cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, vinh hạnh có tên trong danh sách ấy.

“Khi phần thưởng tinh thần này – Huân Chương ‘Member of the Order of Australia’ (AM) – được chính thức công bố, chẳng những riêng cá nhân tôi mà những bạn hữu cùng làm việc chung, người Việt cũng như người thuộc nhiều cộng đồng văn hóa khác, đều hân hoan,” ông Thuất thổ lộ cảm xúc của mình với nhật báo Người Việt.

 
Ban Chấp Hành Children’s Festival Organisation Inc có những người nòng cốt mà trưởng Thuất (thứ năm từ phải) làm việc chung. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

“Phần thưởng tinh thần này cũng đồng thời xác nhận những gì chúng tôi đã và vẫn đang làm trong hơn hai thập niên qua, ít nhiều mang lại kết quả tốt, có ích lợi cho cộng đồng và xã hội,” ông cho biết tiếp.

Ông Nguyễn Văn Thuất được nhận huân chương cao quý này với lời tuyên dương “Vì sự phục vụ cho cộng đồng đa văn hóa của New South Wales, và cho giới trẻ.”

Nhưng đây không phải là huân chương đầu tiên ông Thuất được nhận. Vào dịp Quốc Khánh Úc năm 2007, ông được tặng Huân Chương “Order of Australia Medal” (OAM).

OAM là bậc thấp hơn AM mà ông được nhận lần này.

Ông Thuất giải thích, tại Úc, huân chương quốc gia ghi nhận sự đóng góp quan trọng của một người vào thời gian trước đó. Nếu người ấy tiếp tục phục vụ nước Úc và có những đóng góp lớn lao, nổi bật hơn, thì sau một thời gian, thường vào khoảng 10 năm, sẽ được xét để nhận huân chương bậc cao hơn.

Điều này có nghĩa, những nỗ lực thiện nguyện nhằm phục vụ cho xã hội của ông Thuất là không ngừng nghỉ và ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

 
(Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Thuất, một trưởng Hướng Đạo, vừa được chính quyền Úc trao tặng Huân Chương “Member of the Order of Australia” vì có những đóng góp quan trọng cho quốc gia. 

“Hướng đạo sinh giúp ích”

Ông Thuất tâm sự: “Tôi có may mắn học được nhiều điều vô cùng hữu ích từ lúc bắt đầu tham gia sinh hoạt Hướng Đạo tại Việt Nam khi mới là cậu bé 12 tuổi.”

Một trong những điều “vô cùng hữu ích” mà ông Thuất nhắc đến là “Hướng Đạo Sinh giúp ích” và ý tưởng của Huân Tước Baden Powell, người sáng lập phong trào Hướng Đạo.

Đó là: “Phương cách tốt nhất để hưởng hạnh phúc là tạo hạnh phúc cho người khác. Gắng làm cho thế giới này tốt đẹp hơn và khi đến lượt bạn xa lìa nó, bạn sẽ ra đi trong sung sướng vì đã không bỏ phí thời giờ, mà làm được những điều tốt nhất.”

Khắc sâu trong tim ý thức “tạo hạnh phúc cho người khác,” nên ngay từ khi còn nhỏ, ông Thuất đã tham gia phục vụ cộng đồng.

Học xong trung học, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thuất ghi danh vào trường Luật và Văn Khoa. Năm sau đó, ông thi đậu khóa Đốc Sự 13 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, trường mà các thí sinh phải trải qua cuộc thi rất gay go.

Tốt nghiệp xong, hầu như ai cũng đi theo con đường hoạn lộ với các chức vụ như phó quận trưởng, trưởng ty tại tòa hành chánh tỉnh hay phó tỉnh trưởng. Nhưng khi học xong, ông Thuất lại nhận nhiệm sở tại Nha Nghiên Cứu Pháp Chế của Hạ Nghị Viện VNCH.

Vào những năm 1960, ông thường tham gia hoạt động xã hội, như Công Tác Hè năm 1965, chương trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường 1967, Ủy Ban Thanh Niên Sinh Viên Cứu Trợ Đồng Bào Bị Nạn Tết Mậu Thân 1968, và sau này là một thành viên nòng cốt trong tổ chức Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội.

Liên Đoàn Lê Lợi tại trại Lũng Nhai, Tây Đức năm 1987. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Chương trình Công Tác Hè chính là nơi thi thố tài năng của các nhóm Trầm Ca (do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang thành lập) Thanh Ca Tác Động, và phong trào Du Ca.

Ông Thuất kể, vào đầu mùa hè năm 1966, ông gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại quán cà phê Văn, gần đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn.

Kể với nhật báo Người Việt, ông nói đã “rủ rê” nhạc sĩ cùng đi giúp dựng nhà cho đồng bào tị nạn tại vùng hỏa tuyến Trung Lương và Gio Linh phải di tản về thung lũng Cam Lộ, gần Khe Sanh, Quảng Trị.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang dự trù đi một tuần vì chỉ có “nhất y nhất quởn” bộ quần áo từ Đà Lạt mang xuống Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, nhạc sĩ phải ở Cam Lộ ba tuần lễ vì không về Sài Gòn được, do đường bộ từ Đông Hà đến Quảng Trị bị đặt mìn thường xuyên tại đồng Ái Tử. Bài hát “Đường Về Công Trường” được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác trong chuyến công tác này.

Trước Tháng Tư, 1975, ông Thuất là người trực tiếp yểm trợ kỹ thuật cho các đoàn công tác Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cùng sống và làm việc với người dân tại nhiều làng mạc xa xôi, nên được đồng bào tại các địa phương này rất thương mến.

 
Trại hè Bách Hợp của chi nhánh Tây Đức tại Karben, Tây Đức, vào Tháng Bảy,1987. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

“Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi”

Năm 1981, ông Thuất vượt biên bằng thuyền và được tàu Cap-Anamur II của Đức vớt, đưa vào trại tị nạn ở Philippines. Sau đó, ông định cư tại Schwaebisch Hall, gần Stuttgart, Tây Đức.

Châm ngôn “Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi” đúng với cuộc đời của hướng đạo sinh Nguyễn Văn Thuất.

Tại vùng đất mới Schwaebisch Hall, ông thành lập Liên Đoàn Lê Lợi. Sau đó, ông trở thành trưởng phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại Tây Đức, rồi hai liên đoàn Hướng Đạo Việt Nam khác được tiếp tục thành lập tại tiểu bang Baden Wuerttemberg.

Từ năm 1991 đến 1995, ông Nguyễn Văn Thuất giữ trách nhiệm Trưởng phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại Úc. Trưởng Thuất góp phần giúp Liên Đoàn Bách Việt – Sydney hùng mạnh. Từ đó Liên Đoàn Văn Lang được thành lập vào năm 1992 và giúp nâng cao hiệu năng sinh hoạt của các đơn vị Hướng Đạo Việt Nam tại các tiểu bang khác.

 
Liên Đoàn Văn Lang – Sydney, năm 2016. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Cao điểm của sự phát triển phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại Úc có lẽ là trại họp bạn Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại Thẳng Tiến 5 vào cuối năm 1995 với sự hiện diện của Trưởng Chủ Tịch Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới và bộ Tổng Ủy Viên Hội Hướng Đạo Úc.

Hiện nay, Hướng Đạo Việt Nam tại Úc có các liên đoàn: Bách Việt, Văn Lang tại New South Wales, Trần Hưng Đạo và Phù Đổng tại Victoria, Lạc Việt tại Nam Úc, và Tráng Đoàn Trần Văn Khắc, Liên Đoàn Hoa Lư và Hải Đoàn Yết Kiêu tại Victoria.

Năm 2002-2006, ông Thuất được bầu giữ chức chủ tịch Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại. Ông từng nhiều năm có chân trong Ban Huấn Luyện Quốc Gia của Scouts Australia và hiện là cố vấn cho Scouts Australia tại phía Nam Sydney.

Ông Thuất hay nói: “Hạnh phúc ở trên đời, không phải có thật nhiều tiền, chỉ cần đủ thôi, nhưng hạnh phúc là mình làm được những điều có lợi ích chung mà mình thích.”

Từ cuộc chơi lớn của Hướng Đạo, ông áp dụng vào nhiều sinh hoạt từ nhóm Cửu Gia thân thiết ở Sydney đến sinh hoạt trong cộng đồng người Việt và làm việc với người Úc.

 
Các em thiếu nhi chuẩn bị cho diễn hành Children’s Festival Sydney năm 2018. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Người tạo dựng “sân chơi lớn” cho thiếu nhi mọi nguồn gốc văn hóa

Năm 1998, ông Nguyễn Văn Thuất điều hành Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Linda, do Cộng Đồng Người Việt Tự Do New South Wales thành lập, quyên góp được khoảng 70,000 đô la Úc để giúp đồng bào tại Việt Nam qua hội Hồng Thập Tự Úc và World Vision. Số tiền này được chính phủ Úc giúp cho tăng lên gấp đôi theo chương trình “Matching Program” trước khi sử dụng.

Góp phần giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa Việt với mọi thành phần trong xã hội, ông Nguyễn Văn Thuất đề xướng rồi đứng ra chuẩn bị, sắp xếp và điều khiển các cuộc diễn hành văn hóa và Vườn Xuân từ năm 2009 đến năm 2011 tại Hội Chợ Tết hằng năm do Cộng Đồng người Việt tại tiểu bang New South Wales tổ chức, cũng như Hội Tết do Hội Đồng Thành Phố Bankstown tổ chức từ năm 2008 đến nay.

 
Vườn Xuân giới thiệu vài nét về Tết Việt Nam tại Hội Tết Canh Tý Bankstown, ngày 18 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Năm 1999, cảm hứng từ Tết Nhi Đồng của Việt Nam và lễ hội Thiếu Nhi (Kinderfest) của Đức, ông Thuất nghĩ ra Children’s Festival cho thiếu nhi thuộc mọi nguồn gốc văn hóa. Khởi đầu Lễ Hội Nhi Đồng được tổ chức tại Bankstown rồi lan rộng đến Canterbury và Marrickville. Năm 2014, lễ hội bắt đầu được tổ chức tại trung tâm thành phố Sydney, là “sân chơi lớn” của thiếu nhi thuộc mọi sắc tộc xen lẫn với dân bản địa. Từ 2018, lễ hội này được tổ chức tại thành phố Campbelltown thuộc Macarthur Region.

Trong suốt 22 năm qua, ông Thuất cùng bạn hữu đã tổ chức thành công 35 Children’s Festival, thu hút trên 250,000 lượt người tham dự và động viên được hàng ngàn thiện nguyện viên.

 
Diễn hành văn hóa Vinh Quy Bái Tổ tại Hội Tết do Cộng Đồng Người Việt Tự Do New South Wales tổ chức ngày 7 Tháng Hai, 2009. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Trưởng Nguyễn Văn Thuất nói: “Được tham dự Children’s Festival, trước hết các em thiếu nhi cảm thấy hãnh diện là có một lễ hội riêng cho mình, được chơi nhiều trò chơi khác nhau, trình diễn văn nghệ, mặc quốc phục để giới thiệu văn hóa nguồn cội, được thi thố tài năng, làm quen với bạn mới, học hỏi từ các bạn. Niềm vui và sự hãnh diện sẽ khiến các em lạc quan hơn, hun đúc tinh thần yêu mến quốc gia mà các em đang sinh sống, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thiếu thời.”

Ông cho rằng, tất cả những niềm vui và kỷ niệm đẹp đó sẽ lưu lại lâu dài trong ký ức của các em thiếu nhi, góp phần khuyến khích các em thành người tốt, người công dân hữu dụng cho xã hội và nhắc nhở các em truyền thống làm điều tốt lành cho các thế hệ tiếp nối sau này. Tâm hồn của thiếu nhi như tờ giấy trắng, những kỷ niệm đẹp đẽ có được vào giai đoạn này sẽ ghi đậm nét vào tâm hồn trong trắng của các em và sẽ phần nào ảnh hưởng đến cách hành xử của các em trong tương lai.
Ngoài ra, Children’s Festival còn tạo cơ hội cho phụ huynh các em được thưởng thức những nét hay đẹp của các cộng đồng văn hóa khác, rồi từ đó, sẽ dễ cảm thông và chung sống hài hòa với nhau hơn  trong nước Úc đa văn hóa. 

Children’s Festival tại Campbelltown năm 2018. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Kỷ niệm với Người Việt

Ngoài hai huân chương AM và OAM, ông Nguyễn Văn Thuất còn được Hướng Đạo Úc tặng huy chương Silver Wattle và Silver Arrowhead. Riêng Hướng Đạo Việt Nam hải ngoại đã tặng Trưởng Nguyễn Văn Thuất huân chương cao quý nhất của phong trào là “Huân Chương Bắc Đẩu.” Thành phố Bankstown, nơi gia đình ông cư trú, cũng chọn ông làm Công Dân Gương Mẫu năm 2005 (Bankstown Citizen of the Year, 2005).

Ở tuổi “bát thập đắc hi hỉ,” đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay, nên Trưởng Nguyễn Văn Thuất có thêm thời giờ hơn cho các việc thiện nguyện mà ông muốn làm. Như lời ông nói: “Các con cháu chúng tôi đều ở tại Sydney và rất ủng hộ việc giúp ích xã hội của tôi. Tôi rất vui vì có nhiều bạn tốt đủ mọi lứa tuổi thuộc nhiều thành phần xã hội, người gốc Việt hoặc từ các nguồn văn hóa khác, làm được một số việc mà mình muốn làm và thấy có kết quả.”

Chúng tôi hỏi ông về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời Hướng Đạo sinh, ông nói: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhất là trong cuộc đời lưu lạc của mình. Tất cả những kỷ niệm đều đáng nhớ, đều đáng trân quý, tùy theo thời gian và không gian mà một kỷ niệm nào đó ‘lâm thời’ trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất.”

Quả thật, không giấy mực nào có thể chuyển tải hết những “kỷ niệm đáng nhớ” của ông – một bậc trưởng lão trong Hướng Đạo và hầu như suốt cuộc đời cho đến tận bây giờ, chỉ biết phục vụ và đem niềm vui đến cho mọi người

 
Triển lãm nhạc khí cổ truyền (có cả đàn đá) tại Lễ Hội Văn Hóa năm 2015. (Hình: Nguyễn Văn Thuất cung cấp)

Nhưng qua trao đổi với chúng tôi, ông Thuất lại nhắc về kỷ niệm với nhật báo Người Việt.

“Người Việt là nơi tôi có nhiều bạn quý cùng làm việc chung vào cuối thập niên 1960 tại Sài Gòn,” ông cho biết. “Rất nhiều kỷ niệm với các anh Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Đại Lộc, Hà Tường Cát, Đoàn Thanh Liêm, Đỗ Quý Toàn… ”

“Tôi có đến thăm trụ sở báo Người Việt lần đầu vào năm 1988, lúc còn ngụ tại Tây Đức và nhiều lần sau nữa mỗi khi tôi sang Hoa Kỳ tham dự trại họp bạn của Hướng Đạo Việt Nam. Tôi cũng ước mong sẽ còn có dịp trở lại thăm Người Việt, nếu tình hình sức khỏe cho phép.” [đ.d.]

(Thái Lan chuyển Bài)

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh, Phu Nhân của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Đã Qua Đời

 

Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh
Phu Nhân của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
. Sinh 1931
. Tại Mỹ Tho, Định Tường,
. Chúa gọi về 15 tháng 10, 2021
. Tại Nam California, Hoa Kỳ
. Hưởng thọ: 90 tuổi

Con cái:
. Trưởng Nữ Nguyễn Thị Tuấn Anh
. Trưởng Nam Nguyễn Quang Lộc
. Thứ Nam Nguyễn Thiệu Long

***

Sinh Hoạt Của Bà Nguyễn Thị Mai Anh (Đệ Nhất Phu Nhân Tống Thống Nguyễn Văn Thiệu)

 
Hai vợ chồng tổng thống Thiệu đến thăm Mỹ và tại Washington DC ngày 07/04/1973.





Ngày 17/3/1971, bà Thiệu đến thăm trong buổi khánh thành thư viện trường Quốc gia nghĩa tử.


Trong ngày tưởng niệm Hai bà Trưng ở Sài Gòn năm 1972.
Bà thường tham gia nhiều hoạt động xã hội, ví như (từ trên xuống): thăm trẻ em nạn nhân chiến tranh bị mồ côi, tham gia khoá cấp cứu dành cho các phu nhân nội các, hiến máu nhân đạo...

Ngày 10/7/1968, TT Thiệu và phu nhân thăm Hàng không mẫu hạm USS Constellation (CVA-64) trên biển Đông.

Kim Oanh Sưu Tầm từ Internet

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Kim Phượng - Một Thời Để Nhớ

(Kim Hiệp 3 tuổi núp sau lưng, Kim Phượng năm tuổi bồng Kim Hội 1 tuổi- Giồng Ké 1955)

Hiệp Thành là tiệm chụp hình của gia đình, ở Giồng Ké và Kim Phượng được làm người mẫu cho cậu Năm, cậu thử máy ảnh do ba mới mua, và chiếc áo má may.


Hình Ảnh: Kim Phượng